Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17, diễn ra vào 6 – 7/ 7/2025 tại Rio de Janeiro (Brazil), đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của khối này. Không chỉ tổ chức trong bối cảnh BRICS đang mở rộng nhanh chóng và định hình vai trò mới trên trường quốc tế, hội nghị năm nay còn gây chú ý đặc biệt bởi sự vắng mặt lần đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được xem là một trong những kiến trúc sư quan trọng nhất của tầm nhìn BRICS đa cực. Đồng thời, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không thể tham dự, khiến hai trong số bốn nguyên thủ quốc gia sáng lập vắng bóng. Sự vắng mặt mang tính biểu tượng này đã dấy lên hàng loạt câu hỏi về tương lai chiến lược của BRICS cũng như vai trò và mức độ cam kết của Bắc Kinh đối với khối.
Hội nghị BRICS lần thứ 17 với tiền lệ chưa từng có
Kể từ năm 2009, BRICS đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh hằng năm, và kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn đều đặn tham dự các kỳ hội nghị này. Tuy nhiên, năm nay đánh dấu một bước ngoặt khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận vào ngày 2/7/2025 rằng Thủ tướng Lý Cường sẽ thay mặt ông Tập tham dự hội nghị tại Rio de Janeiro.
Trung Quốc chưa đưa ra lời giải thích chính thức nào về sự vắng mặt của ông Tập. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, có thể do lịch trình bị trùng, trong khi ông Tập đã gặp Tổng thống Brazil Lula da Silva hai lần trong vòng một năm qua. Ngoài ra, việc phải di chuyển đường dài, mất nhiều thời gian, cùng với lịch làm việc dày đặc, cũng có thể là lý do khiến Chủ tịch Trung Quốc chọn ở lại trong nước.
Bên cạnh đó, ông Tập đang phải tập trung xử lý các vấn đề kinh tế trong nước và căng thẳng thương mại leo thang với Hoa Kỳ. Phó Giáo sư Chong Ja Ian thuộc Khoa Chính trị học, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nhận định rằng việc ông Tập không tham dự có thể phản ánh ưu tiên nội bộ của Bắc Kinh, và cho thấy Trung Quốc không kỳ vọng hội nghị BRICS+ lần này sẽ mang lại lợi ích đột phá đáng kể.
Từ một góc nhìn khác, ông Gabriel Huland – giảng viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Nottingham Ningbo (Trung Quốc), cho rằng sự vắng mặt của ông Tập không đồng nghĩa Trung Quốc coi nhẹ vai trò của BRICS. Ngược lại, điều này có thể cho thấy Bắc Kinh tin tưởng rằng BRICS đang vận hành ổn định và theo đúng quỹ đạo chiến lược mà Trung Quốc mong muốn.
Theo ông Oliver Stuenkel, Phó Giáo sư tại Trường Quan hệ Quốc tế thuộc Quỹ Getulio Vargas (FGV), một viện nghiên cứu hàng đầu của Brazil, xét đến tầm quan trọng của Trung Quốc đối với BRICS, việc ông Tập không đến chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hội nghị thượng đỉnh, điều không có gì phải nghi ngờ.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng không thể đến Brazil do lệnh truy nã quốc tế từ Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Vì Brazil là quốc gia thành viên của ICC, họ có nghĩa vụ bắt giữ ông nếu ông đặt chân tới lãnh thổ nước này. Do vậy, Moscow đã cử Ngoại trưởng Sergei Lavrov làm đại diện tham dự. Trước đó, ông Putin cũng đã vắng mặt tại hội nghị BRICS 2023 ở Nam Phi vì lý do tương tự.
Một số nhà phân tích cũng bày tỏ nghi ngờ về sự có mặt của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi và Tổng thống Iran, trong bối cảnh căng thẳng Trung Đông gia tăng từ cuộc chiến Gaza kéo dài 20 tháng đến thỏa thuận ngừng bắn mong manh giữa Israel và Iran.
