Hai thế kỷ trước đây, Học thuyết Monroe chính thức ra đời, khi được trình bầy trong phiên khai mạc khóa họp Nghị viện Mỹ và bao hàm lời cảnh cáo rằng Washington sẽ không cho phép bất kỳ hình thức tái thực dân hóa nào tại châu Mỹ từ các cường quốc châu Âu (đặc biệt là vương triều Tây Ban Nha của dòng họ Bourbon khi đó). Từ cuối thế kỷ XIX, với vị thế của một cường quốc đang thăng tiến chóng mặt, học thuyết đã nhận những diễn giải trái ngược nhau về trật tự thế giới nào là phù hợp với lợi ích và giá trị của Mỹ. Được siêu cường thế giới diễn giải và thực hành một cách đơn phương, học thuyết này đã mở rộng từng bước và vững chãi bất chấp thay đổi trong suốt 2 thế kỷ tồn tại, và với sức mạnh hiệu lực vẫn đầy tính thời sự cùng tính biểu tượng cho chính sách đối ngoại của Mỹ ngày nay, dường như học thuyết này mới chỉ ra đời ngày hôm qua. Và cuộc tranh luận về nó cho tới nay vẫn chưa hề giảm bớt tầm quan trọng.
Học thuyết về lòng “hào hiệp” kiểu Mỹ – ác mộng của Mỹ Latinh
Mang tên của vị tổng thống thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ, James Monroe (1817-1825), dù trên thực tế được Ngoại trưởng Mỹ khi đó John Quincy Adams phát triển, học thuyết này được cô đọng trong câu phát biểu: “châu Mỹ dành cho người Mỹ”. Khái niệm “người Mỹ” trong tuyên bố này là một cách chơi chữ, khi có thể được hiểu là “người châu Mỹ” nhưng cũng đồng thời chỉ “người nước Mỹ”, và đây cũng chính là hai nội dung chủ chốt của học thuyết Monroe (2 vương triều châu Âu từng nắm giữ nhiều vùng thuộc địa tại châu Mỹ – hay “America”, là Tây Ban Nha và Anh, nhưng trong quá trình giành độc lập, khác biệt cơ bản là 13 thuộc địa chủ chốt của Anh cùng đấu tranh và hợp nhất thành nước Mỹ, trong khi các vùng thuộc địa của Tây Ban Nha – vốn rộng lớn hơn khá nhiều – bị chia rẽ thành nhiều quốc gia đơn lẻ, bao gồm gần hết khu vực Mỹ Latinh ngày nay. Khái niệm “America” – cho dù chỉ cả châu Mỹ, nhưng được cả người Tây Ban Nha và người Anh thời thực dân dùng để chỉ các vùng thuộc địa của riêng mình tại Tây Bán Cầu, và đây là nguồn gốc của 2 cách hiểu và 2 vế chơi chữ của học thuyết về từ “người Mỹ” sau khi các vùng thuộc địa này giành độc lập).
Khi James Monroe đưa ra phát biểu trên vào ngày 2/12/1823, Mỹ đã mua phần Luisiana từ Pháp năm 1803 và dự định thôn tính một phần rộng lớn của Canada nhưng bị đế quốc Anh chặn bước bằng một cuộc chiến tranh (1812 – 1815). Tương tự, “chú Sam” cũng đã mua bán đảo Florida từ Tây Ban Nha (1819) và chỉ vài năm sau kể từ khi học thuyết này được công bố chính thức, họ bắt đầu con đường tước đoạt những mảnh đất rộng lớn của Mexico: trong cuộc xâm lược 1848 – 1868, Mỹ đã cưỡng đoạt 2,349 triệu km2 từ nước láng giềng phương Nam, với Texas là bang đầu tiên sát nhập vào Mỹ sau 10 năm ngắn ngủi tồn tại như một nền cộng hòa độc lập sau khi li khai từ Mexico. Quá trình sát nhập những vùng lãnh thổ này qua cả con đường vũ trang và mua bằng tiền đã tạo điều kiện cho chế độ nô lệ mở rộng phạm vi ra cả khu vực ngày nay là miền Nam nước Mỹ.
