Tóm tắt:
Trong quá trình trỗi dậy của các cường quốc, cạnh tranh quyền lực hàng hải không nhất thiết là một bên thắng hoàn toàn, mà có thể được coi là một dạng cạnh tranh sinh thái đặc thù, với bản chất là kiểm soát và khai thác các nguồn tài nguyên biển. Quyền kiểm soát biển là trọng tâm của cạnh tranh chủ quyền biển. Các cường quốc nhằm giành nhiều nguồn tài nguyên hơn đã không ngừng mở rộng mức độ kiểm soát biển về không gian và chức năng. Sự phát triển của khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng thúc đẩy các quốc gia có biển mở rộng phạm vi kiểm soát biển và tích lũy lợi thế trong cạnh tranh chủ quyền biển. Dưới sự chi phối của nguyên lý cạnh tranh loại trừ, các quốc gia có chủ quyền biển cạnh tranh kiểm soát biển theo cơ chế đồng bị hoặc lệch vị.
Cạnh tranh chủ quyền biển đồng vị và cạnh tranh lệch vị là hai mô hình cạnh tranh cơ bản tương ứng. Tuy các chiến lược cạnh tranh chủ quyền biển trong mỗi mô hình có sự khác biệt về thuộc tính, nhưng về lâu dài lại có xu hướng phát triển giống nhau. Hai mô hình cạnh tranh chủ quyền biển này không loại trừ lẫn nhau. Các quốc gia trỗi dậy và quốc gia bá quyền sẽ căn cứ vào điều kiện ưu thế cạnh tranh chủ quyền biển của mình để lựa chọn mô hình cạnh tranh và tổ hợp chiến lược phù hợp. Các quốc gia đang trỗi dậy nên lấy cạnh tranh đồng vị làm nền tảng, cạnh tranh lệch vị làm chủ đạo, đồng thời lựa chọn linh hoạt các chiến lược cạnh tranh một cách thực tế, nhằm chủ động định hình lại cục diện kiểm soát biển và khai thác hợp lý tài nguyên biển.
Mô hình và chiến lược cạnh tranh sinh thái về quyền kiểm soát biển
Cạnh tranh quyền kiểm soát biển có logic nội tại tương đồng cao với cạnh tranh ổ sinh thái giữa các loài. Dưới tác động của nguyên lý cạnh tranh loại trừ, các quốc gia hải quyền tiến hành cuộc đua mở rộng phạm vi kiểm soát biển làm nội dung chính. Cơ chế hội tụ và phân kỳ quyết định hai mô hình cơ bản, đó là cạnh tranh đồng vị và cạnh tranh lệch vị. Dù chiến lược cạnh tranh ở các mô hình khác nhau có khác biệt về thuộc tính, chúng vẫn tiến hóa theo hướng hội tụ. Các quốc gia bá quyền hay quốc gia trỗi dậy đều ưu tiên lựa chọn mô hình và chiến lược cạnh tranh phù hợp để phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu, nhằm tối đa hóa lợi thế.
Mô hình cạnh tranh quyền kiểm soát biển cơ bản
Về bản chất, cạnh tranh hải quyền dưới tác động của cơ chế cạnh tranh loại trừ được thúc đẩy bởi hai xu hướng hội tụ hoặc phân kỳ, tương ứng với cạnh tranh đồng vị hoặc lệch vị trong phạm vi kiểm soát biển. Sự xuất hiện của các cường quốc hải quyền mới nổi không chỉ cho thấy phạm vi quyền kiểm soát biển của quốc gia bá quyền bị “xói mòn” về không gian và chức năng tài nguyên, mà còn thúc đẩy sự phân hóa quyền kiểm soát này. Sự khác biệt về mức độ kiểm soát biển chính là điều kiện cần để các cường quốc hải quyền cùng tồn tại, trong khi cơ chế loại trừ cạnh tranh là động lực nội tại dẫn đến xu hướng hội tụ hoặc phân kỳ.
Khi yếu tố thời gian bị thu hẹp, các quốc gia hải quyền dù lựa chọn chiến lược hội tụ hay phân kỳ đều nhằm mục tiêu mở rộng không gian kiểm soát biển và nâng cao khả năng khai thác tài nguyên biển. Tiến bộ công nghệ không ngừng mở rộng chức năng đại dương, gia tăng tiềm năng cung ứng tài nguyên, từ đó thúc đẩy các cường quốc tìm kiếm quyền kiểm soát trên những vùng biển rộng lớn hơn. Điều này cho thấy, cạnh tranh hải quyền thực chất là cuộc đua mở rộng “độ rộng ổ sinh thái” của quyền kiểm soát biển và chức năng tài nguyên, trong đó quyền làm chủ biển là cốt lõi.
Tuy nhiên, khác với tranh giành lãnh thổ trên đất liền, đại dương không thể bị chinh phục hoàn toàn. Quyền kiểm soát biển chủ yếu dựa trên khả năng chi phối các tuyến đường biển phục vụ mục đích quân sự hoặc thương mại. Để kiểm soát hiệu quả một tuyến chiến lược, các quốc gia buộc phải chiếm giữ và củng cố những vị trí then chốt có lợi thế về địa lý, quân sự và tài nguyên dọc theo tuyến đó.
Trên cơ sở đó, khi quốc gia hải quyền kiểm soát được các tuyến giao thông hàng hải trọng yếu kết nối lãnh thổ với các khu vực lợi ích ở hải ngoại, đồng thời khai thác, bố trí và kiểm soát các vị trí chiến lược như eo biển, luồng lạch, vùng duyên hải, mũi đất và đảo nằm dọc hai bên tuyến đường đó, thì họ đã hình thành được một “hệ thống trục và vành đai” giúp kiểm soát hữu hiệu một không gian biển nhất định.
Tùy thuộc vào tính chất “đồng vị” hay “lệch vị” của phạm vi kiểm soát biển, các quốc gia sẽ áp dụng mô hình và chiến lược cạnh tranh khác nhau trong việc sử dụng sức mạnh quân sự để tranh giành không gian và tài nguyên biển. Logic cạnh tranh hải quyền đồng vị đòi hỏi các cường quốc phải tuân thủ nguyên tắc cạnh tranh loại trừ trong cùng không gian và chức năng hoặc tương đồng về phạm vi kiểm soát biển, dẫn đến một cuộc đối đầu trực diện mang tính hội tụ. Nhu cầu cụ thể về tài nguyên và không gian biển của các quốc gia hải quyền, cùng khát vọng khám phá chức năng đại dương, có tính tương đồng, được thể hiện tập trung nhất thông qua cuộc cạnh tranh giành quyền kiểm soát hiệu quả các vùng biển hiện có.
Thứ nhất, kiểm soát hiệu quả các tuyến đường biển trọng yếu luôn là trọng tâm của cạnh tranh đồng vị. Trong mô hình này, các cường quốc thường chiếm giữ và củng cố các vị trí chiến lược thuận lợi nhằm thiết lập ”hệ thống trục – vành đai” không gian biển có lợi cho mình, với mục tiêu tối thượng là khống chế các tuyến hàng hải chính.
Thứ hai, đặc trưng then chốt của cạnh tranh đồng vị là xu hướng hội tụ trong xây dựng và vận dụng hải quân. Là yếu tố hải quyền quan trọng nhất và công cụ quân sự chủ chốt để tranh giành quyền làm chủ biển, hải quân thường được các quốc gia phát triển theo cùng một khuôn mẫu chiến lược dựa trên kinh nghiệm của bên chiếm ưu thế và học thuyết hải quyền thống trị. Ví dụ, trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, các cường quốc biển hàng đầu đều xây dựng kế hoạch tác chiến và phát triển hải quân dưới ảnh hưởng của Khoa học Chiến tranh Hải quân (Science of Naval Warfare), tập trung vào số lượng tàu chiến chủ lực mà bỏ qua biến động của môi trường quốc tế và đặc thù trong nước. Ngoài ra, trong mô hình cạnh tranh hội tụ, cả cường quốc biển lâu đời lẫn mới nổi đều tận dụng công nghệ để xây dựng lực lượng tác chiến liên hợp ưu việt, nhằm mở rộng hiệu quả phạm vi kiểm soát biển.
Logic của cạnh tranh lệch vị không chỉ yêu cầu các quốc gia hải quyền theo đuổi sự khác biệt trong không gian biển, mà còn đòi hỏi họ khai thác tài nguyên biển theo cách phân kỳ. Sự khác biệt về nhu cầu cụ thể đối với tài nguyên và không gian biển, cũng như khát vọng khám phá chức năng biển của các quốc gia hải quyền, chính là điều kiện cần thiết cho cạnh tranh lệch vị.
Thứ nhất, kiểm soát không gian biển hiệu quả theo hướng phi zero-sum. Các quốc gia hải quyền có thể kiểm soát các vị trí khác nhau trong “hệ thống trục – vành đai” không gian biển dựa trên lợi ích cụ thể. Với sự hỗ trợ của công nghệ, họ có thể mở ra các chiều không gian biển mới, giành lợi thế cạnh tranh về quyền kiểm soát biển. Thậm chí đưa cuộc cạnh tranh vượt ra khỏi phạm vi kiểm soát không gian biển truyền thống.
Thứ hai, hình thành lợi thế quân sự bất đối xứng dựa trên lợi thế cạnh tranh tương đối. Các cường quốc có thể tận dụng lợi thế so sánh về địa lý và tài nguyên để xây dựng và triển khai lực lượng quân sự lấy hải quân làm nòng cốt, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh bất đối xứng trong việc kiểm soát biển.
Thứ ba, đa dạng hóa chức năng và hình thức khai thác tài nguyên biển. Các quốc gia hải quyền có thể sử dụng công nghệ tiên tiến để khám phá các chức năng tài nguyên biển và cách thức khai thác chúng, nâng cao khả năng cung ứng tài nguyên từ biển. Từ đó giảm áp lực cạnh tranh khai thác tài nguyên ở những không gian biển cụ thể. Trên cơ sở giảm bớt cạnh tranh tài nguyên, các quốc gia hải quyền có thể nỗ lực chuyển đổi đại dương từ một môi trường sống chủ yếu phục vụ lợi ích của các cường quốc thành ngôi nhà xanh chung của nhân loại. Điều này mở ra khả năng nhận thức và xử lý mối quan hệ giữa con người với biển, cũng như quan hệ giữa các quốc gia về biển thông qua các quan điểm hải quyền mới như “cộng đồng cùng chung vận mệnh biển”.
Các chiến lược chủ yếu trong các mô hình khác nhau
Cả mô hình cạnh tranh hải quyền đồng vị và lệch vị đều bao gồm nhiều chiến lược và tổ hợp chiến lược khác nhau. Các chiến lược cạnh tranh trong từng mô hình thể hiện sự khác biệt rõ rệt trong cách xử lý các vấn đề về không gian và chức năng biển, mà trọng tâm là cạnh tranh quyền kiểm soát biển với hải quân làm công cụ chính.
Các cường quốc sẽ đua nhau mở rộng vũ trang, xây dựng lực lượng quân sự lấy hải quân làm nòng cốt, đây chính là nền tảng vật chất then chốt của cuộc cạnh tranh quyền kiểm soát biển. Đồng thời, các cường quốc cũng sẽ phát huy lợi thế so sánh để bù đắp những thiếu hụt về lực lượng và phương tiện quân sự, khám phá những chiều không gian mới trong cạnh tranh quyền kiểm soát biển nói riêng và cạnh tranh chủ quyền biển nói chung.
Tuy nhiên, mặc dù xây dựng quân sự có tính định hướng rất cao, nhưng về bản chất vật chất, sức mạnh quân sự mang tính trung lập. Việc các quốc gia hải quyền tập trung cạnh tranh xung quanh hệ thống trục-vành đai kiểm soát vị trí không gian biển và khả năng triển khai lực lượng đã khiến sức mạnh quân sự mang tính định hướng rõ ràng, được sử dụng hiệu quả hơn trong việc tranh giành không gian và tài nguyên biển cả trong thời bình lẫn thời chiến.
Nhìn chung, các cường quốc sẽ áp dụng các chiến lược điển hình theo thứ tự ưu tiên trong mô hình cạnh tranh đồng vị hoặc lệch vị nhằm giành được lợi thế tạm thời trong việc mở rộng phạm vi kiểm soát biển. (Xem bảng dưới đây)
Bảng: Các mô hình cạnh tranh hải quyền cơ bản và loại hình chiến lược
Cạnh tranh đồng vị | Cạnh tranh lệch vị |
Giành ưu thế về số lượng trang bị quân sự | Sử dụng các biện pháp “vùng xám” |
Giành ưu thế về chất lượng trang bị quân sự | Mở rộng chiều không gian và chức năng |
Triển khai lực lượng dọc theo trục-vành đai tương đồng | Triển khai lực lượng dọc theo các trục-vành đai khác nhau |
Các quốc gia hải quyền thường áp dụng chiến lược cạnh tranh đồng vị trong xây dựng trang bị quân sự và triển khai sức mạnh quân sự trên biển. Đây vừa là sự học hỏi và mô phỏng từ những nước đang nắm ưu thế thực tế và thành công lịch sử trong việc mở rộng phạm vi kiểm soát biển, vừa là yêu cầu của học thuyết chiến lược hải quân chủ đạo trong bối cảnh quốc tế đặc thù.
Lực lượng quân sự lấy hải quân làm nòng cốt tạo thành nền tảng vật chất then chốt cho cạnh tranh hải quyền. Các nước này sẽ xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng quyền kiểm soát biển. Nhận thức đơn chiều và tương đồng về chức năng của biển và sức mạnh quân sự thúc đẩy các cường quốc tiến hành xây dựng trang bị quân sự nhằm vào đối thủ tiềm năng. Sự đối đầu trong chạy đua vũ trang như vậy sẽ tạo ra cuộc “chạy đua vũ trang theo mô hình xoắn ốc”.
Thứ nhất, đua tranh để giành ưu thế về số lượng quân bị. Ưu thế số lượng vừa là sức mạnh răn đe, vừa là điều kiện tiên quyết để chiến thắng trong chiến tranh. Ưu thế này dựa trên lợi thế về nguồn lực đầu tư – các quốc gia hải quyền sẽ đổ nguồn lực khổng lồ để mua sắm và chế tạo nhiều trang thiết bị chiến đấu chủ lực có trình độ công nghệ ngang hàng với đối thủ. Đồng thời xem tỷ lệ số lượng này là chỉ số quan trọng đánh giá tương quan lực lượng.
Thứ hai, khi số lượng tương đương, chuyển sang tìm kiếm ưu thế về chất lượng. Ưu thế chất lượng trong cùng không gian hoặc các chiều khác nhau có thể bù đắp cục bộ cho ưu thế số lượng, thậm chí trở thành yếu tố quyết định để áp đảo đối phương. Ưu thế này dựa trên lợi thế công nghệ tương đối, các cường quốc thường khai thác khoảng cách công nghệ để phát triển những “vũ khí sát thủ” có tính răn đe và sức sát thương cao. Tuy nhiên, sự phổ biến công nghệ sẽ làm mất dần lợi thế công nghệ tương đối, khiến những “vũ khí sát thủ” trước đây chỉ còn ý nghĩa về mặt số lượng.
