Thuế quan đối ứng của Mỹ đã khiến cho các quốc gia thay đổi trật tự liên kết, các quốc gia vốn đối đầu với nhau như Trung – Nhật, Hàn đã bắt đầu các cuộc đối thoại cấp cao, ASEAN thúc đẩy các mối quan hệ mới,…tạo ra nhiều nền tảng mới cho các mối quan hệ trong tương lai.
Mục tiêu và vai trò của ASEAN+3 trong ba thập kỷ qua
Thành lập năm 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra đời trong bối cảnh an ninh khu vực còn tồn động nhiều bất ổn; trải qua giai đoạn phát triển, đến năm 1997 cơ chế ASEAN+3 ra đời, chính thức thể chế hóa vào 1999 bao gồm các thành viên ASEAN cùng 3 quốc gia Đông Á là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đây được xem là cú nhảy vọt trong quá trình đa dạng hóa, đa phương hóa của ASEAN.
Với mục tiêu quyết tâm tăng cường hợp tác thương mại với các quốc gia Đông Á ở nhiều cấp độ và trong nhiều lĩnh vực, bao gồm năng lượng, giao thông vận tải và công nghệ thông tin và truyền thông; qua đó ASEAN đóng vai trò động lực thúc đẩy cơ chế ASEAN+3 trở thành một trong những khuôn khổ hợp tác toàn diện nhất trong khu vực Đông Nam Á – Đông Bắc Á.
ASEAN+3 đã tạo nên tiền đề, đưa ra bộ quy tắc để các quốc gia đáp ứng đủ yêu cầu để hợp tác toàn diện với ASEAN: (1) Ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ASEAN (TAC) (2) Trở thành đối tác đối thoại chính thức của ASEAN (3) Thiết lập mối quan hệ hợp tác thiết thực với ASEAN. Trong số các quốc gia đã đáp ứng đủ các tiêu chí này, Australia, Ấn Độ và New Zealand cùng nhau tạo nên ASEAN+6.
Trải qua gần ba thập kỷ, mục tiêu của ASEAN+3 đã được chứng minh qua những thành tựu ấn tượng như 32,65 tỷ USD nguồn vốn FDI và kim ngạch thương mại nội khối đạt 1,1 nghìn tỷ USD. Quy mô kinh tế của ASEAN+3 không ngừng phát triển, trong đó các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt xếp hạng thứ 2, thứ 4 và thứ 12 thế giới theo GDP năm 2025. Ngoài ra, các nền kinh tế khác trong ASEAN cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ, như Indonesia (xếp hạng 16), Singapore (hạng 29), cùng với Philippines, Thái Lan và Việt Nam đều nằm trong top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Theo Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 dự báo khu vực ASEAN+3 sẽ tăng trưởng 4,2% vào năm 2025, lạm phát trong khu vực, không bao gồm Lào và Myanmar, dự kiến ở mức thấp là 2,1%. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của ASEAN+3 trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và hội nhập khu vực, đồng thời khẳng định vai trò thiết yếu của các quốc gia thành viên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Trong bối cảnh thuế quan của Trump gây bất ổn toàn cầu, chuỗi cung ứng chịu cú shock khổng lồ, bộ ba nước Đông Bắc Á đã gấp rút tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ba bên Trung – Nhật – Hàn lần thứ 11 ra thông cáo báo chí chung khẳng định tầm quan trọng của hợp tác ba bên và hợp tác với ASEAN, đồng thời tiếp tục tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN; mong muốn hỗ trợ thúc đẩy và đưa quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) vào hoạt động hợp tác với Trung Quốc và Hàn Quốc.
Động thái của ASEAN+3 trong cuộc chiến thuế quan
Trước bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gia tăng mạnh mẽ, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ – Trung bị đẩy lên cao nhất với mức thuế 145% – 125% với hàng nhập khẩu của hai quốc gia; đồng thời Mỹ đưa Hàn Quốc vào danh sách “các quốc gia nhạy cảm”, ngừng mở rộng phát triển căn cứ an ninh tại Nhật, áp thuế nhập khẩu đối ứng lên tất cả quốc gia (ASEAN đứng top đầu với Campuchia – 49%, Lào – 48%, Việt Nam – 46% và Myanmar – 44%). Đứng trước những con số hay khủng hoảng, nội bộ ASEAN+3 chia thành hai nhóm: thuế trả đũa (Trung Quốc) và không đánh thuế trả đũa (Hàn, Nhật, ASEAN).
Thuế quan của Mỹ nhằm trực tiếp vào Trung Quốc, mục tiêu kiên quyết là cô lập Trung Quốc và khẳng định lại sức mạnh điều hành kinh tế của Mỹ, với tổng mức thuế ban đầu lên đến 54%. Ngay lập tức Trung Quốc công bố mức thuế 34% trả đũa, chỉ trong tuần lễ thuế quan đầu tiên, mức thuế Mỹ – Trung tăng dần từ 54 – 34%, 104 – 84%, 125 – 84%, 145% – 125%; cặp thuế 145 – 125% dường như đã đạt ngưỡng khi hai bên đã để ngỏ khả năng đàm phán trong tương lai gần.
Hàn Quốc và Nhật Bản, cặp đồng minh thân thiết của Mỹ dù có bất ngờ nhưng nhanh chóng tuyên bố sẽ không áp thuế đáp trả, ưu tiên đàm phán và ngoại giao để mang lại cơ hội hạ thuế từ Mỹ. Phía ASEAN sau thời gian cân nhắc cũng đã tuyên bố không áp thuế đối trọng, thay vào đó sẽ tập trung vào tăng cường hội nhập thương mại khu vực thông qua nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN và Hiệp định khung kinh tế số ASEAN. Đồng thời, tăng cường và mở rộng mối liên kết kinh tế với các đối tác bên ngoài của ASEAN, bao gồm các đối tác đối thoại, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế với những đối tác mới.
Đáng chú ý, động thái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây với tuyên bố sẽ công du đến ba quốc gia ASEAN gồm: Campuchia, Malaysia, Việt Nam thu hút nhiều sự quan tầm từ dư luận. Xét đến lý do chỉ chọn 3 quốc gia này, Campuchia là quốc gia phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất, Trung Quốc muốn thể hiện sự quan tâm hơn đến quốc gia đồng minh này sau hơn 12 năm không có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước và cũng là quốc gia chịu thuế cao nhất; Malaysia lại là quốc gia có nền kinh tế đáng kể trong ASEAN đồng thời là Chủ tịch ASEAN 2025; Việt Nam lại là quốc gia sát sườn, là mắt xích quan trọng giữa Mỹ – Trung. Giáo sư Ge Hongliang, phó khoa Cao đẳng ASEAN tại Đại học Dân tộc Quảng Tây, Trung Quốc nhận xét “Chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam, Malaysia và Campuchia nêu bật sự chân thành của Trung Quốc trong việc tìm kiếm sự hợp tác và sự đồng thuận hướng tới tương lai với các nước ASEAN trong bối cảnh bất ổn toàn cầu hiện nay”.
Nhưng trái lại với mong đợi từ Trung Quốc, chuyến thăm này mang đến nhiều cân nhắc cho các quốc gia liên quan, bởi nếu không thận trọng trước những tuyên bố, kí kết sẽ dẫn đến nhiều yếu tố phát sinh gây ảnh hưởng đến mối quan hệ vốn đã bị ảnh hưởng bởi thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam, Malaysia. Các quốc gia nên áp dụng tốt đường lối ngoại giao trung lập tránh những bất cẩn để đưa ra những quyết sách phù hợp.
Xu hướng phát triển của ASEAN+3 trong những năm tiếp theo
Hội nghị cấp cao ASEAN+3 được tổ chức thường niên, 13 thành viên ASEAN+3 sẽ chủ trì theo chế độ luân phiên, lần gần nhất là Hội nghị cấp cao ASEAN+3 được tổ chức tại thủ đô Vientiane, Lào năm 2024. Nếu như thập kỷ trước, cán cân quyền lực nghiêng về Nhật Bản và Trung Quốc, thì năm 2025, dường như Trung Quốc được xem như “gã khổng lồ” chi phối toàn khu vực. Trong khi ASEAN vẫn còn các thách thức về kinh tế và mâu thuẫn chưa thể giải quyết, Hàn Quốc đang trong giai đoạn chính trị bất ổn nhất, Nhật Bản lại không tự chủ được quyền tổ chức quân đội, thì Trung Quốc với nền kinh tế đứng top 2 thế giới vươn lên như người đứng đầu ASEAN+3 và thúc đẩy khối đi lên.
Hội đàm ngoại trưởng Nhật – Trung – Hàn ngày 22/3/2025 tại Tokyo, Nhật Bản như sự chuẩn bị cho ngọn sóng lớn vào ngày 2/4, khi chính sách thuế quan Mỹ chính thức được áp dụng, tại đây ba Bộ trưởng Ngoại giao đã nhấn mạnh cần phải hợp tác với ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại, động thái này được xem như “tấm khiên chắn sóng” của ba quốc gia Đông Bắc Á. Với những chính sách của tổng thống Trump hiện tại, dự đoán sẽ gây nên cuộc chiến thuế quan đối ứng giữa Mỹ và Trung trên nhiều lĩnh vực, những nghi ngờ về việc tuồn hàng trốn thuế cũng sẽ được đẩy lên cao gây ra hiểu lầm cho những quốc gia lân cận như Việt Nam.
