Với vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược Hành động Hướng Đông (AEP) của Ấn độ và sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc, sự bất ổn tại Bangladesh đã đặt ra thách thức vô cùng lớn đối với cán cân quyền lực trong khu vực. Trung Quốc và Ấn độ sẽ có những động thái chiến lược nào trong thời gian sắp tới nhằm đối phó với tình hình đang diễn ra? Chính sự điều chỉnh thích nghi của cả 2 cường quốc có thể khiến cục diện chính trị khu vực thay đổi. Là quốc gia láng giềng quan trọng hàng đầu và cũng là cường quốc đang có tầm ảnh hưởng lớn nhất tại khu vực, Ấn Độ sẽ làm gì để đảm bảo chính sách hành động Hướng Đông sẽ không bị gián đoạn?
Cuộc khủng hoảng tại Bangladesh
Ngày 05/8/2024, chuyến bay chở bà Sheikh Hasina đã rời khỏi đất nước, chấm dứt 15 năm cầm quyền liên tục của nữ Thủ tướng đầu tiên ở Bangladesh, bỏ lại phía sau cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát đối với quốc gia này. Nguồn cơn của cuộc khủng hoảng được giới quan sát đánh giá là bắt đầu từ chính sách “hạn ngạch viên chức”, khi Tòa án Tối cao Bangladesh khôi phục hạn ngạch dành riêng tới 30% việc làm của Chính phủ cho người thân của những cựu chiến binh đã tham gia vào cuộc chiến giành độc lập của đất nước khỏi Pakistan năm 1971. Hệ thống hạn ngạch được thiết lập bởi Thủ tướng lúc bấy giờ là Sheikh Mujibur Rahman, cha của Thủ tướng Sheikh Hasina, như một biện pháp để ghi nhớ công lao của những người đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Tuy nhiên, sau hơn 50 năm, hậu duệ của những cựu chiến binh đấu tranh giành tự do chỉ chiếm một phần nhỏ (khoảng 0,12% đến 0,2% dân số Bangladesh). Nhưng liệu đây có thực sự là nguồn cơn thúc đẩy sự tức giận của giới sinh viên và sau đó sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội?
Ngược về quá khứ, vào 7/2018, các cuộc biểu tình của sinh viên Bangladesh nổ ra với khẩu hiệu loại bỏ chế độ hạn ngạch viên chức. Các cuộc biểu tình này được xem là thách thức lớn đầu tiên đối với chính phủ của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina sau 7 tháng bà đắc cử. Chính phủ phải chấp nhận bãi bỏ chế độ hạn ngạch viên chức, ‘‘chiến thắng’’ về tay sinh viên. Nhưng đầu tháng 6 vừa qua, khi Tòa án Tối cao quyết định khôi phục lại hệ thống này đã làm bùng nổ làn sóng biểu tình. Trước tình trạng căng thẳng leo thang thành xung đột bạo lực giữa sinh viên và lực lượng an ninh trên khắp cả nước, Tòa án Tối cao Bangladesh đã giảm hạn ngạch xuống còn 5%. Tuy nhiên, cơn thịnh nộ của người dân không hề giảm bớt. Cộng đồng người Bangladesh ở Australia, Anh, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Mỹ, Qatar và tiểu bang Tây Bengal của Ấn Độ cũng tiến hành biểu tình để ủng hộ sinh viên trong nước.
Nhưng các cuộc biểu tình lần này cho thấy nhiều điều hơn, không chỉ là sự bất mãn của riêng tầng lớp sinh viên, sự bất công trong xã hội Bangladesh ngày càng trầm trọng khi đất nước này vẫn chưa thoát khỏi những khủng hoảng về kinh tế, tình trạng tham nhũng tràn lan và bất bình đẳng ngày càng nghiêm trọng.
