Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi phản hồi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Ngày 6/8, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines cho biết, chỉ một ngày trước đó (5/8), Lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã có hành động “nguy hiểm”, sử dụng vòi rồng “bất hợp pháp” đối với các tàu dân sự do Lực lượng Bảo vệ bờ biển và Lực lượng vũ trang Philippines thuê để tiếp tế cho căn cứ quân sự ở bãi Cỏ Mây (nằm trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) – Philippines gọi là Ayungin. Đây là vụ va chạm “toàn diện” lớn thứ hai giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi Cỏ Mây trong năm nay, nó lan rộng từ đối đầu trên thực địa thành đối đầu ngoại giao và dư luận giữa Manila với Bắc Kinh.
Sau khi sự kiện này xảy ra, dư luận chủ yếu chỉ chú ý đến những điểm nóng xảy ra trong những ngày gần đây và dường như rất ít người quan tâm đến lịch sử được che dấu cũng như luật pháp liên quan đến thực tế đằng sau tranh chấp bãi Cỏ Mây. Tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila liên quan tới bãi Cỏ Mây không phải ngày nay mới có, và va chạm giữa Philippines với Trung Quốc cũng không phải xảy ra lần đầu. Điều này khiến người ta đặt ra câu hỏi: tóm lại, đâu mới là nguyên nhân của vấn đề?
Ba giai đoạn tranh chấp giữa Trung Quốc – Philippines tại bãi Cỏ Mây
Rạn san hô Cỏ Mây (Trung Quốc gọi là Nhân Ái). Phương Tây quen gọi nó là “Second Thomas Shoal” (Bãi cạn Thomas thứ hai) từ thế kỷ 18, bắt nguồn từ tên của một thuyền trưởng người Anh, và cái tên này cũng đã trở thành tên gọi quen thuộc trong thế giới nói tiếng Anh ngày nay. Kể từ nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ XX, tình hình xung quanh bãi Cỏ Mây bắt đầu được chú ý tới.
Giai đoạn 1: Khởi nguồn tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines (năm 1999)
Theo thông tin được công khai, tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines trên bãi cạn Cỏ Mây bắt nguồn từ việc tàu đổ bộ “Sierra Madre” của Hải quân Philippines ngày 09/05/1999 khi đang di chuyển qua Biển Đông đã bị hỏng tại bãi đá ngầm phía tây bắc của Rạn san hô Cỏ Mây. Khi đó, Chính phủ Philippines giải thích rằng con tàu “bị rò rỉ nước” và phải “đổ bộ” lên bãi cạn này, hay nói cách khác đây là một “tai nạn giao thông” trên biển. Tuy nhiên, phía Trung Quốc cho rằng đó không phải là một tai nạn, mà là “cố ý” và Philippines cũng chưa bao giờ tích cực phủ nhận điều đó. Những người liên quan đến sự việc này cũng xác nhận rằng cái gọi là “đổ bộ” vào thời điểm đó là một hoạt động được Chính phủ Philippines lên kế hoạch cẩn thận nhằm chiếm đóng trái phép các đảo và rạn san hô ở Biển Đông dưới một “hình thức khác”.
Giai đoạn 2: Tương đối bình lặng (2000-2012)
Trung Quốc ngay lập tức phản đối hành động đơn phương của Philippines và yêu cầu phía Philippines rút lui. Philippines chưa tuyên bố họ đã thực sự chiếm đóng bãi Cỏ Mây. Vì vậy, nội dung của các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Philippines chủ yếu tập trung vào thời điểm khi nào Philippines sẽ kéo con tàu “bị mắc cạn” đi. Năm 1999, Trung Quốc và các nước ASEAN bắt đầu đẩy mạnh tham vấn ngoại giao đa phương nhằm xây dựng “Quy tắc quốc tế về Biển Đông”. Sau ba năm đàm phán, năm 2002, Trung Quốc và mười nước ASEAN đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tại Phnom Penh, thủ đô Campuchia. “Thỏa thuận” được ký kết nhằm giải quyết sự bế tắc giữa các bên liên quan trong một số vấn đề vào thời điểm đó. Rõ ràng là các bên sẽ tiếp tục nỗ lực để đạt được “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), đây là kết quả từng giai đoạn của các cuộc đàm phán giữa các bên. “DOC” đã đưa ra những quy ước rõ ràng về việc không thực hiện các hành động định cư trên các đảo và rạn san hô không có người ở. Trong bối cảnh đó, tiến trình Trung Quốc và Philippines ứng phó với các tàu “mắc cạn” ở bãi Cỏ Mây cũng được đưa vào tiến trình tổng thể nhằm quản lý các xung đột tiềm tàng trên biển và tăng cường tin cậy lẫn nhau sau khi ký kết “DOC”. Trong khi đó, Philippines vẫn giữ lập trường “mơ hồ” ban đầu, đồng thời thông qua việc tiếp tế thường xuyên, con tàu sẽ ở lại bãi Cỏ Mây trong một thời gian dài.
Giai đoạn 3: Leo thang đối đầu (sau năm 2013)
Sau sự cố “đổ bộ”, trước sự phản đối và lo ngại của Trung Quốc cũng như các bên có liên quan, Philippines tuyên bố không có ý định xây dựng bất kỳ cơ sở nào trên rạn san hô này. Tuy nhiên, sau khi bước sang năm 2013, Philippines phủ nhận những lời đã nói, họ bắt đầu cung cấp vật liệu xây dựng tới bãi Cỏ Mây, gia cố thân tàu và xây dựng cơ sở vật chất. Đồng thời Philippines từ chối duy trì trao đổi liên lạc ngoại giao với Trung Quốc về hoạt động tiếp tế. Vì vậy, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh rạn san hô Cỏ Mây bắt đầu leo thang nhanh chóng.
Đầu tháng 5/2013, tàu tuần tra PS36 “Peacock”, tàu khu trục PS74 và tàu chở quân PS71 của Hải quân Philippines nỗ lực chở vật liệu xây dựng để chuẩn bị bước đầu cho việc sửa chữa “Sierra Madre” và xây dựng cơ sở vật chất. Phía Trung Quốc đã triển khai tàu hải giám để ngăn chặn các hoạt động tiếp tế bất thường của phía Philippines. Kể từ năm 2013, cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines về bãi cạn Cỏ Mây hầu như không dừng lại. Đặc biệt là sau năm 2021, Philippines đã nhiều lần thổi phồng sự bất đồng giữa Trung Quốc và Philippines trên rạn san hô Cỏ Mây, họ cho rằng Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng, làm nhiễu sóng vô tuyến và chiếu xạ laser… để ngăn cản, gây hấn với Philippines.
Sự phức tạp trong cục diện ở bãi Cỏ Mây
Những căng thẳng lặp đi lặp lại giữa Trung Quốc và Philippines trên Bãi Cỏ Mây vừa mang tính quy luật, vừa có nhiều điểm bất thường
Sự phát triển có tính quy luật ở bãi Cỏ Mây được phản ánh trong ba khía cạnh:
Thứ nhất, bản chất của cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Philippines không thay đổi. Mâu thuẫn cơ bản giữa Trung Quốc và Philippines tại rải san hô Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) là chủ quyền đối với các rạn san hô bãi đá ngầm. Sự bất đồng giữa hai nước cũng rất rõ ràng, đó là mâu thuẫn giữa nỗ lực chiếm hữu thực tế của Philippines và tuyên bố lợi ích của Trung Quốc ở khu vực này.
Thứ hai, căn cứ vào các chi tiết được hai bên công bố từ năm 2013, năm 2016, Trung Quốc và Philippines đã thiết lập một “thỏa thuận đặc biệt tạm thời”. Đây là một con đường hiệu quả mà hai nước đã khám phá để quản lý và kiểm soát sự bất đồng. Tháng 6/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gasmin công khai nhấn mạnh rằng Philippines có thể thực hiện bất kỳ hành động nào mà không cần thông báo cho Trung Quốc. Có thể xem đây là một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc xung đột quy mô lớn đầu tiên giữa Trung Quốc và Philippines trên bãi Cỏ Mây vào thời điểm đó. Vì Philippines không có ý định duy trì liên lạc về các hoạt động tiếp tế thường nhật với Trung Quốc. Sau tháng 7/2016, mặc dù thỉnh thoảng có xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trên bãi Cỏ Mây, nhưng nhìn chung tình hình đã yên ổn, phần lớn là do hai bên đã kịp thời liên lạc ngoại giao. Hai sự kiện bùng phát trong năm nay một phần là do phía Philippines đã phá vỡ “thỏa thuận không nuốt lời” (cách gọi khác là “thỏa thuận quý ông” – “Gentlemen’s Agreement”; hoặc “thỏa thuận quân tử” – “君子协定”) đã đạt được trước đó và phá vỡ thỏa thuận ngầm của hai bên với nhau. Trên thực tế, hai bên thiết lập phương hướng cho việc hỗ trợ nhân đạo, hình thành thỏa thuận tin tưởng lẫn nhau về việc thông báo cũng như xác nhận các loại vật liệu vận chuyển. Điều này đã được chứng minh là các biện pháp để quản lý tình thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay của Trung Quốc-Philippines ở rạn san hô Cỏ Mây.
Thứ ba là Philippines chưa bao giờ từ bỏ ý định gia cố thân tàu và xây dựng các cơ sở, cũng như chưa bao giờ thực sự ngừng vận chuyển vật liệu xây dựng cho các hoạt động liên quan đến bãi Cỏ Mây. Đây chính là căn nguyên khiến “vết thương cũ” không thể giải quyết triệt để. Đó là việc Philippines ra sức củng cố các tàu mắc cạn như một phần lãnh thổ của rạn san hô Cỏ Mây, từ đó xoay chuyển tình thế, từ “đổ bộ” thành chiếm đóng.
Đằng sau “tính quy luật” cũng ẩn chứa nhiều “tính bất thường”:
Thứ nhất, thái độ của Philippines đối với “thỏa thuận không nuốt lời” giữa Trung Quốc và Philippines là không chắc chắn. Dưới thời chính quyền Duterte, Philippines nhìn chung đã dàn xếp hoạt động bồi đắp bãi Cỏ Mây theo thỏa thuận ngầm đã được thiết lập giữa Trung Quốc và Philippines. Cho nên mặc dù một số dư luận được dấy lên nhưng nhìn chung vẫn bình lặng. Kể từ năm 2022, Chính phủ mới của Philippines dường như không tuân theo các thỏa thuận của Chính phủ trước đó. Mặc dù vẫn sử dụng các cơ quan và tổ chức cũ để thực hiện việc tiếp tế, nhưng rõ ràng là họ không còn có ý định tuân theo thỏa thuận ngầm thông báo trước cho phía Trung Quốc. Nói chung, việc “thỏa thuận đặc biệt tạm thời” có hiệu quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của phía Philippines.
Thứ hai, liệu Mỹ có can thiệp vào rạn san hô Cỏ Mây hay không là điều không thể nói trước. Mỹ nhiều lần khẳng định “Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines” áp dụng cho Biển Đông. Các tướng lĩnh cấp cao của quân đội Mỹ cũng tuyên bố hỗ trợ hoạt động tiếp tế của Philippines trên bãi Cỏ Mây. Chỉ là không rõ liệu quân đội Mỹ có thực sự can thiệp hay không. Tại Philippines đã có phát ngôn nói rằng việc Trung Quốc sử dụng vòi rồng tương đương với một “hành động quân sự”. Ví dụ, vào ngày 11/8, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Philippines Brauner tuyên bố việc bắn vòi rồng vào tàu Hải quân Philippines có thể được coi là một hành động chiến tranh. Điều kiện để kích hoạt Điều 4 của Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ-Philippines là “bất kỳ bên nào bị tấn công vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương”. Do đó làm thế nào để xác định hành vi sử dụng vòi rồng của Trung Quốc trở thành chìa khóa cho sự phát triển là hoàn toàn phụ thuộc vào cách hiểu và giải thích của chính quân đội Mỹ. Điều đó có nghĩa là, quân đội Hoa Kỳ có thể tùy ý điều chỉnh vị trí, phản ứng, mức độ và phương pháp của các biện pháp đối với bãi Cỏ Mây theo lợi ích và chiến lược của riêng mình.
Thứ ba, hình thức và hậu quả của xung đột tại thực địa rất khó dự đoán. Hình thức xung đột tại chỗ giữa hai bên trên biển không nhất định cụ thể. Trong năm nay từ “chiếu tia laser” đến “dùng vòi rồng” dẫn đến “ngòi nổ” kích hoạt tình hình leo thang không ngừng biến đổi. Trong tương lai, các hoạt động của ngư dân (tàu cá) thậm chí có thể bị lôi kéo vào. Lập trường chung của Chính phủ Philippines cho rằng bãi Cỏ Mây nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của họ, nhưng không chắc họ sẽ có thái độ như thế nào. Không ít lần, họ có thể kiềm chế nhưng đôi khi cố tình “thổi phồng” vấn đề.
