Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc là hai nhân tố quan trọng trong hệ thống quốc tế, có mối quan hệ chính trị và kinh tế lâu đời và phức tạp, dựa trên nhiều di sản lịch sử khác nhau. Năm 1975, EU và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, khi EU chỉ có 9 quốc gia thành viên. Trong những thập kỷ kể từ đó, mối quan hệ hai bên đã phát triển để trở thành một trong những mối quan hệ mang tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế toàn cầu. Sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc và EU đều có các điều chỉnh chiến lược trong chính sách đối ngoại với nhau và cùng nỗ lực củng cố quan hệ song phương theo hướng ổn định, đối thoại thông qua nhiều cơ chế tham vấn khác nhau. Kể từ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001 và nổi lên là một cường quốc kinh tế đang phát triển, là trung tâm sản xuất chính của thế giới, mối quan giữa EU và Trung Quốc chủ yếu được xây dựng dựa trên thương mại song phương, với việc EU ngày càng phụ thuộc vào hàng hóa sản xuất của Trung Quốc, trong khi đó, Trung Quốc cũng có nhiều lợi ích trong việc thúc đẩy quan hệ với EU.
Trong thời gian qua với những biến động khôn lường của tình hình địa chính trị thế giới và khu vực, mối quan hệ EU – Trung Quốc đã trải qua những thay đổi to lớn cả về nhận thức và chính sách. Mối quan hệ hai bên xấu đi rõ rệt kể từ khi EU đưa ra chiến lược ba phần vào năm 2019 dựa trên quan hệ đối tác, cạnh tranh và sự ganh đua có hệ thống và đặc biệt căng thẳng hơn kể từ khi cuộc chiến Ukraine. Trong bối cảnh này, EU đang triển khai cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc theo hướng phù hợp hơn với thực tế địa chính trị, ngoại giao và kinh tế hiện nay.
QUAN HỆ HỢP TÁC EU – TRUNG QUỐC
Về chính trị, đối ngoại
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975 đến nay, mối quan hệ EU – Trung Quốc nhìn chung đã phát triển theo hướng đi lên, trong đó chủ yếu tập trung vào hợp tác thương mại và kinh tế. Tuy nhiên, cách tiếp cận của EU trong mối quan hệ với Trung Quốc đã có sự điều chỉnh chiến lược rõ rệt kể từ tháng 3/2019 khi ban hành “Triển vọng chiến lược Trung Quốc – EU năm 2019”, trong đó xác định Trung Quốc đồng thời là đối tác, đối thủ cạnh tranh và đối thủ cạnh tranh có hệ thống. Theo đó, Trung Quốc đồng thời được coi là đối tác hợp tác và đàm phán về các vấn đề toàn cầu lớn như biến đổi khí hậu, một đối thủ cạnh tranh về công nghệ và kinh tế cũng như một đối thủ có hệ thống với bộ giá trị riêng, giúp phân biệt Trung Quốc với mô hình dân chủ châu Âu. Các chuyên gia đánh giá, đây là một “khái niệm linh hoạt”, có thể bao hàm mối quan hệ giữa 27 quốc gia thành viên và Trung Quốc. Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc thường xuyên chỉ trích cách tiếp cận này này, được coi là có phần cực đoan so với lập trường hợp tác trước đây.
Đối với EU, chính sách “tiếp cận đa chiều” đối với Trung Quốc được đề xuất trong chiến lược này được cho giúp giải quyết được hai vấn đề: (1) Sự tách biệt giữa chính trị và kinh tế sẽ giúp ngăn chặn bất đồng chính trị ảnh hưởng đến hợp tác. (2) Nhìn nhận như thế nào về những điểm khác biệt.
