Một Liên minh châu Âu (EU) ngày càng mở rộng sẽ giúp gia tăng tầm ảnh hưởng của EU trong các vấn đề toàn cầu. Chính vì vậy, EU lâu nay luôn tìm cách bình ổn khu vực Tây Balkan bằng những lời hứa hẹn về tương lai gia nhập khối để các nước này chủ động cải thiện tình hình chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội, đồng thời đổ tiền đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội với hy vọng khu vực này trở nên ổn định hơn. Tuy nhiên, tại sao tiến trình kết nạp các nước Tây Balkan vào EU lại kéo dài quá lâu? Chuyên gia Shlomo Ben-Ami trong bài viết đăng trên Project Syndicat sẽ lý giải nguyên nhân của sự trì hoãn này.
Tiêu đều do Ban Biên tập đặt.
Liên minh châu Âu từ ngày thành lập luôn xoay trục quanh các quốc gia đóng vai trò sáng lập, đặc biệt là Pháp và Đức. Trong bối cảnh đang phải giải quyết vấn đề cuộc chiến giữa Nga với Ukraine và chủ nghĩa độc đoán ngày càng gia tăng trong lòng các quốc gia thành viên, dường như EU khó tìm thấy lý do cho phép các nước Tây Balkan gia nhập.
Nhà sử học người Anh ở thế kỷ 19 JR Seeley đã có câu nói nổi tiếng rằng nước Anh giành được đế chế của mình trong “cơn sốt mất trí”. Liên minh châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh cũng tương tự như vậy. Có thể nói, sự mở rộng của EU vượt ra ngoài phạm vi cốt lõi khu vực Tây Âu đã xảy ra phần nào do EU có phần phân tâm, xao nhãng sau sự sụp đổ của Liên Xô. Trong bối cảnh hiện giờ, các nỗ lực mở rộng EU đang ngày càng mất dần.
Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo EU, biên giới châu Âu luôn hết sức linh hoạt. Đối với Charles de Gaulle, châu Âu trải rộng từ Nga cho đến tận dãy núi Ural. Vào năm 2018, Tổng thống hiện tại của Pháp, Emmanuel Macron, đã đề xuất một định nghĩa cụ thể hơn (dù có gây tranh cãi): một châu Âu gồm “các vòng tròn đồng tâm” với mỗi vòng tròn biểu thị một cấp độ bản sắc khác nhau. Đó là tầm nhìn về một châu Âu hai tầng, trong đó các nước Đông và Đông Nam Âu được đặt vào đúng vị trí của họ.
Tuy ý tưởng của Tổng thống Emmanuel Macron chưa bao giờ trở thành chính sách chính thức của EU, nhưng nó đã phản ánh tư tưởng bảo thủ làm giảm giá trị của các quốc gia ngoại vi của châu Âu. Theo thế giới quan hiện đang thịnh hành ở EU, các quốc gia ngoại vi chỉ quan trọng khi phục vụ mục đích của các quốc gia cốt lõi hoặc khi trở thành mối đe dọa đối với an ninh của khối.
Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan năm 2020, trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thông qua một gói viện trợ lớn cho các nước Đông và Đông Nam Âu. Nga và Trung Quốc cũng đã cung cấp các gói viện trợ đối với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên EU cũng ủng hộ việc gia nhập của Albania, Montenegro, Kosovo, Serbia, Bắc Macedonia, Bosnia và Herzegovina vào khối. Thủ tướng Đức khi đó là Angela Merkel cho biết động thái này đem lại “lợi ích địa chiến lược tuyệt đối”.
Tuy nhiên, ngay cả cuộc chiến tranh của Nga chống lại Ukraine cũng không đưa các quốc gia này đến gần hơn tư cách thành viên. Vào tháng 6.2022, EU đã cấp tư cách ứng viên cho Ukraine và Moldova, khiến các nhà lãnh đạo ở Tây Balkan vỡ mộng, trong bối cảnh các cuộc đàm phán của các quốc gia với EU vẫn sa lầy.
Nhưng tại sao châu Âu lại “dậm chân tại chỗ” trong vấn đề này? Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Tây Balkan năm 2022, các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh rằng tư cách thành viên EU phải “dựa trên những cải cách đáng tin cậy, điều kiện công bằng và nghiêm ngặt cũng như nguyên tắc xứng đáng của chính họ”. Nói tóm lại, EU cho rằng khu vực này chưa sẵn sàng. Nhưng đó không phải là toàn bộ câu chuyện.
