Những phát hiện chính Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) sẽ là trọng tâm trong Chiến lược Quốc phòng của Australia trong các tình huống dự phòng được đánh giá chiến lược quốc phòng ưu tiên, chẳng hạn như đánh bại các mối đe dọa xâm phạm hoặc tấn công từ xa, chống lại sự phong tỏa của hải quân và hỗ trợ cân bằng quyền lực trong khu vực. Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ giúp Australia tăng thêm sức mạnh chiến lược để ngăn chặn một đối thủ mạnh hơn bằng cách chứng minh khả năng của nước này trong việc nhắm mục tiêu vào các lực lượng có tầm bắn xa hơn các lực lượng của Australia và có thể được sử dụng để gây sức ép với Australia từ xa. Để tăng cường hơn nữa khả năng răn đe của Australia, chính phủ trong tương lai nên xem xét việc liên tục đóng thêm nhiều Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân từ những năm 2050.
Tóm tắt chiến lược
Khi việc xây dựng quân đội quy mô lớn của Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về an ninh khu vực, Australia đang góp phần tạo nên sự cân bằng quyền lực hiệu quả thông qua AUKUS. Thỏa thuận chia sẻ công nghệ Tàu ngầm hạt nhân với Vương quốc Anh và Mỹ sẽ đưa 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) vào biên chế của Australia vào những năm 2050. SSN hoàn toàn có lợi cho Australia vì chúng tăng cường khả năng ngăn chặn chiến tranh của đất nước bằng cách cho thấy những hậu quả đau đớn có thể xảy ra nếu gây hấn với Australia cùng các đối tác hoặc đe dọa tới lợi ích của nước này. Đánh giá Chiến lược Quốc phòng năm 2023 giao nhiệm vụ rõ ràng cho Lực lượng Phòng vệ Australia với vai trò răn đe trước một cường quốc quân sự mạnh mẽ, đây là một nhiệm vụ tương đối mới. SSN là cỗ máy răn đe tối ưu, có khả năng hoàn thành các nhiệm vụ thiết yếu được nêu trong Đánh giá.
Mục đích của AUKUS
Quyết định mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia thông qua quan hệ đối tác với AUKUS là một trong những nỗ lực công nghiệp để lại nhiều hệ quả nhất mà nước này từng thực hiện. Điều này đã tạo ra 20.000 việc làm, AUKUS sẽ đầu tư 30 tỷ USD vào cơ sở công nghiệp của Australia và 18 tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhằm nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động của đất nước và thAustralia đẩy ngành đóng tàu trong nhiều thập kỷ.
Mặc dù những lợi ích này tạo ra nhiều mối quan tâm xung quanh AUKUS, nhưng việc tạo việc làm và chính sách công nghiệp không phải là lý do chính khiến Canberra đang có được khả năng phòng thủ tiên tiến với chi phí lên tới 0,15% GDP hàng năm của đất nước trong 30 năm. Bản thân việc tạo thêm việc làm và tăng trưởng của ngành sẽ không quyết định sự thành công hay thất bại của AUKUS.
Lý do chính để mua và xây dựng Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân ở Australia là hiệu quả chiến lược mạnh mẽ từ những chiếc tàu này. Mục đích của họ là cung cấp cho Lực lượng Phòng vệ Australia (ADF) khả năng vượt trội trong khu vực, giúp lực lượng này ngăn chặn chiến tranh và nếu trong trường hợp phải tham chiến thì sẽ giành chiến thắng. Lợi ích từ kế hoạch của AUKUS có lớn hơn những cái giá phải trả hay không còn phụ thuộc chủ yếu vào việc liệu điều đó có phải là phản ứng đúng đắn trước những rủi ro chiến lược mà Australia phải đối mặt hay không, những chiếc tàu ngầm này có thể làm gì về mặt quân sự và liệu chúng có giúp Australia an toàn hơn hay không. Trên cơ sở này, AUKUS là ưu đãi tốt nhất đối với nước Úc.
“AUKUS đã sẵn sàng và là quyết định đau đầu hơn bất kỳ dự án quốc phòng nào khác của Úc”.
Bằng cách có được những chiếc Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, Australia sẽ có thể tham gia vào “trò chơi răn đe” với một vị thế rất lớn vì nước này có thể đe dọa gây ra những hậu quả đau đớn cho những bên có ý định tấn công nước này. Chính phủ của các quốc gia không phải lúc nào cũng có thể nói điều đó một cách công khai. Các thông cáo khô khan của các bộ phận quan liêu thường che đậy mục đích và cách sử dụng năng lực quân sự trong thực tiễn, thay thế cho những uyển ngữ như “những thách thức chiến lược chưa từng có” và đưa ra những lời giải thích rõ ràng. Chỉ có sự bảo vệ toàn diện mới có thể xua tan những tuyên bố của các nhà phê bình AUKUS rằng dự án thiếu logic chiến lược và chưa được xác định rõ ràng.[1]
Dù vậy, đây vẫn là điều cần thiết để xây dựng và duy trì sự ủng hộ của công chúng. Theo Cuộc thăm dò của Viện Lowy năm 2024, gần 2/3 dân số Australia (65%) “phần nào” hoặc “mạnh mẽ” ủng hộ việc mua Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Những kết quả đáng khích lệ này đã lặp lại những năm về trước. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những bất mãn trong những sự ủng hộ đó. Một cuộc thăm dò của Guardian Essential cho thấy sự ủng hộ dành cho AUKUS giảm xuống mức thấp tới 40% với sự phản đối ngày càng tăng. Chỉ có 40% người Mỹ cũng đồng ý rằng Úc mua tàu ngầm hạt nhân là một ý tưởng hay. Những người trả lời ở Anh tỏ ra lạc quan hơn, với 64% tin rằng AUKUS làm cho Vương quốc Anh an toàn hơn nhưng lại bị chia rẽ theo những đường lối của các đảng phái với sự ủng hộ cao hơn của các cử tri bảo thủ. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở Úc: Các cử tri liên minh có nhiều khả năng ủng hộ AUKUS hơn cử tri Đảng Lao động. Ngoài ra còn có sự khác biệt thế hệ thể hiện rõ ràng. Chỉ một phần ba người Úc trong độ tuổi 18–34 nghĩ rằng đặt niềm tin vào AUKUS là một ý tưởng hay.[2]
“Kế hoạch này đòi hỏi phải có sự hợp tác lưỡng đảng từ ba nền dân chủ trong ba thập kỷ.”
