Ngày 19/10/2023, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố một tài liệu đáng chú ý, được Lầu Năm Góc gọi tắt là “Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2023” (2023 China Military Power Report – CMPR). Với tư cách là hai cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và là đối thủ chiến lược trong thế kỷ XXI của nhau, CMPR là một thông điệp đáng chú ý, thể hiện cách nhìn nhận của Mỹ đối với sự gia tăng sức mạnh quân sự nhanh chóng của Trung Quốc. Bản báo cáo với dung lượng dài 212 trang với 6 chương đã đánh giá một cách toàn diện sức mạnh quân sự của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) ở các khía cạnh: Chiến lược quân sự của Trung Quốc; cơ cấu tổ chức, tiềm lực, năng lực quân sự ở thời điểm hiện tại (theo bản báo cáo xác định là đến hết năm 2022) của PLA; sự gia tăng hiện diện toàn cầu của PLA; nguồn lực và công nghệ hiện đại hóa quân đội và những đánh giá về các vấn đề khác. Một số điểm nhấn trong bản báo cáo này cụ thể như sau:
Chiến lược quân sự của Trung Quốc
CMPR cho rằng chiến lược quốc gia của CHND Trung Hoa là đạt được “sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” đến năm 2049. Trong đó, Trung Quốc nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc định hình lại trật tự thế giới theo hướng có lợi với tham vọng của Bắc Kinh, đồng thời coi chiến lược ngăn chặn của Mỹ là một trở ngại quan trọng đối với mục tiêu của họ. Để đánh giá một cách đầy đủ về chiến lược quân sự của Trung Quốc, CMPR đã đánh giá một cách chi tiết toàn bộ các chính sách về ngoại giao, kinh tế có liên quan, trong đó nhấn mạnh đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), bộ ba sáng kiến chiến lược (Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu) và chính sách phát triển “lưỡng dụng”, kết hợp quân – dân sự của CHND Trung Hoa.
Qua đó, bản báo cáo của Mỹ đã đánh giá chiến lược quân sự của Trung Quốc hướng tới việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của nước này, đồng thời nhấn mạnh vai trò toàn cầu ngày một lớn hơn của Trung Quốc. Chiến lược quân sự của Bắc Kinh vẫn dựa trên khái niệm “phòng thủ tích cực”.
Nội hàm của “phòng thủ tích cực” được thể hiện như sau:
Một là, tuân thủ tư thế tự vệ và luôn sẵn sàng phản công. Như Sách trắng quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc đã nêu: “Chúng tôi (Trung Quốc) sẽ không tấn công trừ khi bị tấn công và chắc chắn sẽ phản công nếu bị tấn công”. Phòng thủ tích cực có thể kéo theo các cuộc phản công mang tính phòng thủ để đáp lại một cuộc tấn công hoặc tấn công phủ đầu đối thủ mà Bắc Kinh cho rằng họ đang chuẩn bị tấn công nhằm vào Trung Quốc.
Hai là, kết hợp phòng thủ chiến lược với tấn công chiến thuật. Khía cạnh này đưa ra hai cách tiếp cận chiến tranh chịu ảnh hưởng từ quan điểm của Mao Trạch Đông về mối quan hệ giữa phòng thủ và tấn công.
Ba là, chủ động trong công tác chỉ đạo, nỗ lực đạt được hiệu quả cao nhất với cái giá phải trả thấp nhất. Để làm được điều này cần phải nắm được, hiểu rõ điểm mạnh và yếu của chính mình cũng như đối thủ, từ đó lập ra kế hoạch chiến lược kỹ lưỡng ngay từ thời bình.
Bốn là, phát triển “chiến tranh nhân dân” đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại, sử dụng kết hợp hợp lý chiến tranh tiêu hao, kéo dài chiến tranh, với chiến tranh tổng lực mang tính quyết định, tức là biết dùng chiến tranh để kết thúc chiến tranh.
Đồng thời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh sự cấp thiết của việc củng cố PLA thành một quân đội “đẳng cấp thế giới” vào cuối năm 2049 như một yếu tố thiết yếu trong chiến lược nhằm trẻ hóa Trung Quốc, xây dựng một “nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vĩ đại”. Trước hết là mục tiêu hiện đại hóa PLA vào năm 2027, PLA đang đẩy nhanh sự phát triển, tích hợp về cơ giới hóa, tin học hóa và thông minh hóa các lực lượng vũ trang. Bản báo cáo của Mỹ đưa ra nhận định rằng: Nếu thành hiện thực, cột mốc năng lực này có thể mang lại cho PLA khả năng trở thành một công cụ quân sự đáng tin cậy hơn cho các nỗ lực thống nhất Đài Loan của Trung Quốc.
Ngoài ra, bản báo cáo đề cập tới việc PLA vẫn đang thảo luận về khái niệm “Chiến tranh chính xác đa miền” (MDPW). MDPW dự định tận dụng mạng C4ISR kết hợp những tiến bộ về dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để nhanh chóng xác định các lỗ hổng chính trong hệ thống điều hành của Mỹ, sau đó kết hợp các lực lượng chung trên các miền để tiến hành các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các lỗ hổng này.
Ưu thế quân sự của Trung Quốc ngày một gia tăng
Năng lực quân sự tổng thể của PLA
Thời gian qua, PLA đã tìm cách hiện đại hóa quân đội của họ, nâng cao trình độ thành thạo trên tất cả các lĩnh vực chiến tranh. PLA có thể tiến hành chiến tranh toàn diện trên bộ, trên không và trên biển cũng như hạt nhân, không gian, chiến tranh điện tử và chiến tranh trên không gian mạng. PLA đang ngày càng hoàn thiện cả về mặt lý luận lẫn khả năng thực tiễn của họ trong việc “chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến” chống lại “kẻ thù mạnh (báo cáo cho rằng Trung Quốc muốn ám chỉ đến Mỹ), chống lại sự can thiệp của bên thứ ba vào một cuộc xung đột dọc theo vùng ngoại vi của Trung Quốc và thể hiện sức mạnh của PLA trên toàn cầu. Vào năm 2022, PLA tiếp tục đạt được tiến bộ khi thực hiện các cải cách cơ cấu lớn, trang bị các hệ thống, trang bị nội địa hiện đại, xây dựng khả năng sẵn sàng và tăng cường năng lực tiến hành các hoạt động chung.
Theo thống kê của báo cáo, PLA là lực lượng quân sự tại ngũ lớn nhất thế giới, bao gồm khoảng 2,185 triệu quân tại ngũ, 1,17 triệu quân dự bị và 660.000 nhân viên bán quân sự với tổng lực lượng khoảng 4 triệu. Trong nỗ lực tạo ra một lực lượng tinh gọn hơn, cơ động hơn, PLA đã giảm dần số nhân viên tại ngũ trong ba thập kỷ qua nhưng quy mô vẫn rất lớn. Hải quân và không quân đã tăng quy mô kể từ năm 2015, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của chúng. Các lực lượng tên lửa, tác chiến không gian mạng, chiến tranh thông tin, thậm chí là chiến tranh tâm lý của PLA cũng đã có những bước tiến lớn.
