Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ các xung đột địa chính trị cho đến những thay đổi cấu trúc kinh tế sâu rộng, việc tìm ra hướng đi phù hợp cho các quốc gia trở thành một vấn đề cấp bách. Đặc biệt, trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu đang ngày càng tăng cường chính sách công nghiệp nhà nước và đối mặt với những rủi ro từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine và các xung đột khu vực khác, các quốc gia nhỏ hơn phải đưa ra các chiến lược khéo léo để duy trì sự ổn định và phát triển. Liệu công nghệ và các chính sách kinh tế có thể mang lại giải pháp cho những bất ổn này, hay thế giới sẽ phải đối mặt với một tương lai đầy bất định?
Sự phức tạp của nền kinh tế Trung Quốc
Nền kinh tế Trung Quốc đã bước vào thời kỳ giảm tốc, và việc đánh giá những thay đổi lớn đối với nền kinh tế này tương đối phức tạp. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 ở mức khoảng 5%. Trong quý đầu tiên, tăng trưởng GDP đạt 5,3%, quý hai chỉ đạt 4,7% và quý ba đạt 4,6%. Các chuyên gia nước này cho cho rằng mục tiêu 5% có thể đạt được, nhưng chính phủ cần làm nhiều hơn, như áp dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng.
Vấn đề lớn hiện nay của nền kinh tế nước này là thị trường bất động sản. Trong hai hoặc ba năm qua, đầu tư vào lĩnh vực này hoặc doanh số bán bất động sản tại thị trường Trung Quốc đã giảm. Tuy nhiên, tình hình ở Trung Quốc có sự khác biệt so với những gì từng xảy ra tại Mỹ nhiều năm trước. Khi thị trường bất động sản sụt giảm, điều này sẽ có tác động rất lớn đến lĩnh vực ngân hàng. Tại Mỹ, khoản tiền đặt cọc cho vay mua nhà thường rất thấp, đôi khi gần như bằng 0, nhưng tại Trung Quốc, khoản đặt cọc này thường rất cao, lên tới 40% hoặc thậm chí 50%. Và chỉ đến vài tháng trước, chính phủ mới giảm mức đặt cọc xuống 30%. Việc này không có nghĩa là người Trung Quốc rất giàu, mà là họ đã tích lũy tiền từ nhiều thế hệ để chi trả khoản đặt cọc lớn như vậy. Tuy nhiên, họ chắc chắn sẽ rất thất vọng nếu đã thanh toán khoản đặt cọc nhưng giá trị căn nhà của họ lại giảm. Vấn đề là sự sụt giảm của thị trường bất động sản có tác động lớn đến chính quyền địa phương, bởi phần lớn doanh thu của họ đến từ việc bán đất. Hiện nay, doanh số bán đất đã giảm mạnh, cùng với đó là chi phí từ đại dịch trong những năm trước.
Bill Lee, kinh tế trưởng của Viện Milken cho rằng phương Tây thường mô tả Trung Quốc đang phải đối mặt với ba thách thức lớn hay còn gọi là “ba chữ D đáng sợ” (daunting D’s): dân số suy giảm (dismal demographics), nợ nần (daunting debt), và thiếu cầu (deficient demand). Tất cả những yếu tố này đều liên quan chặt chẽ đến thị trường bất động sản. Ông cũng nhấn mạnh rằng mọi người thường nói cần áp dụng thêm các chính sách tài khóa, tuy nhiên để làm được điều đó, Trung Quốc cần chi tiêu nhiều hơn và phát hành thêm nợ. Vấn đề là chính quyền địa phương hiện đã quá ngập trong nợ nần. Nợ chính thức của các chính quyền địa phương chiếm khoảng 35% GDP, trong khi nợ không chính thức qua các công cụ tài chính của chính quyền địa phương chiếm khoảng 45% GDP. Tính riêng hai khoản này đã chiếm gần 100% GDP. Khi Liên minh Châu Âu (EU) thiết lập các quy tắc trong Hiệp ước Maastricht về nợ công, họ yêu cầu duy trì nợ dưới 60% GDP. Trong khi đó, nợ đang trở thành một vấn đề đáng ngại ngay từ cấp chính quyền địa phương, khiến nước này khó có thể thực hiện các chính sách tài khóa cần thiết để kích cầu và đạt được tăng trưởng 5%.
Mỹ Latinh không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi Trung Quốc
Tại Mỹ Latinh, Trung Quốc có một khối lượng lớn nợ dành cho các quốc gia ở khu vực này và gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ Latinh. Tuy nhiên, theo ông Martin Rado, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc tế Florida. Martin từng là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Argentina, làm việc cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới, và hiện là nhà đầu tư mạo hiểm. Ông cũng là một cựu sinh viên của Đại học Harvard, ông cho rằng Mỹ Latinh có sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng không hoàn toàn. Mỹ Latinh phụ thuộc vào hai biến số quan trọng: lãi suất tại Mỹ và giá hàng hóa toàn cầu. Trong bối cảnh hiện tại, khu vực này đang đứng trước một chu kỳ bùng nổ hàng hóa, nhưng không giống với giai đoạn đầu những năm 2000, khi sự công nghiệp hóa của Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ đối với hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp.
Hiện tại, có ba xu hướng lớn đang hỗ trợ Mỹ Latinh: chuyển đổi năng lượng (energy transition), an ninh năng lượng (energy security) và an ninh lương thực (food security). Nhu cầu toàn cầu về năng lượng xanh và chuyển đổi năng lượng sẽ rất mạnh mẽ trong những thập kỷ tới. Đây không chỉ là câu chuyện của một thập kỷ. Ví dụ, khi nhìn vào “tam giác lithium” ở Nam Mỹ, bao gồm Chile, Bolivia và Argentina, khu vực này có lợi thế tương đối, khi so với Úc. Ở Úc, lithium được khai thác từ đá, còn trong “tam giác lithium” (bao gồm Chile, Bolivia và Argentina), lithium được khai thác từ các đồng muối, nơi muối được bốc hơi. Vì vậy, rõ ràng có lợi thế cạnh tranh trong khai thác lithium và đồng tại khu vực này. Mỹ Latinh cung cấp gần 60% lượng đồng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) là một yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi. Thế giới chưa thể sử dụng năng lượng xanh hoặc năng lượng hydro ngay lập tức do chi phí cao, nhưng LNG là một giải pháp chuyển tiếp, và nó được cung cấp từ Mexico đến Argentina. Argentina sở hữu bể trầm tích khí đá phiến lớn thứ hai thế giới, đồng thời cũng là nơi đang sản xuất LNG. Điều này có thể thấy, mặc dù Trung Quốc rất quan trọng với vai trò là nguồn cầu lớn, nhưng không phải là nguồn cầu duy nhất.
Một yếu tố khác cũng quan trọng là lãi suất. Mỹ Latinh phụ thuộc vào dòng vốn từ các nước khác và lãi suất thấp sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều dòng vốn hơn, không chỉ vào Mỹ Latinh mà còn vào các thị trường mới nổi khác.
