Kỳ họp Lưỡng Hội Trung Quốc 2025 gồm Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc – CPPCC và Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc – NPC, diễn ra từ đầu tháng 3 năm 2025 tại Bắc Kinh. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong lịch trình chính trị của Trung Quốc mỗi năm.
Nội dung của Lưỡng Hội Trung Quốc 2025
Kỳ họp “lưỡng hội” thường niên của Trung Quốc năm 2025 đã diễn ra tại Bắc Kinh, bắt đầu từ ngày 4/3 với phiên khai mạc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), tiếp đó là khai mạc Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) vào ngày 5/3 [1] tập chung thảo luận về những nội dung quan trọng như
Mục tiêu kinh tế: Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm 2025, tương đương với mục tiêu của năm trước [2]. Để đạt được mục tiêu này, các biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa được coi là trọng tâm, nhằm thúc đẩy nhu cầu trong nước và giảm thiểu tác động từ môi trường bên ngoài phức tạp.
Chi tiêu quốc phòng: Ngân sách quốc phòng năm 2025 dự kiến tăng 7,2%, đạt khoảng 1.784 tỉ nhân dân tệ (245,2 tỉ USD) [3]. Mức tăng này tương đương với hai năm trước, phản ánh sự tập trung vào việc hiện đại hóa quân đội.

Sáng kiến lập pháp: Các đại biểu Quốc hội đã đệ trình 269 sáng kiến, trong đó 268 liên quan đến công tác lập pháp và một về giám sát [4]. Các đề xuất tập trung vào thúc đẩy tiêu dùng, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp tư nhân.
Các quyết sách chính trị: Các quyết sách được đưa ra trong kỳ họp này sẽ định hình hướng đi của kinh tế và chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Tình hình quốc tế và nội địa Trung Quốc: Kỳ họp “lưỡng hội” năm 2025 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm căng thẳng thương mại với Mỹ và nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu. Các quyết sách được đưa ra tại kỳ họp này dự kiến sẽ định hình hướng đi của nền kinh tế và chính sách trong năm 2025.
Kỳ họp Lưỡng Hội không chỉ là sự kiện để thảo luận và quyết định các chính sách quan trọng mà còn là cơ hội để chính phủ Trung Quốc khẳng định định hướng phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và công nghệ.
Dự báo quan hệ Mỹ – Trung sau Kỳ họp Lưỡng Hội 2025.
Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ Donald Trump vừa nhậm chức chưa đầy 3 tháng nhưng đã có hàng loạt quyết sách gây rúng động. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, thuế quan. Từng đối đầu trực diện trong cuộc chiến thương mại 2018 – 2019. Lưỡng hội Trung Quốc 2025 đòi hỏi Trung Quốc có những quyết sách đối ngoại đặc biệt với Mỹ.
Về kinh tế, Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mối quan hệ thương mại giữa hai quốc gia này rất quan trọng đối với cả hai bên, và những quyết định được đưa ra trong hội nghị có thể ảnh hưởng đến các hiệp định thương mại, thuế quan, và các chính sách kinh tế. Ví dụ, một thỏa thuận hoặc quyết định trong hội nghị có thể thay đổi quy mô xuất nhập khẩu, dòng vốn đầu tư, hoặc tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về khí hậu và môi trường, một trong những vấn đề quan trọng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ là biến đổi khí hậu. Cả hai quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong các thỏa thuận quốc tế về khí hậu. Nếu hội nghị Lưỡng Hội Trung Quốc tập trung vào các giải pháp môi trường, điều này có thể ảnh hưởng đến các chính sách môi trường và cam kết quốc tế của Mỹ.
Về cạnh tranh công nghệ, cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao là một chủ đề quan trọng. Các quyết định trong hội nghị có thể làm tăng hoặc giảm căng thẳng trong lĩnh vực này và ảnh hưởng đến các công ty công nghệ và ngành công nghiệp của Mỹ.