Đối với hải quân (PLAN), Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới về số lượng với tổng lực lượng chiến đấu lên tới hơn 370 tàu chiến và tàu ngầm, bao gồm hơn 140 tàu chiến mặt nước có sức mạnh đáng gờm. Lực lượng PLAN phần lớn bao gồm các tàu và tàu ngầm đa nhiệm hiện đại. PLAN đưa vào hoạt động tàu tuần dương Type 055 thứ tám vào cuối năm 2022 và đang tiếp tục chế tạo tàu tuần dương loại này cũng như các tàu tuần dương, các khinh hạm hiện đại khác. Vào năm 2022, PLAN đã đưa vào hoạt động Tàu tấn công đổ bộ Type 075 thứ ba và có thể đã bắt đầu chế tạo chiếc thứ thứ tư vào đầu năm 2023. Đồng thời, tàu sân bay thứ ba CV-18 Phúc Kiến cũng đã được hạ thủy. Hiện nay, PLAN có khả năng tiến hành các cuộc tấn công chính xác tầm xa nhằm vào các mục tiêu trên bộ từ tàu ngầm và tàu chiến mặt nước bằng cách sử dụng tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Điều đó đang gia tăng nhanh chóng sức mạnh của lực lượng hải quân PLA.
Đối với lực lượng không quân (PLAAF), PLAAF đang có lực lượng lớn nhất khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương với năng lực tương đương với không quân của phương Tây. Cụ thể hơn, PLAAF đang có 3.150 máy bay các loại, trong đó có 2.400 máy bay chiến đấu. Năng lực tự sản xuất các loại máy bay quân sự hiện đại của nước này đã được chứng minh. Đáng chú ý, không quân PLA đã được bổ sung thêm các máy bay ném bom chiến lược, qua đó hoàn thiện bộ ba chiến lược của lực lượng này. Đồng thời, các loại máy bay chiến đấu thế hệ mới nhất cũng đã được phát triển thành công.
Đối với lực lượng tên lửa (PLARF), Trung Quốc đang thúc đẩy các kế hoạch hiện đại hóa dài hạn của mình để tăng cường khả năng răn đe chiến lược. Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc 2023 của Mỹ đã nhận định rằng, Trung Quốc có khả năng đã hoàn thành việc phát triển các ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) mới và có ít nhất 300 hầm chứa tên lửa này. Đồng thời, nhiều loại tên lửa mới có khả năng mang đầu đạn hạt nhân cũng đã được phát triển. Sức mạnh răn đe của Trung Quốc đã được khẳng định và nước này đủ sức đe dọa mọi mục tiêu ở bên kia bán cầu.
Cùng với năng lực tên lửa đáng gờm, năng lực hạt nhân của Trung Quốc cũng được cho là đã có bước tiến lớn. So với những nỗ lực hiện đại hóa hạt nhân của PLA cách đây một thập kỷ, quy mô và mức độ hiện đại hóa của Trung Quốc đã tiến bộ vượt bậc. Trong năm 2022, Bắc Kinh tiếp tục mở rộng quy mô kho đạn hạt nhân. Mỹ ước tính kho dự trữ của Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động tính đến tháng 5/2023. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh gần đây đã bác bỏ số liệu này của Mỹ.
Nhiều lực lượng khác cũng đã được Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc 2023 đề cập tới một cách chi tiết. Đáng chú ý, báo cáo cho rằng sự phát triển của năng lực quân sự Trung Quốc năm vừa qua đang hướng tới tham vọng thu hồi Đài Loan, mở rộng ảnh hưởng ra các vùng biển ngoại vi khác.
Đánh giá về khả năng ứng phó của Đài Loan trước sức mạnh của Trung Quốc, bản báo cáo năm 2023 không có quá nhiều điểm khác biệt so với bản báo cáo tương tự công bố năm 2022. Về cơ bản, các tài liệu này đều thống nhất quan điểm cho rằng khoảng cách sức mạnh hai bên đang ngày một gia tăng. Tuy nhiên, Đài Loan đang tăng cường khả năng chiến tranh bất đối xứng để chống lại áp lực từ phía Đại Lục.
