Nghiên Cứu Chiến Lược
  • Trang Chủ
  • Lĩnh vực
    • Kinh tế
    • Xã hội
    • Quốc phòng – an ninh
    • Chính trị
  • Khu vực
    • Châu Á
    • Châu Âu
    • Châu Mỹ
    • Châu Phi
    • Châu Đại Dương
  • Phân tích
    • Ý kiến độc giả
    • Chuyên gia
  • Thư viện
    • Sách
    • Tạp chí
    • Media
  • Podcasts
  • Giới thiệu
    • Ban Biên tập
    • Dịch giả
    • Đăng ký cộng tác
    • Thông báo
No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Lĩnh vực
    • Kinh tế
    • Xã hội
    • Quốc phòng – an ninh
    • Chính trị
  • Khu vực
    • Châu Á
    • Châu Âu
    • Châu Mỹ
    • Châu Phi
    • Châu Đại Dương
  • Phân tích
    • Ý kiến độc giả
    • Chuyên gia
  • Thư viện
    • Sách
    • Tạp chí
    • Media
  • Podcasts
  • Giới thiệu
    • Ban Biên tập
    • Dịch giả
    • Đăng ký cộng tác
    • Thông báo
No Result
View All Result
Nghiên Cứu Chiến Lược
No Result
View All Result
Home Lĩnh vực Chính trị

Nam Caucasus: Điểm nóng địa chính trị và cuộc đấu quyền lực qua xung đột Armenia – Azerbaijan

17/07/2025
in Chính trị, Khu vực, Phân tích
A A
0
Nam Caucasus: Điểm nóng địa chính trị và cuộc đấu quyền lực qua xung đột Armenia – Azerbaijan
0
SHARES
37
VIEWS
Share on FacebookShare on Twitter

Cuộc xung đột kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan xoay quanh vùng tranh chấp Nagorno – Karabakh không chỉ là kết quả của những khác biệt lịch sử, sắc tộc và tôn giáo sâu sắc, mà còn là biểu hiện tiêu biểu của sự đan xen phức tạp giữa các toan tính chiến lược của những cường quốc toàn cầu tại khu vực Nam Caucasus. Với vị trí địa lý nằm tại điểm giao thoa của châu Âu, châu Á và Trung Đông, Nam Caucasus từ lâu đã được các trung tâm quyền lực lớn như Nga, Mỹ và Trung Quốc xem như một vùng địa chiến lược trọng yếu, nơi sự ổn định hay bất ổn đều mang ý nghĩa vượt xa phạm vi khu vực. Trong bối cảnh trật tự thế giới đang trải qua những dịch chuyển cơ bản với sự suy giảm của trật tự đơn cực và sự trỗi dậy của mô hình quyền lực đa tầng, xung đột Armenia – Azerbaijan trở thành một lăng kính sinh động để phân tích cách thức các cường quốc định hình ảnh hưởng, cạnh tranh chiến lược và ứng xử với các điểm nóng khu vực.

Bối cảnh chung

Vai trò địa chiến lược của khu vực Nam Caucasus

Nằm tại điểm giao thoa giữa ba không gian địa chính trị lớn là Đông Âu, Trung Á và Trung Đông, khu vực Nam Caucasus (gồm Armenia, Azerbaijan và Georgia) giữ một vai trò đặc biệt trong cấu trúc quyền lực khu vực Á – Âu. Từ thời cổ đại, vùng đất này đã đóng vai trò như một hành lang chiến lược kết nối phương Đông và phương Tây, với minh chứng rõ rệt là việc Con đường Tơ lụa cổ đại từng xuyên qua cả phía Bắc và phía Nam dãy Kavkaz để kết nối Biển Đen với Trung Quốc, Cận Đông và châu Âu. Không gian Kavkaz từ đó đã trở thành một “điểm trục địa lý” (geopolitical pivot), nơi kiểm soát không chỉ các tuyến thương mại và vận tải xuyên lục địa, mà còn cả luồng ảnh hưởng văn minh và quyền lực quân sự.

Sau sự tan rã của Liên Xô năm 1991, vai trò chiến lược của Nam Caucasus càng trở nên nổi bật. Trong khi Bắc Kavkaz vẫn thuộc Liên bang Nga, ba quốc gia Transcaucasia trước đây là Armenia, Azerbaijan và Georgia thì đã trở thành những quốc gia có chủ quyền, tạo nên một tiểu vùng địa chính trị riêng biệt giữa các cường quốc lớn. Sự tái cấu trúc này biến Nam Caucasus thành một “điểm cắt chiến lược” (strategic crossroads), nơi mà các xu hướng đối lập  như Chủ nghĩa Đại Tây Dương và Chủ nghĩa Á – Âu va chạm và định hình trật tự khu vực. Kể từ đó, khu vực này trở thành tâm điểm quan tâm của các thế lực toàn cầu như Nga, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Iran, khi mà mỗi quốc gia đều tìm cách gia tăng ảnh hưởng thông qua can dự an ninh, kinh tế, năng lượng hoặc thể chế chính trị.

