Quan hệ với châu Á được coi là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Chính sách xoay trục của Nga sang châu Á là một chương trình nghị sự khu vực rộng lớn liên quan đến các quốc gia châu Á quan trọng. Bài viết này do Nivedita Das Kundu, Nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học York/Canada chuẩn bị riêng cho Hội nghị Châu Á lần thứ XIII của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai.
Cuộc tranh luận chiến lược về việc Nga thuộc châu Âu hay châu Á đã diễn ra trong nhiều năm. Nga có lợi ích quan trọng trong khu vực và quan hệ với các nước hàng đầu châu Á.
Nga và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Sự hiện diện của hải quân Nga ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã có từ thời Liên Xô. Mối quan hệ của Nga với các bên tham gia chính trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) nói chung ngày càng được thể hiện rõ nét. Hạm đội Thái Bình Dương là một trong những hạm đội mạnh nhất của Liên Xô và được coi là một yếu tố quan trọng trong sự hiện diện quân sự của Liên Xô trong khu vực. Sự hiện diện quân sự của Liên Xô cũng rất đáng chú ý ở Ấn Độ Dương. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hạm đội Thái Bình Dương chính thức được gọi là Hạm đội Thái Bình Dương của Nga. Trong số bốn hạm đội của Nga, Hạm đội Thái Bình Dương kiểm soát vùng nước lớn nhất, bao gồm: Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương cho đến Vịnh Ba Tư. Trong Học thuyết Hải quân của Nga năm 2015, Ấn Độ Dương được đề cập là một trong những khu vực ưu tiên của Nga, cùng với Bắc Cực, Đại Tây Dương, Biển Caspi và Nam Cực. Ngày 17/11/2021, việc Nga trở thành đối tác đối tác đối thoại của của Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA) đã một lần nữa khẳng định sự hiện diện rộng rãi của Nga tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngày nay, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trung tâm kinh tế, thương mại của thế giới. Đây là nơi sinh sống của 65% dân số thế giới, chiếm 63% GDP thế giới và 46% thương mại thế giới. Đến năm 2030, khu vực này dự kiến sẽ là nơi sinh sống của 2/3 tầng lớp trung lưu toàn cầu. Nga là thành viên của Tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), mặc dù nước này không tham gia hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Thái Lan vào tháng 11/2022. Các nhà lãnh đạo APEC kêu gọi chấm dứt xung đột Nga-Ukraine, bởi cuộc xung đột này ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Họ cũng cam kết đưa nền kinh tế của khu vực đi theo con đường tăng trưởng bền vững và thúc đẩy thương mại tự do ở Thái Bình Dương.
Nga có thể tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), là một phần của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là thành viên của các nhóm và diễn đàn châu Á khác. Bốn trụ cột chính sách của IPEF bao gồm: Thương mại kỹ thuật số, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đáp ứng các cam kết năng lượng sạch và thực hiện các quy tắc thương mại công bằng với chính sách thuế hiệu quả và loại bỏ tham nhũng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, nhóm kinh tế mới này có liên quan đến các vấn đề và thách thức, vì các quốc gia tham gia sáng kiến có thể bị chia rẽ trong các cuộc đàm phán trong tương lai do trước đây họ đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và các liên minh chiến lược. Trao đổi dữ liệu tự do và các vấn đề biến đổi khí hậu cũng có thể gây căng thẳng trong nhóm. Tuy nhiên, cấu trúc kinh tế khu vực này sẽ mang lại lợi ích cho người dân,
Nga – Ấn Độ
Vị trí độc lập và duy nhất của Ấn Độ trong khái niệm năng động và đang phát triển của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tạo điều kiện để phát triển quan hệ với Nga. Nga rất quan trọng đối với Ấn Độ vì Nga giúp Ấn Độ thúc đẩy tầm nhìn toàn diện của nước này về khu vực và Ấn Độ đối với Nga cũng có tầm quan trọng tương tự vì Ấn Độ sẽ giúp Nga hiện thực hóa tầm nhìn đầy tham vọng của mình về Đại Á-Âu. Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Nga được đặc trưng bởi sự hiểu biết lẫn nhau và đồng quan điểm về các vấn đề, sự kiện lớn. Nga chiếm một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Hai quốc gia là đối tác chiến lược, và mối quan hệ hợp tác này dựa trên nhiều năm quan hệ hiệu quả, được thử thách bởi thời gian và các sự kiện lịch sử. Nga là đối tác quốc phòng chính của Ấn Độ. Những mối quan hệ nhiều mặt này đã tạo nên bầu không khí tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Cho đến nay, Ấn Độ vẫn kiềm chế chỉ trích Nga liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine, bất chấp sức ép từ phương Tây. Ấn Độ khẳng định, một cuộc đối thoại phải bắt đầu giữa Nga và Ukraine để giải quyết cuộc xung đột này.
Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí và năng lượng chính cho Ấn Độ. Kho vũ khí, trang bị quân sự của Ấn Độ, thậm chí cho đến tận ngày nay, phần lớn có nguồn gốc từ Nga và cần được bảo dưỡng liên tục cũng như cung cấp phụ tùng thay thế từ Nga. Ấn Độ gần đây đã mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, tuy nhiên có thể do nguy cơ Ấn Độ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt theo luật CAATSA của Mỹ (Đạo luật chống lại kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt) nên thỏa thuận này đang gặp nguy hiểm. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế Nga. Theo một báo cáo, Nga đã yêu cầu Ấn Độ cung cấp một số phụ tùng chính và gửi danh sách khoảng 500 mặt hàng. Những sản phẩm này bao gồm các bộ phận sản xuất ô tô, trong đó có các thành phần như: Động cơ, pít-tông, bơm dầu và hệ thống đánh lửa, cũng như thanh cản và dây an toàn. Được biết, Nga đã yêu cầu 41 thiết bị cho máy bay và trực thăng, bao gồm các bộ phận hạ cánh, nhiên liệu, thông tin liên lạc và hệ thống chữa cháy. Ấn Độ sẵn sàng tăng cường thương mại với Nga và đang thực hiện yêu cầu này. Đứng về “phe hòa bình”, Ấn Độ ủng hộ đối thoại, ngoại giao và chấm dứt xung đột Nga-Ukraine. Chính phủ Ấn Độ cảm ơn chính phủ Nga và Ukraine đã giúp sơ tán gần 20.000 sinh viên Ấn Độ trong khuôn khổ “Chiến dịch Ganga” khỏi vùng chiến sự từ tháng 02 – 03 năm 2022. Theo quan điểm của Ấn Độ, ngoại giao là cách hợp lý để thoát khỏi tình hình hiện tại và cần có một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và sớm nối lại các cuộc đàm phán hòa bình.
Nga và Trung Á
Nga là một bên tham gia nổi bật ở khu vực Trung Á và sẽ vẫn như vậy trong tương lai gần. Cả trong lĩnh vực an ninh và ngoại giao văn hóa, Nga đang theo đuổi một chính sách tích cực, quyết đoán và hiệu quả ở Trung Á. Nga vẫn duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ trong khu vực và duy trì mối quan hệ nồng ấm với cả 5 quốc gia Trung Á và giới lãnh đạo các quốc gia này. Thực tiễn cho thấy, Nga vẫn là lực lượng bên ngoài quan trọng nhất, tiếp tục duy trì ảnh hưởng chính trị và an ninh ở Trung Á.
Định dạng “Trung Á cộng với Nga” đã được phát triển thành công trong vài năm qua. Nga cho đến nay vẫn chỉ giới hạn trong hợp tác song phương hoặc hợp tác trong khuôn khổ các liên minh quốc tế, bao gồm Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). EAEU bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan, trong khi Uzbekistan có tư cách quan sát viên. CSTO bao gồm năm thành viên của EAEU và Tajikistan. Nga và các quốc gia Trung Á là các quốc gia trung chuyển để trao đổi hàng hóa giữa châu Âu và châu Á. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng, hành lang đường bộ và đường sắt đang được tạo ra giữa Nga và các quốc gia Trung Á. Nga cũng đang giúp đỡ các quốc gia Trung Á trong cuộc chiến chống khủng bố,
Nga và Trung Quốc
Hợp tác và đối tác chiến lược Nga-Trung đang diễn ra suôn sẻ ngay cả trong cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Trung Quốc dứt khoát ủng hộ Nga trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, thể hiện lập trường của mình đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine phù hợp với cách tiếp cận chính sách đối ngoại và lợi ích quốc gia của mình. Nhìn chung, các tuyên bố công khai của Trung Quốc về cuộc xung đột Nga-Ukraine chỉ giới hạn ở một số nguyên tắc chính. Trung Quốc xuất phát từ lợi ích của đất nước, tôn trọng mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, đề nghị hòa bình và phản đối hành động quân sự, đồng thời kêu gọi đàm phán.
