Diễn đàn Bắc Cực quốc tế lần thứ VI “Bắc Cực – Lãnh thổ đối thoại” đã được tổ chức tại Murmansk vào ngày 26-27 tháng 3. Đơn vị tổ chức là Quỹ Roscongress với sự hỗ trợ của Chính phủ Liên bang Nga.
Tại Diễn đàn năm nay, có khoảng 1.300 đại biểu và đại diện truyền thông từ 21 quốc gia, cùng khoảng 230 đại diện doanh nghiệp Nga và nước ngoài từ hơn 110 công ty tham dự. Chương trình nghị sự bao gồm 20 sự kiện với hơn 150 diễn giả. Điều này đã cho thấy tính quốc tế và có ý nghĩa quan trọng của Diễn đàn. Tại phiên họp toàn thể, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã đưa ra một số quyết định mang tính nguyên tắc đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của Bắc Cực. Phó Thủ tướng Nga – Đại diện Toàn quyền của Tổng thống Nga tại Vùng Liên bang Viễn Đông, ông Yuri Trutnev, nhấn mạnh: “Đánh giá quan trọng nhất của Diễn đàn Bắc Cực là thảo luận về các vấn đề cấp bách mà Chính phủ Nga, các Bộ liên bang và các khu vực cần giải quyết chung để đảm bảo hoạt động thành công của các doanh nghiệp, nâng cao đời sống người dân và hỗ trợ các vùng lãnh thổ nói chung”. Diễn đàn là nơi đối thoại quốc tế về các vấn đề như phát triển tuyến đường biển phương Bắc, tăng cường tiềm năng đầu tư và kinh doanh của khu vực Bắc Cực, cũng như các vấn đề môi trường, hợp tác nhân đạo và văn hóa. Diễn đàn Bắc Cực 2025 tại Murmansk không chỉ là cơ hội để Nga khẳng định vị thế lãnh đạo ở vùng cực Bắc, mà còn đặt ra những bài toán về phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt.
Bối cảnh và quy mô: Một diễn đàn mang tầm lịch sử
Cố vấn Tổng thống Nga, Thư ký điều hành Ban Tổ chức Diễn đàn Bắc Cực 2025 Anton Kobyakov cho biết: “Hiện tại, Bắc Cực đang trở thành khu vực của những cơ hội cho toàn bộ nước Nga. Việc phát triển tuyến đường biển phương Bắc như là động mạch giao thông chính của Bắc Cực và xây dựng các tuyến đường sắt mới tới các cảng phía Bắc sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa cho toàn quốc”. Một trong những chủ đề trung tâm của Diễn đàn là thảo luận chính sách quốc gia tại Bắc Cực, nhằm phát triển toàn diện vùng Cực Bắc và nâng cao phúc lợi của cư dân khu vực. Bộ trưởng Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực, ông Alexei Chekunkov, nhấn mạnh: “Cần hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ nhà nước để tăng tốc phát triển vùng, thực hiện các dự án đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Chương trình nghị sự bao gồm 20 phiên thảo luận chia thành bốn khối chủ đề: “Bắc Cực và Tuyến đường biển phương Bắc: Làm thế nào để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh các tuyến đường toàn cầu”, “Bắc Cực và Tuyến đường biển phương Bắc: Trung tâm thu hút đầu tư”, “Bắc Cực và Tuyến đường biển phương Bắc: Phát triển các điểm dân cư trọng yếu” và “Hợp tác quốc tế và vấn đề sinh thái”. Phiên họp chung của các ủy ban Hội đồng Nhà nước Nga về phát triển Bắc Cực và Tuyến đường biển phương Bắc có sự tham gia của năm ủy ban – “Tuyến đường biển phương Bắc và Bắc Cực”, “Hợp tác quốc tế và xuất khẩu”, “Năng lượng”, “Thanh niên và trẻ em”, “Hệ thống giao thông hiệu quả”. Lần đầu tiên, Diễn đàn tổ chức phiên đặc biệt về vai trò của phụ nữ trong phát triển các khu vực phía Bắc với tên gọi “Phòng khách Bắc Cực”.
