Ở Đông Á, cũng như ở châu Âu, các cuộc khủng hoảng bùng phát định kỳ và đang có sự chuyển đổi từ cấp độ khu vực sang cấp độ toàn cầu. Tuy nhiên, xung đột quốc tế ở đây có nguồn gốc khá khác biệt nếu so với Thế giới Cũ. Phương Đông được đặc trưng bởi sự đa dạng ở mức độ cao về lịch sử-văn minh, tín ngưỡng-dân tộc và tâm lý quốc gia. Trái ngược với phương Tây, nơi phát triển dưới sự bảo trợ của duy nhất một nền văn minh – Cơ Đốc giáo; ở Đông Á, các phân khu văn hoá như Nho giáo-Phật giáo, Đạo Hồi và Thiên chúa giáo lại có thể cùng nhau tồn tại. Các hình thức hệ thống chính trị-xã hội cũng phong phú hơn khi các chế độ độc tài cùng song hành với các chế độ dân chủ; đồng thời, thang phân chia cấp độ thực tế của “độc tài” và “dân chủ” cũng rộng hơn nhiều so với trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương. Hầu như không thể đạt được sự đồng thuận về các “chuẩn mực và quy tắc” để tạo thành một trật tự chung ở châu Á.
Việc bác bỏ các giá trị phương Tây và văn hoá chính trị ở nhiều quốc gia phương Đông gắn liền với trải nghiệm lịch sử cay đắng của thời kỳ thuộc địa. Cuộc xâm lược của các cường quốc châu Âu đã làm suy yếu trật tự vốn được duy trì hàng thế kỷ và gây ra sự sụp đổ của hệ thống chư hầu lấy Trung Quốc làm trung tâm. Sự oán giận và định kiến lâu đời lên người châu Âu cũng như việc không ủng hộ quan điểm toàn cầu hoá về an ninh của họ đã không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia khác trong khu vực. Điều này nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc ở Đông Á và ươm mầm niềm tin rằng khi tiến hành xây dựng các thể chế hội nhập khu vực, họ cần phải loại bỏ sự can dự của phương Tây và bản thân các thể chế của người châu Á phải nỗ lực chống lại các áp lực can thiệp từ bên ngoài (như khẩu hiệu của Mahathir Mohamad – “Châu Á cho người châu Á”). Nhận thức như vậy không chỉ là nhờ những ký ức về thời kỳ thuộc địa, mà còn từ kinh nghiệm thực tế trong các sự kiện gần đây, khi “sự giúp đỡ” của các nước phương Tây và các cơ chế quản trị toàn cầu mà họ tạo ra đã không mấy hiệu quả, thậm chí còn phản tác dụng (ví dụ như Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998).
Các giá trị chung của châu Á, những thứ có thể trở thành cơ sở nền tảng cho hợp tác quốc tế trong khu vực, tỏ ra mờ nhạt hơn so với ở phương Tây. Các nền văn hoá Á châu thường có xu hướng ưu tiên lợi ích cộng đồng hơn cá nhân; nghiêng về trật tự hơn tự do; nghĩa vụ hơn là quyền lợi. Song, trên thực tế, các quy tắc, chuẩn mực ở các quốc gia phương Đông có thể là dựa trên thứ tự ưu tiên của phân cấp xã hội truyền thống và gần với các tiêu chuẩn phương Tây trong việc nhấn mạnh vào chủ nghĩa quân bình và bình đẳng về cơ hội. Để xây dựng các hệ thống an ninh tập thể hoặc đa phương dựa trên sự thấu hiểu chung ở châu Á là một nhiệm vụ phức tạp hơn nhiều so với ở châu Âu.
Không chỉ có một Chiến tranh Lạnh
Khác với châu Âu ngày nay, nơi các cuộc khủng hoảng, như cuộc khủng hoảng Ukraine, diễn ra có liên quan đến di sản của Chiến tranh Lạnh và trật tự thế giới hậu lưỡng cực, phần lớn các cuộc xung đột ở Đông Á bắt nguồn từ các thời kỳ xa hơn – thời kỳ thuộc địa và thậm chí là tiền thuộc địa. Tiêu biểu là các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông, Biển Đông, các vấn đề về chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và sắc tộc, đặc biệt là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở các dân tộc đang đấu tranh cho việc thành lập nhà nước của riêng mình, các mâu thuẫn tín ngưỡng ngày một trầm trọng, các xung đột liên quan đến “nỗi nhục lịch sử” được quan sát thấy trong quan hệ giữa Nhật Bản, Trung Quốc và các quốc gia trên bán đảo Triều Tiên.