Sự hỗ trợ chính trị lâu dài không thể được coi là điều hiển nhiên. Kế hoạch này đòi hỏi phải có sự hợp tác lưỡng đảng từ ba nền dân chủ trong ba thập kỷ. Vì vậy, nếu muốn khắc phục những rạn nứt trong dư luận hiện nay, những người ủng hộ AUKUS không thể tiếp tục thể hiện sự thiếu sự rõ ràng về mục đích cố hữu của sáng kiến này. AUKUS đã được thử nghiệm và là một chủ đề gây đau đầu nhiều hơn bất kỳ dự án quốc phòng nào khác của người Úc. Người dân Australia đang yêu cầu chỉ ra một mục đích rõ ràng của sáng kiến và họ xứng đáng có được điều đó. Họ cần được trấn an rằng AUKUS là một phản ứng hợp lý trước những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Báo cáo Đánh giá Chiến lược Quốc phòng (DSR) năm 2023 nhắn mạnh rằng “Việc xây dựng quân đội của Trung Quốc là mục tiêu lớn nhất và tham vọng nhất so với bất kỳ quốc gia nào kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai”. Hành động này diễn ra một cách “không minh bạch hoặc không có sự đảm bảo”, nó thách thức lợi ích của Australia ở Biển Đông và Thái Bình Dương.[3] Trung Quốc chi tiêu cho quốc phòng nhiều hơn 25 quốc gia lớn nhất còn lại trong khu vực cộng lại, họ đã tăng chi tiêu 75% trong 10 năm qua so với mức tăng trung bình 33% của các quốc gia đó. Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc và hơn một trăm quốc gia khác, nhưng việc xây dựng quân đội quy mô lớn và không rõ ràng của nước này là mối lo ngại an ninh lớn nhất của Úc và của các đối tác trong khu vực.
Trung Quốc trong lịch sử là một cường quốc lục địa. Lệnh tác chiến của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) bao gồm các tàu chiến, một số khinh hạm và tàu đổ bộ cũ của Mỹ khi nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông quyết định hiện đại hóa chúng với sự hỗ trợ của Liên Xô. Ông nói vào năm 1949: “Chúng ta sẽ không chỉ có quân đội hùng mạnh mà còn có lực lượng không quân vững mạnh và lực lượng hải quân hùng mạnh”.[4] Mao có trách nhiệm trong việc khuyến khích Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mở rộng vai trò phòng thủ ven biển truyền thống của mình vào năm 1975, truyền cảm hứng cho học thuyết “công kích tích cực” của lực lượng này.[5]
Trong nhiều thập kỷ, khi GDP của Trung Quốc tăng vọt từ 397 tỷ USD năm 1990 lên gần 15 nghìn tỷ USD vào năm 2020, gấp 11 lần nền kinh tế Australia. Tốc độ đóng tàu nhanh chóng của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã vượt qua Hải quân Mỹ về số lượng. Hiện lực lượng này được trang bị 370 tàu chiến, Hải quân nước này dự kiến sẽ tăng lên 440 tàu vào năm 2030, so với 294 tàu của Hải quân Mỹ. Trung Quốc hiện là nước đóng tàu lớn nhất trên Trái đất về số lượng, chiếm một nửa số tàu được đóng. Cứ bốn năm một lần, hải quân Trung Quốc bổ sung thêm 130 tàu, nhiều hơn 3 lần lực lượng Hải quân Hoàng gia Australia vào biên chế tác chiến. Trong khi đó, Hải quân Mỹ sẽ tăng thêm 75 tàu trong thập kỷ tới, với mục tiêu 355 tàu trong đó có 66 Tàu ngầm hạt nhân, giảm so với kế hoạch 600 tàu và 100 Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của chính quyền Reagan.[6]
Số lượng không phải là chỉ số duy nhất về sức mạnh chiến đấu. Mỹ vẫn đứng trên Trung Quốc về số lượng tàu sân bay, tàu khu trục và tàu ngầm hạt nhân như có thể thấy trong Bảng 1. Tuy nhiên số lượng tàu vẫn thể hiện một sức nặng nhất định.[7]
Bảng 1: Thứ tự sức mạnh của hải quân Trung Quốc, Mỹ và Úc |
||||
Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc năm 1995 | Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc năm 2024 | Hải quân Hoa Kỳ năm 2024 | Hải quân Hoàng gia Australia | |
Tàu sân bay | 0 | 3 | 11 (AĐ) | 0 |
Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBNs) | 1 | 6 | 14 (AĐ) | 0 |
Tàu ngầm tấn công mang vũ khí hạt nhân (SSNs) | 5 | 6 | 49 (AĐ) | 0 |
Tàu ngầm tấn công diesel-điện (SSKs) | 70+ | 47 (AĐ) | 0 | 0 |
Tàu ngầm mang tên lửa dẫn đường (SSGs) | 1 | 2 | 4 | 6 |
Tàu khu trục | 17 | 42 | 72 (AĐ) | 3 |
Tàu Tuần Dương | Không rõ | 8 | 22 (AĐ) | 0 |
Tàu hộ vệ | 35 | 47 (AĐ) | 0 | 8 |
Tàu hộ tống/Tàu chiến đấu ven biển | Không rõ | 50 (AĐ) | 25 | 0 |
Tàu đổ bộ tấn công (LHDs) | Không rõ | 3 | 8 (AĐ) | 2 |
Tàu tuần tra | Không rõ | 83 (+ 157 Tàu Tuần duyên) (AĐ) | 14 (+ 243 Tàu Tuần duyên) | 12 |
Tổng số tàu ngầm | 77+ | 59-72 (ước tính) (AĐ) | 67 | 6 |
Tổng số tàu | Không rõ | 370 (AĐ) | 294 | 43 |
Tổng trọng tải | Không rõ | 2 triệu tấn | 4.5 triệu tấn (AĐ) | Không rõ |
Số lượng hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng | Không rõ | 4.168 | 10.196 (AĐ) | 208 |
Tổng số nhân sự | Không rõ | 250.000 | 346.200 (AĐ) | 17.000 |
Chú thích:
– (AĐ): Thể hiện sự áp đảo về mặt số lượng
Kiểu so sánh này thiếu sót những khác biệt quan trọng về chất. Ví dụ, số tàu của Hải quân Mỹ đông hơn Trung Quốc về số lượng hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, đây là một hệ thống đại diện để xác định lượng hỏa lực mà một con tàu mang theo; Trung Quốc có 1.000 so với 9.000 cho Hải quân Hoa Kỳ (trong một cuộc tập trận, Hoa Kỳ đã bắn 5.000 tên lửa chống hạm trong bốn tuần đầu tiên ở Đông Á.[8] Hiện tại, Mỹ cũng duy trì được những lợi thế trong chiến tranh trên biển nhờ ưu thế về âm thanh và kỹ thuật của tàu thuyền.
“Với các tàu mặt nước lớn bị đe dọa bởi lớp vũ khí chống hạm dày đặc bao quanh lục địa Trung Quốc, cuộc cạnh tranh chiến lược đang diễn ra trên biển.”
