Trong năm 2024, nhiều nghiên cứu mới cũng như các tài liệu học thuật được chọn lọc từ giới chuyên gia quốc tế đã được đăng tải trên Nghiên cứu Chiến lược. Sự đa dạng về nội dung cũng như cách tiếp cận các vấn đề quốc tế trở thành một trong nhiều lý do giúp cộng đồng Nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề quốc tế không ngừng phát triển. Đồng thời, sự quan tâm của các độc giả, các học giả, chuyên gia đối với các chủ đề nghiên cứu trên Nghiên cứu Chiến lược, phần nào đã phản ánh một thực tế phát triển của tình hình thế giới trong năm qua. Cùng điểm lại một số vấn đề đã đăng tải trên Nghiên cứu Chiến lược, được cộng đồng học thuật quan tâm đặc biệt trong năm vừa qua:
Tâm lý lo ngại xung đột toàn cầu mất kiểm soát gia tăng
Sự quan tâm của cộng đồng độc giả đối với bài viết “Châu Á – ‘thùng thuốc súng’ của Chiến tranh thế giới thứ ba” đã cho thấy nhiều điều về vấn đề này. Với sự gia tăng căng thẳng giữa các siêu cường trên thế giới, cùng với sự phức tạp của các điểm nóng xung đột đương đại, “bóng ma” Chiến tranh Lạnh từng ám ảnh thế giới trong nửa cuối thế kỷ XX đã và đang quay trở lại, đặc biệt tại hai mặt trận chiến lược Châu Âu – Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Xu hướng liên minh hóa đang gia tăng xung quanh hai mặt trận lớn này.
Trong khi tình hình xung đột và cấu trúc lực lượng ở châu Âu đã tương đối ổn định, mặt trận Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà đặc biệt là khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang có sự xáo trộn đặc biệt lớn với xu hướng phát triển các liên kết tiểu đa phương mới. Cấu trúc lực lượng ở khu vực này đang thay đổi nhanh chóng. Sự thay đổi này kéo theo những lo ngại rằng, chính châu Á đang là một điểm nóng nhạy cảm, có khả năng cao bùng phát xung đột quy mô lớn. Nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc khu vực này chưa có những cấu trúc quyền lực ổn định như châu Âu – Đại Tây Dương.
Mặt khác, châu Á cũng đang là địa bàn diễn ra các va chạm đa dạng trên nhiều không gian tác chiến, từ các va chạm trên các không gian truyền thống cho tới các không gian phi truyền thống như không gian mạng, không gian điện từ, không gian vũ trụ… cùng sự cạnh tranh gay gắt trên mọi lĩnh vực, mọi phương diện khác. Trung tâm của cuộc cạnh tranh lớn nằm ở cuộc đua giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các điểm nóng khủng hoảng ở Đông Nam Á tạo ra nhiều mối lo ngại
Đông Nam Á với vị trí là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang trở thành một trong những tâm điểm trong cấu trúc cạnh tranh quyền lực đương đại. Điều đó phần nào lý giải được sự xuất hiện và duy trì trạng thái căng thẳng tại hai điểm nóng: Biển Đông và Myanmar.
Ở Biển Đông, mâu thuẫn chính đang biểu hiện giữa Trung Quốc và Philippines. Nhưng đằng sau đó vẫn là câu chuyện cạnh tranh chiến lược giữa hai nhân vật lớn: Mỹ – Trung Quốc. Dù dư luận có thể cố gắng hướng mâu thuẫn này về câu chuyện tranh chấp chủ quyền, nhưng điều đó khó có thể giải thích đầy đủ được tham vọng và thực tiễn gia tăng hiện diện của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông. Căng thẳng trên Biển Đông thực tế đã mở rộng trên nhiều lĩnh vực, không chỉ biểu hiện bằng các va chạm trên thực địa đơn thuần. Ví dụ, bài viết “Một số vấn đề về việc Trung Quốc tuyên bố xác lập “đường cơ sở ở Vịnh Bắc Bộ” đã cho thấy cuộc cạnh tranh đã trở nên căng thẳng, gay gắt hơn trên lĩnh vực pháp lý. Bài viết này nhanh chóng thu hút sự quan tâm lớn của độc giả là một minh chứng rõ nét.
