Cuộc xung đột Nga – Ukraine đã trải qua hơn 18 tháng ròng rã, tương đương hơn 600 ngày các bên tham chiến tiến hành giao tranh trên lãnh thổ Ukraine. Cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine bắt đầu với chiến dịch quân sự đặc biệt của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 24/02/2022, được tuyên bố nhắm tới mục đích “phi quân sự hóa” và “phi hạt nhân hóa” Ukraine đồng thời ngăn chặn tư cách trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Kiev – điều mà Moskva cho rằng sẽ tạo ra một mối nguy hại an ninh tại sườn Tây nước này cũng như cho đồng minh Belarus của họ. Việc Nga chính thức đưa quân đội đến Ukraine bắt đầu với hoạt động kiểm soát các thành phố phía Nam Ukraine bằng biện pháp bạo lực đã khiến Mỹ, các quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu (EU) cũng như các quốc gia thuộc khối NATO nhận thức được mối đe dọa về an ninh đặc biệt nghiêm trọng từ chính quyền Tổng thống Putin. Đặc biệt, trong số đó, chính phủ và người dân các quốc gia Trung và Đông Âu (CEEC) hơn ai hết là những nước thấy được rõ nhất nguy cơ bất ổn an ninh và chính trị tiềm tàng đối với chính họ.
Các nước Trung và Đông Âu (CEEC) là một thuật ngữ địa chính trị bao gồm các quốc gia đến từ Trung Âu, Đông Âu và các quốc gia Baltic, cụ thể có 12 quốc gia trong nhóm này: Albania, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, và Litva (3 quốc gia vùng Baltic). Trong xung đột quân sự của Nga và Ukraine, vị trí địa lý và chính sách của các chính phủ Trung và Đông Âu có các ảnh hưởng nhất định đến cục diện, diễn biến, thời gian xung đột và kết quả xung đột trong cuộc chiến được đánh giá là “xung đột lớn nhất châu Âu sau Thế chiến thứ II”. Sở dĩ có thể nói điều này, bởi dễ dàng nhận thấy các quốc gia Trung và Đông Âu có vị trí địa lý đặc biệt, nằm sát sườn Tây của Nga và đồng minh Belarus, tiếp giáp trực tiếp với Ukraine tại các khu vực phía Tây. Đồng thời, vùng lãnh thổ tách rời Kaliningrad của Nga cũng bị kẹp giữa Litva và Ba Lan. Các quốc gia đồng minh NATO phân bố dày cạnh biên giới của Nga cũng như Belarus và quyết định về hoạt động đối ngoại của các quốc gia này đã, đang và sẽ tạo ra các tác động khó lường và phức tạp đến toàn cảnh cuộc chiến tại Ukraine hiện tại trên nhiều khía cạnh. Hơn nữa, khu vực Trung và Đông Âu cũng là cửa ngõ thông thương quan trọng của Ukraine trong vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong bối cảnh Nga đã tiến hành phong tỏa cửa ngõ thông thương truyền thống của Ukraine tại biển Đen khiến nước này gặp nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu hàng nông sản của mình, cửa ngõ đường bộ tại các quốc gia Đông Âu và các vùng biển cửa ngõ của các quốc gia Baltic sẽ là một con đường chiến lược mới giải vây cho nền kinh tế nước này.
Quan điểm của các quốc gia Trung và Đông Âu về cuộc xung đột Nga – Ukraine
Nhìn chung, các quốc gia Trung và Đông Âu là các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đồng thời cũng là thành viên của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) do đó về cơ bản họ có những chính sách đối ngoại kinh tế và những chính sách quân sự, quốc phòng tương đối đồng nhất nhất. Các chính sách ủng hộ của Liên minh châu Âu đối với Ukraine và lập trường chống lại Nga thể hiện trên nhiều mặt, đặc biệt chú trọng vào: kinh tế, chính trị-quân sự và ngoại giao.
