Ngày 13/6/2023, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chiến lược Phát triển Vũ trụ của Chính phủ và thông qua Sáng kiến An ninh Vũ trụ. Đây cũng là tài liệu về chính sách an ninh vũ trụ đầu tiên của Nhật Bản. Sự kiện này không gây bất ngờ đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc. Đồng thời, các tác động của sáng kiến này đối với tình hình an ninh của Nhật Bản cũng như Đông Bắc Á đã được dự báo từ trước. Mặc dù vậy, đây vẫn là một động thái đáng được quan tâm của Nhật Bản liên quan đến những thay đổi chiến lược rầm rộ của họ kể từ cuối năm 2022. Cụ thể nội dung, tác động và các vấn đề liên quan tới sáng kiến an ninh này là gì?
Nội dung Sáng kiến[1]
Về tổng thể, Sáng kiến An ninh Vũ trụ (hoặc Khái niệm về An ninh Không gian) của Nhật Bản được xây dựng với cấu trúc 6 chương, bao trùm các nội dung gồm: Hiện trạng và thách thức của môi trường an ninh xung quanh không gian vũ trụ; Mục tiêu và phương pháp tiếp cận an ninh không gian; Xây dựng cấu trúc cho an ninh không gian; và 3 cách tiếp cận: thúc đẩy tuần hoàn giữa phát triển công nghiệp vũ trụ và đảm bảo an ninh; đảm bảo sử dụng an toàn và ổn định không gian; mở rộng một cách cơ bản khả năng sử dụng lĩnh vực vũ trụ để đảm bảo an ninh.
Liên quan đến bối cảnh đương đại, tài liệu này nhận định rằng: Không gian vũ trụ đang ngày càng được nhiều quốc gia sử dụng phục vụ nhiều mục đích: kinh tế, khoa học, ngoại giao, quốc phòng, an ninh… nó đã trở thành một đấu trường mới để cạnh tranh năng lực quân sự giữa các quốc gia. Các nước láng giềng đã tăng đáng kể số lượng vệ tinh trinh sát, đồng thời thúc đẩy phát triển các “sát thủ” để phá hủy hoặc làm mù vệ tinh, dẫn đến các mối đe dọa ngày càng tăng đối với Nhật Bản trong lĩnh vực vũ trụ.
Trước bối cảnh như vậy, Khái niệm An ninh Không gian của Nhật Bản hướng đến việc bổ sung vào các mục tiêu an ninh quốc gia thông qua không gian vũ trụ; duy trì việc sử dụng ổn định và quyền tiếp cận tự do không gian vũ trụ cùng với các đồng minh của Nhật Bản. Trong đó nhấn mạnh đến việc bảo vệ các hệ thống không gian thiết yếu đối với nền kinh tế và xã hội Nhật Bản trước những rủi ro.
Một điểm đáng chú ý trong tài liệu, đó là ngoài các nguồn lực thuộc sự quản lý của Nhà nước phục vụ cho sáng kiến này, Nhật bản cũng có những đánh giá cao những thành tựu về khoa học công nghệ vũ trụ của khu vực tư nhân. Nhấn mạnh đến các loại tên lửa nhỏ và có khả năng tái sử dụng cũng như tần suất phóng cao với chi phí thấp. Điều đó sẽ được phân tích thêm trong nội dung tiếp theo.
Liên quan đến 3 cách thức triển khai được đề cập, sáng kiến đã đưa ra những nội dung cơ bản như sau:
Một là, thúc đẩy tuần hoàn giữa phát triển công nghiệp vũ trụ và đảm bảo an ninh, bao gồm nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ vũ trụ độc lập, nâng cao vị thế cùng vai trò của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, giải phóng tiềm năng phát triển của ngành vệ tinh, đồng thời tăng cường kỹ thuật và tài chính hỗ trợ cho các công ty vệ tinh thương mại tư nhân quan trọng.
