Indonesia với tư cách là một quốc gia có tiềm lực mạnh hàng đầu khu vực Đông Nam Á đang gặp phải không ít khó khăn từ bối cảnh toàn cầu đương đại, cũng như những thách thức cố hữu do đặc thù địa lý, đặc trưng văn hóa của họ. Bởi vậy, nhu cầu tăng cường năng lực quốc phòng của Jakarta nhằm ứng phó với những thách thức an ninh hiện tại ngày càng trở nên cấp thiết. Quá trình này từ lý thuyết đến thực tiễn được triển khai như thế nào? Và Việt Nam có thể tham khảo được những kinh nghiệm gì?
Thách thức an ninh đối với Indonesia trong bối cảnh hiện nay
Với đặc điểm của một quốc đảo ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia cùng chia sẻ những thách thức an ninh chung với khu vực nhưng đồng thời cũng có những khó khăn đặc thù.
Thứ nhất, thách thức từ đặc thù địa lý: Indonesia là quốc đảo với khoảng 17.000 hòn đảo lớn nhỏ[1], nhiều nhất Đông Nam Á. Việc quản lý số lượng đảo khổng lồ này tạo ra một thách thức rất lớn đối với các lực lượng an ninh cũng như quân đội Indonesia vốn có quy mô khoảng 400.000 quân thường trực.
Thứ hai, nguy cơ khủng bố, ly khai trong nước luôn hiện hữu, đe dọa đến sự ổn định chung của Indonesia, có thể kể đến như các hoạt động khủng bố của Phong trào Tự do Papua (Organisasi Papua Merdeka – OPM), Tổ chức Darul Islam, Majelis Mujahideen Indonesia (MMI) và nhiều tổ chức khủng bố khác. Hoạt động của các nhóm khủng bố này thường gắn liền với các phong trào đòi ly khai ở xứ vạn đảo. Với đặc điểm địa lý đặc thù đã nêu trên, việc kiểm soát hoạt động của các tổ chức này trở nên khó khăn đối với Indonesia.
Thứ ba, cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt ở Đông Nam Á. Đây là một thách thức chung đối với các quốc gia trong khu vực. Quá trình gia tăng ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực đang tạo ra những mầm mống căng thẳng, nguy cơ xảy ra va chạm, xung đột gia tăng. Điều đó đang kéo các nước có liên quan vào vòng xoáy mâu thuẫn nguy hiểm. Đặc biệt, sự tăng cường hiện diện của Mỹ tại các căn cứ mới ở Philippines sẽ kéo theo những phản ứng đáp trả từ phía Bắc Kinh. Điều này không có lợi đối với môi trường an ninh khu vực, nhất là an ninh hàng hải. Với tư cách là một quốc đảo, đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi chiến lược trên biển, thách thức này tạo ra những vấn đề nan giải cho tính toán chiến lược của Indonesia.
Thứ tư, năng lực quốc phòng chưa theo kịp được các thành tựu về kinh tế, chính trị và đối ngoại. Với tư cách là một cường quốc có tiếng nói đáng kể của khu vực, năm 2022, Indonesia là quốc gia có nền kinh tế đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 16 thế giới với quy mô GDP ước tính trên 1.300 tỷ USD[2]. Ngân sách quốc phòng của nước này cùng thời điểm ước tính 8,8 tỷ USD[3], tỷ trọng ngân sách quốc phòng/quy mô GDP chỉ chiếm 0,67%. Trong khi nền kinh tế đứng thứ 16 toàn cầu, chi tiêu quốc phòng của Indonesia chỉ đứng thứ 25[4]. Rõ ràng đây là mức chi tiêu không đáng kể so với các nước lớn đang gia tăng ảnh hưởng ở Đông Nam Á như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… thậm chí vẫn thấp hơn so với tỷ trọng 1,7% của Việt Nam[5] – quốc gia có nhiều điểm thuận lợi hơn về đặc thù địa lý so với Indonesia. Đặc biệt như trường hợp của Singapore, quốc gia nhỏ bé nhưng cũng có ngân sách quốc phòng chiếm tới 2,5% GDP[6].
Những thách thức phức tạp này vẫn đang có những chuyển biến khó lường trong bối cảnh đương đại. Đó là động lực căn bản thúc đẩy quá trình tăng cường năng lực quốc phòng của xứ vạn đảo ở hiện tại cũng như trong những năm tới.
Mục tiêu và định hướng tăng cường tiềm lực quốc phòng của Indonesia
Mục tiêu chung
Trong tổng thể chính sách quốc phòng nói chung của Indonesia, nước này đã nêu ra 7 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: (i) Duy trì chủ quyền lãnh thổ, độc lập về kinh tế bằng cách đảm bảo các nguồn tài nguyên biển. (ii) Hướng tới một xã hội phát triển, một quốc gia cân bằng, dân chủ dựa trên pháp luật. (iii) Đạt được chính sách đối ngoại không liên kết và tăng cường bản sắc của một quốc gia biển. (iv) Hướng tới cuộc sống tiên tiến, thịnh vượng và chất lượng cao của người dân Indonesia. (v) Xây dựng một quốc gia cạnh tranh. (vi) Đưa Indonesia trở thành một quốc gia hàng hải độc lập, tiên tiến, hùng mạnh dựa trên lợi ích quốc gia. (vii) Xây dựng con người Indonesia có bản lĩnh mạnh mẽ dựa trên nền văn hóa của chính họ[7].
Trên cơ sở đó, mục tiêu tổng quát trong quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng của Indonesia nhằm bảo vệ và giữ vững chủ quyền nhà nước, bảo vệ sự thống nhất lãnh thổ, duy trì an ninh quốc gia chống lại mọi mối đe dọa từ bên trong lẫn bên ngoài[8]. Đồng thời, nước này cũng nhấn mạnh rằng: Phát triển quốc phòng là cần thiết để xây dựng một lực lượng quốc phòng mạnh có khả năng răn đe với tư cách là một quốc gia quần đảo, để Indonesia có vị thế đàm phán trong việc duy trì chủ quyền và toàn vẹn, thống nhất lãnh thổ[9].
Rõ ràng, để tăng cường khả năng kiểm soát các rủi ro tiềm tàng, đặc biệt là nhiệm vụ nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền, duy trì an ninh đối với hơn 17.000 hòn đảo, việc tăng cường tiềm lực quốc phòng cả về lượng và chất là điều tất yếu và cấp bách đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Định hướng của Indonesia trong những năm tới
Trong chính sách tổng thể giai đoạn 2020 – 2024, đối với việc tăng cường sức mạnh quốc phòng của Indonesia, một số định hướng đáng chú ý của nước này bao gồm:
(1) Tái cấu trúc, hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự, nâng cao năng lực bảo trì, bảo dưỡng, phát triển cơ sở hạ tầng quốc phòng, tăng cường tính chuyên nghiệp của người lính cũng như phúc lợi của họ;
(2) Tiếp tục mua sắm, đầu tư nâng cấp cho quân đội, trong đó ưu tiên hàng đầu cho lực lượng không quân và hải quân;
(3) Điều chỉnh lại quy mô, biên chế các đơn vị quân đội cũng như việc tăng cường năng lực chiến đấu và hiệp đồng chiến đấu;
(4) Phát triển hậu cần quốc phòng; xây dựng lực lượng dự bị đặc biệt cho các nhiệm vụ an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống;
(5) Tích hợp hệ thống chỉ huy tác chiến hiện đại; hiện đại hóa, tăng cường kho vũ khí chiến lược và chiến thuật, mua lại các vệ tinh quân sự, hệ thống tên lửa, các phương tiện chiến đấu không người lái; phát triển và tích hợp các giải pháp phòng thủ quốc gia nhằm đáp ứng điều kiện chiến tranh phức hợp, hiện đại;
(6) Chủ động phát triển nền công nghiệp quốc phòng đáp ứng được yêu cầu mới của đất nước, trong đó, nhấn mạnh đến khả năng tự chủ được các phương tiện quốc phòng, làm chủ công nghệ then chốt;
(7) Tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm thúc đẩy quá tình hiện đại hóa quân đội[10].
Các chủ trương, định hướng của Indonesia đang nhắm trúng vào những nhu cầu cấp thiết của nước này. Với đặc thù của một quốc gia quần đảo, hướng phát triển năng lực quốc phòng của Indonesia đã cho thấy những điểm khác biệt so với các quốc gia Đông Nam Á lục địa khác. Tuy nhiên, việc phân bổ ngân sách chi cho quốc phòng như thế nào vẫn chưa được thể hiện rõ ràng. Sự mơ hồ này khiến những đánh giá về khả năng phát triển quốc phòng của Indonesia trở nên khó khăn hơn. Trong trường hợp không có sự đột phá về đầu tư ngân sách, với tỷ lệ chi tiêu quốc phòng/quy mô GDP thấp như Indonesia, rất khó để những định hướng phát triển năng lực quốc phòng của nước này có được những bước tiến đột phá.
