Giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, nguồn gốc căn bản cho những thay đổi hiện nay trong quan hệ quốc tế nằm ở sự tăng tốc nhanh chóng của việc chuyển giao quyền lực giữa Đông và Tây, điều đã dẫn tới những thay đổi trong cấu trúc của trật tự toàn cầu. Từ quan điểm lịch sử, quá trình chuyển giao quyền lực này sẽ diễn ra trong một thời gian dài. Bài viết của Giáo sư Từ Bộ từ Trung tâm nghiên cứu Đông Bắc Á, Đại học Cát Lâm (Trung Quốc), đăng trên Valdai Discussion Club đã đưa ra một số nhận định đáng chú ý về nhận thức mới về trật tự thế giới của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau Đại hội XX
Đại hội lần thứ XX của Đảng cộng sản (ĐCS) Trung Quốc, được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 16 đến ngày 22 tháng 10 năm 2022, có ý nghĩa quyết định đến tiến trình vận động ngoại giao của nước này. Trong bản báo cáo của mình, ông Tập Cận Bình trình bày những thành tựu chính trong quá trình phát triển của Trung Quốc trong thập niên qua, đồng thời cũng nêu ra những vấn đề và thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong những năm tới.
Những nhận định về diễn tiến của trật tự thế giới đương đại, đặc biệt là các đánh giá về những biến động của môi trường xung quanh, sẽ là cơ sở để xác định những ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại Trung Quốc trong dài hạn. Do đó, dù phần nhiều các nhà nghiên cứu chú trọng đến ý nghĩa của Đại hội Đảng lần thứ XX đối với sự ổn định chính trị nội bộ Trung Quốc, song không thể bỏ qua nhận thức của Bắc Kinh về trật tự thế giới mới.
Những thay đổi trong tình hình quốc tế đang đặt ra các thách thức lớn đối với tham vọng của Trung Quốc
Nhận thức quan trọng nhất của Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ XX về quan hệ quốc tế là Trung Quốc đang ở trong một thế giới với những thay đổi có tính căn bản. Nhiệm vụ chính của ngoại giao Trung Quốc là phải tìm cách đối phó với những thay đổi này và sử dụng các cơ hội do chúng mang lại để định hình một vị thế trọng đại cho Trung Quốc trong trật tự toàn cầu mới.
Báo cáo của ông Tập Cận Bình tại Đại hội ĐCS lần thứ XX đã nêu rõ những thay đổi trong trật tự thế giới bao gồm các khía cạnh sau:
Thứ nhất, Bắc Kinh cho rằng, xu thế vận động lịch sử hướng tới hoà bình và phát triển là không thể ngăn cản, nhưng giới lãnh đạo nước này cũng nắm rõ đây không phải là chủ đề duy nhất của quan hệ quốc tế đương đại. Đồng thời, báo cáo nhấn mạnh rằng xã hội loài người đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, và toàn nhân loại lại một lần nữa đang đứng trước ngã rẽ của lịch sử. Bắc Kinh cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của tình trạng hỗn loạn toàn cầu hiện nay là do “thâm hụt hoà bình, thâm hụt phát triển, thâm hụt an ninh và thâm hụt quản trị”. Trong số đó, đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng Ukraine là những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của quan hệ quốc tế, đồng thời là những thách thức thực sự mà Trung Quốc phải đối mặt.
Thứ hai, giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng nguồn gốc căn bản của những thay đổi hiện nay trong quan hệ quốc tế nằm ở sự tăng tốc nhanh chóng của quá trình chuyển giao quyền lực giữa Đông và Tây, điều đã dẫn tới những thay đổi trong cấu trúc của trật tự thế giới. Từ quan điểm lịch sử, quá trình chuyển đổi quyền lực này sẽ diễn ra trong một thời gian dài. Trong lúc đó, chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền do Hoa Kỳ áp đặt đã trở thành nguyên do cho sự bất ổn trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, Trung Quốc cần phải bảo vệ lợi ích quốc gia của mình trong quá trình chuyển giao quyền lực, và đồng thời tạo ra các cơ hội chiến lược để phát triển hơn nữa thông qua các hoạt động ngoại giao tích cực.