Nhưng ngay từ thời sơ khai của học thuyết này, nó đã mang những trải nghiệm đầy châm biếm và đầy cay đắng cho các nước Mỹ Latinh. Năm 1833, Anh chiếm quần đảo Malvinas (Anh gọi là Falklands) của Argentina, và sau đó cùng Pháp tiến hành cuộc vây hãm vùng Sông Bạc (cũng của Argentina) từ 1845 – 1850; cùng với đó là những đợt tấn công quân sự của đế quốc Pháp vào Mexico, cùng nhiều những chương hồi khác của chủ nghĩa thực dân trước sự thờ ơ của Washington; nói cách khác là trong những trường hợp bất lợi hoặc không nhận thấy lợi ích cụ thể, Mỹ từ bỏ cam kết mà chính họ đưa ra về việc liên kết và bảo vệ các nước cùng ở Tây Bán Cầu và né tránh đối đầu với các cường quốc châu Âu, khi đó vẫn có sức mạnh so sánh khá tương đương với Mỹ. Tóm lại, Washington chỉ thể hiện “tình đoàn kết” và “bảo vệ” các nước láng giềng Mỹ Latinh chỉ khi nó đồng nghĩa với việc gia tăng ảnh hưởng và sự lệ thuộc vào Mỹ tại các nước trong khu vực này hoặc mang lại lợi ích trực tiếp cho siêu cường này, và từ đó, từng bước Mỹ Latinh trở thành “sân sau” của Mỹ.
Nhà giải phóng vĩ đại của nhiều dân tộc Nam Mỹ Simón Bolivar từng cảm nhận lời tự tuyên bố về “Vận mệnh hiển nhiên” của Mỹ (với tư tưởng tương đồng với học thuyết Monroe) như một sự đe dọa cho các nước mới giành được độc lập từ vương triều thực dân Tây Ban Nha. Trong một bức thư gửi đại tá Patricio Campbell, ông đã để lại câu nói bất hủ “Mỹ dường như đang tự trao cho mình thiên mệnh là lan tỏa sự nghèo đói tại châu Mỹ nhân danh tự do”. Bước vào thế kỷ XX, học thuyết Monroe càng được các chính phủ kế tiếp tại Washington vận dụng triệt để tại Tây Bán Cầu.
Kể từ đây, các nhà hoạch định chiến lược của Mỹ liên tiếp đưa ra những diễn giải mới đầy tính can thiệp cho học thuyết này: đó là chính sách “cây gậy lớn” của tổng thống Theodore Roosevelt – hướng tầm nhìn của Mỹ về Trung Mỹ và Caribe; đó là nền ngoại giao đại bác – khi Washington áp dụng chiến lược bành trướng bằng sức mạnh, điển hình là chiến dịch can thiệp quân sự vào Cuba cuối thế kỷ XIX và cưỡng chiếm từ năm 1903 căn cứ quân sự chiến lược Guantánamo – hiện trạng tới nay đã kéo dài 120 năm và chưa có dấu hiệu thay đổi nào.
Mỹ luôn muốn duy trì trong phạm vi áp dụng trực tiếp học thuyết này toàn bộ Tây Bán Cầu và họ đạt được điều này thông qua những chính sách thuộc cả hai thái cực “láng giềng tốt” và “láng giềng xấu”. Chủ trương láng giềng tốt được một tổng thống Roosevelt khác, Franklin Delano Roosevelt, đưa ra năm 1933, trùng hợp với giai đoạn phát triển của chủ nghĩa phát xít trên thế giới, và kéo dài cho tới cuối Chiến tranh thế giới thứ hai.