Dù cục diện thay đổi, các nhà quan sát lưu ý rằng hội nghị vẫn là cơ hội để các nước BRICS thảo luận và thúc đẩy các vấn đề trọng tâm. Có thể sẽ có sự tập trung lớn vào cải cách các thể chế quốc tế và tài chính khí hậu, và Brazil đang cố gắng kết nối hội nghị BRICS với Hội nghị khí hậu COP30 mà nước này đăng cai vào tháng 11. Một chủ đề quen thuộc cũng sẽ trở lại: phi đô la hóa (de-dollarisation), nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại, tài chính và dự trữ toàn cầu và thúc đẩy mở rộng khối BRICS. Trung Quốc từ lâu đã kêu gọi tăng cường sử dụng đồng nội tệ, thậm chí ủng hộ ý tưởng về một đồng tiền chung của BRICS. Nga – đối tác chiến lược của Trung Quốc cũng có quan điểm tương tự.
Năm 2024, dự trữ ngoại hối cộng gộp của BRICS chiếm khoảng 42% tổng dự trữ toàn cầu, theo Ngân hàng ING (Hà Lan). Tuy nhiên, việc biến sức mạnh tài chính đó thành hành động cụ thể để phi đô la hóa vẫn là một thách thức. Tiến triển đang bị cản trở bởi sự thận trọng của các thành viên chủ chốt như Ấn Độ và Brazil, do lo ngại về tính khả thi và hệ lụy địa chính trị. Brazil nhấn mạnh cần tránh gây mất lòng các đối tác phương Tây, trong khi Ấn Độ tiếp tục giữ thế cân bằng chiến lược, vừa tham gia BRICS, vừa tăng cường quan hệ với Mỹ và G7. Theo các chuyên gia, ngoại giao thận trọng của Brazil và chiến lược nước đôi của Ấn Độ đang đe dọa làm loãng tiềm năng chuyển đổi của BRICS, đặt ưu tiên vào thương mại hơn là thay đổi hệ thống.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi được đặt ra rằng liệu quyết định không đến Rio của ông Tập cho thấy Trung Quốc đang hạ thấp mức độ gắn kết ngoại giao với BRICS, hay đây là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang có sự điều chỉnh chiến lược sâu rộng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh BRICS mở rộng để kết nạp các quốc gia như Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và UAE?
Tình hình nội bộ Trung Quốc: kinh tế – chính trị – xã hội
Năm 2025 đánh dấu một giai đoạn đầy thử thách đối với Trung Quốc. Tăng trưởng kinh tế suy giảm, bất ổn xã hội gia tăng và môi trường chính trị ngày càng tập quyền đã buộc Bắc Kinh phải dồn toàn lực vào việc “tái cân bằng” trong nước. Điều này dường như có thể trực tiếp lý giải cho sự vắng mặt chưa từng có tiền lệ của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị BRICS.
Về kinh tế, việc tăng trưởng GDP ở mức 4,6% cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với sự suy giảm động lực. Khủng hoảng bất động sản kéo dài, tiêu dùng yếu, xuất khẩu chững lại tạo nên bức tranh ảm đạm. Dù chính phủ đẩy mạnh các gói kích thích và định hướng “tăng trưởng chất lượng”, hiệu quả chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, tâm lý bi quan lan nhanh và lan rộng trong giới trẻ với các xu hướng như “nằm yên” và “bỏ mặc đời” hay “nghỉ hưu sớm” đã khiến tỷ lệ thất nghiệp nước này có xu hướng tăng. Cùng với đó, tình hình bất động sản cũng gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Những điều này dường như đã khiến ông Tập Cận Bình buộc phải dồn tâm vào giải quyết vấn đề nội bộ.
Không chỉ vậy, ông Tập cũng đang tập trung cho nhiệm vụ chiến lược: định hình giai đoạn phát triển tiếp theo của Trung Quốc, khi nước này đang chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 15 trong bối cảnh địa chính trị thế giới đầy biến động. Hãng Tân Hoa Xã đưa tin giữa tháng 5 rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tổ chức soạn thảo đề xuất cho kế hoạch phát triển 2026 – 2030. Một cuộc tham vấn công khai trực tuyến kéo dài một tháng cũng đã được tiến hành.
Việc ông Tập không tham dự có nghĩa là Trung Quốc sẽ “gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thúc đẩy các mục tiêu của mình”, vì phái đoàn Trung Quốc sẽ khó có cơ hội trao đổi trực tiếp, linh hoạt với các nguyên thủ khác.
