Tuyên bố chính thức đầu tiên về sự cần thiết phải phát triển “Khái niệm chính sách đối ngoại” mới của nước Nga diễn ra vào tháng 1 năm 2022. Một năm sau, Ngoại trưởng Nga S. Lavrov trong bài phát biểu nhân Ngày Công nhân – viên chức ngành Ngoại giao Nga ngày 10/02/2023 đã tiết lộ rằng mọi công việc chuẩn bị cho nó đang được hoàn tất.
Nhiệm vụ đầu tiên của chính sách ngoại giao tiếp tục được nhấn mạnh là “đảm bảo ổn định môi trường bên ngoài cho phát triển bên trong”.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Duma Quốc gia ngày 15/02/2023, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga đã nhắc đến một nhiệm vụ quan trọng khác: “phải ngăn chặn sự độc quyền của phương Tây trong một khuôn khổ chính trị quốc tế mới không còn bị lũng đoạn bởi sự ích kỷ của họ mà dựa trên nền tảng cân bằng lợi ích phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa tất cả các quốc gia”.
Nhưng nếu “ngăn chặn sự độc quyền của phương Tây” trở thành một nhiệm vụ chủ đạo trong “Khái niệm chính sách đối ngoại” của nước Nga thì làm thế nào để Moskva có thể thực hiện được điều đó? Do vậy, ngoài hai nhiệm vụ chính trên, các phác thảo về chiến lược ngoại giao Nga đã thêm vào ý tưởng về một trật tự đa cực: “Nga sẽ tiếp tục củng cố xu hướng thiết lập một trật tự thế giới đa cực, thực sự dân chủ, dựa trên quyền bình đẳng, sự tôn trọng lẫn nhau và tuân thủ các chuẩn mực được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế”. Trật tự đa cực sẽ là thay đổi chính trong thiết kế tổ chức và cấu trúc liên quốc gia của thế giới.
Nhiệm vụ chiến lược thứ tư của Nga là phải tìm một giải pháp thay thế cho toàn cầu hoá vốn đã áp đặt lên các quốc gia suốt nhiều năm nay. “Thay thế” (alternare) nghĩa là chuyển đổi mô hình phát triển của cả thế giới, do đó, không phải là một nhiệm vụ đối ngoại thông thường.
Nhiệm vụ thứ năm, Nga cần phải xem “Xoay trục sang hướng Đông” (Eurasia) là một hướng thay đổi căn bản cho chiến lược đối ngoại. “Xoay trục sang hướng Đông” không phải là lần đầu tiên trong lịch sử đối ngoại của Nga – nó được lặp đi lặp lại mọi lúc và đều đặn trong ít nhất 200 năm qua, sau mỗi lần khủng hoảng (hoặc tan vỡ) quan hệ giữa Nga và phương Tây.
Tất cả những nhiệm vụ chiến lược được liệt kê ở trên (chống độc quyền phương Tây, thay thế toàn cầu hoá, trật tự thế giới đa cực, chiến lược hướng Đông) có quy mô lớn và tất yếu. “Khái niệm chính sách đối ngoại” nên được hiểu trước hết như một bản giới thiệu về trật tự thế giới mới như một tổng thể duy nhất (đồng thời, về cơ bản, bác bỏ “chủ nghĩa toàn cầu phương Tây” như một hướng đi duy nhất). Nước Nga cần phải vượt xa “một chiến lược dài hạn” (tầm nhìn không – thời gian về các xu hướng và sự kiện trong khuôn khổ phát triển của thế giới trong thời gian dài). Điều này đặt ra nhiệm vụ quan trọng bậc nhất: xác định những nét phác hoạ về triển vọng cho một trật tự thế giới mới. Và nếu như đa cực và dân chủ là thành phần cấu trúc của trật tự thế giới tương lai thì sự thay thế toàn cầu hoá của phương Tây là những chuyển biến về chất (liên quan đến các đặc điểm về giá trị và đạo đức). Nhiệm vụ này không thể nhất thời mà về lâu về dài và yêu cầu tính tập thể.
Cần nhấn mạnh rằng, nhiệm vụ trên không làm giảm đi tầm quan trọng của việc “phân tích chính sách đối ngoại và lập kế hoạch cho các sự kiện” mà chúng ta đã quen thuộc (như hiểu biết và quan sát dòng chảy lịch sử, các yếu tố, sự kiện, xu thế, tình hình khu vực, tiềm năng và vị trí của các chủ thể trong quan hệ quốc tế, v.v.). Đồng thời, ngày nay còn nảy sinh một nhiệm vụ khác là mở rộng quan điểm, vượt ra ngoài ranh giới của thuật ngữ, các khái niệm và lĩnh vực nghiên cứu (chính sách đối ngoại) hiện có.
Tuy nhiên, con đường này có một số trở ngại cơ bản mà trước nhất là không thể xây dựng một chiến lược triển vọng (hệ tư tưởng) chỉ dựa trên “sự phủ nhận”, nghĩa là chỉ dựa trên sự chỉ trích và bác bỏ đối thủ như đã xảy ra trong trường hợp của “thần học phủ định” (apophatic theology) thuộc giai đoạn đầu của Cơ đốc giáo và rất lâu sau đó – trong thời kỳ Xô Viết với sự đối đầu toàn diện giữa Liên Xô và phương Tây.
Hướng tới thế giới bằng một “thông điệp” mới, Nga cần một chương trình toàn cầu tích cực của riêng mình – “bức tranh về tương lai cho toàn nhân loại”. Trên chính trường quốc tế, nó không nên chỉ gói gọn vào việc “tập hợp lại các lực lượng” (đa cực) và thiết lập hiệu quả “các nguyên tắc” và “các phương thức hành động” (trật tự dân chủ). Nước Nga không chỉ hướng tới hình thành cấu trúc mới với các cơ chế tương tác, mà còn cần có một số ý tưởng (có thể chung chung) về tương lai đầy hứa hẹn (những gì ở chân trời xa xôi và hơn thế nữa) cho các quốc gia – dân tộc.
Biên dịch: Giang Đinh
Bài viết của Alexei Kozhemyakov, tiến sỹ luật học, chuyên gia nghiên cứu độc lập về các vấn đề chính trị thế giới.