Sự khó lường của nền kinh tế Mỹ
Theo quan điểm của Martin Rado, FED đã sai lầm ngay từ đầu đại dịch. Một trong những sai lầm lớn nhất trong lịch sử kinh tế chính trị là gọi lạm phát là một hiện tượng “tạm thời”, đặc biệt là ở Mỹ. Điều này được đề cập trong các báo cáo của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC). Như toàn thế giới đã thấy, đây là một cú sốc chưa từng có đối với nền kinh tế thế giới, nhưng dòng chảy chính sách tiền tệ và tài khóa ồ ạt cùng diễn ra là điều chưa từng xảy ra trước đây. Vì mọi người đều bị buộc phải ở trong nhà và hạn chế đi lại, lượng tiền khổng lồ này chủ yếu được chuyển vào hàng hóa thay vì dịch vụ. Thế giới cũng đã chứng kiến khái niệm về một “cơn mưa tiền từ trực thăng” (helicopter money), khi chính phủ đẩy mạnh tài khóa bằng cách phát séc cho người dân ở nhà và cho nhiều công ty. Điều này đã tạo ra một sự mở rộng tài khóa và tiền tệ với tốc độ khổng lồ, nhanh chưa từng thấy. Do đó, lạm phát trở thành một hậu quả tự nhiên mà FED đã không nắm bắt kịp thời điểm ban đầu. Điều này đã gây tổn hại cho sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Vấn đề chính của nền kinh tế Mỹ hiện tại không chỉ là sự chậm lại mà còn nguy cơ suy thoái. Ví dụ, trong cuộc họp tháng 7 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC), thị trường lao động đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu giảm nhiệt. Hai ngày trước cuộc họp, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng từ 4,1% lên 4,3%, nhưng FED vẫn không điều chỉnh lãi suất.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp từ 4% đến 4,5% được coi là bình thường, đó là mức mà hầu hết các chuyên gia Mỹ cho rằng tương ứng với tỷ lệ tự nhiên của nền kinh tế. Đây là mức mà nền kinh tế sẽ duy trì nếu tăng trưởng ở tốc độ tự nhiên, khoảng từ 1,5% đến 2%. Ông Bill Lee thì nói về nền kinh tế Mỹ rằng nó đang hoạt động rất tốt. Nền kinh tế đã tăng trưởng vượt xa tiềm năng trong nhiều năm qua nhờ vào cú hồi phục mạnh mẽ. Điều này, như Martin đã nói, là nhờ vào một lượng kích thích tài khóa khổng lồ được bơm vào nền kinh tế.
Chính sách tài khóa hiện tại của Mỹ chỉ tập trung vào hai điều chính: Luật giảm lạm phát (Inflation Reduction Act), một cái tên không chính xác vì nó không hề giảm lạm phát mà chỉ tái cấu trúc hệ thống chăm sóc y tế và Đạo luật Chip (CHIPS Act), một chính sách công nghiệp nhằm đưa sản xuất chất bán dẫn cao cấp trở lại Mỹ. Hiện tại, chính sách tài khóa không có tác dụng gì ngoài việc tái định hình nền kinh tế Mỹ. Thực tế, nó còn đang kích thích nền kinh tế quá mức. Chính sách tiền tệ thì đang tập trung vào mục tiêu ngắn hạn là đưa lạm phát trở lại mức 2%, và dường như FED đã thành công trong việc này.
Và khi ông Trump chính thức nhậm chức, việc ông thúc đẩy thuế quan là hoàn toàn có thể bởi ông đã thúc đẩy chính sách này từ năm 2016. Ông Trump có thể sẽ đề xuất tăng thuế đối với toàn bộ thương mại Mỹ, không chỉ đối với Trung Quốc. Trump muốn áp mức thuế 10% đối với cả thương mại với châu Âu và Mỹ Latinh. Điều này chắc chắn sẽ tạo áp lực lạm phát, khiến giá tiêu dùng ở Mỹ tăng lên và làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các công ty Mỹ. Tuy rằng, thuế quan gây méo mó thị trường, làm giảm tăng trưởng và tăng lạm phát. Nhưng khi xét thực tế, thuế quan đã làm thay đổi tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Kinh tế Châu Âu và những thách thức dài hạn
Châu Âu, đặc biệt là khu vực sử dụng đồng Euro, đang đối mặt với những khó khăn kinh tế nghiêm trọng, với các vấn đề không chỉ xuất phát từ những biến động ngắn hạn mà còn từ những thách thức cơ cấu dài hạn.
Nền kinh tế khu vực đồng Euro gần như đã rơi vào suy thoái, với Đức – một quốc gia chiếm hơn 1/3 GDP khu vực, chịu ảnh hưởng nặng nề. Các yếu tố như đại dịch COVID-19, chiến tranh ở Ukraine và cú sốc giá năng lượng đã làm suy yếu nền kinh tế. Giá năng lượng tăng vọt sau khi nổ ra cuộc chiến Nga – Ukraine đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế châu Âu, đặc biệt là các ngành công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng. Dù giá năng lượng đã hạ nhiệt, áp lực chi phí vẫn tồn tại, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và tăng trưởng dài hạn.
Cùng với đó, tăng trưởng GDP tại châu Âu đang bị đình trệ, với năng suất lao động thấp và mức đầu tư vào nghiên cứu & phát triển (R&D) chưa tương xứng. Dân số già hóa cũng đang tạo ra gánh nặng lớn đối với ngân sách nhà nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như lương hưu và chăm sóc sức khỏe. Mặc dù người dân châu Âu có mức sống cao và hệ thống an sinh xã hội tốt, tình trạng bất mãn xã hội vẫn gia tăng. Điều này đã được thể hiện qua: Tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên, đặc biệt ở các quốc gia như Tây Ban Nha và Ý; Giá nhà ở tăng cao, khiến nhiều người trẻ khó tiếp cận quyền sở hữu nhà ở và chủ nghĩa dân túy gia tăng, phản ánh sự mất niềm tin vào các chính sách kinh tế và thể chế hiện tại.
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Mario Draghi đã bày tỏ sự bi quan về triển vọng kinh tế châu Âu, nhấn mạnh rằng nếu không có các cải cách táo bạo, nền kinh tế sẽ tiếp tục chìm trong trì trệ. Gánh nặng dân số già hóa và chi phí phúc lợi xã hội ngày càng lớn có thể khiến các quốc gia châu Âu rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài. Những cải cách cần thiết như tăng cường năng lực đổi mới, cải thiện thị trường lao động và giảm bớt chi phí phúc lợi thường bị coi là quá cấp tiến hoặc không phù hợp với tiêu chuẩn xã hội châu Âu. Điều này khiến quá trình đổi mới diễn ra chậm chạp.
Hướng đi nào cho tương lai của Châu Âu? Đầu tư vào đổi mới công nghệ và giáo dục: Để cải thiện năng suất và năng lực cạnh tranh, châu Âu cần tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực đổi mới như trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, và số hóa nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc giáo dục và đào tạo lại lực lượng lao động sẽ là chìa khóa để giải quyết vấn đề thất nghiệp và đảm bảo lực lượng lao động phù hợp với nhu cầu tương lai. Cùng với đó cần phải cải thiện hiệu suất quản trị. Châu Âu cần cải tổ hệ thống quản lý công, tăng cường minh bạch và giảm thiểu quan liêu để thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Các chính sách táo bạo cần được thực hiện để giải quyết vấn đề dân số già hóa, nâng cao năng suất và giảm bất bình đẳng xã hội. Điều này đòi hỏi sự đồng thuận chính trị và xã hội mạnh mẽ hơn.
Có thể thấy, nền kinh tế châu Âu đang đối mặt với những thách thức ngắn hạn do chiến tranh và giá năng lượng, nhưng các vấn đề cơ cấu dài hạn như dân số già hóa, tăng trưởng kinh tế yếu, và thiếu đổi mới công nghệ mới là nguy cơ lớn nhất. Để đảm bảo sự phục hồi và phát triển bền vững, châu Âu cần vượt qua các rào cản chính trị và xã hội để thúc đẩy các cải cách cần thiết. Nếu không, triển vọng kinh tế của khu vực sẽ tiếp tục u ám, đe dọa vị thế của châu Âu trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Hàn Quốc và chiến lược toàn cầu hóa, khu vực hóa
Hàn Quốc đóng vai trò như một điểm giao thoa quan trọng trong bức tranh kinh tế toàn cầu nhờ vào vị trí đặc biệt của mình. Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang chuyển dần sang kỷ nguyên tố khu vực hóa và các liên minh song phương, Hàn Quốc không chỉ duy trì vai trò đối tác quan trọng của các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc, mà còn chủ động tối đa hóa lợi ích quốc gia bằng cách tập trung vào các ngành công nghiệp chiến lược.
Trước hết, Hàn Quốc đồng thời là đối tác thương mại quan trọng của hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ và Trung Quốc. Về phía Mỹ, Hàn Quốc đã ký kết các thỏa thuận cung cấp nguyên liệu cho ngành bán dẫn cao cấp, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghệ. Đồng thời, nỗ lực đàm phán nhằm duy trì hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, dù các lệnh trừng phạt đang tồn tại. Chiến lược này giúp Hàn Quốc khéo léo cân bằng mối quan hệ với hai siêu cường trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu bằng cách tận dụng các thỏa thuận song phương để thúc đẩy các ngành công nghiệp chiến lược như bán dẫn, ô tô và công nghệ cao. Việc duy trì mối quan hệ đối tác hiệu quả với các quốc gia chính giúp Hàn Quốc không chỉ đối phó hiệu quả với những biến động trong thương mại toàn cầu, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.
Nhận định về xu hướng tương lai, toàn cầu hóa sẽ không biến mất, mà có xu hướng chuyển sang khu vực hóa và các liên minh song phương. Trung Quốc, dù vẫn giữ vai trò trung tâm trong thương mại toàn cầu nhờ năng lực sản xuất mạnh, nhưng đang đối mặt với áp lực chuyển đổi để duy trì vị thế. Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc là một ví dụ điển hình cho khả năng thích ứng với những thay đổi của toàn cầu hóa thông qua việc đầu tư vào các ngành chiến lược và tối đa hóa lợi ích từ các mối quan hệ song phương. Hàn Quốc đang chứng minh rằng, với chiến lược linh hoạt và tập trung vào lợi ích cụ thể, quốc gia này hoàn toàn có thể đảm bảo vị thế của mình trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chuyển mình.
Theo Bill, xu hướng quan trọng nhất hiện nay là toàn cầu hóa khu vực, điều này có thể có lợi cho Hàn Quốc. Với vị trí chiến lược và các mối quan hệ thương mại vững mạnh, Hàn Quốc có khả năng duy trì vị thế là đối tác thương mại quan trọng ở các khu vực khác nhau. Thách thức lớn đối với Hàn Quốc là duy trì vị trí này giữa bối cảnh biến động địa chính trị.
Vai trò của Châu Phi trong toàn cầu hóa mới
Châu Phi đóng vai trò như một nhà cung cấp nguyên liệu thô quan trọng trong kinh tế toàn cầu nhờ vào nguồn tài nguyên phong phú và vai trò đối tác của nhiều quốc gia lớn, đặc biệt là Trung Quốc. Tuy nhiên, khu vực này cũng đối mặt với nhiều thách thức lớn về phát triển bền vững và khai thác tài nguyên hiệu quả.
Trước hết, Châu Phi là khu vực sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, cung cấp nhiều nguyên liệu thô quan trọng như khoáng sản và các mặt hàng thiết yếu cho các ngành công nghiệp. Trung Quốc, nhờ chính sách Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative), đã đầu tư lớn vào hạ tầng của Châu Phi để khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, những đầu tư này chủ yếu tập trung vào khai thác thay vì phát triển giá trị gia tăng tại chỗ.
Một trong những thách thức lớn nhất của Châu Phi là chế độ khai thác hiện nay. Dù Trung Quốc cung cấp hỗ trợ hạ tầng như đường sắt và đập thủy điện, nhưng việc khai thác nguyên liệu thô mà không phát triển các ngành công nghiệp bổ sung đã góp phần tạo ra một mô hình phát triển không bền vững. Hậu quả là sự gia tăng bất bình đẳng và chênh lệch thu nhập trong khu vực. Thêm vào đó, vấn đề nợ cũng đang trở thành gánh nặng. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của các quốc gia đang phát triển, vượt qua IMF và Ngân hàng Thế giới. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu nợ từ Trung Quốc gắn liền với những điều kiện không có lợi, như yêu cầu cổ phần thay vì giảm nợ, khiến nhiều quốc gia đối mặt khó khăn trong việc giải quyết nợ công.
Dù có nhiều thách thức, Châu Phi vẫn sở hữu nhiều cơ hội nhờ vào dân số trẻ và tiềm năng phát triển. Dân số trẻ nhất thế giới tạo đà cho sự tăng trưởng, nhưng để khai thác được tiềm năng này, khu vực cần đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng và công nghiệp. Thiếu đầu tư đặc biệt là một yếu tố cản trở lớn. Hơn nữa, Châu Phi cần cẩn trọng với các “món quà” từ bên ngoài, như các khoản vay và tài trợ từ Trung Quốc, bởi chúng có thể dẫn đến việc mắc nợ dài hạn và mất kiểm soát tài sản chiến lược như cảng và đập khi không thể trả nợ.