Hơn nữa, trong hơn hai năm qua, mối quan hệ EU – Trung Quốc bị tác động tiêu cực do ảnh hưởng từ cuộc chiến Nga – Ukraine, trong đó cho thấy lập trường khác biệt của hai bên trong các vấn đề liên quan. Đặc biệt, sự phát triển vượt bậc của “quan hệ đối tác không giới hạn” giữa Moscow và Bắc Kinh được cho là làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ EU và Trung Quốc. EU coi đây là mối đe dọa lớn với an ninh châu Âu và điều này làm thay đổi hoàn toàn nhận thức về Trung Quốc của một số nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia ở Trung và Đông Âu. Trong khi đó, việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, đã đến lúc giành lại vị trí chính đáng của mình tại trung tâm của trật tự thế giới với tổng hòa các phương tiện chính trị, kinh tế và quân sự, nhất là trong cạnh tranh địa chính trị và công nghệ với Mỹ cũng tác động không nhỏ đối với sự phát triển của mối quan hệ hai bên hiện nay.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang ngày càng tăng cường hiện diện tại khu vực lân cận phía Đông của châu Âu, tại Ukraine, Moldova và Tây Balkan. Sự hiện diện về kinh tế và tham gia chính trị của Trung Quốc trong khu vực đã tăng lên nhiều trong thập kỷ qua, nhưng với tốc độ khác nhau ở các quốc gia khác nhau. Trong vài năm qua, một số nước như Moldova và Ukraine đã tách dần khỏi Trung Quốc, chọn tập trung vào việc củng cố quan hệ với phương Tây và theo đuổi tư cách thành viên EU. Có thể thấy xu hướng tương tự ở các nước Tây Balkan, mặc dù một số trường hợp ngoại lệ như Serbia, Bosnia và Herzegovina đang tăng cường và mở rộng hợp tác với Trung Quốc.
Trung Quốc duy trì sự hiện diện của mình tại châu Âu chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và nền tảng Trung Quốc-CEEC 17+1, bao gồm các nước Trung và Đông Âu và Hy Lạp. Là nhà cung cấp đầu tư và tài trợ cơ sở hạ tầng, Trung Quốc vẫn có liên quan cao đối với các quốc gia này, ảnh hưởng đến các mục tiêu của EU là thúc đẩy quản trị tốt và phát triển bền vững trong khu vực, đặc biệt là ở Tây Balkan.
Về kinh tế, thương mại
Trung Quốc và EU, với tư cách là hai nền kinh tế lớn của thế giới, chiếm 1/3 sản lượng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU, cũng như là nguồn nhập khẩu lớn nhất và là điểm đến lớn thứ ba của xuất khẩu. Tuy nhiên, sự giảm tốc về mặt cấu trúc của Trung Quốc và sự tự lực ngày càng tăng, cùng với sự phụ thuộc ngày càng lớn của EU vào Trung Quốc, đặc biệt là quá trình số hóa và phi carbon hóa, đã làm giảm các lợi ích mà Trung Quốc mang lại cho các nền kinh tế châu Âu trong vài thập kỷ qua.
Quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc đang trải qua giai đoạn sóng gió nhất trong khoảng ba thập kỷ trở lại đây, bắt đầu bằng các thay đổi về nhận thức chiến lược của EU từ năm 2019 khi khối này lần đầu tiên công khai xác định Trung Quốc là “đối thủ hệ thống”, kéo theo đó là các chính sách ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc với một loạt các đạo luật và chính sách mới được EU thông qua, đặc biệt là Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng, đã thách thức mối quan hệ hai bên. Mặc dù EU coi Trung Quốc là đối tác trong các vấn đề toàn cầu lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, nhưng lại là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ cao với EU. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa EU và Trung Quốc là mối quan hệ bền chặt, khó có thể tách rời, thậm chí thương mại song phương bùng nổ trong các năm qua. Các nhà lãnh đạo châu Âu nhận thức một cách rõ ràng rằng, dù muốn hay không, họ vẫn phải tương tác với Trung Quốc và hai nền kinh tế vẫn bổ sung cao cho nhau về mặt cơ cấu công nghiệp, sức mạnh công nghệ và nhu cầu thị trường.
