Tóm tắt: Tình hình thế giới thay đổi sâu sắc trong nhiều năm trở lại. Ở Châu Âu, cuộc xung đột Nga – Ukraine đã trải qua năm thứ ba và thiệt hại lớn về nhân lực và nguồn lực của hai bên cũng như các nước trong khu vực và toàn cầu. Ở Trung Đông, xung đột giữa Israel và các lực lượng Hồi giáo được sự hậu thuẫn từ Iran đã có những leo thang trực tiếp. Trong khi đó, tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Quốc đã và đang thể hiện sự lấn lướt với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Những sự kiện kể trên sẽ tiếp tục là thách thức đối với chính quyền Mỹ dưới thời chính phủ mới của Tổng thống Donald Trump và chính quyền Đức sau chiến thắng của Friedrich Merz, dẫn đến định hình cách tiếp cận và tác động trực tiếp đến quan hệ Mỹ - Đức trong thời gian tới.
Mở đầu
Quan hệ quốc tế đang chứng kiến nhiều sự thay đổi rõ rệt. Kể từ khi trở thành mạch chính trong quan hệ quốc tế trong những thập niên cuối thế kỷ 20, toàn cầu hóa đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nước kém và đang phát triển hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã sử dụng toàn cầu hóa để gia tăng ảnh hưởng, dẫn đến sự suy giảm vai trò của toàn cầu hóa trong việc đưa các quốc gia hội nhập quốc tế và góp phần thúc đẩy xu hướng bảo hộ quay trở lại. Theo đó, các quốc gia đã thay đổi quan điểm theo hướng toan tính lợi ích toàn cầu.
Tháng 1/2025, Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc tranh cử Tổng thống vào năm 2024. Sự trở lại của Donald Trump đã được nhiều chuyên gia dự báo và những chiến lược ông ứng dụng với từng khu vực trong nhiệm kỳ đầu tiên được nhìn nhận sẽ tái diễn. Trong khi đó, nước Đức vừa diễn ra cuộc bầu cử liên bang vào ngày 23/2/2025 với chiến thắng dành cho Friedrich Merz, ứng viên đến từ đảng CDU/CSU. Lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục đối phó với các thách thức chung đang diễn ra như vấn đề Nga – Ukraine, xung đột tại Trung Đông, sự trỗi dậy của Trung Quốc và vấn đề quan hệ Xuyên Đại Tây Dương.
Tổng quan quan hệ Mỹ – Đức trong giai đoạn trước năm 2025
Sau khi Donald Trump thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng vào năm 2020, quan hệ Mỹ – Đức đã được phục hồi nhờ chủ trương khôi phục quan hệ Xuyên Đại Tây Dương của ông Joe Biden. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tập trung tăng cường quan hệ với Đức với mục tiêu tăng cường lòng tin chính trị giữa hai nước nhằm đối phó với các thách thức đang diễn ra.
Về kinh tế – thương mại, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ tại Châu Âu với kim ngạch thương mại song phương đạt 324 tỷ USD. Nước Đức thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Mỹ lên đến 193 tỷ USD và nước Đức là nguồn đầu tư FDI lớn thứ ba tại Mỹ với hơn 600 tỷ USD (số liệu năm 2023). Nước Đức cũng là quốc gia có số nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo hàng đầu tại Mỹ (The White House, 2024).
Về đối ngoại – quốc phòng, quan hệ Mỹ – Đức dưới thời Tổng thống Joe Biden được nhìn nhận có sự nồng ấm. Sau khi đắc cử, Joe Biden đã gọi điện cho Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cho thấy sự ưu tiên, quan tâm của chính quyền Mỹ do ông J. Biden lãnh đạo (Bình An, 2020). Nước Đức cũng trở thành nơi được chọn để Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên tiếng ngăn cản động thái của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi lãnh đạo Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine. Khi cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra, nước Đức đã cùng chính quyền Joe Biden áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga và tăng cường viện trợ, trong đó có viện trợ quân sự nhằm giúp Ukraine tăng cường khả năng chiến đấu. Mỹ và Đức đã cùng hợp tác thông qua các thể chế đa phương như NATO, OSCE,… nhằm phát huy tối đa lợi thế của từng nước. Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden tiếp tục duy trì quân số Mỹ đông nhất Châu Âu ở Đức với 39.000 quân nhằm đảm bảo an ninh cho các nước Châu Âu, thay vì động thái rút quân như dưới thời Tổng thống Donald Trump (Carlough, Harris, & McGowan, 2025). Thêm vào đó, trụ sở của Bộ Tư lệnh Châu Âu Hoa Kỳ (EUCOM) tiếp tục được đặt ở Đức, chứng minh nhất quán vai trò của Đức và ảnh hưởng của nước này, cũng như quan hệ nồng ấm dưới thời Tổng thống Joe Biden. Nước Đức cũng bắt đầu can dự sâu sắc vào tình hình khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đóng vai trò quan trọng ở khu vực Trung Đông với những chuyến thăm chính thức và phi chính thức với sự trợ giúp của Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden. Lãnh đạo hai nước thường có các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau, tái khẳng định quan hệ song phương Mỹ – Đức nồng ấm.