Tuy vậy, BRICS vẫn giữ vai trò trung tâm trong chiến lược dài hạn của Trung Quốc, nhất là khi khối này ngày càng phản ánh tham vọng của Bắc Kinh về một trật tự thế giới đa cực hơn.Theo ông Einar Tangen, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Taihe (Trung Quốc), Trung Quốc xem BRICS là nền tảng cốt lõi cho một trật tự toàn cầu mới, nơi các quốc gia có thể thoát khỏi sự thống trị của phương Tây bằng tự chủ chiến lược và chủ quyền tài chính. Ông Gabriel Huland, giảng viên Trường Nghiên cứu Quốc tế – Đại học Nottingham Ningbo China, nhấn mạnh rằng việc ông Tập vắng mặt không nên được hiểu là Trung Quốc đang giảm hứng thú với BRICS. Ngược lại, điều này có thể cho thấy Trung Quốc tin rằng BRICS đang đi đúng hướng dưới sự dẫn dắt của mình. Ông Huland cũng lưu ý rằng Trung Quốc từ lâu đã ủng hộ việc mở rộng BRICS và tổ chức này vẫn là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung kéo dài, đặc biệt từ cuộc chiến thương mại và cách tiếp cận song phương của chính quyền Trump, BRICS đã trở thành một nền tảng đa phương quan trọng để Bắc Kinh gia tăng ảnh hưởng và xây dựng cơ chế quản trị toàn cầu thay thế.
Ấn Độ nổi lên như một tâm điểm
Trước sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga, chỉ còn hai trong số bốn quốc gia sáng lập BRICS cử nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị năm nay, đó là Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva.
Ấn Độ hiện đang trải qua một giai đoạn đặc biệt, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khối G20. Việc tham gia BRICS đem lại sự linh hoạt chiến lược cho quốc gia thuộc “Nam bán cầu” này, một nước có thể được xem là “bạn với mọi người”, vừa hợp tác với Nga trong một số vấn đề, vừa là thành viên của liên minh Quad với Mỹ.
Phát biểu ngày 30/6/2025, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Dammu Ravi khẳng định việc Thủ tướng Modi hiện diện tại sự kiện là minh chứng cho cam kết gắn bó của New Delhi với BRICS, cũng như cơ hội để củng cố quan hệ với các quốc gia thuộc khu vực Nam bán cầu. Thể hiện tinh thần này, ông Modi bắt đầu chuyến công du dài nhất trong gần một thập kỷ qua, đi qua ba khu vực gồm Nam Mỹ, Caribe và châu Phi, với các điểm dừng chân là Ghana, Trinidad & Tobago, Argentina, trước khi đến Brazil dự hội nghị và kết thúc hành trình tại Namibia.
Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng tạo cơ hội để Modi thể hiện khát vọng lãnh đạo toàn cầu, chỉ vài tháng sau những kết quả bất định từ vòng đụng độ quân sự mới nhất với Pakistan. Tạp chí Swarajya của Ấn Độ nhận định New Delhi có thể tận dụng hội nghị để đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ chống lại chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là sau vụ tấn công xảy ra tại Pahalgam ngày 22/4. Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là sẽ phản đối việc đưa nội dung này vào tuyên bố chung, bởi mối quan hệ thân thiết với Pakistan.
Ngoài ra, Bắc Kinh từ lâu đã thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong thương mại quốc tế và ủng hộ ý tưởng thiết lập một loại tiền tệ chung cho BRICS. Trái lại, Ấn Độ cho rằng các quốc gia phương Nam đang tìm kiếm phương án thay thế trong thương mại toàn cầu, nhưng điều đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc từ bỏ hoàn toàn đồng USD.
Theo ông Harvansh Chawla, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp BRICS, nhờ vào uy tín và các sáng kiến của Thủ tướng Modi, vai trò của Ấn Độ tại hội nghị năm nay trở nên đặc biệt quan trọng. Điều này càng có ý nghĩa khi New Delhi đang chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS và sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh năm 2026. “Đây có thể là một trong những hội nghị BRICS có ảnh hưởng nhất từ trước tới nay, không chỉ bởi sự hiện diện của Thủ tướng Modi, mà còn vì bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu do Mỹ khơi mào,” ông Chawla nhấn mạnh.
Như vậy, việc Chủ tịch Tập Cận Bình bất ngờ không tham dự hội nghị đã dấy lên nhiều nghi vấn về ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh đối với BRICS, trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với loạt thách thức kinh tế trong nước cần được xử lý triệt để. Khi cả hai nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc và Nga đều vắng mặt, Ấn Độ được kỳ vọng sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt thảo luận và định hình nghị trình của Hội nghị BRICS+ năm nay, góp phần củng cố tiếng nói tập thể của các quốc gia đang phát triển thuộc phương Nam toàn cầu.
Với việc ông Tập vắng mặt tại hội nghị BRICS năm nay, sự chú ý hiện chuyển sang hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), dự kiến diễn ra tại Trung Quốc vào cuối năm 2025. Nếu Thủ tướng Modi tham dự, đây có thể sẽ là cơ hội tiếp theo cho một cuộc gặp song phương giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Á.
Sự thất vọng của Brazil trước việc nhà lãnh đạo Tập Cận Bình vắng mặt
Tại Brasília, các quan chức đã bày tỏ sự thất vọng rõ ràng trước quyết định không tham dự hội nghị của Chủ tịch Tập Cận Bình. Theo tờ South China Morning Post, chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Lula vào tháng 5/2025 được coi là “một cử chỉ thiện chí” và “đi kèm với kỳ vọng rằng Chủ tịch Trung Quốc sẽ đáp lễ” bằng cách tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Rio.
Một số người còn suy đoán rằng ông Tập đã bỏ qua sự kiện này vì Tổng thống Lula đã mời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự quốc yến sau hội nghị, điều có thể khiến ông Tập cảm thấy như một “nhân vật phụ”.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh, Cố vấn Đặc biệt về các vấn đề quốc tế của Lula, ông Celso Amorim, đã thảo luận vấn đề này với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Tại thời điểm đó, ông Amorim thừa nhận việc các nguyên thủ quốc gia đi lại quốc tế ngày càng khó khăn, nhưng ông cho biết mình đã bày tỏ rằng sự hiện diện của ông Tập là điều thiết yếu. Ông đã nói rằng BRICS mà không có Trung Quốc thì không còn là BRICS nữa. Ông cũng nhắc lại rằng cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng bay đến Brazil để dự hội nghị thượng đỉnh BRICS đầu tiên, mặc dù khi đó ở Trung Quốc vừa xảy ra một trận động đất lớn. Ông Amorim nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia của ông Tập trong bối cảnh bất ổn toàn cầu hiện nay, đặc biệt khi Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bên cạnh đó, là nước chủ nhà, Brazil có thể tạm thời thoát khỏi những bất ổn chính trị trong nước giữa các phe ủng hộ Tổng thống Lula và cựu tổng thống Jair Bolsonaro. Trong lúc này, những tranh cãi quanh tiến độ chậm trễ trong công tác chuẩn bị cho hội nghị COP30 sắp tới sẽ được tạm gác lại. Hội nghị BRICS lần này là nỗ lực mới nhất của chính quyền Lula nhằm khẳng định quan điểm của Brazil trong các vấn đề toàn cầu, sau khi những nỗ lực trước đó ở Venezuela, Ukraine và Gaza không mang lại kết quả cụ thể.
Sự vắng mặt của ông Tập liệu có mang tính chiến lược và tương lai của BRICS?
Sự vắng mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình tại BRICS 2025: Chiến lược ngoại giao hay dấu hiệu điều chỉnh chính sách?
Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bất ngờ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 17 tại Rio de Janeiro đã tạo ra một tiền lệ chưa từng có và nhanh chóng trở thành chủ đề nóng trong giới phân tích chính trị quốc tế. Kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Tập luôn hiện diện đều đặn tại các hội nghị BRICS, nơi được xem là nền tảng quan trọng để Trung Quốc theo đuổi tầm nhìn về một trật tự thế giới đa cực. Do đó, quyết định vắng mặt lần này làm dấy lên câu hỏi: đây có phải là lựa chọn chiến lược có tính toán của Bắc Kinh hay đơn thuần phản ánh những khó khăn trước mắt trong nước ?
