Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện chuyến thăm đến Moscow và có cuộc gặp mặt trực tiếp lần thứ 40 với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến thăm này diễn ra khoảng một năm sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine và trong bối cảnh có các báo cáo rằng, Trung Quốc đang xem xét cung cấp hỗ trợ sát thương cho Quân đội Nga.
Trong năm qua, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác thương mại với Nga và khuếch đại tuyên truyền của Nga. Chính quyền Trung Quốc đã bảo vệ hành động của Nga, đồng thời cáo buộc NATO và phương Tây là nguyên nhân thúc đẩy xảy ra cuộc chiến ở Ukraine. Không ngạc nhiên khi dư luận tích cực về Trung Quốc tại Mỹ và châu Âu đã giảm mạnh. Việc Trung Quốc ủng hộ Nga trong suốt cuộc xung đột tại Ukraine chắc chắn đã góp phần vào xu hướng này.
Mặc dù vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy rõ ràng, Bắc Kinh vẫn kiên quyết cam kết phát triển mối quan hệ với Moscow. Một số người cho rằng, định hướng này là do mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ của ông Tập Cận Bình với Putin. Tuy nhiên, điều này có thể đóng một vai trò nhỏ. Mặc dù Tập Cận Bình đã mô tả Putin là “người bạn tốt nhất” nhưng thực tiễn nghiên cứu về sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình trong thập kỷ qua cho thấy, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chứng tỏ mình là người đặc biệt không đa cảm. Ông Tập Cận Bình là một người tính toán máu lạnh, đặt lợi ích của bản thân và đất nước Trung Quốc lên trên hết.
Ba mục tiêu của Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như được định hướng bởi ba mục tiêu hàng đầu trong cách tiếp cận của họ với Nga. Đầu tiên là khóa chặt Nga trong thời gian dài với tư cách là đối tác cấp dưới của Trung Quốc. Tất nhiên, các quan chức Trung Quốc cẩn thận tránh đề cập đến Nga một cách “thẳng thừng” như vậy. Thay vào đó, họ đối xử với Tổng thống Putin một cách hào hoa và tôn trọng. Chủ tịch Tập Cận Bình luôn “tâng bốc” Tổng thống Putin theo cách mà ông ta không làm với bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào khác.
Điều đáng nhắc lại là ông Tập Cận Bình đã đủ tỉnh táo để nhớ đến thời điểm khi quan hệ Trung – Nga căng thẳng và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Trung Quốc và Liên Xô là có thật. Hai nước đã xảy ra xung đột biên giới vào năm 1969, khi ông Tập Cận Bình bước sang tuổi 16. Trong những năm Tập Cận Bình lớn lên, Liên Xô duy trì sự hiện diện quân sự quy mô lớn dọc biên giới Trung-Xô, triển khai tới 36 sư đoàn.
Đối với Tập Cận Bình, củng cố quan hệ với Nga bằng tư cách là đối tác cấp dưới của Trung Quốc là nền tảng cho tầm nhìn trẻ hóa quốc gia của ông. Trung Quốc coi Mỹ là trở ngại chính cho sự trỗi dậy của mình. Phải tập trung vào việc đảm bảo an ninh biên giới đất liền với Nga sẽ giúp Trung Quốc chuyển hướng các nguồn lực và sự chú ý khỏi vùng ngoại vi hàng hải của họ, nơi mà Tập Cận Bình cảm thấy có những mối đe dọa nghiêm trọng nhất.
Tập Cận Bình có thể cũng thấy lợi ích của việc Nga đánh lạc hướng trọng tâm chiến lược của Mỹ khỏi Trung Quốc. Cả Bắc Kinh và Moscow đều không thể tự mình đối phó với Mỹ và các đồng minh, đối tác; cả hai thà đứng cùng nhau để đối phó với áp lực bên ngoài hơn là phải đơn phương đối mặt với điều đó. Với sự phụ thuộc của Trung Quốc vào nhập khẩu thực phẩm và nhiên liệu, Tập Cận Bình có thể cũng đánh giá cao nguồn cung an toàn và chiết khấu cao của những hàng hoá quan trọng này mà Nga cung cấp.
Trung Quốc sẽ tiếp tục cam kết điều hướng Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga theo cách giữ Nga là đối tác cấp dưới của mình. Nhìn qua lăng kính này, việc Trung Quốc khuếch đại tuyên truyền của Nga, cam kết ngoại giao liên tục, các cuộc tập trận quân sự đang diễn ra và mở rộng thương mại với Nga, tất cả đều hỗ trợ cho mục tiêu rộng lớn hơn của họ.
Tuy nhiên, giá trị chiến lược của Nga đối với Trung Quốc đòi hỏi Moscow không được thua một cách chóng vánh ở Ukraine. Vì vậy, mục tiêu thứ hai của Trung Quốc là đề phòng Nga và Putin thất bại. Trung Quốc đã rất khôn ngoan trong việc hỗ trợ Nga trong năm qua. Việc Trung Quốc luôn nhấn mạnh không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, phần lớn là do tự bảo vệ và tư lợi. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong cam kết thương mại với Nga. Khi thương mại của Nga với thế giới phương Tây giảm mạnh, Trung Quốc đã bước vào để lấp đầy khoảng trống. Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã vượt mức kỷ lục 180 tỷ USD vào năm ngoái (khoảng một phần tư khối lượng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc).
Mục tiêu thứ ba của Trung Quốc là cố gắng không để “Ukraine hóa” vấn đề Đài Loan. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy không vừa lòng trước những tuyên bố của phương Tây rằng, Ukraine hôm nay báo trước Đài Loan vào ngày mai. Họ muốn thế giới chấp nhận rằng, Ukraine là một quốc gia có chủ quyền còn Đài Loan thì không và không nên so sánh hai thực thể này với nhau.
Mục tiêu này đã thúc đẩy Trung Quốc đề xuất kế hoạch hòa bình 12 điểm cho Ukraine. Các nhà ngoại giao Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ tìm cách loại bỏ những so sánh giữa Ukraine và Đài Loan trong tương lai. Ngoài việc bực tức trước sự chú ý ngày càng tăng của quốc tế dành cho an ninh của Đài Loan, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không muốn thế giới phát triển coi phản ứng của họ đối với cuộc chiến của Nga như một sự khởi động cho cách các nước này sẽ phản ứng với các hành động của Trung Quốc trong tương lai đối với Đài Loan.
Tiếng còi báo động đánh đồng Trung Quốc với Nga
Đối mặt với những mục tiêu này của Trung Quốc, nhiều nhà hoạch định chính sách của Mỹ, châu Âu và châu Á có thể kết luận một cách hợp lý rằng, không có triển vọng để chia tách quan hệ Trung-Nga. Vì vậy, thay vào nỗ lực chia rẽ Nga – Trung, họ nên tìm cách coi Trung Quốc và Nga là hai mặt của cùng một đồng tiền. Theo logic này, làm như vậy có thể khiến Trung Quốc phải trả giá đắt nhất có thể về danh tiếng vì đã “đồng lõa” với hành động của Nga ở Ukraine.
Cách tiếp cận này sẽ hấp dẫn các nhà hoạch định chính sách, những người đang tập trung vào việc củng cố sự liên kết chặt chẽ hơn với các đối tác về Trung Quốc. Họ sẽ muốn tận dụng sự nghiêng về ngoại giao của Bắc Kinh đối với Nga để đẩy nhanh sự phối hợp của liên minh trong việc chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, có ba vấn đề chính với cách tiếp cận như vậy. Đầu tiên là, việc tập trung vào phá hoại uy tín, bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế không giúp cải thiện được cuộc sống khó khăn, nguy hiểm hiện nay của người dân Ukraine.
Thứ hai là, nguy cơ tạo ra một lời tiên tri tự ứng nghiệm. Nếu sự hỗ trợ không giới hạn của Trung Quốc dành cho Nga đã được định giá sẵn và Bắc Kinh không có nguy cơ phải trả thêm chi phí cho việc mở rộng hỗ trợ cho Moscow, thì khả năng điều này trở thành hiện thực sẽ cao hơn.
Điều này dẫn đến vấn đề thứ ba – vẫn còn những “lá bài” có giá trị mà Nga đang giữ lại đối với Trung Quốc mà họ có thể đưa ra nếu mối quan hệ thực sự tiến tới một quan hệ đối tác “không giới hạn”. Chúng bao gồm sự ủng hộ của Nga đối với vai trò lớn hơn của Trung Quốc ở Bắc Cực, sự cho phép của Nga đối với các lực lượng Trung Quốc tiếp cận các căn cứ của họ trên khắp thế giới, sự hỗ trợ của Nga đối với các chương trình chống tàu ngầm của Trung Quốc, và hợp tác tình báo toàn cầu sâu hơn và có định hướng hơn.
Thay vì cam chịu thuyết định mệnh về sự bất lực của ngoại giao trong việc tác động đến các lựa chọn chiến lược của Trung Quốc, giờ là thời điểm để các nhà lãnh đạo thế giới khuyến khích Trung Quốc suy nghĩ về tầm quan trọng của các lựa chọn mà họ đang phải đối mặt. Những nỗ lực tương tự trong năm qua đã có một số hiệu quả. Ví dụ, theo sự thúc giục của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và những người khác, Chủ tịch Tập Cận Bình đã hô hào chống lại mối đe dọa hoặc việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Do đó, Trung Quốc đã kiềm chế trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Bắc Kinh đã không công nhận các nước cộng hòa ly khai ở Ukraine.
Các lĩnh vực trọng tâm cho ngoại giao
Nhìn về phía trước, có hai nhóm vấn đề mà Mỹ và các đối tác nên suy nghĩ cẩn thận về cách bảo vệ lợi ích của họ một cách hiệu quả nhất trong mối quan hệ với Trung Quốc, Nga và Ukraine.
