Tháng 6/2024, tính phức tạp của hệ thống quốc tế đương đại vẫn được duy trì. Sự đan xen giữa hợp tác và đấu tranh vẫn là biểu hiện chính của thế giới đương đại. Cùng Nghiên cứu Chiến lược điểm lại các sự kiện đáng chú ý trong tháng 6/2024 và các đề xuất nghiên cứu có tính thực tiễn và khoa học cao trong thời gian tới.
CHUYỂN BIẾN MỚI TẠI CÁC KHU VỰC
Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
1. Tổng thống Nga thực hiện chuyến công du quan trọng tới 2 quốc gia châu Á là Triều Tiên và Việt Nam. Đây là chuyến công du thứ 2 của Tổng thống Putin sau chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc. Điều đó đã thể hiện được rõ vị trí ưu tiên của các đối tác này trong chính sách đối ngoại của Nga những năm tiếp theo. Điều đáng chú ý có thể nhận thấy là việc Nga và Triều Tiên đã nâng cấp mối quan hệ lên một cấp độ mới. Trong khi đó, việc làm sâu sắc thêm quan hệ với Việt Nam đã cho thấy chiến lược chia rẽ của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương không đạt được hiệu quả theo ý muốn của Washington.
2. Các cuộc tập trận mới được diễn ra trên biển
– Malaysia, Australia và Mỹ bắt đầu tập trận tại Sabah từ ngày 28/6/2024. Đây không phải là tương tác quân sự đầu tiên giữa ba nước, nhưng trong bối cảnh hiện nay, nó cũng đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có đang thiết kế một liên kết an ninh tiểu đa phương mới với Malaysia hay không. Cuộc tập trận này có sự tham gia của hơn 3.600 quân nhân, trong đó phần lớn là lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh lục quân Thái Bình Dương Mỹ.
– Mỹ-Nhật-Hàn tập trận chung ở Biển Hoa Đông. Cuộc tập trận diễn ra trong 3 ngày 27-29/6/2024. Cuộc tập trận nhằm nâng cao năng lực phòng thủ tên lửa đạn đạo, phòng không, tác chiến chống tàu ngầm, tìm kiếm cứu nạn, ngăn chặn hàng hải và huấn luyện phòng thủ trên mạng của 3 nước.
– Ở phía Trung Quốc, nước này cũng đã tổ chức tập trận tại khu vực Vịnh Bắc Bộ từ ngày 26/6/ đến 30/6/2024. Các thông tin liên quan đến cuộc tập trận này không được phổ biến, tuy nhiên, đây được xem là một động thái nối tiếp việc nước này công bố đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ.
– Liên quan tới căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines xung quanh các điểm nóng tranh chấp giữa hai nước, cả 2 bên cũng đã tổ chức nhiều cuộc tập trận nhằm mục đích răn đe lẫn nhau.
– Mỹ cùng 28 đối tác tổ chức tập trận RIMPAC 2024 bắt đầu từ ngày 27/6. Đây là hoạt động tập trận diễn ra đều đặn 2 năm 1 lần, với vai trò chủ đạo của Mỹ. Cuộc tập trận năm nay quy tụ 29 quốc gia, với lực lượng hơn 25.000 quân nhân cùng với 150 máy bay, 40 tàu mặt nước, 3 tàu ngầm và có thể có các phương tiện hỗ trợ huấn luyện khác. Đây được xem là hoạt động tập trận hải quân lớn nhất thế giới. Tập trận RIMPAC trong khoảng một thập niên trở lại đây có xu hướng loại bỏ các quốc gia “không thân thiện” với chiến lược của Mỹ và các nước đồng minh.
3. Trung Quốc đạt được thỏa thuận với Triều Tiên và Nga nhằm mở thêm con đường ra biển Nhật Bản thông qua con sông nằm ở biên giới giữa các nước này. Sự kiện này có thể tạo ra nhiều thuận lợi mới cho Trung Quốc về mặt thương mại cũng như việc gia tăng ảnh hưởng trên biển của các lực lượng chấp pháp trong tương lai.
4. Đối thoại Shangri-La kết thúc ngày 2/6/2024, các cuộc thảo luận trong 3 ngày diễn ra đối thoại tiếp tục cho thấy những bất đồng trong quan điểm lợi ích của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, các bên đều cho rằng cần có một cấu trúc an ninh mới cho khu vực. Điều này cho thấy một tương lai tiếp tục có những bất ổn với nhiều nỗ lực thay đổi cục diện của các nước, các tổ chức an ninh có liên quan.
5. Campuchia tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 20 về Khoa học, Công nghệ và Đổi mới. Trong các ngày 3-7/6, Campuchia đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện quan trọng có liên quan tới nội dung của Hội nghị này.
Khu vực Châu Âu – Đại Tây Dương
6. NATO tổ chức tập trận Baltops 2024 với sự tham gia lần đầu tiên của Thụy Điển. Ngày 5/6/2024, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay mang tên Baltops 2024, kéo dài đến ngày 22/6/2024 ở khu vực Baltic. Cuộc tập trận này có sự tham gia của 12.000 binh sĩ đến từ 19 quốc gia thành viên NATO, bao gồm cả Ba Lan và Thụy Điển. Đây là lần đầu tiên Thụy Điển tham gia cuộc tập trận của NATO kể từ khi gia nhập liên minh quân sự này vào tháng 3/2024.
7. EU ước tính chi 500 tỷ EUR cho quốc phòng trong thập kỷ tới. Con số này được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đưa ra vào ngày 27/6/2024, dựa trên cơ sở đánh giá các thách thức an ninh mới trong tương lai, đặc biệt là tác động từ cuộc chiến ở Ukraine cũng như cuộc đối đầu lớn giữa Nga và thế giới phương Tây.
8. NATO có tân Tổng Thư ký thay thế cho ông Jen Stoltenberg. Theo một tuyên bố của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, sau khi nhiệm kỳ của ông Jen Stoltenberg kết thúc vào ngày 1/10/2024, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte sẽ chính thức trở thành Tổng Thư ký mới của NATO.
9. Hội nghị thượng đỉnh về hòa bình cho Ukraine được tổ chức với kết quả “không có gì đặc biệt”. Điều đáng nói là Hội nghị diễn ra 2 ngày 15-16/6/2024 không có sự tham dự của lãnh đạo 3 nước quan trọng gồm Mỹ, Nga và Trung Quốc. Đã có nhiều nước từ chối ký tuyên bố chung, trong khi đó, danh sách các nước có quan điểm ủng hộ Ukraine không có gì bất ngờ. Hội nghị này, Việt Nam được mời nhưng đã không tham dự. Đây là một động thái đáng chú ý khi chỉ sau đó vài ngày, Tổng thống Putin có chuyến thăm đặc biệt tới Việt Nam.
10. EU và Ukraine ký thỏa thuận an ninh. Ngày 27/6/2024, Liên minh châu Âu (EU) đã ký các cam kết an ninh với Ukraine tại Brussels (Bỉ). Nội dung chính của thỏa thuận xoay quanh 2 vấn đề chính bao gồm: các cam kết hỗ trợ quốc phòng của EU dành cho Ukraine và triển vọng trở thành thành viên EU của nước này.
11. EU tiếp tục phê duyệt gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga. Gói trừng phạt mới của EU đối với Nga bao gồm lệnh cấm các công ty xuất khẩu khí đốt từ Nga sử dụng các cảng của Liên minh châu Âu để chuyển khí đốt giữa các tàu chở dầu lớn và các tàu nhỏ hơn dành cho các nước thứ ba. Gói trừng phạt lần này được thông qua trong hoàn cảnh chính EU đang gặp nhiều vấn đề tiêu cực về kinh tế, nhất là tình trạng thâm hụt ngân sách.
Khu vực Trung Đông & Châu Phi
12. Căng thẳng tại khu vực biên giới Lebanon gia tăng, nguy cơ đụng độ quân sự quy mô lớn giữa Israel và lực lượng Hezbollah. Một số nguồn tin quốc tế đã phát tin rằng, ngày 18/6/2024, Lực lượng Phòng vệ Israel được cho là đã phê duyệt kế hoạch tấn công nhằm vào các “đối thủ” ở lãnh thổ Lebanon. Các hoạt động quân sự ở biên giới giữa hai nước đã có dấu hiệu gia tăng căng thẳng. Trước thông tin này, nhiều nước đã bày tỏ lo ngại tình hình sẽ vượt khả năng kiểm soát. Trong khi đó, Iran cảnh báo Israel sẽ phải gánh chịu một cuộc chiến mang tính “hủy diệt” nếu tấn công Lebanon.
13. Các vấn đề mới xoay quanh dải Gaza
– Tây Ban Nha tham gia vụ kiện Israel tội diệt chủng tại dải Gaza, trong khi đó, chính Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã chỉ trích hoạt động tấn công của Israel nhằm vào một trường học ở khu vực này.
– Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ủng hộ đề xuất ngừng bắn ở Gaza. Nghị quyết này được nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế khác ủng hộ và đánh giá cao. Mặc dù vậy, vẫn tồn tại sự ngờ vực lẫn nhau giữa các bên liên quan bao gồm Hamas, Mỹ, Israel về tính thực tiễn của Nghị quyết này, điển hình là các cuộc tấn công nhằm vào Bắc Gaza của Israel làm dấy lên làn sóng chỉ trích dữ dội của cộng đồng quốc tế. Thậm chí, ngày 18/6/2024, Liên Hợp Quốc đã lên án chiến dịch quân sự không ngừng nghỉ của quốc gia Do Thái nhằm vào dải Gaza.
– Thế giới tiếp tục tăng cường viện trợ vào dải Gaza. Đức, Ai Cập, Australia, Mỹ cũng đã nối lại hoạt động viện trợ và Indonesia mới đây cũng đã cam kết viện trợ cho người dân ở dải Gaza. Tuy nhiên, việc viện trợ đổ vào dải Gaza gặp không ít khó khăn từ các hoạt động quân sự của Israel, thậm chí, Mỹ cũng đã trừng phạt một tổ chức của Israel đã tấn công xe chở viện trợ vào Gaza.
14. Iran bắt đầu cuộc bầu cử quan trọng
Theo đó, ngày 28/6/2024, hàng chục triệu cử tri Iran đã tham gia cuộc bầu cử để lựa chọn vị Tổng thống thứ 14 của họ. Cuộc bầu cử diễn ra sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi tử nạn trong một tai nạn máy bay. Vị tân Tổng thống Iran được coi sẽ là người có đủ điều kiện kế nhiệm Lãnh tụ tối cao của nước này trong tương lai.
15. Saudi Arabia hủy bỏ thỏa thuận Petrodollar sau hàng thập kỷ với Mỹ. Đây là một động thái có tác động rất lớn đối với cục diện kinh tế, chính trị ở khu vực, thậm chí là quy mô toàn cầu. Mỹ đang đứng trước tình thế khó khăn trong việc duy trì ảnh hưởng ở Trung Đông cũng như nguy cơ mất đi vị thế kinh tế toàn cầu dựa trên nền tảng của “đế chế Petrodollar”.
Khu vực châu Mỹ
16. Cuba đón tiếp tàu chiến của Nga và tổ chức tập trận chung Cuba-Nga. Đầu tháng 6, Tàu khu trục Đô đốc Gorshkov của Nga đã có chuyến thăm Cuba, đồng thời lực lượng hải quân 2 bên đã tổ chức các hoạt động huấn luyện chung ở Đại Tây Dương với nội dung chính là “thực hành kỹ thuật săn ngầm ở Đại Tây Dương”. Động thái quân sự này đã tạo ra sự chú ý đáng kể đối với Mỹ.