Về chính trị, Đảng dân tộc Bangladesh, Đảng Quốc gia Bangladesh… là những tổ chức chính trị đối lập bị Chỉnh phủ Hasina và Liên đoàn Awami Bangladesh chèn ép, thậm chí lãnh đạo của phe đối lập Đảng Quốc gia Bangladesh và cựu Thủ tướng Khaleda Zia đã bị bắt vì bị cáo buộc liên quan đến tham nhũng hồi năm 2018. Việc để các lực lượng hành pháp nổ súng vào người biểu tình như năm 2018 và mới đây đã dẫn đến cuộc khủng hoảng leo thang một cách nghiêm trọng và vượt ra khỏi tầm kiểm soát ngay cả với quân đội.
Chính sách đối ngoại của bà Hasina cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập và sự lo ngại từ các nước xung quanh. Hasina vốn được Ấn Độ bảo vệ sau khi cha của bà bị ám sát, nên bà luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với quốc gia láng giềng. Đồng thời, Ấn Độ đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để cố gắng gây ảnh hưởng đến công việc nội bộ của Bangladesh. Nhiều chính trị gia ở Bangladesh ít nhiều có mối liên hệ với Ấn Độ. Ấn Độ có thể tác động đến an ninh chính trị và sự ổn định của chính phủ Hasina từ bên ngoài, đồng thời có thể cung cấp nơi trú ẩn chính trị cho Hasina và các quan chức chính phủ cấp cao của bà khi bất ổn chính trị xảy ra trong nước.
Đánh giá từ hai chuyến thăm gần đây của Hasina tới Ấn Độ, chính phủ Hasina rất quan tâm đến cái gọi là mối quan tâm về chiến lược và an ninh của Ấn Độ. Họ không chỉ tham gia sáng kiến hàng hải “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, một trong những trụ cột trong chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Ấn Độ, mà còn cho phép Ấn Độ đi qua Bangladesh để tăng cường kết nối với vùng đông bắc Ấn Độ và khu vực phía nam Tây Tạng hiện do Ấn Độ chiếm đóng và quản lý.
Dưới thời của bà Hasina, những chính sách đối nội được cho là cứng rắn tạo nên tên tuổi của bà đã đưa nền kinh tế của đất nước Nam Á này có nhiều bước phát triển đáng ghi nhận. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình khoảng 6,6% trong thập kỷ qua. Phần lớn sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp dệt may. Đây là ngành công nghiệp chiếm phần lớn tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh. Tỷ lệ đói nghèo đã giảm từ 11,8% vào năm 2010 xuống còn 5% vào năm 2022 và đất nước này dự kiến sẽ thoát khỏi diện “quốc gia kém phát triển nhất” theo đánh giá của Liên hợp quốc vào năm 2026.
Tuy nhiên, đi cùng với sự khởi sắc về kinh tế, nạn tham nhũng của Bangladesh cũng trở thành vấn đề nhức nhối. Chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina liên tục phải đối mặt với những cáo buộc nghiêm trọng về tham nhũng, quan liêu trong ngành tư pháp, lực lượng vũ trang và các vị trí cấp cao khác. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế, năm 2023, Bangladesh nằm trong danh sách 10 quốc gia được đánh giá có tình trạng tham nhũng nhất thế giới.
Theo Liu Zongyi, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Nam Á của Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, cho biết các cuộc biểu tình được chia thành hai giai đoạn, nguyên nhân ban đầu là vấn đề kinh tế. Ở góc độ vĩ mô, nền kinh tế Bangladesh bị ảnh hưởng rất lớn bởi những tác động bên ngoài. Cuộc khủng hoảng năng lượng và giá hàng hóa tăng do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine cũng như việc Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất đều đã tác động đến nền kinh tế nước này. Cùng với việc nguồn thu ngoại tệ của Bangladesh sụt giảm trong thời kỳ dịch Covid-19, những điều này đã làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này và gây áp lực lên đời sống người dân.
