Từ lâu, Mỹ đã coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong các vấn đề kinh tế – chính trị. Nhiều động thái quyết liệt, kế sách dài hạn từ Mỹ liên tục được đưa ra trong thời gian gần đây nhằm bảo vệ vị thế dẫn đầu của mình trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Sự cạnh tranh giữa hai quốc gia này càng trở nên quyết liệt hơn trước sự xuất hiện của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Những thành công vượt bậc của Trung Quốc trong việc mở rộng tầm ảnh hưởng của mình thông qua sáng kiến này đã khiến Mỹ trở nên sốt sắng hơn bao giờ hết. Sự xuất hiện của sáng kiến DSR vào tháng 11/2014 đã thể hiện mối đe dọa trực tiếp tới sức mạnh công nghệ của Mỹ. Tham vọng thay đổi trật tự công nghệ hay kế hoạch tăng thêm độ ảnh hưởng của BRI thông qua sự ra đời của DSR đã làm gay gắt thêm quan hệ cạnh tranh phức tạp giữa hai cường quốc này. Trong đó, Đông Nam Á với những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên, địa kinh tế, vị trí trong chuỗi cung ứng và những tiềm năng cho phát triển công nghệ trở thành một trong những tâm điểm của cuộc chiến này. Bài viết này sẽ tập trung vào đánh giá những động thái cạnh tranh của hai cường quốc này về lĩnh vực công nghệ tại khu vực Đông Nam Á trong khuôn khổ DSR. Thông qua phân tích sự xuất hiện và mục tiêu của DSR, chúng tôi sẽ đánh giá ảnh hưởng của sáng kiến này đến tầm ảnh hưởng và vị thế của Mỹ, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Á. Từ bối cảnh đó giải thích cho những phản ứng mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực này. Cuối cùng, bài viết sẽ đưa ra những nhận định và dự đoán những diễn biến tiếp theo của cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.
Sự xuất hiện “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số”
Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số (Digital Silk Road – DSR) là một phần của Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, bên cạnh “Con đường Tơ lụa trên bộ” và “Con đường Tơ lụa trên biển” [1].
Ý tưởng xây dựng DSR lần đầu tiên được nhắc tới vào tháng 11/2014, sau khi nghiên cứu tình hình thực tế kết hợp với bối cảnh chung của chiến lược quốc gia “Một vành đai, Một con đường”, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã tham gia xây dựng nội dung “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” trong “Kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối cho các nước láng giềng” (Plan for the Construction of Interconnected Infrastructure in Surrounding Countries). Tại thời điểm đó, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Xiao Hua cho biết, “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” là điểm khởi đầu quan trọng để xây dựng “Vành đai kinh tế, Con đường tơ lụa” (SREB) [2], nêu rõ tham vọng của Trung Quốc là đạt được kết nối trong các dịch vụ dữ liệu và thông tin cũng như các dịch vụ truyền thông quốc tế trong BRI, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, khoa học công nghệ, y tế cho các bên tham gia.
Tháng 3/2015, văn bản “Tầm nhìn và hành động thúc đẩy xây dựng vành đai kinh tế con đường tơ lụa trên bộ và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” do Chính phủ Trung Quốc ban hành đã dùng từ “Con đường Tơ lụa Thông tin” (Information Silk Road) và kêu gọi “xây dựng cáp quang xuyên biên giới và các mạng lưới đường trục truyền thông khác”, cải thiện “kết nối liên lạc quốc tế” và cải thiện “các đường dẫn thông tin không gian (vệ tinh) để mở rộng trao đổi và hợp tác thông tin” [3].
Năm 2016, dưới sự hướng dẫn của Nhóm lãnh đạo Trung ương về An ninh và Tin học hóa (sau đổi tên thành Ủy ban Trung ương về các vấn đề Không gian mạng năm 2018), Tổng Văn phòng Trung Ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước đã cùng ban hành “Đề cương Chiến lược phát triển tin học quốc gia” và “Kế hoạch 5 năm về Tin học hóa (2016-2020) lần thứ 13” [4], hai tài liệu này đóng vai trò là kim chỉ nam chiến lược cho sự phát triển toàn diện của Trung Quốc thành một “cường quốc trên không gian mạng” (wangluo qiangguo). Cả hai tài liệu đều chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường cạnh tranh công nghệ, sản phẩm và dịch vụ internet thông tin và truyền thông của Trung Quốc, đồng thời sử dụng thuật ngữ “Con đường Tơ lụa Trực tuyến” (Online Silk Road) để làm nổi bật khía cạnh kỹ thuật số của BRI.
Thuật ngữ “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” cuối cùng đã được thống nhất để thể hiện khía cạnh kỹ thuật số của BRI. Thuật ngữ này được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng trong bài phát biểu tại lễ khai mạc “Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường lần thứ nhất” ở Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 5 năm 2017. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố các nước BRI nên “theo đuổi sự phát triển theo định hướng đổi mới, tăng cường hợp tác ở các khu vực biên giới”, đặt ra mục tiêu thiết lập tuyến cáp quang dưới biển, cung cấp đường truyền internet ngắn nhất giữa các quốc gia châu Á – châu Âu và châu Phi, tạo dựng “cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tiên tiến” cho các quốc gia tham gia BRI như mạng băng thông rộng, trung tâm thương mại điện tử và thành phố thông minh. Đáng nói, tại thời điểm này, Trung Quốc hoàn toàn có cơ sở để thực hiện mục tiêu của mình khi chiếm tới 42% thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2017 (một thành tích đáng ấn tượng so với con số chưa đến 1% vào 10 năm trước), và lọt vào top 3 nước đứng đầu thế giới về vốn đầu tư mạo hiểm vào các loại công nghệ kỹ thuật số quan trọng, bao gồm thực tế ảo, in 3D, robot, xe tự hành, máy bay không người lái và AI. Tham vọng của Trung Quốc hiện tại là thông qua “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” thu thập và sở hữu “Dữ liệu lớn” (Big Data). Dữ liệu lớn được coi là nguồn tài nguyên quốc gia quan trọng nhất trong tương lai và sẽ trở thành đối tượng của cuộc chiến địa kinh tế và chính trị, tạo ra thách thức chiến lược trên cả mặt an ninh và thương mại [5].
