Việc mở rộng BRICS với sự gia nhập của Ai Cập, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Xê Út và Ethiopia bắt đầu từ ngày 1/1/2024 sẽ giúp tổ chức này tăng cường tương tác với các thành viên mới trong chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc, bao gồm cả các vấn đề cải cách Hội đồng Bảo an. Hầu hết những thành viên mới, do tầm ảnh hưởng về chính trị và kinh tế đã dẫn đến một cuộc cạnh tranh vị thế gay gắt với “những người đàn anh” của BRICS gồm Brazil, Ấn Độ và Nam Phi, những quốc gia này cũng bày tỏ mong muốn trở thành ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Các quốc gia thành viên BRICS đang ngày càng chú ý đến việc cải cách Liên Hợp Quốc. Những cái tên đầu tiên được chú ý đến bao gồm Brazil, Ấn Độ và Nam Phi vì những quốc gia này đang mong muốn một ghế ủy viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Do đó, Tuyên bố Johannesburg-II được thông qua vào ngày 23/8/2023 như là kết quả của hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, bày tỏ sự ủng hộ đối với việc cải cách Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Hội đồng Bảo an. Lần đầu tiên, tài liệu BRICS tán thành cải cách HĐBA thông qua việc mở rộng đại diện của các nước đang phát triển từ Châu Phi, Châu Á và Mỹ Latin (bao gồm Brazil, Ấn Độ và Nam Phi) trong tất cả các cơ quan của Liên Hợp Quốc, bao gồm các ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an. Về vấn đề này, có thể giả định rằng các quốc gia thành viên mới cũng sẽ thể hiện nguyện vọng gia nhập Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Trong bối cảnh cải cách các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, các quốc gia BRICS cũng đề cập đến Thành quả của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới năm 2005. Trước sự kiện đó, một số quốc gia đã có một số nỗ lực nhằm đề xuất tầm nhìn của riêng họ về cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mặc dù những nỗ lực này đã thành công, bài viết sẽ thảo luận về vấn đề này.
Nhóm Bốn nước
Brazil, Ấn Độ, Đức và Nhật Bản, đã thành lập Nhóm 4 (G4) vào năm 2004 với mục đích giành được ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an cho các đại diện của mình. Tiếp theo, cuộc thảo luận do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lúc bấy giờ là K. Annan đề xuất về việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào tháng 7/2005. Nhóm G4 đã lưu hành dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đề xuất mở rộng Hội đồng lên 25 thành viên trong cùng năm. Dự thảo quy định bổ sung thêm sáu ghế thường trực (hai ghế cho Châu Phi và Châu Á, hai ghế cho khu vực Mỹ Latinh và Tây Âu).[i]
Tài liệu này bao gồm một điều khoản mở rộng quyền phủ quyết cho các thành viên thường trực mới trong trường hợp đặc quyền đó được xác nhận trong quá trình xem xét của HĐBA 15 năm sau khi có quyết định mở rộng. Quyết định này sẽ được chấp thuận và thông qua nếu được ủng hộ bởi đa số 2/3 số phiếu tại Đại Hội đồng. Bước tiếp theo sẽ là bầu các thành viên thường trực mới của Hội đồng Bảo an bằng cách bỏ phiếu kín trực, tiếp theo là sửa đổi Hiến chương Liên Hợp Quốc, vốn yêu cầu nghị viện của 2/3 số quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, bao gồm tất cả các thành viên thường trực của các nước thành viên Liên Hợp Quốc, bao gồm cả HĐBA
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ tứ đã trải qua một số thay đổi nhằm đạt được sự ủng hộ rộng rãi hơn cho sáng kiến này, đặc biệt là từ nhóm Các quốc đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) và châu Phi.
Như vậy, ngày 13/12/2023, trong cuộc họp không chính thức đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong khuôn khổ đàm phán liên chính phủ về cải cách Hội đồng Bảo an, đại diện của tất cả các nước G4 đã chủ trương ủng hộ việc mở rộng chung của Hội đồng lên 25-26 thành viên. Đối với số lượng thành viên không thường trực ngày càng nhiều, nhu cầu đặc biệt quan tâm đến các quốc gia vừa và nhỏ cũng như các quốc đảo nhỏ đang phát triển đã được nhấn mạnh. Bộ tứ hy vọng lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Liên Hợp Quốc vào năm 2025 sẽ mang lại những kết quả rõ rệt trên con đường cải cách.
