Theo chuyên gia William Alberque thuộc Viện nghiên cứu các vấn đề chiến lược và quốc tế (IISS), văn kiện “Khái niệm chiến lược năm 2022” được nhất trí thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây tại Madrid (Tây Ban Nha) thể hiện thái độ bi quan về triển vọng kiểm soát vũ khí, nhưng đã tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa khủng hoảng cũng như đưa ra những công cụ quan trọng để chuẩn bị cho NATO bước vào kỷ nguyên cạnh tranh mới với Trung Quốc và Nga.
Văn kiện “Khái niệm chiến lược năm 2022” của NATO hạ thấp đáng kể vai trò trung tâm của kiểm soát vũ khí như một giải pháp chính cho việc quản lý xung đột và chạy đua vũ trang để ưu tiên giảm thiểu rủi ro, quản lý xung đột và tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin. Đây là điểm khác biệt so với “Khái niệm chiến lược năm 2010”. Sự thay đổi này được cho là nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại trong bối cảnh việc đàm phán với Nga về bất kỳ chủ đề nào vẫn nằm ngoài khả năng của NATO. Các chính sách đối với Nga và Trung Quốc trong những lĩnh vực chính được đề cập trong “Khái niệm chiến lược năm 2022” cũng có nhiều điểm khác biệt so với các chính sách được công bố trước đây. Trên thực tế, việc “Khái niệm chiến lược mới” đề cập đến Trung Quốc là điều đáng chú ý, vì các tài liệu của NATO hiếm khi làm vậy. Khi đề cập đến Nga, văn kiện sử dụng ngôn từ mạnh mẽ theo phong cách Chiến tranh Lạnh so với ngôn từ được thấy trong những văn kiện tương tự sau Chiến tranh Lạnh (vào năm 1991, 1999 hay 2010).
Cụ thể hơn, trong “Khái niệm chiến lược năm 2022”, Nga được mô tả là “mối đe dọa trực tiếp” – những từ ngữ mạnh mẽ nhất từng được sử dụng để nói về nước Nga kể từ năm 1991. “Khái niệm chiến lược năm 1991” (phiên bản đầu tiên được ban hành) ca ngợi sự hợp tác của NATO với Liên Xô trong bối cảnh xuất hiện những đột phá trong việc kiểm soát vũ khí với Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, văn kiện cũng dự báo những thay đổi theo hướng tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai trong lực lượng của Liên Xô là yếu tố mà liên minh phải tính đến. “Khái niệm chiến lược năm 2022” đề cập đến chính sách mới của Nga, đồng thời khẳng định nước này là mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh các nước NATO, cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương. Đây là điểm khác biệt lớn nhất của “Khái niệm chiến lược năm 2022” so với những phiên bản trước, mà trong đó Nga được xem là đối tác chiến lược của NATO.
“Khái niệm chiến lược năm 2022” cũng là văn kiện chiến lược đầu tiên của NATO đề cập đến Trung Quốc. Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2019 tại London là văn kiện đầu tiên nhắc đến Trung Quốc trong số các tuyên bố chung của liên minh kể từ tháng 12/1965. Đoạn 13 của “Khái niệm chiến lược năm 2022” nêu rõ: “Các tham vọng và chính sách mang tính cưỡng ép của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của chúng ta”. Những lời lẽ này phù hợp với ngôn từ được sử dụng trong Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2021 tại Brussels.
“Khái niệm chiến lược năm 2022” cũng đề cập đến những cách thức hữu ích để giảm thiểu rủi ro, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động kiểm soát vũ khí với Nga và Trung Quốc. Về Nga, Điều 9 của văn kiện khẳng định: “NATO không tìm kiếm sự đối đầu, cũng không gây ra mối đe dọa nào đối với Nga”. Thay vào đó, NATO sẵn sàng duy trì các kênh liên lạc mở với Moskva để quản lý và giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn leo thang và tăng cường tính minh bạch. “NATO tìm kiếm sự ổn định và khả năng dự đoán ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương, cũng như giữa NATO và Nga”. Trong khi đó, về Trung Quốc, văn kiện khẳng định NATO sẽ tiếp tục duy trì can dự mang tính xây dựng với Trung Quốc, bao gồm cả việc tăng cường tính minh bạch từ cả hai phía nhằm bảo vệ lợi ích an ninh của liên minh.
“Khái niệm chiến lược năm 2022” thảo luận về các vấn đề liên quan đến các công cụ đang được sử dụng để kiểm soát vũ khí và ngăn chặn việc phổ biến vũ khí toàn cầu, nhưng lại không đưa ra nhiều giải pháp thay thế. Đoạn 18 của văn kiện đã đề cập chi tiết đến những vấn đề này. Cụ thể, văn kiện viết: “Sự suy yếu của hệ thống kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và ngăn phổ biến vũ khí đã tác động tiêu cực đến sự ổn định chiến lược. Việc Nga vi phạm và thực hiện có chọn lọc các nghĩa vụ và cam kết kiểm soát vũ khí đã phần nào khiến bối cảnh an ninh rộng lớn trở nên xấu đi. Việc các quốc gia thù địch và các tổ chức phi nhà nước khai thác tiềm năng của các vật liệu hoặc vũ khí hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân để chống lại NATO vẫn là mối đe dọa đối với an ninh của chúng ta. Iran và Triều Tiên tiếp tục phát triển các chương trình hạt nhân và tên lửa riêng. Syria, Triều Tiên, Nga cùng các tổ chức phi nhà nước đã sử dụng vũ khí hóa học. Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ và đang phát triển các hệ thống phóng ngày càng tinh vi, nhưng lại không tăng cường tính minh bạch cũng như không thể hiện thiện chí trong việc kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro”.
Tuy nhiên, phải đến phần sau của văn kiện, NATO mới trình bày quan điểm của họ về tương lai của việc kiểm soát vũ khí. Trước tiên, văn kiện hướng đến sự ổn định chiến lược, dựa trên định nghĩa về kiểm soát vũ khí được trình bày trong “Báo cáo Harmel năm 1967”: răn đe và phòng thủ phải được ưu tiên trước và kiểm soát vũ khí phải dựa trên cơ sở răn đe và phòng thủ. Điều đáng lưu ý là định nghĩa này về sự ổn định chiến lược không nói rõ rằng chỉ áp dụng đối với Nga, và văn kiện cũng không đặt mô tả đó trong bối cảnh kiểm soát vũ khí giữa NATO-Nga hay Mỹ-Nga như trong các phiên bản trước. Do đó, theo suy luận, phương pháp duy trì sự ổn định chiến lược của NATO có thể áp dụng đối với Trung Quốc. Điều 32 của văn kiện viết: “Việc duy trì sự ổn định chiến lược thông qua răn đe và phòng thủ hiệu quả, kiểm soát và giải trừ vũ khí, cũng như đối thoại chính trị có ý nghĩa và trên nguyên tắc có đi có lại vẫn là điều cần thiết đối với an ninh của chúng ta”.
Cũng trong đoạn này, “Khái niệm chiến lược năm 2022” tiếp tục thảo luận về cách tiếp cận truyền thống của liên minh trong việc kiểm soát vũ khí: “Việc kiểm soát vũ khí, giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí đóng góp mạnh mẽ vào các mục tiêu của liên minh. Những nỗ lực của các đồng minh trong việc kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí đều nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro, cũng như tăng cường an ninh, tính minh bạch, khả năng xác minh và sự tuân thủ… Chúng tôi sẽ sử dụng NATO làm nền tảng để thảo luận sâu và tham vấn chặt chẽ về các nỗ lực kiểm soát vũ khí”.
Đoạn 32 cũng đề cập đến việc quản lý và ngăn chặn khủng hoảng, coi đó là trọng tâm của công việc trước mắt thay vì kiểm soát vũ khí: “Chúng tôi sẽ theo đuổi tất cả các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro chiến lược, bao gồm cả việc thúc đẩy xây dựng lòng tin và khả năng dự đoán thông qua đối thoại, tăng cường hiểu biết, và thiết lập các công cụ phòng ngừa và quản lý khủng hoảng hiệu quả. Những nỗ lực này sẽ tính đến môi trường an ninh chung và an ninh của tất cả các nước đồng minh, đồng thời bổ sung cho thế trận răn đe và phòng thủ của liên minh”.
Yếu tố bất ngờ ở đây là văn kiện báo hiệu một khái niệm mới của NATO về cách thức theo đuổi mục tiêu kiểm soát vũ khí trong thời đại không có thỏa thuận hoặc đề xuất kiểm soát vũ khí nào được công nhận. Bằng cách tập trung vào hành động sử dụng các công cụ từ bộ công cụ an ninh rộng lớn hơn như giảm thiểu rủi ro chiến lược, tiến hành đối thoại, hành động có trách nhiệm, quản lý và ngăn chặn khủng hoảng, NATO đang mở rộng tầm nhìn về cách thức theo đuổi mục tiêu chính là kiểm soát vũ khí, ngăn chặn xung đột, tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của đồng minh. Câu cuối cùng trong đoạn trích dẫn ở trên là chìa khóa để nhận thức được rằng trong hiện tại và tương lai, NATO không còn mong muốn theo đuổi những ý tưởng lớn trong việc kiểm soát vũ khí với Nga như trước đây.
Phần thảo luận về kiểm soát vũ khí trong văn kiện kết thúc bằng việc tham khảo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) năm 1970. Không có sự khác biệt đáng chú ý về ngôn ngữ được sử dụng trong “Khái niệm chiến lược năm 2022” so với các phiên bản trước đây về nội dung này, và điều quan trọng là văn kiện không đề cập đến Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân – một động thái được cho là khôn ngoan.
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân là bức tường thành thiết yếu chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân và NATO vẫn cam kết thực hiện đầy đủ hiệp ước này, bao gồm cả Điều 6. Mục tiêu của NATO là đảm bảo môi trường an ninh cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhất quán với các mục tiêu của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Cuối cùng, “Khái niệm chiến lược năm 2022” thể hiện sự nhất trí với cách tiếp cận hướng tới kiểm soát vũ khí trong không gian vũ trụ và không gian mạng, tập trung vào hành vi có trách nhiệm (Điều 25). Điều này nhất quán với nỗ lực đang diễn ra tại Liên hợp quốc nhằm giảm thiểu các mối đe dọa trong không gian thông qua các chuẩn mực, quy tắc và nguyên tắc. Văn kiện viết: “Chúng tôi công nhận khả năng áp dụng luật pháp quốc tế và sẽ thúc đẩy hành vi có trách nhiệm trong không gian mạng và không gian vũ trụ”.
“Khái niệm chiến lược năm 2022” và quan điểm về kiểm soát vũ khí rõ ràng phù hợp với định hướng mới, được các nước thành viên NATO đưa ra từ Hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014 tại Wales, được tổ chức sau khi Nga sáp nhập Crimea và phát động cuộc tấn công Ukraine. Sự lạc quan về khả năng kiểm soát vũ khí giờ không còn nữa, mà thay vào đó là sự bi quan. Nga bị coi là mối đe dọa và Trung Quốc là thách thức. Cùng với răn đe và phòng thủ, việc giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa khủng hoảng là những nhiệm vụ được ưu tiên để bảo vệ liên minh./.