Dù vậy, lợi thế này đang bị xói mòn. Với tên lửa diệt tàu sân bay DF-26 của Lực lượng Tên lửa Quân giải phóng Nhân Dân, việc nâng cấp lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc đã làm thay đổi chênh lệch cán cân trong cuộc chiến của các tàu nổi. Một nghiên cứu của tổ chức RAND đã chỉ ra các tàu ngầm Mỹ có thể tiêu diệt 40% lực lượng đổ bộ của Trung Quốc trong chiến dịch kéo dài 7 ngày nếu nước này tấn công nhằm thống nhất Đài Loan thì các nhóm tàu sân bay tấn công của Mỹ vẫn có thể phải đối mặt với tổn thất thảm khốc khi hoạt động trong phạm vi 2.000 km quanh hòn đảo này. Năm 1996, Hải Quân của Trung Quốc thậm chí không thể xác định được vị trí của hai tàu sân bay Mỹ hoạt động gần Đài Loan. Ngày nay, những con tàu này không còn có thể tiếp cận mà không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho quân nhân Mỹ.[9]
Với các tàu mặt nước lớn bị đe dọa bởi lớp vũ khí chống hạm dày đặc bao quanh lục địa Trung Hoa, cuộc cạnh tranh chiến lược đã diễn ra trên biển. Ban đầu, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc bị thu hẹp ngay cả khi lực lượng này trở nên tiên tiến và hiệu quả hơn. Hiện số lượng tàu ngầm lên tới 72 chiếc và dự kiến sẽ tăng lên 79 chiếc hoặc hơn vào năm 2030. Mỹ có khoảng 67 tàu ngầm, nhưng con số đó sẽ giảm xuống còn 46 chiếc vào năm 2030 trước khi đạt 69 chiếc vào năm 2053. Lịch trình đóng tàu, sản xuất 1,2 tàu ngầm mỗi năm thay vì hai chiếc như dự kiến và sẽ phải mất 5 năm để trở lại đúng như kế hoạch.[10]
Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng có lợi thế vì lực lượng tàu ngầm của họ tuy chỉ ngang bằng với Hải quân Hoa Kỳ về mặt số lượng nhưng lại tập trung 100% ở hai đại dương và tập trung quanh vùng biển ven bờ của Trung Quốc trong khi Mỹ vướng phải những cam kết về việc triển khai lực lượng trên toàn cầu. Khoảng 60% hạm đội của nước này, khoảng 49 tàu ngầm được triển khai tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và rất ít khi di dời, chỉ có 25 chiếc nằm dưới sự chỉ huy của Hạm đội Thái Bình Dương. Đồng thời, 37% Tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đang không hoạt động hoặc đang được bảo trì.[11] Với địa bàn hoạt động nhỏ hơn và đường tiếp tế ngắn hơn, Trung Quốc là lực lượng có lợi thế về việc tập trung lực lượng hơn trong thời bình.[12]
Bảng 2: Lực lượng Trung Quốc và Mỹ đóng tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương | ||
Trung Quốc | Hoa Kỳ | |
Số Máy bay | 4.519 (AĐ) | 1.100; tổng cộng 13.319 |
Số Máy bay chiến đấu | 1.943 (AĐ) | Ít hơn 1.100; tổng cộng 3.435 |
Số Máy bay ném bom chiến lược | 231 (AĐ) | Không rõ; tổng cộng 156 |
Số Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình | 2.200 (AĐ) | Không rõ ràng (đang chờ triển khai) |
Số lượng Tàu sân bay | 2 | 1 thuộc Hạm đội 7 (đóng tại Yokosuka, Nhật Bản); 4 thuộc Hạm đội 3 (đóng tại San Diego) (AĐ) |
Tổng số tàu | 370 (AĐ) | 200 |
Số Tàu khu trục và tàu tuần dương | 50 (AĐ) | 14-10 (11 có trụ sở tại Yokosuka, Nhật Bản, ngoài ra còn có 25 được bổ nhiệm định kỳ đến khu vực từ Hawaii hoặc San Diego) |
Số Tàu tấn công đổ bộ | 3 | 4 đóng ở trụ sở tại Sasebo, Nhật Bản (AĐ) |
Số Tàu ngầm | 59-72 (ước tính) (AĐ) | Ít nhất 15 chiếc được triển khai ở trong khu vực (10 chiếc ở Hawaii; 5 chiếc ở Guam); hơn 30 chiếc có thể triển khai từ San Diego; tổng số 49 chiếc đã cập cảng hoặc quá cảnh ở khu vực |
Số lượng vũ khí hạt nhân | 500; có thể là 1.500 vào năm 2035 (AĐ) | Có lẽ không có ở châu Á; 2.000 ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Guam, Okinawa, Đài Loan trong Chiến tranh Lạnh; Tổng cộng 5.400 |
Tổng số nhân lực | 2 triệu (AĐ) | 375.000 (bao gồm cả dân thường) |
Tổng chi phí | Tổng cộng 700 tỷ USD (AĐ) | Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hoa Kỳ (77 tỷ USD năm tài khóa 23-27); Tổng hải quân (255,8 tỷ USD); Tổng số Bộ Quốc phòng (842 tỷ USD). |
Chú thích:
(AĐ): thể hiện sự thống trị về số lượng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Một số người có thể cho rằng việc tập trung vào mối tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc là vô ích. Khu vực này lớn hơn hai gã khổng lồ quân sự rất nhiều. Điều này chỉ đúng một phần, khi trong số 400 tàu ngầm trên thế giới không phải của Mỹ, có 72 chiếc của Trung Quốc, 86 chiếc của Triều Tiên và 58 chiếc của Nga. Đó là tổng cộng 216 chiếc; 166 được trển khai ở gần Australia.[13] So sánh con số đó với 49 tàu ngầm của Mỹ trong khu vực, cùng với 22 tàu của Nhật Bản, 19 của Hàn Quốc và 6 tàu của Australia với tổng số 96 chiếc. Đó là sự khác biệt 53%, cán cân quân sự ngày càng mất cân bằng.
Tại sao việc nước nào có nhiều tàu ngầm hơn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lại quan trọng đối với Australia? Liệu Bondi có thực sự được bảo vệ từ xa, nơi vùng nước âm u cách Australia hàng nghìn km về phía bắc? Và ngay cả khi Australia tham gia, liệu đóng góp của nước này vào sự cân bằng số lượng tàu ngầm về cơ bản có phải chỉ là một nỗ lực “ném tăm vào núi”? Trích dẫn đánh giá của Paul Keating về AUKUS.[14]
Sự gắn kết của AUKUS như là một kế hoạch phụ thuộc phần lớn vào câu trả lời cho những câu hỏi này.
Cán cân quyền lực trên biển có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Australia vì nó là một chức năng của cán cân quân sự tổng thể, tạo điều kiện rất lớn cho quyền tự do hành động của Australia theo nhiều cách dù là nhiều hay ít. Hãy lấy một trường hợp mà người người Úc có thể tự hào một cách chính đáng: sự can thiệp của ADF vào Timor-Leste năm 1999 để hỗ trợ quá trình giành độc lập. Việc chuyển quân trong một khoảng cách ngắn từ Darwin không phải là không có nguy hiểm, thế nhưng mối đe dọa từ tàu ngầm còn đỡ nguy hiểm hơn nhiều so với hiện nay. Một câu hỏi mở là liệu, trong một cuộc khủng hoảng tương tự, ADF có thể một lần nữa mạo hiểm đưa một nghìn binh sĩ lên HMAS Canberra mà không có sự hộ tống đầy đủ của tàu ngầm hay không, mục tiêu đó sẽ là một trong những mục tiêu được ưu tiên.
