Nền kinh tế Trung Quốc những năm qua đã có nhiều sự kiện đáng nhớ với những thách thức bất ngờ cùng nhiều bất ổn, nhưng cũng đánh dấu mốc mới khi nước này đang trong hành trình trở thành nền kinh tế có khả năng thách thức vị trí dẫn đầu của Mỹ. Giáo sư Paola Subacchi (Đại học London), trong bài viết trên Project Syndicate, đã đưa ra nhận định về quá trình chuyển đổi của Trung Quốc từ một quốc gia nghèo đang phát triển thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu chính của Mỹ và phương Tây, sau khi nghiên cứu 4 cuốn sách giới thiệu về nền kinh tế Trung Quốc. Theo đó, Trung Quốc đã từng bước chiếm ưu thế về các công nghệ tiên tiến như viễn thông, công nghệ tài chính và trí tuệ nhân tạo – tất cả các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược lớn không chỉ đối với khả năng cạnh tranh của nền kinh tế mà còn đối với các vấn đề an ninh quốc gia, an ninh kinh tế toàn cầu trong tương lai. Tuy nhiên, một số sự kiện bước ngoặt những năm gần đây đã ảnh hưởng tới sự phát triển bứt phá của nền kinh tế Trung Quốc. Liệu những điều này sẽ định hình đường hướng phát triển nền kinh tế Trung Quốc trong tương lai ở mức độ như thế nào? Và chúng có tác động ra sao đối với nền kinh tế toàn cầu? Cùng tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây.
Tiêu đề và các đề mục do BBT đặt.
Bốn cuốn sách được tác giả bài viết đề cập tới bao gồm: (i) Martin Chorzempa, Cuộc cách mạng phi tiền mặt: Sự phát minh lại tiền tệ của Trung Quốc và chấm dứt sự thống trị của Mỹ đối với tài chính và công nghệ, PublicAffairs, 2022; (ii) Edwin L.-C. Lai, Một tiền tệ, hai thị trường: Nỗ lực quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, Nhà xuất bản Đại học Cambridge, 2021; (iii) Andrew Small, Sự chia rẽ: Trung Quốc và cuộc đua định đoạt tương lai của thế giới, Nhà xuất bản Hurst, 2022 và (iv) Paul Tucker, Bất hòa toàn cầu: Giá trị và quyền lực trong một trật tự thế giới bị rạn nứt, Nhà xuất bản Đại học Princeton, 2022.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc là điểm đáng chú ý nhất trong ba thập kỷ qua. Không một nghiên cứu về kinh tế hay chính trị quốc tế nào có thể bỏ qua điều này. Tuy nhiên, nội dung của cuộc thảo luận đã thay đổi theo thời gian. Trước năm 2017, nhiều người tin rằng Trung Quốc có thể trở thành một “chủ thể có trách nhiệm” trong các thể chế quốc tế xuất hiện sau Thế chiến II và tồn tại sau Chiến tranh Lạnh. Nhưng giờ đây, nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc là “một quốc gia phi tự do đang tìm kiếm vai trò lãnh đạo trong một trật tự thế giới tự do”, như cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Paul Tucker đã viết trong báo Global Discord. Do đó, câu hỏi đặt ra là liệu các nền dân chủ tự do với nền kinh tế thị trường nên đối phó thế nào với một quốc gia như vậy khi nó đã dần trở thành một thế lực quan trọng trong hệ thống?
Không cuốn sách nào trong số bốn cuốn sách được xem xét ở đây đưa ra một câu trả lời thuyết phục – nhưng đó có thể là do câu hỏi về Trung Quốc không chỉ có một câu trả lời duy nhất. Thay vào đó, mỗi tác giả đưa ra một câu chuyện rõ ràng và riêng biệt về quá trình chuyển đổi của Trung Quốc từ một quốc gia nghèo đang phát triển thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu chính của phương Tây. Có lẽ quan trọng nhất, Trung Quốc đã dẫn đầu về các công nghệ tiên tiến như viễn thông, công nghệ tài chính và trí tuệ nhân tạo – tất cả các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược lớn không chỉ đối với khả năng cạnh tranh kinh tế trong tương lai mà còn đối với an ninh quốc tế và quốc gia.