Về kinh tế, các quốc gia Trung và Đông Âu là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU) vì vậy họ cũng có những phần đóng góp trong các gói hỗ trợ chung của khối, cả về mặt tài chính lẫn ý tưởng. Quan điểm của phần lớn các quốc gia Trung và Đông Âu cũng như các quốc gia EU khác đối với vấn đề Ukraine là hỗ trợ để đảm bảo an toàn của khu vực biên giới phía Đông của liên minh. Tính đến đầu tháng 2/2023, EU công bố đã viện trợ cho Ukraine. Tháng 6/2023, EU thông báo gói hỗ trợ thứ 7 của nhóm này đối với Kiev trị giá 50 tỷ Euro, trong đó có 33 tỷ Euro dành vào việc hỗ trợ tài chính vĩ mô và bổ sung ngân khố quốc gia của Ukraine, tập trung vào việc tài trợ các chi tiêu hiện tại của Chính phủ Ukraine như chi trả lương và một số dịch vụ công cộng, cũng như các chi phí liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu[1]. Tất cả các gói hỗ trợ được công bố bởi Liên minh châu Âu (EU) đều đòi hỏi sự đồng thuận tuyệt đối từ 27 quốc gia thành viên, do đó các gói hỗ trợ kinh tế mà nhóm này thể hiện quan điểm đồng nhất của các quốc gia Trung và Đông Âu đối với việc ủng hộ Kiev trong cuộc chiến với Nga. Ngoài ra, quan điểm của EU nói chung cũng như các quốc gia Trung và Đông Âu nói riêng về vấn đề hỗ trợ kinh tế cho Ukraine cũng rất cởi mở và sẵn sàng. Đặc biệt thể hiện thông qua việc xử lý vấn đề xuất khẩu nông sản – cụ thể là lúa mỳ của Ukraine. Ukraine là nước sản xuất lúa mì với sản lượng lớn bậc nhất thế giới. Các cuộc xung đột diễn ra liên miên trên lãnh thổ nước này trong vòng hơn 1 năm qua không chỉ khiến cho các hoạt động sản xuất bị gián đoạn mà các phương thức vận tải hàng nông sản cũng bị thiệt hại do cơ sở hạ tầng bị phá hủy, các cảng biển tại biển Đen bị Nga tiến hành phong tỏa. Các quốc gia châu Âu, đặc biệt là các nước Trung và Đông Âu, đơn cử như Ba Lan, đã “khảng khái” chấp nhận dòng chảy của nông sản Ukraine vào nước này, tạm thời giải quyết vấn đề xuất khẩu lương thực cho Kiev. Tuy nhiên sau đó, biện pháp này đã có những tác động xấu đến nền kinh tế Ba Lan, đặc biệt là những người nông dân nước này do đó Liên minh châu Âu đã sớm có những phương án điều chỉnh để phù hợp tình hình. Cụ thể, EU đã có các cuộc thảo luận việc mở các cảng biển cũng như tăng cường các gói hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng: hầm chứa tạm thời lưu trữ ngũ cốc, sử dụng thay thế cảng trung chuyển Constanta của Romania và một số nước Baltic khác để giảm giá thành sản phẩm từ Ukraine qua đó kích thích xuất khẩu,…Tuy tình hình nhìn chung chưa được giải quyết triệt để, nhưng có thể thấy những nỗ lực các quốc gia Trung và Đông Âu trong việc hỗ trợ Kiev ổn định kinh tế tập trung vào cuộc xung đột với Nga.
Các quốc gia Trung và Đông Âu, phần lớn để trực tiếp thể hiện lập trường chống Nga thông qua việc đồng thuận áp đặt các lệnh trừng phạt lên Moscow. Chỉ vài giờ sau khi chính thức tuyên bố khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt đối với Ukraine, Nga đưa quân vào lãnh thổ Ukraine để hiện thực hóa chiến lược quân sự của mình. Ngay lập tức, nước này cũng gặp phải những động thái đáp trả về kinh tế từ Trung và Đông Âu, nhằm phản đối hoạt động quân sự của họ trên lãnh thổ Ukraine. Kể từ tháng 02/2022 đến tháng 5/2023 ghi nhận tổng cộng 13.000 biện pháp hạn chế từ phương Tây, tương đương 10 vòng trừng phạt nhắm vào Nga. Các biện pháp trừng phạt kinh tế dành cho chính quyền Tổng thống Putin tập trung nhiều vào việc hạn chế khả năng sử dụng đồng đô la và Euro, áp giá trần các mặt hàng năng lượng – mặt hàng mũi nhọn của Nga, cô lập khỏi thị trường tài chính toàn cầu[2]. Các quốc gia phương Tây đã tiến hành áp giá trần đối với dầu thô của Nga từ ngày 5/12/2022 tương đương 60 USD một thùng[3].
Song song với kinh tế, lĩnh vực chính trị – quân sự cũng được nhìn nhận là khía cạnh nhận được sự quan tâm lớn trong cuộc xung đột Nga – Ukraine. Phần lớn các quốc gia Trung và Đông Âu có chung luồng quan điểm về việc chống lại mối đe dọa an ninh đến từ Nga nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia mình. Trước tiên là những phương án phòng thủ thể hiện lập trường chính trị rõ ràng của các quốc gia Trung và Đông Âu. Ngay sau khi Nga chính thức công bố chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này đối với chính quyền Kiev, Mỹ và NATO, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới với Nga như Ba Lan, Romania, Estonia, Litva, Latvia, đã có những động thái quân sự rõ ràng. Cụ thể, NATO và Mỹ đã triển khai thêm lính tới các quốc gia này đồng thời cũng cung cấp máy bay chiến đấu cho các quốc gia nói trên. Các quốc gia này cũng chủ động kích hoạt Điều 4 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO để khởi động cuộc tham vấn trong tổ chức này[4]. Điều 4 cho phép các quốc gia thành viên bắt đầu tham vấn chính thức nếu một quốc gia thành viên cảm thấy bị đe dọa và có thể dẫn đến hành động tập thể của NATO. Mặc dù trên thực tế, Điều 4 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không nhất thiết dẫn đến việc NATO trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột nhưng cũng đã phần nào thể hiện sự cứng rắn và rõ ràng của các quốc gia Trung và Đông Âu trong quan điểm đối với chính quyền tổng thống Putin.
Ngoài ra, quan điểm của các quốc gia Trung và Đông Âu đối với xung đột Nga-Ukraine cũng được thể hiện trong việc các nước này tích cực viện trợ quân sự cho Ukraine. Xét trên phương diện toàn khối, mức trần các gói hỗ trợ dành cho các hoạt động quân sự của Ukraine tính đến tháng 6/2023 đã đạt tới 12 tỷ Euro[5]. Bên cạnh đó, bản thân các quốc gia Trung và Đông Âu cũng có những động thái hỗ trợ trực tiếp đối với Ukraine như hỗ trợ gửi máy bay, viện trợ, hợp tác sản xuất vũ khí, xuất khẩu vũ khí, gửi lính, đào tạo lính sử dụng vũ khí…. Đơn cử, Cộng hòa Séc, trước chiến dịch quân sự đặc biệt, là một nước có lập trường thân Nga. Nước này đã từng phàn nàn về việc NATO gửi quân đến Ukraine vì cho rằng Ukraine không phải một thành viên của NATO do vậy không cần có trách nhiệm bảo vệ. Tuy nhiên sau đó, khi cuộc xung đột thực sự nổ ra, chính quyền Séc đã quay sang ủng hộ chính quyền Tổng thống Zelensky, tiến hành viện trợ vũ khí đạn dược, thành lập các liên doanh hợp tác sản xuất vật liệu quân sự phục vụ nhu cầu chiến trường tại Ukraine. Mặc dù hiện tại Cộng hòa Séc cũng đang cắt giảm mức viện trợ đối với người tị nạn Ukraine do các chính sách củng cố tài chính nội địa nhưng nhìn chung đây vẫn là một quốc gia nhiệt tình đối với Ukraine và trực tiếp chống chính quyền Nga. Cộng hòa Séc không chỉ ủng hộ quân sự và dân sự trong xung đột mà còn bày tỏ mong muốn hỗ trợ cả quá trình Ukraine gia nhập EU và NATO. Ngoài ra cũng có thể kể đến Bulgaria, cuộc xung đột Ukraine đã khiến cho ngành sản xuất cũ khí của nước này phát triển mạnh. Tuy vậy, Bulgaria vẫn chưa trực tiếp cung cấp vũ khí cho Ukraine mà chỉ sản xuất và bán cho các quốc gia khác, sau đó gián tiếp nhập vào Ukraine. Sở dĩ có điều này là bởi các tác động từ dư luận trong nước phản đối việc viện trợ chiến tranh cho Ukraine. Tháng 11/2022 ghi nhận Bulgaria lần đầu viện trợ quân sự cho Ukraine và khẳng định họ là một “đồng minh đáng tin cậy thông qua quyết định” này[6].
Trong một phương diện khác là các động thái xung đột ngoại giao, các quốc gia Trung và Đông Âu cũng có những hành động thể hiện quan điểm phản đối việc đưa quân vào lãnh thổ Ukraine của Nga. Có thể thấy rất nhiều các quốc gia Trung và Đông Âu đã tiến hành hạ cấp quan hệ ngoại giao và trục xuất các nhà ngoại giao Nga ra khỏi lãnh thổ nước mình như Slovakia, Estonia, Romania, Romania là những ví dụ điển hình cho các hoạt động này. Romania đã chính thức trục xuất 40 nhà ngoại giao và nhân viên Đại sứ quán của Nga gồm 11 nhà ngoại giao và 29 nhân viên kỹ thuật hành chính ra khỏi lãnh thổ nước mình thông qua một chuyến bay của hãng hàng không Nga trong ngày 1/7/2023 (giờ địa phương).
Dựa trên nền tảng lợi ích quốc gia, dân tộc, các thành viên trong cùng một khối liên minh, kể cả khối liên minh chặt chẽ như EU và NATO, vẫn có những sự khác biệt trong chính sách phụ thuộc vào vị trí địa lý và lợi ích riêng của quốc gia đó, thậm chí ngay trong một quốc gia cũng có sự thay đổi linh hoạt về các chính sách. Có những nước chống Nga rất rõ ràng nhưng vẫn có các quốc gia chỉ chống trên một số lĩnh vực, tức đồng lòng theo khối chứ không có động thái riêng vì còn phụ thuộc lợi ích vào Nga, đặc biệt là vấn đề dầu mỏ. Xét về vấn đề xung đột vũ trang tại Ukraine, các quốc gia Trung và Đông Âu là những nước có nhiều động thái và nhiều luồng quan điểm nhất bởi đây là các quốc gia trực tiếp chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến. Chỉ tính riêng trong nhóm các nước này, đã có tới 3 luồng quan điểm khác nhau gồm các quốc gia trung lập, các quốc gia tích cực ủng hộ Ukraine và các quốc gia phản đối sự ủng hộ đối với Ukraine. Các quốc gia không có động thái cá nhân rõ ràng có thể kể đến như Albania. Albania chủ trương tiến hành chính sách cô lập và gần như không có sự giao tiếp quá nhiều với các quốc gia bên ngoài, các hành động và quan điểm của chính phủ nước này đối với vấn đề xung đột Nga – Ukraine cũng không được ghi nhận rõ ràng trong hơn 600 ngày vừa qua.