Kể từ đó, quả thực những cuộc xâm lược xuống phía Nam sông Bravo – ranh giới tự nhiên giữa Mỹ và Mỹ Latinh – đã không còn thường xuyên như trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX: năm 1915 những đạo quân của Washington đã tiến vào Haiti và đồn trú tại đây tới năm 1934; Cộng hòa Dominica nước láng giềng cùng Haiti chia sẻ đảo La Espanola cũng nhận được cách đối xử tương tự dù trong thời gian ngắn hơn, từ 1916 tới 1924 (năm 1965 các lính thủy đánh bộ của Mỹ còn “ghé thăm” Santo Domingo – thủ đô của Cộng hòa Dominica một lần nữa để “lập lại trật tự” cho nền cộng hòa này). Nhưng cũng từ đó, giới tinh hoa Mỹ đã sử dụng một cách gọi khá miệt thị để ám chỉ các nước láng giềng phía Nam của mình: “các nền cộng hòa chuối”. Cách diễn đạt được bắt nguồn từ tác phẩm “Bắp cải và những vị vua” (Cabbages and kings) nhà văn Mỹ William Sydney Porter, người được biết đến rộng rãi trên thế giới với bút danh O. Henry, từng có thời gian sống tại Honduras và viết tác phẩm kinh điển trên của mình dựa theo trải nghiệm với tập đoàn United Fruit Company – doanh nghiệp Mỹ thao túng ngành trồng trọt tại nhiều nước Mỹ Latinh.
Nhưng từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai cho tới cuối thế kỷ XX, với địa vị và tầm ảnh hưởng mở rộng trên cả thế giới và đặc biệt tại Mỹ Latinh, Washington triển khai mạnh mẽ chính sách can thiệp trực tiếp và thô bạo vào chính trường các nước trong khu vực này, nhất là tại Trung Mỹ và Caribe nơi các hành động can thiệp thô bạo tới mức thực chất là các đợt xâm lược ngắn hạn. Nói cách khác là Mỹ đã chuyển sang thời kỳ “láng giềng xấu”. Hai trong số những chiến dịch can thiệp quân sự điển hình này là tại quốc đảo Grenada năm 1983 và Panama năm 1989 với con số nạn nhân thường dân cao vọt. Tại Grenada, Mỹ can thiệp để loại bỏ nguy cơ một chính phủ thân Cuba lên cầm quyền, còn tại Panama, Washington tiến hành một cuộc hành binh chớp nhoáng để bắt giữ tổng thống quốc gia này khi đó Manuel Noriega, một đồng minh cũ của “chú Sam” nhưng “trở cờ” và bị buộc tội buôn lậu ma túy – vị nguyên thủ thất thế này sau đó bị bắt về Mỹ và bị kết án tù giam tới hết đời.
Tại Nam Mỹ, học thuyết của Monroe và Adams được triển khai dưới một mặt nạ khác là Học thuyết An ninh quốc gia. Các hành động can thiệp vào các chính phủ tại tiểu khu vực với các nước có quy mô kinh tế và độc lập chính trị tương đối lớn hơn các nước Trung Mỹ và Caribe này thường mang hình thức là các cuộc đảo chính, và một trong những nhà tư tưởng nổi bật nhất của chiến lược này chính là chính trị gia lão luyện mới tạ thế ở tuổi 100: Henry Kissinger. Cựu Cố vấn An ninh quốc gia và Ngoại trưởng Mỹ này là tác giả của 2 nền độc tài quân sự đẫm máu nhất tại vùng Chóp nón Nam Mỹ: Jorge Rafael Videla tại Argentina (1976 – 1981) và Augusto Pinochet tại Chile (1973 – 1990). Những bức hình chụp chung của vị Ngoại trưởng thời tổng thống Mỹ Richard Nixon với hai nhà độc tài khét tiếng trên là hình ảnh tiêu biểu trên các ấn phẩm truyền thông tại khu vực và trên cả thế giới trong một thời kỳ dài.
