Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraina diễn ra cũng là lúc “bức màn sắt mới” đang dần hạ xuống đối với Nga từ phía Tây. Khi các nước phương Tây siết chặt vòng vây, thực hiện đủ chính sách cấm vận đối với Nga thì từ phía Đông của xứ sở Bạch Dương, nơi có những những cánh rừng taiga mênh mông đến những bờ biển giáp Thái Bình Dương, vùng Viễn Đông của Nga lại đang hừng hực trong một cuộc “trỗi dậy” kinh tế đầy ắp tham vọng. Vậy, Nga đã tập trung mối quan hệ hợp tác với các vùng lãnh thổ biên giới của mình như thế nào? liệu “con hổ” Viễn Đông có thực sự thức giấc sau nhiều thập kỷ ngủ đông? Bài viết này sẽ đi vào tìm hiểu hành trình tái sinh của vùng đất được ví như “kho báu tiềm năng” của Nga, nơi thực tế kinh tế khắc nghiệt đồng thời là nơi tham vọng địa chính trị giao thoa giữa các quốc gia trong khu vực.
Giá trị chiến lược của vùng Viễn Đông trong chính sách hướng về phía Đông của Nga
Viễn Đông Nga có vị trí là cầu nối giữa Nga với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, là chìa khóa chiến lược của Nga tới các cửa ngõ Đông Á. Vùng Viễn Đông là đòn bẩy cho chiến lược “xoay trục” sang Phương Đông của Nga nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Châu Âu và tìm kiếm các đối tác tiềm năng. Việc tập trung nghiên cứu và phát triển vùng Viễn Đông là vấn đề quan trọng để thực hiện các chiến lược đối ngoại của Nga.
Nguồn gốc của chính sách Viễn Đông của Nga trong quan hệ với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã được hình thành từ xa xưa, khi quá trình phát triển các vùng lãnh thổ phía Đông của Nga mới bắt đầu vào thế kỷ 17. Các chiến dịch thám hiểm của Nga đã khám phá những vùng đất mới ở phía đông đất nước. Vùng Viễn Đông của Nga sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú khổng lồ và trong nhiều thập kỷ vẫn là nguồn cung cấp nguyên liệu thô cho đất nước. Vùng Viễn Đông là thị trường tiêu thụ của các nước Châu Á – Thái Bình Dương. Trong suốt thời kỳ Xô Viết, Siberia và Viễn Đông là cơ sở nguyên liệu và năng lượng của nền kinh tế nhà nước.
Viễn Đông là một phần không thể tách rời của Nga, kết nối các khu vực lục địa Urals và Siberia với Thái Bình Dương và các nước Đông Á, sự trao đổi hàng hóa giữa các vùng và các mối quan hệ phong kiến được thiết lập theo thời gian. Cùng với tiềm năng kinh tế, các vùng lãnh thổ phía đông đã trở thành cầu nối nối Nga với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nền kinh tế Viễn Đông hướng tới phát triển công nghiệp gắn liền với đặc thù của điều kiện tự nhiên và tài nguyên của vùng. Vùng biển Viễn Đông có nguồn cá khổng lồ. Không một khu vực đánh cá nào trong nước Nga có nhiều loại cá, động vật biển và tảo đặc trưng như lưu vực Viễn Đông. Các ngành công nghiệp cốt lõi của Viễn Đông là công nghiệp lâm nghiệp và chế biến gỗ, khai thác kim loại màu và khoáng sản. Viễn đông còn rất phát triển về khai thác mỏ và chế biến sơ cấp nguyên liệu thô tự nhiên. Các cảng biển Viễn Đông đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo kết nối giao thông và kinh tế giữa các vùng lãnh thổ riêng lẻ của Viễn Đông và nước ngoài.
Chính vì những giá trị đặc biệt đó, Nga cần có các chính sách đối ngoại sâu sắc, mềm dẻo trong chính sách hướng về phía Đông của Nga hiện nay, đặc biệt là hợp tác với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đối với Nga, việc duy trì quan hệ hữu nghị với các nước phương Đông không chỉ hứa hẹn phát triển về kinh tế mà còn có thể tạo cho Nga một hậu phương để kiềm chế sự bành trướng bá quyền của Mỹ, đặc biệt là ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Xét tầm quan trọng của khu vực này trong chính trị thế giới, Nga đang tập trung vào các quốc gia hàng đầu: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Để làm được điều đó, trước hết cần xây dựng một chiến lược đối ngoại Nga mềm dẻo và khéo léo.
Ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trong khu vực đã tác động đến hoạt động kinh tế đối ngoại và chính sách hòa bình nói chung, vốn là những yếu tố cơ bản trong quan hệ quốc tế, giữ quan hệ kinh tế đối ngoại giữa Nga và Trung Quốc. Nếu phát triển quan hệ ngoại thương thì sẽ phát triển kinh tế quốc gia, từ đó, Nga có cơ hội hoạt động thương mại tự do trên lãnh thổ Trung Quốc, góp phần ổn định tình hình chính trị và quốc tế ở Viễn Đông.
Quá trình phát triển vùng Viễn Đông của Nga trong những năm gần đây
Sau khi thành lập Cộng hòa Viễn Đông, chính phủ Liên Xô đã nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Trung Quốc, xem khu vực này như một vùng đệm cho chiến lược phát triển quốc gia. Vào năm 2000, Vùng Viễn Đông của Nga đã được đổi tên thành Vùng Liên bang Viễn Đông. Khu vực liên bang này bao gồm 10 đơn vị hành chính: Cộng hòa Sakha (Yakutia), Lãnh thổ Primorsky, Lãnh thổ Khabarovsk, Vùng Amur, Vùng Kamchatka, Vùng Magadan, Vùng Sakhalin, Khu tự trị Do Thái, Khu tự trị Koryak và Chukotka. Quận Liên bang Viễn Đông là khu vực lớn nhất về kinh tế và địa lý của Nga, với diện tích lên tới 6 triệu 215,9 nghìn km², chiếm 36,4% tổng diện tích lãnh thổ Nga. Hơn 80% diện tích của khu vực này thuộc vùng Viễn Bắc, trong đó gần ¾ là miền núi.
Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraina, Nga đã phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt từ phương Tây, buộc nước này phải tái cấu trúc nền kinh tế. Vùng Viễn Đông trở thành trọng tâm trong chiến lược này, với việc Nga tăng tốc phát triển khu vực một cách mạnh mẽ và quyết liệt hơn.
Nga đã chuyển hướng kinh tế, tập trung vào việc mở rộng xuất khẩu sang châu Á và đầu tư vào kết cấu hạ tầng tại Viễn Đông nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện kết nối trong khu vực. Nước này đã gia tăng xuất khẩu dầu, khí đốt và than đá sang các quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ. Xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc đã ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, với khối lượng lớn được vận chuyển qua đường ống Đông Siberia – Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Nga cũng đã mở rộng và hiện đại hóa các cảng ở Viễn Đông như Vladivostok, Vostochny và Nakhodka để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Đồng thời, nước này đầu tư vào việc phát triển Tuyến đường biển phía Bắc, kết nối châu Âu và châu Á qua Bắc Cực, khuyến khích các đối tác thương mại sử dụng đồng rúp trong giao dịch nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và Euro. Nga đang gia tăng đầu tư vào cơ sở vật chất tại khu vực Viễn Đông nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Các dự án bao gồm việc mở rộng và hiện đại hóa tuyến đường sắt xuyên Siberia để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa giữa châu Âu và châu Á, cũng như nâng cấp tuyến đường sắt Baikal-Amur nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các khu vực giàu tài nguyên.
Nga đã xây dựng và nâng cấp các tuyến đường cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế quan trọng trong khu vực. Việc nâng cấp và mở rộng các cảng biển lớn như Vladivostok, Vostochny và Zarubino cũng được thực hiện để tăng cường khả năng xử lý hàng hóa. Các các cảng mới dọc theo Tuyến đường biển phía Bắc đang được phát triển để hỗ trợ cho việc vận chuyển và khai thác tài nguyên ở khu vực Bắc Cực.
Đối với một vùng đất giàu tài nguyên khoáng sản như Viễn Đông, Nga đã thực hiện nhiều biện pháp phát triển mạnh mẽ, bao gồm: Tăng cường khai thác than tại các khu vực như Sakha (Yakutia) và Khabarovsk Krai; đầu tư vào các dự án năng lượng gió và mặt trời, đặc biệt là ở những khu vực xa xôi; và phát triển các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm cung cấp điện cho các cộng đồng địa phương.
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư, chính phủ Nga đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, mở rộng khu vực hưởng quy chế cảng tự do, giảm thuế và hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại và logistics quốc tế.
Nga cũng đã triển khai Chương trình Hecta Viễn Đông, một dự án cấp đất miễn phí cho những người dân Nga sẵn sàng di cư đến khu vực này. Người dân có thể sở hữu hoặc thuê đất để xây dựng nhà ở, khách sạn và phát triển kinh doanh. Dự kiến năm 2024, Liên bang Viễn Đông sẽ ký kết hơn 10 nghìn hợp đồng giao lô đất, trong đó ít nhất 500 hợp đồng sẽ được thế chấp để xây dựng nhà ở. Việc mở rộng và phát triển hệ thống giáo dục nhằm đảm bảo rằng cả những người nước ngoài có nguồn gốc Nga đều được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao. Nhờ vào dự án Giáo dục của Nga, nhiều trường học đã được xây dựng trong vòng hai năm qua. Các cơ sở vật chất hiện đại bao gồm các dãy nhà riêng biệt cho học sinh tiểu học và trung học. Bên cạnh đó, sẽ có thêm các khu nhà ở, trường mẫu giáo, trường trung học phổ thông, cửa hàng, bãi đỗ xe nhiều tầng, khu thể thao và sân chơi được xây dựng trong khuôn khổ chương trình Khu phố Viễn Đông.
Ngoài ra, một số dự án lớn khác đang được triển khai tại vùng Viễn Đông, như nhà trọ lớn nhất dành cho người cao tuổi tại Đặc khu Liên bang Viễn Đông đã được khánh thành ở thủ đô Ulan-Ude của Buryatia. Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Russky tại cảng sông Yakutsk cũng đang được xây dựng, với quy mô khoảng 363.000m2, phục vụ cho hơn 12 nghìn người. Vào đầu năm 2024, trung tâm ung thư lớn nhất ở Viễn Đông sẽ được khai trương tại Yakutsk, với tổng diện tích 25.000m2, có khả năng phục vụ tới 50 nghìn bệnh nhân và thực hiện khoảng 4,5 nghìn ca phẫu thuật mỗi năm.
Tại thành phố Korskov trên đảo Sakhalin, Nga dự kiến sẽ xây dựng một khu liên hợp chế biến cá với công suất lên tới 500 tấn mỗi ngày, giúp doanh thu tăng gần 12 lần. Dự kiến vào năm 2025, một dự án lớn về sản xuất khí heli từ khí đốt tự nhiên tại mỏ ngưng tụ dầu khí Srednebotuobinskoye sẽ được triển khai. Nga cũng đã xây dựng các cây cầu để cải thiện giao thông, trong đó có một cây cầu dài 326m bắc qua sông Menkule, đánh dấu cây cầu thứ 48 được xây dựng tại vùng Viễn Đông trong vòng 5 năm qua. Một trong những dự án xây dựng nổi bật hiện nay tại khu vực là địa điểm phóng vệ tinh mới đang được triển khai tại sân bay vũ trụ Vostochny, thuộc vùng Amur.
Về hợp tác với các quốc gia trong khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển của vùng Viễn Đông, Nga đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế thông qua việc phát triển các ngành công nghiệp mới.
Cụ thể, Nga đã đầu tư vào các nhà máy chế biến hiện đại để nâng cao giá trị xuất khẩu, phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm bổ sung cho ngành đánh bắt truyền thống, và xây dựng các nhà máy chế biến gỗ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm có giá trị cao. Ngoài ra, Nga còn chú trọng đến lĩnh vực công nghệ thông tin, sinh học, vật liệu mới, quản lý rừng bền vững, và đầu tư vào các xưởng đóng tàu để sản xuất tàu phá băng cũng như tàu thương mại phục vụ cho Tuyến đường biển phía Bắc.
Đồng thời, Nga cũng đã tăng cường sức mạnh quân sự tại vùng Viễn Đông bằng cách phát triển các loại vũ khí tiên tiến, nâng cấp các căn cứ quân sự hiện có và xây dựng các cơ sở mới, thực hiện giám sát và kiểm soát biên giới, tăng cường hợp tác an ninh với các nước láng giềng.
Quá trình phát triển vùng Viễn Đông của Nga là một nỗ lực toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực từ kinh tế đến an ninh. Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể, khu vực này vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như điều kiện khí hậu khắc nghiệt, điều kiện vật chất còn hạn chế ở một số nơi, và sự cạnh tranh từ các nền kinh tế phát triển khác trong khu vực. Tuy nhiên, với sự quan tâm và đầu tư liên tục từ chính phủ Nga, vùng Viễn Đông sẽ trở thành một trung tâm kinh tế quan trọng trong tương lai. Tổng thống Liên bang Nga nhấn mạnh rằng việc hình dung về diện mạo của các thành phố vào năm 2030 là rất quan trọng và cần thiết để từng bước đạt được các mục tiêu đề ra, tác động đến nước Nga và khu vực Đông Á.
Tác động đối với nước Nga và khu vực Đông Á
Viễn Đông Nga, với vai trò là một khu vực kinh tế và địa chiến lược, đang có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành chủ lực như khai thác khoáng sản, thủy sản, lâm nghiệp, tài nguyên thiên nhiên, cũng như giao thông đường sắt và đường biển. Khu vực này sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi để tăng cường hợp tác quốc tế, từ đó củng cố vị thế của Nga trong mối quan hệ với các nước Đông Á, đặc biệt trong bối cảnh cuộc xung đột hiện tại với Ukraina.
Đối với Nga, sự phát triển kinh tế bền vững của Viễn Đông mang lại ý nghĩa quan trọng về mặt địa chính trị. Chiến lược phát triển khu vực này không chỉ là một công cụ mà còn là phần thiết yếu trong tổng thể chiến lược địa chính trị của Nga. Điều này giúp Nga có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế. Sự phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế ở châu Á tạo ra các tuyến đường cao tốc xuyên lục địa mới, thúc đẩy hình thành các khu vực phát triển và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế của các khu vực phía đông nước Nga. Việc khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên của Thái Bình Dương với mục tiêu xuất khẩu là điều cần thiết, trước hết là nhằm xây dựng kết nối giao thông giữa Nga và các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vùng Viễn Đông của Nga là một khu vực quan trọng trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và quan hệ quốc tế. Dựa trên động lực hợp tác khu vực, Nga cần mở rộng mối quan hệ với châu Á – nơi có nhiều thách thức và bất ổn về chính trị. Vùng Viễn Đông đóng vai trò then chốt trong việc kết nối Nga với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ đó thiết lập các mối quan hệ tin cậy và gắn bó hơn với những quốc gia hàng đầu tại Đông Á. Tổng thống Nga V.V. Putin đã nhấn mạnh rằng sự tham gia đầy đủ của Nga vào các hoạt động hợp tác kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương là điều tất yếu và hợp lý.
Mục tiêu dài hạn và chiến lược địa chính trị của Nga là củng cố ảnh hưởng kinh tế, chính trị và quân sự tại Đông Á và Thái Bình Dương, kiểm soát các nguồn tài nguyên thô chiến lược quan trọng. Các quốc gia này chủ yếu xem khu vực Viễn Đông, với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, là một đối tác tiềm năng trong việc phát triển quan hệ kinh tế toàn cầu. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga đã mất đi một nửa số cảng biển, dẫn đến việc không còn khả năng tiếp cận trực tiếp các tuyến đường thương mại toàn cầu ở phía nam và phía tây. Việc thúc đẩy chính sách ngoại giao của Nga nhằm ổn định khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã góp phần củng cố sức mạnh của Nga. Hơn nữa, để bảo đảm an ninh cho biên giới phía đông và nâng cao phát triển kinh tế cho vùng Viễn Đông, Nga đã tăng cường định hướng địa chính trị đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách Thái Bình Dương của Nga đã thiết lập các kênh quan hệ song phương giữa các quốc gia và hợp tác xuyên biên giới, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa chung.
Trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại, Nga xác định nhiệm vụ ưu tiên là khuyến khích dòng vốn tài chính, công nghệ và các nguồn lực khác từ các quốc gia phát triển tại Vành đai Thái Bình Dương đến Viễn Đông và Đông Siberia của mình.
Lợi ích chiến lược của các nước Đông Á đối với Nga nằm ở việc hợp tác cùng có lợi trong quản lý năng lượng và môi trường. Sự thiếu hụt nguồn tài nguyên ở các nước Đông Á đã thúc đẩy họ hợp tác với vùng Viễn Đông của Nga. Để thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế tại các khu vực biên giới của Viễn Đông Nga và Đông Siberia, cũng như toàn bộ lãnh thổ Nga, việc khai thác mọi nguồn lực và cơ hội là rất cần thiết. Sự lựa chọn hợp tác với Nhật Bản và Hàn Quốc trong vùng Viễn Đông của Nga mang lại tiềm năng kinh tế đáng kể.
Vùng Viễn Đông Nga đóng vai trò then chốt trong việc củng cố quan hệ quốc tế giữa Nga và các nước Đông Á, phù hợp với nhu cầu hợp tác toàn cầu. Mối quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, cùng với sự cân bằng quyền lực hiện có tại Đông Á, sẽ nâng cao mức độ hợp tác khu vực, trở thành một phần quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia. Mục tiêu dài hạn là hướng tới sự hội nhập khu vực Đông Á, đây là một trong những vấn đề cấp bách mà Nga cần giải quyết.
Nga đầu tư mạnh vào hệ thống giao thông, cảng biển ở Viễn Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại với Trung Quốc và Triều Tiên, việc nâng cấp cảng Vladivostok và phát triển hành lang vận tải Primorye, các dự án như đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia” giúp tăng cường hợp tác năng lượng với các nước này. Nga đang thúc đẩy các khu kinh tế đặc biệt ở Viễn Đông, thu hút đầu tư từ Trung Quốc và tạo điều kiện cho hợp tác kinh tế với Triều Tiên (ví dụ như dự án cảng Rajin-Sonbong).
Đối với Trung Quốc và các tỉnh phía đông bắc, vị trí địa lý của vùng Viễn Đông là yếu tố thúc đẩy cho các mối quan hệ kinh tế. Bắc Kinh đang khuyến khích sự gần gũi giữa các khu vực. Nền kinh tế Nga cần sự hỗ trợ về lao động và đầu tư từ Trung Quốc. Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào nền kinh tế Nga sẽ góp phần nhanh chóng phục hồi đời sống kinh tế xã hội tại vùng Viễn Đông, đồng thời thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước.
Sự hợp tác khu vực giữa vùng Viễn Đông Nga với Trung Quốc và Nhật Bản không thể thiếu lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là dầu khí. Tại nhiều quốc gia Đông Á, vấn đề an ninh năng lượng đang trở nên ngày càng cấp thiết. Các xu hướng toàn cầu như toàn cầu hóa và hội nhập buộc các quốc gia, lớn cũng như nhỏ, phải xây dựng chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, khiến ngoại giao năng lượng trở thành một yếu tố quan trọng trong chính trị thế giới. Nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng từ nguồn cung dầu tại Trung Đông đã thúc đẩy các quốc gia trong khu vực này hợp tác đa phương với Nga. Trong số các nước xuất khẩu, Nga đứng ở vị trí hàng đầu thế giới về tài nguyên thiên nhiên, chỉ sau các quốc gia Ả Rập. Với lãnh thổ rộng lớn và nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, Nga trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều quốc gia. Do đó, việc phát triển hợp tác với các nước trong khu vực Viễn Đông của Nga là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và cấp bách.
Cuộc xung đột ở Ukraina đã tạo ra một vết lõm sâu sắc trong quan hệ Nga-Nhật, tuy nhiên cả Nga và Nhật Bản đều đang cố gắng duy trì một số kênh hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Dự án khí đốt Sakhalin-2, nơi các công ty Nhật Bản có cổ phần đáng kể vẫn tiếp tục hoạt động. Nga nhận thức rõ rằng vốn đầu tư từ Nhật Bản là cần thiết cho sự phát triển của Viễn Đông. Về tương lai, quan hệ hợp tác Nga-Nhật ở Viễn Đông có thể sẽ tiếp tục theo mô hình “hợp tác thầm lặng” bởi Nhật Bản chỉ duy trì mức độ hợp tác tối thiểu vì ràng buộc chính trị và ngoại giao từ các nước phương tây. Hợp tác Nga – Nhật ở Viễn Đông trong bối cảnh hiện nay là một ví dụ cho các quốc gia cần phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế và áp lực địa chính trị. Việc duy trì các kênh đối thoại và hợp tác, dù là ở mức độ tối thiểu là hạt giống cho sự hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai trong tình hình chính trị ổn định
Sự hợp tác giữa Nga và Triều Tiên chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực thương mại, phát triển nguồn năng lượng cũng như thiết lập các căn cứ quân sự và công nghiệp chung. Các dự án quy mô lớn, chẳng hạn như kết nối tuyến đường sắt liên Triều Tiên với tuyến đường sắt xuyên Siberia và cung cấp khí đốt của Nga tới Đông Bắc Á, sẽ góp phần hình thành một khu vực kinh tế tự do tại Đông Bắc Á, đồng thời đóng góp đáng kể vào việc ổn định an ninh kinh tế khu vực, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác năng lượng mang lại lợi ích chung. Lợi ích địa chính trị của Nga phụ thuộc vào tầm quan trọng chiến lược của khu vực Viễn Đông, nơi mà Triều Tiên đang kêu gọi hợp tác trong các dự án giao thông và năng lượng. Nếu Triều Tiên có hành động quân sự đối với bất kỳ quốc gia nào, khả năng thực hiện các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các mục tiêu chiến lược của họ sẽ gây ra những hậu quả môi trường nghiêm trọng cho các vùng lãnh thổ lân cận của Nga. Do đó, Nga đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các khu vực biên giới Viễn Đông và Đông Siberia, đồng thời tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, bao gồm cả Triều Tiên. Mục tiêu là ngăn chặn các mối đe dọa, xây dựng một nền kinh tế liên kết và mở rộng hợp tác giữa các quốc gia và khu vực.
