Chính sách của ba nước Australia, Hàn Quốc và Indonesia minh chứng cho cơ chế và logic đằng sau sự lựa chọn chiến lược của các “cường quốc tầm trung”. Vậy chúng chịu sự tác động bởi các yếu tố nào, và cơ chế hình thành lựa chọn cũng như các biểu hiện cụ thể ra sao? Đó sẽ là những nội dung chính trong phần thứ 2 của bài báo khoa học này.
CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG VÀ CƠ CHẾ HÌNH THÀNH LỰA CHỌN CHIẾN LƯỢC CỦA CÁC CƯỜNG QUỐC TẦM TRUNG
Các nhân tố tác động
Trong phân tích chính sách đối ngoại, chính trị trong nước và hệ thống quốc tế là hai khía cạnh quan trọng thường được xem xét. Chính trị trong nước bao gồm các biến số thể chế (quốc thể, chính thể, v.v.), các biến số hành vi (cá nhân, tập đoàn, v.v.), các biến số quan niệm (sở thích quốc gia, tinh thần dân tộc, v.v.). Trong khi hệ thống quốc tế bao gồm các biến số cấu trúc (phân phối quyền lực quốc tế, v.v.), các biến số thể chế (cơ chế quốc tế, v.v.). Trong quá trình xây dựng một chính sách đối ngoại, việc yếu tố chính trị trong nước hay yếu tố hệ thống quốc tế quan trọng hơn phụ thuộc vào từng vấn đề cụ thể. Nói chung, chính sách đối ngoại được hoạch định dựa trên lợi ích quốc gia, và việc xác định lợi ích quốc gia, dù từ trên xuống hay từ dưới lên đều tập trung đến sở thích và sự tương tác của các tác nhân trong nước, từ đó cung cấp lời giải thích chi tiết cho con đường phân tích chính sách đối ngoại dựa trên chính trị trong nước. Mặc dù vậy, ảnh hưởng của hệ thống quốc tế đến chính sách đối ngoại của quốc gia cũng không thể phủ nhận. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sở thích lợi ích của các chủ thể trong nước mà còn đặt ra những giới hạn nhất định cho chính sách đối ngoại. Tóm lại, trong nghiên cứu về lựa chọn chiến lược của các “cường quốc tầm trung” ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ, việc phân tích xuyên suốt các cấp độ là rất cần thiết, và lựa chọn cuối cùng của các “cường quốc tầm trung” được hình thành từ sự tương tác giữa các nhân tố trong nước và nhân tố hệ thống.
Các yếu tố trong nước
Yếu tố trong nước ảnh hưởng đến quyết định chiến lược của các “cường quốc tầm trung” chủ yếu là nhận thức và sở thích nội bộ. Cụ thể là thái độ của một quốc gia về việc chọn bên giữa Trung Quốc và Mỹ, chủ yếu được cấu thành từ sự tương tác giữa ý định của lãnh đạo và ý kiến người dân. Ý định của lãnh đạo xuất phát từ lợi ích của đảng chính trị (chủ yếu là đảng cầm quyền) và các lãnh đạo. Đối với chính đảng và giới tinh hoa của nó (bao gồm cả lãnh đạo), việc duy trì quyền lực và sự tiếp tục của chế độ là yếu tố lợi ích quan trọng nhất. Vì vậy, khi đưa ra chính sách đối ngoại, lợi ích của đảng chính trị và cá nhân lãnh đạo thường được đưa vào cân nhắc. Bên cạnh mong muốn của lãnh đạo, xu hướng dư luận cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại. Mặc dù đảng chính trị và các lãnh đạo đóng vai trò không thể thay thế trong việc hoạch định chính sách đối ngoại, nhưng cần phải nhận ra rằng lợi ích của họ đôi khi khác biệt với lợi ích của đông đảo người dân. Một khi lợi ích của đảng chính trị và lãnh đạo khác biệt đáng kể với dư luận, các chính sách dựa trên lợi ích của họ có thể dễ dàng bị phản đối bởi dư luận, tạo ra giới hạn cho việc hoạch định chính sách. Vì vậy, nhận thức và mong muốn nội bộ là kết quả của sự tương tác và đấu tranh