Nguồn lực và công nghệ hiện đại hóa PLA
Các tiềm năng phát triển của PLA đang được hiện thực hóa nhờ nguồn ngân sách ngày một lớn. Năm 2022, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng nhẹ, đạt 229 tỷ USD. Truyền thông nhà nước CHND Trung Hoa đưa tin rằng việc tăng ngân sách quốc phòng nhằm phục vụ quá trình hiện đại hóa các hoạt động của PLA bao gồm cả việc mô phỏng tình huống thực tế cũng như sử dụng thực tế ảo trong công tác huấn luyện; đẩy mạnh cải thiện năng lực hậu cần, khoa học và công nghệ quốc phòng; cùng các chương trình khác nhằm nâng cao năng lực chiến lược của quân đội.
Ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đang được phát triển theo hướng tự lực hoàn toàn, có sự tham gia và kết hợp của nền công nghiệp dân sự, tạo thành một hệ thống công nghiệp quân – dân sự thống nhất, đáp ứng cho nhu cầu về một quân đội hiện đại của PLA.
Một số dự án quan trọng trong năm 2022 đã được nhắc đến bao gồm: Công nghệ tên lửa siêu thanh của Trung Quốc đã tiến bộ vượt bậc trong 20 năm qua và nhiều chương trình tên lửa nội địa có thể so sánh với các nhà sản xuất hàng đầu thế giới khác. Trung Quốc cũng đang phát triển tên lửa không đối không hiện đại mới với hiệu quả chiến đấu cao, có khả năng chống lại các biện pháp đối phó của đối phương. Vào năm 2022, Trung Quốc đã hạ thủy tàu sân bay được thiết kế và sản xuất trong nước đầu tiên, có trang bị máy phóng điện từ và nhiều thiết bị khác. Tàu sân bay sẽ có thể triển khai tới 70 máy bay, bao gồm máy bay chiến đấu J-15 và trực thăng chống ngầm Z-9C. Đồng thời, Trung Quốc là quốc gia có năng lực đóng tàu hàng đầu thế giới tính theo trọng tải và có khả năng sản xuất nhiều loại tàu chiến hải quân, bao gồm mọi bộ phận, trang bị, vũ khí chiến đấu trên tàu. Có thể nói, Trung Quốc gần như tự cung cấp được mọi thứ cho các tàu chiến của họ.
Ngoài ra, Trung Quốc đang tiếp tục tổ chức lại các ngành công nghiệp quốc phòng, đảm bảo PLA tiếp cận được các nguồn tài nguyên, công nghệ và chuyên môn cần thiết để vượt qua Mỹ về mặt quân sự và phát triển khả năng ứng phó với các tình huống quân sự phức tạp trong tương lai. Những nỗ lực của Trung Quốc bao gồm phát triển và kết hợp AI quân sự và các công nghệ đột phá mới nổi (EDT) khác để xây dựng một lực lượng “thông minh hóa” được trang bị đầy đủ vũ khí công nghệ cao để tiến hành và giành chiến thắng trong các cuộc chiến hiện đại. Trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện việc mua lại trang thiết bị, công nghệ và chuyên môn nước ngoài thông qua các kênh công khai và bất hợp pháp. Báo cáo của Mỹ nhấn mạnh hoạt động gián điệp đang có vai trò quan trọng trong việc giúp PLA có được các công nghệ, thiết bị nhạy cảm. Các động thái cũng đã cho thấy, nước này đang nỗ lực tăng cường năng lực tự thân trong các lĩnh vực này và giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước nguy cơ các nguồn cung cấp bên ngoài bị “nghẽn”.
Một điều đáng chú ý khác, để bù đắp cho những hạn chế của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc mua sắm từ các nhà cung cấp nước ngoài, đặc biệt ưu tiên về máy bay trực thăng và động cơ máy bay. Ukraine và Nga được báo cáo nhắc đến như hai đối tác chính của Trung Quốc thời điểm hiện nay. Bắc Kinh vẫn sẽ tận dụng các nguồn cung quan trọng này trước khi nhu cầu của họ được ngành sản xuất nội địa đáp ứng hoàn toàn.