Đối với Nga, việc tăng cường liên kết với Trung Quốc và Triều Tiên vừa tìm kiếm đồng minh kinh tế, vừa là hành động vẽ lại bản đồ ảnh hưởng địa chính trị ở châu Á, với một thông điệp truyền thông hết sức tinh tế, rằng một đất nước Nga không hề bị cô lập, ngược lại, đang mở rộng tầm ảnh hưởng và xây dựng các mối quan hệ đối tác mạnh mẽ.
Việc liên kết với Trung Quốc và Triều Tiên có thể chuyển hướng sự chú ý của toàn bộ khán giả quốc tế và dư luận trong nước, từ chú ý tới cuộc xung đột ở Ukraina, nhấn mạnh vào các dự án hợp tác kinh tế và phát triển hòa bình, xoa dịu những lo ngại trong nước về tác động của cuộc xung đột cũng như các lệnh trừng phạt.
Đây cũng là một cách để Nga lên tiếng phản đối trừng phạt của phương Tây, quảng bá sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Triều Tiên, tăng cường quan hệ với Trung – Triều như một phần của chiến lược xây dựng trật tự thế giới đa cực, Đồng thời với các đối tác truyền thông mạnh mẽ như Trung Quốc và Triều Tiên có thể giúp Nga phản bác thông tin tiêu cực về tác động của cuộc xung đột Ukraina. Nga cũng đang khéo léo định vị mình như một cường quốc không thể bỏ qua trong bất kỳ cấu trúc quyền lực toàn cầu nào trong tương lai qua việc nhấn mạnh vai trò của Viễn Đông như một cầu nối giữa châu Âu và châu Á
Hoạt động tại vùng Viễn Đông của Nga đóng vai trò chiến lược trong quá trình hội nhập, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho toàn khu vực và bảo đảm an ninh biên giới quốc gia. Chiến lược hợp tác thương mại giữa Nga và Trung Quốc, Triều Tiên tạo nên sức răn đe đối với Mỹ và các nước Phương Tây, việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Viễn Đông là mối lo ngại mới cho các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Nhật Bản và Hàn Quốc.
Sự phát triển kinh tế ở Viễn Đông có thể tạo ra cơ hội hợp tác hấp dẫn, khiến một số đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc phải đắn đo và cân nhắc lại lợi ích kinh tế và an ninh của họ.
Hợp tác thương mại giữa Nga- Trung, mối quan hệ thân thiết giữa Nga- Triều sẽ khiến cấu trúc quyền lực Đông Á có nhiều chuyển biến mới, góp phần cân bằng cán cân quyền lực, tạo ra thách thức cho Nhật Bản, làm phức tạp thêm tranh chấp lãnh thổ Nga-Nhật về quần đảo Kuril/Bắc Phương Lãnh Thổ.
Đồng thời đối với Hàn Quốc, việc cân bằng giữa liên minh với Mỹ và cơ hội kinh tế từ hợp tác với Nga ở Viễn Đông là vấn đề đáng được lựa chọn và cân nhắc kĩ lúc này.
Cũng từ đây, Mỹ và các nước đồng minh ở phương tây bắt đầu lo ngại hơn, Mỹ có thể phải điều chỉnh chiến lược nhằm duy trì ảnh hưởng trong bối cảnh mới đối với Nga và các nước Đông Á. việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Viễn Đông, đặc biệt là khả năng triển khai các hệ thống vũ khí tiên tiến gần các đồng minh của Mỹ ở Đông Á, tạo ra thách thức lớn trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ, đồng thời làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Việc phát triển Viễn Đông có thể giúp Nga tăng cường khả năng của Nga trong việc kiểm soát các tuyến đường biển quan trọng, tăng cường vị thế kinh tế và địa chính trị của Nga qua việc khai thác tài nguyên, thách thức kiểm soát các tuyến đường biển của Mỹ, làm suy yếu đòn bẩy địa chính trị của Mỹ đối với Nga.
Chiến lược truyền thông của Nga về việc phát triển Viễn Đông trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraina không chỉ là một chiến lược kinh tế, quân sự, chính trị mà đây còn là một công cụ quyền lực mềm để cân bằng ảnh hưởng địa chính trị. Đây là một lá cờ quan trọng trong cuộc chơi lớn giúp Nga vẽ lại bản đồ ảnh hưởng địa chính trị ở châu Á.
Một số vấn đề đặt ra và gợi ý chính sách đối với Việt Nam
Việt Nam cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc tăng cường hợp tác với Nga để tận dụng các cơ hội kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, đồng thời duy trì quan hệ tốt đẹp với các đối tác truyền thống khác như Mỹ Nhật Bản, và các nước trong ASEAN.
Các biến động trong quan hệ Nga – Mỹ, Nga – Trung Quốc, cũng như các vấn đề khu vực như biển Đông, bán đảo Triều Tiên, sẽ tác động trực tiếp đến môi trường hoạt động của Việt Nam. Vì vậy, cần đa dạng hóa các đối tác kinh tế, chính trị và an ninh để giảm thiểu rủi ro và tăng cường vị thế trên trường quốc tế.
Việt Nam cần có một chính sách đối ngoại linh hoạt, đa dạng và chủ động để tận dụng tối đa các cơ hội và đối phó với những thách thức trong bối cảnh Nga có vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực Đông Á. Việc cân bằng các mối quan hệ, tăng cường hợp tác kinh tế, và nâng cao năng lực cạnh tranh là những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam nên tập trung vào các lĩnh vực hợp tác có lợi chung, như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp. Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Để tận dụng tối đa các cơ hội hợp tác với Nga, Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Việt Nam cần tiếp tục duy trì và củng cố quan hệ với các đối tác truyền thống, đồng thời chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với Nga và các nước khác trong khu vực.
Việt Nam cần theo dõi sát sao tình hình chính trị, kinh tế và an ninh ở khu vực Đông Á để có những điều chỉnh phù hợp trong chính sách đối ngoại
Việc phát triển hợp tác với Nga và các quốc gia trong khu vực Viễn Đông không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp Việt Nam nâng cao vị thế và bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến động địa chính trị hiện nay. Sự linh hoạt trong chính sách đối ngoại và khả năng thích ứng nhanh chóng sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam tận dụng tốt nhất các cơ hội hợp tác và vượt qua những thách thức trong tương lai. Việt Nam cần tiếp tục phát triển các chiến lược hợp tác đa dạng, không chỉ với Nga mà còn với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Điều này sẽ giúp tạo ra một mạng lưới đối tác vững mạnh, từ đó gia tăng sức mạnh tổng hợp của quốc gia./.
Tác giả: Như Quỳnh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
1. Андиева Т.А. Топливно-энергетическая сырьевая база Дальневосточного экономического района России. Перспективы и пути освоения. СПб., 1998 г. Ч.3
2. Арин О. Стратегические контуры Восточной Азии в XXI веке. Россия: ни шагу вперед. М. 2001 г. .
3. Бажанов Е.П. Актуальные проблемы современных международных отношений. М. 2002 г. .
4. Бакланов П.Я. Дальний Восток России: проблемы и предпосылки устойчивого развития. Владивосток. 2001г. . Бергер Я.
5. Об энергетической стратегии Китая. // Проблемы Дальнего Востока, 2004, № 3 – Бжезинский Зб. Великая шахматная доска. М. 2005 г. . Бугай Н.Ф.
6. Российские корейцы и политика “солнечного тепла” М. 2002 г. .Витрянюк С.В.
7. Современные политико-правовые подходы к разрешению территориальных споров. М. 2004 г.
8. Воскресенский А.Д. Китай во внешнеполитической стратегии России. //Свободная мысль. 1996, № 1.