Trong hơn một thập kỷ, chính sách công nghiệp của Trung Quốc đã tập trung vào việc thống trị các lĩnh vực toàn cầu có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế châu Âu. Một báo cáo năm 2021 của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, EU phụ thuộc rất nhiều vào các tác nhân bên ngoài đối với 137 sản phẩm chiến lược, trong đó 52% có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sự phụ thuộc này đặc biệt rõ ràng trong các lĩnh vực như dược phẩm với 40% đầu vào đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của châu Âu nằm ở các công nghệ xanh, khi Trung Quốc sở hữu khối lượng lớn tài nguyên liệu thô và thành phẩm. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Trung Quốc kiểm soát khoảng 60% nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất công nghệ xanh và tinh chế khoảng 90% các nguyên tố này. Sự phụ thuộc này làm phức tạp mục tiêu hướng tới độc lập năng lượng của châu Âu.
Năm 2023, EU đã xuất khẩu hàng hóa trị giá khoảng 224 tỷ euro sang Trung Quốc, ít hơn khoảng 07 tỷ euro so với năm 2022. Theo quan điểm của châu Âu, phụ thuộc kinh tế sâu sắc giữa Brussels và Bắc Kinh đã dẫn tới những xung đột; thống kê cho thấy, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 17,8% so với năm 2022, song thâm hụt thương mại của châu Âu với Trung Quốc vẫn rất đáng kể và quốc gia này vẫn là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho EU vào năm 2023. Năm 2024, hậu quả của các cuộc xung đột địa chính trị, từ sự thù địch công khai giữa Nga và Ukraine đến sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm rạn nứt kinh tế giữa Trung Quốc và EU. Hơn nữa, khi nền kinh tế xanh ngày càng phát triển, sự phụ thuộc của châu Âu vào Trung Quốc sẽ tăng lên, đặc biệt là ngành xe điện. Nhập khẩu xe điện do Trung Quốc sản xuất đã tăng vọt từ 1,4 tỷ euro vào năm 2020 lên 11,5 tỷ euro vào năm 2023, chiếm 37% tổng lượng xe điện nhập khẩu vào EU. Để tránh lặp lại sự phụ thuộc quá mức như với tấm pin mặt trời và tua-bin gió, ngày 04/10/2024, EU đã bỏ phiếu quyết định hành động bằng cách áp dụng mức thuế lên tới 45% đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất. EU cho rằng, việc áp thuế quan là bước đi cần thiết củng cố tính toàn vẹn của thị trường và ngăn chặn tình trạng bão hòa, tạo điều kiện cho xe điện do EU sản xuất tăng khả năng cạnh tranh. Sự kiện này đánh dấu sự thay đổi rõ ràng trong chiến lược của EU, nhằm hạn chế sự phụ thuộc ngày càng tăng vào công nghệ Trung Quốc và bảo vệ các ngành công nghiệp của chính mình.
Mặt khác, Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào EU. Trong khi thâm hụt thương mại của EU với Trung Quốc từ lâu đã được coi là một mối quan tâm, thì nó cũng nhấn mạnh sự phụ thuộc của Trung Quốc vào việc tiếp cận thị trường châu Âu. Trung Quốc phụ thuộc gấp đôi vào EU để xuất khẩu so với EU phụ thuộc vào Trung Quốc – 16% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang EU, trong khi chỉ có 9% hàng xuất khẩu của EU sang Trung Quốc. Sự mất cân bằng này mang đến cho châu Âu một cơ hội chiến lược. Hay trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, EU cũng là một trong những thị trường quan trọng nhất của Trung Quốc. Khi Trung Quốc tìm cách quốc tế hóa các sản phẩm xanh của mình, đặc biệt là xe điện, EU đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt là trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ.
Về an ninh và quân sự
La bàn chiến lược về an ninh và quốc phòng của EU là một bước quan trọng trong hành trình của EU để tăng cường an ninh và trở thành một thế lực địa chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, cách tiếp cận trong vấn đề an ninh và quân sự giữa EU và Trung Quốc vẫn dựa trên 04 trụ cột chính của EU là “Hành động, Bảo vệ, Đầu tư và Đối tác”, nhằm tạo ra một cách tiếp cận toàn diện trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng an ninh. Trên cơ sở này, quan hệ EU – Trung Quốc mang tính cạnh tranh địa chính trị, trong đó EU phải chuẩn bị “Hành động’ trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan, Biển Đông và/hoặc Biển Hoa Đông. Theo đó, EU phải “Bảo vệ” vị thế quân sự của mình ở các bên khác nhau bằng cách tăng cường sự hiện diện trên biển ở châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á và Đông Á. Để đạt được điều này, EU phải “Đầu tư” vào năng lực quân sự và sự hiện diện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời, EU phải “Hợp tác” và phát triển hơn nữa mối quan hệ với các quốc gia và tổ chức có cùng chí hướng để cạnh tranh với sự ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Chính vì vậy, EU ngày càng can dự nhiều hơn vào khu vực, thông qua việc hợp tác với các đối tác có cùng chí hướng trong khu vực như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc triển khai các hoạt động hải quân chung ở khu vực Ấn Độ Dương Thái Bình Dương, triển khai các chuyến thăm cảng, trao đổi và tập trận quân sự.