Đầu tiên là chiến thuật. Ông Tập Cận Bình được cho là có kế hoạch gọi điện cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau chuyến thăm của ông tới Moscow. Sẽ là khôn ngoan nếu các nhà hoạch định chính sách của Mỹ và châu Âu đánh giá cẩn thận và toàn diện đối với cách tiếp cận của ông Tập Cận Bình. Nhiều khả năng sẽ có một động lực mạnh mẽ ở nhiều thủ đô phương Tây bác bỏ nỗ lực của Tập Cận Bình như một động thái mang tính biểu tượng nhằm bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc.
Trung Quốc rõ ràng là một lực lượng đang hỗ trợ Nga. Bắc Kinh không phải là điểm tựa đáng tin cậy cho bất kỳ tiến trình hòa bình nào, mặc dù có thể hình dung rằng, Trung Quốc có thể đóng vai trò là một phần của nhóm ký kết/bảo đảm cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Mặc dù vậy, việc lặp lại vụ giẫm đạp để bác bỏ việc tiếp cận của Tập Cận Bình với Zelensky giống như cách mà nhiều quốc gia phương Tây đã hạ thấp kế hoạch hòa bình của Trung Quốc. Người Ukraine tỉnh táo trước quy mô của dự luật tái thiết đang chờ đợi họ khi kết thúc cuộc chiến. Họ đều muốn và cần sự đóng góp của Trung Quốc. Do đó, tốt nhất là không nên mở rộng khoảng cách giữa Zelensky và các nhà lãnh đạo phương Tây khác về cách Ukraine nên giao tiếp với Trung Quốc trên con đường phía trước.
Thứ hai, ở cấp độ chiến lược hơn, bây giờ là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo toàn cầu thách thức Tập Cận Bình làm rõ lợi ích của Trung Quốc đối với tương lai của cuộc chiến ở Ukraine. Ví dụ, liệu Trung Quốc có sử dụng đòn bẩy của mình để khuyến khích giảm bớt và phản đối sự leo thang hơn nữa không? Trung Quốc sẽ lên án các cuộc tấn công vào dân thường? Liệu Trung Quốc có hỗ trợ các cuộc điều tra trong tương lai để buộc những kẻ phạm tội ác ở Ukraine phải chịu trách nhiệm? Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối tất cả các mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân? Trung Quốc sẽ tiếp tục kiềm chế không công nhận các nước cộng hòa ly khai? Trung Quốc sẽ đóng góp nguồn lực ngay bây giờ để giảm bớt sự đau khổ của người tị nạn Ukraine? Trung Quốc sẽ cam kết hỗ trợ vật chất để tái thiết Ukraine?
Bây giờ không phải là lúc để từ bỏ ngoại giao
Có những cơ hội quan trọng sắp tới để các nhà lãnh đạo thế giới phối hợp nỗ lực nhằm thúc đẩy Tập Cận Bình làm rõ ý định của Trung Quốc về những vấn đề này và các vấn đề liên quan. Chúng bao gồm các chuyến thăm dự kiến tới Trung Quốc của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, chuyến thăm có thể sắp tới của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, một cuộc điện đàm dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, kế hoạch cho Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU, và sự tham gia của Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo G-20 tại Ấn Độ vào tháng 9 năm nay. Các nhà lãnh đạo thế giới càng phối hợp với nhau để thúc ép Tập Cận Bình làm rõ quan điểm của Trung Quốc về một số vấn đề cơ bản này, thì sự giao tiếp như vậy sẽ càng có tác động.
Cuối cùng, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ Moscow. Mặc dù vậy, vẫn có những ranh giới có thể được bảo tồn và những đóng góp của Trung Quốc có thể được đảm bảo để giảm bớt đau khổ, cải thiện triển vọng của Ukraine. Điều cấp thiết là phải duy trì sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương và hạn chế các cơ hội để Trung Quốc chia rẽ các quốc gia này. Điều đó sẽ không làm giảm bớt những nghi ngờ sâu sắc về cách hành xử của Trung Quốc ở trong nước hay ở nước ngoài, nhưng trong thế giới ngoại giao, nó sẽ được coi là tiến bộ.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Ryan Hass là Nghiên cứu viên cao cấp về chính sách đối ngoại, Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á. Từ năm 2013 – 2017, Ryan Hass là giám đốc phụ trách Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC). Trong vai trò đó, ông đã cố vấn cho Tổng thống Obama và các quan chức cấp cao của Nhà Trắng về mọi khía cạnh trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, đồng thời điều phối việc thực hiện chính sách của Mỹ đối với khu vực này giữa các cơ quan và ban ngành của chính phủ Mỹ. Ông đã tham gia các phái đoàn thăm cấp nhà nước của Tổng thống Obama lần lượt tại Bắc Kinh và Washington vào năm 2014 và 2015, và phái đoàn của tổng thống tới Hàng Châu, Trung Quốc, cho G-20 vào năm 2016, và tới Lima, Peru, cho Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC).