Pháp là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam ở châu Âu. Việt Nam và Pháp đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược từ năm 2013, quan hệ song phương không ngừng được củng cố và phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, văn hóa, khoa học kỹ thuật… Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu đã thăm chính thức Việt Nam, hội đàm cùng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và cùng ký kết nghị định thư về tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp thời gian qua
Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ quốc phòng với Việt Nam (từ năm 1991) dù trong lịch sử, hai nước từng là hai bên đối đầu trên chiến trường tại Việt Nam. Từ đó đến nay, với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp”, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp đã có nhiều phát triển, đặc biệt là từ sau khi hai nước trở thành Đối tác Chiến lược năm 2013. Trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp giai đoạn 2018 – 2028 và Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp sửa đổi, hợp tác quốc phòng giữa hai nước đạt nhiều kết quả tích cực như trao đổi đoàn; cơ chế đối thoại, tham vấn; đào tạo; công nghiệp quốc phòng; quân y; chia sẻ ký ức lịch sử, khắc phục hậu quả chiến tranh; gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; tham vấn, ủng hộ nhau trên các diễn đàn, cơ chế đa phương, nhất là các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.
Tính đến nay, Việt Nam và Pháp đã tổ chức 3 lần Đối thoại Chiến lược và Hợp tác Quốc phòng (2019, 2022, 2023). Đối thoại Chiến lược và Hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp lần thứ 3 – gần nhất được tổ chức vào tháng 12/2023 tại Paris. Tại Đối thoại, 2 trưởng đoàn là Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và bà Alice Rufo, Tổng cục trưởng Tổng cục Quan hệ quốc tế và Chiến lược, Bộ Quân đội Pháp đã đánh giá quan hệ hợp tác quốc phòng song phương tiếp tục được củng cố và tăng cường theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các văn bản, thỏa thuận hợp tác đã ký kết, đặc biệt là Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp giai đoạn 2018 – 2028 và Thỏa thuận khung về hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp. Trước đó, hai bên đã cùng phối hợp thực hiện, xây dựng phóng sự về học viên Việt Nam tại Trường Sĩ quan Hải quân Pháp và xuất bản Sổ tay thuật ngữ quân sự Việt Nam – Pháp. Các hoạt động này mang ý nghĩa thiết thực, tạo động lực cho việc dạy và học tiếng Pháp trong quân đội cũng như hỗ trợ cho các quân nhân Việt Nam trong quá trình chuẩn bị tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại địa bàn các nước nói tiếng Pháp, là minh chứng cho quan hệ hữu nghị tốt đẹp hiện có giữa Bộ Quốc phòng hai nước. Kết thúc đối thoại, hai trưởng đoàn cũng đã công bố Sổ tay thuật ngữ quân sự Pháp-Việt.[1]
Việt Nam và Pháp đã tích cực thúc đẩy hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Thỏa thuận kỹ thuật về hợp tác trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc vào tháng 11/2016. Hai bên đã hợp tác trong các hoạt động trao đổi đoàn, trao đổi giảng viên, chuyên gia, học viên tham gia các khóa huấn luyện về gìn giữ hòa bình do hai bên tổ chức. Từ ngày 28/11 đến 1/12/2023, đoàn công tác Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam do Đại tá Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng làm trưởng đoàn, đã có chuyến thăm và làm việc tại và làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ tác chiến (DAO) thuộc Trung đoàn RCA số 1, Bộ Tư lệnh Lục quân và Phòng châu Á – Thái Bình Dương, Bộ tổng Tham mưu quân đội Pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc[2].
Hợp tác an ninh hàng hải được hai nước quan tâm. Mới đây, ngày 15/04/2024, Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Tuần dương Vendemiare của Hải quân Pháp đã tổ chức tập luyện chung trên biển[3], trong đó trao đổi trao đổi kinh nghiệm về chống buôn lậu trên biển, chia sẻ thông tin; luyện tập tìm kiếm cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, chống ô nhiễm, bảo đảm an toàn trên biển.
Hai nước cũng duy trì trao đổi cấp cao thường xuyên. Cuối năm 2022, Chủ tịch Thượng nghị viện Cộng hoà Pháp Gérard Larcher đã có chuyến Thăm chính thức Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã có cuộc điện đàm vào tháng 10/2023. Gần đây nhất, nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam – Đại tướng Phan Văn Giang, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Quân đội Cộng hòa Pháp do Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu làm trưởng đoàn đã thăm chính thức Việt Nam vào ngày 5/5/2024. Hai bộ trưởng đã hội đàm và ký kết nghị định thư về tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước.
Bộ trưởng Phan Văn Giang đã đề nghị hai bên tiếp tục hợp tác đào tạo, gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, quân y, thủy đạc, công nghiệp quốc phòng, trao đổi chiến lược; sớm đạt được thống nhất về Chương trình hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp giai đoạn 2025-2028. Về phía Pháp, Bộ trưởng Sébastien Lecornu nêu bật tầm quan trọng hợp tác chia sẻ ký ức lịch sử, khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước; bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp[4].
Hai bên cũng tích cực hợp tác trong khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có hợp tác rà phá bom mìn, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ hồi hương hài cốt binh lính Pháp trong chiến tranh tại Việt Nam, đồng thời nỗ lực tăng cường hợp tác để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, nhất là trong chia sẻ các tài liệu lưu trữ về di tích này. Vừa qua, Đài Truyền hình Việt Nam VTV cũng đã nỗ lực hợp tác với các bên liên quan tại Pháp để sản xuất chương trình “Điện Biên Phủ – Nhìn từ nước Pháp” với những tài liệu, tư liệu đang lưu trữ tại Bộ Quốc phòng Pháp và Quốc hội Pháp, trong đó có nhiều thông tin đã giải mật chưa hoặc ít được tiếp cận về sự kiện lịch sử này[5].
Phương hướng hợp tác thời gian tới
Những kết quả tích cực đạt được cùng nhận thức chung giữa hai nước về tầm nhìn của mối quan hệ là những nền tảng quan trọng cho các đối tác hai bên tiếp tục đưa các kết nối hợp tác sâu rộng hơn. Với tiềm năng, lợi thế và quyết tâm từ hai chính phủ, mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt – Pháp được đánh giá sẽ có những bước tiến thực chất, đóng góp cho mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước.
Tại cuộc hội đàm vừa qua, Bộ trưởng Phan Văn Giang đã đề nghị hai bên tiếp tục nỗ lực thúc đẩy hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu vì hòa bình, ổn định, phát triển chung của khu vực và thế giới, tương xứng với quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Pháp. Trọng tâm vào các lĩnh vực như: Duy trì trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao; tăng cường hợp tác về đào tạo, gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc; thúc đẩy hợp tác về quân y, thuỷ đạc, trang bị quốc phòng, an ninh biển, trao đổi chiến lược, ký ức lịch sử và khắc phục hậu quả chiến tranh; phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương[6]. Về vấn đề trên biển, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.
Thứ nhất, duy trì trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao. Các đoàn lãnh đạo cấp cao có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng cường lòng tin chiến lược, hiểu biết lẫn nhau, từ đó thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng đi vào thực chất. Những chuyến thăm và làm việc đóng vai quan trọng để hai bên cùng ngồi lại thảo luận các chương trình hợp tác trong tương lai, tháo gỡ các vướng mắc, đồng thời thúc đẩy triển khai cụ thể những định hướng, nội dung hợp tác đã được xác định trong các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, tăng cường hợp tác về đào tạo, gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc. Hai nước sẽ tiếp tục hợp tác đào tạo sĩ quan tại Pháp, trong lĩnh vực đào tạo tiếng Pháp, đặc biệt là nhằm triển khai các lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình tại những khu vực sử dụng tiếng Pháp.
Thứ ba, thúc đẩy hợp tác về quân y, thuỷ đạc, trang bị quốc phòng, an ninh biển, trao đổi chiến lược, ký ức lịch sử và khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong khi Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng về tình hình phức tạp đang diễn ra trên Biển Đông, Pháp bày tỏ sự quan tâm đến việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên biển. Việt Nam và Pháp có thể thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu, gặp gỡ giữa lực lượng hai bên, trong đó có việc tập luyện, diễn tập công tác bảo vệ an ninh hàng hải trên biển, không chỉ song phương mà có thể phối hợp cùng các quốc gia ASEAN khác. Từ đó, góp phần thúc đẩy an ninh, an toàn, tự do hàng hải, vì hòa bình, ổn định và phát triển của hai quốc gia cũng như trong khu vực và trên thế giới. Các cuộc diện tập sẽ giúp hai bên, đặc biệt là Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, nâng cao khả năng ứng phó thực tế, kịp thời đối với các vấn đề an ninh hàng hải. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nhấn mạnh và thực thi nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa phương hóa, đa dạng hóa, thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng “bốn không”: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Hai bên cũng sẽ cố gắng đi đến ký Thỏa thuận khung về hợp tác Việt – Pháp trong lĩnh vực quân y có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Ngoài ra, một lĩnh vực tiềm năng khác là hợp tác khoa học – kỹ thuật quân sự, nhất là hợp tác trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ quân sự hiện đại, có thể sẽ được Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Pháp, nhằm góp phần xây dựng tiềm lực quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu và khả năng phòng thủ của quân đội.
Hợp tác chia sẻ ký ức lịch sử, khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước cũng sẽ được hai nước quan tâm và tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới. Chuyến thăm vừa qua của Bộ trưởng Bộ Quân đội Pháp Sébastien Lecornu và tham dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa lớn khẳng định nỗ lực của hai bên cùng nhau “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai”, cho thấy Việt Nam là hình mẫu về hàn gắn, khôi phục sau chiến tranh, biến thù thành bạn, chuyển đối đầu thành đối thoại. Bộ trưởng Sébastien Lecornu đã bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã tích cực hợp tác, hỗ trợ hồi hương hài cốt binh lính Pháp trong chiến tranh tại Việt Nam, đồng thời khẳng định hai bên hoàn toàn có thể đạt được tương lai hợp tác tốt đẹp hơn nữa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và luật pháp quốc tế[7].
Thứ tư, phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương. Việt Nam và Pháp chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế; chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương; cùng nỗ lực phấn đấu vì hoà bình và phát triển bền vững bao trùm; coi trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực. Việt Nam cũng đang nỗ lực thay đổi tư duy từ “tham dự” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung” trong các tổ chức quốc tế, khuôn khổ các cơ chế hợp tác quốc phòng, quân sự. Sự phối hợp và ủng hộ từ 2 bên sẽ đóng góp tích cực cho các tổ chức đa phương trong việc ứng phó kịp thời với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ở khu vực và toàn cầu đang nổi lên như xung đột vũ trang, cạnh tranh giữa các nước lớn, an ninh mạng, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… vốn không thể giải quyết một mình./.
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Minh Ngọc, Đối thoại Chiến lược và Hợp tác quốc phòng Việt Nam – Pháp lần thứ ba, Báo Quân đội Nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/doi-thoai-chien-luoc-va-hop-tac-quoc-phong-viet-nam-phap-lan-thu-ba-756066
[2] Mỹ Hạnh, Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Pháp trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Báo Quân đội Nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/thuc-day-hop-tac-viet-nam-phap-trong-hoat-dong-gin-giu-hoa-binh-lien-hop-quoc-753818
[3] Nguyễn Thành, Cảnh sát biển Việt Nam và tàu Tuần dương Vendemiare của Hải quân Pháp luyện tập chung trên biển, Báo Quân đội Nhân dân, https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-ngoai-quoc-phong/canh-sat-bien-viet-nam-va-tau-tuan-duong-vendemiare-cua-hai-quan-phap-luyen-tap-chung-tren-bien-772906
[4] Đài Tiếng Nói Việt Nam VOV, “Việt Nam và Pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng”, https://vovworld.vn/vi-VN/chinh-tri/viet-nam-va-phap-thuc-day-hop-tac-quoc-phong-1292296.vov
[5] Phúc Hằng,Chương trình VTV đặc biệt Điện Biên Phủ: Nhìn từ nước Pháp phát sóng ngày 7/5, TTXVN/Vietnam+, https://www.vietnamplus.vn/chuong-trinh-vtv-dac-biet-dien-bien-phu-nhin-tu-nuoc-phap-phat-song-ngay-75-post943605.vnp
[6] Dương Ngọc, Việt Nam – Pháp ký ý định thư về tăng cường hợp tác quốc phòng, Báo Người lao động, https://nld.com.vn/viet-nam-phap-ky-y-dinh-thu-ve-tang-cuong-hop-tac-quoc-phong-196240505144840928.htm
[7] Chu Văn, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Quân đội Cộng hòa Pháp Sébastien Lecornu, Báo Việt Nam và Thế Giới, https://baoquocte.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tiep-bo-truong-bo-quan-doi-cong-hoa-phap-sebastien-lecornu-270298.html