Trong khi đó, Myanmar – tâm điểm xung đột trong lòng Đông Nam Á lục địa vẫn đang diễn ra một cuộc nội chiến phức tạp, vốn đã kéo dài kể từ khủng hoảng từ năm 2021 đến nay. Thời gian qua, chiến trường Myanmar đã có nhiều diễn biến mới, quân đội nước này dần rơi vào tình thế buộc phải thừa nhận sự gia tăng phạm vi kiểm soát của các lực lượng vũ trang đối lập. Họ dần bị co cụm lại về các thành phố, đồng bằng trung tâm. Vùng biên giới phần lớn đã bị kiểm soát bởi các lực lượng đối lập. Cục diện xung đột ở Myanmar hiện tại tương đối cân bằng, không thực sự có sự chênh lệch, chiếm ưu thế tuyệt đối của bất cứ bên nào. Điều đó khiến cuộc chiến này có nguy cơ kéo dài, kéo theo khả năng can thiệp từ bên ngoài. Đây là một thách thức lớn đối với tương lai hòa bình ở quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời cũng là một thách thức đối với vai trò trung tâm của ASEAN đối với các vấn đề an ninh, chính trị và quốc phòng ở khu vực.
Trật tự thế giới đang thay đổi, vai trò của Liên Hợp Quốc trong trật tự đương đại đang suy giảm
Một số bài viết trên Nghiên cứu Chiến lược như: “Vai trò giải quyết khủng hoảng quốc tế của Liên Hợp Quốc từ xung đột Nga – Ukraine đến nay và dự báo những năm tiếp theo” và “Sự bất lực của Liên Hợp Quốc ở Dải Gaza” đã thu hút sự quan tâm theo dõi của một lượng lớn độc giả. Các nội dung được đề cập của các bài viết này đã cho thấy một thực tế rằng, Liên Hợp Quốc đang bị suy yếu một cách nghiêm trọng khi tổ chức này không còn đủ khả năng đem lại hòa bình, ổn định, giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trên thế giới.
Cuộc chiến tại Ukraine và tình hình chiến sự ở Gaza rõ ràng là những thách thức về mặt quân sự đáng kể nhất trong năm 2024. Các cuộc chiến này có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp với rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức khu vực, quốc tế. Với vai trò là tổ chức quốc tế bao trùm toàn cầu, nhưng Liên Hợp Quốc đã không làm được những điều mà hầu hết các quốc gia kỳ vọng. Đó là thiết lập lại hòa bình, giải quyết các mâu thuẫn lợi ích giữa các bên. Thực tiễn suy yếu của Liên Hợp Quốc đã và đang trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy hai quá trình lớn.
Một là, các quốc gia, đặc biệt là các nước lớn đang tích cực đàm phán cải tổ tổ chức này theo hướng mở rộng, công nhận tiếng nói của nhiều chủ thể quan trọng khác trong hệ thống quốc tế đương đại.
Hai là, một số ít cường quốc đang cố gắng thiết lập một trật tự thế giới mới, xây dựng và mở rộng các tổ chức quốc tế hoàn toàn mới, có khả năng giải quyết được những khía cạnh hẹp mà các quốc gia thành viên mong muốn trong bối cảnh họ xác định rằng, đó là điều mà Liên Hợp Quốc không thể làm được.
Cho dù xu thế nào sẽ đạt được thành công cuối cùng trong tương lai sắp tới, thì hệ quả của nó vẫn là sự xuất hiện của một trật tự thế giới mới.
Trung Quốc tiếp tục vươn mình ra toàn cầu
Sự vươn mình của Trung Quốc đang được thể hiện ở cả hai khía cạnh sức mạnh cứng và sức mạnh mềm.
Bài viết “Black Myth: Wukong và sức mạnh mềm của Trung Quốc – bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam” khi được xuất bản đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Hơn cả một trò chơi, Black Myth: Wukong đã phản ánh sức hút mạnh mẽ của nền văn hóa Trung Hoa. Và tất nhiên, đây chỉ là một trong số vô vàn cách thức mở rộng ảnh hưởng của sức mạnh mềm Trung Quốc.
Tiếp đó, bằng tiềm lực kinh tế mạnh mẽ và sự ổn định của các sáng kiến chiến lược của Trung Quốc, sự ảnh hưởng về kinh tế của Bắc Kinh đối với thế giới ngày càng gia tăng. Gần như toàn bộ các khu vực ngoại vi của Trung Quốc như Đông Nam Á, Trung – Bắc Á, Trung Đông… đều ngày càng thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc hơn. Ví dụ, bài viết “Ảnh hưởng của Trung Quốc ở Lào và tác động đối với Việt Nam” hay “Đông Nam Á trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc”, “Thực tiễn và triển vọng của Sáng kiến Vành đai, Con đường ở Đông Nam Á” và nhiều bài viết khác đã mô tả phần nào đó tầm ảnh hưởng sâu sắc của Trung Quốc đối với các nền kinh tế lân cận phía Nam quốc gia này.
Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc đã gia tăng ảnh hưởng ở nhiều khía cạnh khá mới mẻ. Họ trở thành trung gian hòa giải lớn ở khu vực Trung Đông, điều này đặc biệt ở chỗ, nó tạo ra một hướng đi mới so với cách thức gây ảnh hưởng bằng kinh tế vốn có của quốc gia này. Dưới tác động của Trung Quốc, cấu trúc xung đột ở Trung Đông đã không còn là câu chuyện đối đầu giữa các nhóm Hồi giáo. Thay vào đó, mâu thuẫn chính, lớn nhất còn lại ở khu vực này là xung đột giữa lực lượng của người Do Thái và phần còn lại của thế giới Hồi giáo Trung Đông.
Rõ ràng, đã qua giai đoạn Trung Quốc chỉ mở rộng ảnh hưởng bằng kinh tế, họ đã đẩy nhanh quá trình vươn ra toàn cầu trên các lĩnh vực, các cách tiếp cận khác. Cần nhớ rằng, điều này có cơ sở quan trọng từ các sáng kiến chiến lược của Bắc Kinh, như: Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Văn minh Toàn cầu… Tất cả đều thể hiện những bước tiếp cận rất khác biệt của Trung Quốc so với cách tiếp cận mà phương Tây đã từng thực hiện.
Mỹ đẩy mạnh quá trình can thiệp vào mặt trận chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung đang trở thành một điều hiển nhiên trong trật tự thế giới đương đại. Không cường quốc nào chịu lép vế so với đối thủ của mình trong quá trình bành trướng thế lực ra toàn cầu. Trong khi Trung Quốc mở rộng toàn diện khắp các khu vực trên toàn cầu, Mỹ đã lựa chọn tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bất chấp những lời cảnh báo của cố chiến lược gia kỳ cựu Henry Kissinger. Ông cho rằng, Mỹ đã phạm phải một sai lầm chiến lược khi cùng lúc mở hai mặt trận lớn: Châu Âu – Đại Tây Dương nhằm chống Nga và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên, cộng đồng chiến lược gia thuộc thế hệ trẻ hơn của nước Mỹ đương đại đang chứng minh lựa chọn chiến lược mới của họ là có cơ sở. Mặc dù vẫn trực tiếp gia tăng ảnh hưởng tại các khu vực này, đáng chú ý là việc Mỹ gia tăng số lượng căn cứ quân sự ở quần đảo Philippines, tuy nhiên, Mỹ đã lôi kéo thành công các đồng minh của họ tham gia vào chiến lược lớn nhằm vào Trung Quốc. Các đồng minh này được Washington kỳ vọng sẽ đủ sức đảm đương các tham vọng chiến lược của Mỹ. Rõ ràng, các chiến lược gia trẻ của Mỹ đang đặt cược vào việc, Mỹ có thể chiến thắng bằng chính lực lượng và “nhiệt huyết” của các đồng minh. Đó là một bài toán có lợi đối với Mỹ, nhưng có thể sẽ đưa đồng minh vào tình thế có nhiều rủi ro.
Loạt bài viết “Xu hướng và triển vọng trong hợp tác an ninh tiểu đa phương ở Ấn Độ Dương” hay “Tương lai các liên kết tiểu đa phương ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi Donald Trump trở lại chính trường”, “Khả năng hình thành các liên kết tiểu đa phương mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” và nhiều bài viết tiêu điểm khác đã phần nào làm rõ được xu hướng chiến lược của Mỹ ở khu vực liên hai đại dương này.
Bầu cử Tổng thống Mỹ, các vấn đề toàn cầu đang chờ đợi các điều chỉnh chính sách từ ông Donald Trump
Cuối cùng, trong năm được coi là bầu cử toàn cầu, tâm điểm vẫn được dư luận quốc tế đổ dồn về cuộc bầu cử đặc biệt ở Mỹ. Chiến thắng cuối cùng đã được xác định thuộc về ông Donald Trump, người từng một lần giữ cương vị Tổng thống nước Mỹ.