Thứ ba, triển khai hải quân dọc theo cùng một trục-vành đai ở không gian biển chồng lấn. Các quốc gia hải quyền sẽ đối đầu nhau trong việc triển khai lực lượng hải quân dọc theo các tuyến giao thông hàng hải trọng yếu và các khu vực chiến lược hai bên. Đồng thời tiến hành cạnh tranh kiểm soát gay gắt trên những tuyến hàng hải chiến lược có giá trị sống còn với cả hai bên.
Khi chênh lệch sức mạnh quân sự quá lớn và có sự khác biệt đáng kể về phạm vi kiểm soát biển, các quốc gia hải quyền có thể áp dụng chiến lược cạnh tranh lệch vị để mở rộng quyền kiểm soát biển.
Thứ nhất, sử dụng chiến lược “vùng xám” để bù đắp những hạn chế về hải quân. Khi năng lực quân sự còn hạn chế và chức năng tác chiến bị giới hạn, nhưng lại có lợi thế tương đối về lực lượng phi hải quân và yếu tố địa lý, các quốc gia hải quyền có thể áp dụng các chiến lược “vùng xám” linh hoạt, đa dạng để bổ sung cho những thiếu sót của hải quân và làm phong phú “hộp công cụ” chiến lược, từ đó giành được lợi thế cạnh tranh bất đối xứng.
Thứ hai, mở rộng các góc độ và chức năng của cạnh tranh quyền kiểm soát biển. Sử dụng lợi thế công nghệ tuyệt đối để phát triển các loại vũ khí, trang bị mang tính đột phá như tàu ngầm, máy bay…nhằm mở ra không gian và góc độ mới trong cạnh tranh kiểm soát biển, thậm chí vượt ra ngoài không gian biển truyền thống. Tận dụng thành tựu đổi mới công nghệ và tiến bộ thời đại để đa dạng hóa chức năng tài nguyên biển, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đồng thời phá vỡ thuộc tính tài nguyên đơn nhất của biển, biến biển thành ngôi nhà chung của nhân loại về mặt chức năng.
Thứ ba, triển khai lực lượng quân sự dọc theo các trục – vành đai khác nhau, tiến hành cạnh tranh lệch vị trong không gian biển. Với không gian biển rộng lớn, các quốc gia hải quyền có thể căn cứ vào nhu cầu lợi ích biển cụ thể và tình hình lực lượng quân sự của mình để xác định một cách khác biệt các tuyến đường biển quan trọng và vành đai vị trí chiến lược, triển khai lực lượng dọc theo các trục vành đai quan trọng riêng, tránh cạnh tranh quyết liệt về quyền kiểm soát biển tại các không gian biển chồng lấn. Ngay cả tại những không gian biển chồng lấn then chốt và nhạy cảm, các quốc gia hải quyền vẫn có thể tiến hành cạnh tranh mở rộng phạm vi kiểm soát biển theo logic cạnh tranh lệch vị – mang tính khác biệt, không đối xứng và phi zero-sum.
Xu hướng cạnh tranh của các cường quốc biển
Các mô hình và loại hình chiến lược cạnh tranh hải quyền khác nhau không loại trừ lẫn nhau, nhưng cạnh tranh đồng vị vẫn giữ vai trò chủ đạo. Hai mô hình cơ bản được thúc đẩy bởi cơ chế hội tụ hoặc phân kỳ tuy khác biệt rõ rệt nhưng không có ranh giới tuyệt đối, đặc biệt ở cấp độ chiến lược cụ thể. Ví dụ, chiến lược theo đuổi ưu thế chất lượng trang bị quân sự chỉ phù hợp hạn chế với logic cạnh tranh lệch vị
Trong khi việc mở rộng không gian biển theo phương thức lệch vị cuối cùng vẫn phải đối mặt với vấn đề cạnh tranh không gian chồng lấn. Điều này vừa phản ánh sự thống nhất giữa biến đổi dần và đột biến dưới nguyên lý cạnh tranh loại trừ, vừa chứng tỏ các mô thức và chiến lược khác nhau về bản chất đều là con đường tối ưu hóa việc mở rộng phạm vi kiểm soát biển.
Cả quốc gia bá quyền và quốc gia đang trỗi dậy đều sẽ phát huy sở trường, tránh sở đoản, tận dụng lợi thế so sánh của mình để lựa chọn mô thức cạnh tranh hải quyền và tổ hợp chiến lược phù hợp nhất với lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, dù về mặt logic hai mô hình cạnh tranh hải quyền đều bình đẳng, về thực tiễn vẫn mang tính linh hoạt, thì trong lịch sử và thực tiễn hiện đại, mô hình cạnh tranh đồng vị và các chiến lược tương ứng vẫn chiếm vị trí chủ đạo. Ngoài tính hữu hạn của không gian biển và hiệu ứng lan tỏa công nghệ, nguyên nhân sâu xa là khi mức độ kiểm soát biển giữa các quốc gia hải quyền có sự chênh lệch lớn, thách thức của quốc gia đang trỗi dậy đối với quốc gia bá quyền về không gian và chức năng tài nguyên biển không quá rõ rệt, chủ yếu ở trạng thái cạnh tranh lệch vị, ít bị chú ý. Nhưng khi nhu cầu của quốc gia đang trỗi dậy đối với không gian và chức năng tài nguyên biển ngày càng tiến gần với quốc gia bá quyền, nhất là khi trở thành quốc gia kiểm soát biển ở mức độ tương đương thì quốc gia bá quyền thường sẽ chuyển sang áp dụng mô hình và chiến lược cạnh tranh đồng vị để duy trì vị thế bá quyền trên biển. Khi đó, quốc gia đang trỗi dậy một khi bị cuốn vào cuộc cạnh tranh đồng vị về hải quyền sẽ khó có thể thoát khỏi vòng xoáy ấy.
Trong cạnh tranh hải quyền, quốc gia bá quyền có xu hướng ưu tiên cạnh tranh đồng vị lấy quyền kiểm soát biển làm trung tâm, nhưng cũng không loại trừ khả năng áp dụng cạnh tranh lệch vị khi cần thiết. Quốc gia bá quyền nắm giữ ưu thế hải quyền toàn diện dựa trên nền tảng kiểm soát biển, khi đối mặt với sự “xâm lấn” về mức độ kiểm soát biển từ phía quốc gia đang trỗi dậy, thường sẽ phát huy ưu thế tổng hợp về sức mạnh quân sự, thể chế quốc tế và hệ thống trục-vành đai để tiến hành cạnh tranh đồng vị. Đặc biệt, quốc gia bá quyền sẽ tận dụng ưu thế công nghệ toàn diện nhằm gia tăng sức mạnh quân sự, thông qua chạy đua vũ trang để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Đồng thời triển khai lực lượng quân sự dọc theo các tuyến trục chiến lược chồng lấn nhằm thực hiện tái cân bằng kiểm soát biển.
Mặc dù cạnh tranh về mức độ kiểm soát biển bao hàm cả ý nghĩa không gian và chức năng tài nguyên, quốc gia bá quyền lại chú trọng nhiều hơn đến cạnh tranh quyền kiểm soát không gian biển để từ đó kiểm soát các nguồn tài nguyên biển hiện tại và tiềm năng, thay vì phát triển đa dạng chức năng khai thác tài nguyên biển. Cạnh tranh về không gian và tài nguyên trong khuôn khổ kiểm soát biển càng gay gắt thì cục diện cạnh tranh đồng vị giữa các quốc gia hải quyền càng trở nên rõ rệt, song cũng dễ dẫn đến những hệ quả ngoài ý muốn như chiến tranh hay cục diện lưỡng bại câu thương.