Xét theo trục Bắc – Nam, Nam Caucasus đóng vai trò như một vùng đệm mềm (buffer zone) giữa Liên bang Nga đang tìm cách phục hồi ảnh hưởng hậu Xô Viết và khu vực Trung Đông đầy bất ổn, nơi các xu hướng Hồi giáo chính trị và chủ nghĩa sắc tộc đang nổi lên. Theo trục Tây – Đông, khu vực này là cầu nối giữa Biển Đen và Biển Caspi, từ đó tiếp cận được cả Trung Á lẫn hành lang kinh tế Á – Âu. Đồng thời, với vị trí liền kề Iran và nằm gần các điểm nóng như Syria, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Caucasus trở thành điểm khống chế tự nhiên trong các chiến lược quân sự, năng lượng và hậu cần xuyên lục địa.

Từ góc độ địa kinh tế, Nam Caucasus là nơi hội tụ các tuyến năng lượng và vận tải chiến lược. Các đường ống như Baku – Tbilisi – Ceyhan (dầu), Baku – Tbilisi – Erzurum (khí) và tuyến đường sắt Baku – Tbilisi – Kars giúp vận chuyển tài nguyên từ khu vực biển Caspi đến châu Âu mà không đi qua Nga hoặc Iran. Điều này mang lại ý nghĩa chiến lược to lớn đối với Mỹ và EU trong bối cảnh các nước này đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung năng lượng. Các cường quốc như Trung Quốc cũng nhìn nhận Nam Caucasus như một mắt xích trong “Hành lang Trung tâm” (Middle Corridor) của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), kết nối Tây Trung Quốc – Kazakhstan – Biển Caspi – Azerbaijan – Georgia – Thổ Nhĩ Kỳ – châu Âu.

Bên cạnh đó, các quốc gia trong khu vực, mặc dù có quy mô về kinh tế – quân sự hạn chế nhưng lại nắm giữ tiềm năng “siêu cường định vị” (positional superpower) nhờ vào vị trí địa lý. Dù có những khác biệt về thể chế, Armenia, Azerbaijan và Georgia đều cho thấy xu hướng hướng phương Tây hóa mạnh mẽ trong giai đoạn hậu Xô Viết, đặc biệt thông qua việc xây dựng các thể chế thế tục, cam kết dân chủ và cải cách hành chính. Quá trình này khiến khu vực trở thành “biên giới mềm” giữa hai mô hình: phương Tây tự do và không gian hậu Xô Viết do Nga chi phối, một trạng thái căng thẳng góp phần lý giải các xung đột và bất ổn diễn ra liên tục tại đây.

Tóm lại, vai trò chiến lược của Nam Caucasus không chỉ nằm ở vị trí địa lý thuận lợi hay tài nguyên năng lượng, mà còn ở tính chất trung tâm trong các cấu trúc địa chính trị đang vận động mạnh mẽ trong thế kỷ XXI. Là điểm giao thoa của các hành lang địa kinh tế và các trục an ninh xuyên lục địa, Nam Caucasus hiện không chỉ là tâm điểm của cạnh tranh khu vực mà còn là một “chốt xoay toàn cầu” (global pivot), nơi các trung tâm quyền lực thế giới như Nga, Mỹ, Trung Quốc và các đồng minh khu vực đang định hình lại ảnh hưởng trong một trật tự quốc tế ngày càng đa cực và bất định.

Tóm tắt về cuộc xung đột Armenia và Azerbaijan

Cuộc xung đột kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan là một trong những điểm nóng phức tạp nhất tại khu vực Nam Caucasus, bắt nguồn từ tranh chấp sắc tộc – lãnh thổ xung quanh vùng Nagorno-Karabakh. Dù chỉ là một khu vực nhỏ nằm giữa hai quốc gia, nhưng Karabakh lại mang ý nghĩa chính trị, văn hóa và chiến lược to lớn, không chỉ đối với hai bên mà còn đối với nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực.

Xung đột bắt đầu vào cuối thập niên 1980, trong bối cảnh Liên Xô suy yếu. Người Armenia ở Nagorno-Karabakh vốn chiếm đa số dân cư tại đây, đã yêu cầu sáp nhập khu vực này vào Armenia, điều này khiến cho chính quyền Azerbaijan kiên quyết phản đối. Căng thẳng leo thang thành một cuộc chiến toàn diện trong giai đoạn từ năm 1988 đến 1994, được gọi là Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ nhất. Kết quả, Armenia và lực lượng ly khai Karabakh giành quyền kiểm soát phần lớn vùng này và bảy tỉnh lân cận của Azerbaijan, khiến nhiều người thiệt mạng và hàng trăm nghìn người trở thành người tị nạn. Trong giai đoạn từ năm 1994 đến 2016, hai bên duy trì tình trạng ngừng bắn, tuy nhiên xung đột vẫn âm ỉ kéo dài với những vụ đụng độ lẻ tẻ ở khu vực biên giới.