Nhóm các nước Châu Phi
Các nước châu Phi bao gồm: Ai Cập, Ethiopia và Nam Phi đã đệ trình dự thảo nghị quyết của UNGA vào năm 2005, trong đó dự kiến HĐBA sẽ tăng lên 26 thành viên. Bên cạnh đó, nhóm sẽ có hai ghế không thường trực và hai ghế thường trực cũng như tất cả các đặc quyền của Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó bao gồm quyền phủ quyết. Dự thảo cũng kêu gọi hai ghế thường trực và một ghế không thường trực cho các quốc gia châu Á, một ghế thường trực và một ghế không thường trực cho các quốc gia Mỹ Latinh, một ghế thường trực cho Tây Âu và một ghế không thường trực cho Đông Âu.
Trong cuộc họp không chính thức đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đại diện của Ai Cập và Nam Phi đã tái khẳng định quan điểm của mình (đại diện Sierra Leone thay mặt Liên minh châu Phi phát biểu) về việc mở rộng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với hai ghế không thường trực và hai ghế thường trực của Châu Phi, trong đó ghế thường trực có quyền phủ quyết (nếu quyền này vẫn được giữ lại). Tuy nhiên, phía Ai Cập thận trọng về quy mô của Hội đồng Bảo an, nước này cho rằng “quy mô của cơ quan sau cải cách là vấn đề cần được xác định thông qua xem xét cẩn thận và tập trung vào việc đạt được sự cân bằng phù hợp giữa tính công bằng và hiệu quả”.
Đoàn kết để đồng thuận
Quan điểm của các thành viên nhóm Bốn nước (cũng như các quốc gia châu Phi) không được một số quốc gia tán thành, bao gồm cả các đối thủ của họ trong khu vực có thể kể đến Ý, Tây Ban Nha, Argentina, Pakistan, Hàn Quốc, Canada, Mexico và các quốc gia khác. Họ đã thành lập “nhóm Đoàn kết vì sự đồng thuận”. Trong dự thảo nghị quyết đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2005, họ đã đề xuất một cuộc cải cách “tạm thời”. Theo đó, số ghế trong Hội đồng Bảo an sẽ tăng lên 25 ghế chỉ bao gồm nhóm thành viên không thường trực, cùng với đó là nhiệm kỳ dài hơn và các quốc gia có thể tái tranh cử ngay lập tức… Họ cũng kêu gọi các nước trong Hội đồng Bảo an thể hiện sự kiềm chế trong việc thực thi quyền phủ quyết của mình. Nhìn chung, nhóm “Đoàn kết vì đồng thuận” đã duy trì quan điểm này cho đến nay. Đại diện của Ý và Mexico đã thay mặt họ xác nhận trong cuộc họp không chính thức đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Về vấn đề này, việc Argentina đã từ chối lời mời tham gia BRICS có thể sẽ được sự hoan nghênh bởi các nước đang khao khát có được ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an. Lý do là bởi Argentina với tư cách là thành viên của nhóm nước “Thống nhất vì đồng thuận” sẽ không cản trở các nỗ lực cải cách của họ.
Tổ chức hợp tác Hồi giáo
Phải kể đến việc Iran, UAE và Ả Rập Xê Út gia nhập BRICS, các nước này cùng với Ai Cập là thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (sau đây gọi là OIC), bài phát biểu của Bahrain thay mặt OIC trong cuộc họp không chính thức đầu tiên của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã gây chú ý. Nước này đặt ra yêu cầu có mặt đại diện thường trực của các quốc gia Ả Rập trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với tất cả các đặc quyền, bao gồm cả quyền phủ quyết.
Ngoài ra, việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không thể giải quyết tình hình ở Dải Gaza do thiếu sót của Washington đã làm cho tiếng nói của các quốc gia Ả Rập ngày càng lớn hơn khi họ yêu cầu cải tổ lại cơ quan này. Do đó, Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út đã kêu gọi cải tổ Hội đồng Bảo an sau khi Mỹ phủ quyết vào ngày 20/2/2024. Dự thảo nghị quyết do phái đoàn Algeria viết thay mặt cho Nhóm Ả Rập yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại khu vực xung đột Palestine-Israel.