Sự kiện quan trọng của Diễn đàn là phiên họp toàn thể có sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin. “Phát triển miền Bắc nước Nga, vượt qua những thách thức của thiên nhiên khắc nghiệt, tiến vào những biên giới mới đầy hứa hẹn – những nhiệm vụ này đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ tổ tiên của chúng ta: những thủy thủ và thương nhân Novgorod thời Trung cổ, những người tiên phong ở Bắc Cực vào thế kỷ 16 và 17, những nhà công nghiệp vào thế kỷ 18 và 19, các nhà khoa học, nhà thám hiểm vùng cực, kỹ sư, công nhân Liên Xô, các nhóm công ty ở nước Nga hiện đại, những người đã khởi động các dự án lớn ở Bắc Cực vào đầu những năm 2000. Và ngày nay, hướng phát triển phía Bắc đang ở vị trí hàng đầu và là sự lựa chọn có chủ quyền, mang tính lịch sử của chúng ta. Điều này có nghĩa là các nhiệm vụ mà chúng ta đặt ra và giải quyết ở Bắc Cực, các dự án mà chúng ta triển khai ở đây phải có quy mô lịch sử phù hợp, với kỳ vọng kéo dài hàng thập kỷ, thậm chí có thể là hàng thế kỷ. Chúng ta sẽ làm mọi cách để củng cố vị thế lãnh đạo toàn cầu của Nga ở Bắc Cực và bất chấp mọi khó khăn và phức tạp hiện tại, chúng ta sẽ đảm bảo sự phát triển toàn diện của khu vực này và tạo nền tảng vững chắc cho các thế hệ tương lai”, ông Putin lưu ý.
Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 1.300 đại biểu và đại diện truyền thông từ 21 quốc gia, bao gồm Nga, Argentina, Anh, Venezuela, Việt Nam, Đức, Ấn Độ, Kazakhstan, Qatar, Trung Quốc, UAE, Belarus, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Serbia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Pháp, Thụy Sĩ, Nhật Bản. Diễn đàn còn có sự tham dự của Phó Chánh văn phòng Tổng thống Maxim Oreshkin; Cố vấn của Tổng thống, Đại diện đặc biệt của Tổng thống về Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Giao thông vận tải Igor Levitin; Trợ lý Tổng thống Alexey Dyumin; Trợ lý Tổng thống Nikolai Patrushev; Cố vấn của Tổng thống Anton Kobyakov, Phó Thủ tướng Vitaly Savelyev và Phó Thủ tướng – Đại diện toàn quyền của Tổng thống tại Khu vực Viễn Đông Yuri Trutnev, Đại diện toàn quyền của Tổng thống tại Khu vực Tây Bắc Alexander Gutsan, Đại diện toàn quyền của Tổng thống tại Khu vực Siberia Anatoly Seryshev, Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực Alexey Chekunkov và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Anton Alikhanov.
Trong số những người tham dự Diễn đàn có: 7 người đứng đầu các cơ quan và dịch vụ liên bang, 10 người đứng đầu các đơn vị cấu thành của Liên bang Nga.
Chủ tịch Ủy ban các quan chức cấp cao về Bắc Cực, nhà ngoại giao Na Uy Morten Höglund, đã có bài phát biểu trước những người tham dự Diễn đàn bằng một thông điệp video. Ngoài ra, địa điểm diễn ra Diễn đàn còn có sự tham dự của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc Do Hoon Lee. Diễn đàn quy tụ khoảng 230 đại diện doanh nghiệp Nga và nước ngoài từ hơn 110 công ty. Diễn đàn có sự tham dự của 305 đại diện truyền thông từ Nga và 9 quốc gia khác là Anh, Venezuela, Việt Nam, Đức, Qatar, Serbia, Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Pháp. Từ những thảo luận mang tính vĩ mô, Diễn đàn đã chứng kiến những cam kết cụ thể thông qua hàng loạt thỏa thuận được ký kết.
