Khái niệm “hiệp sĩ đen” (Black Knight) đã xuất hiện từ lâu trong các tài liệu nghiên cứu về các lệnh trừng phạt. Nó ám chỉ một quốc gia mà trong điều kiện các lệnh trừng phạt của các quốc gia khác, vẫn tiếp tục hợp tác với quốc gia mục tiêu. Hệ quả là, sự hợp tác này giúp quốc gia mục tiêu thích ứng với các biện pháp trừng phạt, giảm thiểu thiệt hại có thể gây ra bởi chúng, khắc phục một phần hoặc toàn bộ hậu quả của việc bị cô lập khỏi các nền kinh tế từ các quốc gia khởi xướng lệnh trừng phạt.
Trong lịch sử, các “hiệp sĩ đen” không ngừng xuất hiện theo sau các lệnh trừng phạt. Trong quan hệ quốc tế có đầy rẫy những trường hợp mà một quốc gia mục tiêu lại được giúp đỡ bởi một đối thủ cạnh tranh. Nước Nga đã đóng vai trò này nhiều lần. Vào đầu thế kỷ XIX, Nga hoàng Alexander Đệ Nhất đã phá hoại cuộc phong toả của khối Lục địa – hệ thống trừng phạt của Pháp và các nước đồng minh – chống lại Anh quốc. Thế nhưng trước đó, vào đầu thế kỷ XVIII, chính Pháp đã cung cấp vũ khí cho các phiến quân Mỹ để giúp họ vượt qua biện pháp phong toả của Đế quốc Anh. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các nước chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ được khắc phục một phần bởi sự hỗ trợ của Liên Xô, tiêu biểu là Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Việt Nam.
Sau chiến tranh lạnh, các “hiệp sĩ đen” dường như chìm vào bóng tối. Không một cường quốc nào dám thách thức trực tiếp siêu cường Mỹ cũng như cố gắng tìm cách để giúp đỡ các quốc gia bị trừng phạt. Trung Quốc cẩn trọng trong việc nối lại liên kết kinh tế với Triều Tiên, Venezuela, Iran, nhưng luôn tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và tránh những hành vi đối đầu. Nga chỉ bắt đầu trở lại với vai trò “hiệp sĩ đen” từ giữa những năm 2010. Tình tiết nổi bật nhất có thể kể đến là sự hỗ trợ của Moskva đối với chính phủ Syria. Nhưng ở đây, sự trợ giúp của Nga thiên về quân sự hơn là kinh tế.
Kể từ khi Nga khởi động Chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng Hai năm 2022, liên minh các nước phương Tây đã áp đặt một khối lượng lớn các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Đất nước này trở thành mục tiêu của những hạn chế kinh tế lớn nhất từ trước đến nay, cả về số lượng và chất lượng. Không phải tất cả các quốc gia trên thế giới đều tham gia trừng phạt Nga. Tuy nhiên, còn quá sớm để gọi số quốc gia này là những “hiệp sĩ đen”. Việc hợp tác kinh doanh của Nga ở các quốc gia thân thiện với mình diễn ra rất thận trọng, các đối tác lo ngại các biện pháp trừng phạt thứ cấp hoặc bị truy tố bởi chính quyền Mỹ và các đồng minh của họ.