Thực trạng quá trình tăng cường tiềm lực quân sự của Indonesia
Indonesia là một trong những quốc gia có quy mô lực lượng vũ trang đông đảo hàng đầu Đông Nam Á với lực lượng thường trực khoảng 400.000 binh lính và một lực lượng dự bị tương đương. Tuy nhiên, với tổng quy mô dân số gần 300 triệu dân và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại 17.000 hòn đảo, đó vẫn là một con số tương đối khiêm tốn.
Đối với các lực lượng then chốt, lực lượng hải quân Indonesia tương đối đông đảo về lượng nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực nhưng khó có thể nói là đủ để đáp ứng được yêu cầu kiểm soát an ninh trong nước. Đồng thời, sức mạnh về chất của lực lượng này vẫn còn hạn chế. Cụ thể, lực lượng hải quân Indonesia chỉ có 10 tàu khu trục, 21 tàu hộ tống, 4 tàu ngầm, 13 tàu quét mìn và có tới 202 tàu tuần tra cùng một số loại phương tiện khác[11] (số liệu có thể tiếp tục thay đổi theo thời gian). Số lượng tàu chiến có thể đáp ứng được với môi trường chiến tranh hiện đại không nhiều, phần lớn chỉ đủ khả năng xử lý các vấn đề an ninh tối thiểu. Trong trường hợp chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa, rất khó để đòi hỏi các tàu tuần tra có thể thay thế vai trò của các chiến hạm thực thụ. Tuy nhiên, Indonesia cũng đang nhắm đến việc bổ sung thêm số lượng tàu chiến. Cụ thể, Fincantieri (Italia) đã ký bán sáu khinh hạm đa năng FREMM cho Indonesia[12]. Cuối tháng 3/2021, Nhật Bản và Indonesia đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự. Theo đó, Nhật Bản có thể cung cấp cho Indonesia 8 khinh hạm tàng hình lớp Mogami. Jakarta cũng có ý định hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực này[13]. Đồng thời, theo Nikkei Asia, Indonesia cũng đang có tham vọng nâng số lượng tàu ngầm của họ từ 4 lên 12[14]. Trong trường hợp đó, lực lượng hải quân Indonesia sẽ có thực lực tăng vọt, đứng đầu Đông Nam Á và khả năng kiểm soát các thách thức an ninh trong và ngoài nước sẽ được gia tăng đáng kể, đặc biệt là các thách thức an ninh trên biển.
Đối với lực lượng không quân, Indonesia có trên 300 máy bay có khả năng chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu. Cụ thể, lực lượng trực chiến của không quân nước này có 114 trực thăng, 10 trực thăng chiến đấu, 44 máy bay vận tải, 83 máy bay huấn luyện, 41 chiến đấu cơ và một số loại máy bay hỗ trợ khác[15]. Trong số đó, lực lượng chiến đấu chiến lược chủ yếu là các chiến đấu cơ thế hệ cũ, nòng cốt vẫn là các tiêm kích F-16 và Su-27 thuộc thế hệ 4, một số ít tiêm kích Su-30 thuộc thế hệ 4+.
Liên quan đến thực trạng các hoạt động đối ngoại quốc phòng, chính sách cân bằng nước lớn của Indonesia đang tạo ra nhiều chiều hướng tác động cho quá trình tăng cường năng lực quân sự. Một mặt, Indonesia có mỗi quan hệ tương đối êm đềm với các cường quốc. Điều đó sẽ giúp nước này có khả năng tiếp cận được nhiều nguồn cung ứng trang thiết bị, vũ khí từ Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các cường quốc khác trên thế giới. Nhưng ở mặt ngược lại, điều đó cũng đang cản trở Indonesia đưa đến một quyết định cụ thể, nên tập trung vào đối tác chiến lược nào. Mới đây nhất, từ giữa thập niên thứ 2 của thế kỷ XXI, Indonesia đã có mong muốn nâng cấp lực lượng không quân bằng một hợp đồng mua tiêm kích đa nhiệm Su-35, là tiêm kích chiến đấu thế hệ 4++ của Nga. Tuy nhiên, những vướng mắc chính trị đang trì hoãn nỗ lực thực hiện mong muốn này. Đến nay, lực lượng không quân chiến đấu của Indonesia vẫn phụ thuộc vào các tiêm kích thế hệ cũ gồm F-16 và Su-27/30. Rõ ràng, Indonesia đã vạch ra định hướng phát triển rất cụ thể, nhưng quá trình thực hiện đang có những bối rối nhất định. Nếu không thể có những bản hợp đồng mới, cho dù ngành công nghiệp quốc phòng có thể đảm bảo duy trì các lực lượng chiến lược vốn có, nhưng mức độ hiện đại hóa của quân đội Indonesia sẽ suy giảm đáng kể trong bối cảnh chạy đua vũ trang toàn cầu hiện nay.
Những tiến bộ mới của ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia
Năm 2013, thỏa thuận hợp tác kỹ thuật quân sự Nga – Indonesia đã được ký kết. Theo đó, Nga thành lập một trung tâm dịch vụ kỹ thuật tại Indonesia để giải quyết việc bảo trì, sửa chữa và đại tu các loại vũ khí do Nga sản xuất đang được biên chế trong quân đội Indonesia. Moskva cũng cho phép thành lập các liên doanh nghiên cứu, phát triển và sản xuất vũ khí, đồng thời hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho Jakarta[16]. Sự hỗ trợ của Nga có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng của xứ vạn đảo. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước và liên doanh với nước ngoài đang dần đáp ứng được các nhu cầu quân sự cơ bản. Có thể kể đến như: PT PAL Indonesia, PT Pindad, PT Dirgantara Indonesia, Airbus SE, FINCANTIERI SpA, và Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. Ltd, cùng một số cái tên khác. Ngành công nghiệp quốc phòng của Indonesia đã và đang cho thấy vai trò đáng kể đối với nhu cầu tăng cường tiềm lực quân đội.
Năm 2021, Indonesia đã tiết lộ một kế hoạch chi 125 tỷ USD cho đến giữa những năm 2040 để nâng cấp và hiện đại hóa kho vũ khí quân sự của mình. Các hợp đồng đáng chú ý mà ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia đã hoàn thành bao gồm: PT Dirgantara Indonesia đã giao hai máy bay trực thăng Bell 412EPI theo đơn đặt hàng 9 chiếc của Bộ Quốc phòng vào tháng 7/2021. Vào tháng 3 năm 2021, DSME (Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering Co. Ltd) thông báo rằng công ty đã bàn giao thành công chiếc tàu ngầm lớp Nagapasa thứ ba là KRI Alugoro. Tàu ngầm được lắp ráp tại Indonesia theo hợp đồng chuyển giao công nghệ với DSME trị giá 1 tỷ USD[17]. Rõ ràng, các công ty quốc phòng Indonesia đang nỗ lực liên doanh với các tên tuổi lớn của ngành công nghiệp quốc phòng trên thế giới nhằm thu hút việc chuyển giao công nghệ quân sự. Bên cạnh đó, quy mô các hợp đồng mới đối với các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của nước này cũng đạt mức tăng trưởng đáng kể trong những năm đầu thập niên thứ ba thế kỷ XXI[18].
Điều đáng chú ý là Indonesia tham vọng sẽ hoàn tất việc mua sắm quân sự đủ để đáp ứng các nhu cầu phòng thủ đất nước vào năm 2025 hoặc 2026, sau đó sẽ không cần mua thêm các thiết bị quân sự quan trọng cho đến ít nhất là năm 2044[19]. Đồng thời, theo dự kiến, ngành công nghiệp quốc phòng Indonesia đang hướng tới quy mô giá trị đạt 9,94 tỷ USD vào năm 2026 và đạt được sự tự chủ kéo dài cho đến năm 2044 như đã nêu. Như vậy, theo tính toán của Jakarta, năng lực công nghiệp quốc phòng của Indonesia sẽ có nhiều bước tiến đặc biệt lớn từ nay cho đến năm 2026.
Liên quan đến những ưu tiên chiến lược quốc phòng chung, đặc biệt ở lĩnh vực Hải quân và Không quân, công nghiệp quốc phòng của Indonesia đang từng bước đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa của nước này. Các công ty đóng tàu đã có những bước tiến đáng kể, có khả năng làm chủ công nghệ đóng phần lớn các loại tàu mặt nước có trong biên chế Hải quân. Trong khi đó, phục vụ cho lực lượng Không quân, Indonesia đang nỗ lực sử dụng ngoại giao nhằm mua công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu thế hệ mới từ các cường quốc. Những tín hiệu ngoại giao gần đây của Indonesia đang cho thấy nước này hoàn toàn có khả năng bổ sung được điểm thiếu sót còn lại trong ngành công nghiệp quốc phòng, hướng tới khả năng tự chủ gần như hoàn toàn công nghệ quân sự phục vụ trong nước những năm tới.
Ngoại giao quốc phòng góp phần tăng cường sức mạnh cho lực lượng vũ trang Indonesia
Điểm nhấn đầu tiên đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI trong ngoại giao quốc phòng của Indonesia nằm ở việc Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận suốt 20 năm đối với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia – ông Prabowo Subianto. Điều này có tác động tích cực tới quá trình thúc đẩy hợp tác quốc phòng giữa Indonesia với Mỹ và rộng hơn là toàn bộ thế giới phương Tây. Các hoạt động mua vũ khí, chuyển giao công nghệ đã được thúc đẩy trở lại.
“Ngoại giao máy bay chiến đấu” là một đặc điểm nổi bật trong chính sách ngoại giao quốc phòng của Prabowo. Một loạt động thái quan tâm tới các nhà thầu lớn như chương trình KF-X của Hàn Quốc, Sukhoi của Nga, Eurofighter Typhoon từ Áo, F-16 của Mỹ… Một số nhà phân tích cho rằng các cuộc đàm phán mua bán đa dạng nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của Indonesia vào bất kỳ nhà cung cấp nào[20]. Mặt khác, những động thái quan tâm đến việc bổ sung năng lực không quân là điều cần thiết với điều kiện địa lý của xứ vạn đảo. Trong trường hợp đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ có liên quan, Indonesia sẽ trở thành một cường quốc trong khu vực với khả năng tự chủ công nghệ máy bay chiến đấu thế hệ 4, điều gần như chưa có quốc gia nào khác ở Đông Nam Á đạt được.
Gần đây nhất, trong cuộc họp 2+2 giữa Indonesia và Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia đã chia sẻ rằng: Mối quan hệ giữa Indonesia và Pháp, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng đang tốt đẹp nhất trong nhiều thập kỷ. Hai bên đã và đang xem xét khả năng hợp tác trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ quốc phòng[21]. Thực tế, hai nước cũng đã có tương tác trong việc xúc tiến chuyển giao công nghệ liên quan tới tàu ngầm Scorpene và tên lửa Exocet. Indonesia được cho là đã có khả năng tự chủ trong việc sản xuất loại tên lửa này[22]. Ngoài ra, các động thái đàm phán để được chuyển giao công nghệ quân sự với các cường quốc khác cũng đang được Indonesia thúc đẩy.
Bên cạnh đó, các lực lượng vũ trang Indonesia cũng tăng cường tương tác với quân đội các nước nhằm nâng cao năng lực quân sự. Ví dụ, Hải quân Indonesia và Hải quân Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận nằm trong chương trình Hợp tác Huấn luyện và Sẵn sàng trên biển (CARAT) Indonesia 2022. Chuẩn Đô đốc Joaquin Martinez de Pinillos, Phó Chỉ huy Hạm đội 7 của Hoa Kỳ, cho biết: “CARAT Indonesia nhằm mục đích rèn luyện khả năng tương tác, mài giũa khả năng và tăng cường các mối quan hệ, làm sao cho lực lượng hải quân của hai bên có khả năng bảo vệ đất nước một cách tốt hơn”[23]. Các cơ chế hợp tác đa phương với quân đội các nước ASEAN cũng được đẩy mạnh, như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) và đặc biệt là Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ANCM), Hội nghị Tư lệnh Không quân ASEAN (AACC)… Trên cơ sở đó, các hoạt động tương tác trên thực địa của lực lượng vũ trang Indonesia với các nước trong khu vực được thúc đẩy, nhằm trao đổi kinh nghiệm tác chiến với nhau, tăng cường lòng tin, thúc đẩy mục tiêu duy trì hòa bình, ổn định khu vực Đông Nam Á. Trong nhiều năm gần đây, ba nước Indonesia, Philippines và Malaysia đã thường xuyên tiến hành tuần tra chung trên biển, lần gần nhất diễn ra vào tháng 4/2023. Trong khi đó, diễn tập chung giữa toàn bộ các nước ASEAN đã được diễn ra vào tháng 9/2023 tại biển Bắc Natuna.
Động lực và khó khăn
Với tư cách là cường quốc kinh tế số 1 Đông Nam Á, Indonesia hoàn toàn có thể đầu tư mạnh mẽ hơn để phát triển tiềm lực quốc phòng mà không gặp bất cứ trở ngại chính trị nào. Khi nguồn ngân sách không còn bị giới hạn, nhiều cơ hội mới cho nền quốc phòng nước này sẽ xuất hiện. Mấu chốt của vấn đề sẽ nằm ở ý chí chính trị của Jakarta. Vậy điều gì có thể thúc đẩy quyết tâm của Indonesia?
Một là, bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các siêu cường đang khiến các nước này tìm cách xích lại gần hơn với Indonesia. Trong hoàn cảnh như vậy, xứ vạn đảo sẽ có nhiều lựa chọn trong việc chọn các nhà cung ứng quân sự đáng tin cậy, phù hợp với đặc thù quốc gia biển của Indonesia. Cả Mỹ, Nga và Trung Quốc đều có thể đáp ứng được mong muốn của Jakarta. Thậm chí, thay vì chọn một, Indonesia có thể tận dụng được tất cả các nguồn cũng. Bởi bản thân thị trường vũ khí ở Indonesia đã có sự đa dạng, phong phú từ lâu, họ đã có những kinh nghiệm nhất định trong việc xử lý đa dạng các vấn đề về kỹ thuật quân sự.
Hai là, các áp lực an ninh từ bên ngoài đối với khu vực Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng sẽ gia tăng theo thời gian. Cạnh tranh nước lớn đang diễn ra ngày một phức tạp, nhân tố Philippines đang có những thay đổi làm phức tạp thêm tình hình khu vực. Nguy cơ căng thẳng có thể lan rộng, ảnh hưởng trực tiếp tới Indonesia.
Ba là, các yếu tố bên trong liên quan tới chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố, vốn đã là vấn đề nhức nhối đối với Indonesia, sẽ tận dụng những bất ổn từ bên ngoài để trỗi dậy, tạo ra các rủi ro an ninh lớn hơn đối với xứ vạn đảo.
Nguy cơ ngày một lớn đồng thời các nguồn cung tương đối rộng mở sẽ tạo ra một động lực đủ lớn thúc đẩy Indonesia tăng cường đầu tư cho quá trình tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Tuy nhiên, việc tăng cường năng lực quân sự của Indonesia cũng sẽ vấp phải nhiều thách thức, bao gồm:
(i) Việc sử dụng lượng vũ trí trang bị đa dạng về nguồn gốc tạo ra những khó khăn cho vấn đề tích hợp vào hệ thống chỉ huy tác chiến chung, cũng như quá trình hiệp đồng tác chiến khi có những sự cố an ninh, quốc phòng xảy ra;
(ii) Áp lực ngoại giao từ phía các nước lớn đối với Jakarta tương tự như việc đã làm đình trệ hợp đồng mua Su-35 của Nga vẫn sẽ hiện hữu, cản trở việc ra quyết định mua sắm các hợp đồng chiến lược của Indonesia. Điều này cũng có nguy cơ tạo ra sự mất cân đối trong cơ cấu lực lượng quân đội xứ vạn đảo;
(iii) Cùng với việc gia tăng sức mạnh quân sự, quy mô nhân, vật lực phục vụ cho một lực lượng như vậy sẽ gia tăng. Điều đó cũng đặt ra những vấn đề về quản lý tổ chức bộ máy, ngân sách giải quyết các chế độ cho quân nhân… Trong bối cảnh Indonesia đang nỗ lực ưu tiên phát triển kinh tế, cố gắng hòa giải sắc tốc, việc xử lý hài hòa toàn diện các vấn đề là không dễ dàng.
(iv) Quan điểm tự chủ trong ngành công nghiệp quốc phòng của Indonesia bên cạnh những yếu tố tích cực, vẫn có những điểm mâu thuẫn. Cụ thể, nước này đang hướng đến việc tự chủ phần lớn các nhu cầu quốc phòng trong nước trong tương lai gần. Tuy nhiên, Indonesia vốn chưa phải là cường quốc quân sự thực sự. Họ chưa làm chủ được các công nghệ quân sự quan trọng, và vẫn phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài. Việc tự chủ quá sớm trong khi thiếu vắng những nền tảng công nghệ mới sẽ là một điểm yếu đối với năng lực quốc phòng của nước này trong tương lai.
Một số vấn đề đặt ra cho khu vực và Việt Nam
Quá trình gia tăng tiềm lực quốc phòng của Indonesia hiện nay nằm trong xu hướng hiện đại hóa quân đội chung của khu vực trong bối cảnh phức tạp mới. Một mặt, việc gia tăng sức mạnh cho Indonesia góp phần làm gia tăng sức mạnh chung của khu vực. Điều này sẽ là chỗ dựa quan trọng cho Đông Nam Á tiếp tục duy trì hiệu quả ngoại giao phòng ngừa. Nhưng mặt khác, quá trình này cũng sẽ tạo ra sự chênh lệch ngày một lớn giữa thực lực của các quốc gia trong khu vực. Những mầm mống mâu thuẫn từ tiềm lực phi đối xứng có thể xuất hiện trong tương lai.
Đối với Việt Nam, quá trình hiện đại hóa quân đội thực hiện nhiệm vụ kiểm soát các đảo của Indonesia có thể đem đến những kinh nghiệm quan trọng cho việc hiện đại hóa Quân đội nhân dân Việt Nam. Là một quốc gia có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam rất cần tham chiếu các kinh nghiệm có được từ Indonesia để gia tăng năng lực bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, đặc biệt ở trên biển.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có thể tham khảo thêm kinh nghiệm phát triển năng lực quốc phòng với đặc trưng quốc gia biển rất rõ ràng của Indonesia nhằm xây dựng Chiến lược Biển trong tương lai. Tăng cường năng lực quốc phòng là điều tất cả các nước đều đã, đang và sẽ theo đuổi. Nhưng để thực hiện quá trình này gắn với những đặc trưng của một quốc gia biển, Indonesia tỏ ra gần gũi và dễ tham khảo nhất đối với Việt Nam. Nhất là khi cả 2 nước đều cùng chia sẻ một không gian an ninh chung ở Đông Nam Á.
Một kinh nghiệm quan trọng khác mà Việt Nam có thể rút ra từ thực tiễn của Indonesia đó là tính hiệu quả của chính sách cân bằng nước lớn trong lĩnh vực quốc phòng. Việc đa dạng hóa nguồn cung vũ khí vừa gây áp lực lớn cho ngân sách quốc phòng vừa có thể không đem lại những hiệu quả như mong đợi. Như trường hợp của Indonesia, nước này đang cho thấy những vấn đề hóc búa trong việc vận hành các hệ thống quân sự “đa quốc tịch”, bao gồm: khó tích hợp; khó hiệp đồng tác chiến; chi phí đào tạo – huấn luyện nhân sự, bảo trì – bảo dưỡng trang thiết bị lớn… Do vậy, Việt Nam cần có những tính toán thận trọng trong việc đưa ra các quyết định đầu tư mua sắm quốc phòng.
Indonesia là một trường hợp tương đối đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, chiến lược tăng cường năng lực quốc phòng của họ có những đặc trưng riêng. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù được đánh giá là quốc gia có quân đội mạnh nhất Đông Nam Á, nhưng năng lực quân sự của nước này về cơ bản chưa tương xứng với những yêu cầu, nhiệm vụ chiến lược của bản thân họ. Để đảm bảo tính hiệu quả của việc bảo vệ tính toàn vẹn lãnh thổ, ứng phó với các thách thức mới trong tương lai, việc đẩy nhanh quá trình tăng cường sức mạnh là điều tất yếu đối với Jakarta. Và thực tế, Indonesia đã có nhiều động thái tỏ rõ quyết tâm này. Trên cơ sở đó, Việt Nam – với tư cách là một quốc gia nằm trong phần lục địa của Đông Nam Á nhưng chịu ảnh hưởng rất mạnh của yếu tố biển – có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm có giá trị đối với quá trình hiện đại hóa lực lượng Quân đội nhân dân./.