Trước hết, có thể thấy rằng quyết định không tham dự sự kiện cấp cao này mang tính chiến thuật, xuất phát từ những ưu tiên nội bộ ngày càng cấp bách của Trung Quốc. Trong thời điểm hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt thách thức nghiêm trọng: thị trường bất động sản trượt dốc, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ, dòng vốn đầu tư nước ngoài sụt giảm, cùng với làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Song song đó, quá trình chuẩn bị cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 15 (giai đoạn 2026 – 2030) đang bước vào giai đoạn nước rút và đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo tối cao. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã công bố các đợt tham vấn chính sách công khai, nhấn mạnh cam kết của ông Tập với công cuộc hoạch định chiến lược quốc gia. Trong bối cảnh đó, việc tạm thời rút khỏi một diễn đàn quốc tế có thể phản ánh lựa chọn “ưu tiên điều hành trong nước” hơn là tín hiệu chính trị đối ngoại.
Tuy nhiên, sự vắng mặt này cũng có thể được lý giải như một tính toán chiến lược mang tầm vĩ mô hơn. Theo một số học giả, Trung Quốc có thể đang thử nghiệm cách tiếp cận giảm sự phụ thuộc vào việc xuất hiện trực tiếp của nguyên thủ quốc gia nhưng vẫn giữ vững ảnh hưởng qua hệ thống thể chế, các cuộc đối thoại đa phương và những kênh ngoại giao cấp bộ ngành. Điều này đặc biệt phù hợp trong giai đoạn mà BRICS đang mở rộng quy mô và hướng tới việc vận hành như một tổ chức toàn cầu đa trung tâm, nơi quyền lực được phân bổ mềm mại hơn, thay vì bị lệ thuộc vào một vài đầu tàu truyền thống. Trong cách nhìn này, Bắc Kinh có thể đang cố ý “lùi một bước để tiến hai bước”, bằng cách để các quốc gia thành viên khác, điển hình là Ấn Độ và Brazil trở nên nổi bật hơn trên truyền thông và sân khấu chính trị, nhằm xây dựng hình ảnh BRICS là một tập thể đồng đẳng, thay vì bị chi phối quá nhiều bởi Trung Quốc. Điều này không chỉ giúp làm dịu những hoài nghi từ phía New Delhi về vai trò lấn át của Bắc Kinh, mà còn củng cố niềm tin cho các thành viên mới gia nhập như Indonesia, UAE hay Ethiopia rằng đây là một khối hợp tác đa cực thật sự. Việc ông Tập tin tưởng cử Thủ tướng Lý Cường đại diện thay mặt cũng có thể là thông điệp rằng cơ chế BRICS đã trưởng thành đủ để vận hành ổn định mà không cần sự hiện diện thường xuyên của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc.
Tuy nhiên, cần phải thừa nhận một điều rằng sự vắng mặt của ông Tập đã gây ra không ít thất vọng, đặc biệt là đối với nước chủ nhà Brazil. Với nhiều kỳ vọng về một thông điệp đoàn kết và khẳng định vai trò của phương Nam toàn cầu, sự vắng bóng của nguyên thủ đến từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã khiến không khí hội nghị phần nào kém trọn vẹn. Một số nguồn tin thậm chí cho rằng Trung Quốc đã “xem nhẹ” Brazil, nhất là khi Tổng thống Lula da Silva từng đích thân sang Bắc Kinh vào tháng 5/2025 và mong đợi một “sự đáp lễ tương xứng”. Hơn nữa, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang và quá trình phi đô la hóa gặp trở ngại, việc ông Tập không trực tiếp tham gia hội nghị khiến Trung Quốc đánh mất một cơ hội quan trọng để thương thảo song phương và củng cố ảnh hưởng về mặt tài chính.
Từ góc độ địa chính trị dài hạn, nếu sự vắng mặt này trở thành tiền lệ, nó có thể đặt Trung Quốc vào thế bị động trước sự trỗi dậy về mặt hình ảnh của Ấn Độ trong BRICS. Với việc Thủ tướng Modi trực tiếp tham dự, phát biểu mạnh mẽ về chủ nghĩa khủng bố, đồng thời bắt đầu chuyến công du dài hơi qua các nước thuộc Nam bán cầu, Ấn Độ đang từng bước khẳng định vai trò như một “thủ lĩnh” mới của phương Nam. Trong khi đó, Trung Quốc, nếu tiếp tục vắng bóng ở các diễn đàn quốc tế trọng yếu, sẽ đối mặt với nguy cơ bị xem là rút lui hoặc thiếu cam kết, bất chấp nỗ lực duy trì tầm ảnh hưởng gián tiếp.
Tóm lại, sự vắng mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị BRICS 2025 mang nhiều tầng ý nghĩa. Nó vừa là hệ quả của các thách thức nội bộ nghiêm trọng, vừa là một lựa chọn chiến lược có tính toán nhằm tái cấu trúc vai trò của Trung Quốc trong một BRICS đang chuyển mình. Trong một thế giới đa cực và đầy biến động, Bắc Kinh có thể đang thử nghiệm mô hình “lãnh đạo khiêm tốn”, một sự hiện diện không ồn ào nhưng vẫn bền vững. Song, nếu không kiểm soát được thông điệp chính trị xung quanh các quyết định như vậy, Trung Quốc có thể sẽ đánh mất cơ hội dẫn dắt chính sách toàn cầu theo cách mà họ mong muốn.
BRICS mở rộng và chuyển mình
BRICS đang mở rộng nhanh chóng và giờ đây đã có phạm vi toàn cầu. Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất gia nhập vào năm 2024. Indonesia, quốc gia lớn nhất và đông dân nhất Đông Nam Á, gia nhập năm 2025. Hiện tại, nhóm này được gọi là BRICS+, gồm 10 quốc gia thành viên chính thức và 10 quốc gia đối tác, trong đó có Belarus, Bolivia, Cuba, Kazakhstan, Malaysia, Nigeria, Thái Lan, Uganda, Uzbekistan và Việt Nam. Ả Rập Xê Út cũng được liệt kê là thành viên trên website BRICS Brazil 2025, tuy nhiên tình trạng thành viên của nước này vẫn chưa rõ ràng. BRICS đã đi rất xa so với xuất phát điểm ban đầu chỉ là một thuật ngữ đầu tư trong danh mục tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, tính đa dạng trong BRICS+ cũng là một thách thức trong việc xác định mục tiêu chung trong một thế giới đang phân mảnh. Trong cách phân công ngoại giao, các cuộc đàm phán nội bộ thường gay gắt nhưng lại không chuyển hóa thành chính sách chung toàn cầu, ngoại trừ những lời chỉ trích các thể chế hiện tại. Chính lập trường này dẫn đến lời kêu gọi thay đổi các thể chế quốc tế nhằm nâng cao tính đại diện và tính chính danh. Các thành viên BRICS thường thống nhất trong việc phản đối trật tự toàn cầu mà họ cho là bất công. Họ ủng hộ sự phân bổ quyền lực mới để làm cơ sở cho cải cách thể chế, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng. Điểm này khiến BRICS ở vào ngã ba đường quan trọng trong việc định hình vai trò toàn cầu của mình.
Một mặt, BRICS đóng vai trò là kênh hợp tác Nam – Nam, phần lớn không tuân theo các chuẩn mực của trật tự quốc tế tự do. Trong nhóm này có các quốc gia bị phương Tây cấm vận lâu dài như Nga, Iran và Cuba. Dù Nga bị trừng phạt kinh tế nặng nề sau cuộc xâm lược Ukraine, BRICS vẫn tạo điều kiện cho thương mại dầu mỏ của Nga tiếp diễn. Điều này cho thấy một đặc điểm cốt lõi của BRICS, một nhóm các cường quốc phi phương Tây, vừa chỉ trích tính đại diện kém của các thể chế quốc tế, vừa muốn cạnh tranh sòng phẳng.
