“Quan hệ nước lớn kiểu mới” là một khái niệm đã xuất hiện từ đầu thế kỷ XXI, tuy nhiên nó chính thức được phổ biến rộng rãi sau cuộc gặp gỡ không chính thức của ông Tập Cận Bình với Tổng thống Obama tại trang trại Sunnylands, bang California năm 2013. Tại thời điểm đó, khái niệm này đã thu hút sự quan tâm đông đảo của giới nghiên cứu cũng như dư luận. Đã có nhiều đánh giá khác nhau về yếu tố “kiểu mới” trong đó, tuy nhiên đến nay những đánh giá đó mới có điều kiện để kiểm nghiệm lại.
Những vấn đề chung về “quan hệ nước lớn kiểu mới”
Khái niệm quan hệ nước lớn kiểu mới đã xuất hiện đầu tiên trong chính trường Trung Quốc từ năm 2005, sau đó được xuất hiện chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, cùng thời điểm thế hệ lãnh đạo thứ Năm của Trung Quốc với hạt nhân trung tâm là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình lên nắm quyền. Tại Nga, khái niệm này cũng đã được nhắc tới từ năm 2010 trong đề án nghiên cứu của các chuyên gia nghiên cứu chiến lược, sau đó được Chính phủ Nga thường xuyên sử dụng. Trong quá trình tiếp xúc với Trung Quốc và Nga, khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” mới bắt đầu “du nhập” vào giới tinh hoa Mỹ. Cụ thể, nó được Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice nhắc tới trong một bài phát biểu tại Đại học Georgetown năm 2013.
Có nhiều cách hiểu về khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới”, bản chất của cái “mới” nằm ở việc quan hệ giữa các nước này chuyển từ phi đối xứng, không ngang hàng, bất bình đẳng trước đó sang thế đối xứng, ngang hàng, bình đẳng với nhau trong hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. Một điểm đáng lưu tâm khác, kể từ sau Chiến tranh lạnh cho tới nay, quan hệ giữa các nước lớn không chỉ có yếu tố “hợp tác” và “cạnh tranh”, mà đã xuất hiện một yếu tố khác với tần suất ngày càng dày đặc và leo thang, đó là yếu tố “đối đầu”.
Nguyên nhân căn bản dẫn đến việc hình thành ý tưởng “quan hệ nước lớn kiểu mới” nằm ở sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia, đặc biệt là giữa siêu cường cũ và siêu cường mới. Cũng cần phải bàn thêm một chút về khái niệm “siêu cường”: đó là những quốc gia có đủ tiềm lực, sức mạnh, có khả năng chi phối tới các vấn đề mang tính toàn cầu. Hiện nay, những nước có tầm ảnh hưởng như vậy chỉ có Mỹ, Trung Quốc và Nga. Trong đó, Mỹ đóng vai trò là quốc gia lãnh đạo, tiên phong trong nhóm các nước phát triển. Trung Quốc là nước đứng đầu nhóm các nước đang phát triển. Còn Nga đã và đang khôi phục lại được vị thế vốn có của họ từ Chiến tranh lạnh.
Nhìn về lịch sử của thế kỷ trước, thế giới cũng đã có 2 lần thiết lập “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Lần thứ nhất: quá trình thiết lập lại tương quan lực lượng giữa các nước lớn kéo dài từ năm 1919 – 1922, sau các Hòa ước Versaille và Washington. Đó cũng là thời điểm xác lập vị thế ngang hàng giữa Mỹ và Anh. Lần thứ hai tương ứng với việc hình thành trật tự hai cực giữa Mỹ và Liên Xô. Từ thời điểm Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ giữ được vị thế siêu cường lớn nhất toàn cầu cho đến khi khoảng cách với Trung Quốc và Nga trên các lĩnh vực đã bị thu hẹp đáng kể (thậm chí là bị vượt qua) từ thập niên thứ hai của thế kỷ XXI. Và mô hình “quan hệ nước lớn kiểu mới” một lần nữa xuất hiện là đòi hỏi khách quan, tất yếu của lịch sử. Nó cũng báo hiệu một trật tự thế giới mới đã được định hình, mô hình “nhất siêu, đa cường” trước đây đã hoàn toàn chấm dứt.
Quan hệ nước lớn kiểu mới 10 năm qua
Có thể thấy, lịch sử thế giới nói chung và lịch sử quan hệ quốc tế trong 10 năm qua đã có những biến động lớn chưa từng thấy kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Những biến động mang tính đột biến này đều có liên quan mật thiết đến 3 hạt nhân trung tâm là Mỹ, Trung Quốc và Nga.
Về quan hệ kinh tế, tương tác kinh tế giữa 3 siêu cường trong 10 năm qua diễn biến hết sức phức tạp. Nga – Mỹ hợp tác một cách hạn chế trong những lĩnh vực “không thể thay thế”, ngoài ra, đối đầu kinh tế giữa hai nước là đặc điểm chính trong suốt thời gian qua. Đỉnh điểm sau khủng hoảng chính trị và xung đột tại Ukraine từ năm 2014, trở thành một cái cớ thường xuyên để Mỹ liên tục tấn công, dồn ép Nga bằng các lệnh trừng phạt. Ngược lại, quan hệ kinh tế Nga và Trung Quốc lại êm đềm và tốt đẹp hơn bao giờ hết. Điều này phản ánh rõ nét định luật bảo toàn trong quan hệ quốc tế.