Hiểu được lợi thế của Trung Quốc trong những lĩnh vực này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiểu tại sao Trung Quốc không còn nỗ lực trở thành “một chủ thể có trách nhiệm” trong nền kinh tế thế giới. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đơn giản là không có động lực mạnh mẽ như từng có để sống chung hoặc hành động bên trong hệ thống do Mỹ lãnh đạo.
Thời cơ thuận lợi đã giúp nền kinh tế Trung Quốc bứt phá
Khi nói đến quỹ đạo chiến lược dài hạn của Trung Quốc, các sự kiện riêng lẻ không quan trọng bằng việc thực hiện kế hoạch tổng thể. Quá trình đó nhất thiết phải dần dần và từng bước, theo câu ngạn ngữ Trung Quốc – được phổ biến trong thời đại ngày nay bởi cố Chủ tịch Đặng Tiểu Bình – khuyên các nhà lãnh đạo phải “dò đá qua sông”. Các khúc ngoặt không phải lúc nào cũng rõ ràng, và đôi khi chúng chỉ trở nên rõ ràng sau khi đã xảy ra.
Hãy xem xét năm 2016 khi Trung Quốc nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của G20, đã đóng vai trò “bên liên quan có trách nhiệm” ở mức tốt nhất. Tháng 9 năm 2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thêm đồng Nhân dân tệ vào các loại tiền tệ làm cơ sở cho tài sản dự trữ toàn cầu mang tên quyền rút vốn đặc biệt (SDR), đưa Nhân dân tệ vào cùng nhóm với đồng đô la, đồng euro, đồng bảng Anh và đồng yên Nhật. Như Andrew Small của Quỹ Marshall của Đức kể lại trong cuốn Sự chia rẽ, Tổng thống Mỹ Barack Obama vào thời điểm đó đã nói đùa rằng, với sự thiết lập của Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan, Trung Quốc có lẽ đã đảm nhận trách nhiệm đối phó với một quốc gia đã khiến Mỹ phải đau đầu suốt nhiều năm qua.
Những năm sau đó tất cả lại như một mớ hỗn độn. Khi Donald Trump vào Nhà Trắng trong năm 2017, chính quyền của ông đã có lập trường mạnh mẽ chống lại tình trạng cán cân thương mại Mỹ-Trung đang nghiêng hẳn phần có lợi cho bên Trung Quốc và chính thức cáo buộc nước này “thao túng tiền tệ” (cáo buộc sau đó đã được rút lại). Nhưng, tất nhiên, cán cân thương mại song phương không phải là vấn đề thực sự (như tất cả những người chế nhạo sự thiếu hiểu biết về kinh tế của Trump đã chỉ ra). Thay vào đó, Trung Quốc từ lâu đã được hưởng quyền tiếp cận bất đối xứng vào thị trường Mỹ và châu Âu (bao gồm cả Vương quốc Anh), và cuộc chạy đua toàn cầu để thống trị các công nghệ tiên tiến đang ngày một nóng hơn.
Hội nhập quốc tế thông qua các dòng chảy thương mại và tài chính đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai thập kỷ; nhưng quá trình đó dường như đang đạt đến giới hạn của nó. Trung Quốc không còn chỉ là nhà xuất khẩu lớn các mặt hàng may mặc và hàng điện tử giá rẻ sử dụng nhiều lao động. Trung Quốc đã trở thành đối thủ cạnh tranh trong các ngành công nghiệp chiến lược cần sử dụng nhiều vốn. Trong khi các nhà hoạch định chính sách phương Tây có thể chấp nhận sự cạnh tranh trong các ngành có giá trị thấp – thậm chí một số người còn khuyến khích điều này như một cách để thúc đẩy “cải cách cơ cấu” ở các nền kinh tế tiên tiến (một lập luận mà cả Small và Tucker đều đã phân tích) – các ngành giá trị cao hơn lại được tin là nằm ngoài tầm với của Trung Quốc.