Các mâu thuẫn thường ở trạng thái âm ỉ, song bùng phát có tính định kỳ tuỳ theo mức độ mẫn cảm của công chúng. Sự thay đổi thế hệ đã nảy sinh nhu cầu điều chỉnh nhận thức các tầng lớp bầu cử, làm sâu sắc thêm chủ nghĩa dân tộc, và đòi hỏi phải có một chính sách đối ngoại chủ động hơn để bảo vệ lợi ích quốc gia, không chỉ bằng các đòn bẩy kinh tế mà cả các phương tiện quân sự. Từ cuối những năm 2010, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã và đang hướng về quá khứ để thiết lập nền tảng tư tưởng cho một chính sách như vậy. Họ ủng hộ việc xem xét lại các vấn đề cũ và xây dựng một tầm nhìn lịch sử có tính “yêu nước” hơn trong các diễn ngôn chính trị, điều này cho phép họ củng cố tính chính danh và tăng tỷ lệ tín nhiệm của họ trong lòng dân chúng. Tầm nhìn lịch sử mang đậm “chủ nghĩa yêu nước” đưa đến cách tiếp cận không nhượng bộ trong các vấn đề phức tạp và đau đớn của quá khứ, cũng như ngoại suy của nó đối với chương trình nghị sự hiện đại.
Không hiếm lần “xung đột lịch sử” được gieo rắc vì những lý do chính trị trong nước. Sử dụng những ký ức đau buồn về những biến động và bất công trong quá khứ (bao gồm cả những điều đã diễn ra hàng thập kỷ trước và thậm chí hàng thế kỷ trước) đối với chính đất nước của họ, các nhà lãnh đạo của các quốc gia Đông Á đã giành được lòng trung thành của người dân cũng như tăng cường khối đoàn kết nội bộ. Xây dựng bản sắc mới một cách tự lập dựa trên những ám ảnh đau buồn của quá khứ, giới tinh hoa chính trị coi những nỗ lực tương tự của giới tinh hoa các nước khác là một thách thức. Liên tục yêu cầu xin lỗi cho những bất công lịch sử đã làm trầm trọng thêm sự đối đầu và dẫn đến xung đột ngoại giao nghiêm trọng.
Để đưa các diễn ngôn về lịch sử (historical narrative) vào ý thức cộng đồng, các quốc gia đã sử dụng đa dạng các biện pháp và phương tiện giáo dục, tuyên truyền thông tin và chính trị-tư tưởng. Chúng được đưa vào các chương trình giảng dạy, truyền thông đại chúng, trong các bài phát biểu của các nhà lãnh đạo, các ấn phẩm và bình luận của giới chuyên gia và học thuật, sau tất cả chúng trở thành phương tiện để giáo dục lòng yêu nước cho quần chúng. Các đài tưởng niệm và bảo tàng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc này.
Chẳng hạn, ở Trung Quốc, chủ đề về những nỗi đắng cay trong quá khứ thường gắn liền với thời kỳ “trăm năm quốc nhục” (1839-1949). Trung Quốc ngày nay muốn vượt qua hết thảy những bất công lịch sử mà các “cường quốc vĩ đại” (các nước phương Tây và Nhật Bản) đã gây ra, lý tưởng này được thể hiện trong khái niệm giấc mơ Trung Quốc về sự hồi sinh vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Những đánh giá tiêu cực về thời kỳ cai trị của thực dân Nhật Bản (1910-1945) trong các thảo luận chính trị-xã hội ở Đại Hàn Dân Quốc không cho phép Seoul bình thường hoá hoàn toàn quan hệ với Tokyo, mặc dù cả hai bên đều thuộc phe đồng minh quân sự và chính trị của Mỹ và cùng có những mối đe doạ an ninh chung. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á không thể đạt được thoả thuận với Trung Quốc về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, phần lớn là do thiếu niềm tin vào người khổng lồ châu Á.
Tranh chấp lãnh thổ
Những bất đồng về lãnh thổ ở phương Đông gay gắt hơn nhiều so với ở phương Tây. Ví dụ, ở Đông Á, các vấn đề trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, liên quan đến chủ quyền đối với các vùng biển rộng lớn giàu nguồn cá và tài nguyên năng lượng, đã trở thành nguồn xung đột thường trực giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, Trung Quốc và Philippines, v.v. Và chúng cũng là di sản của hệ thống thuộc địa vì các cường quốc thực dân khi đó đã đặt ranh giới giữa các lãnh thổ ở hải ngoại một cách khá tuỳ tiện, không tính đến các yếu tố lịch sử, địa lý, dân số-nhân khẩu học, kinh tế và các yếu tố khác. Về cơ bản, chủ yếu là các thoả thuận giữa các đế quốc thực dân với nhau. Khi quá trình phi thực dân hoá diễn ra, sự tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ từ phía các nước phương Tây đã trở thành công cụ để đảm bảo nền độc lập của các thuộc địa cũ. Nhưng tại các thủ đô châu Âu, người ta hiểu rằng: chỉ cần tạo ra một mối ngờ vực cho ít nhất một trong các đường biên giới được cố định trên bản đồ thời kỳ thuộc địa, và thế là các yêu sách lãnh thổ chồng lấn, giống như một quả cầu tuyết, sẽ bao trùm toàn bộ “thế giới thứ ba”. Và các cuộc tranh chấp giữa các thuộc địa cũ sẽ không cho phép họ tạo ra một hệ thống trật tự thế giới ổn định và đáng tin cậy.
Thời kỳ hậu thế chiến, trong điều kiện cạnh tranh chính trị-quân sự Đông-Tây, định đề bất khả xâm phạm biên giới đã được tuân thủ một cách thiêng liêng. Nó dựa trên nhận thức rằng việc vi phạm lệnh cấm phát động chiến tranh giữa các quốc gia (trong đó xung đột vì lãnh thổ là nguyên nhân phổ biến nhất) có thể leo thang thành xung đột hạt nhân toàn cầu. Tuy nhiên, một số lượng lớn các tranh chấp về quyền kế thừa đã trở thành những “phần phụ thêm” khó chịu cho nền độc lập của nhiều quốc gia phương Đông. Hầu hết những bất đồng này đều do thiếu khung pháp lý-thoả ước quy định hệ thống biên giới được quốc tế công nhận.
Trong thời kỳ thuộc địa, khung pháp lý đó đã không được thiết lập do mâu thuẫn giữa các nước mẫu quốc. Ngoài ra, ở Đông Á không tồn tại khái niệm “biên giới quốc gia” tương tự như khái niệm đã tồn tại ở châu Âu dưới hệ thống Westphalia, đơn giản vì nó không cần thiết đối với thời đại của mô hình quan hệ chư hầu-triều cống lấy Trung Quốc làm trung tâm.
Trên thực tế, Hiệp ước Hoà bình San Francisco năm 1951 đã gia cố thêm những bất ổn dọc biên giới giữa Nhật Bản với các nước láng giềng (Trung Quốc, Hàn Quốc, Liên Xô) và đặt một quả bom hẹn giờ vào hệ thống quan hệ quốc tế khu vực. Hiệp ước đã không chỉ ra toạ độ cụ thể của các vùng lãnh thổ mà Nhật Bản đã từ bỏ sau Đệ Nhị Thế Chiến, và không chỉ ra rõ ràng các quốc gia nào được thừa hưởng chúng. Đây là một điểm khác biệt cơ bản so với châu Âu, nơi nhờ những dàn xếp sau chiến tranh và Đạo luật Helsinki về quyền bất khả xâm phạm biên giới, đã không có xung đột lãnh thổ nào liên quan đến kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong khi các nước phương Tây sẵn sàng điều chỉnh các xung đột lãnh thổ bằng các biện pháp chính trị và tư pháp, các nước ở Đông Á (và nói chung là các nước Á-Phi) không có khuynh hướng đưa các tranh chấp lãnh thổ ra toàn án, kể cả Toàn án quốc tế Liên Hợp Quốc. Hầu hết các quốc gia này chưa sẵn sàng tin tưởng vào toàn án như một bên thứ ba.
Chuyên gia người Mỹ Barbara Walter cho rằng những cân nhắc về uy tín có vai trò quan trọng đối với các quốc gia tham gia tranh chấp lãnh thổ. Các chính phủ, mà quốc gia của họ từng là mục tiêu của các yêu sách lãnh thổ, có quan điểm cứng rắn và từ chối tiến hành thương lượng, chủ yếu vì họ sợ rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào sẽ được coi là một dấu hiệu của sự yếu đuối và từ đó kéo theo những yêu sách mới. Nhưng nguy cơ mất mặt trong mắt các quốc gia đối thủ hoặc các bên thứ ba sẽ trở thành hiện hữu nếu họ phải từ bỏ hoặc giảm bớt các yêu sách lãnh thổ của mình. Điều này gây ra sự cứng nhắc, ngay cả biểu hiện của một sự linh hoạt phù hợp vì lợi ích chiến lược cho tình láng giềng hữu nghị. Đàm phán thường đi vào bế tắc.
Căng thẳng biên giới kéo dài hàng thập kỷ và sự gay gắt của nó không hề mất đi trong thời kỳ hậu lưỡng cực đã không cho phép các quốc gia bình thường hoá quan hệ hoàn toàn; hệ quả là, trong trường hợp không có môi trường quốc tế hoà bình và thiện ý, các vấn đề biên giới sẽ không thể được giải quyết triệt để. Một vòng luẩn quẩn tạo ra một cuộc khủng hoảng thường trực. Ngoài ra, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khả năng ngăn chặn các nước thuộc địa cũ tham gia vào quỹ đạo lưỡng cực hạt nhân đã mờ nhạt dần. Mất đi sự “ràng buộc” với một trong hai khối đối lập, các quốc gia phương Đông bắt đầu ít xem xét đến bối cảnh chính trị thế giới hơn và tập trung nhiều hơn vào lợi ích của chính họ, đặc biệt là lợi ích chính trị nội bộ, thường gắn với những lập trường ích kỷ, không màng đến các yêu cầu của an ninh quốc tế.
Việc thiếu các cách tiếp cận chung về biên giới khiến ý tưởng khởi động một quy trình tương tự như quy trình Helsinki ở Đông Á, vốn sẽ có thể củng cố nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới và lên án các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, trên thực tế là không thể thực hiện được. Các quốc gia trong khu vực buộc phải tính đến khả năng thực sự của việc thay đổi hiện trạng bằng bạo lực quân sự.
Cách hiểu về an ninh
Nhận thức về các cuộc xung đột hiện nay của giới tinh hoa các nước phi phương Tây (bao gồm cả Đông Á) và phản ứng với chúng, thể hiện trong chính sách an ninh quốc gia của họ, cho thấy sự khác biệt đáng kể so với các mô hình ở phương Tây. Ở phương Tây, các chương trình nghị sự an ninh đã dần dần chuyển đổi từ các vấn đề quân sự và giải trừ quân bị sang chú trọng các vấn đề an ninh phức hợp, bao gồm các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, các vấn đề lương thực và năng lượng. Một vị trí ổn định trong chương trình nghị sự được dành cho việc hợp tác chống lại các mối đe doạ mới. Khác với các mối đe doạ truyền thống vốn chủ yếu hướng đến an ninh của một quốc gia-dân tộc, các mối đe doạ mới có tính chất phổ quát, xuyên quốc gia và đòi hỏi nỗ lực phối hợp của toàn nhân loại. Những ví dụ sinh động là cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 và các bệnh lây nhiễm khác, sự nóng lên toàn cầu, chủ nghĩa khủng bố quốc tế và tội phạm mạng.
Ở phương Đông, các chương trình nghị sự an ninh phần lớn vẫn tập trung vào lợi ích quốc gia. Đằng sau chúng là các mục tiêu của giới tinh hoa chính trị vốn được ưu tiên cao hơn bất kỳ dự án xuyên quốc gia nào. Khi phát triển các dự án trong lĩnh vực an ninh quốc gia (xây dựng quốc phòng, tăng cường các lực lượng đặc biệt, v.v.), họ chú ý đến tiêu chí đảm bảo lợi ích của quân đội và lực lượng an ninh, cũng như những người thân cận với giới doanh nhân cao cấp nhất. Bản thân những thách thức an ninh được căn cứ dựa trên cơ sở quan điểm dân tộc chủ nghĩa về thế giới xung quanh. Nói một cách đơn giản, điều này không thể là điều kiện tiên quyết thuận lợi nhất để xây dựng các hệ thống an ninh khu vực bền vững. Chú trọng vào lợi ích cá nhân, không có khả năng thoả hiệp và một tầm nhìn rộng về các vấn đề, chủ nghĩa vị kỷ quốc gia xung đột với lợi ích khu vực và trở thành nguồn gốc của xung đột, bao gồm cả các cuộc đụng độ vũ trang.
Chế độ chính trị của nhiều quốc gia châu Á bị chi phối bởi các nguyên tắc chủ nghĩa cá nhân, truyền thống chuyên quyền và các hình thức chính phủ cứng nhắc. Ở cấp độ quốc gia, điều này tạo ra sự thiên vị trong việc cung cấp đảm bảo an ninh cho cá nhân người lãnh đạo và nhóm phụ tá của ông ta, được hiểu là khía cạnh chính của an ninh quốc gia. Ở cấp độ quốc tế, vấn đề này có thể trở thành chủ đề để thương lượng và thậm chí là các thoả thuận ngầm giữa các cường quốc toàn cầu. Ví dụ, an ninh của CHDCND Triều Tiên được thảo luận chủ yếu là vấn đề an ninh cá nhân của lãnh tụ nước này, và có khi là cả đoàn tùy tùng nữa.
Các quốc gia Đông Á là sản phẩm sau công cuộc giải phóng khỏi ách lệ thuộc thuộc địa hoặc nửa thuộc địa, nên họ coi trọng chủ quyền quốc gia hơn nhiều so với các nước châu Âu – những quốc gia không ngại chuyển giao một số quyền lực của mình, kể cả những vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại và an ninh, cho các thể chế siêu quốc gia như trường hợp của EU hay NATO. Ở Đông Á, chuyển giao một phần quyền lực cho các thực thể bên ngoài đồng nghĩa với việc mất đi một phần chủ quyền, hay nói cách khác, là dần trở nên phụ thuộc. Việc thiếu cơ sở nền tảng đạo đức-công lý và giá trị cho một nước đi như vậy cho thấy có sự ưu tiên rõ ràng đối với các lợi ích quốc gia thay vì các lợi ích khu vực hay liên quốc gia.
Xung đột sắc tộc
Một ví dụ khác về đặc thù của xung đột bên ngoài châu Âu là lĩnh vực sắc tộc. Nhiều nước thuộc thế giới thứ ba phải đối mặt với những xung đột sắc tộc trong khi giải quyết các nhiệm vụ xây dựng quốc gia. Chứa cả những yếu tố chính trị nội bộ và quốc tế nên những xung đột như vậy ở đây thường gay gắt hơn nhiều và có nhiều hình thức hung bạo hơn ở phương Tây, dẫn đến bất ổn chính trị quốc tế và là các nguồn cơn gây căng thẳng.
Có quan điểm cho rằng xung đột giữa các sắc tộc thường không liên quan đến sự khác biệt về sắc tộc, mà liên quan đến các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá hoặc lãnh thổ. Các xung đột sắc tộc và tôn giáo ở phương Đông bắt nguồn từ những bất đồng về cấu trúc, chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội và nhận thức; tiến trình phát triển xung đột được quyết định bởi những yếu tố khác biệt so với những gì quan sát được ở phương Tây.
Về những yếu tố cấu trúc, các thành phần cấu thành nhà nước ở phương Đông có phần yếu hơn so với ở phương Tây. Tất nhiên, điều này không áp dụng cho tất cả các trường hợp, ở châu Á, vẫn có những quốc gia khá ổn định và nhịp độ phát triển năng động. Nhưng cũng có những nước không thể kiểm soát toàn bộ lãnh thổ và phải đối mặt với chủ nghĩa ly khai, được kích động bởi các nước láng giềng. Thêm vào đó là yếu tố dân tộc-địa lý, thể hiện tính chất xuyên quốc gia do việc cư trú của các nhóm sắc tộc, những nhóm này thường bị tước đi quyền đại diện trong chính quyền trung ương và đang đấu tranh cho quyền tự quyết.
Xung đột sắc tộc thường nảy sinh ở những nơi mà vì mục đích hiện đại hoá, người ta cố gắng tạo ra các “dân tộc” trong ranh giới của các quốc gia tập quyền trung ương. Việc giành được chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ sau khi tuyên bố độc lập trong một số trường hợp đi kèm với sự ép buộc đồng hoá các nhóm sắc tộc dưới danh nghĩa “xây dựng quốc gia-dân tộc”. Dưới các khẩu hiệu tăng cường đoàn kết ở các nước thế giới thứ ba, các nhóm sắc tộc hoặc nhóm người thiểu số hay bị đàn áp và lợi ích cụ thể của họ thường bị phớt lờ. Các hành vi phân biệt đối xử thể hiện ở nơi các ranh giới được thiết lập trong quá trình thuộc địa hoá và phi thực dân hoá, bao trùm các khu vực cư trú thống nhất của các nhóm sắc tộc khác nhau và có nghĩa là họ cần phải chung sống với nhau trong một khuôn khổ phi tự nhiên hoặc trái ngược lợi ích chính trị và kinh tế lẫn nhau trên chủ quyền của một quốc gia-dân tộc thống nhất.
Các yếu tố chính trị ở đây cũng có những tác động khác so với ở phương Tây. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến xung đột sắc tộc là chính sách coi thường một số nhóm sắc tộc. Chẳng hạn như việc từ chối quyền công dân hoặc các quyền chính trị và kinh tế, thi hành chính sách văn hoá xã hội mang tính phân biệt đối xử với các sắc tộc thiểu số, bao gồm cả việc đồng hoá cưỡng bức văn hoá và ngôn ngữ của họ. Các yếu tố kinh tế và xã hội đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc tạo điều kiện cho các bạo lực sắc tộc bùng nổ: việc phân biệt đối xử với các sắc tộc thiểu số trong việc làm, hệ thống phân phối thu nhập quốc dân không công bằng, hoặc chính sách phát triển ở những khu vực tập trung các dân tộc phi danh nghĩa (non-titular nation). Tất cả những điều này thúc đẩy việc tập hợp lực lượng của các nhóm thiểu số và báo trước tính chất cực kỳ gay gắt và thậm chí không thể hoà giải của các cuộc xung đột sắc tộc.
Trong thời kỳ hậu lưỡng cực, xu hướng tiến tới dân chủ hoá ở các quốc gia vốn trước đây là chế độ độc tài đã mở đường cho quá trình toàn cầu hoá, mang đến cho các dân tộc thiểu số nhiều cơ hội hơn. Việc đưa tin rộng rãi các vấn đề phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số trên không gian truyền thông quốc tế đã thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới, từ đó thúc đẩy các cuộc biểu tình từ các nhóm sắc tộc ủng hộ quyền tự quyết (chúng ta có thể nhớ lại các cuộc biểu tình của người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, “Phong trào Hoa hướng dương” ở Đài Loan, bạo loạn ở Tây Tạng và Tân Cương-Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc).
Các phong trào sắc tộc và ly khai gây nguy cơ tan rã và chia cắt đất nước đã trở thành vấn đề lớn đối với nhiều quốc gia ở châu Á và châu Phi. Nhưng ngoại trừ các trường hợp riêng lẻ (Bangladesh, Eritrea, Đông Timor), phần lớn các phong trào này vẫn chưa đạt được quyền tự quyết cho dân tộc, do vậy vẫn là nguồn cơ nghiêm trọng nhất cho xung đột trong nước lẫn quốc tế.
Châu Âu – không phải một hình mẫu mà là rủi ro
Tình hình an ninh quốc tế ở Đông Á về cơ bản không thay đổi kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Song nó có sự khác biệt so với tình hình ở châu Âu. Ở đây tồn tại hệ thống “trục và nan hoa”, đặc trưng bởi sự hiện diện của một quốc gia bá quyền cùng các đối tác cấp dưới của nó. Sự suy yếu của Mỹ và việc suy giảm hiện diện quân sự của nước này suốt nhiều thập kỷ đã không đưa đến sự xuất hiện của các cơ chế an ninh khu vực mới hiệu quả hơn. Các định dạng hiện có hoàn toàn mang tính đối thoại về bản chất và không chứa các quyết định có tính ràng buộc. Nhờ cam kết với nguyên tắc bất khả xâm phạm chủ quyền, các quốc gia Đông Á không muôn tự làm khó mình với những giới hạn hay thu hẹp không gian hành động. Ngoài ra, hiệu quả của các cơ chế đa phương là khó có thể đoán trước do tiến trình vận động của tình hình quốc tế khó lường, các nước cũng lo ngại về sự xuất hiện của các “thiên nga đen” và nhiều lý do khác.
Xu hướng tự chủ hoá chính sách an ninh của các nước Đông Á đang gia tăng khi quá trình phi toàn cầu hoá ngày càng sâu sắc và hệ thống quốc tế trở nên khó kiểm soát hơn. Một trong những chất xúc tác là đại dịch coronavirus. Các quốc gia tái khẳng định vai trò chủ đạo của nhà nước trong việc ứng phó với khủng hoảng và bảo vệ chủ quyền, sử dụng các biện pháp khẩn cấp để điều hành nền kinh tế trong các thời kỳ mà hợp tác quốc tế bị gián đoạn. Chủ nghĩa dân tộc trong đại dịch đã làm xói mòn đi thẩm quyền của các thể chế toàn cầu hoá và trật tự quốc tế – những thể chế vốn dựa trên nguyên tắc đa phương trong việc giải quyết các vấn đề an ninh.
Tất nhiên, ở châu Á cũng có những nguồn xung đột tương tự như ở châu Âu. Các cuộc xung đột đã kéo dài hàng thập kỷ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, họ lo ngại về mức độ cứng rắn ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực. Trước hết là những nước đồng minh Đông Á của Mỹ, họ đang cố gắng phối hợp lẫn nhau trong các nỗ lực để “kiềm chế Trung Quốc”. Điều này có vẻ giống với tình trạng đối đầu đang diễn ra ở châu Âu, nơi có xung đột giữa Nga và tập thể phương Tây.
Trung Quốc và Nga là hai quốc gia phản đối “phe dân chủ”, họ ủng hộ việc xem xét lại các quy tắc và trật tự do phương Tây thiết lập vốn không có sự công bằng. Cả hai đều đang trải qua một sự phẫn nộ tương đồng đối với tập thể phương Tây: Trung Quốc vì “một trăm năm quốc nhục” và sự thống trị của phương Tây trong các thể chế quản trị toàn cầu; Nga vì phương Tây từ chối tính đến lợi ích của mình sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự mở rộng của NATO về phía Đông. Sự gần gũi về lợi ích giữa Nga và Trung Quốc không xuất phát từ trật tự khu vực mà là trật tự toàn cầu, do đó những xung đột và các cuộc khủng hoảng quốc tế do họ tạo ra có thể liên kết vào một khối, biểu hiện cho cuộc xung đột “chống chủ nghĩa xét lại” ở cấp độ toàn cầu.
Như vậy, kinh nghiệm của các thể chế gìn giữ an ninh được xây dựng ở châu Âu vào nửa sau thế kỷ XX không thể áp dụng được ở châu Á. Song những mối đe doạ mà trong thế kỷ trước đã biến châu Âu thành lò lửa nguy hiểm nhất của thế giới lại đang lặp lại với châu Á. Và chúng đang ngày một gay gắt hơn khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành nội dung chính trong chương trình nghị sự chính trị quốc tế, làm kích động quá trình quân sự hoá khu vực châu Á-Thái Bình Dương và gia tăng căng thẳng chung trên thế giới./.
Biên dịch: Giang Đinh
Bài viết của Dmitry Streltsov, Giáo sư, Tiến sĩ Sử học, trưởng Khoa Đông phương học, Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO), trực thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang Nga.