Nếu như Lực lượng phòng vệ Australia tỏ ra không thể hoạt động gần “sân nhà” hiệu quả như đã làm ở Timor-Leste hoặc trong lần Phái đoàn Hỗ trợ Khu vực tới Quần đảo Solomon năm 2003 cũng như nếu không có nguy cơ thực sự về việc các tàu vận tải của họ bị đánh chìm thì có thể rằng Hải quân Hoàng gia Australia sẽ bị bao vây ở vùng đất rộng lớn của chính nước này trước những mối đe dọa từ tàu ngầm một lần nữa. Điều này có thể đảm bảo hòa bình trong khu vực một cách chắc chắn hơn. Hoặc đối với vấn đề đó, hãy nghĩ về việc bảo vệ các mục tiêu có vẻ “trừu tượng hơn”, chẳng hạn như đảm bảo các tuyến đường liên lạc trên biển của Australia, thực thi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc hoặc đi qua một điểm nghẽn do tàu ngầm đối phương rình rập ở Đông Nam Á quần đảo để hỗ trợ những đồng minh đang gặp khó khăn.
“Sự cân bằng trên biển là một trong những nhân tố quyết định tâm lý của người Australia.”
Quyền tự do đi lại của Australia sẽ là nạn nhân đầu tiên của chiến tranh tàu ngầm không hạn chế, như đã xảy ra ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu chỉ nghĩ đến mối đe dọa này dưới góc độ thiệt hại mà nó có thể gây ra cho hải quân Australia khi chiến tranh thật sự nổ ra. Ở một khía cạnh nào đó, rủi ro lớn hơn là mối đe dọa ta ngầm giả định này sẽ ngăn cản Australia hiện nay thậm chí phải cân nhắc các loại hành động mà nước này cho là có lợi cho quốc gia của mình, chẳng hạn như sứ mệnh của Lực lượng Quốc tế Đông Timor. Sự cân bằng trên biển sẽ quyết định phần nào tâm lý của người Úc, quyết định rằng họ sẽ có một tâm lý nặng nề hay thoải mái.
Trong một cuộc chiến nếu xảy ra trong khu vực, cán cân sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho Mỹ khi lực lượng của nước này tràn vào các khu vực lân cận của Australia từ khắp nơi trên thế giới từ các bộ chỉ huy chiến đấu khác trong và ngoài lục địa Châu Mỹ trong vài ngày. Kể từ năm 1917, không một quốc gia hay nhóm vũ trang nào có thể chống chọi lại được sức mạnh quân sự và công nghiệp tổng hợp của Mỹ khi nước này có thể tập trung lực lượng vào một điểm trên bản đồ vào thời điểm quyết định. Mỹ cũng sẽ chiếm ưu thế trong tình huống bất ngờ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong những điều kiện đó. Sau khi học được bài học này, kẻ xâm phạm sẽ cảm thấy cần phải ngăn chặn Mỹ triển khai lực lượng trên lãnh thổ của mình hoặc đồng minh của họ ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, Guam và Trân Châu Cảng. Kẻ thù của Mỹ có thể sẽ ra lệnh cho các tàu ngầm của mình cố gắng ngăn chặn sức mạnh biển của Mỹ có cơ hội được tập trung và hoạt động hiệu quả.
Do đó, điều quan trọng là sự cân bằng tàu ngầm cũng có thể hạn chế khả năng của Mỹ triển khai sức mạnh trên khắp Thái Bình Dương để chống lại một cuộc tấn công vào Australia. Không có gì để nghi ngờ về cam kết sắt đá của Mỹ đối với việc bảo vệ Australia và ngược lại, Australia đã chứng minh bằng cách viện dẫn Hiệp ước ANZUS lần đầu tiên và duy nhất sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9. Tuy nhiên, một lực lượng tàu ngầm thù địch có thể tìm cách làm chậm lại hoặc ngăn chặn các lực lượng của Mỹ tiếp viện kịp thời cho Australia. Nếu Mỹ bị trói buộc phải chiến đấu thật sự đột phá để tới được Australia, hoặc bị kìm chân ở nơi khác trong một cuộc chiến rộng lớn hơn, Lực lượng phòng vệ Australia có thể sẽ có rất ít lựa chọn ngoài việc thực hiện các hoạt động của mình một cách độc lập trong khoảng thời gian vài tháng hoặc lâu hơn trong khi chờ sự giúp đỡ đến từ Hoa Kỳ.[15] Trong một kịch bản khác, chính những chiếc tàu ngầm này có thể sẽ phong tỏa Australia để ngăn cản nước này hỗ trợ Mỹ.
Do đó, dựa trên thực tế, việc phòng vệ của Australia thực sự bắt đầu từ các quần đảo ở phía bắc nước này và các đảo ở phía đông. Quyền tự do mà tất cả người Australia coi là hiển nhiên hoàn toàn phụ thuộc vào quyền tự do của nhà nước Australia, được xác định bởi cân bằng quyền lực ngày càng trở nên bất lợi hơn đối với lợi ích của nước này sau từng năm. Đó là lý do tại sao quyền tự do hàng hải đối với hoạt động thương mại, tàu thuyền và con người của Australia không phải là một quyền có thể được thỏa hiệp một cách an toàn mà không làm thay đổi cuộc sống theo hướng tệ hơn đối với tất cả người dân Australia.
Mặc dù Australia không thể đặt toàn bộ trách nhiệm lên những chiếc tàu ngầm trong việc duy trì các quyền tự do này, nhưng tàu ngầm có vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo chúng như một công cụ răn đe tối ưu, một chiến lược cốt lõi của AUKUS.
Vai trò của AUKUS trong chiến lược răn đe của Australia
Được nâng lên thành một ngành khoa học quân sự trong Chiến tranh Lạnh, răn đe là một nhiệm vụ tương đối mới đối với Lực lượng phòng vệ Úc. Theo truyền thống, ngoài vai trò là một phần của các hoạt động của liên minh, các lực lượng vũ trang của Úc gặp khó khăn về số lượng, tầm bắn, khả năng gây sát thương và khả năng triển khai lực lượng để ngăn chặn một sức mạnh quân sự đáng kể. Tuy nhiên, Chiến lược Quốc phòng đã khuyến nghị giao cho Lực lượng phòng vệ nước này vai trò răn đe mà không chỉ rõ “mức độ đe dọa cao hơn” cần ngăn chặn.[16]
Thomas C. Schelling, một trong những nhà tư tưởng hàng đầu về răn đe, đã định nghĩa nó trong Vũ khí và Ảnh hưởng là “về ý định, tức không chỉ ước tính ý định của kẻ thù mà còn gây ảnh hưởng đến tâm lý chúng”, ông gọi đây là “phần khó nhất”.[17] Đối với Schelling, răn đe là tiềm lực vũ trang của phe ta và thông điệp của nó là tín hiệu chiến lược được gửi đi bởi chính tiền lực đó mà đối thủ phải giải thích chính xác để răn đe phát huy tác dụng.
Việc đưa ra một tuyên bố đáng tin cậy “nếu x thì y” với hy vọng rằng việc đe dọa x đảm bảo y sẽ không bao giờ phải thực hiện hành động nào, là bản chất của sự răn đe. Việc Washington triển khai hai nhóm tàu sân bay đến Đông Địa Trung Hải vào cuối năm 2023 là một thông điệp răn đe mang tính giáo khoa đối với bất kỳ tác nhân bên ngoài nào dự tính can thiệp vào cuộc chiến Israel-Hamas: “Đừng…, nếu không thì…”. Một biện pháp răn đe là cây gậy lớn của Tổng thống Teddy Roosevelt, “nắm đấm sắt trong chiếc găng tay bằng nhung” là lời đe dọa ngầm được viết bằng mực tàng hình trong công hàm của Bộ Ngoại giao kêu gọi đối phương kiềm chế.
Răn đe chủ yếu là một hành động tâm lý, là những nỗ lực thuyết phục bằng nòng súng. Để thành công, chính sách tuyên bố của Australia phải được điều chỉnh một cách tinh vi để phản ánh ý chí và khả năng chiến đấu của nước này, vạch ra chính xác những hành vi mà nước này đang cố gắng ngăn chặn; chẳng hạn như là một chiến dịch chiếm đất theo chủ nghĩa bành trướng ở Đông Nam Á. Đồng thời, lịch sử cũng như một lời cảnh tỉnh, các thông điệp răn đe phải luôn được hỗ trợ bởi những nhân tố có khả năng đe dọa hiệu quả.
Australia nên thận trọng kiềm chế không đưa ra những lời đe dọa rỗng tuếch mà nước này không có đủ can đảm và năng lực để làm, kẻo điều đó sẽ làm mất đi độ tin cậy của các nhân tố răn đe và làm mất tiếng nói trong tương lai của đất nước như Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã làm vào ngày 31/3/1939 khi ông bị ám ảnh bởi những “bóng ma” của Tiệp Khắc và Áo, ông đã chỉ ra điều mà Hitler hiểu là một lời thề trong cơn hoảng loạn và không thể thực hiện được để bảo vệ Ba Lan. “Không hề ngăn cản được nhà độc tài”, lời nói của Chamberlain còn là “nhân tố thúc đẩy” cuộc xâm lược của ông ta.[18] Đức Quốc xã đã không thèm quan tâm với các tín hiệu răn đe của Anh và Pháp không phải vì Đức không thể răn đe, mà vì Hitler đã bác bỏ luôn những mối đe dọa về một cuộc tấn công của đồng minh qua Phòng tuyến Siegfried hoặc Bỉ và coi chúng như một trò lừa bịp trẻ con.
Điều này có nghĩa là một mối đe dọa “không được công nhận” và chỉ có tác dụng quảng cáo sự bịp bợm của chính nó. Do đó, nếu truyền đạt kém về một mối đe dọa có thể gây ra sự hiểu lầm nguy hiểm, ngay cả khi nó được hỗ trợ bởi năng lực và ý định thực sự. Tác phẩm lịch sử của Thucydides viết về Chiến tranh Peloponnesia thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên đưa ra một ví dụ kinh điển về việc sự thất bại trong răn đe đã dẫn đến một trong những cuộc chiến thảm khốc nhất thời cổ đại như thế nào. Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, một tối hậu thư mơ hồ của Spartan đã đánh giá thấp một cách nghiêm trọng ý chí không thể lay chuyển của kẻ thống trị lục địa trong việc tiến hành chiến tranh. Lời đe dọa tham chiến đáng tin cậy của vua Spartan Archidamus II đã bị cắt xén một cách bi thảm và bị hiểu lầm như một lời khẳng định rằng người Sparta quá yếu để tham gia một cuộc hải chiến, khiến thủ lĩnh Athen Pericles đánh giá thấp quyết tâm của đối thủ.[19] Trên thực tế, người Sparta đã tham chiến và giành chiến thắng với việc hủy diệt hạm đội Athen.
Ngay cả họ tìm cách thay đổi tâm lý của đối thủ để gia tăng khả năng thành công, hành động răn đe cao độ cũng không được cố ý kích động xung đột. Schelling giải thích:
Răn đe tức là việc chuẩn bị sẵn sàng, trước hết là thông báo, đó là hành động “đặt dây bẫy”, sau đó chờ đợi. Về động thái sau đó thì còn tùy thuộc vào đối thủ. Giai đoạn “đặt bẫy” thường sẽ không xâm phạm, không gây thù địch và không khiêu khích… sức nặng của hành động răn đe sẽ chỉ có được khi nó được đối thủ cân nhắc.[20]
Vì Australia thiếu đi khả năng quân sự so với Mỹ và khả năng triển khai chúng trên khắp các đại dương, nên ngôn ngữ răn đe của Canberra sẽ thiếu đi sự hiệu quả cộng hưởng của thực tiễn thời Chiến tranh Lạnh. Điều này có nghĩa là các “lằn ranh đỏ” mà Australia vạch ra và việc đề phòng các mối đe dọa răn đe sẽ phải được xác định cực kỳ thận trọng. Xây dựng một lực lượng răn đe độc lập của Australia sẽ là một biện pháp nỗ lực khẳng định chủ quyền tách biệt với các biện pháp răn đe chung quan trọng với Mỹ, điều này sẽ đòi hỏi Canberra phải tỉnh táo và kỷ luật hơn bao giờ hết trong việc ưu tiên chiến lược quân sự cho đất nước.
Các nhà phê bình đưa ra quan điểm rằng một cuộc thảo luận có ý nghĩa về cách thức hoạt động của chiến lược răn đe của Australia cần phải được nêu rõ chính xác rằng ai đó đang bị ngăn cản làm gì. Trong một sở chỉ huy tác chiến, những người lập kế hoạch phòng thủ cần có ý tưởng rất rõ ràng về việc kẻ thù là ai, chúng có suy nghĩ như thế nào và phải làm những gì để ngăn cản chúng. Tuy nhiên, phân tích chiến lược để cung cấp thông tin về việc tận dụng các tiềm lực không đơn giản như vậy. Tập trung quá nhiều vào một tình huống bất ngờ có thể khiến người lập kế hoạch không thể nhận ra sự bất ngờ mang tính chiến lược.
Với thời gian dài để triển khai “dự án AUKUS”, học thuyết răn đe của Australia không thể tạo ra mối đe dọa cố định và liên thế hệ như các nhà hoạch định Mỹ có thể làm từ thời Bức điện dài của George Kennan năm 1946 cho đến khi Bức tường Berlin sụp đổ. Các nhà lãnh đạo đến và đi, các nền kinh tế phất lên rồi phá sản, Các chính phủ thường sẽ thăng trầm, căng thẳng chiến lược lúc tăng lúc giảm. Vào thời điểm Australia vận hành toàn bộ hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, việc triển khai lực lượng này lần đầu tiên trong thời chiến có thể nằm trong hoàn cảnh hoàn toàn không thể lường trước xa được như ngày nay.
Đó là lý do tại sao những người chỉ trích AUKUS đã mắc bẫy các nhà tuyên truyền nước ngoài khi họ cho rằng nó nhắm vào một quốc gia cụ thể, gọi là “Musoria”. Điều này giống như tôi giả định rằng binh lính Australia chiến đấu với kẻ thù hư cấu đó để trả lời cho một trường hợp bất ngờ nào đó. Nói một cách đơn giản thì không phải là như vậy, tàu ngầm hạt nhân là khả năng “bất khả tri” của các quốc gia, có thể ứng phó với nhiều tình huống bất ngờ khác nhau, từ chiến tranh giữa các cường quốc đến các mối đe dọa vùng xám đầy tinh vi. Australia không có kẻ thù cố định, chỉ có lợi ích vĩnh viễn. Trong khi kế hoạch quân sự phải chi tiết và cụ thể cho từng kẻ thù thì chiến lược răn đe tổng thể cần có sự linh hoạt để thích ứng với nhiều đối tượng.
Chiến lược Quốc phòng đã phác thảo những đường nét của một chiến lược như vậy. Và trong mỗi kịch bản nó đặt ra, tàu ngầm chiếm ưu thế tối cao. Khi được bảo trì hiệu quả và có thủy thủ đoàn phù hợp, tàu ngầm là cỗ máy răn đe tối ưu có thể hoàn thành các nhiệm vụ được đặt ra trong chiến lược. Hoạt động mà không bị phát hiện trên biển trong thời gian dài và khiến các mục tiêu ở xa gặp nguy hiểm, chúng có thể tấn công trước hoặc trả đũa, khiến chúng trở thành vũ khí bất đối xứng lý tưởng. Giống như súng cao su của David, tàu ngầm là “vũ khí được kẻ yếu lựa chọn để răn đe kẻ mạnh”.[21] Ta cũng có thể só sánh với nỏ cơ học vốn vượt trội hơn súng cao su, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể vươn xa hơn và tấn công mạnh hơn thuyền thông thường.
“Tàu ngầm hạt nhân tạo ra một năng lực mà không phụ thuộc vào quốc gia nào. Nó có thể ứng phó với nhiều tình huống bất ngờ khác nhau, từ chiến tranh giữa các cường quốc đến các mối đe dọa vùng xám nguy hiểm”.
Ngoại trừ vùng Biển nông Arafura, khoảng trống trên không và trên biển xung quanh lục địa Australia là thiên đường của các chỉ huy tàu ngầm, mang lại lợi thế tự nhiên để ngăn chặn việc đổ bộ lên lãnh thổ Australia. Trong kịch bản đó, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia sẽ làm thất bại kế hoạch tác chiến của đối phương.
Trong giai đoạn lập kế hoạch, tàu ngầm hạt nhân của Australia sẽ gây ra sự bất ổn trong nội bộ chiến tranh của đối phương và trong các chỉ huy chiến thuật của họ. Họ có thể ở bất cứ đâu khi một nhóm hành động trên đường tới Australia. Những chiếc tàu ngầm có thể ẩn nấp bên ngoài eo biển Sunda, Lombok và Ombai, nơi các tàu và tàu ngầm của đối phương cần phải đi qua hoặc tuần tra vùng nước sâu hơn ở phía bắc hay sẵn sàng tấn công từ bất cứ đâu, thậm chí từ phía sau. Đúng là số lượng ít tàu ngầm có thể triển khai của Australia không thể có mặt ở mọi nơi cùng một lúc trong một khu vực hoạt động rộng lớn như vậy. Tuy nhiên, khi phải đối mặt với một cuộc tấn công có sức tàn phá tiềm tàng nhằm vào tài sản có giá trị cao, tất cả trừ kẻ xâm lược mạo hiểm nhất có thể phải tạm dừng để suy nghĩ. Đây chính là mục đích của AUKUS.
Nếu một hạm đội địch không nản lòng mà vẫn dàn quân ở các hướng tiếp cận phía bắc của Australia để xâm lược hoặc tấn công đường dài vào đất liền, hạm đội gồm 8 tàu ngầm hạt nhân của Australia, ít nhất hai trong số đó sẽ có mặt bất cứ lúc nào và sẽ tập trung vào việc săn lùng các tàu ngầm đó cũng như các tàu nổi trên mặt nước. Trong một trò chơi chiến tranh mô phỏng một cuộc tấn công đổ bộ tương tự, 50 tàu ngầm Mỹ đã tiêu diệt 64 tàu địch. Kẻ tấn công đã mất 90% đội tàu vận tải trong cuộc chiến cường với độ cao.[22] Chỉ với hai chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, chi phí mà Australia phải trả sẽ thấp hơn nhiều. Nhưng ngay cả khi tính đến thời gian vận chuyển đến cảng Australia gần nhất để nạp đạn, tầu ngầm hạt nhân của nước này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho lực lượng nào có ý định xâm phạm nếu Australia đặt các mục tiêu có giá trị cao nhất của đối phương lên hàng ưu tiên danh sách mục tiêu.
Vai trò thứ hai mà tàu ngầm có được là niềm tự hào nằm ở cái mà Chiến lược Quốc phòng gọi là “răn đe bằng cách từ chối”. Điều đó có nghĩa là không chỉ làm nản lòng khả năng khuất phục Australia của kẻ thù thông qua cuộc xâm lược hoàn toàn, mà còn chống lại khả năng của kẻ thù trong việc thách thức Australia thay đổi chính sách của mình bằng mối đe dọa tấn công từ ngoài phạm vi phòng thủ của Australia. Đây là một kịch bản có nhiều khả năng xảy ra hơn là chiến dịch xâm phạm hoàn toàn và tàu ngầm là một công cụ quan trọng để đảm bảo rằng điều đó không bao giờ xảy ra.
Nhưng chúng không phải là giải pháp duy nhất. Trên đất liền, tên lửa được bắn từ các bệ phóng của Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) có phạm vi tấn công lên tới 500 km. Trên không, tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) và tên lửa không đối đất chung – tầm xa (JASSM-ER) sẽ tiếp cận các mục tiêu ở khoảng cách lần lượt là 500 km và 1000 km (phóng từ F-35A với tầm chiến đấu 2200 km). Trên biển, Tên lửa công kích hải quân (có tầm bắn 185 km) và tên lửa hành trình Tomahawk (1500 km) được trang bị trên 6 tàu khu trục lớp Anzac và 3 tàu khu trục lớp Hobart sẽ mở rộng khả năng tấn công trên biển và trên bộ của Lực lượng phòng vệ Australia. Tầm hoạt động đáng gờm của tàu ngầm hạt nhân sẽ tiếp tục củng cố khả năng phòng thủ của nước này.
Cùng với nhau, các hệ thống này có thể mang lại cho đối thủ suy nghĩ chắc chắn rằng Australia có đủ phương tiện để tiêu diệt các bệ phóng của họ trên đường băng, máy bay ném bom đang bay và tàu trên biển. Nếu không những điều kiện kể trên, nước Úc sẽ bất lực trong việc tác động đến tính toán chiến lược của đối thủ, đồng thời làm “con tin” cho những ý tưởng bất chợt của một số “Pericles” ngày sau.
Nếu người Australia thức tỉnh và nhận ra một thế lực thù địch có thể làm được những điều chưa từng xảy ra kể từ khi Nhật Bản thống trị phần lớn khu vực, đe dọa cô lập Australia về mặt chiến lược bằng một hoặc nhiều căn cứ, Canberra sẽ có rất ít lựa chọn. Việc tấn công phủ đầu một căn cứ quân sự trong thời bình sẽ có nguy cơ khiến Australia trông giống như một kẻ xâm lược. Tuy nhiên, nếu một căn cứ như vậy gây ra mối đe dọa đối với Australia trong thời chiến, những chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc tấn công bằng tên lửa Tomahawk hoặc thâm nhập vào các lực lượng đặc biệt để đột kích căn cứ kẻ địch.
Mặc dù về mặt lý thuyết, tàu ngầm hạt nhân của Australia có thể tiếp cận vùng đất của đối thủ nhưng nước này không cần phải tiến hành các cuộc tấn công như vậy để ngăn chặn chúng nhắm vào Australia. Mục tiêu của Australia sẽ là các lực lượng địch được bố trí tấn công dọc theo các quần đảo và đảo nằm rải rác xung quanh vùng đất liền của Úc ở phía bắc và phía đông, mỗi nơi đó có thể là bệ phóng tiềm năng cho mục đích của những kẻ xâm phạm. Mặc dù tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Australia có thể ngăn chặn lực lượng địch tại cảng, ngăn cản việc tiến lên phía thượng nguồn, đảm bảo của Chamberlain đã nhắc nhở: đây không phải là mối đe dọa mà Australia có thể đưa ra nếu không chắc chắn rằng mình sẽ thực hiện nó.
Các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sẽ cực kỳ hữu ích trong cơn ác mộng thứ ba đã ám ảnh nhiều thế hệ các nhà hoạch định quốc phòng Australia, đó là một cường quốc hải quân thù địch đang tìm cách đóng cửa các tuyến đường liên lạc trên biển (SLOC) của Australia để tạo ra áp lực đối với nước này.
Cách thô bạo nhất nhưng tàn khốc nhất để kẻ thù đạt được mục tiêu đó là thông qua việc phong tỏa đường vận chuyển tàu chở dầu thương mại từ các cảng của Australia đến các cảng trong khu vực. Một cuộc phong tỏa có thể được áp đặt bởi các tàu tuần duyên và được hỗ trợ bởi các tàu chiến và tàu ngầm nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Lực lượng phòng vệ Australia và có thể bao gồm việc khai thác các cảng của nước này. Các cuộc phong tỏa hải quân đã góp phần vào việc thành công đánh bại Napoléon năm 1815. Đức và Nhật Bản vào năm 1945 cũng đã thực hiện những hành động xâm phạm huyết mạch kinh tế của Australia.[23] Tàu ngầm hạt nhân của nước Úc có thể được giao nhiệm vụ bảo vệ các tàu dân sự tiến hành phong tỏa hoặc nhắm mục tiêu vào các tàu ngầm và tàu chiến đang thực thi phong tỏa. Trong thời bình, các cuộc tuần tra tàu ngầm hạt nhân tầm xa thể hiện khả năng của Australia trong việc đánh bại một cuộc phong tỏa là biện pháp ngăn chặn chắc chắn nhất đối với một cuộc phong tỏa.
“Làm thế nào để củng cố chính xác một bên trong cán cân quyền lực, trong đó một bên chỉ được chứng minh chính xác trong chiến tranh chính là vấn đề trọng tâm của răn đe.”
Kịch bản thứ tư trong đó tàu ngầm có tầm quan trọng tối cao là củng cố cán cân quyền lực nhằm duy trì hòa bình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương một mục tiêu rõ ràng trong chính sách đối ngoại của Australia.
Australia cam kết ngăn chặn khu vực rơi vào sự thống trị của một cường quốc bá quyền hoặc sự cai trị cưỡng bức bằng cách góp phần vào một liên minh với Hoa Kỳ là một bên tham gia không thể thiếu để chống lại các nỗ lực nhằm hình thành một trật tự khu vực đi ngược lại các giá trị và lợi ích của nước này. Đó chính là ý nghĩa của Chiến lược Quốc phòng khi tuyên bố rằng “Việc bảo vệ Australia sẽ được đặt trong an ninh tập thể của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.[24] Đây là một thông điệp răn đe nổi bật thường gắn liền với các liên minh như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương.
Làm thế nào để củng cố chính xác một bên trong cán cân quyền lực, khi một bên chỉ có thể được chứng minh rõ ràng trong chiến tranh là vấn đề trọng tâm của khả năng răn đe. Đóng góp của Australia vào sự cân bằng khu vực nên nhằm mục đích ngăn chặn kẻ thù khỏi hành động đơn phương nếu có, chẳng hạn như xâm chiếm một nước láng giềng yếu hơn. Để đạt được mục tiêu đó, các tàu hộ tống tàu ngầm hạt nhân của nhóm đặc nhiệm Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) và các cuộc tuần tra tàu ngầm cùng các đối tác có thể báo hiệu sự sẵn sàng theo quyết định của chính phủ có chủ quyền, để hỗ trợ một đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương chống lại sự xâm lược vô cớ, ngăn chặn chiến tranh bằng cách đe dọa bằng cách chỉ ra những hậu quả rõ ràng của nó nếu xảy ra, giống như Úc hy vọng về một phản ứng tập thể trong khu vực nếu nước này bị tấn công.
Tàu ngầm hạt nhân cũng góp phần ngăn chặn theo cách bớt hung hăng và gián tiếp hơn chẳng hạn như hỗ trợ luật biển, nền tảng cho khả năng của Australia trong việc thực hiện các nhiệm vụ răn đe và thời chiến. Việc tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định về quyền đi lại vô hại và quá cảnh sẽ cho phép các tàu AUKUS đi qua Indonesia, Papua New Guinea và Philippines với sự tự tin rằng họ đang hành động hợp pháp. Để khẳng định quyền này, Australia đã thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, bao gồm cả các chuyến bay AP-3C Orion của Không quân Hoàng gia Úc (RAAF). HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success đều thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông vào tháng 4 năm 2018, cùng với các tàu khác của Hải quân hoàng gia đã đi xa tới eo biển Đài Loan vào năm 2001, cả hai lần đều bị các tàu của Hải quân Quân đội giải phóng Nhân dân thách thức.[25] Các tàu ngầm hạt nhân của Úc sẽ có khả năng thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải một cách độc lập hoặc cùng với các tàu chiến…
Còn tiếp…
Biên dịch: Duy Hưng
Tác giả: Luke Gosling là thành viên của Ủy ban Liên hợp Quốc hội về Tình báo và An ninh, Chủ tịch Ủy ban Thường trực về Phát triển Khu vực, Cơ sở hạ tầng và Giao thông, đồng chủ tịch của các nhóm hữu nghị quốc hội cho Mỹ và AUKUS. Ông từng có thời gian 13 năm phục vụ trong Lực lượng Phòng vệ Australia, từng ở các đơn vị nhảy dù và biệt kích.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Hugh White, “Fatal Shores: Why AUKUS is a Grave Mistake”, in “Dead in the Water: The AUKUS Delusion”, Australian Foreign Affairs, Issue 20, February 2024: 23.
[2] Sophia Gaston, “AUKUS and China: Survey of British Public Opinion”, Opinium: Policy Exchange, March 2023, https://policyexchange.org.uk/wp-content/uploads/2023/03/AUKUS-China-March-2023-Sophia-Gaston-and-Opinium.pdf; Jared Mondschein, Victoria Cooper, Samuel Garrett, and Ava Kalinauskas, One Year from the 2024 US Presidential Election: The Stakes for Australia and the Alliance, Report, (United States Studies Centre, 1 November 2023), https://www.ussc.edu.au/one-year-from-the-2024-us-presidential-election-the-stakes-for-australia-and-the-alliance; Paul Karp, “Guardian Essential Poll: Support for AUKUS and Indigenous Voice Declines”, The Guardian, 21 March 2023, https://www.theguardian.com/australia-news/2023/mar/21/guardian-essential-poll-support-for-aukus-and-indigenous-voice-declines; Ryan Neelam, “Lowy Institute Poll 2024: Acquiring Nuclear-Powered Submarines”, Lowy Institute, 3 June 2024, https://poll.lowyinstitute.org/charts/acquiring-nuclear-powered-submarines/; Jared Mondschein and Victoria Cooper, US Midterms 2022: The Stakes for Australia and the Alliance, Report, (United States Studies Centre, 26 October 2022), https://www.ussc.edu.au/us-midterms-2022-the-stakes-for-australia-and-the-alliance; Ava Kalinauskas and Samuel Garrett, “New Poll Shows Young Australians are Wary of Both AUKUS and the US — and Want More Action on Climate Instead”, United States Studies Centre, 1 November 2023, https://www.ussc.edu.au/new-poll-shows-young-australians-are-wary-of-both-aukus-and-the-us-and-want-more-action-on-climate-instead.
[3] Australian Government, Department of Defence, National Defence: Defence Strategic Review 2023: 23,
[4] Christopher D. Yung, “People’s War at Sea: Chinese Naval Power in the Twenty-First Century”, Center for Naval Analyses, CRM 95-214, March 1996: 11; Mao Zedong, “Opening Address at the First Plenary Session of the Chinese People’s Political Consultative Conference (September 21, 1949)”
[5] Alexander Chieh-cheng Huang, “The Chinese Navy’s Offshore Active Defense Strategy: Conceptualization and Implications”, Naval War College Review, Vol. 47, No. 3 (SUMMER 1994): 16; Office of the Secretary of Defense, Annual Report to Congress: Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China 2019 (Washington, DC: 2019); Maj Timothy A. Ornelas, “China’s Active Defense Military Strategy”, Marine Corps Gazette, October 2021: 57; Jennifer Rice and Erik Robb, “The Origins of ‘Near Seas Defense and Far Seas Protection’”, China Maritime Studies Institute, U.S. Naval War College, China Maritime Report No. 13 (February 2021); Huang, “The Chinese Navy’s Offshore Active Defense Strategy”, 17; Capt. Scott J. Tosi, “Xi Jinping’s PLA Reforms and Redefining ‘Active Defense’”, Military Review, September–October 2023: 87–101.
[6] Gabriel Honrada, “US Navy Shipbuilding Too Little, Too Late to Catch China”, Asia Times, 18 May 2023, https://asiatimes.com/2023/05/us-navy-shipbuilding-too-little-too-late-to-catch-china/; Kirsty Needham, “Fiji PM: China Likely to Collaborate on Key Port, Shipyard Project”, Reuters, 22 November 2023, https://www.reuters.com/world/asia-pacific/fiji-pm-china-likely-collaborate-key-port-shipyard-project-2023-11-22; Brad Lendon, “Expert’s Warning to US Navy on China: Bigger Fleet Almost Always Wins”, CNN, 17 January 2023, https://edition.cnn.com/2023/01/16/asia/china-navy-fleet-size-history-victory-intl-hnk-ml/index.html; A. Wess Mitchell, “America Is a Heartbeat Away From a War It Could Lose”, Foreign Policy, 16 November 2023
[7] Carl Von Clausewitz, On War, transl. Michael Howard and Peter Paret (Princeton: Princeton University Press, 1976), 177–204.
[8] Greg Austin, “The US Navy is Still More Powerful than China’s: More So than the Australian Government is Letting On”, The Conversation, 18 August 2023
[9] Eric Heginbotham, Michael Nixon, Forrest E. Morgan, Jacob L. Heim, Jeff Hagen, Sheng Tao Li, Jeffrey Engstrom, Martin C. Libicki, Paul DeLuca, David A. Shlapak, et al., Chinese Threats to U.S. Surface Ships: An Assessment of Relative Capabilities, 1996–2017, RAND, 14 September 2015, https://www.rand.org/pubs/research_briefs/RB9858z4.html; and RAND, An Interactive Look at the U.S.–China Military Scorecard
[10] Heginbotham et al, Chinese Threats to U.S. Surface Ships, RAND; and RAND, An Interactive Look at the U.S.-China Military Scorecard; H. I. Sutton, “China’s Submarine Lead In Asia Could Grow By 2030”, Forbes, 3 March 2020, https://www.forbes.com/sites/hisutton/2020/03/03/asian-submarine-forces-forecast-for-2030/?sh=467e156c1548; Sam LaGrone, “Navy Estimates 5 More Years for Virginia Attack Sub Production to Hit 2 Boats a Year”, USNI News, 31 March 2023
[11] CRS, Navy Virginia-Class Submarine Program and AUKUS Submarine Proposal, 5.
[12] Eric Cheung, Will Ripley, and John Mees, “In the Dark Depths of the Pacific, US Submarines Patrol with an Eye Fixed Firmly on China”, CNN, 6 April 2023
[13] “Statement of Admiral Philip S. Davidson, U.S. Navy Commander, Indo-Pacific Command, Before the House Armed Services Committee on U.S. Indo-Pacific Command Posture”, 27 March 2019, 14
[14] Daniel Hurst, “’Throwing Toothpicks at the Mountain’: Paul Keating Says AUKUS Submarines Plan will have No Impact on China”, The Guardian, 10 November 2021
[15] David Kilcullen, “Wake-Up Call: Pacific Islands are Potential Missile Launch Pads”, Australian Foreign Affairs, Issue 17, February 2023
[16] Defence Strategic Review 2023, 19, 32, 37–38.
[17] Thomas C. Schelling, Arms and Influence (New Haven: Yale University Press, 1966), 35, 54.
[18] Alan Alexandroff and Richard Rosecrance, “Deterrence in 1939”, World Politics, Vol. 29, No. 3 (April 1977): 414–417.
[19] Thucydides, The History of the Peloponnesian War, transl. Richard Crawley (New York: The Polyglot Press, 1950), 92–98.
[20] Schelling, Arms and Influence, 71–72.
[21] Jan Joel Andersson, “Submarine Capabilities and Conventional Deterrence in Southeast Asia”, Contemporary Security Policy, Vol. 36, No.3, 2015: 473, 490.
[22] David Axe, “The U.S. Navy Submarine Force Could Sink the Chinese Fleet and Save Taiwan, but at the Cost of a Quarter of Its Boats”, Forbes, 10 January 2023
[23] Brendan Nicholson, “Access to the Sea is an Existential Issue, Says RAN Chief”, The Strategist, 7 November 2023
[24] Defence Strategic Review, 6
[25] Shannon Tiezzi, “Did Australia Secretly Conduct Its Own Freedom of Navigation Operation in the South China Sea?”, The Diplomat, 16 December 2015, https://thediplomat.com/2015/12/did-australia-secretly-conduct-its-own-freedom-of-navigation-operation-in-the-south-china-sea/; Sam Bateman, “Some Thoughts on Australia and the Freedoms of Navigation”, Security Challenges, Vol. 11, No. 2, Current Security Issues: Deradicalisation, China’s Economic Influence and Maritime Developments in South-East Asia (2015): 62; Carl Thayer, “Australia and South China Sea FONOPs”, Australian Naval Institute, 10 February 2022