Ý nghĩa cho sự ra đời của DSR
Theo giới phân tích, DSR đem lại cho Trung Quốc bốn ý nghĩa chiến lược:
Một là, tạo lợi thế cạnh tranh công nghệ: DSR tạo điều kiện cho Trung Quốc thiết lập tiêu chuẩn cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các công nghệ thế hệ tiếp theo như AI, robot, IoT, blockchain… Việc thiết lập các tiêu chuẩn sẽ mang lại lợi thế chiến lược đáng kể cho Trung Quốc trong tương lai. DSR giúp các công ty công nghệ Trung Quốc nhận được tài trợ từ chính phủ, từ đó cung cấp sản phẩm, dịch vụ với giá thành thấp hơn hoặc được chính phủ hậu thuẫn trong các thương vụ M&A.
Hai là, mở rộng mô hình quản trị số Trung Quốc: Trung Quốc có quan điểm quản trị kỹ thuật số rất chặt chẽ, thực thi các hạn chế nghiêm ngặt đối với không gian mạng trong nước, khác với quan điểm tự do của phương Tây. Do đó, các nước khi hợp tác công nghệ với Trung Quốc sẽ sao chép mô hình quản lý của nước này như “địa phương hóa lưu trữ dữ liệu”, “chấm điểm công dân”, “Internet và giám sát”. Việc Trung Quốc triển khai càng nhiều nền tảng công nghệ ra thế giới thì nước này càng củng cố hơn nữa vị trí của mình trong trật tự kỹ thuật số toàn cầu.
Ba là, kiểm soát dữ liệu toàn cầu: Dữ liệu được coi là “yếu tố sản xuất mới” của nền sản xuất. Các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường “tích tụ” dữ liệu toàn cầu, tương tự như dầu mỏ, than đá, kim loại của thời kỳ trước. Đây được coi là “con bài” có giá trị lớn, ảnh hưởng đến phát triển toàn cầu trong tương lai.
Bốn là, phát triển công nghệ lưỡng dụng dân sự – quân sự: DSR liên quan nhiều đến các lĩnh vực công nghệ có tính lưỡng dụng, nhất là công nghệ AI, điện toán đám mây, giao tiếp giữa người – máy, cảm biến, xe không người lái, thị giác máy tính (computer vision), Trung Quốc có thể tận dụng điều này để tạo ra lợi thế trước các đối thủ, đặc biệt là Mỹ [6].
Phương hướng triển khai DSR của Trung Quốc
Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển các dự án “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” trong khuôn khổ sáng kiến BRI như một động lực kết nối toàn cầu, nhất là ở các nước đang phát triển. Mục tiêu của Trung Quốc xoay quanh việc chiếm lĩnh thị trường quốc gia của một số nền kinh tế mới nổi đang gặp khó khăn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu thời đại kinh tế số. DSR có thể trợ giúp các nước đang phát triển bằng cách cung cấp các giải pháp giá rẻ hơn thay cho các hệ thống dữ liệu và bảo mật đắt đỏ đến từ phương Tây. Trong khi các nước châu Âu chủ yếu lựa chọn các hệ thống đắt tiền và an toàn hơn của Mỹ, các quốc gia nghèo hơn, chủ yếu ở Châu Phi và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bị thu hút bởi các sáng kiến DSR do mức giá hấp dẫn thấp [7]. Việc hợp tác của Trung Quốc với các đối tác thông qua DSR có các hình thức khác nhau dưới đây
Hợp tác liên chính phủ
Cho đến tháng 1/2024, theo Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã thâm nhập vào không gian kỹ thuật số của các quốc gia Châu Phi và ký biên bản ghi nhớ DSR với 18 quốc gia. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên khi có sự tham gia của các “ông lớn” công nghệ hàng đầu như Huawei, Tencent và Alibaba [8].
Một số ví dụ về các thỏa thuận được Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc ký kết trong khuôn khổ BRI bao gồm: (1) Một lá thư bày tỏ ý định tăng cường hợp tác với Liên minh Viễn thông Quốc tế trong lĩnh vực Công nghệ thông tin; (2) Biên bản ghi nhớ song phương (MoU) với các bộ ngành chính phủ của Campuchia, Iran, Bangladesh và Afghanistan; (3) Các thỏa thuận với năm quốc gia thành viên của Cộng đồng Đông Phi, Ethiopia và Liên minh Viễn thông Quốc tế nhằm cùng nhau xây dựng các xa lộ thông tin ở Đông Phi; (4) Một kế hoạch hành động nhằm tăng cường quan hệ đối tác để cùng nhau phát triển Công nghệ thông tin giữa Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); và đã có những tiến triển đáng kể trong việc xây dựng các tuyến cáp quang xuyên biên giới Trung Quốc-Myanmar, Trung Quốc-Pakistan, Trung Quốc-Kyrgyzstan và Trung Quốc-Nga để truyền tải thông tin.
Hợp tác đa phương
Đến cuối năm 2017, Trung Quốc đã có 17 trạm biên giới cáp quang mặt đất quốc tế với 12 quốc gia láng giềng và mười tuyến cáp quang ngầm đã được lắp đặt để kết nối 12 quốc gia. Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ ba doanh nghiệp viễn thông tham gia xây dựng Cảng thông tin Trung Quốc-ASEAN. Các ngành công nghiệp Trung Quốc cũng đã tích cực thúc đẩy sự phát triển của BeiDou-2, một hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu của Trung Quốc, với mục tiêu có 35 vệ tinh vào năm 2020. Một số quốc gia châu Á, bao gồm Pakistan, Lào, Brunei và Thái Lan, đã áp dụng hệ thống này.
Hợp tác giữa doanh nghiệp Trung Quốc và chính phủ nước ngoài
Doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển “Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” của Trung Quốc, có thể kể đến Alibaba, Tencent, Huawei,… Trong khuôn khổ BRI, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiếp cận chính quyền quốc gia hoặc địa phương của các nước BRI để ký kết các thỏa thuận hợp tác hoặc ký hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng. Các hoạt động này đã diễn ra dưới nhiều hình thức:
Alibaba đã ký Biên bản ghi nhớ với Cục Phát triển Thương mại Pakistan vào tháng 5 năm 2017 để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Pakistan và với chính phủ Thái Lan vào tháng 4 năm 2018. Biên bản ghi nhớ sau sẽ giúp thiết lập một trung tâm dữ liệu thông minh tại Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại EEC xây dựng nền tảng kỹ thuật số cho du lịch tại Thái Lan và nâng cao năng lực của các nhân viên thương mại điện tử địa phương.
Các công ty Trung Quốc cũng đã tham gia xây dựng các thành phố thông minh ở các quốc gia khác. Ví dụ, cả Huawei và Alibaba đều tham gia xây dựng Dubai thông minh. Bên cạnh đó, Alibaba Cloud Computing đã tham gia vào quá trình phân tích dữ liệu của Thẻ EZ-Link tại Singapore và kế hoạch chuyển đổi số của Ả Rập Xê Út.
Chính phủ Thái Lan đã cố gắng thu hút Alibaba và Huawei đầu tư vào EEC. Theo Rookie Network Technology Co. Ltd, mạng lưới quan trọng của Trung Quốc về hậu cần thông minh do Alibaba kiểm soát đã thiết lập một tuyến đường nhanh chóng cho các sản phẩm nông nghiệp tươi bao gồm Durio zibethinus murr. từ Thái Lan đến nhiều thành phố lớn ở Trung Quốc. Huawei đã thành lập một phòng thí nghiệm mở tại Bangkok vào tháng 6 năm 2017, một nền tảng hợp tác và sáng tạo dành cho khách hàng và doanh nhân địa phương. Tổng vốn đầu tư của phòng thí nghiệm là 15 triệu USD.
Một số quốc gia, chẳng hạn như Argentina, đã áp dụng sáng kiến của Alibaba về Nền tảng thương mại điện tử thế giới (eWTP). Vào tháng 5 năm 2017, Tổng thống Argentina tuyên bố rằng chính phủ đã đạt được thỏa thuận chiến lược với Alibaba liên quan đến eWTP.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư hoặc hoạt động ở các thị trường nước ngoài. Ví dụ, vào năm 2016, China Mobile Communications Corporation, China Unicom và China Telecom đã đầu tư khoảng 800 triệu USD vào các thị trường nước ngoài và bắt đầu hoạt động kinh doanh tại nhiều quốc gia và khu vực bao gồm Pakistan, Thái Lan và Singapore. Ngoài ra còn có sự hợp tác của Huawei để phát triển các dịch vụ băng thông rộng 5G trên khắp Myanmar. Ngay từ năm 2013, Huawei đã bắt đầu đầu tư vào Myanmar và tài trợ thiết bị tương đương 5 triệu USD cho nhiều mục đích khác nhau, bao gồm cả Tổ chức Đại hội thể thao Đông Nam Á và cho các hệ thống công nghệ di động. Huawei cam kết tăng cường hiểu biết về kỹ thuật số và việc sử dụng Internet vạn vật tại Myanmar vào tháng 2/2019.
Ngày nay, ngày càng có nhiều công ty ứng dụng quan tâm đến thị trường quốc tế. Các công ty Trung Quốc ngày càng hoạt động quốc tế mạnh trong lĩnh vực thương mại điện tử, trực tuyến đến ngoại tuyến (O2O), mạng xã hội, tiện ích, nội dung và trò chơi. Ngoài các nước phát triển, các ứng dụng Trung Quốc đang thu hút người dùng ở các nước BRI ở Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông, Mỹ Latinh và Châu Phi. Đến cuối năm 2017, hơn 700 công ty đã có hoạt động kinh doanh quốc tế [9].
“Con đường Tơ lụa Kỹ thuật số” của Trung Quốc tại Đông Nam Á
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” tìm cách thúc đẩy kết nối kỹ thuật số chiến lược trên khắp Châu Á – Thái Bình Dương trong thời điểm các cường quốc đang cạnh tranh giành ảnh hưởng trong khu vực và toàn cầu. Để khẳng định vị thế tối cao về công nghệ của mình, chính phủ Trung Quốc hợp tác với các công ty Internet trong nước là Alibaba và Tencent để tạo ra BRI kỹ thuật số của riêng mình tại Đông Nam Á – một chiến trường quan trọng trong cuộc cạnh tranh địa chính trị này. Nhờ vị trí địa lý gần gũi và mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, các quốc gia trong khu vực đã trở thành đối tác của Sáng kiến “Vành đai, Con đường” từ lâu. Không chỉ vậy, Đông Nam Á còn là một thị trường tiềm năng đáp ứng đủ tiêu chí để các chính sách DSR tiếp cận, có thể kể tới lĩnh vực thanh toán điện tử. Thị trường thanh toán điện tử (gọi tắt là e-payments) được dự đoán sẽ trở thành tương lai của các giao dịch, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử của khu vực. Đông Nam Á là một thị trường hoàn hảo cho quá trình số hóa với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao nhưng vẫn tồn tại một bộ phận lớn dân số chưa được cung cấp dịch vụ thanh toán tài chính phù hợp. Năm 2019, khu vực này có 360 triệu người dùng Internet, nhưng chưa đến 1/3 trong số đó có tài khoản ngân hàng, nghĩa là hầu hết không có quyền truy cập đầy đủ vào các dịch vụ tài chính. Chính vì vậy, Đông Nam Á là đối tượng nhận được nhiều khoản đầu tư DSR của Trung Quốc trong những năm gần đây. Tất cả các quốc gia trong khu vực đều nhận được khoản đầu tư DSR, trong đó Indonesia, Singapore và Malaysia chiếm phần lớn hơn cả.
Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc là những nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực khởi nghiệp và thương mại điện tử ở Đông Nam Á. Alibaba điều hành công ty thương mại điện tử Lazada Group có trụ sở tại Singapore, nơi có số lượng người dùng hoạt động hàng tháng cao nhất ở Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Phương tiện để kết nối thị trường là thanh toán điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử có thể liên kết người tiêu dùng với các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến mới, thúc đẩy hội nhập tài chính, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) dễ dàng tiếp cận, kết nối với thị trường trong nước và toàn cầu. Điều này vừa khéo Trung Quốc làm rất tốt, với sự thành công của “cuộc cách mạng thanh toán điện tử” trong nước, dẫn đầu là WeChat Pay của Tencent và Alipay của Alibaba, sẵn sàng hỗ trợ và cung cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ với giá rẻ hơn rất nhiều (chỉ bằng 1/7 so với PayPal) cho các nước trong khu vực Đông Nam Á. Alipay của Jack Ma gần đây đã thâm nhập vào thị trường thanh toán điện tử ở Campuchia, Lào, Philippines và Myanmar, ban đầu phục vụ khách du lịch Trung Quốc, dịch vụ này trước đó cũng đã ra mắt tại Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Chưa hết, Tencent và Didi Chuxing, cùng với nhiều công ty khác, đã đầu tư vào mảng xe công nghệ, bao gồm Grab và Go-Jek, truất ngôi dịch vụ gọi xe hàng đầu của Mỹ – Uber ở Đông Nam Á [10].
Để tạo điều kiện cho sự phát triển của DSR trong khu vực, Trung Quốc đã tìm cách thể chế hóa DSR thông qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm thiết lập các cơ chế và thể chế cụ thể của DSR, tổ chức các sự kiện liên quan đến DSR và cung cấp các buổi đào tạo công nghệ. Các cơ chế chính liên quan đến vấn đề này bao gồm “Sáng kiến hợp tác thành phố thông minh ASEAN-Trung Quốc” (2019), “Sáng kiến quan hệ đối tác kinh tế số Trung Quốc-ASEAN” (2020), “Cơ chế đối thoại mạng ASEAN-Trung Quốc (2020 và 2022)”, “Kế hoạch hành động triển khai quan hệ đối tác ASEAN-Trung Quốc về hợp tác kinh tế số (2021-2025)” (2022) và “Sáng kiến ASEAN-Trung Quốc về Tăng cường hợp tác thương mại điện tử” (2023). Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đàm phán với các nước ASEAN để nâng cấp “Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA 3.0)”, tập trung vào ba lĩnh vực mới nổi: kinh tế số, kinh tế xanh và các ngành công nghiệp chuỗi cung ứng [11]. Về mặt thể chế, có thể kể tới “Cảng thông tin Trung Quốc-ASEAN” (CAIH) do khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc thành lập năm 2016 nhằm biến Quảng Tây thành “trung tâm kỹ thuật số” kết nối Trung Quốc và ASEAN [12]. Vào tháng 4/2023, công ty đầu tư mạo hiểm Kairous Capital có trụ sở tại Malaysia đã công bố ra mắt “Hội đồng hợp tác số Malaysia-Trung Quốc”, nhằm mục đích “thúc đẩy sự hợp tác xuyên biên giới lâu dài giữa các công ty Malaysia và Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Ngoài ra, Trung Quốc đã tổ chức nhiều hội thảo và diễn đàn để hỗ trợ sự phát triển của DSR tại Đông Nam Á. Có thể kể tới “Hội thảo trực tuyến: Con đường tơ lụa kỹ thuật số” (6/2020) do Đại học Chiết Giang tổ chức với sự tham gia của quan chức chính phủ, học giả và giới tinh hoa kinh doanh từ 16 quốc gia, bao gồm Indonesia, Singapore, Malaysia và Thái Lan, hay “Diễn đàn Cảng thông tin Trung Quốc-ASEAN với chủ đề: Con đường tơ lụa kỹ thuật số, Con đường phía trước” (11/2020) do CAIH tổ chức, nhằm mục đích “xây dựng nền tảng hợp tác cùng có lợi và cùng có lợi, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong ngành kinh tế kỹ thuật số ASEAN-Trung Quốc”. Vào tháng 12/2022, China Daily và Trung tâm ASEAN-Trung Quốc cũng đã đồng tổ chức một hội thảo với chủ đề “Những Mối Quan Hệ Kinh tế Kỹ Thuật Số, Một Chương mới tại Thành phố Thông minh”, tại đó, đại diện từ Trung Quốc và ASEAN đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, giải thích kết quả nghiên cứu và thảo luận về cách thức tăng cường trao đổi, củng cố hợp tác trong nền kinh tế kỹ thuật số giữa Trung Quốc – ASEAN từ những góc nhìn khác nhau, cũng như cách thức đẩy mạnh xây dựng Khu vực Thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN Phiên bản 3.0 [13].
Trung Quốc còn triển khai các chiến lược “bản địa hóa”, tổ chức các buổi đào tạo an ninh mạng cho các quan chức chính quyền địa phương, các chuyên gia và sinh viên đại học. Ví dụ, vào năm 2021, Huawei đã triển khai khóa đào tạo kỹ năng số kéo dài 5 năm cho 100.000 viên chức chính phủ và chương trình đào tạo tài năng số cho hơn 30 trường đại học tại Indonesia. Không dừng lại ở đó, thông qua chương trình “Hạt giống cho tương lai” khởi xướng năm 2011, Huawei đã đào tạo hơn 3.000 sinh viên đại học từ hơn 108 quốc gia (bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á). Cũng vì thế, Indonesia là điểm đến hàng đầu cho các khoản đầu tư DSR của Trung Quốc, theo sau là Singapore và Malaysia [14].
Phản ứng của Mỹ trước ảnh hưởng từ “Con đường Tơ lụa Kĩ thuật số” của Trung Quốc tại Đông Nam Á
Mỹ từ lâu đã là nền kinh tế hùng mạnh, đi đầu trong nhiều lĩnh vực đặc biệt là công nghệ [15]. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, sau khi tái mở cửa nền kinh tế vào năm 1970, Trung Quốc với những thế mạnh về tài nguyên, nguồn lực xây dựng và nhân lực dồi dào, giá rẻ của mình,… nền kinh tế đã vươn lên, mở rộng tầm ảnh hưởng và trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Mỹ, thậm chí vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất châu Phi và nhiều nước khu vực châu Mỹ Latinh [16],[17]. Sự tăng trưởng “thần kỳ” của nền kinh tế này cùng những nỗ lực bành trướng tầm ảnh hưởng đang trực tiếp đe dọa vị thế của Mỹ trên toàn cầu. Từ lâu, Mỹ đã thể hiện rõ ràng thái độ thù địch của mình với Trung Quốc, khi những người đứng đầu chính quyền của Mỹ, tiêu biểu là cựu Tổng thống Donald Trump, dưới những bài phát biểu của mình, liên tục nhiều lần miêu tả Trung Quốc là “kẻ thù” (enemy) của họ, khẳng định rằng nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế thiếu nhân quyền, hung hăng với những hành động cạnh tranh thiếu công bằng, bành trướng và Trump không ngừng đưa ra những biện pháp để kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế mới nổi này [18].
Cuộc chiến công nghệ Mỹ – Trung
Ở thời điểm hiện tại, công nghệ là lĩnh vực được Mỹ và Trung Quốc tập trung đẩy mạnh và là mục tiêu phát triển chính của hai nước, cạnh tranh Mỹ – Trung càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết với những lệnh cấm các nền tảng công nghệ, áp đặt thuế quan cho các sản phẩm xuất khẩu, ngăn cản việc xuất khẩu yếu tố đầu vào cho sản xuất đến quốc gia còn lại. Vào năm 2017, trong “Chiến lược an ninh quốc gia năm 2017”, Mỹ coi công nghệ Trung Quốc là một trong những mục tiêu lớn cần phải giải quyết khi công nghệ nước này đang là một thách thức lớn tới kinh tế, an ninh và quyền lực của Mỹ. Hàng loạt những động thái ngăn chặn sự phát triển của công nghệ Trung Quốc trong nước đã được đề ra như “Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019” cấm việc sử dụng công nghệ Trung Quốc trong cơ quan chính phủ Mỹ,… Với sự xuất hiện của sáng kiến con đường tơ lụa kĩ thuật số (DSR), tình hình cuộc chiến tranh công nghệ Mỹ – Trung sẽ càng trở nên căng thẳng và phức tạp hơn trên quy mô toàn cầu. Đối diện với sự phát triển vượt bậc của công nghệ Trung Quốc, quan điểm của Mỹ luôn nhất quán rằng công nghệ từ quốc gia này là thiếu an toàn với những nỗ lực cạnh tranh không bình đẳng. Mỹ nhiều lần đặt ra nghi vấn chính phủ Trung Quốc đang có những hành động thu thập dữ liệu người tiêu dùng trên toàn thế giới và sử dụng cho mục đích chính trị. Trong phiên điều trần với CEO của Tiktok, quan chức Mỹ liên tục đặt ra những câu hỏi thể hiện nỗi lo ngại chính phủ Trung Quốc có thể thông qua ứng dụng này thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng ở Mỹ, phát tán những thông tin sai sự thật về chính trị [19]. Trong cuộc đối thoại với chính phủ Trung Quốc, tổng thống Mỹ Joe Biden còn từng trực tiếp đưa ra nghi ngờ Trung Quốc sử dụng AI như công nghệ deepfake nhằm tạo nội dung sai lệch về chính trị Mỹ [20]. Bên cạnh đó, Mỹ cũng cho rằng sự phát triển của công nghệ Trung Quốc đến từ hành vi cạnh tranh không bình đẳng, có thể gây ảnh hưởng không tốt và phá hủy thị trường, quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động ở Mỹ cũng như các quốc gia khác [21].
Với những quan điểm trên, sự mở rộng của DSR đối với Mỹ tương tự như một động thái đe dọa từ Trung Quốc với mục đích xâm nhập sâu tới các dữ liệu nhạy cảm, đe dọa an ninh mạng, phát tán thông tin sai lệch ở các quốc gia khác nhằm phục vụ những lợi ích chính trị của mình [22]. Mỹ kêu gọi tẩy chay công nghệ Trung Quốc, phản đối việc tiếp nhận DSR. Việc Trung Quốc mang công nghệ của mình đến các quốc gia khác là đang sử dụng phương tiện giám sát, kiểm soát và lan rộng mô hình quản lý độc tài, mô hình quản trị số của mình. Việc Malaysia đang áp dụng mô hình quản lý mạng tương tự như “tường lửa vĩ đại” của Trung Quốc càng giúp Mỹ củng cố những khẳng định thù địch của mình cho chương trình đầu tư này [23].
Cuộc chiến tầm ảnh hưởng tại Đông Nam Á
Bên cạnh những động thái đối địch với sáng kiến DSR, Mỹ cũng thể hiện sự lo ngại với những tác động của chương trình này đến tầm ảnh hưởng của mình trên thế giới nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Sự đối đầu giữa hai quốc gia này đặc biệt căng thẳng tại ASEAN khi Mỹ muốn thông qua khối kinh tế – chính trị này quay lại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cản trở sự bành trướng của Trung Quốc, trong khi chính phủ Bắc Kinh lại muốn khiến ASEAN phụ thuộc mạnh mẽ hơn vào mình để trở thành vùng đệm cho quốc gia này. Từ sau sự kiện rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vị thế của Mỹ ở khu vực này đang dần bị Trung Quốc vượt lên. Việc Mỹ phá vỡ những lời hứa hẹn của mình và thể hiện một thái độ lưỡng lự với các quốc gia thuộc TPP khi rút khỏi Hiệp định vào năm 2015 đã khiến Trung Quốc có cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường tiềm năng này [24]. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc ngày càng bành trướng tầm ảnh hưởng trong khu vực này khiến Mỹ trở nên lo ngại và đề phòng với kế hoạch DSR của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, Mỹ đang tỏ ra sốt sắng hơn trong việc tái thiết lập vị thế của mình ở khu vực Đông Nam Á thông qua thiết lập những thỏa thuận song phương với các quốc gia trong khu vực này [25]. Đặc biệt, khi các quốc gia Đông Nam Á đang dần thay đổi định hướng sang phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, việc quốc gia nào nhanh chân tăng cường củng cố sức ảnh hưởng của mình tới thị trường Đông Nam Á sẽ mang lại cho quốc gia đó những tiềm năng vô cùng lớn trong tương lai.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, ông đã khẳng định rằng Mỹ sẽ quay trở lại đẩy mạnh đầu tư và ngoại giao thay vì tập trung vào quan điểm của Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump rằng “nước Mỹ trên hết” [26]. Đây được cho là động thái của Mỹ nhằm lấy lại vị thế và sức ảnh hưởng của mình với khu vực châu Á hay Đông Nam Á. Đánh giá tình hình hiện nay, việc hợp tác của Mỹ đang tập trung nhiều vào các động thái song phương thay vì các tổ chức quốc tế đa phương như trước đây. Từ năm 2020, Trung Quốc và Mỹ liên tục có những buổi gặp mặt và trao đổi về hợp tác kinh tế với các quốc gia Đông Nam Á. Khởi đầu bằng việc Mỹ nâng cấp quan hệ ngoại giao với Đông Nam Á lên thành đối tác chiến lược toàn diện, sau đó là hàng loạt việc nâng cấp quan hệ với những quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Malaysia,… đã thể hiện mong muốn hợp tác và khôi phục ảnh hưởng mạnh mẽ của Mỹ tại khu vực này [27]. Mỹ đang tận dụng mạnh mẽ việc thắt chặt quan hệ song phương nhằm đẩy mạnh cạnh tranh công nghệ của mình. Đặc biệt thông qua Đối thoại Công nghệ quan trọng và đổi mới mới nổi (CET), Mỹ sẽ có thêm những cơ hội để trực tiếp, thẳng thắn bày tỏ những quan điểm của mình và đàm phán thúc đẩy hợp tác công nghệ với các quốc gia Đông Nam Á. Trong chuyến thăm Singapore trong khuôn khổ đối thoại CET vào tháng 10/2023, Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong đã khẳng định mong muốn định hướng về phát triển công nghệ của Mỹ ở Đông Nam Á nói chung và Singapore nói riêng. Mỹ thể hiện khát khao chia sẻ thông tin, công nghệ nhằm đào tạo và phát triển sâu về AI, tích hợp các hệ sinh thái, chuẩn mực công nghệ chung giữa hai nước.
Bên cạnh đó, một trong những sáng kiến tiêu biểu của Mỹ liên quan đến khu vực này là “Chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương” (IPS) được để xuất vào năm 2021, với một trong những mục tiêu của kế hoạch là định hình sự phát triển của Mỹ trong lĩnh vực kỹ thuật số ở khu vực này thông qua thúc đẩy những biện pháp tiếp cận chung các công nghệ then chốt, mới nổi và không gian mạng [28]. Với sáng kiến này, Mỹ nỗ lực quay trở lại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời tạo một khuôn khổ hợp tác toàn diện hơn thông qua quy tắc thương mại chung bằng cách tập hợp các thỏa thuận riêng lẻ, song phương,… đặc biệt trong các lĩnh vực như chuỗi cung ứng, năng lượng xanh, cơ sở kỹ thuật số thay vì thỏa thuận đa phương truyền thống như trước đây [29]. Một trong những sáng kiến tiêu biểu dưới khuôn khổ “Chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương” là chương trình “Đối tác kỹ thuật số và không gian mạng” (DCCP). DCCP là một bước đi quan trọng giúp Mỹ mở rộng thị phần của mình trong lĩnh vực công nghệ và xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý cho công nghệ mạnh mẽ hơn thông qua hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ của quốc gia chủ nhà, thúc đẩy việc áp dụng công nghệ của các công ty nhỏ và vừa và làm việc với chính phủ trong việc xây dựng khuôn khổ pháp lý về công nghệ trong khu vực này. Sự ra đời của IPEF được cho rằng sẽ đối trọng trực tiếp với sáng kiến DSR của Trung Quốc nhằm ngăn chặn việc Trung Quốc thiết lập một tiêu chuẩn công nghệ mới của Trung Quốc tại khu vực này. Với những nỗ lực bằng cách sáng kiến hợp tác của mình, có thể thấy, Mỹ đang muốn thông qua những thỏa thuận song phương với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đặc biệt là Đông Nam Á – một nút thắt quan trọng trong kế hoạch của Mỹ, mở rộng thị phần công nghệ của đất nước này nhằm hỗ trợ sự phát triển của các công ty công nghệ Mỹ cạnh tranh trực tiếp với những gã công nghệ khổng lồ từ Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ mong muốn thúc đẩy xây dựng những tiêu chuẩn công nghệ, khuôn khổ pháp lý liên quan đến lĩnh vực số chung tạo một môi trường kinh doanh, nghiên cứu thuận lợi cho sự phát triển của quốc gia này trong khu vực.
Không chỉ dừng lại với những nỗ lực của chính phủ, những tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Intel,… cũng đang có những động thái rõ rệt trong cuộc chiến thị phần và tầm ảnh hưởng với các công ty Trung Quốc trong khu vực này. Năm 2024, Đông Nam Á chứng kiến những cuộc ghé thăm thường xuyên của những người đứng đầu tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ như Tim Cook (Apple), Satya Nadella (Microsoft), … với những thỏa thuận đầu tư lớn vào các quốc gia này như 1.7 tỷ USD cho công nghệ kiến trúc đám mây và AI ở Thái Lan từ Microsoft, mở rộng cơ sở hạ tầng đám mây ở Singapore từ Amazon,… [30]. Với những lợi thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, nguồn nhân lực, tài nguyên thiên nhiên và thị trường tiêu dùng và phát triển công nghệ, Đông Nam Á đang thể hiện mình đóng vai trò như một khu vực kinh tế quan trọng cho các tập đoàn công nghệ đến và chinh phục. Đối mặt sự mở rộng mạnh mẽ của Huawei, Xiaomi,… từ Trung Quốc cùng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ nước này, các tập đoàn công nghệ lớn cũng như chính phủ Mỹ đã ngay lập tức liên tục đáp trả lại bằng những khoản đầu tư phát triển lớn của mình.
Đánh giá chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc tại Đông Nam Á
Để đánh giá độ hiệu quả của những hành động của Mỹ đến Đông Nam Á nhằm tăng sức ảnh hưởng của mình trong khu vực này, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, ta cần xem xét trên ba khía cạnh: quan điểm chính trị của các nước trong khu vực Đông Nam Á, hiệu quả của các kế hoạch tiếp cận Đông Nam Á từ Mỹ so với DSR của Trung Quốc và bối cảnh tình hình thế giới hiện nay.
Trước hết, về quan điểm chính trị của các quốc gia Đông Nam Á, các quốc gia trong khu vực này có chính sách chủ trương trung lập nhằm đạt được lợi ích tối đa từ hai bên với rủi ro tối thiểu bị đe dọa đến an ninh, chính trị. Trong các cuộc xung đột giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, những quốc gia này thường không can thiệp hoặc đưa ra những quan điểm không nghiêng về phe nào. Trước sự lôi kéo từ hai phía, các quốc gia trong khu vực cũng thể hiện mong muốn được hợp tác chặt chẽ hơn trên phương diện kinh tế nhưng đồng thời cẩn trọng nhằm tránh nghiêng về bên. Vì vậy, với chính sách mà Mỹ cho là “ngoại giao bẫy nợ” có thể là một hành động khiến các quốc gia này bắt buộc phải chọn phe Trung Quốc. Hiện nay, Lào và Campuchia đang có xu hướng xích gần lại phía Trung Quốc, một phần do hệ quả từ đầu tư và viện trợ mạnh mẽ từ quốc gia này. Tuy nhìn tổng thể thì Đông Nam Á luôn giữ thái độ hòa nhã nhưng trong xung đột với Trung Quốc về vấn đề chủ quyền tại khu vực biển Đông, Đông Nam Á sẵn sàng thể hiện quan điểm cứng rắn và mạnh mẽ. Từ lâu, những quốc gia sở hữu chủ quyền trên biển Đông đã có những căng thẳng chưa dứt với Trung Quốc. Đó cũng là lý do khiến nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tỏ ra dè chừng và cẩn trọng khi hợp tác với chính phủ Bắc Kinh [31]. Đây sẽ là cơ hội lớn cho Mỹ tận dụng để thu hút sự đồng tình với mình thông qua đầu tư vào khu vực này.
Khía cạnh thứ hai là xét về độ hiệu quả của các kế hoạch, sáng kiến của Mỹ so với DSR hay BRI của Trung Quốc. Nhìn chung, DSR thuộc khuôn khổ BRI của Trung Quốc đang thể hiện được các mục tiêu rõ ràng và cụ thể trong chiến lược về ngắn hạn và dài hạn. Các kế hoạch của Mỹ thường khá mơ hồ trong phương thức và cách thức triển khai của mình. Dù mỗi kế hoạch đều có những thành tựu và tầm ảnh hưởng, song những hành động của Mỹ ở khu vực này từ thúc đẩy đầu tư tư nhân, các hiệp định hợp tác song phương, … còn khá riêng lẻ, khó nắm bắt. Bên cạnh đó, các phương hướng triển khai thiếu thống nhất giữa các nhiệm kỳ tổng thống cũng khiến nước đi của Mỹ ở khu vực này trở nên mơ hồ và thiếu rõ ràng hơn. Cụ thể, ta có thể nhìn lại cách tiếp cận Đông Nam Á dưới thời tổng thống Obama và Trump. Trong thời Obama, thông qua TPP (Trans – Pacific Partnership), việc hợp tác với các nước trong khu vực Thái Bình Dương nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này có phần ôn hòa hơn với Trung Quốc, khi vẫn đưa ra những đề nghị hợp tác với Trung Quốc trong các vấn đề như biến đổi khí hậu,… Tuy nhiên, đến thời Trump, thái độ của vị tổng thống này với Trung Quốc quyết liệt hơn rất nhiều. Ông tập trung vào những hiệp định hợp tác song phương thay vì đa phương như trước đây, đồng thời, gây nhiều sức ép cho các nước đồng mình và các đối tác khác của Mỹ trong việc chọn phe rõ ràng. Tuy rằng việc chuyển từ hợp tác, trao đổi đa phương sang thúc đẩy quan hệ song phương với các quốc gia trong khu vực sẽ khiến quá trình đàm phán các thỏa thuận của Mỹ trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn so với các diễn đàn đa phương trước đây khi phải xử lý quá nhiều luồng quan điểm khác biệt giữa các nước, nhưng hành động rút khỏi TPP đã làm các quốc gia trong khu vực quan ngại về lợi ích và cam kết từ Mỹ trong khu vực này. Những thay đổi liên tục và những kế hoạch khó đoán từ các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ khiến Đông Nam Á trở nên chần chừ và e ngại về quyết định hướng về phía Mỹ, thay vào đó họ sẽ chọn Trung Quốc [32].
Cuối cùng, trong bối cảnh hỗn loạn như hiện nay với nhiều cuộc chiến tranh căng thẳng trên cả mặt trận quân sự và kinh tế, ta đều thấy có sự can thiệp và tác động từ Mỹ. Mỹ vốn có những đồng minh thân cận và những kẻ thù lâu năm. Điều đó khiến nguồn lực của Mỹ liên tục phải dàn trải cho những vấn đề này. Cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, xung đột Trung Đông, tranh chấp xung quanh bán đảo Triều Tiên, hay cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và vô vàn những vấn đề khác sẽ khiến cho nguồn lực và sự tập trung của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á giảm dần, từ đó tạo cơ hội cho Trung Quốc thể hiện sức mạnh và ảnh hưởng tại khu vực này [33].
Từ rất lâu Mỹ đã coi năng lực công nghệ của Trung Quốc là mối đe dọa đối với sức mạnh kinh tế, an ninh và quân sự, trích trong “Chiến lược an ninh quốc gia 2017” dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kể từ đó, vị cựu Tổng thống này cũng có rất nhiều điều chỉnh chính sách, gia tăng phối hợp với các đồng minh để kiềm chế Trung Quốc. Cuộc chiến công nghệ toàn diện Mỹ – Trung được đánh dấu bằng “Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2019” (8/2018) với việc Mỹ cấm sử dụng các sản phẩm công nghệ của Huawei và ZTE trong các cơ quan chính phủ và các nhà thầu. Tiếp đó dưới thời Trump, hàng loạt sắc lệnh cấm, tẩy chay các thiết bị, sản phẩm, ứng dụng tới từ các công ty công nghệ của Trung Quốc. Dưới thời Biden, phản ứng và động thái của Mỹ có vẻ hòa hoãn hơn trước, tuy nhiên các cơ chế áp đắt để hạn chế công nghệ Trung Quốc vẫn còn đó [34].
Tình hình của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 cũng ảnh hưởng rất nhiều tới phản ứng và động thái của Mỹ. Việc Tổng thống Biden tuyên bố ngừng tranh cử và ủng hộ bà Harris khiến cho tương lai người cầm quyền Mỹ trở nên phức tạp và khó dự đoán hơn. Việc ai sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này sẽ tác động rất nhiều tới việc hoạch định chính sách của Mỹ đối với vấn đề mở rộng DSR tại Đông Nam Á của Trung Quốc.
Kết luận
Với những ảnh hưởng và vị thế đang lên của khu vực Đông Nam Á trong chuỗi cung ứng và địa chính trị, việc Mỹ hay Trung Quốc chiếm được tầm ảnh hưởng ở khu vực này sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. DSR đã và đang thể hiện là mô hình hiệu quả giúp Trung Quốc mở rộng sức mạnh công nghệ và tầm ảnh hưởng của mình. Cả Mỹ và Trung Quốc đều có những cơ hội và thách thức nhất định trong quá trình chiếm lĩnh được thị trường công nghệ Đông Nam Á. Để đáp trả, Mỹ đã đưa ra rất nhiều hành động từ tăng cường đầu tư tư nhân trực tiếp, hợp tác song phương và nâng cấp quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khi Mỹ có quá nhiều mối bận tâm bên cạnh Đông Nam Á, sự thiếu thống nhất trong phương hướng triển khai do sự khác biệt trong đường lối chính trị của các Đảng sẽ ảnh hưởng đến độ hiệu quả của các chính sách từ Mỹ so với Trung Quốc ở khu vực này. Để gia tăng sức ảnh hưởng của mình, những chính sách từ Mỹ ở khu vực này cần có tính thống nhất và mạnh mẽ hơn. Những điều chỉnh này cũng sẽ tiến tình hình Đông Nam Á sẽ ngày càng trở nên phức tạp./.
