Những động thái gần đây của Nhật Bản và NATO, cùng với những điều chỉnh chiến lược từ hai phía đang cho thấy một tương lai hợp tác giàu tiềm năng giữa một bên là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương và một bên là lực lượng nòng cốt cho chiến lược châu Âu – Đại Tây Dương của Washington. Hay nói ngắn gọn, quan hệ NATO - Nhật Bản là mối quan hệ “chung đồng minh, chung đối thủ”. Vậy, quá trình phát triển của mối quan hệ này như thế nào? Tương lai và những tác động của nó ra sao? Việt Nam cần chú ý tới những vấn đề gì? Đó sẽ là những nội dung căn bản của bài viết này.
Từ mối quan hệ hợp tác thiếu chiều sâu trong lịch sử
Trong quá khứ, sự hình thành và phát triển của NATO tập trung vào mục tiêu xây dựng lực lượng chống Liên Xô (cũng như Nga sau này). Phạm vi hoạt động của tổ chức này cũng chủ yếu xoay quanh khu vực Bắc Đại Tây Dương. Hơn nữa, Nhật Bản khi đó cũng dành mọi sự ưu tiên cho quá trình phát triển kinh tế thay vì vấn đề an ninh, quốc phòng. Do đó, NATO và Nhật Bản không có nhiều động lực để có những tương tác đáng kể với nhau.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự tan rã của Liên Xô khiến NATO trở nên bận rộn với công việc lấp đầy khoảng trống quyền lực do siêu cường này để lại. Khi đó, nguồn lực từ các đồng minh trên khắp thế giới của Mỹ đã được tận dụng. Và Nhật Bản đã trở thành một đối tác mới nổi, giàu tiềm năng đối với NATO. Hai bên đã có những tương tác đối thoại, hợp tác đáng kể đầu tiên trong những năm đầu thập niên 90, thế kỷ XX. Với tiềm lực tài chính hùng mạnh vào thời điểm đó, Nhật Bản trở thành một trong những nhà đầu tư hàng đầu cho các hoạt động do NATO lãnh đạo. Có thể kể đến như hỗ trợ cho Lực lượng Hỗ trợ An ninh Quốc tế (ISAF) và cho các nỗ lực tái thiết và phát triển ở Afghanistan. Bên cạnh đó, nhiệm vụ ổn định vùng Balkan do NATO lãnh đạo cũng nhận được những đóng góp đáng kể của Nhật Bản, đưa vùng này trở về với quỹ đạo của châu Âu. Sang thế kỷ XXI, Nhật Bản vẫn giữ vai trò không nhỏ trong việc huy động hỗ trợ quốc tế cho Afghanistan, như việc tổ chức Hội nghị Tokyo vào tháng 7/2012, đồng thời cam kết 5 tỷ USD cho mục đích này trong 5 năm (2009 – 2013). Ngoài ra, một số chương trình hỗ trợ khác liên quan đến vấn đề Afghanistan cũng đã được Nhật Bản triển khai.
Có thể nói, mức độ gần gũi trong quan hệ NATO – Nhật Bản đã gia tăng ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khi đó, Nhật Bản nổi lên với tư cách là một nhà đầu tư hào phóng cho các hoạt động của NATO. Hai bên đã thể hiện cam kết tăng cường hợp tác trong một tuyên bố chính trị chung được ký vào tháng 4 năm 2013. Tiếp đó, khủng hoảng Ukraine năm 2014 đã đem đến nhiều cơ hội mới để mở rộng các lĩnh vực hợp tác trong quan hệ Nhật Bản – NATO bao gồm: hợp tác phòng thủ mạng, hợp tác hàng hải, huấn luyện hải quân, đồng thời thúc đẩy tương tác trên các diễn đàn hợp tác đa phương khác[1].
Tuy nhiên, quan hệ Nhật Bản – NATO khi đó chủ yếu vẫn mang tính một phía, đó là những hỗ trợ từ Nhật Bản cho các hoạt động của NATO là chính. Chiều hướng ngược lại, tức là sự hỗ trợ của NATO đối với nhu cầu an ninh của Nhật Bản vẫn tỏ ra hạn chế, chưa được thúc đẩy tương xứng.