Những thỏa thuận đột phá: Từ lý thuyết đến hành động
Tại Diễn đàn Bắc Cực Quốc tế 2025, 9 thỏa thuận đã được ký kết, bao gồm
– Công ty Rosseti Tây Bắc, Trung tâm Khoa học – Kỹ thuật Rosseti và Đại học Kiến trúc và Kỹ thuật Xây dựng Nhà nước Novosibirsk đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược;
– Công ty Cổ phần Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực đã ký thỏa thuận về tương tác thông tin với Hiệp hội các công ty lữ hành của Nga, cũng như với Công ty Cổ phần Arsenal về hợp tác khai thác và làm giàu quặng kim loại quý hiếm tại tỉnh Murmansk trong khuôn khổ dự án Kulyok – Đất hiếm với tổng vốn đầu tư 10 tỷ rúp;
– Cơ quan Liên bang về các vấn đề dân tộc và Công ty khai thác và luyện kim niken Norilsk đã ký một thỏa thuận hợp tác bổ sung;
– Thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Chính phủ Cộng hòa Karelia và Vodohod LLC;
– Bộ Quan hệ Tài sản tỉnh Murmansk và công ty luật công Roskadastr đã ký một thỏa thuận về việc thực hiện dự án thí điểm “Sự tham gia của các đối tượng bất động sản vào lưu thông kinh tế tại Murmansk”;
– Chính quyền tỉnh Murmansk và công ty Avito đã ký kết thỏa thuận hợp tác;
– Chính quyền tỉnh Murmansk, Ngân hàng Sberbank của Nga và Trung tâm nghiên cứu y khoa quốc gia Almazov đã ký thỏa thuận hợp tác;
– Chính quyền Vùng Arkhangelsk và Trung tâm Tình nguyện Thống nhất tỉnh Murmansk đã ký một thỏa thuận hợp tác trong việc phát triển phong trào tình nguyện và tăng cường hợp tác tại các khu vực thuộc vùng Bắc Cực, mở rộng các hoạt động hỗ trợ vợ của quân nhân trong Hạm đội Phương Bắc.
Song hành với kinh tế, văn hóa và thể thao cũng trở thành cầu nối quảng bá sức mạnh mềm của Bắc Cực.
Văn hóa – thể thao: Gắn kết cộng đồng, quảng bá hình ảnh
Chương trình thể thao bao gồm 8 nội dung thi đấu. Đại diện toàn quyền của Tổng thống Nga tại vùng Tây Bắc Alexander Gutsan và Thống đốc tỉnh Murmansk Andrei Chibis đã tham dự sự kiện lễ kỷ niệm Lễ hội phương Bắc lần thứ 90. Chương trình thi đấu kéo dài đến giữa tháng 4, bao gồm trượt tuyết. trượt băng, biathlon, trượt băng tốc độ, trượt tuyết đổ đèo, và các môn khác. Trong khuôn khổ Diễn đàn, lễ hội thể thao, sức khỏe và sức mạnh Arctic Mosaic đã được tổ chức, sẽ được tổ chức hàng năm tại các khu vực khác nhau của vùng Bắc Cực. Dưới sự bảo trợ của Liên đoàn Bắc Cực Quốc tế, Đại hội Thể thao Bắc Cực toàn Nga lần thứ IV đã được tổ chức tại Salekhard và Labytnangi, chương trình bao gồm 9 môn thể thao. Sự kiện cuối cùng và lớn nhất của chương trình thể thao là Giải trượt tuyết marathon Murmansk lần thứ 51. Vào ngày 29 và 30 tháng 3, 2500 vận động viên sẽ vào vạch xuất phát của các cuộc đua 25 và 50 km tại khu liên hợp thể thao Dolina Uyuta. Những người tham gia cuộc chạy marathon sẽ là những người chiến thắng và giành huy chương tại Thế vận hội Olympic Nikita Kryukov, Alexey Petukhov, Maxim Vylegzhanin và Alexander Bessmertnykh.