giữa ý định của lãnh đạo và dư luận xã hội. Lãnh đạo khi đưa ra quyết định không chỉ phải xem xét và hiểu rõ dư luận xã hội, mà còn sử dụng các biện pháp tuyên truyền, động viên để hướng dẫn dư luận. Trong khi dư luận, dù bị ảnh hưởng bởi ý chí của lãnh đạo, cũng có sự độc lập nhất định và có thể ảnh hưởng ngược lại lãnh đạo thông qua truyền thông và dư luận. Do đó, khi ý định của lãnh đạo và dư luận thống nhất, nhận thức và mong muốn nội bộ sẽ tương đối tập trung, thái độ về việc chọn bên giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ rõ ràng hơn. Nhưng khi ý định của lãnh đạo và dư luận mâu thuẫn, nhận thức và mong muốn nội bộ sẽ khó thống nhất, thái độ về việc chọn bên giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ mơ hồ hơn. Chính sách đối ngoại tuy dựa trên lợi ích quốc gia, nhưng theo quan điểm của chủ nghĩa xây dựng. Việc xác định lợi ích quốc gia phụ thuộc vào cách quốc gia đó xác định bản sắc của mình. Chủ nghĩa xây dựng cho rằng việc xác định bản sắc là tiền đề để hiểu lợi ích, từ đó quyết định hành động trong quan hệ đối ngoại. Khi sự tương tác giữa các cường quốc bước vào kỷ nguyên “cạnh tranh toàn diện”, sự trở lại toàn diện của ngoại giao giá trị dẫn đến xã hội quốc tế bị phân hóa và hình thành các khối do sự khác biệt về ý thức hệ. Điều này đặt ra thách thức mới cho bản sắc của các “cường quốc tầm trung” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Một mặt, các “cường quốc tầm trung” này nằm ở châu Á hoặc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có “bản sắc châu Á” – nghĩa là sự công nhận chung về “phương thức châu Á” với đặc điểm hội nhập khu vực dựa trên đa dạng, ràng buộc mềm và định hướng phát triển. Coi trọng lợi ích tập thể xã hội hơn lợi ích cá nhân, ưu tiên phát triển kinh tế hơn tự do cá nhân, và nhấn mạnh sự giao lưu, học hỏi văn minh và giao tiếp thân thiện. Nó đại diện cho khát vọng của các quốc gia châu Á muốn đi con đường khác biệt so với câu chuyện văn minh và mô hình phát triển của phương Tây, xây dựng một “cộng đồng châu Á” với màu sắc đặc trưng riêng. Mặt khác, một số “cường quốc tầm trung” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do có mối quan hệ đặc biệt với các quốc gia phương Tây, nên chịu ảnh hưởng về ý thức hệ và thể chế quốc gia từ các quốc gia này, mang nặng tâm lý “bản sắc phương Tây”. Sự đối kháng giữa “bản sắc châu Á” và “bản sắc phương Tây” có ảnh hưởng đáng kể đến lựa chọn ngoại giao của các “cường quốc tầm trung”. Do vậy, bản sắc và nhận thức nội bộ cùng nhau tạo thành hai yếu tố trong nước chính ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược giữa các nước lớn của các “cường quốc tầm trung”.
Yếu tố hệ thống
Ngoài việc nhấn mạnh các yếu tố trong nước, cũng không thể bỏ qua ảnh hưởng của hệ thống quốc tế. Hệ thống quốc tế có thể tạo ra áp lực bên ngoài, buộc hoặc hướng dẫn các quốc gia điều chỉnh hoặc thay đổi chính sách đối ngoại. Đặc biệt, khi “cạnh tranh phụ thuộc lẫn nhau” chuyển sang “cạnh tranh toàn diện”, cường độ cạnh tranh giữa các cường quốc tăng đáng kể, gây thêm áp lực cho các “cường quốc tầm trung”. Trong bối cảnh này, cấu trúc phụ thuộc của các “cường quốc tầm trung” vào Trung Quốc và Mỹ và việc có cơ chế giảm sốc hay không trở thành yếu tố then chốt để họ ứng phó với áp lực hệ thống và cuối cùng hình thành lựa chọn chiến lược của mình.