Một minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi này là vị trí dẫn đầu toàn cầu không thể nghi ngờ của Trung Quốc về công nghệ viễn thông 5G. Như Small đã chỉ ra một cách chi tiết những cuộc tranh giành nẩy lửa gần đây về việc ai sẽ cung cấp 5G ở châu Âu đã thể hiện rất rõ tốc độ tiến bộ ở quy mô toàn cầu của Trung Quốc trên mặt trận công nghệ. Điều này đã gây ra tác động làm chia rẽ phương Tây. Mỹ và các đối tác châu Âu có quan điểm khác nhau về những thách thức kinh tế và an ninh mà công nghệ Trung Quốc đặt ra.
Tiêu biểu, Đức – quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc và Vương quốc Anh – quốc gia vào thời điểm đó đang chuẩn bị cho Brexit, đều lơ là về những rủi ro liên quan đến việc Huawei cung cấp mạng 5G. Đặc biệt, chính phủ Anh kiên quyết rằng, Huawei không gây ra mối đe dọa an ninh đáng kể nào và mang lại giá trị đồng tiền tốt nhất; nhưng điều này khiến Anh mâu thuẫn hoàn toàn với Mỹ. Rốt cuộc, Vương quốc Anh về sau đã đảo ngược quan điểm, điều mà Small mô tả là “một cuộc huy động quan trọng các nguồn lực chính trị ở đối phó với vấn đề liên quan đến Trung Quốc ở châu Âu, điều mà Mỹ từng gánh vác”.
Những bước ngoặt ảnh hưởng tới đà phát triển của nền kinh tế Trung Quốc
Phong tỏa Covid hay phong tỏa nền kinh tế?
Bước ngoặt gần đây nhất liên quan tới cách Trung Quốc xử lý đại dịch COVID-19. Đầu tiên, những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm phủ nhận và che đậy sự bùng phát đã làm phá hủy cơ hội tốt nhất mà thế giới có để điều chỉnh, thiết lập một phản ứng phối hợp của cộng đồng quốc tế. Sau đó, chính sách “zero COVID” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã góp phần gây ra lạm phát cao hơn và khiến tăng trưởng kinh tế chậm hơn nhiều ở Trung Quốc, cũng như khiến đường lối lãnh đạo Trung Quốc ngày càng không đồng bộ với Mỹ và Châu Âu. Do đó, đại dịch khiến Trung Quốc bị cô lập nhiều hơn so với nhiều năm trước. Kể từ đầu năm 2020, Trung Quốc đã đóng cửa với phần còn lại của thế giới; cho đến tuần này, tất cả khách du lịch đến Trung Quốc đại lục đều phải cách ly mười ngày bắt buộc. Kết quả, Tucker giải thích, là “sự suy giảm bất đối xứng về tin tức chảy từ đông sang tây” và sự sụp đổ trong niềm tin lẫn nhau.
Với vắc-xin chất lượng thấp – và một chính phủ từ chối sử dụng các loại vắc-xin hiệu quả hơn của phương Tây – và tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với Mỹ và Liên minh Châu Âu, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo vệ người dân khỏi vi-rút đã đẩy nhanh xu hướng hướng nội đã phổ biến từ trước. Tiêu biểu, so với những năm trước 2017, việc các nhà nghiên cứu Mỹ và châu Âu hợp tác với các đồng nghiệp Trung Quốc của họ trở nên khó khăn hơn nhiều. Và khi Trung Quốc ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế thì nước này cũng trở nên cứng rắn và độc đoán hơn ở trong nước.