Diễn biến phức tạp nhất là quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành siêu cường thương mại lớn nhất thế giới, đồng thời thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của khoảng 70% quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Mặc dù Mỹ – Trung là cặp quan hệ kinh tế có quy mô lớn nhất, nhưng không vì thế mà mối quan hệ song phương này trở nên tốt đẹp. Mâu thuẫn kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn gia tăng bởi nhiều lý do: (1) thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc quá lớn; (2) các doanh nghiệp Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh mẽ, dần đẩy lùi các đế chế kinh tế của Mỹ ra khỏi các thị trường trên toàn cầu (3) Trung Quốc tham gia vào liên minh cùng các nước nhằm lật đổ vị thế của đồng đô la. Ngoài ra, những vấn đề liên quan tới bản quyền, sáng chế công nghệ, chủ nghĩa bảo hộ… cũng trở thành những nguyên nhân gia tăng nguy cơ đối đầu kinh tế giữa hai nước. Cao trào của mâu thuẫn bùng lên kể từ năm 2018, khi chiến tranh thương mại giữa hai nước nổ ra, gây những xáo trộn lớn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cuộc chiến thương mại này, Trung Quốc đã thể hiện được một vị thế ngang hàng, sẵn sàng đáp trả tương xứng với những ngón đòn kinh tế từ phía Mỹ.
Về quan hệ chính trị, có thể nói chưa bao giờ bầu không khí quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga trở nên ngột ngạt như 10 năm vừa qua.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng đề xuất “cài đặt lại” quan hệ với Nga năm 2013, nhưng không những không cải thiện được mà còn đẩy quan hệ chính trị với Nga trở nên xấu đi nhanh chóng, ngày càng lún sâu vào bế tắc, căng thẳng ngày càng leo thang. Thất bại chính trị lớn nhất của Mỹ trong thập kỷ vừa qua trong việc đối phó với Nga nằm ở 2 điểm: (1) Mất khả năng kiểm soát vòng cung Lebanon – Syria – Thổ Nhĩ Kỳ về tay Nga, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông bị suy giảm nghiêm trọng. (2) Ngoài các nước đồng minh cũ, Mỹ hiện không đủ khả năng lôi kéo thêm các nước tham gia trừng phạt Nga, nhất là các cường quốc tầm trung.
Đối với quan hệ Mỹ – Trung, trước đây, mâu thuẫn chính trị của hai bên vẫn chủ yếu xoay quanh vấn đề nhân quyền và vấn đề Đài Loan. Trong thập kỷ vừa qua, các mâu thuẫn này vẫn liên tục bị đẩy lên những mức giới hạn mới. Đặc biệt, Mỹ ngày càng công khai muốn phá chính sách “một Trung Quốc” của đối thủ. Điểm khác so với thập niên đầu của thế kỷ XXI, những động thái thiếu thiện chí của Mỹ ngay lập tức nhận lại những phản ứng một cách mạnh mẽ từ phía đối thủ. Trung Quốc không ngần ngại chỉ trích những cáo buộc về nhân quyền từ phía Mỹ, thậm chí nêu lên những bê bối về nhân quyền ngay trong lòng nước Mỹ để đáp trả. Đồng thời, Trung Quốc liên tục xóa bỏ những ranh giới nhạy cảm và gia tăng áp lực lên đảo Đài Loan. Có thể thấy, các biện pháp đáp trả của Trung Quốc thập kỷ qua mang tính chất đối xứng, hoàn toàn không còn nhượng bộ như trước.
Về quân sự, trong thập kỷ vừa qua, Mỹ – Nga – Trung Quốc liên tục duy trì vị trí ba siêu cường quân sự lớn nhất thế giới. Giữa Mỹ và Nga, Trung Quốc chưa có những va chạm quân sự trực tiếp nào, tuy nhiên nguy cơ đụng độ ngày càng cao hơn bao giờ hết, nhất là tại những điểm nóng Trung Đông, Đông Âu với Nga hay với khu vực Đông, Đông Nam Á với Trung Quốc. Cạnh tranh vẫn là đặc điểm chủ yếu trên lĩnh vực quân sự 10 năm qua. Thể hiện qua 2 vấn đề: (1) Cuộc chạy đua vũ trang đã và đang diễn ra với tốc độ cao, các loại vũ khí mới liên tục được ra mắt. (2) Cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu vũ khí cũng trở nên sôi động hơn. Trung Quốc đang gia tăng thị phần cung ứng vũ khí cho thế giới, thu hẹp dần khoảng cách với hai nhà cung cấp số 1 và số 2 là Mỹ và Nga.