Thứ ba, Bắc Kinh cho rằng, tình trạng hỗn loạn hiện nay trong quan hệ quốc tế, một mặt đã làm xấu đi những điều kiện cho sự phát triển của Trung Quốc, nhưng mặt khác lại tạo cơ hội cho nước này tham gia sâu hơn vào quản trị toàn cầu. Để nâng cao vai trò của chính Trung Quốc, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc hình thành một trật tự đa cực và thiết lập một kiểu hình thức mới cho quan hệ quốc tế. Điều này bao gồm việc mở rộng ảnh hưởng của BRICS, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và các cơ chế hợp tác khác, song song với việc tăng cường tiếng nói và sự đại diện của các nước đang phát triển cũng như các nền kinh tế mới nổi trong các vấn đề quốc tế. Đồng thời, Trung Quốc cũng nên tích cực can dự vào xây dựng các quy tắc công bằng cho an ninh toàn cầu.
Chính sách ngoại giao của Trung Quốc sẽ tập trung nâng cao vai trò, vị thế của nước này trên thế giới, từng bước làm suy giảm sức ảnh hưởng của hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo
Đối mặt với một thế giới đang thay đổi, giới lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, những định hướng chính cho chính sách ngoại giao Trung Quốc trong tương lai sẽ gồm:
Thứ nhất, quan hệ giữa các nước lớn. Tương tác giữa những cường quốc ảnh hưởng trực tiếp đến tính ổn định của trật tự thế giới, đồng thời cũng là lĩnh vực đối ngoại quan trọng nhất của Bắc Kinh. Hiện nay, vấn đề Trung Quốc quan tâm hơn cả là việc điều hoà mối quan hệ với Mỹ. Nước này coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh có hệ thống dài hạn duy nhất của mình. Đổi lại, Bắc Kinh đang thực hiện các biện pháp ngày càng cứng rắn hơn để đối phó với cạnh tranh chiến lược của Washington. Trong thâm tâm, giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc vẫn hy vọng duy trì được sự ổn định mối quan hệ song phương với Mỹ càng lâu càng tốt nhằm tạo môi trường thuận lợi cho tương lai phát triển của đất nước. Đồng thời, Trung Quốc xem quan hệ đối tác với Nga là hình mẫu cho mối quan hệ giữa các nước lớn và tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác chiến lược giữa hai nước. Điều đặc biệt cần lưu ý là, đối với Bắc Kinh, đối tác chiến lược với Moskva có vai trò quyết định trong việc hiện thực hoá Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Thứ hai, quan hệ với các nước láng giềng. So với các lãnh đạo tiền nhiệm, Tổng Bí thư Tập Cận Bình tập trung nhiều nhất vào chính sách ngoại giao ngoại vi của Trung Quốc. Bắc Kinh coi việc xây dựng quan hệ láng giềng hữu hảo là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối ngoại của mình. Trong khu vực, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là nguy cơ tiềm ẩn lớn nhất. Bắc Kinh mong muốn giữ ổn định tối đa trong quan hệ với Bình Nhưỡng, Seoul và Washington, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh miền Đông Bắc của Trung Quốc. Đồng thời, giới lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ phát triển quan hệ song phương ổn định và dễ đoán với các nước láng giềng như Nhật Bản và Ấn Độ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương do Mỹ triển khai đối với an ninh ngoại vi của Trung Quốc.
Thứ ba, lý tưởng về “cộng đồng chung vận mệnh của nhân loại” là tầm nhìn trọng đại bậc nhất của Tập Cận Bình về trật tự thế giới trong tương lai. Bắc Kinh công khai chủ trương thay thế “các giá trị phổ quát” của phương Tây bằng các giá trị chung về an ninh và phát triển cho toàn nhân loại. Trung Quốc cũng nỗ lực thúc đẩy hơn nữa toàn cầu hoá và đa dạng hoá kinh tế. Thêm vào đó, Tập Cận Bình quan tâm nhiều đến phát triển bền vững và nền kinh tế ít carbon. Trong báo cáo ở Đại hội ĐCS Trung Quốc lần thứ XX, vị lãnh đạo nhiều lần nhấn mạnh vấn đề môi trường là ưu tiên hàng đầu.
Trong lĩnh vực an ninh, Trung Quốc tán thành việc tạo ra một cấu trúc minh bạch và bền vững, đặc biệt ở khu vực Đông Á, đồng thời chủ trương chống lại khái niệm “trò chơi có tổng bằng không”. Mục tiêu chính là nhằm làm suy giảm sức ảnh hưởng của hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo.
Những mục tiêu hợp tác chiến lược Trung-Nga trong kỷ nguyên mới
Cuộc khủng hoảng Ukraine là một mốc quan trọng trong tiến trình thay đổi của hệ thống quan hệ quốc tế. Trong giai đoạn khó khăn này, sự ổn định nội bộ của Trung Quốc, được củng cố hơn nữa sau Đại hội ĐCS lần thứ XX, đã mở ra những cơ hội mới cho sự phát triển trong tương lai của quan hệ Trung-Nga. Thêm vào đó, sự đồng thuận giữa Bắc Kinh và Moskva trong các vấn đề quốc tế cũng đảm bảo cho việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Các lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hợp tác Trung-Nga trong kỷ nguyên mới gồm:
Thứ nhất, thúc đẩy quá trình hình thành một trật tự thế giới đa cực là nhiệm vụ hàng đầu mà ngoại giao Trung Quốc và Nga cần phối hợp thực hiện. Chiến lược An ninh quốc gia của chính quyền Biden xác định Trung Quốc và Nga là những mối đe doạ lớn nhất cho nền bá quyền của Mỹ. Hoa Kỳ cũng hiểu rõ thập niên tới là thời điểm có tính quyết định đối với sự canh tranh giữa các cường quốc. Do đó, việc cùng nhau xây dựng một thế giới đa cực và ngăn chặn áp lực ngày một gia tăng từ phía Mỹ ở các khu vực chiến lược xung quanh Trung Quốc và Nga thông qua cái gọi là “NATO hoá” Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ là lĩnh vực hợp tác cấp thiết trong những năm tới giữa Bắc Kinh và Moskva.
Thứ hai, Bắc Kinh và Moskva là những lực lượng quan trọng nhất trong việc duy trì sự ổn định ở khu vực Á-Âu. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa bá quyền đã và đang thách thức sự ổn định chiến lược của khu vực. Hai nước có thể cùng nhau duy trì ổn định khu vực trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cũng như sử dụng những tiềm năng của đối thoại BRICS. Đồng thời, mối liên kết ba bên chặt chẽ giữa Trung Quốc, Nga và Ấn Độ có ý nghĩa tích cực đối với toàn bộ khu vực Á-Âu. Nga đã duy trì quan hệ song phương tốt đẹp với Ấn Độ kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Bất chấp những tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, cả hai đều coi phát triển trong nước là ưu tiên số một. Việc mở rộng hiệu quả hợp tác ba bên sẽ mang tới những lợi ích địa chính trị và địa kinh tế to lớn cho khu vực Á-Âu.
Thứ ba, hợp tác trong các lĩnh vực mới. Bắc Kinh và Moskva tin rằng biến đổi khí hậu sẽ có tác động mạnh mẽ đến tương lai của chính trị quốc tế. Trong quá trình này, cần tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực năng lượng truyền thống, đồng thời đẩy nhanh việc phát triển và tổ chức nghiên cứu chung về năng lượng phi truyền thống và năng lượng tái tạo. Từ tháng 10 năm 2019, chính phủ Nga đã thông qua Chiến lược quốc gia về phát triển trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; Trung Quốc cũng đang tiến hành một đợt nâng cấp công nghiệp mới. Do đó, trước áp lực từ phía Mỹ, Trung Quốc và Nga sẽ có lợi khi tăng cường hợp tác lẫn nhau trong lĩnh vực công nghệ cao để cải thiện an ninh của chính mình.
Biên dịch: Giang Đinh
Về tác giả: Từ Bộ (Xu Bo) là Tiến sĩ Khoa học Chính trị, Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Bắc Á thuộc Đại học Cát Lâm (Trường Xuân, Trung Quốc)