Sự mơ hồ về mặt chuẩn mực và hành động tập thể hạn chế đã khiến BRICS trở thành một tổ chức thực dụng. Và hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này sẽ phục vụ nhiều mục đích đối với nhóm thành viên ngày càng mở rộng. Nhiều nước từng kêu gọi một “đa phương mới”, một “trật tự thế giới đa cực” và cải tổ các thể chế toàn cầu. Bên cạnh mục tiêu về quản trị toàn cầu bao trùm và bền vững, Brazil đã đặt ra chương trình nghị sự hội nghị 2025 tập trung vào các chủ đề như biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo và y tế toàn cầu, những chủ đề từng bị đánh giá thấp trước đây. BRICS có thể một lần nữa vươn lên vị thế tiên phong, mang lại góc nhìn của Nam bán cầu đối với các thách thức toàn cầu cấp bách. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung chủ yếu vào cách mà sự mở rộng nhóm này có thể mang lại các kênh thay thế nhằm tái định hình thương mại, đầu tư và tài chính Nam – Nam và cuối cùng đóng góp vào một trật tự kinh tế toàn cầu bao trùm hơn.
Kết luận
Sự vắng mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị BRICS 2025 không đơn thuần là một lựa chọn cá nhân hay vấn đề lịch trình, mà phản ánh một sự chuyển hướng chiến lược quan trọng trong chính sách đối nội – đối ngoại của Bắc Kinh. Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức nội bộ sâu sắc: tăng trưởng kinh tế chững lại, khủng hoảng bất động sản chưa có lối ra, tâm lý xã hội bất an và môi trường chính trị tập quyền làm suy yếu khả năng phản ứng linh hoạt. Trong bối cảnh đó, việc ưu tiên củng cố ổn định trong nước là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, sự vắng mặt này cũng đặt ra những hệ lụy ngoại giao không nhỏ, đặc biệt là trong hình ảnh và vai trò của Trung Quốc trong BRICS – một khối mà nước này từng góp phần dẫn dắt và định hình.
Trong khi Bắc Kinh tạm thời “lùi lại”, Ấn Độ nổi lên như một trung tâm quyền lực mới trong BRICS, thể hiện tham vọng toàn cầu rõ ràng hơn, linh hoạt hơn và dễ thích ứng với trật tự thế giới phân mảnh hiện nay. Hội nghị BRICS 2025 vì thế không chỉ phản ánh thay đổi về địa điểm và nhân sự, mà là biểu hiện sống động của một trật tự đang dịch chuyển, nơi các cường quốc phương Nam vẫn đang loay hoay tìm tiếng nói chung giữa lợi ích riêng biệt. Tương lai của BRICS sẽ phụ thuộc vào việc liệu khối này có thể vượt qua những bất đồng nội tại để trở thành một lực lượng định hình toàn cầu, hay sẽ tiếp tục là một cơ chế hợp tác lỏng lẻo, mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực chất.
Tác giả: Nguyễn Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
Carlos Frederico Pereira da Silva Gama. (2025, July 5). BRICS Plus meets in Rio amid global shifts and internal fractures. THEWEEK. https://www.theweek.in/wire-updates/business/2025/07/05/tga1-brics-summit.html
Odonkor, A. A. (2025, July 4). From BRICS to BRICS+: Implications for the Global South. CGTN. Retrieved July 7, 2025, from https://news.cgtn.com/news/2025-07-04/From-BRICS-to-BRICS-Implications-for-the-Global-South-1EJnfJ2dSwg/p.html
Rimjhim Singh. (2025, June 25). Xi Jinping to skip Brics Summit in Rio, Li Qiang to lead Chinese delegation. Business Standard. Retrieved July 7, 2025, from https://www.business-standard.com/external-affairs-defence-security/news/xi-jinping-skips-brics-summit-rio-li-qiang-leads-chinese-delegation-lula-125062500245_1.html
Tiwari, P. (2025, July 2). No PM Modi-Xi Jinping moment: China says president to skip Brics Summit, premier Li to attend. Times of India. Retrieved July 7, 2025, from https://timesofindia.indiatimes.com/world/china/no-pm-modi-xi-jinping-moment-china-says-president-to-skip-brics-summit-premier-li-to-attend/articleshow/122203947.cms
Wong Woon Shin, & Melody Chan. (2025, July 2). Absence with significance: Why Xi Jinping is skipping BRICS for the first time, and what’s at stake. CNA. Retrieved July 7, 2025, from https://www.channelnewsasia.com/east-asia/china-xi-jinping-brics-first-absence-domestic-pressures-5215266