Về chính trị và an ninh, Hội nghị Lưỡng Hội Trung Quốc cũng có thể tập trung vào các vấn đề chính trị và an ninh. Trung Quốc và Mỹ đã có những căng thẳng trong các vấn đề như Biển Đông, Đài Loan, và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Những vấn đề này có thể được thảo luận và thỏa thuận trong hội nghị, ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Các quyết định về sự hợp tác hoặc đối đầu trong các vấn đề an ninh sẽ tác động trực tiếp đến chiến lược quân sự và an ninh quốc gia của Mỹ.
Quyết sách đối phó với Mỹ dưới thời Donald Trump của Trung Quốc sẽ thế nào?
Sau kỳ họp lưỡng hội, Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với một số thách thức lớn trong quan hệ với Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump, người có xu hướng cứng rắn trong các vấn đề thương mại và chính trị.
Trung Quốc sẽ phải tiếp tục đối mặt với những chính sách thuế quan từ phía Mỹ, hạn chế chia sẻ công nghệ và các biện pháp khác nhằm kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc. Những hành động này có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, tài chính và đầu tư.
Trong kỳ họp lưỡng hội, Trung Quốc có thể đưa ra các chính sách để phục hồi nền kinh tế, khuyến khích phát triển công nghệ, sản xuất. Tuy nhiên, nếu các chính sách này không hiệu quả, Trung Quốc có thể tiếp tục gặp khó khăn trong việc duy trì tăng trưởng, điều này có thể khiến mối quan hệ với Mỹ trở nên căng thẳng hơn, nhất là khi Mỹ lợi dụng tình hình để gây sức ép thêm.
Về chủ quyền và vấn đề Đài Loan, căng thẳng về vấn đề Đài Loan luôn là một điểm nóng trong quan hệ Mỹ – Trung suốt nhiều thập kỷ. Sau kỳ họp lưỡng hội, nếu Trung Quốc tăng cường các biện pháp quân sự hoặc chính trị để đe dọa Đài Loan, Mỹ có thể phản ứng mạnh mẽ hơn, bao gồm việc tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan và gia tăng sự hiện diện quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Cuộc đua tranh về công nghệ và an ninh mạng, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đối đầu trong các vấn đề công nghệ, đặc biệt là các công ty lớn của Trung Quốc như Huawei và TikTok, bị Mỹ cáo buộc có nguy cơ gây đe dọa an ninh. Trung Quốc sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với các biện pháp của Mỹ, và các tranh chấp này có thể leo thang thành một cuộc chiến công nghệ giữa hai cường quốc.
Sự hợp tác hoặc đối đầu trong các vấn đề toàn cầu, mặc dù có sự cạnh tranh gay gắt, Trung Quốc cũng có thể tìm cách duy trì một số lĩnh vực hợp tác với Mỹ, chẳng hạn như trong các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và chống dịch bệnh. Tuy nhiên, dưới thời Trump, khả năng hợp tác sẽ hạn chế, với sự tập trung chủ yếu vào các mối quan tâm về an ninh quốc gia và bảo vệ lợi ích của Mỹ.
Tính khả thi về một thỏa thuận có thể có giữa Mỹ – Trung Quốc?
Mặc dù căng thẳng, nhưng cả hai bên có thể mở cửa cho các cuộc đàm phán để giải quyết một số vấn đề trọng yếu, như thương mại, an ninh mạng, hay hợp tác trong các vấn đề toàn cầu. Mới đây Nhật báo Wall Street Journal (WSJ) ngày 10/3/2025 đưa tin rằng Mỹ và Trung Quốc đang trong giai đoạn thảo luận ban đầu về khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 6 tại Mỹ. Cuộc gặp này được gọi là “birthday summit” do cả hai nhà lãnh đạo đều có sinh nhật trong tháng 6: ông Trump vào ngày 14/6 và ông Tập vào ngày 15/6 [5].