Điều cần lưu ý rằng, Donald Trump là một người tiên phong biến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trở thành một đại chiến lược thu hút sự tham gia đông đảo của hàng chục quốc gia (phần lớn là phương Tây và các nước thân phương Tây). Hay chính vị Tỉ phú này cũng đã khởi xướng nhiều chính sách cứng rắn về kinh tế nhằm đưa nước Mỹ “vĩ đại trở lại”. Ông cũng đã không ngần ngại tuyên bố, mình sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách như lần cầm quyền thứ nhất. Điều đó sẽ khiến Donald Trump trong lần thứ hai cầm quyền không mất quá nhiều thời gian để định hình lại chiến lược của nước Mỹ. Thế giới sẽ nhanh chóng thấy những động thái quyết liệt mới từ phía vị Tỉ phú này.
Nhìn lại quá trình tranh cử, đã có nhiều tín hiệu làm cơ sở cho việc dự báo Donald Trump trở lại Nhà trắng. Đặc biệt, các vụ “ám sát hụt” nhằm vào ông càng làm cho dư luận tin tưởng hơn vào kết quả dự báo. Tuy nhiên, sự chiến thắng một cách dễ dàng của ông Trump vẫn là một điều ít nhiều tạo ra sự bất ngờ. Các bài viết liên quan đến chính sách của Donald Trump hay kết quả của cuộc bầu cử đều tạo ra được sức hút mạnh mẽ đối với dư luận. Sự tương tác thường xuyên của độc giả đối với chủ đề này đã cho thấy sức hút đặc biệt của cuộc bầu cử có tầm ảnh hưởng lớn nhất hành tinh trong năm 2024.
Thời đại AI – thời cơ và thách thức mới đối với lịch sử nhân loại
Xu hướng phát triển của khoa học công nghệ trong thế giới đương đại đang được đổ dồn vào AI. Trí tuệ nhân tạo trong thập niên vừa qua đã được phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Sự hoàn thiện về năng lực công nghệ và “Big Data” đang khiến các AI ngày càng trở nên mạnh hơn, thông minh hơn. Thậm chí, giới học giả đã có dự báo về sự xuất hiện của “Siêu trí tuệ”. Tất nhiên, ở thời điểm năm 2024, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức độ phỏng đoán. Nhưng rõ ràng, trí tuệ nhân tạo đã có những ưu thế vượt qua con người thông thường.
Trong năm 2024, nhiều bài viết được xuất bản về AI trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ kinh tế số cho tới an ninh, quốc phòng. Ví dụ: “Tương lai AI: Thách thức lớn đối với an ninh tâm lý từ việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cho mục đích xấu”, “Thực tiễn quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo cho robot quân sự của Nga”, “Chiến tranh và hòa bình trong thời đại trí tuệ nhân tạo”, “Trí tuệ nhân tạo có tạo ra một cuộc cách mạng kinh tế mới?” và số lượng rất đa dạng các bài viết khác về AI trên Nghiên cứu Chiến lược đang cho thấy một xu hướng không thể đảo ngược về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.
Chúng đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên tất cả các lĩnh vực và các cường quốc đang biến AI trở thành công cụ then chốt trong cuộc đua tranh chiến lược của họ. Thậm chí, cuộc đua tranh lớn cũng diễn ra giữa các tập đoàn kinh tế lớn. Nhiều phiên bản AI khác nhau liên tục được cho ra mắt và cập nhật nhiều khả năng mới. AI từng bước thay thế con người ở nhiều công việc có tính phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, nhân loại đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mới, nhưng không có nghĩa là AI không mang lại những cơ hội. Đối với từng vấn đề cụ thể, thách thức hay cơ hội vẫn còn tùy thuộc vào mục đích phát triển của nhóm người tạo ra chúng.
Những vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng độc giả mặc dù phản ánh những khía cạnh khác nhau, dường như thể hiện xu thế căng thẳng, bất định gia tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thế giới đang vận hành theo một cách hoàn toàn tiêu cực. Hợp tác cùng phát triển vẫn tồn tại song hành cùng với xu thế căng thẳng. Bước sang năm 2025, một năm có nhiều ý nghĩa với nhiều ngày kỷ niệm lịch sử quan trọng đối với Việt Nam cũng như thế giới. Hi vọng rằng, hệ thống quốc tế sẽ duy trì được tính ổn định, từng bước tháo gỡ các nút thắt căng thẳng, giảm thiểu nguy cơ xung đột, chiến tranh. Tuy nhiên, điều này còn cần phải chờ quyết tâm cũng như ý chí của chính những người chơi thực sự trên bàn cờ chiến lược đương đại./.
Ban Biên tập