Do đó, trong quá trình chạy đua vũ trang và duy trì kiểm soát biển, quốc gia bá quyền không chỉ có thể chủ động triển khai một số chiến lược cạnh tranh lệch vị nhằm giành lấy ưu thế mới, mà còn không loại trừ khả năng thông qua cạnh tranh lệch vị để làm dịu căng thẳng cạnh tranh hải quyền với quốc gia đang trỗi dậy. Thậm chí, trong bối cảnh cạnh tranh kiểm soát biển lắng dịu, quốc gia bá quyền còn có thể sẵn sàng hợp tác cùng quốc gia đang trỗi dậy với sự hỗ trợ của tiến bộ khoa học công nghệ để cùng nhau khai thác và phát triển các nguồn tài nguyên biển. Qua đó nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển cho cả hai bên.
Các quốc gia đang trỗi dậy có xu hướng lựa chọn mô hình và chiến lược cạnh tranh lệch vị trên nền tảng cạnh tranh đồng vị. Với tư cách là kẻ đến sau, các quốc gia trỗi dậy thường có thói quen mô phỏng và học hỏi từ quốc gia bá quyề. Chẳng hạn như áp dụng học thuyết hải quân phổ biến, xây dựng lực lượng quân sự tương tự. Tham gia cạnh tranh kiểm soát biển với quốc gia bá quyền, đồng thời buộc phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn do các nhu cầu về không gian biển và chức năng tài nguyên biển tiếp cận, thậm chí chồng lấn với quốc gia bá quyền.
Tuy nhiên, sau khi nhận thức rõ sự bất lợi toàn diện của mình cũng như những thất bại trong cạnh tranh đồng vị, các quốc gia trỗi dậy sẽ có xu hướng ưu tiên tận dụng lợi thế so sánh, phát huy sở trường, hạn chế sở đoản để tiến hành cạnh tranh lệch vị. Cụ thể, họ sẽ tìm cách theo đuổi ưu thế quân sự phi đối xứng, tránh lao vào các cuộc chạy đua vũ trang tốn kém, triển khai lực lượng quân sự dọc theo các trục chiến lược khác biệt nhằm hạn chế tối đa nguy cơ xung đột kiểm soát biển trực diện với quốc gia bá quyền. Đồng thời đa dạng hóa chức năng tài nguyên biển làm hướng đi mới nhằm giảm bớt căng thẳng trong cạnh tranh kiểm soát biển.
Đặc biệt, khi các quốc gia trỗi dậy có thể đóng vai trò dẫn dắt trong triển khai chiến lược cạnh tranh lệch vị tại các khu vực biển lân cận hoặc chồng lấn, thì khả năng xuất hiện cạnh tranh lệch vị về kiểm soát biển với quốc gia bá quyền mới thực sự khả thi. Việc chú trọng khai thác chức năng tài nguyên biển và hình thức thực hiện dưới sự hỗ trợ của tiến bộ khoa học công nghệ không những có thể làm dịu đi mâu thuẫn hải quyền với quốc gia bá quyền, tránh được nguy cơ cạnh tranh sống còn dẫn tới kết cục lưỡng bại câu thương, mà còn mở ra một hướng mới để từng bước chuyển biến vai trò của biển cả từ một sinh cảnh tài nguyên phục vụ riêng cho các cường quốc thành ngôi nhà chung màu xanh của nhân loại.
Tóm lại, việc các quốc gia đang trỗi dậy có xu hướng lựa chọn mô hình và chiến lược cạnh tranh lệch vị trên nền tảng cạnh tranh đồng vị vừa là sự tuân thủ nguyên lý cạnh tranh loại trừ, vừa là yêu cầu nội tại của logic cạnh tranh hợp lý. Đồng thời cũng là con đường giúp các quốc gia này tích lũy ưu thế một cách hiệu quả trong cạnh tranh hải quyền và quá trình trỗi dậy bền vững trên trường quốc tế.
Mô hình và chiến lược cạnh tranh quyền lực biển của quốc gia đang trỗi dậy
Từ góc độ sinh thái, mục tiêu căn bản của các quốc gia đang trỗi dậy trong cạnh tranh hải quyền là khai thác được nhiều hơn các nguồn tài nguyên biển, chứ không phải thay thế vị thế bá quyền của quốc gia bá quyền hiện tại. Do không thể tránh khỏi cạnh tranh với các nước bá quyền khi mở rộng phạm vi kiểm soát biển, nên các quốc gia này cần phát huy lợi thế so sánh của mình, từng bước thu hẹp khoảng cách về sức mạnh quân sự với quốc gia bá quyền. Phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu để tiến hành cạnh tranh kiểm soát biển cả về không gian và chức năng.
Cụ thể, các nước này cần căn cứ vào lợi ích biển và lợi thế so sánh thực tế của mình, lựa chọn mô hình cạnh tranh lệch vị làm phương thức cạnh tranh chủ đạo, chủ động kiến tạo cục diện tái cân bằng kiểm soát biển có lợi cho bản thân. Về chính sách cụ thể, các quốc gia này phải dựa vào tiến bộ khoa học công nghệ để mở rộng không gian và góc độ cạnh tranh kiểm soát biển. Tích cực khai thác các chức năng tài nguyên và giá trị khác của đại dương, nỗ lực thúc đẩy cạnh tranh hải quyền lấy kiểm soát biển làm trọng tâm nhưng duy trì trong trạng thái không đối đầu với quốc gia bá quyền. Thậm chí, quốc gia trỗi dậy còn có thể thúc đẩy sự cạnh tranh quyền lực biển phát triển lành mạnh, vượt lên khỏi khuôn khổ tranh giành quyền kiểm soát biển đơn thuần.
Mô hình cạnh tranh quyền kiểm soát biển của quốc gia đang trỗi dậy
Khác với cách tiếp cận truyền thống tập trung vào kiểm soát không gian biển, các quốc gia trỗi dậy cần nhận thức và thiết lập giới hạn quyền làm chủ biển một cách hợp lý dựa trên nhu cầu khai thác tài nguyên biển. Xét từ góc độ cạnh tranh sinh thái, bản chất của cạnh tranh hải quyền là kiểm soát và khai thác tài nguyên biển. Do đó, quốc gia trỗi dậy nên đánh giá đại dương và cuộc cạnh tranh hải quyền dựa trên khả năng thực tế tiếp cận tài nguyên. Trên thực tế các cường quốc hải quyền cũ và mới hoàn toàn không bị động phụ thuộc vào khả năng cung cấp tài nguyên của biển để xác định giới hạn quyền làm chủ biển, nhưng cũng không thể và không nên theo đuổi việc chiếm hữu tài nguyên biển một cách vô hạn. Quyền làm chủ biển vốn có giới hạn cả về thời gian lẫn không gian, và các cường quốc hải quyền thường chỉ có thể khai thác tài nguyên biển trong phạm vi không gian biển mà họ kiểm soát hiệu quả.