Có thể thấy, dưới thời Tổng thống Joe Biden, quan hệ Mỹ – Đức đã được khôi phục nhằm hướng đến những lợi ích chung và giải quyết các thách thức liên khu vực trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những chuyển biến cực kỳ phức tạp và khó lường.
Dự đoán quan hệ Mỹ – Đức dưới thời Tổng thống Donald Trump
Tháng 11/2024, Donald Trump đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong suốt cuộc tranh cử, Donald Trump đã tiếp tục sử dụng học thuyết “America First” (Nước Mỹ Trên Hết) để làm định hướng chiến lược trong 4 năm nhiệm kỳ mới. Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 xuất phát từ những xung đột diễn ra ở các châu lục. Tại Châu Âu, cuộc xung đột Nga – Ukraine đang có dấu hiệu leo thang, thiệt hại về người và tài sản của các bên, đặc biệt là những tài trợ của chính quyền Tổng thống Joe Biden không hiệu quả dẫn đến lạm phát và suy thoái kinh tế trong nước. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã làm suy yếu tình trạng kinh tế toàn cầu vốn đang gặp khó khăn sau nhiều năm do tác động của Covid-19. Cuộc xung đột có khả năng cao xảy ra nhiều sự kiện bất ngờ, đặc biệt là sự xuất hiện của quân đội các nước ở những châu lục khác. Trong khi đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình thông qua Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) đã có những tác động đáng kể đến tất cả châu lục, đặc biệt là khi Trung Quốc gia tăng can dự vào khu vực lục địa Châu Âu và Châu Mỹ thông qua những dự án hạ tầng cơ sở quy mô lớn. Ngoài ra, kinh tế Mỹ đang trong quá trình suy thoái nghiêm trọng. Vì vậy, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ cân nhắc quan hệ với từng quốc gia nhằm phát huy tối đa lợi ích của Mỹ.
Tháng 11/2024, chính quyền Thủ tướng Đức Olaf Scholz sụp đổ. Nguyên nhân của sự sụp đổ xuất phát từ những tác động của gói viện trợ 44 tỷ USD mà chính phủ Đức tài trợ cho Ukraine nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và hồi phục kinh tế – xã hội. Trước khi cuộc bầu cử liên bang Đức diễn ra vào 23/2/2025, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance và tỷ phú Elon Musk đã công khai vận động cho đảng cực hữu AfD nhằm giúp đảng này trở thành đảng có số phiếu cao nhất. Đặc biệt, ông JD Vance đã công khai chỉ trích các đảng ở Đức cố gắng cô lập đảng này tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2/2025. Sau khi bầu cử diễn ra, ứng viên Friedrich Merz và đảng CDU/CSU giành thắng cử. Tuy nhiên, chiến thắng của CDU/CSU không đạt đủ số ghế để thành lập chính phủ. Vì vậy, đảng này đang đàm phán với đảng Xanh và SPD để thành lập chính phủ liên minh mới. Mặc dù chính phủ Tổng thống Donald Trump công khai ủng hộ đảng AfD, dẫn đến mâu thuẫn giữa hai chính quyền mới nhưng chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục phát triển và duy trì quan hệ với nước Đức dưới thời chính phủ của tân Thủ tướng Friedrich Merz.
Nước Đức sẽ đóng vai trò duy trì vị thế và uy tín quốc tế của Mỹ. Từ sau Thế chiến 2 đến nay, nước Đức đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế. Tính đến năm 2023, nước Đức trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP hơn 4.500 tỷ USD. Thành tựu về kinh tế đã đem lại vị thế, uy tín quốc tế cao cho nước Đức. Ngoài ra, nước Đức cũng là nước có ảnh hưởng lớn hàng đầu trong Liên minh Châu Âu và là nền kinh tế xuất khẩu chủ lực của các quốc gia trong khu vực. Nước Đức cũng đóng góp vai trò quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở nhiều khu vực trên thế giới. Trong giai đoạn nắm quyền từ năm 2016 – 2020, chính quyền Donald Trump đã cho rằng nước Đức là một trong những đối tác mạnh mẽ và thân thiết nhất. Chính quyền của ông cũng thừa nhận sự an ninh và thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào sự sâu sắc của quan hệ Mỹ – Đức. (U.S. Department of State, 2019).