Còn ngay tại nước Mỹ, có rất ít tiếng nói có trọng lượng lên án hay phản đối học thuyết đã được triển khai trong suốt 2 thế kỷ qua này dưới nhiều định dạng khác nhau. Vào tháng 2/2022, thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ và từng là ứng cử viên tổng thống sơ bộ của đảng này Bernie Sanders đã thẳng thắn thừa nhận tại Quốc hội Mỹ: “Trong 200 năm qua, đất nước chúng ta đã vận hành quanh Học thuyết Monroe, dựa trên nguyên tắc là với tư cách cường quốc thống trị tại Tây Bán Cầu, Mỹ có quyền can thiệp chống bất cứ quốc gia nào khác đe dọa những lợi ích được cho là của mình”.
Trong một cuộc họp của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) vào tháng 11/2013, ngoại trưởng Mỹ khi đó John Kerry từng tuyên bố đã tới lúc nói câu mặc niệm với học thuyết Monroe, và rằng các mối quan hệ giữa các nước tại châu lục này không cần tới học thuyết mà dựa vào “những lợi ích và giá trị chung”.
Nhưng chỉ mới 4 năm trước lời tuyên bố hùng hồn này, tổng thống Honduras Manuel Zelaya đã bị quân đội phế truất theo một kịch bản quen thuộc tại Mỹ Latinh theo sự chỉ đạo từ Washington (2009) – một hệ quả trực tiếp thường thấy từ Học thuyết Monroe, còn chỉ trước đó 1 năm (2012), Tổng thống Fernando Lugo của Paraguay cũng bị Quốc hội nước này hạ bệ dưới sự “hướng dẫn” công khai từ Bộ Ngoại giao Mỹ. Còn kể từ phát ngôn mang tính cam kết trên, Tổng thống Dilma Rousseff của Brasil đã bị Quốc hội nước này phế truất (2016) với những cáo buộc mơ hồ và sau đó cựu tổng thống và chính trị gia có uy tín nhất quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này Lula da Silva đã bị Tòa án tối cao cấm tham gia cuộc bầu cử tổng thống 2018 với những lời buộc tội mà sau này chính cơ quan tư pháp này phải thừa nhận là thiếu căn cứ; tiếp đó Tổng thống Bolivia Evo Morales bị lật đổ trong một cuộc đảo chính bán vũ trang kết hợp bạo loạn cục bộ, và tháng 12/2022, tới lượt Tổng thống Peru Pedro Castillo bị buộc phải rời nhiệm sở trước thời hạn sau một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội hữu khuynh bị đa phần cử tri phản đối – chính cơ quan đã khiến chính phủ của ông gần như tê liệt trong 2 năm trước đó với những cáo buộc và giải trình liên miên. Một thuật ngữ mới đã ra đời để chỉ hình thái mới của chủ nghĩa can thiệp và gây rối này: đảo chính mềm, và những nạn nhân nêu trên đều là nhưng nhà lãnh đạo theo tư tưởng tiến bộ hoặc tả khuynh từng giành chiến thắng với uy tín cao trong các cuộc bầu cử phổ thông đầu phiếu trước đó. Và trong tất cả các vận động này, Mỹ đều có vai trò chi phối nhất định, cho dù cấp độ tham gia và mức độ công khai có khác nhau.