Trong khuôn khổ chương trình văn hóa, lễ hội ẩm thực “Hương vị Bắc Cực” đã khai mạc, tại đây, một nhóm các chủ nhà hàng và đầu bếp đến từ vùng Bắc Cực của Liên bang Nga đã trình bày thực đơn ẩm thực vùng miền. Khu vực này bao gồm “Làng Sami” và một quán bar băng có tên “Taste the North”. Ngoài ra, còn có hội chợ thủ công mỹ nghệ Bắc Cực. Bảo tàng Lịch sử Địa phương tỉnh Murmansk đã tổ chức các chuyến tham quan cho những người tham dự Diễn đàn, giới thiệu về nét độc đáo của Murmansk. Các cuộc triển lãm theo chủ đề được tổ chức trùng với thời gian diễn ra Diễn đàn. Trong số đó có triển lãm tranh về sự phát triển của Bắc Cực và Tuyến đường biển phía Bắc từ bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật tỉnh Murmansk. Ngoài ra, những người tham gia còn được tham quan tàu phá băng Lenin, con tàu đầu tiên trên thế giới có nhà máy điện hạt nhân, đảm nhiệm chức năng dẫn đường dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc trong khoảng 30 năm. Tàu phá băng đã dẫn đường cho hàng ngàn con tàu đi qua Bắc Cực và di chuyển tổng cộng 654.400 hải lý. Ngày nay, nơi đây đã trở thành “danh thiếp” của vùng Murmansk và là một trong những địa điểm du lịch được ghé thăm nhiều nhất ở phía Bắc Kola. Một buổi tiệc cocktail nghệ thuật được tổ chức tại Nhà hát kịch Murmansk, trong đó khán giả được xem vở kịch “Lời mở đầu cho vùng Murmansk” và buổi hòa nhạc của đoàn kịch Hạm đội Thái Bình Dương. Những hoạt động này không chỉ tôn vinh bản sắc vùng Cực mà còn góp phần định hình tương lai kinh tế – xã hội của khu vực.
Tác động chiến lược: Bắc Cực trong bàn cờ toàn cầu
Đối với nước Nga,
Phát triển kinh tế: Diễn đàn nhấn mạnh đến nhu cầu phát triển toàn diện Bắc Cực, phát triển Tuyến đường biển phía Bắc và mở rộng cơ sở hạ tầng. Các thỏa thuận đầu tư được ký kết tại diễn đàn sẽ tạo điều kiện tiên quyết cho dòng vốn chảy vào khu vực, đảm bảo tăng trưởng GDP của đất nước.
Vận tải và hậu cần: Việc phát triển Tuyến đường biển phía Bắc như một giải pháp thay thế cho Kênh đào Suez có tầm quan trọng chiến lược đối với Nga. Việc xây dựng các cảng, đường sắt và đội tàu phá băng sẽ tăng cường khả năng kiểm soát của Nga đối với tuyến đường này và tăng sức hấp dẫn thương mại của tuyến đường này. Tuyến đường có thể rút ngắn 40% thời gian vận chuyển Á-Âu so với kênh đào Suez, hứa hẹn doanh thu 35 tỷ USD/năm.
Năng lượng: Diễn đàn khẳng định rằng Bắc Cực vẫn là nguồn cung cấp hydrocarbon quan trọng. Việc khai thác dầu mỏ, khí đốt và kim loại đất hiếm trong khu vực sẽ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và củng cố sự độc lập về năng lượng của Nga. Đồng thời. giúp tăng cường hiện diện quân sự đối trọng với NATO, bảo vệ các mỏ dầu khí chiếm 20% GDP quốc gia.
Chính sách xã hội và cải thiện chất lượng cuộc sống: Phát triển cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục ở các vùng Bắc Cực sẽ góp phần củng cố dân số và tăng trưởng các chỉ số nhân khẩu học.
Đối với các quốc gia khác, sự phát triển tại Bắc Cực của Nga có tác động nghiêm trọng đến quan hệ quốc tế và lợi ích kinh tế của các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia có lãnh thổ ở Bắc Cực hoặc tuyên bố có sự hiện diện trong khu vực.