Việc Tây Balkan vẫn còn nhiều bất ổn do các thể chế dân chủ yếu kém là cơ sở khiến châu Âu có phần do dự trong vấn đề này là điều không thể chối cãi. Hiện nay, Serbia và Kosovo đang có nhiều mâu thuẫn về các vấn đề lãnh thổ và văn hóa. Trong khi Kosovo đã đạt được tiến bộ trong việc thực thi pháp quyền và chống tham nhũng, căng thẳng giữa người Serb thiểu số và người Albania chiếm đa số khiến lãnh thổ bị chia cắt. Một số thành viên EU, bao gồm: Tây Ban Nha, Romania, Hy Lạp, Slovakia và Cyprus, thậm chí không công nhận chủ quyền của Kosovo.
Tương tự như vậy, Macedonia đã nỗ lực đảm bảo các yêu cầu trở thành thành viên EU trong thời gian dài. Năm 2019, Macedonia đổi tên thành Bắc Macedonia dưới áp lực của Hy Lạp. Bên cạnh đó, dù Bulgaria đã dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với việc Bắc Macedonia gia nhập EU vào tháng 6.2022, Bulgaria vẫn khẳng định quan điểm rằng tiếng Macedonia không thể được công nhận là ngôn ngữ chính thức.
Tuy nhiên, không vấn đề nào trong số này là nguyên nhân chính có thể cản trở tiến trình gia nhập EU của các quốc gia trên. Sự thật là châu Âu đang mệt mỏi với việc mở rộng quy mô, đặc biệt là khi nói đến các quốc gia sẽ không đóng góp vào ngân sách EU ngay cả khi gia nhập.
EU cũng cảnh giác với chủ nghĩa độc đoán. Đáng chú ý, thủ tướng lúc bấy giờ của Slovenia, Janez Janša, bản thân cũng chịu nhiều chỉ trích từ EU, đã phàn nàn rằng, “vấn đề là 90% nội dung các thể chế của EU không hướng tới mục tiêu chiến lược là mở rộng. Chủ đề thực sự là làm thế nào để trục xuất một số thành viên và do đó không phục vụ mục đích mở rộng EU mà là thu hẹp EU”.
Theo một cách hiểu nào đó, Janša đã đúng. Vào thời điểm mà các nhà lãnh đạo EU đấu tranh để đối đầu với các chính phủ phi tự do ở Hungary và Ba Lan, việc chấp nhận sự gia nhập Serbia dưới thời Tổng thống chuyên quyền Aleksandar Vučić có vẻ vừa đáng lo ngại vừa thể hiện sự mệt mỏi. Tương tự như vậy, các nhà lãnh đạo EU chùn bước trước tư tưởng ủng hộ chỉnh phủ Nga. Kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược Ukraine, cả Vučić và Milorad Dodik, chủ tịch của Cộng hòa Srpska (hay Cộng hòa Serbia, liên bang của người Serbia ở Bosnia và Herzegovina), đều từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia từ lâu đã liên minh với Nga. Nhưng thất bại quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến nước này phải trả giá bằng sự ủng hộ của các quốc gia trong khu vực. Ngày nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin hiểu rõ giới hạn ảnh hưởng của Nga trong khu vực. Điều này trở nên rõ ràng khi, trái với mọi dự đoán, Nga đã không phủ quyết nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc mở rộng nhiệm vụ của EUFOR – lực lượng quân sự châu Âu được triển khai tại Bosnia để giám sát việc thực hiện Hiệp định Dayton năm 1995, kết thúc Chiến tranh Bosnia. Vučić và Dodik thậm chí còn khuyên không nên phủ quyết .
Nga lo ngại rằng lựa chọn thay thế cho EUFOR là một NATO mạnh mẽ và việc chấm dứt EUFOR có thể dẫn đến việc tái thiết lập sứ mệnh của NATO tại Bosnia. Với sự hiện diện quân sự của châu Âu và ý định tái can dự với khu vực của chính quyền Biden, các nhà lãnh đạo EU có thể cho rằng việc gia nhập Tây Balkan có thể tiếp tục bị trì hoãn.
Albania, Montenegro và Bắc Macedonia đã là thành viên NATO và Bosnia cũng muốn tham gia tổ chức này. Điều này cũng khiến EU đã quá mệt mỏi tiếp tục trì hoãn việc gia nhập của các quốc gia Tây Balkan. Chính sách các vòng tròn đồng tâm châu Âu của Tổng thống Macron có thể không phải là chính sách chính thức của EU – song có vẻ đây lại là thực tế hiện nay.
Biên dịch: Nhã Nam
Về tác giả
Shlomo Ben-Ami, cựu bộ trưởng ngoại giao Israel, Phó Chủ tịch Trung tâm Hòa bình Quốc tế Toledo và là tác giả của cuốn sách “Prophets without Honor: The 2000 Camp David Summit and the End of the Two-State Solution” (Oxford University Press, 2022).