Quyết định tiến hành các cuộc tấn công quân sự của Nga vào lãnh thổ Ukraine đã cho thấy rõ ràng rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau không thể ngăn chặn chiến tranh. Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận ra rằng, nếu tìm cách tránh phụ thuộc lẫn nhau và điều này sẽ kéo theo việc từ bỏ chủ nghĩa đa phương mà thế giới hiện nay đang cần để giải quyết các vấn đề chung, cũng sẽ không thể đảm bảo hòa bình.
Trong tất cả các bài học có thể rút ra sau một năm diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, có một bài học nổi bật cần phải đặc biệt chú ý: Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên toàn cầu không đảm bảo hòa bình, và mỗi nước phải tìm cách thích nghi với thực tế mà các sự kiện gần đây đã phơi bày.
Theo các tác giả Joseph Samuel Nye, Jr. cùng với Robert Keohane (những người đã cùng sáng lập ra lý thuyết chủ nghĩa kinh tế tự do mới trong quan hệ quốc tế, được trình bày trong cuốn sách “Power and Interdependence” viết năm 1977), các quốc gia đều có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau do giữa các nước đều có sự tương tác, đặc biệt là quan hệ kinh tế và thương mại. Do bản chất đan xen của thị trường và chính trị (bao gồm cả địa chính trị), các quốc gia cuối cùng đều cần đến nhau để củng cố an ninh của họ (bao gồm cả an ninh năng lượng) và đạt được tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Trong những thập kỷ gần đây, sự phụ thuộc lẫn nhau đã giữ một vị trí ưu tiên trong tư tưởng chính trị phương Tây. Mặc dù việc sửa đổi khái niệm này là không thể tránh khỏi, nhưng nếu bỏ qua đóng góp tích cực mà sự phụ thuộc lẫn nhau đã tạo ra để thúc đẩy sự ổn định và an ninh toàn cầu ở châu Âu kể từ khi Thế chiến II kết thúc sẽ là hành động không trung thực và không hiệu quả.
Thành công của các dự án hợp tác ở châu Âu phần lớn nhờ vào những ưu điểm của sự phụ thuộc lẫn nhau. Sự phát triển của quan hệ thương mại và đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các lợi ích chung giữa các quốc gia châu Âu, mang lại hòa bình trong nhiều thập kỷ cho một lục địa trước đây bị chiến tranh tàn phá – một thành tựu đáng được tôn vinh.
Sự phụ thuộc lẫn nhau cũng là nền tảng mà Thủ tướng Đức Willy Brandt đã xây dựng trong Ostpolitik (Chính sách hướng Đông), được đưa ra vào năm 1969. Brandt đã chớp lấy cơ hội với ý tưởng – khá rủi ro vào thời điểm đó – rằng, các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao sâu sắc hơn giữa Liên Xô và phương Tây sẽ làm giảm khả năng khiến cuộc Chiến tranh Lạnh trở nên nóng bỏng hơn. Thực tiễn đã chứng minh, đó là một nước cờ ngoại giao thành công khi chính sách này đã giúp xoa dịu căng thẳng giữa hai bên.
Vào đầu thế kỷ XXI, quá trình toàn cầu hóa đã phát triển nhanh chóng. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế được nhiều người phương Tây coi là đồng nghĩa với sự ổn định toàn cầu – một niềm tin vẫn tồn tại ngay cả khi các sự kiện như vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ làm nổi bật những rủi ro mà toàn cầu hóa kéo theo. Trên thực tế, Trung Quốc đã được chào đón vào Tổ chức Thương mại Thế giới chỉ ba tháng sau sự kiện 11/9, thể hiện niềm tin liên tục của phương Tây vào tiềm năng phụ thuộc lẫn nhau để nối lại quan hệ.
Nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ ra cách các nhà lãnh đạo có thể tận dụng sự phụ thuộc lẫn nhau để theo đuổi các chiến thuật cưỡng chế. Ukraine luôn là trung tâm trong tham vọng cường quốc của Tổng thống Putin. Trong thập kỷ qua, Ukraine đã trở thành chủ đề tranh luận không chỉ về vị trí của nước này trong các thỏa thuận an ninh châu Âu mà còn về vị thế của nước này trong một thế giới ngày càng được xác định bởi các mối quan hệ thương mại.
Tổng thống Vladimir Putin đã dành nhiều năm thúc đẩy thương mại với các nước thuộc Liên Xô cũ và phần còn lại của châu Âu, không phải để củng cố nền tảng hòa bình trên lục địa, mà để tăng ảnh hưởng địa chính trị của Nga. Về vấn đề này, việc thành lập Liên minh Hải quan Á-Âu vào năm 2010 là một bước quan trọng trong chiến lược tái tạo Liên Xô của Tổng thống Putin bằng các phương tiện khác (cụ thể là thương mại).
Nhưng Ukraine đã chọn không tham gia liên minh thuế quan, thay vào đó, quốc gia này đã theo đuổi một Thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU). Tổng thống Putin đã không chấp nhận một viễn cảnh như vậy và gây sức ép buộc Tổng thống Ukraine khi đó là Viktor Yanukovych phải hủy bỏ ký thỏa thuận liên kết quan trọng này với EU vào cuối năm 2013. Có thể cho rằng, đây là thời điểm bắt đầu cuộc chiến của Nga với Ukraine. Vào tháng 2 năm 2014, hàng nghìn người Ukraine đã tập trung tại Quảng trường Độc lập của Kiev để phản đối quyết định này. Cái gọi là “Cách mạng Phẩm giá” đã kết thúc với việc lật đổ Tổng thống Yanukovych. Điều này đã khiến giới lãnh đạo chính quyền Nga lo ngại rằng, Nga đang để mất Ukraine. Trong vòng một tháng, Nga đã sáp nhập Crimea và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã bắt đầu một cuộc chiến ở khu vực Donbas phía Đông Ukraine. Cuộc chiến tranh toàn diện vào tháng 2 năm 2022 đã đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới bi thảm trong cuộc chiến đó.
Tuy nhiên, ngay cả trong những ngày ngay trước cuộc xâm lược – khi hàng trăm nhà lãnh đạo thế giới, nhưng không có phái đoàn Nga, tập trung tại Hội nghị An ninh Munich – ý tưởng rằng, Nga sẽ tấn công Ukraine vẫn gặp phải một số hoài nghi. Điều này một phần là do, mặc dù Quân đội Nga tập trung đông đảo ở biên giới Ukraine, nhưng niềm tin vào sức mạnh răn đe của sự phụ thuộc lẫn nhau vẫn mạnh mẽ. Các nhà quan sát lưu ý rằng, nếu Nga gây chiến với Ukraine, nước này sẽ phải đối mặt với những tổn thất kinh tế khổng lồ. Phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Ngay sau đó, hy vọng đó trong logic bình định của sự phụ thuộc lẫn nhau đã được chứng minh là không có cơ sở .
Một năm sau cuộc chiến của Nga tiến hành đối với Ukraine, giờ đây rõ ràng là, chỉ sự phụ thuộc lẫn nhau không thể đóng vai trò là nền tảng ổn định cho hòa bình, hay thậm chí là nối lại các quan hệ. Mối quan hệ thương mại và đầu tư có thể giúp gắn kết lợi ích của các quốc gia, nhưng chúng không tạo ra các chủ thể địa chính trị có trách nhiệm. Ngược lại, để nó mang tính xây dựng, sự phụ thuộc lẫn nhau đòi hỏi phải có các nhà lãnh đạo chính trị có trách nhiệm.
Với việc Nga tiến hành cuộc chiến tại Ukraine, những người châu Âu đã phát hiện ra rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau, hay đúng hơn là sự phụ thuộc của châu Âu đối với Nga, có thể khiến các quốc gia này dễ bị tổn thương hơn những gì mà giới lãnh đạo từng tưởng. Bài học rất rõ ràng là, châu Âu phải cẩn thận hơn trong việc lựa chọn các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. EU, từ lâu đã ủng hộ sự liên kết với nhau, đã ghi nhớ điều này, đặc biệt là khi nói đến vấn đề năng lượng. Những thay đổi diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ và đáng khen ngợi: chỉ trong một năm, EU đã giảm tỷ lệ khí đốt được cung cấp qua đường ống của Nga trong tổng nguồn cung của mình từ 40% xuống chỉ còn 8% .
EU cũng phải giảm bớt sự phụ thuộc tiềm ẩn rủi ro trong các lĩnh vực chiến lược khác, chẳng hạn như y tế, quốc phòng và công nghệ. Tuy nhiên, đồng thời, nó phải duy trì – và thậm chí tiếp tục tăng cường – sự gắn kết của nó với phần còn lại của thế giới. Như Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố trước chuyến công du Bắc Kinh vào tháng 11 năm 2022, châu Âu phải tránh phụ thuộc quá mức vào các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như Trung Quốc, nhưng không nên tìm cách cắt đứt quan hệ.
Trong năm 2022, các quốc gia châu Âu đã học được rằng, sự phụ thuộc lẫn nhau không thể ngăn chặn chiến tranh, nhưng cũng biết rằng, từ chối sự phụ thuộc lẫn nhau là phản đề của dự án châu Âu và không phù hợp với chủ nghĩa đa phương, vốn cần thiết để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau như thế nào cần được nhận thức lại trong những năm tới. Nó sẽ vẫn là điều thiết yếu đối với lợi ích cốt lõi và các mục tiêu chính của người châu Âu.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Javier Solana, cựu đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, Tổng thư ký NATO và Ngoại trưởng Tây Ban Nha, là Chủ tịch của EsadeGeo – Trung tâm Kinh tế và Địa chính trị Toàn cầu và là thành viên xuất sắc tại Viện Brookings.