Các công ty tư nhân sáng tạo với công nghệ tiên tiến và khả năng cạnh tranh vượt trội so với các doanh nghiệp nhà nước hiện đang bị kìm hãm. Hầu hết những công ty mới nổi này đều xuất hiện và phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ trước năm 2017, khi giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn đang vật lộn với các công nghệ kỹ thuật số mới – phương tiện truyền thông xã hội, thương mại điện tử, ngân hàng di động – và tác động của chúng đối với sự ổn định chính trị. Trong số những câu chuyện thành công nổi tiếng nhất là tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent và Alibaba. Cả hai đã bị chính quyền Trung Quốc giám sát chặt chẽ trong những năm gần đây.
Một hệ thống kinh tế nằm trong hệ thống chính trị
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính Bund vào ngày 24 tháng Mười 2020, Jack Ma, khi đó là người sáng lập có ảnh hưởng của Alibaba và là người giàu nhất Trung Quốc, đã công khai chỉ trích giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc về điều mà ông coi là vi phạm quy định. “Tạo ra sự đổi mới không có rủi ro là bóp nghẹt sự đổi mới,” ông đã cảnh báo một cách đúng đắn. Nhưng giọng điệu trong bài phát biểu của ông có vấn đề, và rõ ràng ông đã hiểu sai bầu không khí chính trị dưới thời Tập Cận Bình. Không gian tranh luận công khai đã bị thu hẹp đáng kể kể từ năm 2014, khi Jack Ma thách thức thành công quyền lực độc quyền của các ngân hàng lớn của Trung Quốc.
Jack Ma đã phải trả giá đắt cho những lời nói của mình. Như Martin Chorzempa của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đã ghi chú trong Cuộc cách mạng phi tiền mặt, sự xuất hiện của Jack Ma tại Hội nghị thượng đỉnh Bund có thể là “bài phát biểu tốn kém nhất trong lịch sử”. Chỉ vài ngày sau, việc niêm yết công khai rất được mong đợi cho nhánh tài chính của Alibaba, Ant Group, đột nhiên bị chặn. Với mức định giá 313 tỷ đô la, đây là đợt IPO lớn nhất từng được lên kế hoạch. Nhưng điều này đã không thành. Các giám đốc điều hành hàng đầu của Ant đã bị lôi ra trước các cơ quan quản lý Trung Quốc và Jack Ma (người có cổ phần cá nhân trị giá khoảng 27 tỷ USD) đã biến mất mà không có tung tích gì trong ba tháng.
Những sự kiện này đã gây chấn động thế giới và làm suy yếu nghiêm trọng nhận thức của các nhà đầu tư về Trung Quốc như một nơi an toàn để kinh doanh. Kể từ đó, giá trị thị trường của Ant đã sụt giảm (xuống còn khoảng 70 tỷ USD) và Ant tiếp tục là một công ty tư nhân có rất ít triển vọng niêm yết cổ phiếu trong ngắn hạn. Thông qua việc tái tạo tỉ mỉ các sự kiện dẫn đến sự sụp đổ của Ant, Chorzempa kết luận rằng các nhà quản lý của Trung Quốc lo ngại sâu sắc về quyền lực mà Tencent và Alibaba đã tích lũy được. Siêu ứng dụng của mỗi công ty (cung cấp một bộ dịch vụ cơ bản như nhắn tin, mua sắm và thanh toán thu nhiều rất nhiều dữ liệu cá nhân cũng như sức mạnh cho các công ty trên. Đến năm 2013, chỉ hai năm sau khi ra mắt, ứng dụng WeChat của Tencent đã có 270 triệu người dùng.