Nga và Trung Quốc
Nga đã luôn ủng hộ việc xây dựng Hội đồng Bảo an có thể mang tính đại diện lớn hơn trong khi vẫn duy trì cơ cấu chặt chẽ nhằm đảm bảo phản ứng đầy đủ và nhanh chóng trước những thách thức và mối đe dọa hiện nay. Theo quan điểm của Nga, thành phần số lượng tối ưu của Hội đồng đổi mới là “hơn 20” thành viên (hoặc “ít nhất 20”), đi ngược lại với đề xuất mở rộng cơ quan này lên 25-26 thành viên. Đối với việc sửa đổi phương thức hoạt động của Hội đồng Bảo an, nền tảng lợi ích của Nga là duy trì tình trạng hiện tại và các đặc quyền của thành viên thường trực, bao gồm cả quyền phủ quyết.
Kế hoạch mà giới lãnh đạo Nga thực hiện vào đầu thế kỷ 21 nhằm hỗ trợ một số quốc gia muốn trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an mở rộng gần đây đã trải qua những điều chỉnh đáng chú ý sau những diễn biến về tình hình địa chính trị và mối quan hệ hợp tác của Nga với một số quốc gia có cùng tham vọng. Cộng hòa Liên bang Đức và Nhật Bản đã được Nghị quyết số 430-r ngày 5/3/2022 của Chính phủ Nga xếp vào nhóm các quốc gia “không thân thiện”.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Johannesburg, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã ủng hộ các ứng cử viên của Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. “Với tư cách là một trong những quốc gia có vai trò tích cực trong tổ chức toàn cầu này, chúng tôi đánh giá cao các bạn và chúng tôi cũng mong muốn vai trò này được củng cố trong Hội đồng Bảo an”. Nói về tuyên bố của Nhóm Bốn nước, ông Lavrov nhấn mạnh rằng các thành viên của nhóm này “có cùng lợi ích trong tình hình hiện nay, tuy nhiên Đức và Nhật Bản không thể nào tham gia Hội đồng Bảo an trên tư cách là Ủy viên thường trực theo bất kỳ cách nào, vì điều này sẽ chỉ làm trầm trọng thêm sự bất công. Cả Đức và Nhật Bản sẽ không đưa ra điều gì mới trong các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an vì họ tuân theo mệnh lệnh của Washington, giống như hầu hết các quốc gia phương Tây khác”.
Sự ủng hộ của Trung Quốc trong việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giảm dần thành những tuyên bố chung chung nhằm tăng cường khả năng đại diện của các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, có thể giả định rằng phương án cấp quyền thành viên thường trực cho Nhật Bản và Đức về cơ bản bị loại trừ. Một điểm đặc biệt khác trong lập trường của Trung Quốc là khát vọng về cái gọi là “giải pháp trọn gói”, tức là thay đổi với sự ủng hộ tối đa của tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, đây là một nhiệm vụ khó thực hiện. Điều quan trọng cần lưu ý là Nhật Bản và Ấn Độ là thành viên của tổ chức Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD). Tuy nhiên điều này không phải là trở ngại lớn đối với Bắc Kinh.
Để tóm tắt tất cả những điều đã nêu ở trên, rất có thể nhiệm kỳ chủ tịch của Nga tại BRICS sẽ gặp phải thách thức trong việc tập hợp quan điểm của cả “những thành viên kỳ cựu” và các thành viên mới về việc cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Để đạt được sự đồng thuận với các quyết định liên quan sẽ nằm trong tuyên bố cuối cùng về hội nghị thượng đỉnh Kazan được tổ chức vào tháng 10/2024. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn nếu không có ý chí đồng thuận về mặt chính trị của tất cả các thành viên BRICS và chỉ có thể đạt được một thỏa hiệp hợp lý nếu họ sẵn sàng đưa ra các quan điểm thẳng thắn và tìm ra những điểm chung giữa các quan điểm đó./.
Biên dịch: Duy Hưng
Tác giả: Dmitriy Kiku – Tiến sĩ Khoa học Chính trị, Chuyên gia Hội đồng về các vấn đề quốc tế của Nga
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
[i] Ngoài Đức, chỉ có 8 quốc gia thành viên EU (Bỉ, Hy Lạp, Đan Mạch, Latvia, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Pháp và Cộng hòa Séc), chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng số thành viên EU là đồng tác giả của dự thảo nghị quyết tại thời điểm đó.