Hai là, đảm bảo sử dụng không gian an toàn, ổn định, cải thiện khả năng phát hiện, theo dõi và xác định các mục tiêu không gian, thúc đẩy tái sử dụng các tàu vũ trụ, cải thiện tốc độ phản ứng cũng như khả năng ứng phó với các cuộc tấn công của vệ tinh, tham gia xây dựng các chính sách quốc tế, các quy tắc an ninh không gian, v.v.;
Ba là, mở rộng một cách cơ bản khả năng sử dụng lĩnh vực vũ trụ để đảm bảo an ninh. Trong đó, việc gia tăng khả năng thu thập thông tin tình báo với phạm vi rộng hơn, tần suất cao hơn với độ chính xác cao hơn; tăng cường an ninh liên lạc vệ tinh, cải thiện khả năng ứng phó với mối đe dọa tên lửa, điều hướng vệ tinh và khả năng vận chuyển không gian.
6 chương nội dung với dung lượng 12 trang ngắn gọn, những nội dung của Sáng kiến này sẽ trở thành kim chỉ nam cho chính sách an ninh vũ trụ của Nhật Bản trong thập niên tới.
Phản ứng của Trung Quốc
Liên quan đến việc Nhật Bản công bố tài liệu về an ninh không gian mới, các kênh thông tin chính thống của Trung Quốc vẫn tỏ ra im ắng. Họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong những ngày gần đây (tính từ ngày 13/6 đến hết tháng 6/2023) hoàn toàn không nhắc đến vấn đề này[2]. Tân Hoa xã và Nhân dân Nhật báo chỉ có một tin tức ngắn gọn, trong đó có bình luận rằng: tài liệu về an ninh vũ trụ mới của Nhật Bản tiếp tục phóng đại mối đe dọa từ không gian, đồng thời cho rằng Nhật Bản sẽ hợp tác với các đồng minh của họ để duy trì cái gọi là “sử dụng ổn định và tiếp cận tự do không gian”[3]. Ngoài ra, các kênh thông tin của chính phủ Trung Quốc hiện chưa có bất kỳ phản ứng nào liên quan đến vấn đề này.
Điều đó có thể cho thấy, động thái của Nhật Bản không gây bất ngờ đối với Trung Quốc bởi nó đã được dự báo từ trước. Thực tế, giới nghiên cứu của Trung Quốc đã quan tâm đến Chiến lược An ninh Vũ trụ của Nhật Bản từ lâu. Ví dụ, năm 2021 một bài viết có tên: “Phân tích Chiến lược An ninh Không gian của Nhật Bản” do các tác giả Wang Qian, Li Sujun, Feng Songjiang thực hiện, đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Quốc phòng. Các tác giả này đã phân tích quá trình phát triển của chiến lược an ninh vũ trụ Nhật Bản từ “sử dụng hòa bình” sang “phòng thủ” rồi đến “vừa phòng thủ vừa tấn công”[4]. Qua đó, Sáng kiến An ninh Vũ trụ của Nhật Bản cùng với các khía cạnh tác động của nó là điều đã được xem xét tới.
Điều này cho thấy rằng, mặc dù chương trình phát triển an ninh không gian vũ trụ của Nhật Bản đã có một bước tiến quan trọng và chắc chắn có tác động tới môi trường an ninh của khu vực trong đó có ảnh hướng đến vấn đề an ninh của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đã tỏ ra tương đối bình thản, không có những động thái phản ứng đáng kể.
Một số nhận định ban đầu
Trước khi công bố bản dự thảo và thông qua nội dung Sáng kiến An ninh Vũ trụ, Nhật Bản đã có một số động thái đáng chú ý. Đầu tiên là việc thành lập lực lượng tác chiến không gian từ tháng 5/2020. Điều trùng hợp trước đó 1 năm, đồng minh lớn nhất của Nhật Bản là Mỹ cũng đã thành lập Bộ Tư lệnh Vũ trụ. Đến giữa tháng 12/2022, Mỹ đã thiết lập Bộ Chỉ huy Lực lượng không gian đầu tiên ở nước ngoài tại Hàn Quốc. Gần như đồng thời với thời điểm đó, Nhật Bản đã thông qua các tài liệu chiến lược về an ninh quốc phòng quan trọng và đó cũng chính là những tài liệu nền tảng cho Sáng kiến An ninh Vũ trụ của nước này. Đến ngày 7/3/2023, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp với các chuyên gia để trình bày các luận điểm trong “Khái niệm về An ninh Vũ trụ”. Họ cũng đưa ra kế hoạch hợp tác với nhiều nước như Mỹ, Anh, Úc và các nước khác về vấn đề không gian vũ trụ. Điều đó cho thấy, việc xây dựng nội dung của Sáng kiến An ninh Vũ trụ đã có lộ trình chuẩn bị bài bản và sẽ là vô lý nếu không có mối liên hệ nào đó với chiến lược không gian của Mỹ.
Hiện nay, quan sát trên các kênh thông tin chính thống có thể thấy, Sáng kiến An ninh Vũ trụ của Nhật Bản không tạo ra được một hiệu ứng truyền thông lớn như việc công bố các tài liệu an ninh, quốc phòng của họ vào cuối năm 2022. Nhưng đây vẫn là một tài liệu có nhiều vấn đề cần phải đánh giá nghiêm túc:
Một là, sáng kiến này tiếp tục bộc lộ tham vọng “quân sự hóa” không gian vũ trụ của Nhật Bản. Như các tác giả Wang Qian, Li Sujun, Feng Songjiang đã chỉ ra chiến lược an ninh vũ trụ của Nhật Bản đang ở giai đoạn “vừa phòng thủ, vừa tấn công”. Nhật Bản hoàn toàn không muốn bị tụt hậu trong cuộc đua không gian với các nước trong khu vực. Cả Nga, Trung Quốc thậm chí Triều Tiên cũng có khả năng khống chế đối với không gian vũ trụ. Điều đó khiến Nhật Bản không thể phó mặc lợi ích an ninh vào chiếc ô bảo trợ của Mỹ.
Hai là, tài liệu về Chiến lược An ninh Vũ trụ của Nhật Bản được ra đời không lâu sau những động thái của Mỹ liên quan đến lĩnh vực này. Điều đó có thể tạo ra các dự đoán về một mối liên hệ giữa chiến lược không gian của hai nước. Hơn nữa, trong tài liệu, Nhật Bản cũng đã đề cập đến khả năng hợp tác với các đồng minh. Do vậy, Sáng kiến An ninh Vũ trụ mới của Nhật Bản được ra đời hoàn toàn có thể nhằm tạo ra một nền tảng pháp lý cho sự hiện diện của lực lượng không gian của Mỹ và các đồng minh, không chỉ là các đồng minh ở châu Á – Thái Bình Dương mà còn có thể là các đồng minh NATO của Mỹ, bởi tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã có kế hoạch mở văn phòng đại diện ở Nhật Bản.
Liên quan đến khả năng hiện diện của Mỹ trong lĩnh vực không gian ở Nhật Bản, tài liệu về Sáng kiến An ninh Vũ trụ còn cho thấy một điểm đáng chú ý khác, đó là những gợi mở của Nhật Bản đối với khu vực tư nhân. Những khen ngợi về thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ dường như không dành cho các tập đoàn công nghệ của Nhật Bản. Những khen ngợi đó có thể ám chỉ đến những bước tiến gần đây của Space X do tỷ phú Mỹ Elon Musk sở hữu, bởi các chương trình tên lửa đẩy hiện có ở Nhật Bản (với xương sống là tên lửa đẩy H-IIA do Mitsubishi và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản – JAXA hợp tác) chưa thể đạt được các thành tựu như vậy. Đó có thể là một gợi ý, mở ra một chương hợp tác mới của Nhật Bản với các tập đoàn công nghệ vũ trụ tư nhân của Mỹ trong thời gian tới.
Ba là, nhận định này có phần tiêu cực và trong ngắn hạn cũng khó có thể trở thành hiện thực, nhưng không có gì đảm bảo một viễn cảnh đen tối cho cuộc đua hạt nhân ở Đông Bắc Á không xảy ra. Sáng kiến An ninh Vũ trụ của Nhật Bản có thể được sử dụng làm vỏ bọc cho việc triển khai tên lửa chiến lược trên lãnh thổ nước này. Mặc dù năm 2022, Nhật Bản từ chối kế hoạch chia sẻ hạt nhân của Mỹ, nhưng Nhật Bản cũng không phủ nhận việc sẽ dựa vào “chiếc ô hạt nhân của Mỹ”. Khác với việc chia sẻ năng lực hạt nhân như trường hợp của Australia, Nhật Bản có thể chấp nhận cho Mỹ triển khai lực lượng chiến lược trên lãnh thổ thông qua vỏ bọc hợp tác không gian, nhưng Nhật Bản sẽ không phải chi quá nhiều nhân lực, vật lực cho việc đó giống như Australia sẽ phải làm.
