Viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine nhiều tới mức ngạc nhiên so với các cuộc chiến khác trong lịch sử nhưng sự tồn tại của Ukraine sẽ cần nhiều hơn vũ khí và sự gan dạ
Ngày 25 tháng 1 năm 2023, Tổng thống Joe Biden đã thông báo rằng, Mỹ sẽ gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine – sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần yêu cầu có thêm xe tăng quân sự để giúp tiến hành cuộc chiến chống lại Nga.
“Đây là việc giúp Ukraine phòng thủ và bảo vệ đất Ukraine. Nó không phải là một mối đe dọa tấn công đối với Nga. Không có mối đe dọa tấn công nào đối với Nga. Nếu quân đội Nga trở về Nga, nơi họ thuộc về, cuộc chiến này sẽ kết thúc ngay hôm nay. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều muốn,” Biden nói trong bài phát biểu của mình tại Nhà Trắng. Thông báo của Tổng thống Mỹ được đưa ra cùng ngày Đức xác nhận, họ sẽ gửi 14 xe tăng Leopard 2 tới Ukraine – một phần nhỏ trong số 300 xe tăng mà Ukraine yêu cầu cần phải có để đủ khả năng đẩy lùi Nga khỏi các khu vực lãnh thổ bị chiếm đóng. Vương quốc Anh đã hứa cung cấp 12 xe tăng, cùng với một số quốc gia Tây Âu khác đang cung cấp xe bọc thép và các vật tư chiến tranh khác.
Mỹ chưa chính thức tuyên chiến với Nga, nhưng chiến trường ở Ukraine đã trở thành trường hợp kinh điển của một cuộc chiến ủy nhiệm , được tiến hành mà không có tuyên bố chính thức. Sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine là không đổi trong suốt năm đầu tiên của cuộc xung đột, gần đây nhất đã mở rộng đến mức mời các lực lượng Ukraine sang Mỹ để huấn luyện cách vận hành hệ thống phòng không của Mỹ .
Trong thời điểm sắp kỷ niệm một năm ngày Nga xâm lược Ukraine đến gần vào ngày 24 tháng 2 năm 2023, điều quan trọng là phải đặt viện trợ của Mỹ cho Ukraine trong bối cảnh – cả về mặt lịch sử và so với các cam kết viện trợ quân sự hiện tại khác của Mỹ trên toàn thế giới. Làm như vậy có thể giúp trả lời một câu hỏi quan trọng: Liệu Mỹ có sẵn sàng hỗ trợ Ukraine trong một thời gian dài hay cam kết chi tiêu ở mức cao hiện tại của họ sẽ bị đảo ngược do tác động của chính trị nội bộ phân cực của Mỹ? Dưới đây là bốn điểm chính về báo hiệu về việc, Mỹ sẽ hỗ trợ lâu dài cho Ukraine trong tương lai.
(Tổng thống Joe Biden hôm 25/1 tuyên bố Mỹ sẽ điều xe tăng quân sự tới Ukraine)
Xe tăng là cú hích lớn cho Ukraine
Việc chuyển giao xe tăng phương Tây sẽ củng cố kho vũ khí của Ukraine. Cho đến nay, Quân đội Ukraine vẫn chỉ sử dụng những chiếc T-72 thế hệ cũ từ thời Liên Xô . Tuy nhiên, việc cung cấp xe tăng phương Tây cho Ukraine cũng đi kèm với những thách thức. Ví dụ, Xe tăng Abrams M1 của Mỹ yêu cầu sử dụng nhiên liệu máy bay, việc bảo trì và huấn luyện tốn kém và phức tạp. Có thể thấy, việc triển khai các xe tăng này, cùng với xe tăng từ Đức và Anh, báo hiệu rằng, phương Tây muốn cho Ukraine cơ hội chiến đấu để chiếm lại lãnh thổ mà Nga đã tấn công và chiếm đóng kể từ tháng 2 năm 2022. Các hệ thống vũ khí này đi kèm với cam kết huấn luyện binh lính Ukraine và huấn luyện họ cách vận hành xe tăng và các vũ khí trang bị khác. Điều này sẽ đảm bảo rằng, Ukraine sẽ có một vị thế tốt hơn nhiều để tổ chức các cuộc tấn công Nga và có thể giành lại nhiều lãnh thổ hơn từ Nga, bao gồm cả cây cầu trên đất liền tới Crimea mà Nga đã thiết lập khi chiếm thành phố Mariupol vào tháng 5 năm 2022 .
Viện trợ của Mỹ cho Ukraine là rất lớn
Tốc độ và khối lượng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine cho thấy cách Mỹ và các đồng minh của họ nhìn nhận các lợi ích cần đạt được cho đến khi cuộc chiến kết thúc.