Các chuyên gia quân sự đánh giá, mặc dù EU chỉ có thể đóng một vai trò quân sự hạn chế ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng việc tham gia nhiều hơn có thể góp phần duy trì quyền tự do hàng hải và trật tự dựa trên luật lệ.
Việc hiện đại hóa và mở rộng quân đội của Trung Quốc, kết hợp với các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh đặt ra một loạt rủi ro, trong đó rủi ro nhất là khả năng xảy ra xung đột quân sự trên quy mô lớn. Đây là rủi ro lớn nhất đối với EU, vì một cuộc chiến tranh sẽ gây ra hậu quả kinh tế sâu sắc và cũng có thể ảnh hưởng đến trật tự toàn cầu. Các rủi ro khác bao gồm an ninh mạng và rủi ro liên quan đến việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định chiến lược hoặc gây ra một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Đông Á. Điều này đúng cả trong thời bình, khi các hoạt động mạng và gián điệp mạng thường xuyên diễn ra, và đặc biệt là trong thời chiến, khi các cuộc tấn công mạng có khả năng gia tăng.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực không gian và vũ trụ, EU và Trung Quốc cũng đã trở thành đối thủ cạnh tranh và hợp tác hai bên trong lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng bởi xu hướng chung suy giảm trong quan hệ EU – Trung Quốc.
Về hợp tác tại các tổ chức quốc tế
EU và Trung Quốc có các mục tiêu trong các vấn đề liên quan đến quản trị quốc tế. Trong khi EU có thể tuyên bố rằng chủ nghĩa đa phương nên không thể chia cắt, Trung Quốc tập trung vào việc phát triển sự tham gia của riêng mình vào Liên Hợp Quốc.
Kể từ năm 1977, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện của mình tại hơn 50 tổ chức quốc tế và đến năm 2023 họ đã đạt được tư cách thành viên trong 73 tổ chức quốc tế. Vai trò của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ngày càng lớn khi các quan chức Trung Quốc tại một thời điểm đã lãnh đạo 4/15 cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc bao gồm Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, Liên minh Viễn thông Quốc tế, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc. Điều này dẫn đến mối lo từ EU về việc Trung Quốc có thể lợi dụng để phục vụ các lợi ích chính sách đối ngoại của riêng mình.
EU cũng ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tạo dựng ảnh hưởng nhiều hơn tại Liên Hợp Quốc nhưng hai bên có mục tiêu khác nhau. Chẳng hạn, Trung Quốc hy vọng có sự thay đổi về đại diện trong số các thành phần nhân viên của các cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc bằng cách đưa thêm nhiều quốc gia đang phát triển vào trong khi vẫn duy trì Hiến chương Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, EU đang đấu tranh để cải cách Hiến chương Liên Hợp Quốc, bao gồm sửa đổi quyền phủ quyết và tăng cường tính đại diện của Hội đồng Bảo an. Trung Quốc cũng đã hoạt động tích cực tại cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vì cả hai tổ chức này đều đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà phân tích phương Tây đánh giá, tầm nhìn của Trung Quốc về tương lai của Liên Hợp Quốc và về quản trị toàn cầu nói chung còn mơ hồ. Ba Sáng kiến Toàn cầu của họ bao gồm Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, và Sáng kiến An ninh Toàn cầu, và gần đây nhất là Sáng kiến Quản trị Trí tuệ Nhân tạo Toàn cầu thường ít bao hàm các đề xuất rõ ràng về cách thay đổi trật tự quốc tế hoặc các cấu trúc quản trị toàn cầu hiện tại.