Mặt khác, điểm mới trong thập kỷ qua nằm ở chỗ Mỹ không còn là một siêu cường đơn độc trong việc triển khai các hoạt động quân sự ở bên ngoài lãnh thổ. Sự kiện Nga đưa lực lượng quân sự vào bảo vệ Crimea năm 2014 (ở thời điểm bán đảo này vẫn thuộc Ukraine) hay Nga đưa lực lượng tới Syria hỗ trợ Chính quyền Assad trong cuộc chiến chống Nhà nước tự xưng IS năm 2015 và gần đây nhất là Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Các hoạt động quân sự này tuy không va chạm trực tiếp với quân đội Mỹ, nhưng thể hiện sự cứng rắn quyết không nhượng bộ của Nga.
Có thể thấy, 10 năm qua, Nga và Trung Quốc đã thể hiện một bộ mặt hoàn toàn mới trên tất cả các lĩnh vực trong quan hệ với Mỹ. Sự nhún nhường, nhượng bộ về cơ bản đã không còn, thay vào đó sự bình đẳng, ngang hàng về vị thế là điều đã được bộc lộ.
“Quan hệ nước lớn kiểu mới” trong 10 năm tới
Trong tương lai, khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới” sẽ không còn mới nữa, khi thế giới ngày càng công nhận sự tồn tại một cách ổn định của trật tự “tam cường”. Các đặc tính “mới” được thể hiện trong thập kỷ qua sẽ tiếp tục được duy trì trong thập kỷ tiếp theo. Lý do căn bản nhất là cán cân lực lượng vẫn đạt được trạng thái cân bằng tương đối. Hiện tại, Mỹ vẫn duy trì được khả năng thao túng chính trị đối với các nước đồng minh và nhiều nước nhỏ khác. Đồng thời, khi nào đồng đô la vẫn giữ được vị thế trong hệ thống thanh toán toàn cầu thì Mỹ vẫn còn duy trì được sức mạnh kinh tế của họ. Công cuộc loại bỏ đồng đô la của Nga và Trung Quốc đã đạt được những thành công nhất định, nhưng để đánh bại hoàn toàn được đồng đô la sẽ còn cần thêm thời gian và công sức.
10 năm tới, đối đầu về chính trị giữa Mỹ và hai siêu cường còn lại có thể sẽ thổi bùng lên những cuộc chiến mới. Khả năng chiến tranh giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga không phải là không thể xảy ra, tuy nhiên Mỹ sẽ ưu tiên tối đa cho các cuộc chiến tranh ủy nhiệm thay vì tự mình trực tiếp lao vào các cuộc chiến với hai thế lực còn lại. Ngọn lửa chiến tranh ở Đông Âu thậm chí lan rộng hơn thế sẽ là điểm nhấn trong cục diện đối đầu Mỹ – Nga. Trong khi đó, ở phía Đông, Mỹ có thể sẽ kích động một cuộc chiến mà bắt buộc Trung Quốc phải tham gia, nhiều khả năng đó sẽ là Đài Loan.
Riêng cặp quan hệ Nga – Trung Quốc trong 10 năm tới sẽ khó xuất hiện những mâu thuẫn lớn, đủ khả năng làm đổ vỡ mối quan hệ chiến lược, toàn diện này. Nga cần Trung Quốc để đối phó với phương Tây. Trong khi đó, Trung Quốc cần Nga trong việc thực hiện “giấc mơ Trung Quốc”. Nếu không có chỗ dựa vững chắc từ phía Bắc, Trung Quốc khó có thể hoàn thành được mong muốn bình định phía Đông, thống nhất đất nước trong thập kỷ tới. Quan hệ Nga – Trung ngày càng gần gũi, sâu sắc có thể khiến cán cân lực lượng toàn cầu mất cân đối. Đến cuối thập niên 30 của thế kỷ XXI, Mỹ có thể sẽ trở thành siêu cường yếu thế trong cuộc đua “tam cường”.
Nhìn chung, thập kỷ qua, quan hệ giữa 3 siêu cường đã bộc lộ rõ nét những đặc tính căn bản của khái niệm “quan hệ nước lớn kiểu mới”. Những đặc tính đó sẽ còn được duy trì trong tương lai. Cần khẳng định lại rằng, “quan hệ nước lớn kiểu mới” thực chất là điểm khởi đầu cho việc chính thức hóa một trật tự thế giới mới. Việc tồn tại một trật tự rõ ràng trong hệ thống quan hệ quốc tế thông thường sẽ kích hoạt một cuộc Chiến tranh lạnh. Thập kỷ tới, cuộc đua tranh giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc sẽ ngày càng gay gắt, leo thang căng thẳng hơn nữa. Nhiều thách thức mới cho hòa bình, phát triển của thế giới sẽ xuất hiện do cuộc đua tranh giành lợi ích của các siêu cường. Ở đó, các nước nhỏ bất đắc dĩ sẽ bị kéo vào một cuộc đua tranh với nhiều rủi ro và họ sẽ cần phải có nhiều sự chuẩn bị trước những biến động mới trong tương lai./.
Tác giả: Hoàng Hải