Tầm mức viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine cho đến nay rất đáng kinh ngạc, đặc biệt là khi so sánh với cách Mỹ đã hỗ trợ các cuộc xung đột khác trong lịch sử hiện đại. Viện trợ quân sự của Mỹ trong các cuộc xung đột trong Chiến tranh Lạnh có quy mô lớn hơn nhiều so với chi tiêu ở Ukraine, nhưng chúng diễn ra trong thời gian dài hơn. Ví dụ, Chiến tranh Việt Nam đã tiêu tốn của Mỹ ước tính 138,9 tỷ USD từ năm 1965 đến năm 1974 , hoặc tương đương với khoảng 1 nghìn tỷ USD tính theo thời giá ngày nay.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo vào đầu tháng 1 năm 2023 rằng, họ sẽ cung cấp thêm 3,1 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine. Tổng cộng, Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ khoảng 50 tỷ USD cho Ukraine vào năm 2022. Khoảng một nửa số tiền đó – tương đương 24,9 tỷ USD – được dùng cho chi tiêu quân sự . Để so sánh, viện trợ quân sự của Mỹ cho Israel – quốc gia lâu năm nhận viện trợ quân sự hàng đầu của Mỹ – vào năm 2020 là 3,8 tỷ USD . Mỹ cũng cấp 9,6 tỷ USD cho Ukraine cho các mục đích phi quân sự vào năm 2022, chẳng hạn như giúp người dân Ukraine được chăm sóc y tế và cung cấp thực phẩm. Điều này đánh dấu sự gia tăng mạnh so với tổng số 343 triệu USD viện trợ nước ngoài mà Mỹ dành cho Ukraine vào năm 2021 – con số này bao gồm cả hỗ trợ quân sự và kinh tế.
(Các thành viên của Lữ đoàn Dù 173 của Quân đội Mỹ trình diễn các kỹ thuật chiến tranh đô thị cho các binh sĩ Ukraine ở Yavorov, Ukraine, vào tháng 9 năm 2022).
Đa số người Mỹ vẫn muốn trợ giúp Ukraine
Đối với các đồng minh phương Tây ở châu Âu, đặc biệt là những nước như Ba Lan gần gũi nhất với Ukraine, cuộc chiến được coi là hiện hữu – đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định của chính trị quốc tế và các tổ chức, như Liên hợp quốc, được thành lập sau Thế chiến II, và cần phải trợ giúp Ukraine đối phó Nga để ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba.
Mặc dù Mỹ không phải đối mặt với mối đe dọa trực tiếp về một cuộc chiến tranh lan rộng trên bộ xuyên biên giới như người dân ở châu Âu có thể phải đối mặt, nhưng hầu hết người Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Vào tháng 12 năm 2022, 65% người Mỹ cho biết họ ủng hộ việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và 66% cho biết, họ ủng hộ việc gửi tiền trực tiếp, theo Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago , một tổ chức tư vấn chính trị phi đảng phái. Đáng chú ý hơn nữa, cuộc thăm dò tương tự cho thấy, cứ 3 người Mỹ thì có gần 1 người ủng hộ ý tưởng đưa quân đội Mỹ tham chiến – con số này chỉ thay đổi một chút kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược năm 2022. Tuy nhiên, mặc dù có sự ủng hộ của lưỡng đảng, một số thành viên Đảng Cộng hòa – đặc biệt là những người bảo thủ ủng hộ lập trường “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Donald Trump – đã lập luận rằng, Mỹ không đủ khả năng hỗ trợ Ukraine cũng như giải quyết mức lạm phát cao trong nước.
(Nhân viên mặt đất dỡ vũ khí quân sự của Mỹ và các thiết bị khác ở Kiev vào tháng 1 năm 2022, ngay trước khi Nga xâm chiếm Ukraine).
Mỹ phát tín hiệu viện trợ dài hạn cho Ukraine
Tác động lâu dài của viện trợ quân sự của Mỹ và NATO đối với cuộc chiến ở Ukraine vẫn chưa chắc chắn. Một mặt, rõ ràng là, sự hỗ trợ của tình báo Mỹ, cung cấp vũ khí tiên tiến và việc Ukraine sử dụng thành thạo cả hai thứ này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến cơ hội của Nga trên chiến trường. Mặt khác, Ukraine đã thể hiện mức độ đoàn kết quốc gia, khả năng lãnh đạo và năng lực quân sự mạnh mẽ . Trên thực tế, ngay cả sự hỗ trợ tình báo hoàn hảo và vũ khí tiên tiến nhất của Mỹ cũng sẽ không tạo ra nhiều khác biệt nếu Ukraine không thể hiện kỹ năng, lòng dũng cảm và sự can đảm như vậy khi đối mặt với những lợi thế vẫn còn áp đảo của Nga.
Phần lớn khoản viện trợ mà Mỹ đã hứa cung cấp cho Ukraine sẽ được giải ngân trong một thời gian dài. Hầu hết số tiền mới mà Mỹ hứa với Ukraine sẽ được chi tiêu vào năm 2025, nhưng một số sẽ không thể cung cấp cho Ukraine cho đến năm 2030. Và, mặc dù Mỹ và các đồng minh phương Tây hiện đang cung cấp cho Ukraine xe tăng và các hệ thống vũ khí khác, nhưng một số trong số chúng có thể sẽ không được chuyển đến trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Khung thời gian dài hạn này cũng là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy, Mỹ có kế hoạch giúp Ukraine xây dựng lại quân đội, ngay cả khi chiến tranh kết thúc trong thời gian ngắn. Mục tiêu chính của Mỹ là nuôi dưỡng một cuộc chiến tranh tiêu hao. Kết thúc chiến tranh sẽ đòi hỏi nhiều thứ hơn ngoài vũ khí thông minh và sự gan góc. Cần phải có sự nhạy bén chính trị và các nỗ lực ngoại giao để giúp Ukraine tiếp tục bảo đảm nền độc lập của mình và bảo vệ khỏi các mối đe dọa trong tương lai từ Nga .
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Monica Duffy Toft , Giáo sư Chính trị Quốc tế và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts