Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga (1950-2025), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có chuyến thăm chính thức tới Nga, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương. Chuyến thăm không chỉ khẳng định sự gắn kết bền chặt giữa hai quốc gia mà còn thể hiện sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động, chuyến thăm lần này mang ý nghĩa đặc biệt, góp phần củng cố nền tảng hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, giáo dục và khoa học - công nghệ, mở ra những định hướng hợp tác mới vì lợi ích chung.
Bối cảnh chuyến thăm
Quan hệ Việt – Nga không ngừng được nâng tầm
75 năm hợp tác: từ quan hệ truyền thống đến quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, Việt Nam và Nga đã phát triển từ quan hệ hợp tác truyền thống thành quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Năm 2001, Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác Chiến lược đã được ký kết, đặt nền tảng cho việc tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Năm 2012, quan hệ hai nước được nâng cấp lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, phản ánh mức độ tin cậy cao và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước. Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng của Moskva ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Khung pháp lý song phương trong quan hệ giữa hai nước bao gồm hơn tám mươi văn bản, bao gồm các văn bản nền tảng như Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị (1994), Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược (2001),.. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á được các Tổng thống Nga thực hiện tới 6 chuyến thăm (Tổng thống Vladimir Putin – 5 lần, Cựu Tổng thống Dmitry Mevedev – 1 lần). Đối thoại chính trị sâu rộng giữa hai bên được duy trì ở cấp cao nhất và hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp[1].
Những thành tựu nổi bật trong nhiều lĩnh vực:
Về chính trị: Quan hệ Nga-Việt Nam được đặc trưng bởi các chuyến thăm thường xuyên ở cấp cao nhất, góp phần tăng cường đối thoại chính trị và phối hợp lập trường về các vấn đề quốc tế. Vào tháng 6 năm 2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thăm Hà Nội, tại đây, người lãnh đạo nước Nga đã cùng Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm ra tuyên bố về việc tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trong chuyến thăm, hơn 10 văn kiện đã được ký kết, bao gồm các thỏa thuận trong lĩnh vực năng lượng, giáo dục và khoa học[2].
Về kinh tế: Hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam đang phát triển theo nhiều hướng khác nhau. Vào tháng 1 năm 2025, một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân đã được ký kết giữa tập đoàn nhà nước Rosatom của Nga và tập đoàn năng lượng nhà nước Việt Nam EVN. Thỏa thuận này nhằm mục đích khởi động lại chương trình hạt nhân của Việt Nam để đảm bảo độc lập về năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, các công ty Nga như Zarubezhneft và Novatek cũng tích cực tham gia phát triển các mỏ dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam.
Về an ninh – quốc phòng: Việt Nam vẫn là một trong những đối tác quan trọng của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự. Nga cung cấp cho Việt Nam máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2, tàu ngầm lớp Varshavyanka và nhiều loại vũ khí khác. Vào tháng 1 năm 2025, cuộc họp lần thứ tư của nhóm công tác Nga-Việt về hợp tác quốc phòng đã được tổ chức tại Moskva, tại đây đã thống nhất kế hoạch hợp tác quân sự song phương giữa hai bên.
Về giáo dục và khoa học: Mối quan hệ giáo dục và khoa học giữa Nga và Việt Nam có lịch sử lâu dài. Kể từ khi thiết lập quan hệ, hơn 60 nghìn chuyên gia Việt Nam đã được đào tạo tại các trường đại học Nga. Hiện nay, có hơn ba nghìn sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga, với một nghìn suất học được phân bổ hàng năm theo hạn ngạch của chính phủ Nga. Vào tháng 12 năm 2023, kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban hợp tác giáo dục, khoa học và công nghệ Nga – Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội[3]. Trong buổi gặp gỡ, hai bên đã ký kết các thỏa thuận về việc thành lập các liên hợp trường đại học kỹ thuật, đại học để đào tạo nhân lực chuyên ngành CNTT, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo chuyên gia cho nền kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, vào tháng 7 năm 2024, Chiến lược phát triển Trung tâm nghiên cứu và công nghệ nhiệt đới chung Nga – Việt đến năm 2035 đã được ký kết. Trung tâm tiến hành nghiên cứu về sinh thái nhiệt đới, y học và khoa học vật liệu, góp phần phát triển tiềm năng khoa học của cả hai nước[4].
Bối cảnh quốc tế và khu vực đang có nhiều chuyển biến. Tình hình quốc tế hiện nay được đặc trưng bởi áp lực trừng phạt gia tăng đối với Nga từ các nước phương Tây để đáp trả các sự kiện ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt này làm phức tạp các giao dịch tài chính và chuỗi hậu cần, ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ thương mại và kinh tế giữa Nga và các đối tác, bao gồm cả Việt Nam. Đặc biệt, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã dẫn đến sự gián đoạn trong các giao dịch tài chính giữa Moskva và Hà Nội, gây khó khăn cho việc triển khai các dự án chung và sáng kiến đầu tư. Việc áp dụng lệnh trừng phạt vào năm 2022 đã khiến khối lượng thương mại song phương giảm gần 50%, chủ yếu là do những hạn chế về hậu cần và tài chính[5]. Một mặt khác, Nga đang tìm cách củng cố vị thế của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, coi Việt Nam là đối tác quan trọng. Vào tháng 1 năm 2025, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tới Hà Nội, một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân đã được ký kết giữa tập đoàn nhà nước Rosatom và tổng công ty năng lượng nhà nước Việt Nam EVN. Thỏa thuận này nhằm mục đích khởi động lại chương trình hạt nhân của Việt Nam để đảm bảo độc lập về năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, Nga bày tỏ sẵn sàng ủng hộ mong muốn của Việt Nam trở thành “đối tác” trong khối BRICS, điều này có thể giúp củng cố vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế. Còn đối với Việt Nam, hợp tác với Nga mang đến cơ hội đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại và tiếp cận các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, tình hình địa chính trị thế giới còn biến đổi không ngừng và khó dự đoán, vì thế quan hệ hai nước vẫn còn nhiều điều còn cần phải chú ý.
Nội dung và kết quả chính của chuyến thăm
Cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Trong cuộc gặp diễn ra tại tòa nhà Bộ Ngoại giao Nga trên Quảng trường Smolenskaya, Bộ trưởng Ngoại giao Nga hoan nghênh chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, diễn ra trong bối cảnh hai nước kỷ niệm nhiều sự kiện trọng đại như 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, 80 năm Quốc khánh Việt Nam, 80 năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Nga, và 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ông khẳng định Việt Nam là đối tác ưu tiên của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương. Hai bên đánh giá cao sự phát triển năng động của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế – thương mại đến quốc phòng, an ninh, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hóa và du lịch[6]. Dù đối mặt với thách thức địa chính trị, hợp tác song phương vẫn đạt nhiều kết quả ấn tượng. Đặc biệt, hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn, khôi phục đường bay thẳng, tạo động lực thúc đẩy hợp tác hiệu quả. Trao đổi đoàn cấp cao diễn ra thường xuyên, thể hiện mức độ tin cậy cao và cam kết tăng cường quan hệ trong tương lai.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Nga cũng lưu ý rằng các bên cần tiếp tục xây dựng hợp tác trong khuôn khổ thực hiện các thỏa thuận liên chính phủ, bao gồm hợp tác trong Liên minh kinh tế Á – Âu, đối thoại Nga – ASEAN, cũng như tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác. Hai bên đặc biệt quan tâm đến các vấn đề năng lượng, cụ thể là hoạt động thành công của liên doanh Vietsovpetro và việc mở rộng hợp tác giữa Gazprom và tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN. Vấn đề hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân dân sự cũng được xem xét, đáp ứng lợi ích của cả hai bên trong bối cảnh phát triển bền vững.
Nhằm đẩy mạnh quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga trong bối cảnh mới, hai bên cam kết tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao thông qua các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân, đồng thời mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực trọng tâm như năng lượng, hạ tầng giao thông, logistics, khoa học công nghệ, nông nghiệp, y sinh, văn hóa, du lịch và giáo dục – đào tạo. Bên cạnh đó, Việt Nam đề nghị Nga tiếp tục hỗ trợ cộng đồng người Việt tại Nga ổn định cuộc sống và xem xét miễn thị thực cho công dân Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch[7]. Kết thúc hội đàm, hai Bộ trưởng đã tổ chức họp báo để thông báo kết quả và trả lời các câu hỏi của báo giới hai nước, khẳng định quyết tâm đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.
Theo kết quả họp báo sau cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Nga cũng thông báo rằng Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm sẽ tới Moskva thăm chính thức Liên bang Nga và tham dự lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. Hai bên đang chuẩn bị kỹ càng cho chuyến thăm này. Dự kiến một số văn kiện quan trọng trong việc phát triển quan hệ Việt – Nga trong thời kỳ mới cũng sẽ được thông qua và ký kết.
Cuộc hội kiến với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Nga
Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienco đã tiếp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trong chuyến thăm chính thức tới Nga, nhân dịp hai nước kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Bà Matvienco khẳng định Việt Nam luôn là đối tác chiến lược tin cậy nhất của Nga tại Đông Nam Á, đồng thời đánh giá cao những bước phát triển tích cực trong quan hệ song phương thời gian qua, đặc biệt là việc tăng cường giao lưu giữa các cấp lãnh đạo.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã chuyển lời thăm hỏi của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Chủ tịch Thượng viện Nga, đồng thời bày tỏ mong muốn bà Matvienco sớm có chuyến thăm tới Việt Nam. Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của hợp tác nghị viện trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga, đồng thời đề nghị Hội đồng Liên bang Nga tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam trong việc giám sát thực hiện các thỏa thuận hợp tác và thúc đẩy kết nối giữa các địa phương hai nước.
Bà Matvienco cho biết dù đại diện cho nhiều đảng phái và địa phương khác nhau, tất cả các nghị sĩ Nga đều dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam và ủng hộ mạnh mẽ việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước. Bà cũng bày tỏ mong muốn sớm gặp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhân dịp Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) sắp tới tại Uzbekistan, đồng thời đề nghị hai Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả hợp tác nghị viện[8]. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đã trân trọng mời bà Valentinva Matvienco sớm tới thăm Việt Nam.
Cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc hội đàm quan trọng với Phó Thủ tướng Nga Alexey Overchuk. Hai bên nhất trí đánh giá cao mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Nga, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường gặp gỡ và trao đổi thông tin để thúc đẩy hợp tác trên cả phương diện song phương và đa phương. Trọng tâm cuộc thảo luận tập trung vào các vấn đề hợp tác kinh tế – thương mại và đầu tư. Hai bên ghi nhận những thành tựu đạt được thời gian qua, song cũng thẳng thắn thừa nhận còn tồn tại nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ[9].
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã đề nghị phía Nga, với vai trò quan trọng trong Liên minh Kinh tế Á – Âu, hỗ trợ xóa bỏ các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, nâng hạn ngạch xuất khẩu gạo, đồng thời tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước. Hai bên cũng nhất trí cần nỗ lực hơn nữa trong việc khôi phục các đường bay trực tiếp, thúc đẩy giao lưu du lịch và nhân dân. Trong ngày làm việc, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng đã đến thăm Học viện Tổng thống và có cuộc tiếp xúc với ông Kudryashov Sergei Ivanovich, Tổng Giám đốc Tập đoàn Zarubezhneft – đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và tiềm năng.
Cuộc gặp với Thống đốc tỉnh Kaluga
Ngày 4/4, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có buổi làm việc quan trọng với Thống đốc tỉnh Kaluga Vladislav Shapsha tại Trung tâm hành chính và kinh doanh Khu kinh tế đặc biệt “Kaluga”. Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Nga, đặc biệt là thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực thế mạnh của Kaluga như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ô tô, năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ và giáo dục-đào tạo. Ông đánh giá cao sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh Kaluga đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn TH – Truemilk, đồng thời đề nghị tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại địa phương.
Thống đốc Shapsha bày tỏ vui mừng chào đón đoàn công tác Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, đồng thời nhấn mạnh tiềm năng hợp tác to lớn giữa Kaluga và Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Ông ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của kim ngạch thương mại song phương và đánh giá cao dự án đầu tư của TH – Truemilk như một minh chứng cụ thể cho hiệu quả hợp tác. Thống đốc cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân, cũng như mở rộng giao lưu văn hóa và thanh niên giữa hai bên, qua đó góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga[10].
Ý nghĩa và triển vọng của quan hệ Việt – Nga sau chuyến thăm
Ý nghĩa của chuyến thăm
Chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định mức độ tin cậy chính trị cao và sự hiểu biết lẫn nhau giữa Hà Nội và Moskva. Trong các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, các bên đã thảo luận về các vấn đề hiện tại về hợp tác song phương, cũng như việc phối hợp các nỗ lực trên trường quốc tế. Sự quan tâm đặc biệt được dành cho sự tương tác trong các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc và ASEAN, điều này thể hiện mong muốn của cả hai nước trong việc cùng nhau thúc đẩy các nguyên tắc đa cực và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Hợp tác kinh tế giữa Nga và Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực. Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga đạt 4,59 tỷ USD, tăng 26,4% so với năm 2023. Hiện nay, Nga đang triển khai 151 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 950 triệu đô la Mỹ. Chuyến thăm của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng góp phần tăng cường mối quan hệ văn hóa và nhân đạo giữa nhân dân hai nước. Trong các cuộc họp, các vấn đề mở rộng chương trình giáo dục, trao đổi khoa học và các sự kiện văn hóa nhằm mục đích đưa nhân dân Nga và Việt Nam lại gần nhau hơn đã được thảo luận.
Chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn vào tháng 4 năm 2025 là bước đi quan trọng trong việc phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước. Chuyến thăm đã tái khẳng định lợi ích chung trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa, cũng như hợp tác trên trường quốc tế để đảm bảo ổn định khu vực và toàn cầu.
Triển vọng của quan hệ Việt – Nga
Hợp tác chính trị
Việt Nam coi Nga là một trong những đối tác ưu tiên. Cả hai bên đều nhấn mạnh hai nước “có truyền thống duy trì quan hệ hữu nghị, anh em” và bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác song phương hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Các cuộc gặp cấp cao giữa Nga và Việt Nam trong suốt thời gian qua cũng như trong năm bản lề 2025 khẳng định mong muốn chung nhằm tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Hợp tác kinh tế và năng lượng
Việt Nam và Nga đã ký một số thỏa thuận nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, một thỏa thuận đã được ký kết giữa Rosatom và tập đoàn năng lượng nhà nước Việt Nam EVN về việc phát triển hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, Nga bày tỏ sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam khí đốt tự nhiên hóa lỏng và dầu mỏ, cũng như hỗ trợ phát triển các dự án năng lượng mới, bao gồm cả các nguồn năng lượng tái tạo.
Hợp tác quốc phòng
Hợp tác quân sự vẫn là thành phần quan trọng của quan hệ song phương giữa hai nước. Việt Nam tiếp tục mua vũ khí của Nga, bao gồm máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 và tàu ngầm lớp Varshavyanka. Các chuyên gia quân sự Việt Nam được đào tạo tại các học viện quân sự của Nga và các tàu của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga cũng thường ghé thăm các cảng Cam Ranh và Đà Nẵng.
Hợp tác văn hóa và giáo dục
Những mối liên kết chặt chẽ theo truyền thống trong lĩnh vực giáo dục vẫn tiếp tục phát triển. Hơn 60 nghìn chuyên gia Việt Nam đã được đào tạo tại các trường đại học của Liên Xô và Nga. Hiện nay, có hơn ba nghìn sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học Nga và Nga cung cấp cho Việt Nam một trong những hạn ngạch lớn nhất về giáo dục cho công dân nước ngoài – một nghìn suất mỗi năm.
Nhìn chung, triển vọng quan hệ Việt Nam – Nga trong thời gian tới rất khả quan, tập trung mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác trên các lĩnh vực chủ chốt, phù hợp với lợi ích của cả hai nước và góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược.
Những vướng mắc trong quan hệ Việt – Nga
Vướng mắc kinh tế. Quan hệ kinh tế Việt Nam – Liên bang Nga đang đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, lợi thế so sánh giữa hai nước không thực sự nổi bật. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, nông sản khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc, trong khi hàng cơ khí và vật liệu của Nga cũng khó xâm nhập thị trường Việt Nam. Thứ hai, tác động của đại dịch Covid-19 và lạm phát cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại và đầu tư. Thứ ba, xung đột Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt quốc tế đã gây gián đoạn hệ thống thanh toán, vận tải hàng không và hàng hải, khiến quan hệ kinh tế song phương khó phục hồi trong ngắn hạn. Những yếu tố này đang tạo ra rào cản đáng kể cho hợp tác kinh tế giữa hai nước. Quan hệ đầu tư trực tiếp giữa hai quốc gia còn giới hạn ở mức độ tiềm năng cũng như quan hệ thương mại song phương chưa phát triển tương xứng với khả năng.
Ảnh hưởng suy giảm của Nga tại Việt Nam. Các nhà khoa học Nga đang bày tỏ quan ngại về sự suy giảm ảnh hưởng của Nga tại Việt Nam trên một số lĩnh vực, đặc biệt là sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Sự suy giảm này đặc biệt đáng chú ý trong hợp tác thương mại và kinh tế. Ngoài ra, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã hạn chế khả năng các công ty Nga tham gia vào các dự án quốc tế, điều này cũng ảnh hưởng đến hoạt động của họ tại Việt Nam.
Thách thức địa chính trị. Những thay đổi về tình hình địa chính trị, bao gồm căng thẳng ở Biển Đông và ảnh hưởng ngày càng tăng của các cường quốc khác trong khu vực cũng như những diễn biến không ngừng thay đổi trên trường quốc tế, tạo ra thêm những thách thức cho hợp tác Nga – Việt. Việt Nam phấn đấu thực hiện chính sách đối ngoại đa phương, đôi khi dẫn đến sự cân bằng giữa lợi ích của nhiều quốc gia lớn.
Thách thức trong hợp tác năng lượng Mặc dù có những dự án thành công trong lĩnh vực thăm dò và sản xuất dầu khí, vẫn tồn tại những thách thức liên quan đến nhu cầu hiện đại hóa các thỏa thuận hiện có và thích ứng với thực tế kinh tế mới, cũng như việc một số mỏ dầu cạn kiệt và nhu cầu tìm kiếm các mỏ mới. Các liên doanh như Vietsovpetro cần có chiến lược cập nhật để duy trì khả năng cạnh tranh.
Phương hướng khắc phục khó khăn trong quan hệ hai nước
Giải quyết vấn đề kinh tế. Việc phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga đã làm phức tạp các giao dịch tài chính giữa Nga và Việt Nam. Để khắc phục những khó khăn này, các bên đang nỗ lực chuyển sang thanh toán bằng các loại tiền tệ quốc gia, bao gồm rúp Nga và đồng Việt Nam. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng lưu ý: “Các vấn đề ở đây liên quan đến việc chuyển đổi sang thanh toán bằng các loại tiền tệ quốc gia, bao gồm cả rúp”.
Tăng cường hợp tác văn hóa và nhân đạo. Để khôi phục và củng cố ảnh hưởng của Nga tại Việt Nam, cần tăng cường giao lưu văn hóa, các chương trình giáo dục và các dự án khoa học chung. Điều này sẽ giúp nâng cao nhận thức về nước Nga và những thành tựu của nước này trong xã hội Việt Nam, góp phần hình thành hình ảnh tích cực về đất nước này.
Tăng cường đối thoại chính trị và quan hệ đối tác chiến lược. Trong điều kiện căng thẳng địa chính trị, điều quan trọng là phải duy trì liên lạc thường xuyên ở cấp cao nhất để phối hợp lập trường về các vấn đề quốc tế quan trọng. Năm 2024, Nga và Việt Nam nhất trí không tham gia liên minh chống lại lợi ích của nhau, nhấn mạnh rằng quan hệ song phương không chịu sự chi phối của hoàn cảnh địa chính trị và mang tính chất độc lập[11].
Đa dạng hóa hợp tác năng lượng. Bất chấp các dự án hiện có trong lĩnh vực dầu khí, cần phải mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Vào tháng 1 năm 2025, Việt Nam và Nga đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, thể hiện mong muốn của các bên trong việc phát triển các lĩnh vực mới trong quan hệ đối tác năng lượng.
Hàm ý đối với Việt Nam trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu thay đổi
Việt Nam theo đuổi chính sách đa phương, tìm cách cân bằng lợi ích của các cường quốc thế giới. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, điều này đòi hỏi Hà Nội phải linh hoạt và thận trọng khi đưa ra các quyết định về chính sách đối ngoại. Sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định và tổ chức quốc tế như ASEAN và quan hệ đối tác tiềm năng với BRICS mở ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi phải tính đến lợi ích của tất cả các đối tác và cân bằng giữa chúng. Nga đã bày tỏ sự sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực trở thành “đối tác” trong BRICS, điều này có thể củng cố vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế. Việt Nam từ lâu đã duy trì mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Nga vì là nước nhập khẩu vũ khí lớn của Nga. Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trong khu vực và áp lực từ các cường quốc khác đòi hỏi Việt Nam phải đa dạng hóa nguồn thiết bị quân sự và tăng cường năng lực phòng thủ của mình. Hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm năng lượng hạt nhân, giúp đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam. Việc ký kết các thỏa thuận với Rosatom và các đề xuất của Nga về nguồn cung cấp LNG và dầu giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm phát thải và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định.
Nhìn chung, Việt Nam cần tiếp tục chính sách cân bằng, tăng cường các nỗ lực ngoại giao đa phương và phát triển năng lực trong nước để thích ứng thành công với những thay đổi trong môi trường địa chính trị toàn cầu.
Dự báo những nội dung trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 5
Những nội dung dự kiến trong chuyến thăm
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm dự kiến sẽ thăm chính thức Nga vào đầu tháng 5 năm 2025. Chuyến thăm này sẽ góp phần tăng cường quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nga trong bối cảnh hai nước vào năm 2025 kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và là năm quan trọng trong lịch sử của cả hai nước.
Tham gia lễ kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tham gia các sự kiện dành riêng cho ngày trọng đại này, bao gồm lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ. Điều này sẽ nhấn mạnh sự tôn trọng của Việt Nam đối với ký ức lịch sử của Nga và tăng cường mối quan hệ văn hóa và lịch sử giữa nhân dân hai nước.
Hội đàm song phương với giới lãnh đạo Nga. Tổng Bí thư Tô Lâm dự kiến gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cấp cao khác. Trọng tâm chính sẽ là thảo luận các vấn đề tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực và thực hiện các thỏa thuận đã đạt được trước đây. Đặc biệt chú trọng tăng kim ngạch thương mại song phương, thu hút đầu tư và triển khai các dự án chung trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp và nông nghiệp. Các bên sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề hiện tại trong chương trình nghị sự quốc tế, bao gồm tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và thảo luận về các cơ hội phối hợp nỗ lực tại các địa điểm quốc tế. Trong chuyến thăm, các vấn đề mở rộng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, khoa học và văn hóa có thể được thảo luận, bao gồm tăng hạn ngạch giáo dục cho sinh viên Việt Nam tại các trường đại học Nga và tổ chức các sự kiện văn hóa chung.
Nhìn chung, chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm vào tháng 5/2025 sẽ là bước tiến quan trọng trong việc phát triển quan hệ Nga – Việt, góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Mong muốn từ phía Việt Nam trong chuyến thăm này
Những mối quan tâm này bao gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng và văn hóa – nhân đạo, phản ánh mong muốn của Việt Nam về sự phát triển toàn diện của quan hệ hợp tác song phương.
Việt Nam coi Nga là đối tác ưu tiên trong chính sách đối ngoại, mong muốn duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và phù hợp với lợi ích của cả hai nước. Cả hai nước đều nhất trí không tham gia vào các liên minh hoặc thỏa thuận với các nước thứ ba trái ngược với lợi ích của nhau, nhấn mạnh sự tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Việt Nam cũng quan tâm đến việc tăng kim ngạch thương mại song phương và thu hút đầu tư của Nga. Đặc biệt chú trọng đến hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm các dự án trong lĩnh vực dầu khí và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Việt Nam đang tìm cách khởi động lại dự án điện hạt nhân để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cũng sẽ mong muốn tăng cường nhu cầu phát triển giao thông đường sắt và đường biển, cũng như vận tải hàng hóa đa phương thức, điều này sẽ cải thiện hoạt động hậu cần và tăng kim ngạch thương mại.
Việt Nam cũng rất quan tâm tiếp tục hợp tác với Nga trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm cung cấp trang thiết bị quân sự và tập trận chung, góp phần tăng cường an ninh quốc gia và ổn định trong khu vực. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng số lượng sinh viên theo học tại các trường đại học Nga và phát triển các dự án khoa học chung, góp phần nâng cao trình độ cán bộ và phát triển khoa học công nghệ. Việt Nam tìm cách phối hợp lập trường với Nga về các vấn đề quốc tế quan trọng, bao gồm đảm bảo an ninh khu vực và tham gia các sáng kiến đa phương[12].
Mong muốn từ phía Nga trong chuyến thăm này
Về phía Nga, Moskva mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam, thể hiện qua các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên và ký kết các tuyên bố chung về phát triển quan hệ song phương. Hợp tác với Việt Nam cho phép Nga phối hợp nỗ lực về các vấn đề quan trọng của quốc tế và khu vực, góp phần tăng cường sự ổn định và an ninh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nga cũng quan tâm đến việc tăng kim ngạch thương mại với Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và dầu mỏ. Vào tháng 1 năm 2025, Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, phù hợp với kế hoạch của Việt Nam nhằm khởi động lại chương trình hạt nhân để đạt được sự độc lập về năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2050.
Việt Nam từ lâu đã là đối tác quan trọng của Nga trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm cung cấp trang thiết bị quân sự và tập trận chung, góp phần tăng cường an ninh trong khu vực. Hơn 3.000 sinh viên Việt Nam đang học tập tại Nga, góp phần phát triển nguồn nhân lực và tăng cường quan hệ song phương về giáo dục và khoa học. Nga nỗ lực duy trì và phát triển giao lưu văn hóa với Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Phát triển quan hệ với Việt Nam cho phép Nga tăng cường ảnh hưởng trong khu vực và thúc đẩy lợi ích của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nga bày tỏ sẵn sàng ủng hộ nguyện vọng của Việt Nam trở thành “đối tác” trong BRICS, điều này có thể củng cố vị thế của Hà Nội trên trường quốc tế và thúc đẩy phát triển hợp tác đa phương.
Nhìn chung, Nga coi Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng, hợp tác với Việt Nam góp phần đạt được lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực và tăng cường ổn định trong khu vực./.
Tác giả: Nguyễn Như Việt Anh
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. TASS (2025), “Межгосударственные отношения России и Вьетнама”, https://ria.ru/20250130/diplomatiya-1995835369.html
[2]. TASS (2024), “Россия и Вьетнам приняли заявление о стратегическом партнерстве”, https://tass.ru/ekonomika/21149201
[3]. AK&M (2025), “Россия и Вьетнам расширяют сотрудничество в области образования, науки и технологий”, https://www.akm.ru/press/rossiya_i_vetnam_rasshiryayut_sotrudnichestvo_v_oblasti_obrazovaniya_nauki_i_tekhnologiy/
[4]. МИНИСТЕРСТВО НАУКИ И ВЫСШЕГО ОБРАЗОВАНИЯ РОССИЙСКОЙ ФЕДЕРАЦИИ (2025), “Россия и Вьетнам подписали Стратегию развития Тропического центра до 2035 года”, https://minobrnauki.gov.ru/press-center/news/mezhdunarodnoe-sotrudnichestvo/85131/
[5]. THE RUSSIA PROGRAM (2024), “Vietnam-Russia Relations After 2022: Exploring the Challenges and Opportunities of “Bamboo Diplomacy” in A Multipolar World”, https://therussiaprogram.org/vietnam_russia
[6]. KOMMERSANT (2025), “Лавров: Россия выступает за наращивание оборонного сотрудничества с Вьетнамом”, https://www.kommersant.ru/doc/7623301
[7]. TASS (2025), “Глава МИД Вьетнама поблагодарил РФ за благоприятные условия проживания граждан”, https://tass.ru/obschestvo/23577789
[8]. СОВЕТ ФЕДЕРАЦИИ ФЕДЕРАЛЬНОГО СОБРАНИЯ РОССИЙСКОЙ ФЕДЕРАЦИИ (2025), “В. Матвиенко: Вьетнам – надежный партнёр России в Юго-Восточной Азии”, http://www.council.gov.ru/events/news/165496/
[9]. ПРАВИТЕЛЬСТВО РОССИИ (2025), “Алексей Оверчук встретился с Вице-премьером Правительства, Министром иностранных дел Социалистической Республики Вьетнам Буй Тхань Шоном”, http://government.ru/news/54677/
[10]. KOMSOMOLSKAYA PRAVDA (2025), “Глава МИД Вьетнама посетил Калужскую область”, https://www.kaluga.kp.ru/daily/27682.5/5071114/
[11]. RIA NOVOSTI (2024), “Россия и Вьетнам договорились не вступать в союзы друг против друга”, https://ria.ru/20240620/vetnam-1954219368.html
[12]. 1TV (2025), “Россия и Вьетнам обсуждают возможность расширения географии авиарейсов между странами”, https://www.1tv.ru/news/2025-04-02/505912-rossiya_i_vietnam_obsuzhdayut_vozmozhnost_rasshireniya_geografii_aviareysov_mezhdu_stranami