Nga và Trung Quốc cực kỳ quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhau. Ngày nay, hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Nga và sự phụ thuộc lẫn nhau đã đạt đến mức rất cao, và sự hợp tác này là rất quan trọng đối với cả hai nước. Hiện tại, Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga và Nga là nguồn nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ ngoại giao và thông tin cho Nga. Cả Nga và Trung Quốc đều cho rằng, điều quan trọng là phải hình thành một khái niệm an ninh thống nhất trên thế giới có tính đến lợi ích và mối quan tâm của tất cả các bên và tránh sự thống trị của bất kỳ khối nào.
Nga, SCO và BRICS
Nhiều tổ chức mới xuất hiện trong trật tự thế giới quốc tế mới nổi. Các nhóm và diễn đàn mới đại diện cho các hệ tư tưởng và lợi ích khác nhau, giúp tránh sự thống trị hoặc bá quyền của một bên. Ngày nay, các tổ chức quốc tế này ngày càng trở nên hiệu quả hơn trong nền chính trị thế giới, cho phép các quốc gia mở ra những cơ hội và triển vọng mới. Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và các quốc gia Trung Á là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và tìm cách tạo ra một môi trường quốc tế ổn định và dễ đoán hơn. SCO là một tổ chức quốc tế được công nhận và là một diễn đàn nghiêm túc để đảm bảo an ninh và ổn định khu vực. Tổ chức này tìm cách thay đổi hệ thống quốc tế để đóng góp vào sự phát triển của trật tự quốc tế theo cách hợp lý và công bằng hơn. Nga cũng chiếm một vị trí nổi bật trong BRICS, một tổ chức đa phương quan trọng khác bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đây là một diễn đàn kinh tế hùng mạnh, tập hợp một nửa dân số thế giới và gần 50% GDP của thế giới. BRICS bảo vệ lợi ích của các nước thành viên dưới danh nghĩa đảm bảo tính đa cực.
Dự báo xu hướng thời gian tới
Mối quan hệ giữa Nga và châu Á đã trở nên sâu sắc hơn trong thập kỷ qua. Sự kết nối, hợp tác này mở ra cơ hội cải thiện quan hệ kinh tế, thương mại trong tương lai, phát triển quan hệ ngoại giao, chính trị, hợp tác quốc phòng, giao lưu nhân dân. Đồng thời, Nga sẽ đưa ra một số sáng kiến chiến lược nhất định để mở rộng hợp tác với các nước châu Á, cụ thể là:
- Tạo ra một nền tảng khu vực chuyên biệt cho hợp tác đa phương để đảm bảo an ninh năng lượng.
- Cải thiện “Vòng năng lượng khu vực Đông Bắc Á” ( NEAREST ) thông qua việc xây dựng các cơ sở năng lượng mới ở Siberia và các vùng Viễn Đông của Nga để xuất khẩu điện.
- Xây dựng một trung tâm dầu mỏ ở Viễn Đông Nga.
- Tạo một kho dự trữ ngũ cốc Đông Á trong khuôn khổ EAS (Hội nghị cấp cao Đông Á), xây dựng cơ sở hạ tầng để xuất khẩu ngũ cốc ở Siberia và Viễn Đông.
- Hợp tác với các cơ quan vũ trụ châu Á về việc sử dụng các hệ thống công nghệ như GLONASS và các hệ thống định vị khác, các công nghệ giám sát cơ sở hạ tầng từ xa.
- Cải thiện các cách tiếp cận ngoại giao của Nga và tăng cường vai trò của nhân tố Nga trong việc giải quyết các xung đột khu vực, nếu cần thiết.
Biên dịch: Nhã Nam
Về tác giả:
Nivedita Das Kundu là Nghiên cứu viên cao cấp tại Đại học York/Canada