Sự hiện diện toàn cầu của PLA đang được thúc đẩy nhanh chóng
Bản Báo cáo của Mỹ cho rằng Trung Quốc đang tìm cách mở rộng cơ sở hạ tầng hậu cần và căn cứ ở nước ngoài để cho phép PLA có khả năng triển khai và duy trì sức mạnh quân sự ở khoảng cách xa hơn. Các mạng lưới hậu cần quân sự toàn cầu này có thể hỗ trợ các hoạt động của PLA trong việc làm gián đoạn các hoạt động quân sự của Mỹ.
Cụ thể hơn, ngoài căn cứ hậu cần của PLA ở Djibouti, Trung Quốc rất có thể đã xem xét và lên kế hoạch xây dựng thêm các cơ sở hậu cần quân sự mới để có thể triển khai đa dạng các lực lượng hơn, ở phạm vi rộng hơn.
Báo cáo dẫn lời của một quan chức CHND Trung Hoa xác nhận rằng PLA sẽ có quyền tiếp cận các khu vực của căn cứ Hải quân Ream (Campuchia). Đồng thời, Trung Quốc cũng đang dự kiến mở rộng sự hiện diện quân sự ở nhiều quốc gia đối tác khác, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Pakistan, Sri Lanka, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kenya, Guinea Xích đạo, Seychelles, Tanzania, Angola, Nigeria, Namibia, Mozambique, Bangladesh , Papua New Guinea, Quần đảo Solomon và Tajikistan.
Điểm yếu của Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA)
Thứ nhất, hạn chế về lãnh đạo và chỉ huy quân sự. Hiện nay, PLA đang sử dụng khẩu hiệu để đấu tranh đáng chú ý như “năm bất tài – hai bất lực” bao gồm: Không phán đoán được tình hình; không hiểu ý định của cấp trên; không thể đưa ra quyết định điều hành; không thể triển khai lực lượng; không xử lý được các tình huống bất ngờ” và “không có khả năng chiến đấu trong điều kiện chiến tranh hiện đại; sĩ quan các cấp không có khả năng chỉ huy”. Dựa vào khẩu hiệu này, Bản Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc 2023 của Mỹ cho rằng, hạn chế về năng lực lãnh đạo, chỉ huy các cấp của PLA vẫn còn tồn tại.
Thứ hai, các lực lượng PLA đang thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Các bản tự đánh giá của PLA thường thể hiện sự bất an về một thực tế rằng quân đội của họ đã không tham chiến kể từ năm 1979, với những ám chỉ phổ biến về “căn bệnh hòa bình” đang tồn tại. Đó là sự thiếu sẵn sàng trong lực lượng và thái độ thiếu thận trọng trong việc huấn luyện cũng như chuẩn bị cho các xung đột tiềm ẩn. Việc đào tạo, huấn luyện trong PLA được cho là không đạt tiêu chuẩn, chưa đáp ứng được với điều kiện thực tế của môi trường chiến tranh hiện đại.
Thứ ba, khoảng cách về trình độ với các quân đội hàng đầu trên thế giới khác vẫn còn đáng kể. Báo cáo cho rằng, PLA đang thừa nhận họ vẫn đang phấn đấu vươn đến tầm “quân đội đẳng cấp thế giới”, cũng có nghĩa đó vẫn đang là mục tiêu, chưa phải là hiện thực. Vẫn còn một khoảng cách nhất định về trình độ của PLA so với quân đội của các siêu cường khác như Mỹ và Nga.
Tuy nhiên, việc dựa trên các khẩu hiệu của PLA để đánh giá điểm yếu của họ có thể sẽ không chính xác trên thực tế.
