Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp, lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã chọn châu Âu cho chuyến thăm đầu tiên trong năm nay và chọn Pháp là điểm khởi đầu cho lịch trình làm việc ở lục địa già. Điều này đã thu hút nhiều sự chú ý và mang ý nghĩa quan trọng.
Từ đầu những năm 1990 của thế kỷ 20, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu nghiên cứu về châu Âu cũng như mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). Trong những năm gần đây, họ cảm nhận rất sâu sắc rằng mối quan hệ Trung Quốc – EU đã trở thành một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Trung Quốc ngày càng tương tác và tăng cường hợp tác với châu Âu từ góc độ chiến lược và định hướng trật tự thế giới. Châu Âu cũng ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của Trung Quốc. EU không chỉ quan tâm đến trao đổi kinh tế thương mà còn mong muốn cùng Trung Quốc nỗ lực giải quyết một số vấn đề mà châu Âu và thế giới đang phải đối mặt. Trong bối cảnh mối quan hệ Trung Quốc – Châu Âu ngày càng quan trọng, Bắc Kinh cần có hiểu biết sâu sắc về châu Âu và biết cách hợp tác hiệu quả với họ.
Nhận thức về “Ba châu Âu”
Để tăng cường hiểu biết về châu Âu, Trung Quốc đã đặt ra yêu cầu phải có 3 nhận thức quan trọng về lục địa già.
Thứ nhất “Châu Âu của thế giới”. Châu Âu là một cực trong thế giới đa cực hoá hiện nay, chiếm giữ vị trí quan trọng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, khoa học và công nghệ toàn cầu. Chúng ta cần đặt châu Âu trong bối cảnh chính trị, kinh tế và an ninh thế giới để quan sát, suy xét và nghiên cứu. Đồng thời, để nhận thức về châu Âu, cũng cần phải so sánh và phân tích châu Âu với các chủ thể quốc tế khác.
Thứ hai “Châu Âu của Châu Âu”. Điều này có nghĩa là cần phải hiểu sâu sắc về chính Châu Âu, bao gồm lịch sử, hiện thực và tương lai của nó cũng như các khía cạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh, quốc phòng và khoa học công nghệ của Châu Âu. Trong hơn 70 năm qua, Châu Âu đã trải qua những thay đổi to lớn thông qua quá trình hội nhập. Ngày nay Châu Âu không chỉ là một Châu Âu về mặt địa lý, hoặc Châu Âu về văn hóa, tôn giáo, mà còn là sản phẩm của hơn 70 năm đoàn kết và tự cường sau chiến tranh. Vì vậy, Châu Âu hội nhập đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu sâu hơn.
Thứ ba “Châu Âu đối với Trung Quốc”, tức là quan sát và nghiên cứu đánh giá Châu Âu từ góc nhìn của Trung Quốc. Trong đó, một mặt cần tập trung nghiên cứu vai trò và vị trí của Châu Âu trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc. Mặt khác cần theo dõi, nghiên cứu sự thay đổi trong chính sách và nhận thức của Châu Âu đối với Trung Quốc. Trong đó bao gồm cả các quốc gia châu Âu hoặc các nước thành viên EU cũng như các cơ quan và toàn bộ EU trong việc nhận thức và chính sách đối với Trung Quốc.
Tại sao lại là nước Pháp?
Điểm sáng lớn nhất của cuộc gặp gỡ giữa nguyên thủ Trung Quốc và Pháp năm nay là củng cố sự giao lưu và hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Pháp, làm nổi bật tính toàn cầu, tính chiến lược và tính hợp tác của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Pháp cũng như giữa Trung Quốc và châu Âu.
Pháp có vị trí rất quan trọng ở châu Âu. Pháp không chỉ là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà còn là quốc gia trung tâm của Liên minh châu Âu. Đồng thời cũng là nhà “tổng thiết kế” và “ máy phát” của quá trình hội nhập châu Âu. Có thể nói, nếu không có Pháp thì sẽ không có sự đoàn kết tự cường của châu Âu và hội nhập châu Âu, cũng như châu Âu sẽ không có vị thế và tầm ảnh hưởng trên thế giới như ngày nay.
Đối với tương lai của châu Âu, Pháp cũng đưa ra những suy xét của riêng mình. Trong những năm gần đây, Pháp không chỉ kiên trì theo đuổi chính sách ngoại giao độc lập mà còn tích cực thúc đẩy EU thực hiện tự chủ chiến lược. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã khẳng định rõ rằng châu Âu không nên trở thành phụ thuộc vào các cường quốc khác, mà phải trở thành một cực độc lập không phụ thuộc vào các lực lượng bên ngoài.
Do đó, việc hiểu rõ về nước Pháp là rất quan trọng để đạt được “ba nhận thức về châu Âu” đã nói ở trên. Hơn nữa, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp có thể thúc đẩy sự hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu. Từ đó ảnh hưởng đến xu hướng của trật tự thế giới và sự phát triển của trật tự toàn cầu, đồng thời mang lại sự ổn định và năng lượng tích cực cho một thế giới đang đầy bất ổn.
Ảnh hưởng toàn cầu của sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp
Nói một cách cụ thể, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp sẽ ảnh hưởng đến thế giới ở ba lĩnh vực sau:
Thứ nhất, hai quốc gia này cùng hỗ trợ đa cực hóa thế giới và toàn cầu hóa kinh tế, từ chối sự trở lại của “Chiến tranh Lạnh mới”. Kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, thế giới đã trải qua hơn bốn mươi năm Chiến tranh Lạnh. Sau khi Liên Xô sụp đổ, thế giới bước vào thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Hiện tại, thế giới lại đang chìm trong đám mây đen của “Chiến tranh Lạnh mới” khi một số thế lực phương Tây cố gắng kích động hoặc ngăn cản sự hợp tác giữa Trung Quốc và châu Âu, làm thế giới quay lại trạng thái đối đầu phe phái. Thế giới thực sự đang đứng trước một ngã tư đường, đi theo con đường hợp tác hay đối đầu? Trung Quốc và Pháp có sự đồng thuận chiến lược trên một loạt các vấn đề quốc tế quan trọng, có quan điểm giống nhau hoặc tương tự, và cùng phản đối sự đối đầu giữa các phe phái và “cắt đứt chuỗi cung ứng”. Trung Quốc và châu Âu có trách nhiệm đưa ra câu trả lời, thúc đẩy thế giới phát triển theo hướng hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Thứ hai, Trung Quốc và Pháp là những lực lượng chủ chốt trong việc đối phó và giải quyết các thách thức toàn cầu. Vào cuối tháng 4 năm nay, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh trong bài phát biểu tại Đại học Sorbonne ở Paris rằng, châu Âu phải đối mặt với các thách thức toàn cầu. Nếu không hành động, châu Âu có nguy cơ bị biến mất. Chỉ vài ngày sau đó, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông lại nhấn mạnh: “Khi thảo luận về các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học, mối quan hệ với Trung Quốc có ý nghĩa quyết định. Nếu không có sự đồng thuận của Trung Quốc, những vấn đề này sẽ không thể tiến triển.” Đối mặt với một thế giới đầy biến động và phức tạp, Trung Quốc và Pháp có thể tăng cường phối hợp và hợp tác trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, và xung đột khu vực. Gần đây, hai bên đã ra “Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Pháp về tình hình Trung Đông”. Thể hiện lập trường chung trong các vấn đề cấp bách ở Trung Đông như xung đột Israel-Palestine và khủng hoảng Biển Đỏ. Đồng thời bày tỏ sự đồng thuận trong việc đạt được hòa bình ở Trung Đông. Chỉ cần Trung Quốc và châu Âu hợp tác, việc giải quyết các thách thức toàn cầu sẽ có hy vọng.
Cuối cùng, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pháp sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Quan hệ kinh tế thương mại là sợi dây liên kết quan trọng nhất giữa Trung Quốc và châu Âu, và có thể coi là trụ cột của quan hệ Trung Quốc-châu Âu. Chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất giữa Trung Quốc và châu Âu đã được tích hợp sâu sắc, không bên nào có thể thiếu bên kia. Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu đạt 847,3 tỷ USD. Năm 2023, số liệu của Cục Thống kê Liên minh châu Âu là 737,9 tỷ euro. Trong hợp tác kinh tế thương mại song phương, Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu, còn Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Pháp ngoài EU. Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt 78,9 tỷ USD.
Hiện tại, tăng trưởng kinh tế châu Âu đang chững lại. Với Đức, vốn được xem là “đầu tàu” của nền kinh tế châu Âu đã ghi nhận tăng trưởng kinh tế âm vào năm 2023. Kinh tế châu Âu khó có thể thoát khỏi tình trạng trì trệ suy thoái trong ngắn hạn. Trong bối cảnh này, Trung Quốc và châu Âu đều có nhu cầu hợp tác kinh tế chung. Thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của châu Âu, trong khi Trung Quốc cũng rất coi trọng xuất khẩu sang châu Âu và đầu tư giữa hai bên. Là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, việc tăng cường trao đổi thương mại và hợp tác khoa học công nghệ giữa Trung Quốc và Pháp, cũng như giữa Trung Quốc và châu Âu, không chỉ có lợi cho sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và các quốc gia thành viên EU, mà còn tác động tích cực đến sự tăng trưởng và phát triển thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu.
Thúc đẩy phát triển thông qua đối thoại
Hiện tại, quan hệ Trung Quốc-châu Âu vẫn đối mặt với những nhiều thách thức. Nổi bật nhất là vấn đề nhận thức, tức là cách nhìn nhận của châu Âu về quan hệ với Trung Quốc, cũng như cách nhìn nhận của Trung Quốc về quan hệ với châu Âu. Các quốc gia châu Âu và Trung Quốc có sự khác biệt về quốc gia, chế độ và văn hóa, dẫn đến sự khác biệt trong quan điểm về một số vấn đề. Trung Quốc không phủ nhận những khác biệt này và cho rằng mặc dù có cạnh tranh và mâu thuẫn, nhưng điều chủ yếu trong quan hệ Trung Quốc-châu Âu là hợp tác, bởi vậy Bắc Kinh coi châu Âu là đối tác hợp tác. Ngược lại, các quốc gia châu Âu và Liên minh châu Âu dù nhận thức được sự hợp tác với Trung Quốc là không thể thiếu, nhưng ngày càng nhấn mạnh rằng sự phát triển của Trung Quốc mang lại sự cạnh tranh cho châu Âu. Kể từ năm 2019, họ vừa coi Trung Quốc là đối tác hợp tác, vừa coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và đối thủ về hệ thống. Sự thay đổi nhận thức này đã có tác động tiêu cực đến việc xây dựng và thực hiện chính sách đối với Trung Quốc của châu Âu.
Ngày 26 tháng 4, tại Hội thảo học thuật cấp cao về quan hệ Trung Quốc-châu Âu lần đầu tiên được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Châu Âu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một học giả kỳ cựu người Đức đã phát biểu rằng, sự hiểu lầm không đáng sợ, điều đáng sợ là thiếu mong muốn hiểu biết. Các học giả hoàn toàn đồng ý với câu nói này. Trung Quốc và Pháp nên tăng cường đối thoại và trao đổi, với mong muốn mạnh mẽ để hiểu biết lẫn nhau, nhận thức tích cực và khách quan về nhau. Từ đó tăng cường sự hiểu biết, giảm bớt sự hiểu lầm. Thông qua hợp tác, ảnh hưởng và dẫn dắt thế giới phát triển theo hướng tích cực.
Trong bối cảnh quốc tế phức tạp và thay đổi, năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp. Dưới sự dẫn dắt của ngoại giao cấp cao, hai nước này vẫn còn nhiều tiềm năng tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực, trở thành hình mẫu về sự tin cậy và hợp tác ở cấp độ cao giữa hai nền văn minh phương Đông và phương Tây. Sự khởi đầu tốt đẹp này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Trung Quốc và Liên minh châu Âu phát triển lành mạnh, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới./.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Phùng Trọng Bình là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]