Hơn nữa, đổi mới tài chính đã cho phép hai công ty cung cấp tín dụng ngắn hạn theo cách cực kỳ thuận tiện, khiến họ cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng do nhà nước kiểm soát (đặc biệt là trong trường hợp của Ant) và gây ra mối đe dọa tiềm ẩn đối với sự ổn định tài chính. Các công ty trên đã thành công trong việc xây dựng một hệ thống mới bên trong hệ thống và khi xem xét ý nghĩa của thành tích đó, không có gì ngạc nhiên khi các nhà quản lý coi bài phát biểu của Jack Ma là một cơ hội để tái khẳng định quyền kiểm soát.
Như Chorzempa cho thấy, thành công của cả Alibaba và Tencent đều đến từ việc hai công ty đã giải quyết được vấn đề thanh toán di động kỹ thuật số. Đột nhiên, điện thoại thông minh có thể được sử dụng để thanh toán hàng hóa và dịch vụ ở khắp mọi nơi tại các thành phố lớn của Trung Quốc – và điều này xảy ra vào thời điểm mà thẻ tín dụng “chạm và thanh toán” vẫn được coi là công nghệ tiên tiến ở châu Âu.
Như một điển hình của những người đến sau, Trung Quốc đã nhảy vọt với công nghệ mới nhất, bỏ qua một giai đoạn trung gian mà những người đi trước vẫn đang bám lấy. Năm 2008, chỉ có khoảng 10% thẻ thanh toán ở Trung Quốc được sử dụng thường xuyên và khách hàng nước ngoài thường phải tìm một cửa hàng trong khu phố có thiết bị đầu cuối thẻ tín dụng (hoặc họ được yêu cầu ký vào phiếu Visa viết tay). Tuy nhiên, đến năm 2010, Alipay đã có 500 triệu người dùng giao dịch 2 tỷ Nhân dân tệ (290 triệu USD) mỗi ngày, khiến nó trở thành công ty thanh toán trực tuyến lớn nhất thế giới – lớn hơn cả PayPal.
Trung Quốc thắt chặt kiểm soát thị trường tài chính
Trong những năm trước thời điểm 2017, Trung Quốc đã tạo ra một môi trường lý tưởng cho công nghệ tài chính. Cái gọi là lĩnh vực ngân hàng ngầm – một kênh tín dụng không bị kiểm soát, thường do chính các ngân hàng điều hành – đã cung cấp một thị trường đang phát triển cho các sản phẩm tài chính mới. Nhu cầu đã chín muồi đối với các phương tiện tiết kiệm có lợi nhuận cao hơn so với các phương tiện được tìm thấy trong khu vực ngân hàng chính thức, nơi các khoản tiết kiệm được trả công thấp được chuyển sang cho các doanh nghiệp nhà nước vay với lãi suất ưu đãi. Khi tiếp cận tín dụng, các công ty tư nhân đã tỏ ra thích thú tính linh hoạt của các công nghệ blockchain mới, vốn đã được dùng để cấp tín dụng cho hàng triệu người Trung Quốc mà không có lịch sử tín dụng.
Alibaba và Tencent đã thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường này trước khi các cơ quan quản lý của Trung Quốc để tâm đến. Theo tính toán của Chorzempa, khoảng bảy năm đã trôi qua kể từ khi giới thiệu các sản phẩm tài chính mới và quy định đầu tiên. Trong khi đó, Alipay và WeChat Pay đã được cấp giấy phép mới và các rào cản gia nhập lĩnh vực tài chính đã được gỡ bỏ. Không có biện pháp bảo vệ mạnh mẽ nào đối với dữ liệu cá nhân ngay cả luật về dữ liệu cá nhân của Trung Quốc thiếu nhất quán và chưa hoàn thiện cũng không được áp dụng rõ ràng trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Đối với các nhà cải cách tài chính như Zhou Xiaochuan, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc từ năm 2002 đến 2018, công nghệ giống như mồi lửa cần thiết để đại tu toàn bộ lĩnh vực tài chính.