Một số nhận định ban đầu về hàm ý của Mỹ thông qua CMPR
Báo cáo Sức mạnh quân sự Trung Quốc của Mỹ (CMPR) là một tài liệu công bố hàng năm của Lầu Năm Góc. Điều đó cho thấy mối quan tâm đặc biệt của Washington đối với đà trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay. Thông qua bản báo cáo năm 2023, có thể đưa ra một số nhận định ban đầu như sau:
Một là, CMPR năm 2023 vẫn thể hiện “thông điệp kép” của Mỹ bao gồm: tiếp tục thổi phồng năng lực quân sự của Trung Quốc ở một số lĩnh vực, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh, làm nổi bật thêm các điểm yếu của PLA. Có nghĩa rằng, một mặt, Mỹ đang làm nổi bật hơn nữa mối đe dọa của Trung Quốc trên khắp các khu vực, đặc biệt là ở eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và Biển Đông một cách có chủ ý. Thậm chí, Mỹ đang cho thấy mối đe dọa từ kho vũ khí hạt nhân có quy mô lớn và vẫn tiếp tục được mở rộng với tốc độ nhanh của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, Mỹ vẫn đánh giá PLA còn nhiều điểm yếu, chưa thu hẹp được khoảng cách với các siêu cường quân sự toàn cầu.
Hai là, bản báo cáo của Mỹ đang cho thấy xu hướng gia tăng hiện diện quân sự của Trung Quốc, chủ yếu tập trung tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như châu Phi. Điều này tạo ra mối lo ngại đối với chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ và các nước đồng minh phương Tây. Trong tương lai, nếu các căn cứ quân sự của Trung Quốc tại các nước ở khu vực này được chính thức triển khai, sức ảnh hưởng của Bắc Kinh sẽ gia tăng đáng kể. Điều đó có lợi cho việc đảm bảo Sáng kiến Vành đai và Con đường tiếp tục được thúc đẩy, nhưng sẽ gia tăng nguy cơ va chạm, mâu thuẫn với Mỹ. Mỹ đang nhận thức được vấn đề đáng lo ngại này và tất nhiên, mối lo đó sẽ chuyển thành các sách lược cụ thể của Washington nhằm ngăn chặn Bắc Kinh mở rộng các căn cứ quân sự.
Ba là, về quan hệ quân sự Mỹ – Trung, Mỹ đang đẩy trách nhiệm làm xấu đi quan hệ song phương giữa hai siêu cường về phía Bắc Kinh. Coi những điều chỉnh chiến lược của Trung Quốc là nguồn cơn dẫn đến mâu thuẫn giữa hai nước thời gian vừa qua. Nhưng rõ ràng, Washington cũng không vô can đối với tình thế phức tạp trong quan hệ với Bắc Kinh.
Cuối cùng, đối với khu vực Đông Nam Á nói riêng, Mỹ cho rằng khu vực này sẽ ngày càng chịu nhiều áp lực hơn từ phía quốc gia láng giềng phía Bắc. Bắc Kinh có kế hoạch mở thêm các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á, đồng thời gia tăng áp lực về vấn đề Biển Đông. Điều đó sẽ khiến cấu trúc an ninh của khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trước đánh giá từ phía Mỹ, các nước Đông Nam Á cần có những cách tiếp cận thận trọng. CMPR 2023 có thể là một lời cảnh báo, nhưng thay vì tìm cách phòng ngừa tiêu cực, Đông Nam Á cần thống nhất, xử lý hài hòa quan hệ với các siêu cường, kiên quyết duy trì và nâng tầm vai trò trung tâm của ASEAN, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Các nước trong khu vực cần tính toán lợi ích quốc gia của họ trong tổng thể lợi ích của khu vực, tránh biến Đông Nam Á trở thành mặt trận của cuộc đối đầu Mỹ – Trung trong tương lai./.
Tác giả: Hoàng Hải
Nội dung bài viết được tóm lược từ tài liệu có tên “Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China” được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố ngày 19/10/2023. Các nhận định ban đầu về tài liệu này thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết trùng với quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược (NCCL).
Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Toàn văn tài liệu xem TẠI ĐÂY