Xét trên bình diện dài hạn, khả năng cung cấp tài nguyên của biển là vô hạn, nhưng trong ngắn hạn của một cuộc cạnh tranh hải quyền cụ thể, khả năng này bị giới hạn đáng kể bởi trình độ công nghệ. Do đó, khả năng khai thác tài nguyên biển của các cường quốc cũng có hạn. Nếu một quốc gia hải quyền chỉ chú trọng chiếm giữ không gian biển mà không khai thác hiệu quả tài nguyên, điều này không những vô ích mà còn kích động cuộc cạnh tranh hải quyền tách rời khỏi yếu tố tài nguyên, dẫn đến chạy đua vũ trang hoặc thậm chí chiến tranh.
Trong cuộc cạnh tranh hải quyền ngày càng khốc liệt, quốc gia trỗi dậy thường ở thế bất lợi rõ rệt. Những nỗ lực duy trì tiềm lực khai thác tài nguyên biển tiềm tàng thường trở nên vô ích, thậm chí kéo lùi quá trình trỗi dậy tổng thể. Vì vậy, quốc gia trỗi dậy cần đánh giá khách quan nhu cầu tài nguyên biển và chấp nhận tính hữu hạn của quyền làm chủ biển, từ đó thiết lập giới hạn quyền làm chủ một cách chừng mực. Nhờ sự phát triển của khoa học công nghệ, họ có thể mở rộng dần phạm vi quyền làm chủ và nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để quốc gia trỗi dậy tham gia cạnh tranh hải quyền một cách hợp lý hiệu quả.
Đối mặt với ưu thế toàn diện của quốc gia bá quyền, quốc gia trỗi dậy cần mở rộng giới hạn quyền làm chủ biển thông qua cạnh tranh lệch vị, từ đó tạo dựng cục diện tái cân bằng quyền làm chủ biển có lợi cho mình. Sự trỗi dậy của một cường quốc hải quyền mới đồng nghĩa với việc quyền làm chủ biển của nước bá quyền bị thách thức, dù là tiềm tàng hay hiện hữu. Để đối phó, cường quốc bá quyền sẽ tận dụng lợi thế tổng thể về hải quyền, bao gồm sức mạnh kiểm soát biển, các quy tắc và trật tự trên biển để phát động cuộc cạnh tranh đồng vị. Đặc biệt, họ sẽ sử dụng ưu thế về sức mạnh, tài nguyên và hệ thống trục vành đai để đẩy quốc gia trỗi dậy vào cuộc chạy đua vũ trang hoặc cạnh tranh triển khai lực lượng dọc các trục vành đai. Khi bị ép vào thế cạnh tranh đồng vị trong tình trạng yếu thế, quốc gia trỗi dậy thường rơi vào vòng xoáy “cạn kiệt chiến lược” hoặc bị đánh bại trong các cuộc chiến bị kích động, buộc phải chấp nhận một trật tự kiểm soát biển cực kỳ bất lợi.
Trước tình thế khó khăn này, quốc gia trỗi dậy cần nỗ lực tìm kiếm cạnh tranh lệch vị bên cạnh việc tham gia cạnh tranh đồng vị. Trước hết, các quốc gia trỗi dậy phải dám và khéo léo tham gia những cuộc cạnh tranh đồng vị cần thiết. Mục tiêu đồng chất là giành giật tài nguyên khiến họ không thể mãi tránh né cạnh tranh đồng vị. Hơn nữa, học hỏi và mô phỏng cường quốc bá quyền gần như là con đường tất yếu để các quốc gia hải quyền mới trỗi dậy. Tiếp theo, sau khi trở thành đối thủ ngang hàng, quốc gia trỗi dậy cần lấy cạnh tranh lệch vị làm mô hình chủ đạo để mở rộng quyền làm chủ biển. Cụ thể, cần triển khai cạnh tranh lệch vị với cường quốc bá quyền trong các lĩnh vực như mở rộng không gian biển, phát triển vũ trang và triển khai lực lượng, nhằm tránh cạn kiệt chiến lược hay thất bại quân sự. Đồng thời tận dụng lợi thế so sánh để tích lũy tiềm lực trỗi dậy. Cuối cùng, quốc gia trỗi dậy phải thu hẹp các tình huống cạnh tranh đồng vị và tránh kịch bản “hai bên cùng thua”. Đặc biệt, với những cuộc cạnh tranh đồng vị có ít không gian đệm như tranh chấp kiểm soát vùng biển chồng lấn, quốc gia trỗi dậy vừa phải đặt mục tiêu kiềm chế trong việc khai thác tài nguyên thiết yếu để kiểm soát không gian biển, mở rộng chức năng biển, vừa phải tích cực phối hợp lợi ích với cường quốc bá quyền, tìm kiếm phương thức hợp tác phi zero-sum.
Chỉ bằng cách này, quốc gia trỗi dậy mới chủ động định hình cục diện tái cân bằng quyền làm chủ biển có lợi, thậm chí đưa cuộc cạnh tranh hải quyền vượt ra khỏi phạm vi tranh giành quyền kiểm soát biển đơn thuần.
Có điều, chìa khóa thành công của mô hình cạnh tranh hải quyền lấy cạnh tranh lệch vị làm trọng tâm ở các quốc gia trỗi dậy nằm ở việc duy trì và phát huy lợi thế so sánh về công nghệ. Khoa học công nghệ là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất giúp con người nhận thức, kiểm soát và khai thác biển. Nó không chỉ thúc đẩy chuyển hóa lợi thế so sánh của các yếu tố hải quyền thành ưu thế về quyền làm chủ biển, mà còn mở rộng chức năng tài nguyên của đại dương. Do đó, ưu thế công nghệ chính là lợi thế so sánh quan trọng nhất của quốc gia trỗi dậy, đồng thời cũng là đòn bẩy then chốt giúp họ giành được lợi thế bất đối xứng trong cả cạnh tranh đồng vị lẫn lệch vị.
Vì vậy, quốc gia đang trỗi dậy cần chủ động duy trì và tối đa hóa các lợi thế công nghệ tuyệt đối và tương đối mang tính cục bộ và tạm thời. Trước hết, cần tích lũy lợi thế so sánh về công nghệ. Công nghệ đóng vai trò dẫn dắt trong cạnh tranh hải quyền, song quốc gia bá quyền vẫn đang nắm giữ vị thế dẫn đầu về tổng thể. Do đó, quốc gia đang trỗi dậy nên tránh tư duy cạnh tranh đồng vị kiểu “đuổi kịp toàn diện” với quốc gia bá quyền, mà cần tập trung duy trì và mở rộng các lợi thế công nghệ cục bộ có vai trò then chốt đối với cạnh tranh hải quyền. Chủ động giành được các thành tựu công nghệ mới mang tính đột phá, gia tăng lợi thế tuyệt đối về công nghệ cũng như vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của hiệu ứng khuếch tán công nghệ, duy trì lợi thế công nghệ tương đối.
Tiếp theo, cần lấy lợi thế công nghệ làm động lực thúc đẩy các lợi thế so sánh khác, như sức mạnh quân sự, vị trí địa chiến lược và tài nguyên chuyển hóa thành ưu thế kiểm soát biển, tạo dựng thế cạnh tranh bất đối xứng. Từ đó mở rộng không gian và chiều góc độ của cạnh tranh kiểm soát biển lệch vị. Ví dụ, Liên Xô và Trung Quốc không chỉ xây dựng lực lượng hải quân có khả năng đối trọng bất đối xứng với Mỹ, mà còn phát triển hệ thống tác chiến liên hợp đa chiều nhằm từ chối tiếp cận, tranh giành và duy trì quyền kiểm làm chủ biển, tạo nền tảng quân sự cho cạnh tranh hải quyền lệch vị.
Cuối cùng, quốc gia đang trỗi dậy cần sử dụng công nghệ tiên tiến để làm phong phú nội hàm tài nguyên của quyền làm chủ biển, thúc đẩy cạnh tranh hải quyền vượt ra ngoài phạm vi tranh giành quyền kiểm soát biển. Một mặt, khác với quốc gia bá quyền thường chú trọng đến kiểm soát không gian biển, quốc gia đang trỗi dậy có thể lấy công nghệ tiên tiến làm công cụ để khai thác và sử dụng tài nguyên biển một cách sâu rộng, nâng cao hiệu quả sử dụng không gian biển từ góc độ tài nguyên, qua đó mở rộng nội hàm tài nguyên của mức độ kiểm soát biển. Mặt khác, quốc gia đang trỗi dậy cũng có thể lấy mục tiêu cùng nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển làm cơ sở, chủ động tìm kiếm hợp tác thực chất với quốc gia bá quyền trong lĩnh vực này. Việc giảm bớt mâu thuẫn trong khai thác tài nguyên biển sẽ giúp cạnh tranh hải quyền vượt ra khỏi trọng tâm tranh giành quyền kiểm soát biển.
Chiến lược cạnh tranh ưu tiên của quốc gia đang trỗi dậy
Trên cơ sở xác định rõ mô hình lấy cạnh tranh lệch vị làm trọng tâm cùng các nguyên tắc cơ bản của nó, quốc gia trỗi dậy cần lựa chọn chiến lược cạnh tranh hải quyền tối ưu trong từng tình huống cụ thể và kết hợp các chiến lược một cách linh hoạt, thực chất. Đặc biệt, cần lấy mục tiêu mở rộng phạm vi quyền làm chủ biển làm trọng tâm, tập trung thu hẹp khoảng cách về sức mạnh quân sự và hệ thống tuyến trục vành đai, đồng thời theo đuổi cạnh tranh hải quyền với cường quốc bá quyền theo hướng bất đối xứng, phi zero-sum, tránh xung đột trực tiếp. Quan trọng hơn, phải chủ động ngăn chặn kịch bản hai bên cùng thất bại- lưỡng bại câu thương.
Các biểu hiện của chiến lược cạnh tranh hải quyền mang tính loại hình hóa là vô cùng đa dạng và phức tạp. Quốc gia trỗi dậy cần lấy nhu cầu khai thác tài nguyên biển một cách có chừng mực làm định hướng để giải quyết khó khăn trong việc lựa chọn chiến lược.
Trên nền tảng tham gia cuộc chạy đua vũ trang chất lượng, quốc gia trỗi dậy cần áp dụng chiến lược cạnh tranh lệch vị để thu hẹp khoảng cách sức mạnh quân sự với cường quốc bá quyền và giành lợi thế quân sự bất đối xứng. Trong quá trình đuổi kịp, việc học hỏi và mô phỏng cường quốc bá quyền là không tránh khỏi, kéo theo những cuộc chạy đua vũ trang tất yếu.
Trong các cuộc chạy đua vũ trang cần thiết này, quốc gia trỗi dậy phải tránh xa cuộc cạnh tranh số lượng ngang bằng về công nghệ, thay vào đó nên dựa vào lợi thế công nghệ tương đối để tiến hành cuộc chạy đua chất lượng trong cùng không gian hoặc chức năng tương đồng. Phát triển “vũ khí sát thủ” nhằm tạo lợi thế bất đối xứng, thay vì sa vào vòng xoáy chạy đua số lượng dẫn đến hao tổn nhân lực vật lực, thậm chí kích động chiến tranh.
Điển hình như Trung Quốc thông qua việc phát triển tên lửa chống hạm đặt trên đất liền và tên lửa tầm trung đã đạt được năng lực tác chiến chống tiếp cận đáng tin cậy mà ngay cả quân đội Mỹ cũng thừa nhận “chưa từng đối mặt với mối đe dọa kiểu này trước đây”.
Khi đã trở thành đối thủ ngang tầm với cường quốc bá quyền, quốc gia trỗi dậy nên chủ yếu áp dụng chiến lược cạnh tranh lệch vị để bổ sung sức mạnh quân sự và mở rộng lợi thế bất đối xứng.
Đầu tiên, sử dụng lực lượng “vùng xám” để bù đắp những thiếu hụt về hải quân và phương tiện quân sự chủ lực. Quốc gia trỗi dậy cần phát huy lợi thế so sánh về địa lý và kinh tế biển, bổ sung sử dụng lực lượng dân sự như dân quân biển và đội tàu thương mại để tham gia cạnh tranh quân sự, giành lợi thế bất đối xứng. Tiếp theo, dẫn dắt cách mạng quân sự bằng ưu thế công nghệ tuyệt đối, mở rộng không gian và các chiều cạnh tranh hải quyề. Thậm chí đưa cạnh tranh quân sự vượt ra ngoài phạm vi tranh giành quyền kiểm soát biển. Bằng lợi thế công nghệ tiên phong và dẫn đầu, quốc gia trỗi dậy có thể tạo ra cách mạng về tư duy và kỹ thuật quân sự. Thiết lập ưu thế quân sự trong những không gian và các góc độ mới của cạnh tranh hải quyền, thậm chí đưa mục tiêu cạnh tranh quân sự vượt ra ngoài phạm vi đại dương. Ví dụ, Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đã phát triển và sử dụng tàu ngầm để mở rộng chiến tranh xuống dưới mặt nước, tạo lợi thế bất đối xứng trước An. Hay “học thuyết tấn công hạt nhân” của Liên Xô đã biến mục tiêu tấn công của hải quân trở thành lãnh thổ Mỹ thay vì hạm đội Mỹ.
Trong thế kỷ 21, cạnh tranh quân sự trên biển ngày càng đa chiều, mang lại cho quốc gia trỗi dậy nhiều lựa chọn hơn trong việc áp dụng các chiến lược lệch vị như sử dụng “vùng xám” và cách mạng công nghệ quân sự để mở rộng chiều không gian quyền lực kiểm soát biển.
Cạnh tranh theo trục không gian trên biển là nội dung chủ yếu trong việc mở rộng phạm vi quyền kiểm soát biển. Các quốc gia đang trỗi dậy cần áp dụng chiến lược phân hóa lực lượng quân sự, thiết lập quyền kiểm soát biển hiệu quả tại các khu vực biển chồng lấn và không chồng lấn. Đồng thời tôn trọng quyền kiểm soát biển hiệu quả của quốc gia bá quyền. Việc triển khai lực lượng quân sự theo trục không gian trên biển nhằm kiểm soát hiệu quả hơn các không gian và tài nguyên dựa trên sự khác biệt về nhu cầu thực tế của các cường quốc, đồng thời cũng giúp giảm bớt sự đối đầu trực tiếp và tránh hậu quả “lưỡng bại câu thương”.
Trước hết, quốc gia đang trỗi dậy cần chủ động tìm kiếm quyền kiểm soát biển tại các vùng biển không chồng lấn. Mục đích của quốc gia đang trỗi dậy khi kiểm soát không gian biển là để khai thác tài nguyên chứ không phải thách thức quốc gia bá quyền nhằm thay thế vị trí kiểm soát biển của họ. Với tư cách là bên đến sau, các khu vực lợi ích hải dương trọng yếu ở nước ngoài giữa quốc gia đang trỗi dậy và quốc gia bá quyền thường có sự khác biệt. Do đó, quốc gia đang trỗi dậy cần căn cứ vào tuyến giao thông hàng hải kết nối giữa lãnh thổ bản địa và các khu vực lợi ích quan trọng ở hải ngoại để xác lập hệ thống trục không gian biển khác biệt. Từ đó triển khai lực lượng quân sự, thiết lập quyền kiểm soát biển hiệu quả, hướng tới mục tiêu bảo vệ các tuyến đường biển trọng yếu và các khu vực vị trí chiến lược của mình.