Quan hệ giữa Nga và các “hiệp sĩ đen” tiềm năng được xác định bởi cấu trúc của các biện pháp trừng phạt được áp đặt đối với nước này. Chúng có thể được chia thành ba nhóm chính. Nhóm thứ nhất là các biện pháp trừng phạt về tài chính – ám chỉ sự thu hẹp đáng kể các giao dịch tài chính với các đối tác nước ngoài do các biện pháp ngăn chặn áp dụng lên các ngân hàng trong nước cũng như một loạt các cá nhân và tổ chức. Nhóm này cũng bao gồm việc ngắt kết nối một số thể chế tài chính khỏi hệ thống SWIFT, các biện pháp trừng phạt tài chính theo ngành, lệnh cấm đầu tư, cấm trao đổi tiền tệ của một số nước phương Tây, v.v. Nhóm thứ hai là các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Nhóm này dùng để ngăn chặn quyền tiếp cận của Nga đối với nhiều loạt thiết bị công nghiệp, điện tử, sản phẩm lưỡng dụng và hàng tiêu dùng. Về cơ bản, những biện pháp này nhằm hạn chế việc Nga hiện đại hoá công nghiệp và quân sự. Các lệnh cấm này cũng được áp dụng lên các nước thứ ba, nghĩa là họ không thể chuyển các sản phẩm (giấy phép, công nghệ, thiết bị, v.v.) của mình cho Nga nếu chúng có liên hệ với các quốc gia khởi xướng trừng phạt. Nhóm thứ ba là các biện pháp kiểm soát nhập khẩu, nghĩa là cấm mua bán các hàng hoá xuất khẩu chủ chốt của Nga như dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ, than đá, các sản phẩm sắt thép, vàng, v.v. Mục tiêu của chúng là tước đi nguồn thu từ xuất khẩu của Nga. Ngoài ra, có thể bổ sung vào ba nhóm này các cuộc tẩy chay không chính thức của hàng trăm doanh nghiệp phương Tây đã rời khỏi Nga hoặc ngừng cung ứng nguồn hàng mới.
Bản thân nước Nga không trông chờ vào các “hiệp sĩ đen” mà đang nỗ lực hết sức để thích nghi với những hạn chế mới. Việc chuẩn bị cho tình huống xấu nhất đã bắt đầu từ rất lâu trước khi triển khai Chiến dịch quân sự đặc biệt. Phi đô la hoá ngoại thương, tạo dựng cơ sở tài chính của riêng mình (điều đã cứu rỗi nền kinh tế khỏi khủng hoảng tài chính trong những tuần đầu tiên của “cơn sóng thần trừng phạt”), thay thế nhập khẩu là những gì Nga đã và đang thực hiện. Tuy nhiên, quy mô các lệnh trừng phạt đã vượt quá dự tính cho một viễn cảnh tồi tệ nhất. Các biện pháp ứng biến được Nga đưa ra. Đó là nhập khẩu song song, nhượng quyền kinh doanh và nhanh chóng tìm kiếm các thị trường và nhà cung cấp mới. Bản thân các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thích ứng với các lệnh trừng phạt đó. Mối quan hệ với các quốc gia thân thiện đã hỗ trợ quá trình thích ứng của Nga, tuy vậy mỗi trường hợp lại có những hạn chế riêng.
Trung Quốc đang trở thành đối tác lớn nhất và triển vọng nhất của Nga trong số các quốc gia thân thiện với nước này. Trong năm 2022, thương mại Nga-Trung đã tăng hơn một phần ba. Tỷ trọng đồng nhân dân tệ trong thanh toán xuất khẩu của Nga tăng lên đáng kể. Nếu trong tháng Một tỉ trọng đồng tiền Trung Quốc không vượt quá 0,5% thì trong tháng Mười hai, nó đã tăng lên 16%. Hiện tại còn quá sớm để nói về việc biến đồng nhân dân tệ thành phương tiện thanh toán phổ biến của Nga trong giao dịch với các nước thứ ba. Song, do áp lực ngày càng tăng của phương Tây đối với lĩnh vực tài chính của Nga, đồng nhân dân tệ có mọi cơ hội để tăng cường vai trò của nó trong các giao dịch của Nga với chính Trung Quốc và với các đối tác khác.
Tuy nhiên, các ngân hàng Trung Quốc lo ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp từ phía Mỹ hoặc bị mất các thị trường phương Tây. Sẽ không dễ dàng gì để những người Nga đang chịu lệnh cấm vận của phương Tây dàn xếp với các nước thứ ba, ngay cả với sự trợ giúp của đồng nhân dân tệ. Sự thận trọng như vậy đã được quan sát ngay cả trước khi bắt đầu Chiến dịch quân sự đặc biệt. Hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc dường như đang tránh các cuộc giao dịch liên quan đến các thực thể bị trừng phạt của Nga. Thực tế chính trị mới đang tạo ra một môi trường thuận lợi chưa từng có cho doanh nghiệp Trung Quốc tại thị trường Nga. Nhưng Trung Quốc hiện tại vẫn chưa sẵn sàng để công khai hành động như một “hiệp sĩ đen”, thách thức các cơ quan quản lý ở Mỹ, Liên minh châu Âu và các tổ chức pháp lý khác của phương Tây.