Ngoài ra, theo tờ South China Morning Post, các nguồn tin ngoại giao cho biết Tổng thống Trump có thể thăm Trung Quốc sớm nhất vào tháng 4 để đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh. Cả hai bên đang nỗ lực đàm phán về cuộc gặp thượng đỉnh, với việc ông Trump bày tỏ hy vọng đón tiếp ông Tập tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida, trong khi Trung Quốc muốn tổ chức cuộc gặp tại Washington, D.C. hoặc mời ông Trump thăm Bắc Kinh [6].
Trong bối cảnh Nền kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tăng trưởng chậm và áp lực từ các biện pháp thuế quan của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% cho năm 2025 [2], nhưng nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu này khó đạt được do các yếu tố nội tại và tác động từ bên ngoài.
Mặt khác ở nhiệm kỳ thứ 2 của mình, Tổng thống Donald Trump vẫn kiên định với khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết” với mục tiêu ưu tiên lợi ích quốc gia, bảo vệ vị thế trong chuỗi giá trị thương mại toàn cầu. Nhưng với một Trung Quốc đang trỗi dậy, vươn lên hơn bao giờ hết, đã ngày càng phá vỡ mọi định kiến của thế giới. Thì việc vị thế của Mỹ ít nhiều đang lung lay cũng ít nhiều tạo ra những rào cản đối với vị tổng thống thứ 47 của Mỹ. Tuy vậy, ông Trump vẫn luôn cho thấy yếu tố bất ngờ của ông trong các quyết sách quan hệ quốc tế. Có thể vẫn sẽ có một sự thỏa thuận đầy tính khả thi giữa Mỹ – Trung sắp tới.
Hiện tại, cả hai chính phủ Mỹ – Trung vẫn chưa đưa ra thông báo chính thức về các cuộc gặp này. Nhưng rất có triển vọng về một tương lai khả quan và một thỏa thuận chính trị, kinh tế giữa hai cường Quốc.
Ở thời điểm hiện tại khi cường quốc lớn là Nga, Mỹ, Trung đang có những biến chuyển đáng chú ý, như việc Nga đang có những dấu hiệu thúc đẩy đối thoại với cả Mỹ và Trung Quốc, điều đó cho thấy hy vọng về một tương lai tươi sáng cho cả 3 cường quốc. Một sự kiện như vậy chắc chắn có tác động sâu sắc đến thế giới.
Tác động của kỳ họp Lưỡng Hội Trung Quốc đến khu vực ASEAN và Việt Nam
Kỳ họp Lưỡng Hội Trung Quốc 2025 sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến ASEAN, một khu vực có sự tham gia của nhiều quốc gia đối tác quan trọng của Trung Quốc. Dưới đây là một số tác động có thể xảy ra đối với ASEAN:
Tác động đến kinh tế khu vực ASEAN
Về hợp tác thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia ASEAN. Chính sách của Trung Quốc trong kỳ họp Lưỡng Hội 2025 sẽ tác động đến các quan hệ thương mại này. Các biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu cho các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, điện tử và tiêu dùng.
Liên quan tới Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến cơ sở hạ tầng lớn trong khuôn khổ BRI, ảnh hưởng đến các quốc gia ASEAN. Các quốc gia thành viên ASEAN có thể nhận được đầu tư và hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc để phát triển cơ sở hạ tầng, song cũng phải đối mặt với các vấn đề về nợ và sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Về ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI) và sản xuất thông minh. Các quốc gia ASEAN có thể học hỏi và hợp tác với Trung Quốc trong việc chuyển đổi số, nhưng cũng có thể đối mặt với thách thức trong việc bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư.
Quan hệ chính trị và đối ngoại
Sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong ASEAN, Trung Quốc có thể tiếp tục mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế trong ASEAN thông qua các sáng kiến hợp tác như Diễn đàn hợp tác Trung Quốc-ASEAN (ACF), và các cơ chế đối thoại khác. Việc Trung Quốc duy trì các chính sách đối ngoại mạnh mẽ và có tính chiến lược tại kỳ họp Lưỡng Hội 2025 sẽ tạo ra những thách thức và cơ hội cho ASEAN trong việc duy trì sự độc lập và phát triển hợp tác đa phương.
Về vấn đề Biển Đông, tranh chấp Biển Đông vẫn là một vấn đề lớn giữa Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Philippines và Malaysia. Các quyết định trong kỳ họp Lưỡng Hội 2025 có thể tác động đến tình hình Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động quân sự và phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại khu vực này, khiến ASEAN phải đối mặt với áp lực trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.
An ninh khu vực
Căng thẳng thương mại và quân sự, việc Trung Quốc tiếp tục tăng cường chi tiêu quốc phòng và hiện đại hóa quân đội có thể làm gia tăng căng thẳng an ninh trong khu vực. Các quốc gia ASEAN, đặc biệt là các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, sẽ phải chú ý đến các động thái quân sự của Trung Quốc và tìm cách duy trì an ninh khu vực.
Cạnh tranh Mỹ – Trung, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục là yếu tố tác động mạnh đến ASEAN. Các quốc gia ASEAN sẽ phải quản lý sự ảnh hưởng của cả hai siêu cường này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng. Sự kiện thượng đỉnh Mỹ – Trung, nếu xảy ra, có thể tạo ra những biến động đối với chiến lược an ninh của các quốc gia ASEAN.
Tăng cường hợp tác đa phương
Định hình chính sách ngoại giao ASEAN, ASEAN cần phải duy trì sự đoàn kết và phát triển chiến lược đối ngoại độc lập để tránh bị tác động quá mức bởi các chính sách của Trung Quốc. Các quốc gia ASEAN có thể sẽ thúc đẩy việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới và đảm bảo rằng các quyết định của Trung Quốc tại kỳ họp Lưỡng Hội 2025 không làm suy yếu vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Thúc đẩy hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu, Trung Quốc có thể đưa ra các sáng kiến hợp tác về môi trường, năng lượng tái tạo và biến đổi khí hậu. ASEAN, với nhiều quốc gia đối mặt với các vấn đề môi trường nghiêm trọng, sẽ cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để đối phó với các thách thức này.
Kỳ họp Lưỡng Hội Trung Quốc 2025 cũng sẽ có một số tác động đối với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và an ninh. Dưới đây là một số điểm chính về tác động có thể xảy ra:
Ở lĩnh vực kinh tế
Tăng trưởng kinh tế và hợp tác thương mại, mục tiêu tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2025 là khoảng 5%. Nếu Trung Quốc duy trì hoặc đạt được mục tiêu này, nền kinh tế của Việt Nam có thể hưởng lợi từ sự phát triển của đối tác thương mại lớn nhất. Việt Nam sẽ tiếp tục xuất khẩu các sản phẩm như điện tử, dệt may, và nông sản sang Trung Quốc.
Chi tiêu quốc phòng và đầu tư vào công nghệ, chính sách và đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và các ngành công nghiệp 4.0, có thể thúc đẩy sự chuyển mình trong các lĩnh vực này tại Việt Nam. Các công ty Việt Nam có thể tìm cách hợp tác hoặc học hỏi từ Trung Quốc trong việc áp dụng công nghệ mới.
Kinh tế tiêu dùng nội địa, với việc Trung Quốc chú trọng vào việc kích thích tiêu dùng trong nước, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng.
Quan hệ chính trị và an ninh
Quan hệ chính trị, Việt Nam cần duy trì mối quan hệ chính trị ổn định với Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục các chính sách đối ngoại mạnh mẽ. Các quyết sách được đưa ra tại Lưỡng Hội 2025, như việc thúc đẩy các sáng kiến khu vực và toàn cầu của Trung Quốc, có thể ảnh hưởng đến các chiến lược đối ngoại của Việt Nam.
Trong vấn đề Biển Đông, một trong những vấn đề quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn là tranh chấp ở Biển Đông. Các quyết định tại Lưỡng Hội về tăng cường hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, đặc biệt là trong khu vực Biển Đông, có thể làm gia tăng căng thẳng hoặc có ảnh hưởng đến các nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế
Trong các khuôn khổ hợp tác đa phương, Việt Nam có thể phải điều chỉnh chiến lược trong quan hệ với các đối tác quốc tế trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt là trong các tổ chức khu vực như ASEAN, APEC và các sáng kiến BRI (Sáng kiến Vành đai và Con đường).
Sự kiện thượng đỉnh Mỹ – Trung, nếu hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra vào tháng 6/2025 tới đây, Việt Nam có thể sẽ phải theo dõi chặt chẽ các kết quả của cuộc gặp này, vì quan hệ Mỹ-Trung ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường an ninh và kinh tế của khu vực.
Kết luận
Kỳ họp Lưỡng Hội Trung Quốc 2025 không chỉ là nơi bàn bạc những quyết sách ảnh hưởng đến vận mệnh Trung Hoa hay đưa ra những phương án giải quyết thế đối đầu, cạnh tranh với Mỹ mà nó còn tạo ra cơ hội cũng như thách thức đối với khu vực ASEAN và Việt Nam. Các quốc gia trong khu vực cần linh hoạt trong việc duy trì các mối quan hệ kinh tế, chính trị và an ninh, đồng thời bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục gia tăng ảnh hưởng. Sự hợp tác của các quốc gia trong khu vực ASEAN và khả năng đối phó với các vấn đề chung sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam có thể nắm bắt, vạch ra phương hướng phát triển bền vững trong tương lai. Việt Nam cần phải theo dõi các quyết sách, biến động từ Trung Quốc để định hướng các chính sách đối ngoại và kinh tế phù hợp./.
Tác giả: Lại Thị Thảo
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Danh mục tài liệu tham khảo:
[1] Vũ Quỳnh – theo Tân Hoa Xã, Báo điện tử Đại biểu Nhân Dân,04.03/2025 ,Trung Quốc bắt đầu Lưỡng Hội Thường Niên. https://daibieunhandan.vn/trung-quoc-bat-dau-luong-hoi-thuong-nien-post406289.html
[2] Nguyễn Thành Trung, Báo Tuổi trẻ Online, 09/03/2025 Trung Quốc 2025: Hãy Tiêu Xài, https://tuoitre.vn/trung-quoc-nam-2025-hay-tieu-xai-20250309003824336.htm
[3] Thảo Vy, Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, 05/03/2025, Trung Quốc họp lương hội đặt mục tiêu Kinh Tế, chi tiêu Quốc Phòng 2025, https://plo.vn/trung-quoc-hop-luong-hoi-dat-muc-tieu-kinh-te-chi-tieu-quoc-phong-2025-post837385.html
[4] Quỳnh Vũ, Báo điện tử Đại biểu Nhân dân, 10/03/2025,Các nhà lập pháp Trung Quốc đệ trình 269 đề xuất lên kỳ họp Quốc hội thường niên https://daibieunhandan.vn/cac-nha-lap-phap-trung-quoc-de-trinh-269-de-xuat-len-ky-hop-quoc-hoi-thuong-nien-post406879.html
[5] Reuters, US, China discuss a Trump-Xi summit for June, WSJ reports March 11, 2025, https://www.reuters.com/world/us-china-discuss-trump-xi-summit-june-wsj-reports-2025-03-10/
[6] Thu Thủy, Tạp chí điện tử Viettimes, 11/03/2025, Tổng thống Trump có thể gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc ngay trong tháng 4 https://viettimes.vn/tong-thong-trump-co-the-gap-go-chu-tich-trung-quoc-ngay-trong-thang-4-post183462.html