Tiếp theo, quốc gia đang trỗi dậy cần cố gắng tránh tiến hành cạnh tranh quyền kiểm soát biển có tính chất một mất một còn tại các khu vực biển chồng lấn. Các quốc gia hải quyền khó tránh khỏi việc cạnh tranh tại những khu vực biển có không gian chồng lấn, song quốc gia đang trỗi dậy có thể dựa vào lợi thế so sánh và sự khác biệt về lợi ích để tiến hành cạnh tranh lệch vị với quốc gia bá quyền. Quốc gia đang trỗi dậy chủ yếu tìm kiếm quyền kiểm soát biển hiệu quả nhưng có giới hạn tại khu vực lân cận lãnh thổ. Bằng cách tận dụng ưu thế tương đối của lực lượng hải quân, họ có thể kiểm soát hiệu quả những vùng biển lân cận liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, việc theo đuổi quyền kiểm soát biển hiệu quả vì nhu cầu an ninh của quốc gia trỗi dậy cũng cần tránh động chạm đến an ninh lãnh thổ của quốc gia bá quyền, nếu không đôi bên sẽ dễ sa vào cạnh tranh đồng vị gay gắt. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, việc Đức theo đuổi “an ninh tuyệt đối” khi Hạm đội Biển khơi thách thức an ninh lãnh thổ của Anh đã khiến mâu thuẫn hải quân hai nước trở nên không thể hòa giải.
Quốc gia đang trỗi dậy cũng cần tôn trọng quyền kiểm soát biển hiệu quả của quốc gia bá quyền tại vùng biển ngoài khu vực tiếp giáp, chủ động kiểm soát rủi ro cạnh tranh hải quyền. Quyền làm chủ biển chủ yếu thể hiện ở khả năng sử dụng hoặc ngăn cản đối phương sử dụng không gian biển cụ thể trong thời gian nhất định. Ngay cả quốc gia bá quyền cũng không muốn mạo hiểm ngăn cản quốc gia trỗi dậy sử dụng các vùng biển chồng lấn cũng như các tuyến hàng hải chung khi mức độ cạnh tranh quyền kiểm soát biển không quá gay gắt. Việc quốc gia đang trỗi dậy tôn trọng quyền kiểm soát biển của quốc gia bá quyền, chủ động thực hiện cạnh tranh lệch vị, tích cực kiểm soát các rủi ro xung đột trên biển sẽ giúp giảm căng thẳng cạnh tranh hải quyền, tránh cục diện lưỡng bại câu thương.
Quốc gia đang trỗi dậy cũng cần mở rộng phạm vi kiểm soát biển về mặt chức năng, nhằm tăng cường năng lực cung ứng tài nguyên biển và thúc đẩy cạnh tranh quyền lực biển vượt khỏi phạm trù đối đầu về quyền kiểm soát biển thuần túy. Ngoài việc mở rộng các chiều cạnh cạnh tranh kiểm soát biển về mặt quân sự, quốc gia đang trỗi dậy cần vận dụng các lợi thế so sánh như khoa học công nghệ theo hướng không đối đầu để mở rộng không gian khai thác và đa dạng hóa chức năng tài nguyên biển.
Trước hết, quốc gia trỗi dậy có thể khai thác sâu các nguồn tài nguyên và tiềm năng biển. Ngoài việc mở rộng quyền kiểm soát biển, các quốc gia này có thể ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác chuyên sâu các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng trong vùng biển đang kiểm soát hiệu quả, nâng cao năng lực cung ứng tài nguyên từ vùng biển hữu hạn và khả năng tiếp cận tài nguyên của mình. So với việc mở rộng quyền kiểm soát biển dễ dẫn đến phản ứng thái quá từ quốc gia bá quyền, cách tiếp cận này có thể tránh làm leo thang tranh chấp quyền kiểm soát biển truyền thống.
Tiếp theo, quốc gia đang trỗi dậy có thể thúc đẩy việc cùng quốc gia bá quyền khai thác tài nguyên biển. Dưới sự thúc đẩy của tiến bộ khoa học công nghệ, năng lực cung ứng tài nguyên biển ngày càng được nâng cao, nhưng việc khai thác và sử dụng tài nguyên biển lại ngày càng vượt quá khả năng của một quốc gia đơn lẻ. Bằng cách hợp tác với cường quốc bá quyền trong khai thác và sử dụng tài nguyên biển, quốc gia trỗi dậy vừa có thể tăng cường năng lực cung ứng tài nguyên biển, giảm cường độ cạnh tranh hải quyền, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và năng lực khai thác, sử dụng biển của nhân loại.
Thêm nữa, trên cơ sở điều chỉnh mối quan hệ cạnh tranh về không gian biển và tài nguyên, quốc gia đang trỗi dậy cần chủ động đề xướng quan điểm hải quyền mới vượt lên trên tranh chấp quyền kiểm soát biển. Biển từ lâu đã được coi là “tài sản chung”, nhưng cuộc cạnh tranh chủ quyền biển xoay quanh quyền kiểm soát biển vẫn liên tục tái diễn. Nguyên nhân là do quan hệ cạnh tranh giữa kiểm soát không gian biển và khai thác tài nguyên biển chưa được điều chỉnh hợp lý. Các cường quốc cần nghiêm túc nhìn nhận sự phụ thuộc của mình vào tài nguyên biển và tiếp cận vấn đề mở rộng phạm vi kiểm soát biển trên phương diện không gian và chức năng dưới góc độ cạnh tranh sinh thái. Điều này sẽ giúp điều tiết quan hệ cạnh tranh giữa không gian biển và tài nguyên biển, thực sự coi biển là môi trường sống chung, ngôi nhà xanh của nhân loại.
Trên cơ sở đó, quốc gia đang trỗi dậy cần tích cực đề xướng một quan điểm hải quyền mới, lấy hợp tác khai thác tài nguyên biển và cùng bảo vệ môi trường biển làm trọng tâm, vượt lên trên tranh chấp quyền kiểm soát biển. Sự phát triển của tư duy mới này đề cao tôn trọng không gian biển của nhau, cùng chia sẻ tài nguyên và hợp tác quản trị, bảo vệ môi trường biển. Từ đó thúc đẩy cạnh tranh quyền kiểm soát biển thoát khỏi quỹ đạo đối đầu quân sự.
Kết luận
Cạnh tranh quyền lực biển là một dạng cạnh tranh sinh thái đặc thù, với mục tiêu chủ yếu là mở rộng phạm vi kiểm soát biển. Tương tự như cạnh tranh sinh thái giữa các loài, các cường quốc cạnh tranh nhau để khai thác tài nguyên biển, mà về bản chất, phạm vi kiểm soát biển và thuộc tính tài nguyên của sinh thái là tương đồng. Không gian biển chính là nền tảng chủ yếu chứa đựng tài nguyên, việc mở rộng phạm vi kiểm soát biển là quá trình cạnh tranh nhằm kiểm soát hiệu quả không gian biển rộng lớn hơn, làm giàu thêm các nguồn tài nguyên biển.