Tóm lại, Học thuyết Monroe chính là điểm tựa của Mỹ trong suốt 2 thế kỷ qua để biến Mỹ Latinh trở thành “sân sau” của mình, khu vực mà Washington đã thực hiện đủ loại âm mưu trên danh nghĩa của “tự do”, “dân chủ” và “nhân quyền”. Mỹ đã thôn tính một nửa lãnh thổ Mexico, đã từng xâm lược và chiếm đóng lãnh thổ trong nhiều năm với Cuba, Cộng hòa Dominica, Nicaragua trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX; từng phân tách lãnh thổ truyền thống Colombia và tạo ra một quốc gia mới (Panama) phù hợp với những tính toán lợi ích của mình và thậm chí còn trực tiếp kiểm soát vùng lãnh thổ chiến lược này (kênh đào Panama) trong 97 năm; từng dựng nên các nền độc tài trong thế kỷ XX tại khắp Mỹ Latinh, reo rắc chết chóc và nỗi kinh hoàng một cách hệ thống lên cả châu lục; từng hủy hoại các chính phủ dân chủ, các tiến trình dân tộc chủ nghĩa và cách mạng với danh nghĩa bảo vệ “thế giới tự do” và tinh thần chống cộng, điển hình là tại Guatemala (1954), Brasil (1964), Chile (1973) và đồng thời hậu thuẫn, tài trợ cho các nhà độc tài cực hữu, những người đã thảm sát hàng nghìn người vô tội mà họ coi là kẻ thù chỉ vì theo đuổi những mô hình và ý tưởng khác về xây dựng xã hội; từng tạo ra Trường quân sự châu Mỹ đầy ghê sợ – “xưởng sản xuất độc tài” theo cách gọi của cây bút huyền thoại người Uruguay Eduardo Galeano – tại Panama năm 1946 (tên gọi chính thức là Học viên Hợp tác An ninh Tây Bán Cầu và sau này chuyển cơ sở về bang Georgia, Mỹ), nơi huấn luyện các kỹ thuật tra tấn và sát hại tàn bạo nhất và đã đào tạo ra hàng nghìn sĩ quan quân đội Mỹ Latinh (đông đảo nhất là người Colombia), những người sau đó chiếm lĩnh các vị trí lãnh đạo trong hệ thống quân đội của hầu hết các nước Mỹ Latinh và trực tiếp thực hiện hầu như toàn bộ các cuộc đảo chính quân sự trong thế kỷ trước tại khu vực này; từng bao vây cấm vận nhiều thập kỷ với nhiều quốc gia láng giềng yếu thế khi họ không đi theo quỹ đạo lợi ích của Mỹ, như với Haiti trong thế kỷ XIX sau khi nước này xóa bỏ chế độ nô lệ với người da đen, với Cuba trong suốt 60 năm qua khi “hòn đảo tự do” này muốn theo đuổi mô hình xã hội chủ nghĩa, và với Venezuela trong vài năm qua với mục đích tước đoạt tài nguyên của quốc gia nhiều dầu mỏ này.
Nhân danh an ninh quốc gia và chính sách chống cộng – những diễn giải theo thời cuộc của Học thuyết Monroe – Mỹ đã kết minh với giai cấp thống trị và quân đội tại các nước Mỹ Latinh và rải khắp khu vực này từ giữa thế kỷ XX các “biệt đội tử thần” – khiến hàng chục nghìn người bị sát hại, tra tấn, giam giữ, mất tích và lưu vong một cách mờ ám và bất hợp pháp. Thậm chí, luận thuyết này còn là cơ sở của chính sách gột rửa và tái sinh nhiều tội phạm chiến tranh phát xít Đức tại Nam Mỹ, mà nhiều trong số họ tiếp tục truyền bá những kinh nghiệm rùng rợn của mình và trở thành những kẻ huấn luyện và đào tạo các chuyên gia tra tấn và các sát thủ tại khu vực này.
Cũng trên cơ sở lý luận này, Mỹ đã chống lại những cải cách dân chủ cơ bản và thiết yếu để đưa các nước Mỹ Latinh ra khỏi tình trạng đói nghèo, phụ thuộc và lạc hậu về kinh tế; thay vào đó, để ưu tiên lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia và giới tư bản tài chính, Washington thúc đẩy các chính sách vay nợ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sơ khai tại các nước trong khu vực, với sự đồng lõa và giúp sức của các nền độc tài và các chính phủ tham nhũng luân phiên cai trị.
Tận dụng vai trò cường quốc chi phối tại châu lục – với nền tảng lý luận là Học thuyết Monroe – Mỹ đã phát động “cuộc chiến chống buôn lậu ma tuy” từ năm 1971 ép buộc toàn bộ nhiều xã hội tại Mỹ Latinh vận hành theo logic của tội phạm vũ trang có tổ chức, khiến nhiều nghìn người thiệt mạng và tình trạng bạo lực băng đảng dai dẳng không dứt tại các nước Mỹ Latinh, trong khi các cỗ máy buôn bán “cái chết trắng” vẫn liên tục sinh sôi và phát triển như những chiếc vòi bạch tuộc khi Washington hối thúc các nước Mỹ Latinh siết chặt “nguồn cung” trong khi lại buông lỏng quản lý việc sử dụng tại chính nước Mỹ – thị trường tiêu thụ ma túy và các chất kích thích lớn nhất thế giới, và chính các sĩ quan, nhân viên tình báo và bài trừ ma túy Mỹ trực tiếp tham gia, bảo kê, phân phối và là những người hưởng lợi nhất từ hoạt động kinh doanh chỉ có mức lợi sau buôn bán vũ khí này.
Dưới danh nghĩa thịnh vượng và phát triển, Mỹ đã áp đặt các hiệp định tự do thương mại theo công thức của mình với nhiều nước trong khu vực, trong khi cuối cùng những bên hưởng lợi nhất từ các thỏa thuận này luôn là các doanh nghiệp và khối ngân hàng Mỹ, còn toàn bộ Mỹ Latinh vẫn dậm chân quanh mô hình phát triển tư bản sơ khai chủ yếu dựa vào tài nguyên thô và nông sản.
Chính vì vậy, những người theo lý tưởng tự do độc lập chân chính tại các quốc gia Mỹ Latinh đã coi Học thuyết Monroe là điều tồi tệ nhất về mặt tư tưởng từng diễn ra với Mỹ Latinh, vì như nhà triết học Argentina Jose Ingenieros từng tổng kết, việc hình thành học thuyết này vào năm 1823 rốt cục là “chìa khóa chia cuộc chinh phục trong tương lai” của Mỹ tại Mỹ Latinh, một cuộc chinh phục tới nay vẫn chưa có hồi kết.
Ảnh hưởng toàn cầu của học thuyết Monroe
Trong quá trình tồn tại 200 năm qua của mình, Học thuyết Monroe đã tích lũy nhiều tầng ý nghĩa và hàm ý khác nhau, tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử và lợi ích của những lực lượng chính trị tìm cách biện minh cho diễn giải của mình về học thuyết này. Mang nhiều bộ mặt từ ý thức hệ, lý luận pháp luật, văn hóa chính trị và địa chính trị, Học thuyết Monroe đã được đặt vào nhiều khuôn mẫu tùy theo những hoàn cảnh khác nhau, và những hệ luận bổ sung cho nó đã tạo ra những diễn giải từ nhưững góc nhìn khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Tất cả những thích nghi và điều chỉnh này không chỉ thể hiện qua những chỉ đạo ngoại giao chung, mà còn phần nào hé lộ chiến lược mà các lực lượng chính trị đang cạnh tranh nhau muốn áp dụng vào chính sách đối ngoại Mỹ.