Tác giả: Hoàng Hải
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật, liên hệ cộng tác cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể gửi về Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ: [email protected]
Chú thích:
[1] CNN Indonesia (2023), Ada 17.001 Pulau di Indonesia, Provinsi Mana Terbanyak Punya Pulau?, https://www.cnnindonesia.com/gaya-hidup/20230317222026-269-926629/ada-17001-pulau-di-indonesia-provinsi-mana-terbanyak-punya-pulau
[2] Statista (2023), The 20 countries with the largest gross domestic product (GDP) in 2022, https://www.statista.com/statistics/268173/countries-with-the-largest-gross-domestic-product-gdp/
[3] Globalfire Power (2023), 2023 Indonesia Military Strength, https://www.globalfirepower.com/country-military-strength-detail.php?country_id=indonesia
[4] Globalfire Power (2023), Defense Budget by Country, https://www.globalfirepower.com/defense-spending-budget.php
[5] World Bank, GDP (current US$) – Vietnam, https://data.worldbank.org/indicator/NY.GDP.MKTP.CD?locations=VN và Thư viện Pháp luật, Nghị quyết số 129/2020/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-chinh-nha-nuoc/Nghi-quyet-129-2020-QH14-2020-phan-bo-ngan-sach-trung-uong-nam-2021-458357.aspx
[6] Năm 2022, Singapore chi khoảng 11,7 tỷ USD cho quốc phòng trong khi GDP đạt khoảng 466 tỷ USD.
[7] Defence Ministry of the Republic of Indonesia (2015), Defence White Paper, p. 38, https://www.kemhan.go.id/wp-content/uploads/2016/04/BPPI-ENGLISH-2015.pdf
[8] Defence Ministry of the Republic of Indonesia (2015), Defence White Paper, p. 32, https://www.kemhan.go.id/wp-content/uploads/2016/04/BPPI-ENGLISH-2015.pdf
[9] Defence Ministry of the Republic of Indonesia (2015), Defence White Paper, p. 40, https://www.kemhan.go.id/wp-content/uploads/2016/04/BPPI-ENGLISH-2015.pdf
[10] Kementerian Pertahanan Republik Indonesia (2021), Kebijakan penyelenggaraan pertahanan negara Tahun 2020 – 2024, https://www.kemhan.go.id/wp-content/uploads/2022/08/LAMP-JAKGARA-HANNEG-17-Mei-Final.pdf
[11] Globalfire Power (2023), 2023 Indonesia Military Strength, https://www.globalfirepower.com/country-military-strength-detail.php?country_id=indonesia
[12] Tom Kington (2021), Indonesia orders six FREMM frigates from Fincantieri, Defense News, https://www.defensenews.com/global/europe/2021/06/10/indonesia-orders-six-fremm-frigates-from-fincantieri/
[13] Mordor Intelligence, Indonesia defense market size & share analysis – growth trends & forecasts (2023 – 2028), https://www.mordorintelligence.com/industry-reports/indonesia-defense-market
[14] Nikkei Asia (2021), Indonesia looks to triple submarine fleet after Chinese incursions, https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Indo-Pacific/Indonesia-looks-to-triple-submarine-fleet-after-Chinese-incursions
[15] Globalfire Power (2023), 2023 Indonesia Military Strength, https://www.globalfirepower.com/country-military-strength-detail.php?country_id=indonesia
[16] 彭玲霞, 王东梅 (2014), “印尼积极推进国防工业现代化”, 国防科技工业, 5/2014, p.67-68
[17] Mordor Intelligence (2022), Indonesian Defense Industry, https://www.mordorintelligence.com/blog/indonesian-defense-industry
[18] The Jakarta Post (2023), Indonesian defense industry: Bed of roses or of nails, https://www.thejakartapost.com/paper/2023/01/30/indonesian-defense-industry-bed-of-roses-or-of-nails.html
[19] Mordor Intelligence, Indonesia defense market size & share analysis – growth trends & forecasts (2023 – 2028), https://www.mordorintelligence.com/industry-reports/indonesia-defense-market
[20] Noto Suoneto & Ananta Evander (2021), “Assessing Prabowo Subianto’s Defense Diplomacy”, The Diplomat, https://thediplomat.com/2021/06/assessing-prabowo-subiantos-defense-diplomacy/
[21] Antara News (2023), Indonesia, France explore cooperation in defense, technology transfer, https://en.antaranews.com/news/289143/indonesia-france-explore-cooperation-in-defense-technology-transfer
[22] Waskito Dwiwicaksoputro; Gathut Imam Gunadi; Nadia Aurora Soraya; George Royke Deksino (2023), Transfer of Technology Process between Indonesia and France, International Journal of Social Science Research and Review, Volume 6, Issue 1 January, 202, p. 317.
[23] Erric Permana (2020), Indonesia to deploy navy force near South China Sea, https://www.aa.com.tr/en/asia-pacific/indonesia-to-deploy-navy-force-near-south-china-sea/2053026