Cạnh tranh quyền làm chủ biển là quá trình tái cân bằng quyền kiểm soát biển dưới tác động của khoa học công nghệ, trong đó các quốc gia hải quyền thực hiện cả cạnh tranh hội tụ lẫn phân kỳ tập trung vào quyền kiểm soát biển, được thúc đẩy bởi nguyên lý cạnh tranh loại trừ. Tương ứng, cạnh tranh đồng vị và cạnh tranh lệch vị chính là hai hình thức cơ bản của cạnh tranh quyền làm chủ biển. Cạnh tranh đồng vị chủ yếu mang đặc trưng là cuộc đua về không gian biển và sức mạnh quân sự, trong khi cạnh tranh lệch vị tập trung vào việc phát huy lợi thế so sánh trong việc mở rộng không gian biển và khai thác tài nguyên, qua đó tạo ra nhiều khả năng hơn.
Ở hình thức cạnh tranh đồng vị, các quốc gia hải quyền chủ yếu sử dụng chiến lược gia tăng ưu thế vũ trang cả về số lượng và chất lượng. Triển khai sức mạnh quân sự dọc theo các trục chiến lược tương đồng. Trong khi ở hình thức cạnh tranh lệch vị, họ chủ yếu áp dụng các chiến thuật “vùng xám”, mở rộng không gian và chức năng biển, bố trí lực lượng quân sự dọc theo các trục chiến lược khác biệt.
Do quá trình học tập, mô phỏng các bên thắng thế và sự phổ biến công nghệ, các hình thức và chiến lược cạnh tranh hải quyền giữa các quốc gia có xu hướng phát triển hội tụ. Tuy nhiên, các hình thức cạnh tranh hải quyền khác nhau không hoàn toàn loại trừ lẫn nhau. Các quốc gia bá quyền và quốc gia đang trỗi dậy sẽ linh hoạt lựa chọn những hình thức và chiến lược cạnh tranh có lợi dựa trên điều kiện ưu thế riêng của nước mình .
Là một quốc gia hải quyền mới nổi trong cạnh tranh giữa các cường quốc, quốc gia trỗi dậy nên áp dụng mô hình và chiến lược cạnh tranh lấy cạnh tranh đồng vị làm nền tảng, lấy cạnh tranh lệch vị làm chủ đạo. Bản chất của cạnh tranh hải quyền là cạnh tranh tài nguyên, mục tiêu cuối cùng của quốc gia trỗi dậy là khai thác tài nguyên biển chứ không phải thay thế địa vị hàng hải của quốc gia bá quyền. Trong cạnh tranh sinh thái hải quyền, quốc gia trỗi dậy cần dựa trên nhận thức hợp lý về nhu cầu đối với tài nguyên biển để xác lập phạm vi kiểm soát biển hữu hạn. Chủ động định hình cục diện tái cân bằng quyền kiểm soát biển và mở rộng phạm vi kiểm soát.
Chìa khóa thành công trong cạnh tranh lệch vị nằm ở việc duy trì và phát huy lợi thế công nghệ so sánh. Cụ thể, quốc gia trỗi dậy cần xử lý tốt các vấn đề then chốt như thu hẹp khoảng cách vũ trang, cạnh tranh trục không gian biển và mở rộng đa chiều chức năng biển. Trên cơ sở tận dụng lợi thế tương đối về công nghệ nhằm giành ưu thế về chất lượng vũ trang. Quốc gia trỗi dậy cần vận dụng các chiến thuật “vùng xám” kết hợp ưu thế công nghệ tuyệt đối để bù đắp phần nào khoảng cách quân sự , đảo ngược thế bất lợi so với quốc gia bá quyền.
Quốc gia trỗi dậy cần tôn trọng quyền kiểm soát biển hiệu quả của quốc gia bá quyền, ưu tiên mở rộng phạm vi kiểm soát biển ở những không gian biển không chồng lấn bằng cách triển khai sức mạnh quân sự dọc theo các trục chiến lược khác biệt, đồng thời xử lý tốt quan hệ cạnh tranh với quốc gia bá quyền tại các khu vực biển chồng lấn và chủ động kiểm soát rủi ro xung đột quân sự.
Bên cạnh đó, quốc gia trỗi dậy cũng cần mở rộng phạm vi kiểm soát biển trên phương diện chức năng, nâng cao năng lực cung ứng tài nguyên của biển, thúc đẩy cạnh tranh hải quyền phát triển tích cực, lành mạnh, từng bước vượt lên khỏi cục diện tranh chấp quyền kiểm soát biển truyền thống, tránh dẫn đến kết cục một mất một còn, xung đột hay thậm chí là tổn thất cho cả hai bên.
Cùng với sự phát triển ngày càng nhanh của khoa học công nghệ, cạnh tranh lệch vị sẽ trở thành lựa chọn hợp lý chung của các quốc gia hải quyền mới và cũ. Khoa học công nghệ là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất giúp con người nhận thức, kiểm soát và khai thác đại dương. Trong các yếu tố và góc độ nhận thức của cạnh tranh hải quyền, ảnh hưởng của công nghệ là nổi bật nhất, đồng thời cũng là nhân tố bên ngoài chủ yếu thúc đẩy các cường quốc mở rộng phạm vi kiểm soát biển. Hiện nay, khoa học công nghệ liên tục phát triển, các thành tựu công nghệ không ngừng mở rộng không gian và các chiều phát triển, làm phong phú thêm các nguồn tài nguyên và chức năng khác của biển. Điều này không chỉ khiến cạnh tranh quyền lực biển trở nên đa dạng, đa chiều và phức tạp hơn, thậm chí vượt ra ngoài không gian biển, mà còn nâng cao năng lực cung cấp tài nguyên biển, tạo thêm nhiều khả năng hợp tác biển giữa các quốc gia hải quyền.
Trong bối cảnh đó, cạnh tranh đồng vị ngày càng khó khăn, chi phí ngày càng cao, hiệu quả ngày càng khó đoán định, và cái giá phải trả lại càng khó chấp nhận. Ngược lại, không gian và dư địa cho cạnh tranh lệch vị ngày càng được mở rộng, lợi ích tài nguyên tuyệt đối giữa các cường quốc trong cạnh tranh hải quyền cũng ngày càng gia tăng. So sánh giữa hai hình thức, cạnh tranh lệch vị chính là phương án hợp lý hơn và sẽ trở thành hình thức và chiến lược lựa chọn ưu tiên chung của cả quốc gia trỗi dậy lẫn quốc gia bá quyền. Khi cạnh tranh lệch vị dần thay thế cạnh tranh đồng vị, trở thành tư duy chủ đạo trong nhận thức về quyền làm chủ biển, nhu cầu hợp tác nhằm kiểm soát rủi ro cạnh tranh quyền kiểm soát biển và cùng nhau khai thác tài nguyên biển sẽ ngày càng gia tăng. Dưới sự nỗ lực chung của quốc gia trỗi dậy và quốc gia bá quyền, một quan niệm kiểm soát biển mới mang tính cộng đồng, vượt lên khỏi tranh chấp quyền kiểm soát biển sẽ trở thành xu hướng chính trong quan niệm và văn hóa biển. Cạnh tranh hải quyền từng bước phi bá quyền hóa, đại dương sẽ thực sự trở thành mái nhà xanh chung để nhân loại cùng nhau bảo vệ và khai thác.
Việc chuyển đổi từ cạnh tranh sang hợp tác trong khai thác tài nguyên biển trên phạm vi rộng không chỉ tạo ra mô hình tiên phong, mà còn mang lại những bài học quý giá cho các cường quốc đang trỗi dậy – đặc biệt là kinh nghiệm thực tiễn về chiến lược cạnh tranh lệch vị. Cách tiếp cận này mở ra con đường mới giúp định hình lành mạnh mối quan hệ giữa các nước lớn, đồng thời định hình tích cực cục diện chính trị quốc tế./.
Hết
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả Trần Vĩnh công tác tại Viện Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế, Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]