Nguyên tắc hoạt động của ASEAN được xác định để thúc đẩy sự hợp tác và bảo đảm hòa bình, ổn định trong khu vực. Tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề ‘Xây dựng một ASEAN thống nhất, toàn diện và kiên cường trong bối cảnh chuyển đổi toàn cầu’ đã đề cập đến “thống nhất, toàn diện và kiên cường” thể hiện các giá trị cốt lõi mà ASEAN phải duy trì để giải quyết các thách thức do môi trường toàn cầu phân mảnh và bất ổn hiện nay đặt ra. Nhưng thực chất, nội khối ASEAN hay thậm chí là ASEAN+3 vẫn đang phân mảnh, tồn động nhiều vấn đề khó có thể giải quyết nhanh chóng như tranh chấp biển Đông (giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan), biển Hoa Đông (giữa Trung Quốc và Nhật Bản) và những mâu thuẫn từ trong lịch sử.
Dự đoán các quốc gia ASEAN+3 sẽ hợp tác vượt qua cuộc chiến thuế quan, hợp tác thương mại đa lĩnh vực và thúc đẩy hợp tác cơ sở hạ tầng nhưng các mâu thuẫn lợi ích quốc gia vẫn bị bỏ ngỏ vì cần nhiều yếu tố thúc đẩy khác. Các chuyên gia Indonesia nhận định ASEAN đang thúc đẩy an ninh và hòa bình khu vực bằng cách tăng cường đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia thành viên, giải quyết các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và tuân thủ luật pháp quốc tế, qua đó đảm bảo một Đông Nam Á ổn định và thịnh vượng.
Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump không loại trừ một quốc gia nào, với mức thuế 46%, đồng thời bị cáo buộc tham gia vào các hoạt động thương mại không công bằng nhằm trốn tránh thuế quan. Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng khi chính sách thuế quan của Mỹ được áp dụng vào năm 2025.
Đầu tiên, việc Mỹ có thể áp thuế đối ứng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành chủ lực như điện tử và dệt may, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu thuế quan tăng cao, giá thành sản phẩm sẽ tăng, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Mỹ, dẫn đến giảm doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp, hậu quả không chỉ giới hạn ở doanh nghiệp trong nước mà còn tác động tiêu cực đến cả doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Thứ hai, đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia trong khu vực ASEAN+3, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong quá trình mở rộng thị trường thương mại. Những quốc gia này không chỉ có nền kinh tế mạnh mẽ mà còn sở hữu công nghệ tiên tiến và nguồn nhân lực dồi dào. Việc duy trì vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài là một thách thức lớn, đặc biệt khi các đối thủ đang không ngừng cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
Vấn đề Biển Đông sẽ bị bỏ ngõ, trong khi Trung Quốc vẫn gia tăng hoạt động quân sự và khai thác tài nguyên tại đây, tạo ra mối lo ngại về an ninh quốc gia. Vấn đề tranh chấp chủ quyền có thể sẽ không được giải quyết khi các nước ASEAN+3 đều tập trung vào vấn đề trước mắt, là thuế quan của Mỹ. Do đó, Việt Nam cần duy trì hợp tác với các nước ASEAN và các đối tác chiến lược để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, đồng thời tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp này./.
Tác giả: Hạ Lê
Bài viế thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Trích dẫn tham khảo:
1. Japan Center for International Exchange. 2021. “East Asia Insights | the ASEAN+3 and East Asia Summit: A Two-Tiered Approach to Community Building – JCIE.” JCIE. December 3, 2021. https://jcie.org/analysis/east-asia-insights/eai200601/
2. “ASEAN Future Forum 2025: A Rising Platform for Regional Cooperation and Innovation.” 2025. Vietnamnews.Vn. https://vietnamnews.vn/opinion/1692752/asean-future-forum-2025-a-rising-platform-for-regional-cooperation-and-innovation.html
Vietnam+. 2025. “ASEAN Future Forum 2025 Expected to Focus on Sustainable Values: Indonesian Experts.” Vietnam+ (VietnamPlus), February 23, 2025. https://en.vietnamplus.vn/asean-future-forum-2025-expected-to-focus-on-sustainable-values-indonesian-experts-post310405.vnp
3. Briefing, Vietnam. 2025. “Impact of Tariffs by President Trump on Vietnamese Exports.” Vietnam Briefing News. March 28, 2025. https://www.vietnam-briefing.com/news/us-vietnam-trade-relations-trump-impact-tariffs-vietnamese-exports.html/
4. Vietnam Investment Review. 2025. “US Tariff Policies Causing Concern in Vietnam.” Vietnam Investment Review – VIR, March 3, 2025. https://vir.com.vn/us-tariff-policies-causing-concern-in-vietnam-123746.html
5. Times, Global. n.d. “Xi To Pay State Visits to Vietnam, Malaysia and Cambodia.” Copyright 2021 by the Global Times. https://www.globaltimes.cn/page/202504/1331953.shtml