Ngoài một vài quốc gia giữ lập trường trung lập không can dự vào vấn đề xung đột Nga – Ukraine, quan điểm các nước Trung và Đông Âu còn chia thành hai phe rõ rệt khác là phe phản đối và ủng hộ. Trung và Đông Âu sở hữu số lượng các quốc gia ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến lần này tương đối đông đảo với số lượng các động thái đáng kể. Ba Lan được xem là một trong những quốc gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, là “trụ cột” của NATO bảo vệ Kiev trước Moskva. Chia sẻ đường biên giới dài với Ukraine, Ba Lan là cửa ngõ phía Tây giải vây Ukraine trong chiến dịch phong tỏa sườn Đông và biển Đen của Nga. Bản thân Ba Lan cũng đã có hàng loạt các chính sách phòng thủ trước Nga và ủng hộ Ukraine. Cụ thể, nước này đã xây dựng hàng rào điện tử ở biên giới tiếp giáp khu vực Kaliningrad của Nga từ ngày 18/4/2023 và tường biên giới với Belarus – một đồng minh thân cận của Moscow[7]. Trong vấn đề viện trợ Ukraine, Ba Lan triển khai các chính sách viện trợ rất đa dạng trong nhiều lĩnh vực: nhất trí gói viện trợ chung của khối Liên minh Châu Âu (EU), chuyển giao vũ khí, thiết bị quân sự cho Ukraine. Warsaw được ghi nhận đã và chuyển giao khoảng 10 chiếc trực thăng Mi-24 cho Ukraine[8], 14 chiếc MiG-29, 232 xe tăng T-72M1, 100 xe bọc thép, súng cối từ hành và hệ thống phòng không, hệ thống pháp phản lực bắn loạt, máy bay không người lái,v.v. Ba Lan được ghi nhận là quốc gia hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhiều thứ hai, chỉ xếp sau Mỹ. Gần đây nhất, nhằm giải quyết vấn đề kinh tế mới nổi giữa Ba Lan và Ukraine, chính quyền tổng thống Duda đề xuất EU đầu tư 1 tỷ euro hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc Ukraine, trong đó 500 triệu euro sẽ được dùng để mở rộng các cửa khẩu biên giới hiện có ở thành phố Przemysl, số còn lại dùng để hiện đại hóa các cửa khẩu biên giới đường sắt Ba Lan – Ukraine[9]. Mặc dù Ba Lan đã thực hiện chính sách cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine để làm an lòng người nông dân trong nước nhưng có thể thấy Ba Lan rất tích cực trong việc giải quyết các vấn đề của nước láng giềng Ukraine trên nhiều phương diện. Trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo, Ba Lan mở cửa đón các công dân Ukraine tị nạn với số lượng lớn, đảm bảo chỗ ở, lương thực cho người tị nạn. Ngoài Ba Lan, Cộng hòa Séc, Romania, Slovakia cũng là những quốc gia thuộc phe ủng hộ đối với vấn đề Ukraine. Tuy vậy, thời gian gần đây quan điểm của Slovakia tỏ ra mập mờ trong bối cảnh chính phủ phe đối lập của nước này đang có khả năng lên nắm quyền với cam kết không tham gia vào cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Trong khi đó, mặc dù cũng là một thành viên của Liên minh Châu Âu EU, Hungary lại là nước đứng đầu chiến tuyến còn lại, chủ trương nghiêng về phía Nga. Hungary kiên định phủ quyết các lệnh trừng phạt nhắm đến Nga trong lĩnh vực năng lượng bởi nước này có mức độ phụ thuộc năng lượng vào Nga rất lớn. Mặc dù Hungary cũng đã cùng EU hỗ trợ Ukraine rất nhiều nhưng khi căng thẳng kéo dài, Budapest cho thấy lập trường đang thay đổi mạnh mẽ. Nước này cũng nhiều lần chỉ trích các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga vì cho rằng các biện pháp này không hề làm suy yếu Nga như mong đợi mà trái lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế châu Âu[10]. Đồng thời, chính quyền Hungary đã tuyên bố rằng Ukraine không thế thắng Nga nhờ viện trợ phương Tây, nhiều lần thúc ép Ukraine nên ngồi vào bàn đàm phán thay vì tiếp tục cuộc chiến, và nhiều lần đe dọa chặn gói viện trợ Ukraine cũng như không cho phương Tây cung cấp vũ khí qua lãnh thổ Hungary. Bên cạnh đó, Serbia cũng là quốc gia cứng rắn trong phe phản đối. Serbia thể hiện rõ quan điểm không áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga của Phương Tây. Giải thích nguyên nhân cho hành động này, chính quyền Tổng thống Aleksandar Vucic khẳng định “các biện pháp trừng phạt là vô đạo đức và không hiệu quả” và đây là “quyết định có lợi cho công dân Serbia”.
Tác động của các nước Trung và Đông Âu tới cuộc xung đột
Các tác động được tạo ra từ các chính sách và quan điểm của các quốc gia láng giềng Trung và Đông Âu đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine rất đa dạng và khiến kết quả của cuộc xung đột khó đoán định hơn bao giờ hết.