Từ góc độ vi mô, 1/5 trong số 170 triệu người của Bangladesh thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên 9% vào năm 2023 và tiếp tục gây khó khăn cho đất nước trong năm nay. Vào thời điểm này, phán quyết khôi phục hệ thống hạn ngạch rõ ràng không được lòng dân. Như Kittij Bajpayee, một thành viên cấp cao tại Chatham House, chỉ ra, “Tỷ lệ thất nghiệp cao ở Bangladesh khiến hạn ngạch trở thành một vấn đề chính trị đặc biệt nổi bật”.
Có thể thấy rằng, cuộc khủng hoảng tại Bangladesh xảy ra là sự cộng hưởng từ nhiều nguyên nhân cố hữu từ chính nền chính trị và kinh tế-xã hội của đất nước này. Tuy nhiên, vấn đề kinh tế vẫn là điểm yếu chí mạng của Chính phủ bà Hasina, đẩy đất nước của bà rơi vào tình trạng hỗn loạn chưa có lời giải ngay cả khi một Chính phủ lâm thời được thành lập sau khi bà Hasina rời khỏi đất nước.
Hướng đi của tình hình thực địa có thể quan sát trên nhiều khía cạnh. Đầu tiên, phong trào trên đường phố liệu có lắng xuống. Chính phủ lâm thời sẽ phải đối mặt với cuộc bạo động chưa có điểm dừng này như thế nào? Sự nhượng bộ sẽ là liều thuốc hữu hiệu nhất ngay bây giờ, thả những người bị bắt trong phong trào, bồi thường cho những người bị thương và ra lệnh cho quân đội lập lại trật tự một cách mạnh mẽ. Những người biểu tình cũng đã đạt được mục tiêu chính trị của mình và không có lý do gì để tiếp tục biểu tình. Tuy nhiên, những người bị bắt không hoàn toàn vô can trong cuộc bạo loạn vừa qua, phải có người chịu trách nhiệm cho những cái chết và những tổn thất vì đốt phá, cướp bóc. Đây là vấn đề phức tạp nếu không giải quyết thỏa đáng sẽ gây ra nhiều phản ứng trái chiều và có thể gây ra một cuộc biểu tình mới cho Chính phủ lâm thời.
Thứ hai, sự hình thành tiếp theo của chính phủ lâm thời và cuộc tổng tuyển cử. Đảng đối lập đang có lợi thế và có thể nổi lên trong cuộc tổng tuyển cử. Nếu đảng đối lập có thể thỏa hiệp với quân đội thì trật tự có thể được lập lại nhanh chóng nhưng nếu đảng đối lập muốn trả đũa Liên đoàn Awami sau khi lên nắm quyền thì tình hình sẽ tiếp tục hỗn loạn (Liên đoàn Awami, với tư cách là một trong hai đảng chính trị lớn trong nước, vẫn có khả năng hỗ trợ và huy động đáng kể. Để thực sự ổn định tình hình, điều đó phụ thuộc vào việc Zia và Đảng Quốc dân đảng có thể khoan dung hay không.).
Thứ ba, dù quyền lực ở Bangladesh có được cải tổ như thế nào trong tương lai, chính quyền cầm quyền cũng sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Trong công tác đối nội, giải quyết khó khăn kinh tế là trọng tâm. Về đối ngoại, nếu đảng dân tộc lên nắm quyền thì làm thế nào để theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng đã thu hút nhiều sự quan tâm.
Dù kịch bản chính trị nào xảy ra, người dân Bangladesh hy vọng, cuộc khủng hoảng chính trị sẽ nhanh chóng kết thúc và đất nước sẽ bước sang một giai đoạn mới ổn định hơn.
Vai trò của Bangladesh trong chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ
Tháng 5/2019, Thủ Tướng Narendra Modi đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ, đánh dấu những bước dài nhằm thực hiện chiến lược tổng thể đã hoạch định cho đất nước này, trong đó tiếp tục nhấn mạnh chính sách toàn diện nhằm duy trì tầm ảnh hưởng ở khu vực, thể hiện qua việc New Delhi đã tiếp cận các nước Maldives, Sri Lanka, Bhutan, Nepal và Bangladesh. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng thực hiện chính sách “liên kết nhiều bên” với các cường quốc khác trên thế giới, quốc gia này đã cố gắng gửi thông điệp đến các nước láng giềng nhỏ hơn rằng Ấn Độ không chống lại chính sách của các nước này trong việc thu hút nhiều đối tác hơn để tối đa hóa lợi ích của họ, và nhấn mạnh đó cũng là lợi ích của Ấn Độ. Hiện nay, Ấn Độ đã thu hút các đối tác bên ngoài như Nhật Bản và ADB vào lĩnh vực phát triển các dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới để tăng cường mối liên kết với các nước láng giềng nhỏ hơn ở khu vực Nam Á.