Học thuyết Monroe đã cho thấy rõ rằng Tân Thế giới và Cựu Thế giới cần duy trì phạm vi ảnh hưởng tách biệt và độc lập với nhau. Với Theodore Roosevelt, hệ luận mang tên ông đã diễn giải học thuyết này theo hai hướng: một mặt, Mỹ có quyền can thiệp ngăn chặn vào công việc nội bộ của các nước khác tại Tây Bán Cầu dưới lời biện hộ là để duy trì ổn định và trật tự; mặt khác thừa nhận phạm vi ảnh hưởng tại các khu vực khác trên thế giới, với mục đích là một trật tự thế giới cân bằng quyền lực, một cách tiếp cận thực tế cho các mối quan hệ quốc tế của Mỹ khi đó. Tương tự, tổng thống Wilson cũng coi Học thuyết Monroe là hình mẫu cho một trật tự quốc tế mới, cho dù ông vận dụng theo hướng ngược lại và bác bỏ quyết liệt những đề xuất công nhận những phạm vi ảnh hưởng khác. Đề xuất toàn cầu hóa Học thuyết Monroe, kết hợp cùng với Học thuyết Mở cửa và lý luận Mười bốn điểm, mà ông bảo vệ đã trở thành nền tảng cho lý luận tư tưởng tự do về quốc tế luận, cụ thể hơn, đó là quan điểm rằng Mỹ cần đảm nhận cương vị lãnh đạo và trách nhiệm duy trì thế giới an toàn, theo định hướng của những nguyên tắc tự do tư bản chủ nghĩa.
Đồng thời, việc vận dụng Học thuyết Monroe trong chiến lược quốc tế không chỉ giới hạn trong những tranh giành chính trị của Mỹ, mà còn được các cường quốc đang lên tận dụng, như một quy luật chung, để bày tỏ những yêu sách nào đó liên quan tới thay đổi trật tự thế giới hiện hành, yếu tố tạo ra những cuộc cạnh tranh gay gắt không thể tránh khỏi về quyền không chế các vùng lãnh thổ nhất định.
Thay vì chỉ trích tư tưởng can thiệp gắn liền với học thuyết này, không lạ khi Nga và Trung Quốc lại cố gắng đưa ra các chính sách đồng dạng đối với các vùng đất nằm trong chiến lược khu vực của họ. Nếu Mỹ áp dụng Học thuyết Monroe tại Tây Bán Cầu trong quá trình phát triển như một cường quốc, thì các cường quốc khác cũng đòi hỏi, một cách công khai hay ẩn ý, quyền được vận dụng lý luận tương tự cho các khu vực ảnh hưởng của mình. Nói rõ hơn, đó là quyền được can thiệp quân sự vào những không gian xung đột khi đã “kiểm chứng” được rằng sự hiện diện của cường quốc bên ngoài ảnh hưởng tới lợi ích quốc gia của cường quốc khu vực.
Trong quá trình Liên Xô tan rã, đã có nhiều dự thảo chính sách và bản ghi nhớ được các cố vấn và nhà phân tích chính trị soạn thảo có đề cập tới Học thuyết Monroe, đặc biệt trong việc đề xuất không gian địa chính trị nào trong lãnh thổ Liên bang Xô viết có thể được coi là “phạm vi lợi ích sinh tồn” của Nga.
Những tranh chấp tại Biển Đông biến nơi đây thành một điểm nóng gây căng thẳng khu vực kể từ khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh hải phi pháp với hầu hết vùng biển này. Tháng 5/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trình bày thuyết “nền ngoại giao mới châu Á”: “Tất nhiên, nhân dân châu Á phải quyết định vận mệnh của châu Á, giải quyết những vấn đề của châu Á và duy trì an ninh của châu Á. Nhân dân châu Á có khả năng và trí tuệ để giành được hòa bình và ổn định tại khu vực thông qua hợp tác sâu rộng hơn”, điều này có nghĩa là hợp tác giữa các dân tộc châu Á với nhau mà không có bên thứ ba. Một số nhà phân tích đã coi tuyên bố “nhân dân châu Á phải quyết định vận mệnh của châu Á” chính là một phiên bản rõ ràng của Học thuyết Monroe gần 2 thế kỷ sau.
Trong một bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã cảnh báo: “Học thuyết Monroe đang vươn lên tầm thế giới”, và sau đó bổ sung rằng Washington đang mưu đồ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình ra toàn cầu. Cũng theo chiều hướng này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định rằng Mỹ, với lý do thúc đẩy dân chủ, đã triển khai một “học thuyết tân Monroe” tại Mỹ Latinh, kích động các cuộc “cách mạng màu” tại lục địa Á – Âu và âm mưu tiến hành những “mùa xuân Arab” tại Tây Á và Bắc Phi, tất cả với mục tiêu lật đổ những chính phủ thù địch hoặc không liên kết với Washington. Tóm lại, các cường quốc đều rút ra những ý nghĩa riêng từ Học thuyết Monroe để xây dựng lập luận đòi hỏi những đặc quyền tương tự cho mình, hay yêu cầu các bên khác tôn trọng phạm vi ảnh hưởng của mình, đồng thời phản đối học thuyết này mỗi khi nhìn nhận nó như công cụ bá quyền của Mỹ tại những khu vực khác nhau trên thế giới.
Leon Gordon, nhà nghiên cứu danh tiếng về lịch sử đối ngoại của Mỹ, từng có phát biểu chính xác rằng Học thuyết Mở cửa “là một phép ẩn dụ, và như mọi phép ẩn dụ khác, sức mạnh của nó đến từ mức độ chân thực của các hình ảnh mà nó tạo ra so với thực tiễn mà nó muốn mô tả”, và ông cũng cho rằng khi hấp thụ những sắc mầu nhiều khi khác biệt về cơ bản từ những phân lưu ý thức hệ khác nhau vào trong hệ lập luận của mình, học thuyết này có xu hướng bóp nghẹt các phân tích và cản trở việc hình thành những biện luận mới. Và ta có thể nói thêm rằng Học thuyết Monroe cũng có thể được xem là một phép ẩn dụ với các đặc tính đã được chỉ ra ở trên, nhưng trái với khẳng định tiếp đó của Gordon rằng việc nhận thức ý thức hệ định hướng học thuyết này chỉ “giấu đi những đổi hướng về tư tưởng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và khiến cho những lựa chọn khó khăn càng trở nên u tối”, bài viết này muốn chứng minh rằng việc soi sáng vào những diễn giải khác nhau của các học thuyết này và sự pha trộn giữa chúng sẽ cho thấy rõ ràng hơn không chỉ những căng thẳng và mâu thuẫn lịch sử tồn tại trong chính sách đối ngoại Mỹ, mà cả cách thức mà các cường quốc khác diễn giải về chúng…
Còn tiếp…
Tổng hợp và biên dịch: Uyển My
Quan điểm của bài viết không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Helena Zelic, Guerras e imperialismo en las Americas a los 200 anos de la Doctrina Monroe, Capire, https://capiremov.org/es/analisis/guerras-e-imperialismo-en-las-americas-una-critica-feminista-a-los-200-anos-de-la-doctrina-monroe/, ngày truy cập 16/12/2023.
2. Robbie Gramer và Keith Johnson, Tillerson Praises Monroe Doctrine, Warns Latin America of ‘Imperial’ Chinese Ambitions, tạp chí Foreign Policy, 2/2/2018.
3. Alonso Gurmendi, So, You Brought up the Monroe Doctrine Again…, tạp chí Opinio Juris, 21/1/2022.
4. Ollantay Itzamna, 200 anos bajo la Dictrina Monroe, https://ollantayitzamna.com/2023/11/20/desde-guatemala-200-anos-bajo-la-doctrina-monroe/, ngày truy cập 20/12/2023
5. Nicholas Mulder, The Rise of Sanctions as a Tool of Modern War, Yale UP, New Haven, 2022
6. Gustavo Veiga. Estados Unidos: a 200 anos de la doctrina Monroe, Pagina 12, https://www.pagina12.com.ar/691233-estados-unidos-a-dos-siglos-de-la-doctrina-monroe, ngày truy cập 24/12/2023
7. Reginaldo Nasser, Doctrina Monroe, 200 anos después, tạp chí Nueva Sociedad, số 308, tháng 11-12/2023, Argentina
8. Renan Vega Cantor, Estados Unidos y la Doctrina Monroe, dos siglos de muerte y desolación, tạp chí El Colectivo, số tháng 11/2023, Medellín, Colombia