Ngoài ra, bản thân Nhật Bản cũng là quốc gia có năng lực về công nghệ vũ trụ. Họ tự chủ được phần lớn công nghệ sản xuất các phương tiện phóng đưa vệ tinh lên quỹ đạo, và trên thực tế, các phương tiện này dễ dàng có thể được hoán cải thành các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nhật Bản cũng đang phải chịu áp lực rất lớn từ tình hình an ninh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, còn có những áp lực khác từ tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và cả Nga. Bên cạnh đó, Mỹ mặc dù luôn tuyên bố chống việc phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng chính bản thân họ lại đang làm ngược lại khi tạo ra AUKUS cũng như việc triển khai lực lượng chiến lược ở nhiều nước đồng minh. Viễn cảnh các ICBM được tạo ra bởi phương tiện phóng của Nhật Bản và đầu đạn của Mỹ là điều không phải là không có khả năng xảy ra trong tương lai. Điều đó sẽ phụ thuộc vào mức độ cấp bách của tình hình an ninh khu vực.
Bốn là, cuộc đua không gian hiện nay của các cường quốc cũng hướng tới việc tranh giành thị phần đối với các nguồn tài nguyên ngoài không gian. Tuy nhiên, nó chỉ là vỏ bọc cho các tham vọng khác. Trong tương lai, việc thiếu hụt các nguồn nguyên liệu sẽ trở thành một vấn đề gây mất an ninh nghiêm trọng. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề cấp bách bởi việc thăm dò cũng như khai thác tài nguyên ngoài vũ trụ hiện nay là không khả thi. Mức chi phí phải bỏ ra và hiệu quả đạt được hoàn toàn không tương xứng. Do vậy, vấn đề thăm dò tài nguyên ngoài không gian được đề cập trong tài liệu về Sáng kiến An ninh Vũ trụ của Nhật Bản cần được xem là yếu tố phụ, mang tính chất ngụy trang cho các tham vọng an ninh khác.
Dự báo tác động tới chiến lược an ninh quốc gia tổng thể của Nhật Bản
Sáng kiến An ninh Vũ trụ là một bước đi phù hợp với những thay đổi về Chiến lược an ninh quốc gia được công bố cuối năm 2022. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi an ninh trong không gian vũ trụ của Nhật Bản không chỉ mang lại sự chủ động trong việc bảo vệ an ninh đối với nước này mà mặt khác cũng đồng nghĩa với việc làm gia tăng áp lực an ninh đối với các nước xung quanh. Điều đó sẽ làm phức tạp thêm tình hình an ninh của khu vực Đông Bắc Á thay vì mong muốn điều ngược lại. Ở góc độ nào đó có thể nhận định rằng chính Sáng kiến An ninh này lại tạo ra một vấn đề an ninh mới đe dọa Nhật Bản.
Trước hết, việc Nhật Bản có thêm thẩm quyền khai thác không gian vũ trụ, gia tăng “quân sự hóa” không gian vũ trụ sẽ đặt ra một thách thức an ninh mới đối với các quốc gia vốn đã có hiềm khích với Nhật Bản, làm suy giảm lòng tin của các nước này đối với Tokyo. Khả năng tấn công từ không gian của Nhật Bản tăng chắc chắn sẽ kéo theo việc nâng cấp khả năng phòng thủ và cả khả năng phản công trả đũa của các đối thủ tiềm tàng trong khu vực ví dụ như Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Điều đó sẽ chỉ làm an ninh khu vực thêm phức tạp, cũng có nghĩa là mức độ đe dọa đối với tình hình an ninh Nhật Bản tiếp tục cao thêm một bậc. Bên cạnh đó, mối quan hệ trên các lĩnh vực khác giữa Nhật Bản với khu vực có thể sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể. Họ có thể sẽ phải gánh chịu các hệ lụy không nhỏ đối với các vấn đề về an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh kinh tế và các vấn đề an ninh phi truyền thống khác.