Các lĩnh vực hợp tác hiện có
Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Nhật Bản hiện nay vẫn tiếp tục có những chia sẻ tài chính đối với các hoạt động của NATO, ví dụ như đóng góp cho Quỹ Ủy thác Xây dựng Năng lực An ninh và Quốc phòng (DCB) của NATO. Đồng thời, các lĩnh vực hợp tác vốn có khác tiếp tục được đẩy mạnh phát triển. Nhật Bản hiện cũng đang tham gia vào khuôn khổ “Chương trình Khoa học vì Hòa bình và An ninh (SPS)”, đặc biệt là trong các hoạt động trong lĩnh vực chống khủng bố và dò tìm, rà phá bom mìn, vật liệu chưa nổ, đồng thời mở rộng hợp tác phát triển các công nghệ liên quan đến chương trình này[2]. Liên quan đến cuộc xung đột Nga- Ukraine, Nhật Bản tỏ ra tích cực hợp tác với Mỹ và các nước NATO trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt, gây sức ép đối với Nga. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, các tương tác quân sự vẫn chưa có những kết quả đáng kể. Các hợp tác phát triển công nghệ quân sự tuy đã được gợi mở, nhưng chưa có những động thái cụ thể. Mỹ vẫn là đối tác nổi trội có hợp tác quân sự đáng kể với Nhật Bản.
Trong khuôn khổ hợp tác đa phương, Nhật Bản hợp tác chặt chẽ với NATO cùng các đối tác khác như Sáng kiến Khả năng tương tác đối tác (PII) từ năm 2014 với 21 đối tác khác gồm: Armenia, Úc, Áo, Azerbaijan, Bahrain, Bosnia và Herzegovina, Georgia, Ireland, Kazakhstan, Hàn Quốc, Cộng hòa Moldova, Mông Cổ, Maroc, New Zealand, Serbia, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Tunisia, Ukraine và các Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất[3]. Diễn đàn hợp tác giữa các nước NATO với các đối tác Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được đề xuất từ năm 2021. Ngoài ra, Nhật Bản cũng tham gia nhiều hơn vào các cuộc tập trận quốc tế với lực lượng nòng cốt là các thành viên NATO.
Tương lai giàu tiềm năng đối với quan hệ NATO – Nhật Bản
Ngày 12/7/2023, đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản tham dự Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh: “không có đối tác nào gần gũi hơn Nhật Bản”[4]. Điều đó một lần nữa cho thấy mối quan hệ hai bên đang ở giai đoạn tích cực nhất từ trước tới nay.
Việc kế hoạch mở văn phòng đại diện NATO tại Nhật Bản mặc dù đã được tạm hoãn nhưng sẽ không làm giảm đi tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Bởi, động thái này nằm trong bối cảnh Mỹ cần có những tín hiệu tích cực nhằm tìm cách hòa hoãn với Trung Quốc trong bối cảnh chuẩn bị cho cuộc bầu cử 2024, đồng thời cũng là để tập trung lực lượng cho mặt trận kiềm chế Nga ở Đông Âu. Dĩ nhiên, việc hòa hoãn chỉ diễn ra trong ngắn hạn, xu thế đối đầu sẽ sớm quay trở lại trong quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh với Trung Quốc ở mặt trận Thái Bình Dương. Mặt khác, chiến lược Răn đe Thái Bình Dương của Mỹ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, quá trình xây dựng lực lượng phục vụ tham vọng kiềm chế Trung Quốc, thậm chí là Nga ở mặt trận này vốn đã được khởi động từ lâu. Đây sẽ là mục tiêu bất biến của Mỹ và đồng minh trong những thập kỷ tới. Trong guồng quay chiến lược ấy, kế hoạch hiện diện của NATO vẫn là tất yếu, sự trì hoãn chỉ mang tính thời điểm nhằm linh hoạt thích ứng với tình thế.
Tương lai quan hệ NATO – Nhật Bản sẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, có thể nói đến như sau:
Thứ nhất, cả hai đều đã xác định một đối thủ chung mang tên Trung Quốc. Nếu như trong quá khứ, một đối thủ chiến lược mang tên Liên Xô (và Nga sau này) đã giúp NATO duy trì sức sống của họ hơn 70 năm, thì hiện tại, một đối thủ có tiềm lực hùng mạnh toàn diện trên nhiều lĩnh vực sẽ tạo ra động lực đủ để duy trì liên minh tiềm năng NATO – Nhật Bản trong thế kỷ XXI.
Thứ hai, Nhật Bản đã và đang từng bước tháo dỡ những rào cản pháp lý cho sự trỗi dậy quân sự của họ. Đáng chú ý nhất là một loạt các điều chỉnh chiến lược cuối năm 2022. Học thuyết quốc phòng mới của Nhật Bản cho phép họ có khả năng “phản công” trước các mối đe dọa tiềm tàng[5]. Điều này không chỉ tạo động lực cho quá trình tăng cường năng lực quân sự cũng như thiết lập các liên minh mới mà còn thúc đẩy các yếu tố kế tiếp dưới đây.
Thứ ba, nhằm thích ứng với khả năng Nga can dự sâu vào cấu trúc an ninh Đông Bắc Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung. Một sự rắc rối về quan hệ nhân quả liên quan đến vấn đề này, đó là việc Nhật Bản trỗi dậy sẽ làm tăng cảm giác bất an đối với Nga bởi hai bên đang có những mâu thuẫn về chủ quyền cũng như liên quan đến các chính sách kinh tế, chính trị thiếu thân thiện khác. Việc này sẽ dẫn đến khả năng Nga tái bố trí lực lượng khu vực Viễn Đông, chính thức tham gia vào cuộc đua khu vực Đông Bắc Á sẽ lại thúc đẩy Nhật Bản phải tìm kiếm thêm đồng minh nhằm cân bằng lực lượng. Khi đó, NATO với kinh nghiệm chống Liên Xô trước đây và Nga hiện tại là một đồng minh đặc biệt tiềm năng.
Thứ tư, các điểm nóng lớn ở Đông Á có nguy cơ xảy ra xung đột cao trong tương lai, gần nhất là mối lo ngại về tình hình Đài Loan. Một cuộc xung đột lớn ở khu vực có thể khóa chặt tuyến đường biển quan trọng phía Nam Nhật Bản. Để chiếm thế chủ động ngăn chặn nguy cơ đó, hoặc nếu không thể ngăn chặn điều đó xảy ra, Nhật Bản cần có hệ thống đồng minh với lực lượng hùng hậu, có thể chiếm thế chủ động chiến trường, hỗ trợ Nhật Bản duy trì các tuyến đường giao thông biển quan trọng.
Rõ ràng, Nhật Bản và NATO có nhiều điều có thể chia sẻ cho nhau. Trong khi Nhật Bản có thể cung cấp một cầu nối cho NATO hiện diện ở châu Á – Thái Bình Dương; ủng hộ các hoạt động của NATO trên toàn cầu. Ở chiều ngược lại, NATO có thể trở thành chỗ dựa, đồng minh mạnh mẽ chia sẻ gánh nặng an ninh cho Nhật Bản ở Đông Á, đồng thời cũng là cầu nối cho Nhật Bản hiện diện ở châu Âu. Trong lịch sử, Nhật Bản cũng đã từng khai thác rất thành công cửa ngõ Hà Lan ở châu Âu nhằm phục vụ chiến lược phát triển của họ.
Trên cơ sở các yếu tố thuận lợi như vậy, các hình thức hợp tác mới giữa Nhật Bản và NATO có thể được triển khai. Ví dụ, hai bên có thể tăng cường hơn nữa hợp tác huấn luyện sĩ quan, chuyên gia quân sự hoặc cùng nhau phát triển các công nghệ quân sự thế hệ mới. Ví dụ như: Nhật Bản sẽ cùng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo với Ý và Vương quốc Anh, điều này chỉ tăng cường mức độ tương tác của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản với lực lượng không quân NATO trong những thập kỷ tới[6]. Với lợi thế gần gũi về học thuyết cũng như nền tảng kỹ thuật quân sự, khả năng tích hợp kinh nghiệm đào tạo có nhiều cơ hội được thúc đẩy. Nhật Bản cũng hoàn toàn có thể hợp tác cung ứng vũ khí cho các đối tác NATO trong cuộc xung đột mở rộng có thể có với Nga ở Đông Âu. Bên cạnh đó, hợp tác thông tin tình báo, chia sẻ quyền sử dụng không gian với nhiều mục đích khác nhau cũng có thể được triển khai, nhất là khi Nhật Bản vừa công bố Sáng kiến An ninh Vũ trụ. Cuộc đua chinh phục không gian của Nhật Bản có thể sẽ có thêm sự tham gia của các đối tác NATO. Chưa dừng lại ở đó, trong trường hợp hai bên nỗ lực xây dựng mạng lưới liên minh liên đại dương, Nhật Bản và NATO hoàn toàn có thể ràng buộc nhau về nghĩa vụ phòng thủ chung trước các đối thủ chiến lược của họ.
Nhìn chung, những định hướng chiến lược của Nhật Bản cũng như của Mỹ và NATO đã cho thấy một tương lai đầy tiềm năng cho quan hệ NATO – Nhật Bản. Sự trì hoãn chỉ mang tính nhất thời, khó có thể lay chuyển đà đi lên của liên kết này.
Thách thức cơ bản cho mối quan hệ NATO – Nhật Bản trong tương lai
Quan hệ NATO – Nhật Bản tạo ra không ít rủi ro đối với tình hình khu vực và quốc tế. Ứng phó với điều đó, ở chiều ngược lại cũng sẽ có nhiều thách thức gây áp lực lên mối quan hệ liên minh tiềm năng này.
Trước hết là những thách thức đến từ Trung Quốc. Đứng trước tiềm năng phát triển mối quan hệ NATO – Nhật Bản, Trung Quốc với tư cách là đối thủ chiến lược của liên kết này sẽ có đáp trả tương ứng bao gồm: gia tăng sức mạnh quân sự; mở rộng quan hệ với các đối tác liên lục địa; tích cực hỗ trợ cho Triều Tiên cũng như sự hiện diện Nga ở Viễn Đông. Với tiềm lực kinh tế, quân sự khổng lồ của trục Nga – Trung, cán cân lực lượng ở khu vực Đông Bắc Á sẽ khó có thể có lợi cho liên minh Nhật Bản – NATO.
Thứ hai, cùng với Trung Quốc, Nga cũng sẽ tham gia sâu hơn vào cấu trúc an ninh khu vực. Tình thế nước Nga hiện tại không giống như cách đây 120 năm khi chiến tranh Nga – Nhật kết thúc với chiến thắng của đế quốc Nhật Bản. Với năng lực quân sự đã được chứng minh qua hơn 1 năm chiến tranh tại Ukraine, Nga cho thấy họ có khả năng ứng phó với các lực lượng liên minh đông đảo bao gồm chính NATO. Đồng thời, người Nga cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm này cho Trung Quốc và Triều Tiên.
Thứ ba, căng thẳng leo thang từ sự hiện diện và gia tăng lực lượng quân sự Nhật Bản – NATO sẽ kéo theo sự xáo trộn của chuỗi cung ứng. Đồng thời, những rủi ro an ninh có thể làm cô lập nền kinh tế Nhật Bản. Áp lực kinh tế sẽ đè nặng lên chiến lược chung của liên minh NATO – Nhật Bản. Với thực tế là một quốc gia nghèo tài nguyên, nguồn nhân lực đã và đang có nhiều hạn chế, Nhật Bản sẽ cần phải chuẩn bị nhiều phương án ứng phó với rủi ro này.
Thứ tư, tăng cường quan hệ NATO – Nhật bản cũng đồng nghĩa với việc hai bên phải chia sẻ nhiều rủi ro với nhau hơn. Và việc phải phân tán quá nhiều nguồn lực cho 2 mặt trận lớn là điều không dễ giải quyết đối với mối quan hệ NATO – Nhật Bản. Với khoảng cách địa lý khá lớn, việc liên tục hỗ trợ nhau trên hai mặt trận chiến lược ở Đại Tây Dương – Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là điều không dễ dàng. So với thuận lợi về khả năng hỗ trợ nhau của đối thủ (trục Nga – Trung), Nhật Bản – NATO rõ ràng đã có một điểm yếu không nhỏ trong một cuộc đối đầu tiềm tàng.
Cuối cùng, với nhiều bê bối đã từng xảy ra tại các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, liệu rằng dư luận Nhật Bản có dễ dàng ủng hộ sự hiện diện của NATO hay không vẫn còn là một bài toán cần giải quyết trong tương lai.
Tác động của mối quan hệ Nhật Bản – NATO
Đối với khu vực, sự phát triển của quan hệ Nhật Bản – NATO sẽ tạo ra những hiệu ứng tâm lý phức tạp. Khi quan hệ này tiến tới một mô hình mạng lưới liên minh, tâm lý căng thẳng của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ bao trùm toàn bộ khu vực cũng như toàn cầu. Tất cả các quốc gia sẽ phải chấp nhận một thực tế rằng, không gian an ninh truyền thống của họ đang biến đổi, ở giai đoạn bấp bênh, thiếu an toàn. Điều đó chắc chắn thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Cùng với quá trình lôi kéo các nước tham gia vào các mạng lưới lực lượng đối đầu nhau, quan hệ Nhật Bản – NATO sẽ có tác động làm biến đổi các cơ chế hợp tác đa phương hiện có trong khu vực. Các cơ chế này có xu hướng bị chia rẽ thậm chí là tan rã trước áp lực chính trị từ các bên.
Đối với toàn cầu, sự xích lại gần nhau giữa Nhật Bản và NATO đang tạo ra một sự dịch chuyển lực lượng đáng kể trên bình diện toàn cầu. Thay vì các lực lượng đối đầu tập trung tại Đông Âu thì việc tăng cường quan hệ Nhật – NATO sẽ từng bước kéo giãn việc bố trí lực lượng ra 2 mặt trận. Nguy cơ “xuất khẩu” chiến tranh sẽ là một vấn đề lớn đối với toàn cầu. Xu thế toàn cầu hóa có thể chấm dứt, đồng nghĩa với việc chính sách hợp tác, hữu nghị giữa các nước trên thế giới sẽ đi vào ngõ cụt. Một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, an ninh, văn hóa có thể sẽ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang.
Tuy nhiên, không phải mọi tác động đều tiêu cực. Xu thế đối đầu từ việc NATO mở rộng thành một mạng lưới có thể thúc đẩy một cuộc cách mạng khoa học công nghệ mới, giải phóng sức lao động và thị trường toàn cầu có thể được tái cấu trúc. Các quốc gia, chủ thể trong hệ thống quốc tế có thể chớp được các cơ hội, chủ động ứng phó với các rủi ro sẽ có nhiều cơ hội vươn lên trong một thế giới phức tạp sắp tới.
Một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Việc Nhật Bản và NATO tăng cường quan hệ sẽ kéo theo tâm lý đối đầu ngày càng gia tăng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với đối thủ chính của họ là trục Nga – Trung đang ngày một phát triển. Điều này một mặt tạo ra nhiều thách thức cho lựa chọn chiến lược đối ngoại của Việt Nam trong thập kỷ tới, nhưng mặt khác nó cũng mang đến một cơ hội đáng lưu tâm đối với Hà Nội.
Từ góc độ thách thức, quan hệ NATO – Nhật Bản tạo ra một cánh cửa cho NATO gia tăng sự hiện diện của họ ở châu Á – Thái Bình Dương, thúc đẩy quá trình xây dựng lực lượng liên minh do Mỹ đứng đầu dưới sự tham vấn kinh nghiệm của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Ngược lại, để cân bằng quyền lực cũng như lực lượng trong khu vực, trục Nga – Trung sẽ có động thái mở rộng về phía Đông tương ứng. Do đó, áp lực đối với Việt Nam sẽ xuất hiện theo hai hướng:
Hướng thứ nhất, hệ thống đồng minh của Mỹ sẽ ra sức lôi kéo, gây áp lực nhằm đưa Hà Nội ngả về phía họ. Trước hết là việc đề nghị nâng cấp quan hệ, mở rộng các lĩnh vực quan hệ mới giữa Việt Nam với các nước này sẽ gia tăng theo thời gian.
Hướng thứ hai, quá trình mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc nhằm đáp trả chiến lược của Mỹ và đồng minh sẽ tạo ra nhiều xáo trộn đối với vấn đề an ninh khu vực, trong đó có không gian sinh tồn của Việt Nam.
Cả hai hướng sẽ tạo ra những áp lực khác nhau đối với Hà Nội, trong hoàn cảnh đó, lựa chọn chiến lược của Việt Nam chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Điều đáng chú ý là giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tồn tại những khúc mắc xoay quanh vấn đề chủ quyền. Ngay cả khi Đảng Cộng sản Việt Nam duy trì thành công đường lối đối ngoại trung lập trong bối cảnh khó khăn ấy, Hà Nội vẫn cần phải chuẩn bị ứng phó với những chính sách kinh tế, chính trị thiếu thân thiện từ các bên; cũng như kiểm soát những mầm mống bất ổn bên trong xuất phát từ chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Từ góc độ cơ hội, sự thay đổi trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương và rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng có nghĩa là số lượng đối tác tiềm năng đối với Việt Nam sẽ gia tăng. Trong đó, cần nhắc tới các nước lớn có tiềm lực kinh tế, quân sự đáng kể và thế mạnh của họ cũng là điều mà Việt Nam đang cần trong bối cảnh chiến lược phát triển kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Với nền tảng ngoại giao trung lập, không liên kết và sự linh hoạt chiến lược đã được nêu trong Sách trắng Quốc phòng năm 2019, Việt Nam sẽ có thêm nhiều lựa chọn cũng như cơ hội phát triển mối quan hệ với nhiều quốc gia hơn nhằm tranh thủ phát triển sức mạnh tổng hợp của đất nước. Trong việc đàm phán duy trì ổn định tình hình khu vực, Việt Nam cũng sẽ có nhiều phương án cũng như nhiều điều kiện để thương thuyết, tăng cường thế chủ động trong quá trình tương tác với các bên liên quan.
Nhìn chung, quan hệ Nhật Bản – NATO được phát triển, nâng tầm chỉ là câu chuyện sớm muộn. NATO đã tạm hoãn việc mở văn phòng đại diện ở Tokyo, nhưng điều đó sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến mối quan hệ mà như Tổng Thư ký NATO tuyên bố là “không có đối tác nào gần gũi hơn Nhật Bản”. Việt Nam tuy chưa có nhiều tương tác với NATO, nhưng lại có mối quan hệ chiến lược sâu rộng với Nhật Bản. Việc nâng tầm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản – NATO phát triển là điều cần cân nhắc. Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối với Hàn Quốc, vấn đề nâng cấp quan hệ với Mỹ cũng đang là một câu chuyện phức tạp. Việt Nam không nên vội vã nâng cấp quan hệ với Nhật Bản, bởi nó sẽ tạo nên một hiệu ứng không tốt đối với lòng tin chiến lược với các đối tác truyền thống./.
Tác giả: Hoàng Hải
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về tác giả và nghiencuuchienluoc.org. Vui lòng không sao chép khi chưa được sự đồng ý của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi ý kiến trao đổi về nội dung và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ qua địa chỉ mail: [email protected]
[1] Xem thêm: NATO, Relations with Japan, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_50336.htm
[2] NATO, Relations with Japan, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_50336.htm
[3] NATO (2023), Partnership Interoperability Initiative, https://www.nato.int/cps/en/natohq/topics_132726.htm
[4] Jens Stoltenberg (2023), NATO Secretary General: no partner is closer than Japan, https://www.nato.int/cps/en/natohq/news_217062.htm?
[5] Japan Ministry of Defense (2022), National Defense Strategy, p.13-14, https://www.mod.go.jp/j/policy/agenda/guideline/strategy/pdf/strategy_en.pdf
[6] James Kaizuka (2023), Hoàng Hải (dịch), “Quan hệ Nhật Bản – NATO: Tính tất yếu của mối quan hệ chung đồng minh, chung đối thủ”, Nghiên cứu Chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/quan-he-nhat-ban-nato-tinh-tat-yeu-cua-moi-quan-he-chung-dong-minh-chung-doi-thu/