Các nước Hội đồng Bắc Cực (Hoa Kỳ, Canada, Na Uy, Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển, Phần Lan)
+ Cạnh tranh kinh tế: Việc tăng cường cơ sở hạ tầng và hành lang giao thông của Nga có thể làm giảm tầm quan trọng của các tuyến kênh đào Panama và Suez, điều này sẽ gây ra phản ứng kinh tế từ Hoa Kỳ và EU.
+ An ninh năng lượng: Việc khai thác tích cực các mỏ hydrocarbon của Nga có thể làm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào các nguồn năng lượng Trung Đông, nhưng cũng sẽ làm tăng sự cạnh tranh với Na Uy và Canada.
+ Căng thẳng chính trị: Các nước phương Tây có thể tăng áp lực trừng phạt đối với Nga để đáp trả ảnh hưởng ngày càng tăng của nước này trong khu vực, cũng như tăng cường sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực. Đồng thời, có thể đẩy mạnh hiện diện quân sự, xem Bắc Cực là “tiền tuyến” mới trong cạnh tranh với Nga.
Trung Quốc
+ Tuyến đường biển phía Bắc: Trung Quốc quan tâm đến việc phát triển tuyến đường này thành tuyến đường vận chuyển hàng hóa thay thế, có thể dẫn đến quan hệ đối tác kinh tế sâu sắc hơn với Nga.
+ Đầu tư: Các công ty Trung Quốc có thể tham gia vào các dự án Bắc Cực của Nga bằng cách cung cấp công nghệ và nguồn lực tài chính. Với việc Bắc Kinh coi Tuyến đường biển phía Bắc là “Con đường tơ lụa trên băng”, họ sẵn sàng đầu tư vào cảng Arkhangelsk.
+ Phối hợp địa chính trị: Sự hợp tác của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực có thể củng cố vị thế của họ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với phương Tây.
Liên minh Châu Âu
+ Chính sách môi trường: Các nước EU sẽ tăng áp lực lên Nga về các vấn đề bảo vệ môi trường, do nguy cơ ô nhiễm Bắc Cực đáng kể từ hoạt động khai thác tài nguyên.
+ Lợi ích năng lượng: Việc tăng sản lượng khí đốt và dầu mỏ ở Bắc Cực của Nga có thể làm thay đổi cán cân năng lượng của châu Âu, điều này sẽ gây ra phản ứng từ các nước EU hàng đầu.
Các nước Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ)
+ Tuyến đường thương mại: Sử dụng Tuyến đường phía Bắc có thể giảm chi phí vận chuyển cho các nước châu Á, tăng cường hợp tác kinh tế với Nga.
+ Đầu tư: Các công ty Nhật Bản và Hàn Quốc có thể đầu tư vào các dự án khai thác mỏ và cơ sở hạ tầng của Nga.
Khó khăn và thách thức, mặc dù Bắc Cực có tầm quan trọng chiến lược, Nga vẫn phải đối mặt với một số vấn đề:
Áp lực và lệnh trừng phạt quốc tế có thể hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ và đầu tư từ các nước phương Tây. Các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã làm giảm khả năng tiếp cận các nguồn vốn và công nghệ cao của Nga. Các công ty phương Tây như ExxonMobil, Shell, BP đã rút khỏi các dự án dầu khí quan trọng ở Bắc Cực, khiến Nga phải tìm kiếm đối tác mới. Các ngân hàng và tập đoàn tài chính phương Tây cắt nguồn vốn cho các dự án khai thác tại Bắc Cực, khiến Nga gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất. Nga buộc phải phát triển công nghệ trong nước hoặc tìm kiếm sự hợp tác từ Trung Quốc, Ấn Độ, nhưng điều này đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn. Việc thiếu công nghệ phương Tây làm chậm quá trình khai thác dầu khí tại Bắc Cực, nơi cần thiết bị chuyên dụng để hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt.