Đến tháng 9/2020, chiến tranh lại bùng phát với quy mô lớn hơn. Với sự hỗ trợ về quân sự từ Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, Azerbaijan phát động Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ hai. Nhờ sử dụng vũ khí hiện đại như máy bay không người lái, Azerbaijan đã giành lại phần lớn lãnh thổ từng bị mất. Cuộc chiến kéo dài sáu tuần và kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian. Theo đó, Armenia phải rút khỏi các vùng chiếm đóng và cho phép Nga triển khai 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình tại hành lang Lachin nối Armenia với Karabakh.

Tuy nhiên, tình hình tại khu vực này vẫn không ổn định. Từ năm 2021 đến 2023, Azerbaijan siết chặt kiểm soát khu vực bằng cách phong tỏa hành lang Lachin, gây khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng. Đỉnh điểm là vào tháng 9/2023, Azerbaijan phát động một chiến dịch quân sự chớp nhoáng, buộc lực lượng người Armenia tại Karabakh đầu hàng chỉ sau 24 giờ. Kết quả, rất nhiều người Armenia đã phải sơ tán khỏi vùng này và chính quyền ly khai Cộng hòa Artsakh chính thức giải thể vào đầu năm 2024. Điều này đánh dấu chiến thắng hoàn toàn về mặt quân sự của Azerbaijan, đồng thời chấm dứt hơn ba thập niên tranh chấp vũ trang, dù vết thương dân tộc vẫn chưa thể hàn gắn. Mới đây, ngày 10/7/2025, hai nhà lãnh đạo hai bên đã có cuộc gặp trực tiếp lần đầu tiên mà không có bất kỳ người trung gian hay nào sau hơn 30 năm chiến tranh.

Xung đột Armenia – Azerbaijan không đơn thuần là vấn đề song phương, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc. Nga, một đồng minh truyền thống của Armenia và đóng vai trò trung gian gìn giữ hòa bình, nhưng dần mất ảnh hưởng khi vướng vào cuộc xung đột với Ukraine. Còn với Mỹ, đất nước này đứng về phía giải pháp ngoại giao và bảo vệ nhân quyền, trong khi Trung Quốc giữ lập trường trung lập, ưu tiên ổn định để thúc đẩy hành lang thương mại theo sáng kiến Vành đai – Con đường. Từ đó có thể thấy, cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh không chỉ mang tính chất lịch sử – dân tộc, mà còn phản ánh sự cạnh tranh địa chính trị giữa các thế lực toàn cầu tại vùng tiếp giáp Á – Âu.

Tóm lại, cuộc xung đột Armenia – Azerbaijan là một chuỗi diễn biến phức tạp kéo dài hơn ba thập niên, với căn nguyên sâu xa là tranh chấp lãnh thổ, sắc tộc và tôn giáo. Dù kết thúc quân sự có thể đã rõ ràng sau năm 2023, nhưng hậu quả và bất ổn chính trị sẽ còn dai dẳng. Trong bối cảnh đó, vai trò của các cường quốc càng trở nên quan trọng trong việc kiến tạo hòa bình lâu dài và ổn định khu vực Nam Caucasus, nơi đang trở thành điểm giao tranh ảnh hưởng giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Các cường quốc và mục tiêu địa chiến lược tại khu vực

Trong bối cảnh địa chính trị hiện đại, cuộc xung đột kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan, đặc biệt là quanh khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, đã trở thành một điểm tựa then chốt để các cường quốc tái xác lập ảnh hưởng khu vực và mở rộng chiến lược toàn cầu.

Trước tiên là với Nga, Nga là đất nước có vai trò nổi bật nhất tại Caucasus. Kể từ thời kỳ Đế chế Nga và đặc biệt sau Liên Xô, Moscow luôn xem khu vực này là “sân sau chiến lược”. Chiến lược của Nga mang đậm dấu ấn “neo-imperialism” (chủ nghĩa đế quốc hậu hiện đại), duy trì sự lệ thuộc của các nước láng giềng qua các công cụ như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), các căn cứ quân sự cố định và vai trò trung gian hòa giải trong các xung đột nội vùng. Trên lý thuyết Nga ở thế cân bằng lợi ích giữa Yerevan và Baku. Tuy nhiên, xung đột cũng là “đất dụng võ” chiến lược của Nga. Theo các nhà phân tích, họ cho rằng Moscow sử dụng chính sách “chia để trị” theo truyền thống, khơi mào bất ổn để duy trì ảnh hưởng và ngăn không cho đối thủ nước ngoài xâu xé, đặc biệt nhằm hạn chế vai trò của phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ ở Kavkaz. Ví dụ, sau chiến tranh 2020, Nga tỏ thái độ thiên về Azerbaijan do Aliyev là “thị trường vũ khí” lớn đồng thời cố gắng ngăn cản can thiệp của Mỹ và EU qua Nhóm Minsk. Tuy nhiên, cuộc xung đột mới đây phơi bày giới hạn quyền lực của Nga. Nga đã làm trung gian ký ngừng bắn 2020, nhưng chiến tranh Ukraine đã chia cắt nguồn lực Nga, khiến Moskva không thể ngăn chặn tình huống 2023 khi mà lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Karabakh gần như bất động khi Baku tấn công, làm Armenia mất niềm tin vào Moscow. Theo nhận định của các chuyên gia, thất bại này làm lung lay niềm tin của Armenia vào CSTO và Moskva, Armenia giờ đây không còn đặt hy vọng tìm kiếm đảm bảo an ninh từ Moskva. Trong khi đó, Nga đang phải cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng thâm nhập vào Azerbaijan và khu vực Kavkaz, nên Moscow càng trông chờ vào việc duy trì ảnh hưởng cả ở Baku lẫn Yerevan. Tóm lại, Nga vẫn giữ vị thế then chốt khi vừa là nhà cung cấp vũ khí vừa là lực lượng can thiệp. Tuy nhiên, Nga đang bị thách thức mạnh do những căng thẳng mới đây và cuộc xung đột với Ukraine.