17. Mexico có tân Tổng thống: theo kết quả kiểm phiếu ngày 6/6/2024, bà Claudia Sheinbaum đã trở thành nữ Tổng thống đầu tiên không chỉ ở Mexico, mà còn là nữ Tổng thống đầu tiên của toàn khu vực Bắc Mỹ. Tân Tổng thống Mexico đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục, chưa từng có trong lịch sử quốc gia Trung Mỹ này.
18. Xuất hiện bê bối chính trị ở Canada. Nhiều Nghị sĩ ở quốc gia Bắc Mỹ này bị cáo buộc làm việc cho nước ngoài. Các cáo buộc về tội phản quốc này bắt đầu rầm rộ vào trung tuần tháng 6/2024, trở thành cái cớ cho phe đối lập ở quốc hội gây sức ép lên chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau. Hiện nay, tỷ lệ ủng hộ đối với chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đang ở ngưỡng thấp báo động.
19. Vùng Caribe tiếp tục âm ỉ các mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực. Đáng chú ý, Venezuela đã gọi Tổng thống Guyana là “Zelensky của Caribe”, cho rằng quốc gia ven biển phía Bắc của lục địa Nam Mỹ này đang bị các thế lực bên ngoài thao túng, gây ra những bất ổn ở khu vực trong thời gian gần đây. Venezuela cũng không ngần ngại cảnh báo đích danh Canada ngừng can thiệp vào vấn đề của khu vực này.
MỘT SỐ SỰ KIỆN LIÊN KHU VỰC ĐÁNG CHÚ Ý KHÁC
20. BRICS đưa ra tuyên bố tạm dừng kết nạp thành viên mới. Ngày 25/6, nhân cuộc gặp với Chủ tịch Thượng viện Belarus Natalya Kochanova, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã thông báo thông tin rằng Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) đã quyết định tạm dừng kết nạp thành viên mới. Đây là quyết định nhận được sự đồng thuận của cả 10 thành viên BRICS. Tất nhiên rằng, quyết định này chỉ mang tính chất ngắn hạn nhằm chú trọng việc hoàn thiện hơn tổ chức trước khi tiếp tục quá trình mở rộng thành viên trong tương lai.
21. Diễn đàn Davos mùa Hè đã được tổ chức tại thành phố Đại Liên (tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc), thu hút khoảng 1.600 đại biểu, đến từ gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam cũng tham gia sự kiện đáng chú ý lần này. Liên quan đến Hội nghị lần này, đã có khoảng 200 sự kiện có quy mô khác nhau được tổ chức. Diễn đàn năm nay hướng đến 6 chủ đề lớn, gồm: “Nền kinh tế toàn cầu mới”, “Trung Quốc và thế giới”, “Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại trí tuệ nhân tạo”, “Mặt trận mới của ngành công nghiệp”, “Đầu tư vào con người” và “Sự liên kết của khí hậu, thiên nhiên và năng lượng”. Sự kiện lần này tiếp tục đánh dấu vai trò và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
HƯỚNG NGHIÊN CỨU TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI
Trên cơ sở các vấn đề đã nêu, Nghiên cứu Chiến lược khuyến nghị cộng tác viên – các nhà nghiên cứu quốc tế đa lĩnh vực tiếp tục cộng tác, gửi bài theo một số tuyến chủ đề nghiên cứu sau đây:
– Tình hình căng thẳng tại các điểm nóng trên phạm vi toàn cầu trong thời gian vừa qua, tác động và dự báo trong thời gian tới; những khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam.
– Việt Nam trong bối cảnh mới: thời cơ, thách thức, tác động, dự báo và khuyến nghị chính sách trên các lĩnh vực: kinh tế, đối ngoại, quốc phòng – an ninh.
– Những chuyển biến mới trong quan hệ nước lớn, xu hướng thay đổi cấu trúc an ninh, kinh tế tại các khu vực trên toàn cầu.
Và một số đề xuất nghiên cứu có tính khoa học, tính thực tiễn cao khác.
Bài viết cộng tác và thông tin cộng tác viên vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]. Trân trọng cảm ơn sự cộng tác, trao đổi học thuật của các nhà nghiên cứu./
BAN BIÊN TẬP