Căng thẳng trên biển gia tăng cùng với phản ứng của dư luận
Trên thực tế, cho dù sự cố này được so sánh với các sự cố khác ở các khu vực khác như thế nào thì bản thân cường độ của cuộc xung đột không có gì đặc biệt nổi bật. Nhưng sự việc này đã dấy lên phản ứng bất thường trong dư luận ở Trung Quốc và Philippines cũng như cộng đồng quốc tế. Tính tự tôn dân tộc được đẩy lên rất cao, Mỹ và một số quốc gia bên ngoài khu vực cũng đã tham gia.
Từ bản thân Tổng thống Marcos, và các cơ quan chính phủ như ngoại giao, quốc phòng, cảnh sát biển, lưỡng viện, cho đến các nhóm lợi ích đối lập, Chính phủ Philippines và phe đối lập đều thể hiện lập trường bằng những lời lẽ cứng rắn và đầy tính dân tộc. Dư luận Philippines đều bày tỏ quan điểm “tuyệt đối không bao giờ nhượng bộ”. Các chính trị gia Philippines, trong đó có chính ông Marcos Jr. cũng công khai tuyên bố “không bao giờ có thỏa thuận về việc cam kết lai dắt tàu mắc cạn, và nếu có thì họ cũng sẽ bãi bỏ”. Đây là một biểu hiện ngoại giao với cảm xúc rõ ràng. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, với tư cách là người khởi xướng vụ việc, một lần nữa nhân cơ hội này đề xuất rằng họ sẽ cử các tàu lớn hơn đến tiếp tế tại bãi Cỏ Mây.
Mỹ, Anh, Canada và các quốc gia khác ngoài khu vực cũng đã đưa ra các tuyên bố vẫn rõ ràng hơn bao giờ hết, khẳng định lập trường “ủng hộ Philippines và cáo buộc Trung Quốc”. Đặc biệt, trong tuyên bố lập trường của mình, Bộ Ngoại giao Mỹ cố tình nhấn mạnh rằng Biển Đông áp dụng cho Hiệp ước liên minh quân sự Mỹ-Philippines.
Tương tự như vậy, sự kiện bãi Cỏ Mây trong thời gian ngắn cũng đã trở thành tiêu đề trên trang nhất của các phương tiện truyền thông lớn của Trung Quốc và trở thành chủ đề được quan tâm rộng rãi trên khắp cả nước. Những phát ngôn tương tự như “Đẩy lui tàu Philippines” từ đầu năm đến nay đã lan truyền rộng rãi trên các nền tảng truyền thông. Sự kiện này đã trở thành ngòi nổ khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc của cả dân tộc Trung Hoa. Theo một cách nào đó, những căng thẳng về cảm xúc quốc gia, tinh thần dân tộc đã vượt qua lằn ranh lĩnh vực ngoại giao và hàng hải của Chính phủ.
Cùng với tinh thần dân tộc được phóng đại, sự bất đồng giữa Trung Quốc và Philippines về bãi Cỏ Mây cũng đã được thổi phồng thái quá. Trên thực tế, Trung Quốc và Philippines có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các tình huống khẩn cấp và đã thiết lập một cơ chế quản lý và kiểm soát khủng hoảng thông suốt, đa dạng trong tranh chấp bãi Cỏ Mây. Kể từ năm 2013 cho đến khi xảy ra vụ việc trên, hai bên đã xảy ra không dưới bốn cuộc xung đột quy mô lớn trên bãi cạn này. Trò chơi “mèo vờn chuột” thông thường chưa bao giờ dừng lại. Đặc biệt trong nửa đầu năm nay, “sự cố chiếu tia laser” gây chấn động dư luận Trung Quốc, Philippines và quốc tế. Tuy nhiên, Trung Quốc và Philippines đã lợi dụng cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông và đường dây nóng liên lạc liên quan đến biển của Bộ Ngoại giao, Biên giới và Hải dương mới thiết lập, xử lý kịp thời và thỏa đáng sự cố vụ “chiếu tia laser”.
Tuy nhiên, một số dư luận ở Philippines đã tố cáo “sự cố vòi rồng”, xem đây là “hành vi nguy hiểm” đối với Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Điều này khiến công chúng trong nước phản ứng mạnh và các lực lượng thân Mỹ cũng như phe đối lập lớn tiếng phản đối. Trong khi, không gian cho các cuộc tham vấn ngoại giao hợp lý và thực dụng của chính phủ Marcos được siết chặt.
Thế tiến thoái lưỡng nan của bãi Cỏ Mây sẽ đi về đâu?
Thế tiến thoái lưỡng nan giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi Cỏ Mây thể hiện ở ba khía cạnh:
Thứ nhất, phía Trung Quốc yêu cầu khôi phục nguyên trạng, nhưng phía Philippines cố hiện thực hóa quyền sở hữu của mình bằng cách xây dựng các cơ sở vật chất. Sau năm 2013, Philippines dần dần coi các tàu “mắc cạn” là một hình thức chiếm đóng lãnh thổ đối với bãi cạn Cỏ Mây. Và do đó, họ đã cố gắng đạt được mục tiêu này bằng cách củng cố thân tàu và xây dựng cơ sở vật chất.
Nhìn lại lịch sử, phía Philippines chưa bao giờ tuyên bố họ đã thực sự chiếm đóng, cũng như cam kết xử lý các tàu mắc cạn. Trung Quốc không cho rằng Philippines đã chiếm đóng và nhiều lần thúc giục Philippines giữ lời hứa, khôi phục lại trạng thái tự nhiên của rạn san hô Cỏ Mây.
Thứ hai, Trung Quốc tự cho mình đang cố gắng hết sức tuân thủ các thỏa thuận, trong khi Philippines đã nhiều lần hủy bỏ thỏa thuận. Đồng thời, phía Trung Quốc cho rằng, họ vẫn đang cho phép phía Philippines cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết cho quân nhân đồn trú theo các điều kiện đã thỏa thuận. Điều này bao gồm: thông báo trước các sự việc, cấm mang theo các vật liệu được sử dụng để gia cố và xây dựng cơ sở, và có cơ chế rõ ràng để kiểm định và vận chuyển vật tư. Tuy nhiên, một số vụ việc có liên quan trực tiếp đến sự bất hợp tác và không tuân thủ từ phía Philippines.
Thứ ba là khó hòa giải và xoa dịu tinh thần dân tộc và lực lượng đối lập. Theo kết quả của các cơ quan thăm dò ý kiến, hơn một nửa người dân Philippines bày tỏ thái độ “không ưa” đối với Trung Quốc, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ tranh chấp Biển Đông giữa hai nước. Trước tâm lý dư luận hiện nay, cộng với việc Mỹ thổi bùng ngọn lửa và sự chèn ép của lực lượng đối lập. Chính phủ Philippines chưa nhắc đến việc lôi những con thuyền “mắc cạn” ra đi, cho dù có quay trở lại quỹ đạo của “thỏa thuận đặc biệt tạm thời Trung Quốc – Philippines” cũng sẽ phải đối mặt với những cáo buộc từ một số thế lực trong Lưỡng viện Philippines. Các lực lượng trong phe đối lập đã cáo buộc họ là “thỏa hiệp”, “thụt lùi”, “nhu nhược” và “bán nước”.
Tác động của sự cố bãi cạn Cỏ Mây sẽ tiếp tục lan rộng trong ngắn hạn. Ngoài việc 22 dự án cải tạo biển của các công ty Trung Quốc ở Vịnh Manila bị đình chỉ, một số thành viên của Quốc hội Philippines đã đề xuất rằng “Công ty TNHH cổ phần Xây dựng giao thông Trung Quốc” đã bị Mỹ đưa vào danh sách kiểm soát vì tham gia xây dựng rạn san hô ở Biển Đông. Đồng thời, sau sự việc, tinh thần dân tộc ở Philippines cũng bị cuốn vào xu hướng chống Trung Quốc.
Mặc dù bãi cạn Cỏ Mây phần nào phản ánh các tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, nhưng nó chắc chắn không phải là toàn bộ các tranh chấp hàng hải giữa hai nước, càng không nói đến toàn bộ quan hệ Trung Quốc-Philippines. Mỹ có thể tận dụng quan hệ Trung Quốc-Philippines xuống dốc do sự cố bãi Cỏ Mây để thúc đẩy hợp tác an ninh quân sự ở Philippines. Tuy nhiên, các bên liên quan khác sẽ trở thành nạn nhân của vụ việc này.