Do chênh lệch về sức mạnh, các “cường quốc tầm trung” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thường phụ thuộc đồng thời vào cả Trung Quốc và Mỹ, nhưng mức độ phụ thuộc vào hai quốc gia này là khác nhau. Khi bước vào giai đoạn “cạnh tranh toàn diện”, việc bảo đảm an ninh và độ bền vững của chuỗi cung ứng trở thành yếu tố quan trọng để các quốc gia đối phó với các rủi ro và bất định, nằm ở vị trí trọng tâm của cạnh tranh giữa các cường quốc. Vì vậy, trong phân tích cấu trúc phụ thuộc của các “cường quốc tầm trung”, bài viết này xem mức độ phụ thuộc của họ vào Trung Quốc và Mỹ trong các lĩnh vực chuỗi cung ứng quan trọng như là chỉ số chính. Thông thường, các “cường quốc tầm trung” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có sự “phụ thuộc bất đối xứng” vào cả Trung Quốc và Mỹ trong các chuỗi cung ứng quan trọng. Điều này cũng là nguồn gốc quyền lực quan trọng mà Trung Quốc và Mỹ có thể tác động đến họ. Tuy nhiên, mức độ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của một “cường quốc tầm trung” đối với bất kỳ bên nào trong hai nước đều bị ảnh hưởng bởi năng lực công nghiệp của bên kia.
Nếu các “cường quốc tầm trung” bị Mỹ gây sức ép mà Trung Quốc có thể cung cấp các giải pháp thay thế, thì có nghĩa là mức độ phụ thuộc bất đối xứng của các nước này vào Mỹ thấp, và ảnh hưởng của Mỹ bị hạn chế. Điều này giúp họ có thể áp dụng chính sách “đứng hai bên” khi phải đối mặt với áp lực “chọn bên”. Ngược lại, nếu mức độ phụ thuộc bất đối xứng vào Mỹ cao và Trung Quốc khó thay thế được ảnh hưởng của Mỹ, quốc gia này có xu hướng tăng cường quan hệ với Mỹ khi phải lựa chọn chiến lược.
Ngoài cơ cấu phụ thuộc, các thể chế quốc tế cũng là công cụ quan trọng mà các “cường quốc tầm trung” có thể tận dụng để giảm bớt áp lực từ hệ thống quốc tế. Một mặt, các thể chế quốc tế tiếp nhận và hợp nhất nhiều quốc gia. “Cường quốc tầm trung” có thể tìm kiếm các đối tác “cùng chí hướng” trong khuôn khổ thể chế để phối hợp lập trường và đưa ra tiếng nói thống nhất, chống lại áp lực yêu cầu “chọn bên” từ các cường quốc. Mặt khác, nhiều thể chế quốc tế bao gồm cả các cường quốc, trong các lĩnh vực mà thể chế quốc tế tập trung, các cường quốc phải tiến hành một mức độ hợp tác nhất định, tạo điều kiện cho việc giảm bớt cạnh tranh giữa các cường quốc.
Ví dụ, ASEAN cung cấp một khung đa phương quan trọng không chỉ cho sự tương tác giữa Trung Quốc và Mỹ tại Đông Á mà còn hạn chế tối đa sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong phạm vi các thể chế và chuẩn mực khu vực, tạo điều kiện cho hòa bình tương đối ở khu vực Đông Á. Vì vậy, “giảm sốc thể chế” có thể được coi là một yếu tố khác của hệ thống quốc tế ảnh hưởng đến lựa chọn chiến lược của các “cường quốc tầm trung”. Các “cường quốc tầm trung” tham gia tích cực và sâu rộng vào các thể chế quốc tế có nhiều không gian lựa chọn hơn so với các quốc gia cô lập hoặc xa rời các thể chế quốc tế. Các quốc gia tham gia vào các thể chế quốc tế có tính tự chủ cao có sự hỗ trợ chiến lược mạnh mẽ hơn so với những quốc gia tham gia vào các thể chế phụ thuộc nhiều (như các liên minh bất đối xứng).