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Thơ & Lê Thị Ngọc Diệp (Economia)
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhóm tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
[1], [10] Nghiên Cứu Chiến Lược. (2024, February 27). Con đường tơ lụa kỹ thuật số ở Đông Nam Á: triển vọng và thách thức. Nghiên Cứu Chiến Lược. https://nghiencuuchienluoc.org/con-duong-to-lua-ky-thuat-so-o-dong-nam-a-trien-vong-va-thach-thuc/
[2] https://finance.sina.com.cn/china/20141111/020820781108.shtml
[3] Belt and Road Forum for International Cooperation. (n.d.). Full Text: Vision and actions on jointly building Belt and Road (3) – Belt and Road Forum for International Cooperation. 2017.Beltandroadforum.org. http://2017.beltandroadforum.org/english/n100/2017/0410/c22-45-3.html
[4] The State Council . (2016). State Council releases five-year plan on informatization. Www.gov.cn. https://english.www.gov.cn/policies/latest_releases/2016/12/27/content_281475526646686.htm
[5] Nghiên Cứu Chiến Lược. (2023, October 4). Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc – một thập kỷ phát triển và một số chỉ dấu chính sách đối với Việt Nam (Phần I) – Nghiên Cứu Chiến Lược. Nghiên Cứu Chiến Lược. https://nghiencuuchienluoc.org/sang-kien-vanh-dai-con-duong-cua-trung-quoc-mot-thap-ky-phat-trien-va-mot-so-chi-dau-chinh-sach-doi-voi-viet-nam-phan-i/
[6], [34] ictvietnam.vn. (2023, May 7). Chiến lược “con đường tơ lụa kỹ thuật số” của Trung Quốc và tác động với khu vực ASEAN. Tạp Chí Điện Tử Thông Tin và Truyền Thông. https://ictvietnam.vn/chien-luoc-con-duong-to-lua-ky-thuat-so-cua-trung-quoc-va-tac-dong-voi-khu-vuc-asean-57076.html
[7] China’s Digital Silk Road taking its shot at the global stage | East Asia Forum. (2024, May 9). East Asia Forum. https://eastasiaforum.org/2024/05/09/chinas-digital-silk-road-taking-its-shot-at-the-global-stage/
[8], [14] China’s Digital Silk Road (DSR) in Southeast Asia: Progress and Challenges. (2024, January 23). FULCRUM. https://fulcrum.sg/chinas-digital-silk-road-dsr-in-southeast-asia-progress-and-challenges/
[9] Gong, S., & Li, B. (2019, December). The Digital Silk Road and the Sustainable Development Goals. https://www.researchgate.net/publication/338084464_The_Digital_Silk_Road_and_the_Sustainable_Development_Goals
[11] HỮU HƯNG. (2023, February 16). Triển vọng từ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0. Báo Nhân Dân Điện Tử; Báo Nhân Dân điện tử. https://nhandan.vn/trien-vong-tu-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-asean-trung-quoc-phien-ban-30-post739000.html
[12] Friedrich-Ebert-Stiftung Asia. (2016). The Digital Silk Road: From South-China to Southeast Asia. Asia.fes.de. https://asia.fes.de/news/digital-silk-road.html
[13] hiephoanet.vn. (2023, March 6). Những Mối Quan Hệ Kinh Tế Kỹ Thuật Số, Một Chương Mới tại Thành Phố Thông Minh -Tour Góc Nhìn của Truyền Thông ASEAN về Truyền Thông Trung Quốc Kỹ Thuật Số tại Thâm Quyến. Hiephoanet.vn; WordPress.com. https://hiephoanet.vn/2023/03/06/nhung-moi-quan-he-kinh-te-ky-thuat-so-mot-chuong-moi-tai-thanh-pho-thong-minh-tour-goc-nhin-cua-truyen-thong-asean-ve-truyen-thong-trung-quoc-ky-thuat-so-tai-tham-quyen/
[15] Stocker, M. (2017, February 27). Understanding the global role of the US economy. CEPR. https://cepr.org/voxeu/columns/understanding-global-role-us-economy
[16] US Bank. (2023, September 18). Analysis: China’s economy and its influence on global markets | U.S. bank. Www.usbank.com. https://www.usbank.com/investing/financial-perspectives/market-news/chinas-economic-influence.html
[17], [18] U.S. Global Leadership Coalition . (2021, April). China’s growing global influence: What’s at stake? USGLC. https://www.usglc.org/chinas-growing-influence-is-america-getting-left-behind/
[19] Paul, K., & Bhuiyan, J. (2023, March 23). Key takeaways from tiktok hearing in congress – and the uncertain road ahead. The Guardian. https://www.theguardian.com/technology/2023/mar/23/key-takeaways-tiktok-hearing-congress-shou-zi-chew
[20] Keaten, J., & Chan, K. (2024, September 16). In first AI dialogue, US cites “misuse” of AI by china, beijing protests washington’s restrictions. APNEWS. https://apnews.com/article/artificial-intelligence-china-united-states-biden-xi-geneva-506da7b5fa72d5fe1bcd54fb8ec4f898
[21] The White House. (2024, May 14). FACT SHEET: President biden takes action to protect american workers and businesses from china’s unfair trade practices. The White House. https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2024/05/14/fact-sheet-president-biden-takes-action-to-protect-american-workers-and-businesses-from-chinas-unfair-trade-practices/
[22] The Clean Network. (n.d.). United States Department of State. https://2017-2021.state.gov/the-clean-network/
[23] China’s Digital Silk Road exports internet technology, controls. (2024, May 28). Voice of America. https://www.voanews.com/a/china-s-digital-silk-road-exports-internet-technology-controls/7626266.html
[24] Heath, T. R. (2017, March 27). Strategic consequences of U.S. withdrawal from TPP. Www.rand.org. https://www.rand.org/pubs/commentary/2017/03/strategic-consequences-of-us-withdrawal-from-tpp.html
[25], [29] TTWTO VCCI – IPEF – chiến lược kinh tế mới của Mỹ để ứng phó Trung Quốc. (2024). Trungtamwto.vn. https://trungtamwto.vn/hiep-dinh-khac/19989-ipef-chien-luoc-kinh-te-moi-cua-my-de-ung-pho-trung-quoc
[26] Asia Society Policy Institute. (2021, March 24). “America is back”: Views from Southeast Asia. Asia Society. https://asiasociety.org/policy-institute/america-back-views-southeast-asia
[27] Thi Thuy Le, H. (2023, May 24). ASEAN trong cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á – Tạp chí Cộng sản. Www.tapchicongsan.org.vn. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827403/asean-trong-canh-tranh-chien-luoc-my—trung-quoc-tai-khu-vuc-dong-nam-a.aspx
[28] The White House. (2022). Indo-Pacific Strategy of the United States. The White House. https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2022/02/U.S.-Indo-Pacific-Strategy.pdf
[30] Center for Strategic and International Studies. (2024, May 9). The Latest on Southeast Asia: U.S. Tech Investments in ASEAN | The Latest on Southeast Asia | CSIS. Csis.org. https://www.csis.org/blogs/latest-southeast-asia/latest-southeast-asia-us-tech-investments-asean
[31] Shahid, E. (2024, March 7). Why Southeast Asia prefers neutrality amid superpower rivalry. Arab News. https://www.arabnews.com/node/2472741
[32] Hu, W., & Meng, W. (2020). The US Indo-Pacific Strategy and China’s Response. China Review, 20(3), 143–176. https://doi.org/10.2307/26928115
[33] Friedman, G. (2024, March 12). America Approaches the Crisis – Geopolitical Futures. Geopolitical Futures. https://geopoliticalfutures.com/america-approaches-the-crisis/