Sự suy giảm trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Philippines đã dẫn đến một cuộc đối đầu “như nước với lửa” trên biển. Cái giá phải trả về mặt ngoại giao cũng như hành động sẽ được đẩy lên. Và một khi tràn sang lĩnh vực kinh tế thương mại, nó sẽ từ cùng có lợi thành “cùng thất bại”.
Tương tự, đối với các quốc gia khác trong khu vực, vụ việc ở bãi Cỏ Mây sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực. Quá trình đàm phán “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) giữa Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ bị xáo trộn đáng kể. Bởi việc tham vấn “Bộ quy tắc ứng xử” và thực hiện “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC)” chính là giải pháp cho tình thế tiến thoái lưỡng nan ở bãi cạn Cỏ Mây. Đây cũng là điều mà các nước ASEAN khác mong muốn đạt được, và nó phù hợp với lợi ích của Philippines. Tuy nhiên, bài học và lập trường cứng rắn của chính phủ Philippines từ sự cố bãi cạn Cỏ Mây sẽ được chuyển thành thái độ và lập trường của họ đối với các “Quy tắc ứng xử”, điều này đáng được báo động.
Sự kiện bãi cạn Cỏ Mây cũng đóng vai trò “chất xúc tác” tiêu cực đối với sự phát triển tình hình ở Biển Đông, khiến Biển Đông vốn đã bất ổn lại thêm một đợt sóng gió mới. Nó đi ngược lại môi trường phát triển hòa bình và ổn định mà các nước trong khu vực mong muốn.
Dựa trên cơ sở này, có ba cấp độ biện pháp nhằm dàn xếp tốt nhất có thể cho sự bất đồng giữa Trung Quốc và Philippines trên bãi Cỏ Mây. Đó là những gì các bên nên làm và có thể làm ngay bây giờ. Nhưng điều này đòi hỏi các nguyên tắc và điều kiện tiên quyết mà tác giả nhiều lần đề cập. Đó là Trung Quốc và Philippines nên hành động với “thiện chí tốt nhất có thể” và phải “thành tâm thành thực”.
Các biện pháp ở ba cấp độ này bao gồm:
Thứ nhất, Trung Quốc và Philippines cần thiết lập một cơ chế quản lý kiểm soát khủng hoảng đặc biệt ở bãi cạn Cỏ Mây trên cơ sở hai cơ chế hiện có. Thông qua trao đổi liên lạc giữa các nhóm công tác chuyên môn bao gồm các cơ quan ngoại giao, cảnh sát biển và quốc phòng. Phát hiện các vấn đề kịp thời, liên lạc trước một cách công khai cởi mở và minh bạch, đồng thời ngăn chặn hiệu quả các xung đột có thể xảy ra trên biển. Việc này có thể được sử dụng như một cơ chế phòng ngừa khủng hoảng.
Thứ hai, cần chú ý kiểm soát và cung cấp thông tin chính xác, tránh dư luận tiêu cực xung quanh vấn đề bãi Cỏ Mây. Xuất phát từ mục đích ổn định lâu dài quan hệ hai nước, việc thông tin bị sai lệch dẫn đến phản ứng của dư luận trở nên gay gắt hơn. Điều này sẽ tạo áp lực lớn đến việc xử lý đúng đắn thấu tình đạt lý giữa hai Chính phủ, và dễ bị lợi dụng bởi một số thế lực có mục đích khác. Do đó, Trung Quốc và Philippines cần thiết lập cơ chế “điều tra sự cố” đối với những bất đồng về bãi Cỏ Mây. Thông qua việc trao đổi trước và điều tra thực tế hiện trường để làm rõ nguyên nhân các sự cố, tránh thông tin sai lệch lan truyền rộng rãi .
Thứ ba, giảm bớt và không tăng cường triển khai lực lượng tại bãi Cỏ Mây là giải pháp lâu dài. Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines trong năm nay đã hai lần tuyên bố rằng họ sẽ tăng cường triển khai tuần tra ở bãi Cỏ Mây, bao gồm cả việc điều thêm các tàu lớn hơn. Dù mục đích là gì, dường như điều này đã trở thành thông lệ của Philippines. Tuy nhiên, việc tăng cường lực lượng tại chỗ của Philippines sẽ không giúp giải quyết xung đột giữa nước này với Trung Quốc trên rạn san hô Cỏ Mây./.
Lược dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả Chen Xiangmiao (陈相秒) – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Biển thuộc Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc; Nghiên cứu viên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hải quân Thế giới (Trung Quốc).