Cơ chế hình thành lựa chọn chiến lược của các “cường quốc tầm trung” ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương
Trên cơ sở lựa chọn các yếu tố trong nước và yếu tố hệ thống, bài viết này xây dựng một khuôn khổ phân tích tương tác giữa các yếu tố trong và ngoài nước nhằm giải thích con đường phân hóa lựa chọn chiến lược của các “cường quốc tầm trung” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong thời đại cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.
(1) Những ưu tiên nhận thức trong nước và bản sắc dân tộc bước đầu định hướng cơ bản cho các lựa chọn chiến lược của “cường quốc tầm trung” ở khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương trong việc lựa chọn chiến lược giữa các cường quốc. Một mặt, ưu tiên nhận thức trong nước được xác định từ sự phân tích tổng hợp giữa ý định của lãnh đạo và ý kiến của người dân. Do lãnh đạo quốc gia thường xuất thân từ đảng cầm quyền, mong muốn cá nhân của họ thường mang đậm màu sắc của đảng đó. Vì vậy, thái độ của đảng cầm quyền ở các “cường quốc tầm trung” đối với Trung Quốc và Mỹ là chỉ số cốt lõi để xác định lựa chọn của lãnh đạo. Nếu đảng cầm quyền thân Mỹ, quốc gia đó có thể thiên về chính sách đối ngoại ủng hộ Mỹ. Trong khi nếu đảng giữ thái độ trung lập hoặc thân Trung Quốc, quốc gia đó có xu hướng thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng.
Mặt khác, xu hướng dư luận chủ yếu được phản ánh qua kết quả các cuộc thăm dò ý kiến. Bài viết này sử dụng các báo cáo thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center), Viện Nghiên cứu Lowy (Lowy Institute), Viện Nghiên cứu Chính sách Asan Hàn Quốc (The Asan Institute for Policy Studies) và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak Singapore (ISEAS-Yusof Ishak Institute) để quan sát. Nếu có các câu hỏi trực tiếp hỏi người dân về sự lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, kết quả này có thể được sử dụng để xác định. Nếu không có câu hỏi này, có thể tham khảo các chỉ số về mức độ thiện cảm, cảm nhận mối đe dọa và ảnh hưởng của người dân đối với Trung Quốc và Mỹ để phân tích tổng hợp xu hướng dư luận nội bộ của “cường quốc tầm trung” là thiên về Mỹ hay ưu tiên Trung Quốc.
Sau khi xác định ý định của lãnh đạo và xu hướng dư luận, tiến hành phân tích tổng hợp để đưa ra nhận định về nhận thức nội bộ. Nếu ý định của lãnh đạo và xu hướng dư luận đồng thuận, lựa chọn của quốc gia đó sẽ rất rõ ràng. Nhưng nếu hai yếu tố này mâu thuẫn, lựa chọn của quốc gia đó sẽ có phần mơ hồ.
Bản sắc cũng tương tự như mong muốn nhận thức trong nước. Nếu các “cường quốc tầm trung” có bản sắc mạnh mẽ với phe phương Tây, việc họ sẵn sàng nghiêng về phía Mỹ sẽ tương đối rõ ràng. Nếu duy trì ý thức chủ thể của châu Á, họ sẽ nhấn mạnh ưu tiên khu vực và tránh việc phải “chọn phe” giữa Trung Quốc và Mỹ. Cần lưu ý rằng, một số “cường quốc tầm trung” có cả “ý thức phương Tây” và “ý thức châu Á”, do đó định vị lựa chọn chiến lược của họ sẽ dao động giữa “thân Mỹ” và “cân bằng”. Tóm lại, do sự khác biệt về mong muốn nhận thức trong nước và bản sắc dân tộc của các “cường quốc tầm trung” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, xu hướng phân hóa trong lựa chọn giữa các cường quốc sẽ xuất hiện ở một mức độ nhất định.