Có thể thấy, nước Đức đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế và đối ngoại, nhưng hiện nay nước Đức chỉ đóng vai trò hỗ trợ, thay vì đóng vai trò chính trong nhiều vấn đề. Điều này xuất phát từ vấn đề lịch sử của nước Đức sau Thế chiến 2. Vì vậy, nước Mỹ dưới thời chính phủ Tổng thống Donald Trump 2.0 sẽ tạo khoảng trống để nước Đức đóng vai trò lớn hơn khi Trung Quốc và Nga đang tạo ra những ảnh hưởng nhất định ở tất cả châu lục. Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã có những ảnh hưởng sâu sắc thông qua xung đột với Ukraine kể từ năm 2022, tác động trực tiếp đến lợi ích và an ninh quốc gia của Đức. Trong khi đó, Trung Quốc đã đầu tư nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm ở Châu Âu với chi phí được nhận định không nhằm mục đích kinh tế. Theo báo cáo của Cơ quan Thương mại và Đầu tư Đức (GTAI) vào tháng 5/2024, nước Đức chứng kiến mức tăng 42% lên 200 dự án FDI có nguồn gốc từ Trung Quốc vào năm 2023, là mức cao nhất kể từ năm 2017 với tổng trị giá khoảng 30 tỷ USD (Xinhua News Agency, 2024). Vì vậy, nước Đức sẽ tham dự nhiều hơn vào các vấn đề khu vực và toàn cầu, đặc biệt là khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm kéo giãn ảnh hưởng của Trung Quốc, đồng thời củng cố uy tín, vị thế, góp phần vào sự thành công của chiến lược toàn cầu được nước Mỹ triển khai dưới thời Tổng thống Donald Trump. Nước Đức dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz đã gia tăng hợp tác với các nước Nhật Bản, Ấn Độ thông qua các dự án về tăng trưởng xanh nhằm gia tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ngoài ra, nước Đức cũng hợp tác với các nước thuộc ASEAN và tham gia các sáng kiến do Mỹ đề xuất để củng cố vị thế và ảnh hưởng của nước này cũng như duy trì hình ảnh của Mỹ trong khu vực (Bùi Gia Kỳ, 2024). Đối với nước Mỹ, trong bối cảnh nước này dưới thời Tổng thống Donald Trump đang tái định hướng chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế, việc duy trì hợp tác với quốc gia có uy tín và vị thế quốc tế cao như Đức sẽ tiếp tục duy trì, củng cố uy tín, vị thế của Mỹ trong trật tự toàn cầu. Ngoài ra, việc tạo khoảng trống để nước Đức chứng minh vai trò sẽ giúp nước Mỹ củng cố uy tín đối với các nước đối tác, đồng minh, đặc biệt là các nước đang có xu hướng nghi ngờ về vai trò lãnh đạo của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là nước Pháp. Thêm vào đó, cộng đồng người Mỹ gốc Đức lên đến hơn 40 triệu người, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nước Mỹ, sẽ góp phần củng cố vai trò của nước Đức trong chính sách và chiến lược đối ngoại của Mỹ trong thời gian tới. Đặc biệt, Tổng thống Donald Trump có nguồn gốc nhập cư từ Đức nên nước Đức sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Mỹ.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu, nước Đức sẽ phối hợp với Mỹ để giải quyết các vấn đề trọng điểm. Trong quan hệ quốc tế, khi một quốc gia có tư tưởng bá quyền dẫn đến thay đổi tình hình khu vực, các quốc gia sẽ tập hợp lực lượng nhằm hạn chế ảnh hưởng và tác động. Hiện nay, Trung Quốc và Nga là hai quốc gia được nhiều đời tổng thống Mỹ nhìn nhận là có sự đối lập về cách tiếp cận, giá trị và lợi ích không song trùng. Như đề cập, trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời Donald Trump đang tái định hướng phát triển, nước Mỹ sẽ tạo khoảng trống để nước Đức có thể phát huy vai trò lớn hơn.
Về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nước Đức sẽ gia tăng ảnh hưởng ở khu vực trong bốn năm nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump 2.0. Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực tập hợp của nhiều cường quốc hàng đầu thế giới hiện nay. Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chiếm đến 60% GDP thế giới và 60% thương mại hàng hải toàn cầu (Minh Hải, 2021). Kể từ khi được Tổng thống Donald Trump công bố chiến lược dành cho khu vực, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã trở thành chiến lược của 11 quốc gia trên thế giới, cho thấy tầm quan trọng của khu vực đối với trật tự toàn cầu (Bùi Trường Giang – Nguyễn Gia Đức, 2025). Thêm vào đó, khu vực này cũng là nơi có nhiều quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân nhất thế giới. Một khu vực đặc biệt phức tạp và khó lường như Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nước Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump 2.0 sẽ cần sự hỗ trợ từ các đối tác “cùng chí hướng” ở trong và ngoài khu vực.
Đối với nước Đức, nước này đã mất ảnh hưởng ở khu vực kể từ khi thất bại trước Nhật Bản trong cuộc chiến ở Thanh Đảo, Trung Quốc vào năm 1914. Vì vậy, việc hiện diện trở lại trong khu vực là cực kỳ khó khăn. Do đó, nước Đức đã tăng cường sự hiện diện thông qua các sáng kiến và hỗ trợ từ Mỹ. Việc tăng cường hiện diện của Đức tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xuất phát từ ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn tại Châu Âu, đặc biệt là ở nước Đức. Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào các cơ sở hạ tầng huyết mạch tại Đức nhằm tác động trực tiếp đến tình hình nước Đức và Châu Âu. Năm 2023, công ty Cosco được niêm yết tại Hongkong thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc đã mua 24,9% cổ phần của Container Terminal Tollerort, hiện thuộc sở hữu của Hamburger Hafen und Logistik AG, đơn vị vận hành cảng Hamburg, một trong những cảng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Đức sau khi hai bên ký kết thỏa thuận năm 2021 (Nan, 2023). Bên cạnh đó, vào năm 2018, công ty Cosco cũng đã nắm giữ 30% cổ phần của công ty vận hành cảng nội địa phức hợp Duisburg, nơi có trữ lượng than lớn nhất ở Đức, là nơi 80% tàu hàng Trung Quốc cập bến đầu tiên tại Châu Âu và là nơi chứng kiến hoạt động đầu tư mạnh nhất ở nước Đức với hơn 100 công ty, đồng thời là nơi đặt nhiều trường đại học hàng đầu của nước này (Atlas Logistics, n.d.) (Oltermann, 2018) (Tim Hildebrandt, 2022). Do đó, mục tiêu của chính quyền Thủ tướng Friedrich Merz trong thời gian tới là tiếp tục theo đuổi chiến lược của chính phủ Thủ tướng Olaf Scholz dành cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với sự hỗ trợ của Mỹ, nhằm kéo giãn ảnh hưởng của Trung Quốc khỏi khu vực Châu Âu khi Trung Quốc đang hỗ trợ Nga với nhiều hình thức để nước này có thể tiếp tục kéo dài xung đột với Ukraine, tác động trực tiếp đến nền kinh tế và an ninh của nước Đức. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ tiếp tục là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chính quyền Donald Trump 2.0 khi người đứng đầu Nhà Trắng áp đặt lệnh trừng phạt thuế quan tính đến thời điểm hiện tại là hơn 125% đối với quốc gia Đông Bắc Á sau khi tuyên thệ (Yahoo Finance, 2025). Đặc biệt, chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đã gỡ bỏ dòng chữ “Chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập” trong mối quan hệ với Đài Loan trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Mỹ cho thấy nước Mỹ sẽ sẵn sàng đối đầu trực tiếp với Trung Quốc (Thanh Bình, 2025). Những sự kiện xảy ra từ đầu nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump 2.0 cho thấy nước Mỹ sẽ tiếp tục xem Trung Quốc là đối thủ hàng đầu và gây sức ép lên quốc gia Đông Bắc Á nhằm bảo vệ an ninh và lợi ích quốc gia. Vì vậy, nước Đức sẽ đạt được lợi ích và an ninh quốc gia và vị thế trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương khi nước Mỹ dưới thời Donald Trump liên tục gây sức ép lên Trung Quốc.
Khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền hai nước Mỹ và Đức. Kể từ khi lực lượng Hamas tấn công Israel vào tháng 10/2023, xung đột tiếp tục leo thang khi Israel và Iran đáp trả trực tiếp lẫn nhau bằng các đợt không kích. Sau khi tuyên thệ, Tổng thống Donald Trump đã có nhiều động thái đáng chú ý. Ngày 4/2/2025, Tổng thống Donald Trump tuyên bố đưa dải Gaza trở thành một khu vực bất động sản đáng sống (Quỳnh Phương, 2025). Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump hàm ý hướng đến đánh bại lực lượng Hamas tại Dải Gaza. Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đang gây sức ép buộc Iran ngồi vào bàn đàm phán để thông qua hiệp ước JCPOA (Quân đội Nhân dân, 2025). Động thái của Tổng thống D. Trump cho thấy ông đã có những thay đổi chiến lược đối với Iran, từ việc rút Mỹ khỏi hiệp định này trong giai đoạn 2016 – 2020 đến cam kết JCPOA cho thấy khu vực này, đặc biệt là vấn đề JCPOA sẽ đóng vai trò ưu tiên trong nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump 2.0, góp phần vào sự thành công của nhiệm kỳ 2.0. Iran đang đóng vai trò hậu thuẫn các lực lượng Hồi giáo, làm leo thang căng thẳng xung đột trong khu vực Trung Đông, tác động đến lợi ích của Mỹ trong khu vực. Do đó, việc chính quyền Donald Trump 2.0 đạt thỏa thuận với Iran sẽ góp phần giảm rủi ro an ninh và bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ cũng như đồng minh trong khu vực.
Thêm vào đó, Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng trong khu vực thông qua các khoản đầu tư về công nghệ ở Israel. Trung Quốc đang là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Israel trong lĩnh vực công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Sự việc sẽ tác động trực tiếp đến lợi ích của Mỹ khi Israel từ lâu được nhìn nhận là nơi cung cấp các bằng sáng chế khoa học cho các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ (Bùi Gia Kỳ, 2023). Kể từ khi nắm quyền và trong giai đoạn xung đột Trung Đông leo thang căng thẳng từ sau sự kiện ngày 7/10/2023, lãnh đạo chính phủ Đức dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz đã đến thăm Israel nhiều lần, công khai vận động đồng minh và các tổ chức quốc tế ủng hộ Israel (Berenskötter & Mitrani, 2022) (Oshin, 2023) (The Federal Government, 2022). Do đó, khi chính quyền Thủ tướng Friedrich Merz phối hợp và duy trì kênh tham vấn với chính quyền Donald Trump về Trung Đông, lợi ích của nước Đức trong khu vực sẽ được củng cố sâu sắc. Đặc biệt, việc chính phủ Đức dưới thời tân Thủ tướng Friedrich Merz tiếp tục chính sách ủng hộ Israel sẽ có được sự ủng hộ của Mỹ đối với khu vực Châu Âu khi xung đột Nga – Ukraine tiếp tục diễn ra theo chiều hướng ngày càng phức tạp và khó lường và chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục yêu cầu các nước tăng chi phí quốc phòng để đảm bảo sự duy trì hiện diện của Mỹ.
Khu vực Châu Âu sẽ tiếp tục là nền tảng phát triển chiến lược đối ngoại của chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump. Từ sau Thế chiến II, quan hệ Mỹ và các nước Châu Âu gắn kết nhờ việc ngăn chặn Liên Xô và các nước Đông Âu theo Xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt các đời Tổng thống Mỹ đều xem lục địa Châu Âu là nền tảng để triển khai chiến lược đối ngoại. Tuy nhiên, nội bộ các nước Châu Âu đang có xung đột về việc tranh giành ảnh hưởng trong Liên minh Châu Âu (EU). Sau khi Anh rời EU với sự kiện BREXIT vào năm 2016, cuộc tranh giành ảnh hưởng và quyền lãnh đạo diễn ra chủ yếu giữa Pháp và Đức. Nước Pháp dưới thời Tổng thống Emmanuel Macron từ khi đắc cử vào năm 2018 đã nhiều lần kêu gọi các nước trong EU thành lập Thỏa thuận Hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) để khôi phục ngành công nghiệp quân sự, giảm thiểu ảnh hưởng từ công nghệ quân sự và vũ khí từ Mỹ (Lazarou & Lațici, 2020). Do đó, nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ ủng hộ quyền lãnh đạo của nước Đức trong Liên minh Châu Âu, củng cố vai trò và ảnh hưởng của Mỹ trong tổ chức này một cách trực tiếp. Ngoài ra, nước Đức cũng là quốc gia ủng hộ tài chính nhiều nhất Liên minh Châu Âu với 33.8 tỷ euro, tương đương hơn 37 tỷ USD vào năm 2023 (Yanatma, 2024). Việc một quốc gia đóng góp tài chính nhiều trong khu vực sẽ tăng khả năng ảnh hưởng đối với tổ chức khu vực và quốc tế. Như đề cập, nước Đức là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong khối và hàng đầu khu vực. Vì vậy, việc ủng hộ vai trò và ảnh hưởng của nước Đức trong khu vực sẽ củng cố hình ảnh và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Việc tuyên bố rút quân của chính quyền Mỹ trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine đang diễn ra phức tạp và khó lường cũng mang hàm ý chiến lược sâu sắc. Những tài trợ của chính quyền Tổng thống Joe Biden được nhìn nhận không phát huy tác dụng và tác động tiêu cực đến xã hội Mỹ. Do đó, quyết định của ông Donald Trump sau khi trở thành tổng thống là yêu cầu các quốc gia trong khu vực tăng chi tiêu quốc phòng để nhận được an ninh của Mỹ. Tuyên bố của chính quyền Donald Trump không chỉ là động thái gây áp lực đối với các đồng minh phương Tây, nhưng cũng có hàm ý cổ vũ sự phát triển của quân đội Châu Âu, trong đó có nước Đức. Một quốc gia phát triển không chỉ là quốc gia có kinh tế mà còn quốc gia có nền tảng quốc phòng hùng mạnh. Động thái cũng là điều kiện để nước Đức dưới thời Thủ tướng Friedrich Merz phát triển nền tảng công nghệ quốc phòng bị phong tỏa từ sau Thế chiến II. Sau tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, chính quyền Thủ tướng Friedrich Merz và Quốc hội Đức đã thông qua gói tài chính dành cho cơ sở hạ tầng và quốc phòng trị giá 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm tới vào ngày 18/3/2025 (Paternoster & McCabe, 2025). Có thể thấy, chính quyền Thủ tướng Friedrich Merz đã nắm bắt thời cơ để khôi phục nền tảng công nghiệp quốc phòng. Trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine có khả năng kéo dài và Trung Quốc có những động thái can dự vào Châu Âu, việc tăng cường khả năng quốc phòng sẽ giúp nước Đức tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, hỗ trợ chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và giúp nước Đức đóng vai trò là nhân tố chính trong việc giải quyết các xung đột không chỉ ở Châu Âu mà còn ở các khu vực khác trên toàn cầu.
Thách thức trong quan hệ Mỹ – Đức dưới thời lãnh đạo mới
Quan hệ Mỹ – Đức trong 4 năm tiếp theo sẽ tiếp tục phát triển dựa trên nền tảng phát triển trước đó. Tuy nhiên, quan hệ Mỹ – Đức vẫn có những rủi ro, thách thức. Quan hệ hai nước sẽ có mâu thuẫn vì chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục can dự vào tình hình nước Đức. Sau khi tuyên thệ nhậm chức, như đã đề cập, phái đoàn Mỹ do Phó Tổng thống JD Vance đã công khai chỉ trích các đảng ở Đức cố tình cô lập đảng cực hữu AfD. Tỷ phú Elon Musk, người thân cận của ông D. Trump đã tham dự các phiên họp của đảng AfD bằng hình thức trực tuyến để cổ vũ đảng này trong cuộc tranh cử liên bang vào tháng 2/2025. Đặc biệt, Phó Tổng thống JD Vance đã có cuộc gặp với lãnh đạo đảng AfD, khiến chính trường Đức bị chia rẽ sâu sắc. Đảng AfD là đồng minh tự nhiên với Tổng thống Donald Trump vì có xu hướng cực hữu trong các vấn đề nhập cư, kinh tế và nhiều điểm tương đồng trong vấn đề đối ngoại, đặc biệt lả hướng giải quyết vấn đề xung đột Nga – Ukraine. Do đó, trong trường hợp Mỹ – Đức không đạt tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, đảng AfD sẽ trở thành yếu tố gây sức ép lên chính quyền Thủ tướng Friedrich Merz.
Ngoài ra, quan hệ Xuyên Đại Tây Dương sẽ là vấn đề khiến Mỹ – Đức dưới thời lãnh đạo mới dẫn đến mâu thuẫn. Tổng thống Donald Trump từ nhiệm kỳ đầu tiên đã công khai không ủng hộ quan hệ Xuyên Đại Tây Dương với các nước Châu Âu. Sau khi trở thành Tổng thống ở nhiệm kỳ 2.0, ông D. Trump đã áp thuế 20% lên các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu. Thuế đối ứng của chính quyền D. Trump dự kiến sẽ bao phủ 70% mặt hàng xuất khẩu của các nước thuộc Liên minh Châu Âu vào Mỹ, tương đương trị giá 585 tỷ USD (Blenkinsop, 2025). Động thái đã khiến quan hệ giữa Mỹ và các nước trong EU trở nên căng thẳng. Liên minh Châu Âu cũng đáp trả thuế quan 25% vào nhiều mặt hàng xuất khẩu của Mỹ vào thị trường EU vào ngày 9/10/2025, có hiệu lực từ ngày 15/4/2025 (Khánh Quỳnh, 2025). Trong khi đó, Friedrich Merz được nhận định là người ủng hộ quan hệ Xuyên Đại Tây Dương với Mỹ (Welt.de, 2018). Động thái gia tăng sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với các nước Liên minh Châu Âu và các động thái đáp trả trong tương lai của hai bên dự kiến sẽ khiến quan hệ Mỹ – Đức rơi vào mâu thuẫn.
Cuối cùng, quan hệ Mỹ – Đức có thể dẫn đến mâu thuẫn do khả năng lãnh đạo chính phủ của Thủ tướng Friedrich Merz. Friedrich Merz là một trong những ứng viên hàng đầu của đảng CDU/CSU. Tuy nhiên, ông F. Merz chưa từng đảm nhiệm vị trí quan trọng trong chính phủ. Ông F. Merz trước khi trở thành Thủ tướng chỉ đảm nhiệm các vai trò như chủ tịch đảng CDU, lãnh đạo đảng CDU/CSU tại nghị viện bang giai đoạn 2000 – 2002, Giám đốc điều hành Deustche Bank giai đoạn những năm 2000. Trước khi Friedrich Merz tuyên bố đắc cử, ông đã kêu gọi Liên minh Châu Âu tìm con đường khác để nhanh chóng độc lập khỏi nước Mỹ. Ông F. Merz cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Donald Trump và phần lớn người dân Mỹ đang không quan tâm đến vấn đề của Châu Âu và cáo buộc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang làm rung chuyển nền tảng chính trị của Châu Âu (Ross & Nöstlinger, 2025). Những tuyên bố của Thủ tướng Friedrich Merz trước khi đắc cử đã đặt ra câu hỏi về khả năng dẫn dắt chính phủ của Thủ tướng Friedrich Merz, đặc biệt là khả năng điều phối, duy trì quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Kết luận
Chính quyền hai nước Mỹ – Đức mới trải qua ba tháng đầu năm với nhiều sự thay đổi rõ rệt về tình hình quốc tế. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump và chính quyền Đức dưới thời Thủ tướng Friedrich Merz sẽ tiếp tục duy trì trạng thái hợp tác nhằm đạt kết lợi ích quốc gia của từng nước. Nước Đức sẽ hợp tác với Mỹ nhằm đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề trọng điểm. Trong khi đó, nước Mỹ cần nước Đức đóng vai trò như nhân tố mới để chia sẻ gánh nặng chiến lược khi Trung Quốc và Nga đang gia tăng áp lực ở các lục địa trên toàn cầu. Bên cạnh đó, hai nước Mỹ – Đức sẽ có những thách thức và rủi ro do tình hình mỗi nước, nhận thức và góc nhìn khác nhau của lãnh đạo hai nước./.
Tác giả: Bùi Gia Kỳ
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1. Atlas Logistics. (n.d.). Duisport expands its leading position in China trains. Retrieved 4 5, 2025, from https://atlas-network.com/duisport-expands-its-leading-position-in-china-trains/
2. Berenskötter, F., & Mitrani, M. (2022). Is It Friendship? An Analysis of Contemporary German–Israeli Relations. International Studies Quarterly. Retrieved 4 9, 2025
3. Bình An. (2020). Ông Biden điện đàm với lãnh đạo Anh, Pháp, Đức: ‘Mỹ sẽ quay lại cuộc chơi’. Retrieved 3 19, 2025, from https://tuoitre.vn/ong-biden-dien-dam-voi-lanh-dao-anh-phap-duc-my-se-quay-lai-cuoc-choi-20201111101902692.htm
4. Blenkinsop, P. (2025). EU seeks unity in first strike back at Trump tariffs. Retrieved 4 9, 2025, from https://www.reuters.com/markets/eu-seeks-unity-first-strike-back-trump-tariffs-2025-04-06/
5. Bùi Gia Kỳ. (2023). Mục tiêu và thách thức của Nhóm “Bộ tứ” mới do Mỹ dẫn dắt. Retrieved 4 9, 2025, from https://nghiencuuchienluoc.org/?s=i2u2
6. Bùi Gia Kỳ. (2024). Một số điều chỉnh chiến lược của Đức sau hai năm xung đột Nga – Ukraine. Retrieved 4 1, 2025, from https://nghiencuuchienluoc.org/mot-so-dieu-chinh-chien-luoc-cua-duc-sau-hai-nam-xung-dot-nga-ukraine/
7. Bùi Trường Giang – Nguyễn Gia Đức. (2025). Bối cảnh quốc tế và trong nước – Những vấn đề đặt ra để đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên mới. Retrieved 4 5, 2025, from https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/1068702/boi-canh-quoc-te-va-trong-nuoc—nhung-van-de-dat-ra-de-dua-dat-nuoc-vung-vang-buoc-vao-ky-nguyen-moi.aspx
8. Carlough, M., Harris, B., & McGowan, A. (2025). Where Are U.S. Forces Deployed in Europe? Retrieved 3 19, 2025, from https://www.cfr.org/article/where-are-us-forces-deployed-europe
9. Khánh Quỳnh. (2025). Sau Trung Quốc, EU áp thuế trả đũa thuế của ông Trump. Retrieved 4 9, 2025, from https://tuoitre.vn/sau-trung-quoc-eu-ap-thue-tra-dua-thue-cua-ong-trump-20250409220343751.htm
10. Lazarou, E., & Lațici, T. (2020). PESCO: Ahead of the strategic review. Retrieved 4 9, 2025, from https://www.europarl.europa.eu/RegData/etudes/BRIE/2020/652051/EPRS_BRI(2020)652051_EN.pdf
11. Minh Hải. (2021). Tầm quan trọng của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Retrieved 4 5, 2025, from https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tam-quan-trong-cua-an-do-duong-thai-binh-duong-i639804/
12. Nan, Z. (2023). COSCO unit’s stake in Hamburg port terminal to boost trade with Europe. Retrieved 4 5, 2025, from https://www.chinadaily.com.cn/a/202305/12/WS645da831a310b6054fad29de.html
13. Oltermann, P. (2018). Germany’s ‘China City’: how Duisburg became Xi Jinping’s gateway to Europe. Retrieved 4 5, 2025, from https://www.theguardian.com/cities/2018/aug/01/germanys-china-city-duisburg-became-xi-jinping-gateway-europe
14. Oshin, O. (2023). Germany offers Israel military aid, vows to crack down on Hamas support. Retrieved 4 9, 2025, from https://thehill.com/policy/international/4252022-germany-offers-israel-military-aid-vows-to-crack-down-on-hamas-support/
15. Paternoster, T., & McCabe, D. (2025). Germany’s parliament passes historic package boosting defence spending. Retrieved 4 9, 2025, from https://www.euronews.com/my-europe/2025/03/18/germanys-parliament-passes-historic-package-boosting-defence-spending
16. Quân đội Nhân dân. (2025). Tổng thống Mỹ muốn đàm phán thỏa thuận hạt nhân mới với Iran. Retrieved 4 9, 2025, from https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/tong-thong-my-muon-dam-phan-thoa-thuan-hat-nhan-moi-voi-iran-818741
17. Quỳnh Phương. (2025). Chấn động: Ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ quản lý Dải Gaza. Retrieved 4 9, 2025, from https://thanhnien.vn/chan-dong-ong-trump-tuyen-bo-my-se-quan-ly-dai-gaza-185250205110637175.htm
18. Ross, T., & Nöstlinger, N. (2025). Germany’s Merz vows ‘independence’ from Trump’s America, warning NATO may soon be dead. Retrieved 4 9, 2025, from https://www.politico.eu/article/friedrich-merz-germany-election-united-states-donald-trump-nato/
19. Thanh Bình. (2025). Trang web Bộ Ngoại giao Mỹ bỏ dòng chữ ‘Chúng tôi không ủng hộ Đài Loan độc lập’. Retrieved 4 7, 2025, from https://tuoitre.vn/trang-web-bo-ngoai-giao-my-bo-dong-chu-chung-toi-khong-ung-ho-dai-loan-doc-lap-2025021615400472.htm
20. The Federal Government. (2022). “Perpetual responsibility for the security of the State of Israel”. Retrieved from https://www.bundesregierung.de/breg-en/news/federal-chancellor-scholz-in-israel-2009496
21. The White House. (2024). FACT SHEET: The U.S.-Germany Partnership. Retrieved 3 19, 2025, from https://bidenwhitehouse.archives.gov/briefing-room/statements-releases/2024/10/17/fact-sheet-the-u-s-germany-partnership/
22. Tim Hildebrandt. (2022). Duisburg: From a Dirty Old Town to Germany’s China City? Retrieved 4 5, 2025, from https://chinaobservers.eu/duisburg-from-a-dirty-old-town-to-germanys-china-city/
23. U.S. Department of State. (2019). U.S. Relations With Germany. Retrieved 3 26, 2025, from https://2017-2021.state.gov/u-s-relations-with-germany/
24. Welt.de. (2018). „Wir brauchen Aufbruch und Erneuerung, keinen Umsturz“. Retrieved 4 9, 2025, from https://www.welt.de/politik/deutschland/article183054050/Merz-will-CDU-Chef-werden-Wir-brauchen-Aufbruch-und-Erneuerung-keinen-Umsturz.html
25. Xinhua News Agency. (2024). Germany sees surge in FDI projects from China: report. Retrieved 4 1, 2025, from https://eng.yidaiyilu.gov.cn/p/0PLOKO6F.html
26. Yahoo Finance. (2025). Trump tariffs live updates: Trump raises rate on China to 125%, pauses ‘reciprocal’ tariffs on other countries. Retrieved 4 9, 2025, from https://finance.yahoo.com/news/live/trump-tariffs-live-updates-trump-raises-rate-on-china-to-125-pauses-reciprocal-tariffs-on-other-countries-191201868.html?guccounter=1&guce_referrer=aHR0cHM6Ly93d3cuZ29vZ2xlLmNvbS8&guce_referrer_sig=AQAAAK-EXOy36uhwp_0jN
27. Yanatma, S. (2024). EU budget: Who pays the most into the EU, and who gains the most? Retrieved 4 9, 2025, from https://www.euronews.com/business/2024/12/09/eu-budget-who-pays-the-most-into-the-eu-and-who-gains-the-most