MỘT SỐ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI QUAN HỆ EU – TRUNG QUỐC
Mối quan hệ EU – Trung Quốc ngày nay đang đứng trước khá nhiều thách thức bởi:
Một là, EU ngày càng chuyển sang cách tiếp cận ít cởi mở và thận trọng hơn với Trung Quốc: Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã không còn “ẩn mình chờ thời” mà chuyển sang lập trường công khai, khẳng định vai trò, vị thế và tầm ảnh hưởng của mình trong các định chế, thể chế và quan hệ quốc tế. Chính điều này đã khiến EU phải xem xét cẩn trọng hơn về các mối quan hệ an ninh, địa chính trị, kinh tế, dài hạn cũng như giá trị chi phí trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Việc EU ngày càng chú trọng vào chiến lược giảm thiểu rủi ro trong quan hệ với Trung Quốc được coi là trở ngại lớn nhất của mối quan hệ này, có tác động tiêu cực đến hợp tác hai bên. Trung Quốc luôn coi sự phụ thuộc là tương hỗ chứ không phải đơn phương, sự phụ thuộc lẫn nhau là kết quả tự nhiên của hợp tác trong một thế giới toàn cầu hóa.
Hai là, tác động của quá trình chuyển đổi địa chính trị của EU trên toàn cầu: Trong những năm gần đây, EU đã công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” để mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực và trọng tâm chiến lược đã dần chuyển từ lĩnh vực kinh tế sang chính trị và an ninh. Tháng 7/2023, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen phát biểu tại Manila, Philippines rằng, EU sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực này. Bên cạnh đó, EU đã tăng cường tương tác với Đài Loan – lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, và điều này khiến Trung Quốc không hài lòng.
Hơn nữa, việc Trung Quốc gia tăng hiện diện tại châu Âu chủ yếu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và nền tảng Trung Quốc-CEEC 17+1, bao gồm các nước Trung và Đông Âu và Hy Lạp. Hơn nữa, dưới áp lực này, châu Âu cũng đã bắt đầu thực hiện một loạt các sắp xếp để ứng phó với việc mất đi ảnh hưởng, bao gồm tăng cường quan hệ với các quốc gia mới nổi quan trọng ở các khu vực khác nhau, nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện chương trình “Cổng kết nối toàn cầu” và đề xuất các sáng kiến mới phù hợp với các nước G7 như Mỹ và Nhật Bản. Hầu như tất cả các biện pháp này đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hơn là đối tác, đặc biệt là trong trường hợp của “Cổng kết nối toàn cầu” nhằm đối trọng với BRI của Trung Quốc, thúc đẩy EU hành động ở Trung Á, Mỹ Latinh và châu Phi.
Ba là, sự gia tăng ma sát giữa EU và Trung Quốc ngày càng tăng thể hiện rõ qua sự sẵn sàng hành động lớn hơn của EU, đặc biệt là thông qua các cuộc điều tra chống trợ cấp. EU đã bị tổn thương bởi nếm trải việc bị Trung Quốc “làm rỗng ruột” ngành công nghiệp tấm pin mặt trời. Hiện nay, EU đã tiến hành một số cuộc điều tra chống trợ cấp để chống lại những gì mà EU coi là các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hành động trả đũa và căng thẳng hơn giữa EU và Trung Quốc.
Hiện, EU và Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại với các đòn “ăn miếng trả miếng” sau khi đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch áp thuế đến 45% với xe điện nhập Trung Quốc, bắt đầu từ ngày từ 31/10, kéo dài ít nhất 5 năm. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối quyết liệt hành động này của EU và đã có động thái trả đũa, bằng cách điều tra về rượu mạnh, thịt lợn và sữa của châu Âu.
Ngày 04/11, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), phản đối các biện pháp chống trợ cấp của EU đối với xe điện do nước này sản xuất.
Bốn là, các vấn đề liên quan đến sự thống trị trong các ngành khoa và công nghệ mới cũng như các ứng dụng công nghiệp của Trung Quốc. EU ngày càng lo ngại về ranh giới mong manh của công nghệ dùng cho mục đích dân sự và quân sự do lo ngại tác động tiềm tàng đối với tương lai kinh tế của châu Âu nếu Trung Quốc thống trị các ngành công nghiệp mới.
Năm là, cách thức diễn biến của cuộc khủng hoảng Ukraine cũng sẽ có tác động đáng kể đến quan hệ hai bên. Trong thời gian qua qua, cuộc khủng hoảng đã gây gánh nặng lớn cho quan hệ Trung Quốc – EU vì EU luôn nhìn nhận quan hệ hai bên qua lăng kính của cuộc khủng hoảng Ukraine, từ đó làm suy yếu nghiêm trọng lòng tin chiến lược của nhau. Trung Quốc và EU đã tăng cường đối thoại về vấn đề này và tìm kiếm sự hợp tác về giảm leo thang và giải pháp chính trị cho cuộc chiến. Nhưng đứng từ một góc độ khác, Trung Quốc và EU vẫn giữ quan điểm khác nhau, đặc biệt là về sự phát triển của mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và Nga. Trung Quốc coi mối quan hệ của mình với Moscow không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào, do đó, không nên bị bên khác gây áp lực hoặc ép buộc. Tuy nhiên, EU có xu hướng xem hợp tác Trung Quốc – Nga là chống lại lợi ích của họ. Vì vậy, chừng nào cuộc khủng hoảng Ukraine còn tiếp diễn, chừng đó mối quan hệ EU – Trung Quốc còn bị ảnh hưởng.
Chính vì vậy, tương lai của mối quan hệ hợp tác EU – Trung Quốc đòi hỏi hai bên phải duy trì sân chơi bình đẳng và ngày càng gắn liền với lợi ích an ninh quốc gia cũng như sự cân bằng giữa cơ hội và rủi ro.
MỘT SỐ HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI KHU VỰC VÀ VIỆT NAM
Đông Nam Á, được hiểu ở đây là 10 quốc gia thành viên thuộc ASEAN, từ lâu đã có tầm quan trọng hàng đầu đối với Trung Quốc và cũng là khu vực chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đầu tiên và mạnh mẽ nhất. Theo truyền thống, đã có những mối liên hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ và kết quả là hiện nay có một cộng đồng người Hoa đông đảo trên khắp khu vực, mặc dù vị thế của họ khác nhau đáng kể giữa các quốc gia. Hơn nữa, các nước ASEAN có sự liên kết về nhiều mặt và mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và sâu sắc với Trung Quốc.
So với Trung Quốc, EU về nhiều mặt là một tác nhân xa hơn nhiều đối với Đông Nam Á. Tuy nhiên, do lịch sử thuộc địa của mình, nhiều thành viên EU cũng nhìn lại sự hiện diện kéo dài hàng thế kỷ trong khu vực này – đáng kể nhất là Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – điều này tạo ra một di sản phức tạp trong mối quan hệ giữa EU và các nước trong khu vực. Do đó, mặc dù EU đã thiết lập quan hệ với ASEAN vào năm 1977, tiến trình sau đó chậm hơn so với tiến trình liên quan đến Trung Quốc. EU có các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương với Singapore và Việt Nam, nhưng không có bất kỳ thỏa thuận nào với ASEAN nói chung và hơn nữa, có vẻ như rất khó có thể ký kết một FTA khu vực trong tương lai gần. Điều này khiến EU gặp bất lợi so với Trung Quốc, nước đã có FTA song phương với ASEAN từ năm 2002 (và từ năm 2022 như một phần của Đối tác kinh tế toàn diện khu vực). Ngày nay, EU là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN với khoảng 9% tổng kim ngạch thương mại, sau Mỹ (15%) và Trung Quốc (16%).
ASEAN cũng là khu vực mà EU có thể cạnh tranh ngang bằng với Trung Quốc bởi EU đã là một trong những nhà đầu tư quan trọng nhất vào ASEAN. Tuy nhiên, xét về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, Trung Quốc đã thâm nhập sâu vào các nước trong khu vực thông qua Sáng kiến BRI. Trong khi đó, để đối trọng với Sáng kiến này, EU đã hứa cung cấp gói đầu tư 10 tỷ euro cho các dự án cơ sở hạ tầng tại ASEAN thông qua “Cổng kết nối toàn cầu”, dự kiến sẽ chi vào năm 2027 trong các lĩnh vực năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, nghiên cứu và giáo dục.
Trong thời gian tới, EU vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng cường quan hệ kinh tế với các nước ASEAN nhằm không chỉ gia tăng vai trò và vị thế trong khu vực mà còn giúp EU giảm thiểu rủi ro và tạo thế cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc. Chính vì vậy, các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần khéo léo tận dụng các cơ hội và nguồn lực thúc đẩy quan hệ với cả EU và Trung Quốc, tránh để rơi vào vòng xoáy cạnh tranh chiến lược, từ đó có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu đã có nhiều thay đổi kể từ năm 2019, sau khi EU theo đuổi chính sách coi Trung Quốc là đối tác trong các vấn đề toàn cầu lớn như thương mại, biến đổi khí hậu, nhưng lại là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế và công nghệ cao. Sau khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, mối quan hệ này tiếp tục gặp phải không ít khó khăn, tuy nhiên, một Trung Quốc hùng mạnh và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trên trường quốc tế luôn là chủ đề mà châu Âu không thể bỏ qua tại nhiều chương trình nghị sự nội khối quan trọng. Năm 2024 không phải là năm “thuận buồm xuôi gió” đối với quan hệ EU – Trung Quốc do chịu tác động của hàng loạt thách thức từ các vấn đề chính trị nội bộ, tăng trưởng kinh tế, cuộc chiến tại Ukraine đến các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Hiện tại, có một sự đồng thuận chung rằng EU nên tránh việc tách rời rộng rãi khỏi Trung Quốc và thay vào đó nên tập trung vào các biện pháp có mục tiêu khi có sự phụ thuộc hoặc rủi ro. Giảm thiểu rủi ro và chiến lược an ninh kinh tế dựa trên các chính sách và biện pháp mà EU đã triển khai trong thời gia qua cũng như cách tiếp cận mới giúp tạo ra các khuôn khổ cho các bước tiến tương lai trong quan hệ hai bên. Để thúc đẩy quan hệ hai bên theo chiều hướng tích cực, việc cùng nỗ lực tìm cách “chung sống hòa bình” với nhau trong khi vẫn bảo vệ các giá trị và lợi ích của mình là điều rất quan trọng. Giải quyết được những vấn đề này không những giúp cải thiện được mối quan hệ EU – Trung Quốc, mà còn thúc đẩy nhiều biến động chung toàn cầu bởi những mối quan hệ đan xen phức tạp mà EU và Trung Quốc đều đang nắm giữ./.
Tác giả: Nguyên Long
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected].
Các link tham khảo:
1. https://www.china-briefing.com/news/eu-china-relations-after-the-2024-european-elections-a-timeline/
2. https://www.geostrategy.org.uk/research/china-european-union-relations-expectations-for-2024-and-beyond/
3. https://www.epc.eu/content/EUChina_TT_Compendium_2024_.pdf
4. https://www.euractiv.com/section/global-europe/special_report/eu-china-relations-2024-what-lies-ahead/
5. https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/STUD/2024/754446/EXPO_STU(2024)754446_EN.pdf
6. https://liia.lv/en/news/new-report-eu-china-relations-in-2024-frankness-and-caution-1268
7. http://eu.china-mission.gov.cn/eng/mh/202404/t20240408_11278074.htm
8. https://www.euractiv.com/section/global-europe/opinion/the-essence-of-china-eu-trade-and-economic-relations-is-mutual-benefit-and-win-win/
9. https://www.euractiv.com/section/global-europe/opinion/the-essence-of-china-eu-trade-and-economic-relations-is-mutual-benefit-and-win-win/
10. https://www.euractiv.com/section/global-europe/special_report/eu-china-relations-2024-what-lies-ahead/
11. https://europeanmovement.eu/policy/eu-china-relations-2/
12. https://www.bruegel.org/policy-brief/updating-eu-strategy-china-co-existence-while-derisking-through-partnerships