Thách thức về môi trường như nguy cơ ô nhiễm môi trường, cần kiểm soát chặt chẽ các dự án công nghiệp. Khai thác dầu khí, vận tải hàng hải, và hoạt động quân sự đều có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đe dọa hệ sinh thái Bắc Cực. Việc xả thải công nghiệp, sự cố tràn dầu (như vụ rò rỉ dầu diesel ở Norilsk năm 2020) gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Các dự án năng lượng lớn như Yamal LNG cần kiểm soát chặt chẽ khí thải CO₂ và xử lý chất thải để tránh gây thiệt hại sinh thái. Áp lực từ các tổ chức môi trường quốc tế và trong nước buộc Nga phải đầu tư vào công nghệ “xanh” hơn, tăng chi phí khai thác. Một số tuyến đường biển và khu vực khai thác dầu có thể bị hạn chế do quy định bảo vệ môi trường.
Khó khăn về cơ sở hạ tầng, chi phí cao cho việc phát triển hậu cần và xây dựng trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Điều kiện khí hậu Bắc Cực cực kỳ khắc nghiệt, với nhiệt độ có thể xuống dưới -50°C, khiến việc xây dựng đường sá, cầu cảng, và nhà máy gặp nhiều khó khăn. Hệ thống cảng biển, đường sắt và sân bay ở Bắc Cực chưa phát triển đồng bộ, gây trở ngại cho việc vận chuyển dầu khí và hàng hóa. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng cao gấp nhiều lần so với các khu vực khác do phải sử dụng vật liệu chịu nhiệt và công nghệ chống đóng băng. Nga phải đầu tư mạnh vào các dự án logistics như phát triển tuyến đường biển phương Bắc (NSR), mở rộng cảng Sabetta, xây dựng các nhà máy sản xuất khí hóa lỏng (LNG). Việc duy trì và sửa chữa các công trình trong điều kiện băng tuyết tốn kém và đòi hỏi công nghệ tiên tiến.
Hoạt động quân sự ngày càng tăng của NATO ở Bắc Cực đòi hỏi phải tăng cường bảo vệ lợi ích của Nga. NATO gia tăng hiện diện quân sự tại Bắc Cực với các căn cứ quân sự mới ở Na Uy, Đan Mạch, Canada và Mỹ. Mỹ và Anh thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận hải quân, điều tàu ngầm và máy bay trinh sát giám sát khu vực. Các nước Bắc Âu (Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển) hợp tác chặt chẽ hơn với NATO, làm tăng áp lực lên Nga. Nga buộc phải tăng cường hiện diện quân sự, xây dựng căn cứ mới như căn cứ “Arctic Trefoil” trên đảo Alexandra. Tốn kém ngân sách quốc phòng để duy trì tàu ngầm, máy bay ném bom chiến lược, và hệ thống phòng không S-400 tại Bắc Cực.
Bắc Cực là khu vực có ý nghĩa chiến lược với Nga, nhưng đi kèm với đó là hàng loạt thách thức lớn. Các lệnh trừng phạt, môi trường khắc nghiệt, vấn đề cơ sở hạ tầng, xung đột quân sự, biến đổi khí hậu và thiếu hụt nhân lực đều tạo ra rào cản lớn cho Nga trong việc khai thác tài nguyên và duy trì vị thế tại đây. Để vượt qua những thách thức này, Nga cần đầu tư mạnh vào công nghệ, cơ sở hạ tầng và quan hệ ngoại giao với các nước ngoài phương Tây như Trung Quốc và Ấn Độ. Như Tổng thống Putin nhấn mạnh, phát triển Bắc Cực là “nhiệm vụ lịch sử kéo dài hàng thế kỷ”. Diễn đàn 2025 đã chứng minh Nga không đơn độc trên hành trình này, nhưng thành công phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa lợi ích kinh tế, bảo tồn môi trường và quản lý xung đột địa chính trị. Với những dự án như Tuyến đường biển phía Bắc hay Kulyok, Nga đang từng bước biến Bắc Cực thành “cửa ngõ” mới của nền kinh tế toàn cầu./.
Tổng hợp: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết dựa trên thông tin được công bố chính thức của Diễn đàn Bắc Cực Quốc tế 2025, thể hiện quan điểm riêng của diễn đàn, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]