(2)Là các yếu tố cấp độ hệ thống, cấu trúc phụ thuộc vào vùng đệm sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh định hướng lựa chọn chiến lược của các “cường quốc tầm trung”. Cụ thể, khi bước vào giai đoạn “cạnh tranh toàn diện”, cường độ cạnh tranh giữa các cường quốc lớn đã tăng đáng kể so với trước đây và bắt đầu hạn chế sự lựa chọn chiến lược của các “cường quốc tầm trung” tương đối yếu hơn. Dưới áp lực “chọn bên”, cấu trúc phụ thuộc của các “cường quốc tầm trung” đối với Trung Quốc và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến sở thích lựa chọn của họ dựa trên yếu tố trong nước. Các quốc gia có mức độ phụ thuộc không đồng đều vào Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ với Mỹ, trong khi các quốc gia có mức độ phụ thuộc không đồng đều vào Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chính sách cân bằng hoặc thân Trung Quốc. Đồng thời, vùng đệm cũng sẽ có tác dụng chống lại áp lực “chọn bên”. Các quốc gia có vùng đệm mạnh có thể chống lại một phần hoặc toàn bộ áp lực, duy trì lựa chọn chiến lược ban đầu hoặc chỉ thực hiện các điều chỉnh nhỏ. Ngược lại, các quốc gia thiếu vùng đệm hoặc có khả năng vùng đệm yếu sẽ khó lòng đối phó với áp lực, và các chính sách sẽ trở nên cực đoan hóa hơn.
Nhìn một cách tổng quan về vai trò của hai mức độ yếu tố đối với lựa chọn chiến lược của các “cường quốc tầm trung” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trước tiên là các yếu tố ở mức độ nội bộ đóng vai trò chính trong việc quyết định lựa chọn chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Ưu tiên nhận thức trong nước và bản sắc dân tộc là hai yếu tố đóng vai trò chính trong các lựa chọn chiến lược của họ giữa Trung Quốc và Mỹ. Sau đó, các yếu tố ở mức độ hệ thống sẽ tạo ra áp lực lên quan điểm ban đầu, đẩy chúng tiếp tục dịch chuyển giữa hai bên Trung Quốc và Mỹ. Cấu trúc phụ thuộc của các “cường quốc tầm trung” đối với chuỗi cung ứng của Trung Quốc và Mỹ cũng như liệu họ có những vùng đệm thể chế hay không và khả năng phục hồi của họ như thế nào, sẽ có tác động quan trọng đến mức độ của sự dịch chuyển này.
Biểu hiện thực tiễn của các trường hợp cụ thể
Dựa trên phân tích về yếu tố ảnh hưởng và cơ chế hoạt động của việc lựa chọn chiến lược của các “cường quốc tầm trung” ở vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dựa trên các biểu hiện trên, tác giả sẽ dựa trên ba đại diện của các “cường quốc tầm trung” đã được chọn ở trên để giải thích logic đằng sau sự lựa chọn của họ trong cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ.
Australia: Từ “tình hữu nghị hai bên” đến “liên minh Mỹ chống Trung”
Từ thế kỷ 21 đến nay, quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Australia đã trải qua một quá trình biến đổi rõ rệt, với năm 2016 là bước ngoặt. Trước đó, Australia đã nỗ lực coi quan hệ với Trung Quốc và Mỹ là quan hệ song phương quan trọng nhất. Một mặt, mối quan hệ liên minh Mỹ-Australia không ngừng phát triển. Australia đã thận trọng đẩy việc nâng cấp liên minh ở mức độ hạn chế để giảm bớt lo lắng về an ninh và nâng cao vị thế ngoại giao của mình, đóng vai trò là “trục nam” trong hệ thống liên minh châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ. Mặt khác, Australia dần thay đổi chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc, thay vào đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác với Trung Quốc, khiến cho quan hệ Trung Quốc-Australia, đặc biệt là thương mại, phát triển mạnh mẽ, với quy mô thương mại giữa hai bên vượt qua tổng thương mại giữa Mỹ-Australia và Nhật-Australia. Australia vừa điều khiển “chiếc xe” an ninh của Mỹ, vừa lợi dụng “cơn gió thuận” của kinh tế Trung Quốc, đạt được hiệu quả của “tình hữu nghị hai mặt”.
Tuy nhiên, kể từ năm 2016, đặc biệt sau khi Mỹ đưa ra “ Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương”, quan hệ ba bên giữa Trung Quốc, Mỹ và Australia đã có những thay đổi đáng kể. Australia không chỉ tích cực hợp tác với Mỹ trong việc triển khai chiến lược tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đóng vai trò như một “đầu tàu” trong việc cân bằng Trung Quốc, mà còn thường xuyên khiêu khích và gây xung đột với Trung Quốc. Việc này dẫn đến mối quan hệ giữa Trung Quốc-Australia giảm sút mạnh mẽ. Sự chuyển từ “hữu nghị hai mặt” sang “liên minh Mỹ chống Trung” của Australia trong quan hệ Trung-Mỹ chủ yếu là kết quả của sự thay đổi trong nhận thức nội bộ. Năm 2013, Australia đã có cuộc thay đổi chính trị, Liên minh Dân chủ và Quốc gia (sau đây gọi là “Liên minh”) đánh bại Đảng Lao động sau gần 10 năm nắm quyền. Trong chính sách đối ngoại, khác với Đảng Lao động quan tâm đến quan hệ của Australia với các quốc gia châu Á, ủng hộ đa phương và chủ nghĩa quốc tế, Liên minh lại nhấn mạnh thuộc tính “phương Tây” của Australia, đẩy mạnh việc tăng cường quan hệ truyền thống với châu Âu-Mỹ cũng như quan hệ liên minh Mỹ-Australia. Đặc biệt, với sự cứng rắn đối với Trung Quốc của Thủ tướng Malcolm Turnbull và Scott Morrison sau này, quan điểm của họ kết hợp với truyền thống ngoại giao của “Liên minh” đã dẫn đến một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Australia.
Đồng thời, dữ liệu các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy từ năm 2017 đã cho thấy sự đảo chiều trong cảm nhận của người dân Australia đối với Trung Quốc. Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thái độ của người dân Australia đối với Trung Quốc đã trở nên tiêu cực hơn và đạt đến mức cực đoan. Các cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy từ năm 2020 đến 2022, tỷ lệ người dân Australia có ý kiến tiêu cực về Trung Quốc liên tục vượt quá 80%. Các cuộc khảo sát của Roy Morgan cũng cho thấy ngày càng có nhiều người dân Australia không còn xem Trung Quốc là đối tác kinh tế mà xem như một mối đe dọa an ninh, với hơn 40% người được hỏi cho rằng nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ, Australia nên ủng hộ Mỹ, trong khi chỉ có khoảng 1% ủng hộ Trung Quốc. Có thể thấy rằng sự thay đổi của dư luận xã hội trong vài năm qua đã thúc đẩy chính sách “liên minh Mỹ chống Trung” của Canberra. Sự phù hợp ngày càng tăng giữa nhận thức của lãnh đạo và dân chúng, làm gia tăng độ khó trong việc điều chỉnh quan hệ Trung Quốc-Australia. Thứ hai, sự “thân Tây xa Á” của Australia trong vấn đề nhận thức về bản sắc cũng khiến họ có xu hướng xích lại với Mỹ hơn.
Là một quốc gia độc lập từ các thuộc địa của Anh, Australia tự nhiên mang trong mình một tình cảm mạnh mẽ với dòng dõi Anglo-Saxon. Đặc biệt là chính sách “Australia trắng” được thực hiện kéo dài sau khi độc lập vẫn còn gây ra ảnh hưởng sâu rộng đối với bản sắc quốc gia và dân tộc. Đối với phe Mỹ và Anh, có cùng nguồn gốc Anglo-Saxon với họ, Australia có một cảm giác tự nhiên và sự thân thuộc. Như cựu Thủ tướng Howard từng nói rằng giá trị phương Tây là nền tảng của Australia. Tuy nhiên, việc hủy bỏ chính sách “Australia trắng” sau những năm 70 và giao lưu mật thiết với các quốc gia châu Á cũng đã thúc đẩy “ý thức châu Á” ở Australia, thậm chí sách trắng Ngoại giao năm 2012 còn được đặt tên là “Australia thế kỷ của châu Á”. Nhưng đáng tiếc là, cho đến ngày nay, Australia vẫn không coi mình là một quốc gia châu Á “hoàn toàn”, và không được các quốc gia châu Á nắm bắt “bản sắc châu Á” của mình. Sự thiếu hụt này về nhận thức Châu Á đã làm cho Australia nhanh chóng trở lại phương Tây trong bối cảnh sự gia tăng sự chia rẽ của các phe. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố trong nước, yếu tố hệ thống cũng là mấu chốt thúc đẩy Australia trở thành một thành viên chủ chốt của “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ nhằm chặn đứng Trung Quốc.