Thứ hai, sự tham gia của Mỹ và các đồng minh trong lĩnh vực an ninh không gian vũ trụ tại Nhật Bản sẽ càng đẩy cao tâm lý chia phe ở Đông Á. Tâm lý phe phái thời Chiến tranh Lạnh đã tạo ra một bầu không khí ngột ngạt cho khu vực và toàn cầu trong thế kỷ trước, và nỗi lo về một phiên bản khác, có thể tồi tệ hơn sẽ quay trở lại Đông Á. Trong hoàn cảnh đó, chính Nhật Bản cũng sẽ phải tồn tại trong một môi trường đầy rủi ro an ninh.
Thứ ba, việc NATO hiện diện ở Nhật Bản vốn đã trở thành một thách thức không nhỏ đối với an ninh khu vực, giờ đây, mở rộng phạm vi không gian an ninh của Nhật Bản sẽ càng làm tăng thêm những lo ngại về việc Mỹ và NATO có thể được quyền sử dụng không gian này cho các mục đích riêng của họ. Đó không chỉ là lo ngại của các nước xung quanh mà cũng chính là mối lo bên trong Nhật Bản. Sự xuất hiện của yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp sẽ khiến dư luận trong nước đặt ra câu hỏi: lợi ích của người dân hay lợi ích đồng minh của Tokyo, cái gì thực sự mới là điều quan trọng, được ưu tiên hơn.
Thứ tư, chiến lược mới của Nhật Bản có thể làm gia tăng mối quan tâm của Nga ở phía Đông. Mặc dù Moskva đang ưu tiên nhiều hơn đối với mặt trận phía Tây, nhưng những động thái của Tokyo có khả năng sẽ khiến Nga tham gia nhiều hơn vào cấu trúc an ninh khu vực Đông Bắc Á. Đó sẽ là một bài toán phức tạp cho Nhật Bản, bởi ngoài mâu thuẫn chủ quyền giữa hai nước, Nga còn là đối tác quan trọng của Trung Quốc và Triều Tiên – hai đối thủ chủ yếu của Nhật Bản trong khu vực.
Bên cạnh những tác động tiêu cực như vậy, nó vẫn có thể mang đến một số lợi ích tích cực. Bao gồm việc hợp thức hóa được việc gia tăng ngân sách quốc phòng trong những năm tiếp theo. Đồng thời, nó cũng có thể giúp kích thích tăng trưởng nền khoa học kỹ thuật của Nhật Bản, nhất là khoa học vũ trụ. Còn liệu nó có thể bảo đảm, trở thành chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển ổn định của kinh tế, xã hội Nhật Bản được hay không vẫn khó có thể nói trước. Bởi những thách thức đã nêu mà nó mang lại có thể làm triệt tiêu đi mục đích tích cực vốn có này.
Nhìn chung, Sáng kiến An ninh Vũ trụ mới của Nhật Bản hoàn toàn có thể không mang đến những ưu thế mà họ đã kỳ vọng. Và nó sẽ tạo ra nhiều thách thức an ninh mới hơn là giúp giải quyết các vấn đề mất an ninh cũ.
Vấn đề rút ra cho Việt Nam
Trên thực tế, Sáng kiến An ninh Vũ trụ của Nhật Bản là biểu hiện của một xu thế chung về một cuộc chạy đua trong không gian vũ trụ của các cường quốc. Đối với các quốc gia có tiềm lực công nghệ vũ trụ còn nhiều hạn chế như Việt Nam, tham gia vào cuộc đua như vậy là điều không thể (hay nói chính xác hơn là chưa thể ở thời điểm hiện tại). Nhưng làm thế nào để không bị động trước những thách thức từ không gian là điều mà Việt Nam cần phải nghiên cứu.
Thứ nhất, đối với các quốc gia không liên kết trong đó có Việt Nam, việc xây dựng và thực thi bất kỳ một chính sách an ninh nào cần phải có sự tham vấn ở nhiều cấp độ từ trong nước tới khu vực và toàn cầu. Điều đó sẽ giúp các chính sách an ninh được xây dựng phù hợp với lợi ích chính đáng của tất cả các bên có liên quan. Đó là điều Sáng kiến An ninh Vũ trụ của Nhật Bản có vẻ như đang thiếu. Đây là một vấn đề Việt Nam có thể tham khảo trong việc hoạch định chính sách, bởi với chủ trương không liên kết, liên minh, Việt Nam có nhiều quyền tự chủ hơn trong việc đưa ra các quyết sách quan trọng. Đồng thời, chính việc xây dựng các chính sách với tinh thần thiện chí sẽ góp phần tạo dựng môi trường quan hệ quốc tế tích cực cho quá trình tiếp tục hội nhập và phát triển của Việt Nam.
Thứ hai, mặc dù là quốc gia có tiềm lực trung bình, chưa đủ khả năng vươn lên và làm chủ không gian vũ trụ, nhưng Việt Nam cần có những hành động chủ động nhằm cùng cộng đồng quốc tế xây dựng và hoàn thiện những nguyên tắc cơ bản về việc xác định chủ quyền cũng như sử dụng không gian vũ trụ vì mục đích hòa bình. Thực tế, trong 5 không gian: đất, nước, mạng, bầu trời và vũ trụ, khung pháp lý đối với không gian vũ trụ hiện tại vẫn chưa được xây dựng một cách đầy đủ, mới chỉ dừng lại ở thỏa thuận giữa các nước lớn. Đó là một thách thức đáng kể, nếu xem nhẹ việc này, các nước nhỏ, chưa có tiềm lực làm chủ không gian vũ trụ sẽ ngày càng lệ thuộc vào các nước lớn.
Thứ ba, Việt Nam cần đẩy nhanh hơn nữa hợp tác quốc tế về lĩnh vực công nghệ, khoa học vũ trụ, nhanh chóng cải thiện, hiện đại hóa năng lực làm chủ không gian của mình. Đồng thời, việc chọn đối tác hợp tác cần có sự chọn lọc nhằm tránh các ràng buộc bất lợi trong quá trình hợp tác. Bất chấp những hạn chế mà cuộc chạy đua vào không gian đang tạo ra đối với an ninh khu vực và toàn cầu, Việt Nam không thể để cuộc đua này là cuộc chơi riêng của một vài quốc gia, đồng thời tiếp tục nhấn mạnh các mục tiêu phát triển hòa bình liên quan đến sự phát triển của khoa học vũ trụ.
Thứ tư, với vai trò là một thành viên quan trọng của ASEAN, trong bối cảnh đua tranh nước lớn gay gắt, Việt Nam cần tích cực tham gia định hướng khu vực cùng nhau xây dựng một cộng đồng chung, cùng bảo vệ lợi ích chung, đảm bảo không gian của khu vực được sử dụng vào mục đích hòa bình. Sự phát triển tách rời của các quốc gia Đông Nam Á trong lĩnh vực khoa học vũ trụ có thể tạo ra những mầm mống bất hòa giữa các nước ASEAN trong tương lai. Thay vào đó, ý tưởng về một chương trình hợp tác không gian giữa tất cả các quốc gia Đông Nam Á có thể được xem xét một cách nghiêm túc./.
Tác giả: Hoàng Hải
Chú thích
[1] Xem thêm Toàn văn Dự thảo Khái niệm An ninh Không gian, https://www8.cao.go.jp/space/hq/dai28/siryou5.pdf
[2] Theo dõi nội dung họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại: https://www.fmprc.gov.cn/fyrbt_673021/jzhsl_673025/
[3] 中国国防报, “日本发布首份太空安保构想”, 人民网, 12.6.2023, http://military.people.com.cn/n1/2023/0612/c1011-40011522.html
[4] 王 谦,李苏军,丰松江.浅析日本太空安全战略[J].国防科技,2021,42(6):21-25.
Mọi phản hồi học thuật cũng như các vấn đề khác quý độc giả có thể trao đổi với Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]