Rõ ràng, việc EU và các quốc gia Trung, Đông Âu như Ba Lan liên tục và đều đặn viện trợ cho phía chính quyền Tổng thống Zelensky sẽ khiến cho Ukraine tiếp tục duy trì được cục diện hiện tại trong một thời gian nhất định. Việc này có thể dẫn đến hệ quả kéo dài thời gian của một cuộc xung đột. Kết quả của một cuộc xung đột là sự kết hợp giữa binh lực và vũ khí. Trên thực tế, trong các cuộc chiến tranh hiện đại, vũ khí và thiết bị quân sự đóng vai trò rất quan trọng gần, thậm chí ngang ngửa vai trò của các chiến lược, và rõ ràng Nga đang có ưu thế hơn Ukraine trong cuộc xung đột lần này.
Trên thực tế, tình hình chiến sự hiện nay đang có nhiều bất lợi dành cho phía Ukraine. Trước hết, quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn khi chiến tuyến cần phòng thủ quá dài. Ngày 24/02/2022, quân đội Nga chính thức đưa quân vào Ukraine và chiếm được các tỉnh phía Bắc, sườn Đông và Nam Ukraine. Các nỗ lực quân sự của chính phủ Ukraine và các đồng minh phương Tây đã giúp cho nước này giành lại được phần lớn các tỉnh phía Bắc tính đến tháng 4/2022, tức khoảng hơn 1 tháng sau khi cuộc chiến nổ ra. Các khu vực phía Đông và miền Nam nước này vẫn đang được kiểm soát bởi quân đội Nga và gần như có rất ít sự tiến triển trong tình hình quân sự của Ukraine tính đến hiện tại. Không thể thừa nhận sự giằng co diễn ra rất căng thẳng nhưng kết quả của các cuộc phản công giành lại lãnh thổ từ phía Ukraine còn rất khiêm tốn. Tháng 9/2022 ghi nhận sự đột phá của Ukraine khi giành lại thêm một phần lãnh thổ phía Đông thuộc thành phố Kharkiv. Một phần lãnh thổ ở Kherson, tức miền Nam Ukraine cũng được giành lại sau đó vào tháng 11/2022. Kể từ tháng 11/2022 đến hết chiến dịch phản công mùa hè – khởi động vào tháng 6/2023 – quân đội Ukraine chưa có được thêm những thành tựu lớn trong việc đẩy lùi quân Nga tại lãnh thổ của mình. Do đó, tính đến hiện tại, mặc dù có thể thấy quân đội Ukraine đã có được những thành tựu nhất định nhưng vẫn ở trong tình trạng bị động cao bởi vùng phía Đông Nam Ukraine hiện được Nga củng cố phòng thủ rất chặt chẽ với các chiến lược sử dụng các bãi mìn phòng thủ đánh lừa các vũ khí của Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, nước này cũng cần đảm bảo an ninh từ phía sườn Bắc khi giáp ranh với Belarus – đồng minh thân cận của Nga và đảm bảo giữ vững khu vực phía Đông Bắc đã chiếm lại được. Ukraine có quá nhiều mục tiêu để bảo vệ trong khi lực lượng quân đội có hạn và rõ ràng lợi thế đang nằm ở phía Nga khi có thể tấn công Ukraine từ hai hướng. Chiến thuật của Ukraine hiện tại là chọc thủng hàng phòng thủ của Nga ở phía Đông Bắc và giành lại lãnh thổ trước khi mùa đông đến.
Không có lợi thế về binh lực, vũ khí và trang thiết bị quân sự là điểm bù trừ còn lại để củng cố sức mạnh của quân đội Ukraine. Trên thực tế, Ukraine gần như phụ thuộc nguồn cung vũ khí vào Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt là đồng minh thân cận từ các nước Trung và Đông Âu như Ba Lan. Việc cung cấp viện trợ kinh tế, viện trợ quân sự từ các nước này đã góp phần lớn trong việc tạo thế cân bằng trên chiến trường Nga – Ukraine. Vũ khí và các trang thiết bị quân sự hiện đại đã bù đắp các thiếu sót của binh lực và hạn chế về chiến trường tại Ukraine. Thiếu đi sự ủng hộ và viện trợ trên nhiều mặt của các nước này, tình hình chiến sự tại Ukraine rõ ràng sẽ trở nên mất cân đối và chính quyền tổng thống Zelensky có thể sẽ phải đối diện với nhiều tổn thất hơn nữa.