Dự báo trong tương lai, Châu Phi sẽ có tiềm năng lớn nhưng cần có chiến lược phát triển bền vững hơn. Việc đầu tư vào hạ tầng, tăng giá trị gia tăng từ tài nguyên và đa dạng hóa các nguồn đầu tư ngoài Trung Quốc là những yếu tố quan trọng. Việc kết hợp giữa công nghệ và nhân khẩu học trong tương lai sẽ là chìa khóa giúp Châu Phi chuyển mình thành một nền kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự ổn định thể chế cũng là yếu tố cần thiết để thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự tăng trưởng
Ảnh hưởng của công nghệ đến nền kinh tế toàn cầu
Trong bối cảnh dân số toàn cầu suy giảm và những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng, công nghệ nổi lên như một giải pháp đầy hứa hẹn để cải thiện năng suất và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, việc khai thác hiệu quả tiềm năng của công nghệ vẫn còn phụ thuộc vào cách chúng được triển khai và tích hợp vào nền kinh tế.
Công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và các đổi mới trong công nghiệp cao, được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện năng suất lao động một cách toàn diện. Điều quan trọng là làm sao để công nghệ không chỉ thay thế mà còn hỗ trợ người lao động, giúp họ đạt năng suất cao hơn ngay cả khi không có trình độ chuyên môn cao. AI có thể tạo điều kiện cho người lao động ở mọi trình độ tham gia hiệu quả hơn vào các lĩnh vực kinh tế. Ví dụ, nhờ công cụ hỗ trợ công nghệ, một lao động phổ thông có thể thực hiện những công việc phức tạp với năng suất tương đương người có trình độ cao hơn. Tuy nhiên, trong quá khứ, nhiều lao động mất việc do công nghệ thay thế con người. Điều này đặt ra yêu cầu về thiết kế công nghệ sao cho dễ sử dụng, tối ưu hóa năng suất và tạo cơ hội việc làm mới.
AI có thể dự báo xu hướng thời tiết, hạn hán hoặc lũ lụt, giúp nông dân quản lý tài nguyên và lập kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn. Điều này không chỉ nâng cao năng suất mà còn đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc áp dụng AI trong quản lý đất đai và cây trồng có thể giảm thiểu lãng phí tài nguyên và tối ưu hóa lợi nhuận cho nông dân. AI có thể cải thiện hiệu quả trong việc thăm dò và khai thác các tài nguyên quan trọng như lithium và cobalt, vốn rất cần thiết cho ngành công nghiệp công nghệ cao. Điều này giúp tiết kiệm chi phí và tăng năng suất, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Dù công nghệ đóng vai trò trung tâm trong việc tăng năng suất, các cải cách cơ cấu vẫn cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững. Một ví dụ điển hình chính là Trung Quốc. Mặc dù là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc vẫn đối mặt với những vấn đề như tỷ lệ đô thị hóa thấp và bất bình đẳng thu nhập. Những cải cách cơ cấu như thúc đẩy đô thị hóa và giảm chênh lệch giàu nghèo sẽ tạo ra nền tảng vững chắc để khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ.
Dù các công nghệ như AI hay quantum computing hứa hẹn mang lại những bước tiến lớn, tác động thực sự của chúng vẫn chưa rõ rệt. Các công nghệ mới có thể cải thiện hiệu suất và giảm chi phí trong nhiều lĩnh vực, nhưng mức độ thay đổi mà chúng mang lại hiện chỉ được đánh giá ở quy mô nhỏ và có tính chất dần dần hơn là đột phá. Dữ liệu hiện tại chưa đủ để khẳng định rằng công nghệ mới sẽ ngay lập tức tạo ra tác động lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Điều này cho thấy việc tích hợp công nghệ cần thời gian và chiến lược phù hợp.
Công nghệ có thể là chìa khóa để duy trì năng suất trong bối cảnh dân số toàn cầu già hóa và nguồn lao động suy giảm. Tuy nhiên, để đạt được tiềm năng đầy đủ, các quốc gia cần thực hiện đồng bộ các cải cách cơ cấu, đầu tư vào giáo dục và đảm bảo tính bao trùm của công nghệ trong mọi tầng lớp xã hội. Trong khi chờ đợi sự bùng nổ thực sự của AI và các công nghệ mới, thế giới cần thận trọng với cách thức triển khai để đảm bảo không chỉ năng suất tăng mà còn có sự phát triển bền vững và hòa nhập xã hội. Công nghệ không phải là giải pháp duy nhất, nhưng chắc chắn nó sẽ là nhân tố quan trọng trong việc định hình tương lai kinh tế toàn cầu.
Kinh tế Việt Nam được dự báo lạc quan
GDP cả năm có thể tăng tới 7,25%. Ở góc nhìn lạc quan hơn, Tiến sĩ Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng năm 2025 Việt Nam vẫn có nhiều động lực để thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh yếu tố lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, thì các khu vực kinh tế vẫn tăng trưởng ổn định, trong đó khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn. Động lực tiêu dùng nội địa dù phục hồi chưa như kỳ vọng nhưng mức sống của người dân đang có sự chuyển biến và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, giúp thúc đẩy tăng trưởng thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, USD-Index – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn, đã ghi nhận tăng mạnh trong thời gian qua và dự báo cả năm 2024, đồng Việt Nam sẽ mất giá khoảng 5%. Sang năm 2025, tỷ giá có thể tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chính sách kinh tế của ông Donald Trump. Các chuyên gia cho rằng các chính sách về thuế của ông Trump sẽ làm tăng thiếu hụt ngân sách Mỹ và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phát hành trái phiếu với lãi suất cao để cân đối ngân sách. Thâm hụt ngân sách cũng có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mua trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều hơn, làm phình tổng tài sản của Ngân hàng trung ương Mỹ và đẩy lượng tiền lớn vào lưu thông. Những điều này có khả năng làm tăng lạm phát và buộc Fed đảo ngược chính sách tiền tệ từ nới lỏng hiện nay trở lại thắt chặt. Điều này tạo lực đẩy tỷ giá USD/VND.
Năm 2025, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Dự đoán này đưa đưa ra sau khi gần đây công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ, Nvidia, đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN. Nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ, thì có khả năng một số công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ lại tìm đường dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, học hỏi từ bài học của những năm trước trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Việt Nam phải cẩn thận để không bị theo dõi và trừng phạt. Bên cạnh đó, châu Âu – một thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, cũng sẽ mang lại cơ hội lớn, dù tình hình chiến sự tại Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu hàng hóa tại châu Âu. Nhưng nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân châu Âu và giá rẻ so với hàng sản xuất nội địa tại châu Âu và do đó châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2025
Năm 2025 hứa hẹn là một giai đoạn đầy biến động nhưng cũng ẩn chứa nhiều cơ hội cho kinh tế toàn cầu, khi các sự kiện địa chính trị và những thay đổi trong cấu trúc kinh tế đang định hình bối cảnh quốc tế.
Trước hết, các sự kiện địa chính trị tiếp tục ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế thế giới. Cuộc chiến Nga – Ukraine kéo dài không chỉ gây bất ổn về chính trị mà còn tác động lớn đến giá năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, xung đột ở Gaza làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông, vốn đã là một điểm nóng về an ninh và năng lượng. Quan hệ Mỹ – Trung, dù có những nỗ lực giảm căng thẳng sau các cuộc gặp gỡ lãnh đạo, vẫn mang tính đối đầu trong dài hạn. Mối quan hệ này, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng nhưng đầy thách thức, khi căng thẳng địa chính trị có khả năng kéo dài thêm một thập kỷ nữa.
Về triển vọng tăng trưởng, IMF và Ngân hàng Thế giới đã điều chỉnh tăng dự báo GDP toàn cầu cho năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng được kỳ vọng sẽ ở mức trung bình, phụ thuộc lớn vào các yếu tố khu vực và quốc gia. Trong bối cảnh này, các nền kinh tế cần thích ứng với sự thay đổi cấu trúc, bao gồm sự chuyển dịch từ toàn cầu hóa cũ dựa trên thương mại hàng hóa sang mô hình mới, nơi công nghệ và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc nổi lên như một ví dụ tiêu biểu trong việc đối phó với sự thay đổi toàn cầu. Quốc gia này sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc, và tránh tham gia vào những tranh chấp không cần thiết. Bằng cách tập trung vào lợi ích quốc gia cốt lõi, Hàn Quốc ưu tiên các quan hệ thương mại song phương và tăng cường năng lực cạnh tranh trong các ngành công nghiệp chiến lược.
Một xu hướng đáng chú ý khác là sự gia tăng của các chính sách công nghiệp nhà nước tại Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc. Dù các chính sách này có thể thúc đẩy phát triển kinh tế nội địa, chúng cũng đặt ra thách thức lớn cho hệ thống thương mại toàn cầu, vốn dựa trên các quy tắc tự do hóa. Sự kết hợp giữa an ninh kinh tế và địa chính trị ngày càng tạo ra những rào cản cho hợp tác quốc tế, đòi hỏi các quốc gia phải tìm kiếm sự cân bằng mới giữa bảo hộ và hội nhập.
Tóm lại, nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng, nơi mà các yếu tố địa chính trị, công nghệ và sự chuyển đổi cấu trúc kinh tế sẽ tác động mạnh mẽ đến tương lai của các quốc gia. Mặc dù có nhiều thách thức, từ chiến tranh cho đến sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và các bất ổn khu vực, nhưng cũng tồn tại những cơ hội lớn để các quốc gia điều chỉnh chiến lược của mình. Việc tận dụng công nghệ, cải thiện các chính sách kinh tế và duy trì sự linh hoạt trong các quan hệ quốc tế sẽ là chìa khóa để vượt qua các khó khăn. Chỉ khi các quốc gia có thể kết hợp một cách hiệu quả giữa đổi mới sáng tạo và sự ổn định chính trị, họ mới có thể đảm bảo sự phát triển bền vững và đáp ứng được các yêu cầu khắc nghiệt của thế giới hiện đại.
Tác giả: Nguyễn Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Dalio, R. (2024, October 30). Economic Outlook 2025│Martin Redrado, Fredrik Erixon, William Lee, Yide Qiao and Mike Rosenberg. YouTube. Retrieved December 19, 2024, from https://www.youtube.com/watch?v=gNgo4OmojBs
2. Economic outlook 2025. (n.d.). Mastercard Data & Services. Retrieved December 19, 2024, from https://www.mastercardservices.com/en/advisors/economic-consulting/insights/economic-outlook-2025
3. Economic Outlook: Global growth to remain resilient in 2025 and 2026 despite significant risks. (2024, December 4). OECD. Retrieved December 19, 2024, from https://www.oecd.org/en/about/news/press-releases/2024/12/economic-outlook-global-growth-to-remain-resilient-in-2025-and-2026-despite-significant-risks.html
4. Hiếu Phương. (2024, December 16). Nhiều triển vọng sáng tăng trưởng kinh tế năm 2025. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. https://kinhtevadubao.vn/nhieu-trien-vong-sang-tang-truong-kinh-te-nam-2025-30614.html
5. Linh Phương. (2024, December 16). Dự báo bất ngờ về nền kinh tế toàn cầu năm 2025. Báo Lao động. https://laodong.vn/kinh-doanh/du-bao-bat-ngo-ve-nen-kinh-te-toan-cau-nam-2025-1436176.ldo
6. Mỹ Tâm. (2024, December 13). 4 biến số với kinh tế Việt Nam năm 2025. Dân trí. Retrieved December 19, 2024, from https://dantri.com.vn/kinh-doanh/4-bien-so-voi-kinh-te-viet-nam-nam-2025-20241212140847182.htm
7. Nolting, C. (2024, December 10). Annual Outlook 2025 | Economic and Market Outlook. Deutsche Bank Wealth Management. Retrieved December 19, 2024, from https://www.deutschewealth.com/en/insights/investing-insights/economic-and-market-outlook/cio-annual-outlook-2025-deeply-invested-in-growth.html