Một mặt, mức độ phụ thuộc vào chuỗi cung ứng chính của Australia đối với Trung Quốc và Mỹ là khác nhau. Mặc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là nước nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm nông nghiệp và khoáng sản của Australia, nhưng sự phụ thuộc của Australia vào thị trường Trung Quốc không phải là không thể thay thế cho Mỹ và các đồng minh. Kể từ năm 2020, Australia đã tăng cường hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và các quốc gia khác, đa dạng hóa cơ cấu xuất khẩu và tự giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các nước như Mỹ, Nhật Bản cũng rất quan tâm đến tiềm năng của Australia đối với trữ lượng khoáng sản quan trọng như lithium, nhiều lần đàm phán với Australia để triển khai hợp tác chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng nhằm phòng ngừa ảnh hưởng của Trung Quốc. Trong khi đó, sự phụ thuộc của Australia vào chuỗi cung ứng từ Mỹ chủ yếu là sự phụ thuộc vào công nghệ, ví dụ như nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin, công nghệ quân sự, và ngoại trừ Mỹ, Australia khó mà tìm được một lựa chọn thay thế khác trên toàn cầu. Mặt khác, Australia thiếu một hệ thống cơ bản mạnh mẽ để giảm áp lực từ cuộc cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù đã thiết lập “Mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt” với Nhật Bản, “Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Hàn Quốc, xây dựng “Hợp tác đối tác trung bình” (MIKTA), tạo ra Diễn đàn Australia – ASEAN và tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) để đối phó với rủi ro từ cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Nhưng Australia không phải là một thành viên chính thức của các tổ chức khu vực như ASEAN, và các đối tác “kết hợp” của Australia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hầu hết là các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc phụ thuộc mạnh mẽ vào Mỹ. Điều này ngụ ý rằng hệ thống cơ bản của Australia để đối phó với cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc là yếu, và khó có thể tạo ra một cơ chế hiệu quả để đối phó với áp lực này.
Do đó, sau khi các yếu tố trong nước bước đầu thiết lập xu hướng chiến lược “liên minh Mỹ chống Trung” của Australia, các yếu tố hệ thống đã làm cho xu hướng này trở nên cực đoan hơn. Australia không chỉ trở thành thành viên trụ cột của Đối thoại An ninh Tứ giác (QUAD), đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS), và liên minh “ngũ nhãn” (FVEY), mà còn thường xuyên tấn công Trung Quốc trên nhiều vấn đề. Chính sách đối với Trung Quốc rơi vào tình trạng mất trọng tâm và sự đúng đắn về mặt an ninh, gây ra tổn thương nghiêm trọng cho quan hệ Trung Quốc-Australia. Australia đã trở thành một trong những thành viên nổi bật nhất trong số các đồng minh của Mỹ với nhận thức chống Trung Quốc rõ ràng nhất và thái độ nổi bật nhất, là đại diện cho các quốc gia “ liên minh Mỹ chống Trung” trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương…
Còn tiếp…
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Zhang Chi (张弛) là Phó Giáo sư, Tiến sĩ tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải. Xu hướng nghiên cứu chính là Luật quốc tế, quan hệ quốc tế và chiến lược an ninh khu vực Đông Bắc Á. Bài viết được đăng trên tạp chí Thái Bình Dương, tập 32, số 3/2024.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Bản dịch này đã lược bỏ các chú thích tài liệu tham khảo, quý độc giả cần bản gốc của bài báo khoa học này có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]