Mặt khác, các hoạt động viện trợ kinh tế, sức ép từ xung đột ngoại giao và đặc biệt là các hỗ trợ quân sự cũng có các tác động nhất định đến Nga. Từ phía Nga, việc châu Âu và Mỹ liên tục có các viện trợ về thiết bị quân sự và binh lính tới Ukraine có thể phát triển thành việc các nước châu Âu trực tiếp tham chiến trong cuộc xung đột lần này giữa Nga và Ukraine. Đây được xem là mối đe dọa nghiêm trọng với Nga và nước này cho biết sẽ dùng vũ khí hạt nhân nếu cuộc tấn công của Ukraine do NATO hậu thuẫn diễn ra thuận lợi và chiếm lại lãnh thổ mà nước này cho rằng là của mình. Do vậy, việc các nước Trung và Đông Âu cũng như NATO nói chung tiếp tục có các bước viện trợ chắc chắn sẽ đưa cuộc xung đột tiếp tục tiến vào giai đoạn căng thẳng và sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Tiếp cận từ quan điểm của nhóm phản đối, đứng đầu là Hungary. Mặc dù tính đến hiện tại, số lượng các quốc gia Trung và Đông Âu nói riêng và EU nói chung có quan điểm phản đối về việc ủng hộ khí tài cho Ukraine còn là thiểu số, các nước này vẫn có thể tạo ra những rào cản thậm chí còn tạo thành một làn sóng mới có khả năng làm đổi hướng chiến lược trong toàn khối NATO. Hiện nay, các quốc gia phản đối này đã gây ra các khó khăn trong việc thống nhất cũng như triển khai các hoạt động viện trợ cho Ukraine và đưa ra các lệnh trừng phạt cho Nga. Hệ quả là làm gián đoạn và trì hoãn các hoạt động viện trợ. Sự thiếu hụt các trang thiết bị quân sự cần thiết trong thời điểm quan trọng có thể gây ra thất bại cho quân đội chính phủ Ukraine. Hungary và một số quốc gia từ chối các biện pháp chống Nga cũng như hỗ trợ quân sự cho Ukraine bởi các nước này còn phụ thuộc nhiều vào Moscow đặc biệt trong vấn đề dầu mỏ. Một số quốc gia khác lại không có cái nhìn lạc quan vào kết quả của cuộc chiến tại Ukraine nên không sẵn sàng hỗ trợ. Rõ ràng, có thể thấy khi một cuộc chiến diễn ra quá lâu và không đem lại nhiều kết quả rõ rệt, các bên hỗ trợ sẽ dần kiệt quệ và xu thế từ bỏ bắt đầu diễn ra. Các quốc gia tập trung vào lợi ích phát triển của mình nhiều hơn là lo lắng và viện trợ cho một cuộc chiến tranh chỉ vì “chính nghĩa”.
Dự báo những xu thế trong thời gian tới
Đặt trong tình thế và bối cảnh hiện tại, việc các quốc gia châu Âu dừng các biện pháp hợp tác ủng hộ Ukraine ngay lập tức dường như là điều không thể. Ukraine hiện tại vẫn đang là lá chắn quan trọng cho an ninh của khối NATO nói chung và các quốc gia Trung và Đông Âu nói riêng, do vậy việc ra sức hợp tác và bảo vệ lá chắn này là việc làm cần được ưu tiên chú trọng. Điều này có thể dễ dàng nhận thấy ở tầm nhìn và hành động của các nhà lãnh đạo EU, trong đó có sự tham gia của các nước Trung và Đông Âu. Cụ thể, tháng 6/2023, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu tuyên bố EU sẽ cấp cho Ukraine khoản viện trợ 50 tỷ Euro trong giai đoạn 2024-2027, tức trong vòng 3 năm sắp tới các quốc gia châu Âu vẫn cho thấy mức độ quan tâm và mong muốn hỗ trợ cao đối với vấn đề xung đột tại Ukraine.
Trong tương lai xa, thật khó để đoán định quan điểm của các quốc gia sẽ biến đổi như thế nào và các kịch bản sẽ diễn ra theo hướng nào. Tuy nhiên điều này có thể được dự đoán sau kết quả của cuộc phản công trước mùa thu của chính quyền Tổng thống Zelensky. Cuộc phản công giai đoạn 2 của Ukraine tiếp nối cuộc phản công mùa hè nhằm chiếm lại các vùng lãnh thổ phía Đông Nam Ukraine đã bị Nga chiếm đóng. Kết quả của cuộc phản công này có khả năng sẽ trở thành một trong những chiếc chìa khóa quyết định quan điểm và lập trường của các quốc gia châu Âu, đặc biệt là các quốc gia khu vực láng giềng Trung và Đông Âu. Nó sẽ đem lại hi vọng về một nền hòa bình Ukraine sau hàng loạt hỗ trợ của Mỹ và phương Tây hay là nỗi thất vọng về tương lai của vùng đất này? Tính đến thời điểm hiện tại, cuộc phản công của Ukraine được ghi nhận là chưa có nhiều thành tựu và đang trong thế đóng băng. Hai bên xung đột đang giằng co từng tấc đất nhưng các vùng đất Ukraine chiếm lại được còn rất nhỏ lẻ và phải đánh đổi nhiều. Tuy nhiên cũng chưa có gì chắc chắn có thể khẳng định khi chiến dịch mùa thu chưa đi đến hồi kết./.
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Diệp
Mọi trao đổi học thuật cũng như các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ Ban Biên tập Nghiên cứu Chiến lược qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] H Hà (2023), “EU đề xuất gói hỗ trợ 50 tỷ Euro cho Ukraine”, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/eu-de-xuat-goi-ho-tro-50-ty-euro-cho-ukraine-640335.html
[2] Thanh Tâm (2023), “Sóng trừng phạt phương Tây thay đổi nền kinh tế Nga”, Báo Điện tử Vn Express, https://vnexpress.net/song-trung-phat-phuong-tay-thay-doi-nen-kinh-te-nga-4605855.html
[3] Nguyễn Thu (2023), Quyết định mới nhất của EU về giá trần với dầu Nga, Kinh tế Đô thị, https://kinhtedothi.vn/quyet-dinh-moi-nhat-cua-eu-ve-gia-tran-voi-dau-nga.html
[4] Công Thuận (2022), Tổng hợp phản ứng của Mỹ và phương Tây về cuộc xung đột Nga-Ukraine, https://phoyen.thainguyen.gov.vn/tin-quoc-te/-/asset_publisher/x2qR6wPFecJP/content/tong-hop-phan-ung-cua-my-va-phuong-tay-ve-cuoc-xung-ot-nga-ukraine/20181?
[5] VTV (2023), EU bổ sung 3,5 tỷ euro hỗ trợ quân sự cho Ukraine, https://vtv.vn/the-gioi/eu-bo-sung-35-ty-euro-ho-tro-quan-su-cho-ukraine-20230626223353731.htm
[6] Ngọc Ánh (2022), Bulgaria lần đầu viện trợ quân sự cho Ukraine, https://vnexpress.net/bulgaria-lan-dau-vien-tro-quan-su-cho-ukraine-4531866.html
[7] Ngọc Vân (2022), Serbia giải thích lý do không tham gia trừng phạt Nga, https://laodong.vn/thoi-su-quoc-te/serbia-giai-thich-ly-do-khong-tham-gia-trung-phat-nga-1035364.ldo
[8] Quỳnh Như (2023), Ba Lan bí mật bàn giao trực thăng tấn công Mi-24 cho Ukraine, https://tienphong.vn/ba-lan-bi-mat-ban-giao-truc-thang-tan-cong-mi-24-cho-ukraine-post1549910.tpo
[9] TTXVN (2023), “Ba Lan đề xuất EU đầu tư 1 tỷ euro hỗ trợ xuất khẩu ngũ cốc Ukraine”, Báo Nhân dân dẫn lại, https://nhandan.vn/ba-lan-de-xuat-eu-dau-tu-1-ty-euro-ho-tro-xuat-khau-ngu-coc-ukraine-post765831.html
[10] Bình An (2023), Hungary lại cản đường EU trừng phạt Nga, https://tuoitre.vn/hungary-lai-can-duong-eu-trung-phat-nga-20230127151619053.htm