Sự tăng trưởng thương mại Nga-Ấn Độ thậm chí còn cho thấy giá trị cao hơn. So với năm 2021, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp ba lần. Tuy nhiên, khối lượng thương mại Nga với Ấn Độ ít hơn 10 lần so với Nga-Trung Quốc. Sự tăng trưởng được thúc đẩy chủ yếu bởi nguồn cung dầu khí của Nga. Bản thân nó là một bước tiến, đặt biệt trong bối cảnh lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga từ các nước Mỹ, EU và các quốc gia khởi xướng lệnh trừng phạt khác. Tuy vậy, cán cân thương mại lại có vấn đề. Sự mất cân bằng giữa xuất khẩu và nhập khẩu gây khó khăn trong việc sử dụng đồng rúp và đồng rupee trong các thanh khoản lẫn nhau.
Doanh nghiệp Ấn Độ cũng rất thận trọng trong giao dịch với các đối tác Nga. Thị trường Ấn Độ quan trọng với Nga, nhưng bản thân Ấn Độ, giống như Trung Quốc, khó có thể được coi là “hiệp sĩ đen”.
Điều tương tự có thể nói về Thổ Nhĩ Kỳ. Khối lượng thương mại Nga-Thổ cho thấy sự tăng trưởng đáng kể. Thổ Nhĩ Kỳ là một trung tâm quan trọng cung cấp hàng hoá cho các công ty đã rời bỏ Nga, đồng thời là điểm tái xuất khẩu hàng hoá của Nga. Các ngân hàng của Thổ Nhĩ Kỳ đã có trải nghiệm dùng hệ thống tín dụng quốc tế “MIR” của Nga. Nhưng ở đây cũng có những cạm bẫy. Vào tháng Chín năm 2022, các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các tổ chức tài chính ở các quốc gia thân thiện như Kazakhstan, Armenia, Uzbekistan và các quốc gia khác đã chú ý đến cảnh báo của Bộ tài chính Mỹ về các biện pháp trừng phạt có thể xảy ra đối với việc sử dụng hệ thống “MIR”. Các mối đe doạ từ chính quyền Mỹ vẫn là một yếu tố quan trọng đối với các ngân hàng ở các quốc gia thân thiện. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác chủ chốt trong việc cung cấp những hàng hoá và giao dịch chưa nằm trong lệnh cấm của Mỹ và các nước khác. Nhưng việc mở rộng các biện pháp trừng phạt cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù mức độ tác động này khó đánh giá.
Iran, quốc gia đã phải chịu các lệnh trừng phạt trong thời gian dài, đang trở thành đối tác tự nhiên của Nga. Sự gia tăng các chỉ số thương mại song phương được ghi nhận. Theo đánh giá, trong hướng hợp tác với Iran, Nga có sự tiến triển trong việc triển khai một hệ thống thanh toán tài chính chung. Việc này được tiến hành cùng dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng “Bắc-Nam”. Tuy nhiên, Phòng Thương mại Tehran đã từng cảnh báo các doanh nghiệp Iran nên thận trọng trong việc hợp tác với các đối tác Nga.
Điểm mấu chốt là các nước thân thiện đóng một vai trò quan trọng trong việc định hướng lại xuất khẩu của Nga và thay thế nhập khẩu. Thương mại với họ đã giúp Nga giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt. Song còn tồn đọng rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn, việc chuyển các sản phẩm dầu khí của Nga sang thị trường châu Á sẽ khó khăn hơn so với việc kinh doanh dầu thô. Việc thay thế hàng nhập khẩu từ các nước phương Tây trong lĩnh vực tiêu dùng sẽ dễ dàng hơn so với lĩnh vực thiết bị công nghiệp hoặc hàng hoá công nghệ cao. Và quan trọng hơn cả, các quốc gia thân thiện vẫn chưa sẵn sàng đóng vai trò là “hiệp sĩ đen” dưới hình thức hồi thế kỷ XX. Do vậy, Nga trước hết phải dựa vào nguồn và lực lượng của chính bản thân.
Biên dịch: Giang Đinh
Bài viết của Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình “Valdai Discussion Club”, Tổng giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế.