Thủ tướng Áo Metternich từng nói rằng: “Quand Paris s’enrhume, l’Europe prend froid” (“Khi Paris hắt hơi, châu Âu cảm lạnh”). Với việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chuẩn bị thăm Bắc Kinh vào đầu tháng 04/2023, khả năng Pháp có thể dẫn đầu việc nối lại quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc luôn là vấn đề đang được đặc biệt chú ý hiện nay.
“Tiếng nói châu Âu”
Với việc được Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tháp tùng, Tổng thống Pháp có kế hoạch “mang tiếng nói của Châu Âu” trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc theo tiết lộ của Điện Élysée ngày 24/03/2023. Đứng đầu danh sách trong chương trình nghị sự của Tổng thống Macron là kế hoạch nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine. Ông Macron đã nhận định, ý định tham gia của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc xung đột Nga-Ukraine dưới hình thức kế hoạch 12 điểm là một “điều tốt”. Tuyên bố lập trường của Bắc Kinh kêu gọi tất cả các bên ủng hộ Nga và Ukraine trong đàm phán tìm cách thoát khỏi xung đột, đồng thời duy trì Hiến chương Liên hợp quốc và các giá trị như: Tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, không can thiệp vào công việc nội bộ của các bên khác.
Tổng thống Pháp tiếp tục kêu gọi Trung Quốc không hỗ trợ quân sự cho Nga, một cáo buộc của các cường quốc phương Tây mà Bắc Kinh luôn bác bỏ. Ông Macron cũng có kế hoạch thúc đẩy Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Nga để ngăn chặn nước này sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân. Macron lưu ý rằng, chiến tranh sẽ chỉ kết thúc nếu “sự xâm lược của Nga bị dừng lại, quân đội rút đi, chủ quyền lãnh thổ của Ukraine và người dân của họ được tôn trọng”. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng bày tỏ thiện chí tương tự và sẵn sàng thăm Trung Quốc vào tháng 04/2023. Luxembourg cũng ủng hộ quan điểm hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh.
Báo cáo của cả phương tiện truyền thông Trung Quốc và phương Tây đều lưu ý rằng, “sự cạnh tranh để đặt chuyến bay tới Trung Quốc” giữa các nhà lãnh đạo EU bắt nguồn từ việc họ nhận ra rằng, EU “không thể để mất Trung Quốc” do tầm quan trọng quốc tế ngày càng tăng của Bắc Kinh. Mặc dù nhiều người đã lên tiếng ủng hộ việc tăng cường hợp tác với Trung Quốc, nhưng không phải tất cả các quốc gia trong khối đều thống nhất chung một nhận thức như vậy.
Một căn nhà bị chia rẽ
Cuộc họp của Hội đồng Châu Âu vào ngày 23-24/03/2023 vẫn tập trung vào cuộc tranh cãi của Đức với các nhà lãnh đạo EU về quyết định chấm dứt sử dụng ô tô động cơ đốt trong truyền thống, cũng như thảo luận về vấn đề Trung Quốc mặc dù không đi đến kết luận. Trong khi Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Luxembourg đã báo hiệu ý định thúc đẩy thảo luận với Bắc Kinh; Latvia, Litva, Thụy Điển, Ba Lan đã bày tỏ quan ngại về chuyến thăm cấp cao gần đây của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga đang được coi là “củng cố một liên minh nguy hiểm”. Mối quan tâm không chỉ là việc nghi ngờ Trung Quốc sẽ viện trợ quân sự cho Moscow mà còn là mối đe dọa ngày càng tăng của một cuộc chiến giữa Bắc Kinh và Washington về vấn đề Đài Loan, nơi châu Âu thấy mình “bị kẹt” ở giữa. Ngoài ra, giới lãnh đạo EU còn quan ngại về sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của các quốc gia này vào Trung Quốc.
Mặc dù không có sự đồng thuận về cách thức mà EU, với tư cách là một liên minh, phải định hình chính sách Trung Quốc của mình như thế nào, Tổng thống Macron vẫn tỏ rõ lập trừng của mình khi khẳng định, mặc dù Pháp coi trọng sự phối hợp của EU, nhưng nước này tuân theo “chính sách đối ngoại độc lập”; nhấn mạnh rằng, Pháp sẽ thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc, cùng với hoặc không có các đồng minh khu vực của mình.
Paris và Bắc Kinh
Bắc Kinh không chỉ là khách hàng lớn thứ 7 và nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 2 của Pháp (chiếm 9% thị phần tại Pháp) mà còn tạo cơ hội cho Tổng thống Pháp, người lý tưởng hóa cựu lãnh đạo, Tướng Charles de Gaulle, thách thức cái mà người Pháp gọi là “siêu cường” của Mỹ. Xét cho cùng, chính vị tướng này đã bất chấp các đồng minh phương Tây để thiết lập quan hệ cấp đại sứ với Bắc Kinh vào năm 1964, thời kỳ căng thẳng Chiến tranh Lạnh âm ỉ khiến Paris bị chỉ trích mạnh mẽ. Mặc dù Macron không có mâu thuẫn nghiêm trọng nào với Washington, nhưng ông vẫn tìm kiếm tiếng nói để thể hiện vai trò của mình với tư cách là một nhà lãnh đạo lớn trên trường quốc tế.
Về mặt đối nội, Tổng thống Macron đang gặp gặp rắc rối trong chính sách đối nội của mình. Dự luật Cải cách Hưu trí (tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi) vốn rất không được lòng dân, đã được thông qua mà không có một cuộc bỏ phiếu nào tại Nghị viện, dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc. Những người phản đối đề xuất các biện pháp khác như tăng thuế đối với người giàu và doanh nghiệp, một động thái bị Macron bác bỏ vì những tác hại có thể xảy ra cho hệ thống tài chính của nước này. Trong bối cảnh mọi thứ trở nên nghiêm trọng khi các cơ quan nhà nước bị ngừng hoạt động trên toàn quốc và nguy cơ diễn ra cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chống lại Tổng thống, việc tăng cường các mối quan hệ mang lại nhiều lợi ích kinh tế về thương mại, đầu tư hơn từ Trung Quốc có thể củng cố uy tín của Tổng thống Pháp, một cơ hội mà Macron sẽ cố gắng nắm bắt trong chuyến thăm sắp tới. Tuy nhiên, môi trường chính trị hiện nay chắc chắn khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Quan hệ xấu đi và một Trung Quốc tự tin
Cuộc tranh cãi về “Balloongate”[1] vẫn chưa hạ nhiệt thì một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục nổ ra dưới hình thức kêu gọi cấm ứng dụng TikTok vì cáo buộc thu thập dữ liệu bất hợp pháp người dân Mỹ. Song song với quan điểm thù địch từ Mỹ là sự thay đổi trong thái độ của Trung Quốc đối với Washington.
Giữa phiên họp gần đây của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc, Chủ tịch Tập đã chỉ trích “những nỗ lực do Washington dẫn đầu “nhằm” ngăn chặn, bao vây và đàn áp” Trung Quốc, đặt ra “những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển của Bắc Kinh”, một khoảnh khắc hiếm hoi khi giới lãnh đạo Trung Quốc nêu rõ tên Mỹ trong lời chỉ trích của mình.
Một sự thay đổi chính sách dường như cũng có thể xảy ra. Trong chính sách đối ngoại mới, Trung Quốc đã khẳng định xu thế thười gian tới qua các câu khẩu hiệu “沉着冷静;保持定力;稳中求进;积极作为;团结一致;敢于斗争”, có thể được dịch là “Hãy bình tĩnh; Giữ quyết tâm; Tìm kiếm sự tiến bộ và ổn định; Hãy chủ động và đạt được thành tích; Đoàn kết dưới Đảng Cộng sản; Dám chiến đấu”, đã thể hiện rõ vai trò quốc tế rõ rệt hơn mà Trung Quốc dự tính cho bản thân nước này trong tương lai.
Sự tự tin của Trung Quốc càng được nâng cao nhờ thành công của nước này trong việc môi giới hòa bình giữa hai đối thủ sừng sỏ là Saudi Arabia và Iran. Với cái bắt tay đã đưa Vương quốc Ả Rập Sunni và chế độ thần quyền Ba Tư Shiite xích lại gần nhau, Bắc Kinh không chỉ giành được sự ca ngợi từ các quốc gia trong khu vực mà còn thành công trong việc kéo các đồng minh của Mỹ như Riyadh về phía mình ở một mức độ nào đó. Chuyến thăm Moscow của Tập Cận Bình cho thấy ông quyết tâm biến Bắc Kinh thành một nhà đàm phán thay thế cho Washington như thế nào, bất kể có bao nhiêu chỉ trích đến với ông.
Pháp có thể ảnh hưởng đến EU đến mức nào?
Khi bầu không khí chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên, những người cố gắng cân bằng giữa hai bên sẽ thấy con đường hẹp lại. Nhưng xem xét các cơ hội, Tổng thống Macron sẽ thử. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Pháp có thể gây ra bao nhiêu ảnh hưởng đối với EU?
Là nước giữ ghế thường trực duy nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thời hậu Brexit, Pháp chắc chắn có trọng lượng lớn khi đề cập đến việc hoạch định chính sách ở EU. Macron cũng là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn. “Kế hoạch lớn” của ông bao gồm việc hợp nhất cơ quan khu vực thành một khối chính trị, kinh tế và xã hội vững mạnh thông qua rũ bỏ ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, đã có nhiều mâu thuẫn và Paris đã bất hòa với nhiều nước trong khối bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Đức .
Macron cũng đã không thành công trong duy trì lập trường của mình đối với Nga. Sau khi những nỗ lực quyến rũ Putin thất bại, Tổng thống Pháp đã đảm nhận một quan điểm mơ hồ bao gồm việc chỉ trích chiến tranh nhưng không cam kết bảo vệ Ukraine. Đúng như dự đoán, nó không được lòng các đồng minh ở châu Âu.
Bầu không khí cuối cùng đã lắng xuống và lập trường “đánh bại Nga nhưng không nghiền nát nó” đã xuất hiện. Tổng thống Macron chắc chắn muốn vạch ra một con đường thực dụng gây thiệt hại tối thiểu và đó sẽ là điều ưu tiên khi ông đến Bắc Kinh để nói về chiến tranh. Liệu ông Macron có nhận được sự ủng hộ của các đồng minh EU? Có vẻ khó khăn, do những đánh giá sai lầm trong quá khứ của ông ấy và những mâu thuẫn gần đây của EU với Bắc Kinh, từ các cuộc đàm phán thương mại đến vấn đề vi phạm nhân quyền.
Mức độ thành công của Macron trong việc khiến EU đàm phán với Trung Quốc cũng phụ thuộc vào mức độ thành công của Bắc Kinh trong việc thuyết phục Moscow tham gia một kế hoạch hòa bình với Ukraine, điều mà xét cho cùng còn khó khăn hơn so với việc đối phó với Tehran và Riyadh. Trong khi Nga có vẻ đồng ý với kế hoạch chấm dứt chiến tranh của Trung Quốc, thì Putin lại có tham vọng lớn hơn và ít đặt cược hơn nhiều vào việc phát động một cuộc chiến tổng lực với Washington và các đồng minh so với Bắc Kinh. Sự đào sâu “Mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện cho kỷ nguyên mới” giữa Trung Quốc và Nga vẫn chưa rõ ràng và mức độ phụ thuộc vào Bắc Kinh sẽ quyết định bất kỳ thay đổi nào trong kế hoạch của Putin. Ngay cả khi các hành động của Trung Quốc khuyến khích Nga như đã tuyên bố, Bắc Kinh biết rằng, họ có lợi khi giảm bớt sự hiếu chiến của Moscow khi cân nhắc các chi phí kinh tế và thiệt hại quân sự mà Washington có thể giáng xuống. Macron cũng không chắc chắn về việc ông muốn “ôm chặt” Trung Quốc đến mức nào? Hiện tại, thiết lập một mối quan hệ tốt hơn với Trung Quốc là những gì Tổng thống Pháp đang hướng tới. Tuy nhiên, khả năng EU sẽ đồng thuận với ý định ông Macron hay không vẫn là một câu hỏi mà chỉ có thời gian mới trả lời được.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Cherry Hitkari có bằng Thạc sĩ Nghiên cứu Đông Á chuyên ngành Nghiên cứu Trung Quốc và hiện đang theo học bằng cao đẳng nâng cao về ngôn ngữ Trung Quốc tại Khoa Nghiên cứu Đông Á, Đại học Delhi, Ấn Độ.
[1] Sự kiện khinh khí cầu do thám Trung Quốc (28.01.2023 – 04.02.2023)