Với việc các cơ quan quản lý vẫn thờ ơ một cách thụ động, các công ty công nghệ tài chính đã mạo hiểm đi trước với các công nghệ mới. Điều này đã mang lại một thành công đáng kinh ngạc. Vào năm 2017, Trung Quốc là thị trường lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới về tài chính kỹ thuật số. Theo Chorzempa, gần 70% người dân hoạt động kỹ thuật số ở nước này đang sử dụng công nghệ tài chính, so với chỉ 33% ở Mỹ. Tổng cộng, Alipay và WeChat Pay kiểm soát 90% thị trường thanh toán trực tuyến.
Nhưng sự bùng nổ công nghệ tài chính của Trung Quốc về bản chất cũng dễ bị tổn thương, bởi vì nó gây ra rủi ro hệ thống đối với sự ổn định tài chính. Chỉ riêng Ant đã có hơn 271 tỷ USD dư nợ cho người tiêu dùng. Sự sụp đổ của bong bóng thị trường chứng khoán vào tháng 6 năm 2015 là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên. Cuối cùng, các cơ quan quản lý tiền tệ của Trung Quốc đã gấp rút ban hành các quy định mới để giành lại một số quyền kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng tài chính từ Alibaba và Tencent. Ngoài việc khôi phục sự ổn định tài chính, cuộc đàn áp công nghệ tài chính trước đó còn kiềm chế giới tinh hoa kinh doanh quyền lực và do đó củng cố sự kiểm soát của chính quyền trung ương.
Tiền kỹ thuật số vẫn chưa thể đáp ứng tham vọng quốc tế hóa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc
Một hệ thống tài chính đáp ứng và phù hợp với các mục tiêu chính sách của nhà nước là chìa khóa để giải thích cuộc cách mạng không dùng tiền mặt của Trung Quốc. Nhưng điều này cũng là nguồn gốc của các vấn đề sâu sắc hơn trong lĩnh vực tài chính, chẳng hạn như tốc độ cải cách chậm chạp và khả năng chuyển đổi hạn chế của đồng tiền Trung Quốc. Chính những hạn chế này đã cản trở việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế.
Cuốn sách Một tiền tệ, hai thị trường của Edwin L.-C Lai thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về sự thiếu hụt của đồng nhân dân tệ và các chính sách đã được thiết lập nhằm nỗ lực khắc phục chúng. Ông đặc biệt chú ý đến chính sách quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, dựa trên quan điểm rằng đồng nhân dân tệ có thể được coi như bất kỳ loại tiền tệ quốc tế nào khác ở các thị trường nước ngoài, ngay cả khi khả năng chuyển đổi của nó bị hạn chế trong nước bởi các biện pháp kiểm soát vốn.
Tuy nhiên, từ năm 2017 trở đi, các thị trường nhân dân tệ ở nước ngoài không còn đóng vai trò như mong đợi. Mặc dù đồng nhân dân tệ đã đạt được những thành tựu đáng chú ý kể từ năm 2010, khi chính sách quốc tế hóa được đưa ra (đồng tiền này được sử dụng trong khoảng một phần tư thương mại của Trung Quốc và là đồng tiền được giao dịch nhiều thứ năm trên thế giới, ngoài việc nằm trong rổ SDR của IMF), doanh thu của nó vẫn thấp so với GDP của Trung Quốc – chỉ 3%, so với 30% của đồng đô la. Lai kết luận rằng nó vẫn chưa thể cạnh tranh với đồng đô la.
Vị thế của Trung Quốc với tư cách là người đi đầu trong việc giới thiệu các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương cũng không đặt ra bất kỳ thách thức có ý nghĩa nào đối với đồng đô la. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ có một số tính năng hấp dẫn – chẳng hạn như thanh toán nhanh chóng, an toàn – có thể tạo điều kiện cho việc sử dụng rộng rãi hơn, nhưng nó sẽ vẫn nằm dưới sự kiểm soát tập trung của các cơ quan tiền tệ Trung Quốc. Những người nước ngoài sẽ miễn cưỡng nắm giữ nó như một kho lưu trữ giá trị, đây là một trong những thử nghiệm quan trọng đối với tiền quốc tế.
Như Tucker đã nhắc nhở chúng ta, các đặc điểm cơ bản của hệ thống tiền tệ đã không thực sự thay đổi kể từ cuối thế kỷ 18, và việc tách các quyết định phân bổ tín dụng ra khỏi tầm kiểm soát của chính phủ luôn rất quan trọng. Không có điều đó, sẽ không có sự đảm bảo về quyền riêng tư cho các cá nhân giao dịch với nhau. Tuy nhiên, không giống như tiền mặt, cho phép ẩn danh (tốt hơn hoặc xấu hơn), thanh toán kỹ thuật số và tiền tệ hoàn toàn có thể theo dõi được.
Do đó, có một sự đánh đổi rõ ràng giữa sự thuận tiện và sự riêng tư. Như chúng ta đã biết, các dịch vụ kỹ thuật số, thường là các công ty tư nhân, liên tục thu thập dữ liệu người dùng cho mục đích tiếp thị, giới thiệu sản phẩm hoặc bán hàng cho bên thứ ba. Nhưng Trung Quốc đã thực hiện điều này xa hơn. Các siêu ứng dụng của Alibaba và Tencent mang lại một tập hợp dữ liệu cá nhân thậm chí còn rộng hơn, từ sở thích của người tiêu dùng đến xếp hạng tín dụng và chính phủ đã sử dụng dữ liệu này để phát triển một hệ thống tín dụng xã hội toàn diện giúp xác định một cách hiệu quả những cơ hội nào dành cho mỗi cá nhân.
Bởi vì quản trị dữ liệu đóng vai trò hết sức quan trọng đối với Trung Quốc, Chorzempa, Small và Tucker đều dự đoán rằng nhà nước sẽ khẳng định quyền kiểm soát thậm chí còn lớn hơn đối với các lĩnh vực này, kìm hãm sự đổi mới. Nếu vậy, Alibaba và Tencent sẽ rất khó phát triển thành các công ty quốc tế (khát vọng lớn của thời kỳ trước năm 2017), bởi vì họ chắc chắn sẽ không được coi là các thực thể thương mại mà được coi là cánh tay nối dài của nhà nước Trung Quốc (như Huawei).
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã chuẩn bị đầy đủ để chấp nhận những chi phí này như cái giá phải trả cho việc thoát khỏi trật tự do Mỹ lãnh đạo. Họ có thể đã kết luận rằng ngay cả khi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số không thách thức đồng đô la, thì sự đổi mới của công nghệ tài chính và tiền kỹ thuật số sẽ giúp những người không phải là người Trung Quốc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế dễ dàng hơn và điều này sẽ có ích cho các quốc gia đang phải đối mặt với lệnh trừng phạt. Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số cũng sẽ giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la trong các giao dịch song phương, cho phép nước này bước ra khỏi hệ thống tiền tệ quốc tế và tham gia vào một hệ thống song song, dù còn nông cạn, mà nước này thống trị. Điều đó sẽ đặt ra nhiều câu hỏi mới về địa chính trị, tài chính và kinh tế vĩ mô. Nhưng có một điều chắc chắn là: hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế sẽ trở nên phân mảnh hơn, thậm chí có phạm vi hợp tác và điều phối chính sách thu hẹp hơn.
Biên dịch: Nhã Nam
Về tác giả
Paola Subacchi, Giáo sư Kinh tế Quốc tế tại Viện Chính sách Toàn cầu Queen Mary của Đại học London, là tác giả của cuốn sách “The Cost of Free Money” (NXB Đại học Yale, 2020) và báo cáo “China and the Global Financial Architecture: Keeping Two Tracks on One Path”.