Ngược lại, Mỹ lại tiếp cận Nam Caucasus bằng chiến lược “ngoại giao cân bằng mềm” nhằm hạn chế ảnh hưởng của Nga, đảm bảo dòng chảy năng lượng từ vùng Caspi đến châu Âu không bị gián đoạn và thúc đẩy chuyển dịch thể chế dân chủ. Cuộc xung đột Armenia – Azerbaijan được Washington nhìn nhận như một phép thử cho năng lực định hình trật tự khu vực hậu Xô Viết theo hướng thân phương Tây, đặc biệt sau khi Armenia có xu hướng ly tâm khỏi Nga. Bên cạnh các hoạt động ngoại giao đa phương, Mỹ còn xem khu vực này là phần mở rộng của chiến lược NATO, trong đó việc bảo vệ các tuyến năng lượng như BTC (Baku – Tbilisi – Ceyhan) hay South Gas Corridor trở thành vấn đề sống còn trong bối cảnh châu Âu tìm cách thoát khỏi sự phục thuộc vào nguồn năng lượng của Nga sau năm 2022. Tuy nhiên, do không muốn cam kết quân sự sâu, Hoa Kỳ vẫn giữ khoảng cách cẩn trọng, chỉ can thiệp ở mức hỗ trợ hòa bình, trừng phạt có chọn lọc và vận động ngoại giao. Mỹ nhìn nhận Nam Caucasus là khu vực chiến lược để duy trì ổn định và cân bằng ảnh hưởng của Nga, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng cho NATO. Mỹ là đồng chủ trì Nhóm Minsk (OSCE) từ giữa những năm 1990, nhằm kêu gọi giải pháp hòa bình hai nước. Lợi ích của Mỹ bao gồm nguyên tắc biên giới bất khả xâm phạm và bảo vệ dòng năng lượng đến đồng minh châu Âu. Tờ RAND nhận định rằng Armenia bị đe dọa mất an ninh do Azerbaijan gây hấn, nên “hành động quân sự chống lại Armenia sẽ đi ngược nguyên tắc hỗ trợ dân chủ và biên giới của Mỹ”, đồng thời có thể gây gián đoạn dòng khí đốt tới NATO. Về ngoại giao, dưới thời chính quyền Biden, Mỹ đã tích cực dàn xếp hòa bình như tổ chức hội nghị ở Munich 2023, thúc đẩy Bộ trưởng Ngoại giao Blinken gặp lãnh đạo hai bên. Cơ quan lãnh đạo Mỹ, điển hình là Chủ tịch Hạ viện Pelosi cũng lên tiếng chỉ trích Azerbaijan khi quân đội nước này gia tăng bạo lực và khuyến khích hai bên từ bỏ giải pháp quân sự. Mặc dù Mỹ từng bán vũ khí cho cả Armenia và Azerbaijan, nhưng uy lực của cộng đồng người Mỹ gốc Armenia đã khiến Washington đứng về phe lên án hành động của Azerbaijan. Tại một cuộc họp gần đây tại Nhà Trắng, Ngoại trưởng Marco Rubio đã đề cập đến tiến trình hòa bình Armenia – Azerbaijan là ưu tiên của chính quyền Trump. Sau cuộc đàm phán giữa Armenia và Azerbijan ngày 10/7/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể sẽ có những cuộc điện đàm với cả hai nhà lãnh đạo để thúc đẩy quá trình đàm phán hòa bình. Tóm lại, Washington chủ trương đẩy mạnh vai trò trung gian ngoại giao, kiềm chế Nga và bảo vệ lợi ích an ninh – năng lượng, nhưng cũng sẽ cân nhắc hạn chế cam kết quân sự trực tiếp cho các bên.

Đối lập với cả hai hướng tiếp cận nói trên, Trung Quốc lại áp dụng chiến lược “tiếp cận âm thầm” (quiet engagement) tại Nam Caucasus. Bắc Kinh không theo đuổi mục tiêu kiểm soát địa chính trị hay can thiệp quân sự mà tập trung tối đa vào xây dựng kết nối kinh tế, đặc biệt là việc thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Khu vực này nằm trên “Hành lang Trung tâm” (Middle Corridor) kết nối Trung Quốc – Trung Á – Biển Caspi – Nam Caucasus – châu Âu, trong đó Azerbaijan là điểm then chốt. Trung Quốc duy trì nguyên tắc trung lập, công nhận chủ quyền lãnh thổ của Azerbaijan (bao gồm cả Karabakh) nhưng đồng thời mở rộng hợp tác hạ tầng, logistics, tài chính với cả Armenia lẫn Azerbaijan. Với Bắc Kinh, ổn định khu vực là điều kiện tiên quyết cho lưu thông thương mại xuyên lục địa. Do đó, Trung Quốc ưu tiên giải pháp hòa bình, ủng hộ đối thoại và chủ động giữ vị trí vừa là nhà đầu tư vừa là người hòa giải kinh tế thay vì trở thành “đối thủ địa chiến lược”. Bằng chứng là trong 9 tháng đầu năm 2023, giá trị thương mại giữa Trung Quốc với Armenia và Azerbaijan đều tăng mạnh. Ông Zaur Shiriyev của Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế nhận định rằng Trung Quốc đang giúp thúc đẩy “hành lang trung chuyển Trung – Á – Nam Caucasus” (Middle Corridor) qua Azerbaijan, Armenia và Georgia nhằm kết nối với châu Âu, một dự án mà Baku xem là có ý nghĩa chiến lược. Về  mặt chính trị, Trung Quốc công nhận Nagorno-Karabakh là một phần của Azerbaijan, hoàn toàn theo quan điểm Liên Hợp Quốc và đã nhiều lần kêu gọi hai bên nhượng bộ lẫn nhau, đàm phán hòa bình. Tổng quan ta thấy được rằng chiến lược của Trung Quốc là tận dụng vị thế kinh tế – hạ tầng để mở rộng ảnh hưởng, đặc biệt ở Azerbaijan nhưng tránh sa chân vào xung đột quân sự, đồng thời duy trì quan hệ tốt với cả hai bên.

Từ góc nhìn cấu trúc quyền lực, xung đột Armenia – Azerbaijan đã trở thành một biến số chiến lược trong trật tự địa chính trị Á – Âu. Đến khi xung đột tái bùng phát năm 2020 và đặc biệt năm 2023, phản ứng của ba cường quốc trên phản ánh rõ rệt mức độ tái cấu trúc quyền lực toàn cầu rằng Nga đang có phần thất thế, Mỹ củng cố vai trò điều tiết chính trị và Trung Quốc thì dần định hình ảnh hưởng kinh tế tại một trong những điểm nóng phức tạp nhất thế giới. Trong tương lai, vai trò của khu vực Nam Caucasus sẽ không ngừng gia tăng, không chỉ là chiến trường cục bộ giữa hai quốc gia láng giềng mà là một “chốt xương sống” trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các trung tâm quyền lực toàn cầu trong thế kỷ 21

Tóm lại, cuộc xung đột Azerbaijan – Armenia là minh chứng cho sự tranh chấp sắc tộc và lãnh thổ cốt lõi, được khuếch đại bởi các yếu tố kinh tế – năng lượng. Các cường quốc tham gia ở nhiều mức độ khác nhau nhưng đang bị thách thức do xung đột Ukraine và tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ; ngược lại, Trung Quốc tích cực khai thác cơ hội hợp tác kinh tế và phát triển hành lang giao thông (BRI), trong khi chỉ nắm vai trò khuyến nghị hoà giải. Mỗi bên đều có chiến lược ảnh hưởng riêng nhưng đều nhận thấy Nagorno-Karabakh như một mắt xích then chốt trong cục diện địa chính trị Nam Caucasus.

Đánh giá và dự báo tương lai

Cuộc xung đột kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan không chỉ đánh dấu sự tái định hình quan hệ khu vực tại Nam Caucasus, mà còn phản ánh rõ nét những xu thế mới trong cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khi quyền lực cứng của Nga suy giảm bởi hệ lụy của cuộc xung đột với Ukraine, khoảng trống địa chính trị tại Caucasus đang được tái lấp đầy bằng một hình thức cạnh tranh “hậu hiện đại”, nơi các yếu tố phi quân sự như thể chế dân chủ, năng lượng và hạ tầng logistics đóng vai trò không kém phần quyết định so với sức mạnh quân sự truyền thống. Trong quá trình đó, Mỹ tận dụng thời điểm để tái cấu trúc không gian hậu Xô Viết theo hướng hội nhập với phương Tây, trong khi Trung Quốc tìm cách định vị vai trò như một nhân tố hòa giải trung lập có khả năng bảo đảm ổn định kinh tế – vận tải liên lục địa. Cả ba cường quốc này, tuy khác biệt về công cụ và triết lý can thiệp, đều nhận thức rõ rằng Nam Caucasus không còn là một “vùng ngoại vi” bị lãng quên, mà là một “điểm trục” chiến lược trong bàn cờ Á – Âu đang được định hình lại dưới sức ép của sự chuyển dịch quyền lực thế kỷ XXI.

Với việc Azerbaijan giành quyền kiểm soát hoàn toàn Nagorno-Karabakh và Armenia đang tìm kiếm các mô hình liên kết mới bên ngoài quỹ đạo Nga, cục diện địa chính trị khu vực bước vào giai đoạn hậu xung đột với rủi ro bất ổn tiềm ẩn nhưng đồng thời mở ra cơ hội tái cấu trúc ổn định lâu dài. Tuy nhiên, triển vọng hòa bình bền vững phụ thuộc lớn vào khả năng các bên, bao gồm cả trong và ngoài khu vực, phải điều chỉnh chiến lược từ cạnh tranh sang hợp tác. Nếu không có một cơ chế an ninh đa phương thực chất, nguy cơ tái xung đột dù dưới hình thức phi đối xứng vẫn sẽ hiện hữu, đặc biệt trong bối cảnh Armenia có thể bị lôi kéo vào các liên minh đối đầu nhằm cân bằng với Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ gia tăng ảnh hưởng thông qua các khoản đầu tư hạ tầng và các hành lang thương mại mới, tận dụng trạng thái “chân không chính trị” do sự thoái lui của Nga và tính thận trọng của Mỹ.

Tổng thể, cuộc xung đột Armenia – Azerbaijan là minh chứng rõ ràng cho một mô hình cạnh tranh cường quốc mang tính hệ thống, nơi mà quyền lực không còn đo bằng số lượng binh sĩ hay tên lửa mà bằng năng lực kiểm soát thể chế, dòng chảy năng lượng và cấu trúc thương mại liên khu vực. Trong bối cảnh thế giới ngày càng đa cực, Nam Caucasus sẽ tiếp tục là một phép thử địa chính trị quan trọng cho việc các cường quốc điều chỉnh chiến lược ảnh hưởng không thông qua xung đột trực tiếp mà thông qua các tầng quyền lực mềm hay quyền lực kinh tế – hậu cần. Sự ổn định hay bất ổn tại đây trong thập niên tới sẽ không chỉ định hình trật tự khu vực, mà còn là tấm gương phản chiếu cho cách thức thế giới đối phó với các cuộc xung đột kéo dài, đa chiều và liên kết với cạnh tranh toàn cầu.

Kết luận

Cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan không thể được hiểu đơn thuần như một cuộc tranh chấp lãnh thổ truyền thống mà cần được đặt trong một bối cảnh chiến lược rộng lớn hơn bởi nơi đây đóng vai trò là không gian giao thoa của các lợi ích địa chính trị, địa kinh tế và an ninh xuyên lục địa. Sự can dự và cạnh tranh giữa Nga, Mỹ và Trung Quốc tại khu vực này minh chứng cho một xu hướng toàn cầu đang hình thành: sự dịch chuyển từ đối đầu quân sự trực tiếp sang cạnh tranh ảnh hưởng thông qua các hình thức quyền lực mềm và quyền lực kinh tế – hậu cần. Trong kỷ nguyên hậu xung đột, tương lai của Nam Caucasus sẽ phụ thuộc không chỉ vào quan hệ song phương giữa Armenia và Azerbaijan, mà còn vào khả năng điều phối và thích ứng chiến lược của các cường quốc đối với một trật tự địa chính trị ngày càng bất định và cạnh tranh đa chiều. Vấn đề đặt ra không chỉ là hòa bình hay xung đột, mà là hình thái của một trật tự khu vực mới, nơi sự ổn định được xây dựng từ sự cân bằng động giữa các chiến lược quốc gia và toàn cầu đang cùng vận động./.

Tác giả: Nguyễn Phương Ngân

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]

Tài liệu tham khảo

Alexander Atasuntsev. (2023, October 13). Long-Standing Ties Between Armenia and Russia Are Fraying Fast. Russia Matters. https://www.russiamatters.org/analysis/long-standing-ties-between-armenia-and-russia-are-fraying-fast

ALJAZEERA. (2025, July 10). Armenia, Azerbaijan leaders meet for peace talks in UAE, no breakthrough. Al Jazeera. Retrieved July 15, 2025, from https://www.aljazeera.com/news/2025/7/10/draft-deal-to-end-bitter-conflict-agreed-4-months-ago-but-timeline-for-sealing-complex-deal-remains-uncertain

Droin, M., Dolbaia, T., & Edwards, A. (2023, September 22). A Renewed Nagorno-Karabakh Conflict: Reading Between the Front Lines. CSIS. Retrieved July 15, 2025, from https://www.csis.org/analysis/renewed-nagorno-karabakh-conflict-reading-between-front-lines

The Economist. (2025, July 10). Putin’s war in Ukraine may cost him control of the south Caucasus. The Economist. Retrieved July 15, 2025, from https://www.economist.com/international/2025/07/10/putins-war-in-ukraine-may-cost-him-control-of-the-south-caucasus

Haberman, J., & Cormarie, P. (2024, March 14). The U.S. Can’t Guarantee Armenia’s Security, Despite Azerbaijan’s Threats, but It Can Help. RAND. Retrieved July 15, 2025, from https://www.rand.org/pubs/commentary/2024/03/the-us-cant-guarantee-armenias-security-despite-azerbaijans.html

Kogamn, E., & Kogan, E. (2024, March). The Role of Foreign Actors in the Armenia-Azerbaijan Conflict. AIES FOCUS. Retrieved July 15, 2025, from https://www.aies.at/download/2024/AIES_Focus-2024-3.pdf

Natalia Bekiarova. (2019, August). SOUTH CAUCASUS AS A REGION OF STRATEGIC IMPORTANCE. SCISPACE. https://scispace.com/papers/south-caucasus-as-a-region-of-strategic-importance-2hurwobd66

Paylan, G. (2025, July 11). Trump Holds the Key to Armenia-Azerbaijan Peace. Carnegie Endowment for International Peace. Retrieved July 15, 2025, from https://carnegieendowment.org/emissary/2025/07/armenia-azerbaijan-conflict-trump?lang=en

Sargsyan, S. (2025, June 27). Does the U.S. Have a Foreign Policy Strategy for the South Caucasus? Central Asia-Caucasus Analyst. Retrieved July 15, 2025, from https://www.cacianalyst.org/publications/analytical-articles/item/13877-does-the-us-have-a-foreign-policy-strategy-for-the-south-caucasus?.html

Shiriyev, Z. (2024, August 13). What Can Azerbaijan Expect From Its New Partnership With China? Carnegie Endowment for International Peace. Retrieved July 15, 2025, from https://carnegieendowment.org/russia-eurasia/politika/2024/08/azerbaijan-china-relations?lang=en

Tags: ArmeniaAzerbaijanĐịa chính trịNagorno-KarabakhNam Caucasus
ShareTweetShare
Bài trước

“Sự tiến hóa” của chiến tranh: Bộ binh tác chiến ngoài tầm nhìn nhờ drone

Next Post

Thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Trung Quốc là điều bất khả thi

Next Post
Thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Trung Quốc là điều bất khả thi

Thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Trung Quốc là điều bất khả thi

  • Thịnh Hành
  • Bình Luận
  • Latest
Tình hình xung đột tại Myanmar sau 3 năm: Diễn biến, tác động và dự báo

Tình hình xung đột tại Myanmar sau 3 năm: Diễn biến, tác động và dự báo

30/01/2024
Tin đồn về sự lung lay quyền lực của Tập Cận Bình: Hiện thực hay chỉ là biểu hiện của chiến tranh nhận thức?

Tin đồn về sự lung lay quyền lực của Tập Cận Bình: Hiện thực hay chỉ là biểu hiện của chiến tranh nhận thức?

04/06/2025
Châu Á – “thùng thuốc súng” của Chiến tranh thế giới thứ ba

Châu Á – “thùng thuốc súng” của Chiến tranh thế giới thứ ba

18/09/2024
Tình hình Biển Đông từ đầu năm 2024 đến nay và những điều cần lưu ý

Tình hình Biển Đông từ đầu năm 2024 đến nay và những điều cần lưu ý

06/05/2024
Dấu hiệu cách mạng màu trong khủng hoảng chính trị ở Bangladesh?

Dấu hiệu cách mạng màu trong khủng hoảng chính trị ở Bangladesh?

07/08/2024
Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc – một thập kỷ phát triển và một số chỉ dấu chính sách đối với Việt Nam (Phần I)

Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc – một thập kỷ phát triển và một số chỉ dấu chính sách đối với Việt Nam (Phần I)

04/10/2023
Chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

Chính sách cân bằng nước lớn của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

24/07/2023
Triển vọng của dự án kênh đào Funan tại Campuchia

Triển vọng của dự án kênh đào Funan tại Campuchia

02/11/2023
Triển vọng phát triển tuyến đường thương mại biển Á – Âu qua Bắc Băng Dương

Triển vọng phát triển tuyến đường thương mại biển Á – Âu qua Bắc Băng Dương

2
Khả năng phát triển của các tổ chức an ninh tư nhân Trung Quốc trong những năm tới

Khả năng phát triển của các tổ chức an ninh tư nhân Trung Quốc trong những năm tới

2
4,5 giờ đàm phán cấp cao Mỹ – Nga: cuộc chiến tại Ukraine liệu có cơ hội kết thúc?

Những điều đáng chú ý trong cuộc đàm phán Ngoại trưởng Nga – Mỹ tại Saudi Arabia

2
Tin đồn về sự lung lay quyền lực của Tập Cận Bình: Hiện thực hay chỉ là biểu hiện của chiến tranh nhận thức?

Tin đồn về sự lung lay quyền lực của Tập Cận Bình: Hiện thực hay chỉ là biểu hiện của chiến tranh nhận thức?

2
Liệu đã đến thời điểm nghĩ tới đàm phán hòa bình với Nga và các điều khoản sẽ thế nào?

Liệu đã đến thời điểm nghĩ tới đàm phán hòa bình với Nga và các điều khoản sẽ thế nào?

1
Quan hệ Nga-Trung-Triều phát triển nhanh chóng và hệ lụy đối với chiến lược của phương Tây

Quan hệ Nga-Trung-Triều phát triển nhanh chóng và hệ lụy đối với chiến lược của phương Tây

1
Campuchia triển khai Chiến lược Ngũ giác và những hàm ý đối với Việt Nam

Campuchia triển khai Chiến lược Ngũ giác và những hàm ý đối với Việt Nam

1
Nhìn nhận về quan hệ Nga – Triều hiện nay: Vị thế của một tiểu cường sở hữu vũ khí hạt nhân

Nhìn nhận về quan hệ Nga – Triều hiện nay: Vị thế của một tiểu cường sở hữu vũ khí hạt nhân

1
Thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Trung Quốc là điều bất khả thi

Thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Trung Quốc là điều bất khả thi

18/07/2025
Nam Caucasus: Điểm nóng địa chính trị và cuộc đấu quyền lực qua xung đột Armenia – Azerbaijan

Nam Caucasus: Điểm nóng địa chính trị và cuộc đấu quyền lực qua xung đột Armenia – Azerbaijan

17/07/2025
“Sự tiến hóa” của chiến tranh: Bộ binh tác chiến ngoài tầm nhìn nhờ drone

“Sự tiến hóa” của chiến tranh: Bộ binh tác chiến ngoài tầm nhìn nhờ drone

16/07/2025
Động lực và tương lai của BRICS nhìn từ Brazil 2025 – Phần đầu

Động lực và tương lai của BRICS nhìn từ Brazil 2025 – Phần cuối

15/07/2025
Động lực và tương lai của BRICS nhìn từ Brazil 2025 – Phần đầu

Động lực và tương lai của BRICS nhìn từ Brazil 2025 – Phần đầu

14/07/2025
Đánh giá tổng thể kho vũ khí hạt nhân của Israel năm 2025

Đánh giá tổng thể kho vũ khí hạt nhân của Israel năm 2025

13/07/2025
Điểm yếu của hệ thống tình báo Iran qua cuộc xung đột 12 ngày với Israel

Điểm yếu của hệ thống tình báo Iran qua cuộc xung đột 12 ngày với Israel

12/07/2025
Sự định vị mới trong chiến lược cường quốc của chính phủ Modi Ấn Độ và ảnh hưởng của nó đối với quan hệ Trung – Ấn

Sự định vị mới trong chiến lược cường quốc của chính phủ Modi Ấn Độ và ảnh hưởng của nó đối với quan hệ Trung – Ấn

11/07/2025

Tin Mới

Thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Trung Quốc là điều bất khả thi

Thỏa thuận lớn giữa Mỹ và Trung Quốc là điều bất khả thi

18/07/2025
32
Nam Caucasus: Điểm nóng địa chính trị và cuộc đấu quyền lực qua xung đột Armenia – Azerbaijan

Nam Caucasus: Điểm nóng địa chính trị và cuộc đấu quyền lực qua xung đột Armenia – Azerbaijan

17/07/2025
37
“Sự tiến hóa” của chiến tranh: Bộ binh tác chiến ngoài tầm nhìn nhờ drone

“Sự tiến hóa” của chiến tranh: Bộ binh tác chiến ngoài tầm nhìn nhờ drone

16/07/2025
76
Động lực và tương lai của BRICS nhìn từ Brazil 2025 – Phần đầu

Động lực và tương lai của BRICS nhìn từ Brazil 2025 – Phần cuối

15/07/2025
79

Cộng đồng nghiên cứu chiến lược và các vấn đề quốc tế.

Liên hệ

Email: [email protected]; [email protected]

Danh mục tin tức

  • Bầu cử tổng thống mỹ
  • Châu Á
  • Châu Âu
  • Châu Đại Dương
  • Châu Mỹ
  • Châu Phi
  • Chính trị
  • Chuyên gia
  • Khu vực
  • Kinh tế
  • Lĩnh vực
  • Media
  • Phân tích
  • Quốc phòng – an ninh
  • Sách
  • Sự kiện
  • Sự kiện
  • Thông báo
  • Thư viện
  • TIÊU ĐIỂM – ĐẠI HỘI ĐẢNG XX TQ
  • Xã hội
  • Ý kiến độc giả
No Result
View All Result
  • Trang Chủ
  • Lĩnh vực
    • Kinh tế
    • Xã hội
    • Quốc phòng – an ninh
    • Chính trị
  • Khu vực
    • Châu Á
    • Châu Âu
    • Châu Mỹ
    • Châu Phi
    • Châu Đại Dương
  • Phân tích
    • Ý kiến độc giả
    • Chuyên gia
  • Thư viện
    • Sách
    • Tạp chí
    • Media
  • Podcasts
  • Giới thiệu
    • Ban Biên tập
    • Dịch giả
    • Đăng ký cộng tác
    • Thông báo

© 2022 Bản quyền thuộc về nghiencuuchienluoc.org.