Trong nhiệm kỳ thứ hai, chính quyền Modi sẽ thu hút nhiều đối tác hơn như Hàn Quốc, Úc, ASEAN, EU và nhiều quốc gia khác nhằm cung cấp nhiều lựa chọn thay thế cho các quốc gia trong khu vực láng giềng của Ấn Độ như là một nỗ lực tái hội nhập với các nước láng giềng. Tầm quan trọng chiến lược của chính sách “Láng giềng trước tiên” trong tầm nhìn của Ấn Độ thời Thủ tướng Modi về việc sắp xếp lại trật tự địa chính trị của khu vực sẽ vẫn là một yếu tố quan trọng trong khả năng của Ấn Độ để định hình sự phát triển ở khu vực rộng lớn hơn này, và là cơ sở để Ấn Độ tiến hành “cạnh tranh chiến lược” với Trung Quốc, và xa hơn là “mặt trận” quan trọng khác ở khu vực Đông Nam Á. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, nội lực và vị thế quốc gia của Ấn Độ tăng lên đáng kể, khiến mọi động thái của quốc gia này đều có thể tạo nên những ảnh hưởng mang tầm quốc tế. Thủ tướng Modi khẳng định cam kết của Ấn Độ về chính sách “Láng giềng trước tiên”, cũng như tầm nhìn về hòa bình, an ninh, thịnh vượng và tiến bộ chung đối với tất cả bạn bè và đối tác của Ấn Độ trong khu vực. Thông điệp đẩy mạnh ngoại giao láng giềng trong năm 2020 được Thủ tướng Ấn Độ gửi đến năm nước láng giềng (Bhutan, Bangladesh, Maldives, Nepal và Sri Lanka) ngay vào những ngày đầu năm đã cho thấy một quyết tâm lớn của Ấn Độ trong việc thay đổi vị trí hiện tại của nước này so với Trung Quốc ở khu vực Nam Á.
Bên cạnh đó, Chính sách Hành động Hướng Đông được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra tại Cấp cao Đông Á tại Myanmar tháng 11/2014 được xem là sự nâng cấp của Chính sách Hướng Đông với đặc điểm nổi bật là sự phát triển từ can dự kinh tế và ngoại giao lên việc mở rộng sang các mối quan hệ an ninh và quốc phòng của Ấn Độ xuyên khắp châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách đối ngoại Ấn Độ hiện nay nói chung và Chính sách Hướng Đông/Hành động Hướng Đông nói riêng là sự chuyển đổi mô hình liên kết về chính trị – an ninh, vượt xa hơn khỏi bản sắc truyền thống Không liên kết và Nam Á để gắn nhiều hơn với yếu tố địa chính trị/địa chiến lược đương đại của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chuyển từ mô hình liên kết kinh tế kiểu tự cung tự cấp sang gắn nhiều hơn với các chuỗi giá trị/chuỗi sản xuất của Đông Á.
Từ đó, có thể thấy được vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của Banglades trong các chính sách của New Delhi là lớn đến như thế nào. Trong suốt 15 năm cầm quyền, bà Hasina đã vun đắp mối quan hệ sâu sắc với Ấn Độ, đưa hai nước xích lại gần về kinh tế, năng lượng và quốc phòng. Bangladesh là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ ở Nam Á, với thương mại song phương gần 16 tỷ USD.
Ngày 06/6/2015, trong chuyến công du hai ngày tới Bangladesh, thủ tướng Ấn Độ đã ký kết với người đồng cấp thỏa thuận lịch sử giải quyết vấn đề chủ quyền lãnh thổ tồn tại suốt hơn 300 năm. Thỏa thuận này là “dấu mốc mang tính lịch sử trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng ở Nam Á”. Thỏa thuận đã chấm dứt được những phức tạp về lãnh thổ kéo dài suốt từ năm 1713.
Cùng với giải quyết những vấn đề cố hữu trong quan hệ hai nước, cả hai đều đồng thuận trong vấn đề hợp tác phát triển kinh tế giữa hai nước. Việc New Delhi tiếp đón Thủ tướng Sheikh Hasina từ ngày 21-22/6/2019 trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo nước ngoài tới Ấn Độ trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Modi là hoàn toàn phù hợp. Chưa kể chỉ hai tuần trước đó, bà Hasina đã đến New Delhi dự lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Modi. Riêng con số 10 cuộc gặp giữa hai Thủ tướng trong năm (2015-2019) đã cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa hai nhà lãnh đạo. Và con số 10 thỏa thuận trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày cũng khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác thực chất giữa hai bên.
Những kết quả hữu ích từ cam kết cải thiện quan hệ của hai Thủ tướng đã đánh dấu một “chương vàng” trong quan hệ song phương. “Tầm nhìn về một tương lai chung” mà hai nhà lãnh đạo công bố hứa hẹn sẽ phát triển dựa trên những tiến triển này và đưa “mối quan hệ đặc biệt” của thập kỷ trước thành “mối quan hệ đối tác mang tính chuyển đổi”.
Với chính sách Hành động Hướng Đông của mình, Ấn Độ biến Bangladesh trở thành đối tác lớn nhất trong khu vực và New Delhi là đối tác lớn thứ 2 của Bangladesh chỉ sau Bắc Kinh. Trong năm tài khóa 2023-2024, tổng kinh ngạch thương mại giữa 2 nước ước đạt 13 tỷ USD. Ấn Độ và Bangladesh cũng đã thỏa thuận với nhau về một Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầy tiềm năng, thúc đẩy thương mại cho cả hai nước.
Bên cạnh đó, New Delhi cũng mạnh tay đầu tư vào Bangladesh với nhiều dự án nhằm hỗ trợ đất nước này phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghiệp hóa, điện khí hóa. Kể từ năm 2016, Ấn Độ mở rộng hạn mức tín dụng cho Bangladesh vay 8 tỉ USD để phát triển hạ tầng đường bộ, đường sắt lẫn đường biển. Tháng 11/2015, hai tuyến đường sắt Akhaura – Agartala và cảng Khulna – Mongla do hai nước hợp tác xây dựng được khánh thành. Tuyến Akhaura – Agartala là tuyến đường sắt xuyên biên giới thứ 6, giúp rút ngắn thời gian di chuyển cũng như thúc đẩy du lịch lẫn thương mại. Năm 2019, Ấn Độ và Bangladesh đã ký kết hàng loạt thỏa thuận đầu tư trị giá 4,5 tỉ USD trong lĩnh vực sản xuất điện và 2 tỉ USD hợp đồng cho Bangladesh vay vốn. Kết nối giữa hai nước cũng được cả hai đồng thuận khi cũng trong năm 2019, tuyến xe buýt xuyên biên giới được khánh thành, đi vào hoạt động. Đến năm 2023, cảng Khulna – Mongla cũng đước đưa vào hoạt động, đánh dấu những bước quan trọng trong việc kết nối giữa 2 nước và đặc biệt giữa Đông và Tây Ấn Độ.
Bangladesh dưới thời Hasina, thủ tướng tại vị lâu nhất của đất nước, cũng là một sự lựa chọn an toàn về mặt an ninh cho Ấn Độ. Trong cuộc gặp năm 2019, Thủ tướng Modi và người đồng cấp Hasina cũng đã vạch ra tham vọng hiện đại hóa hợp tác quốc phòng song phương vốn đang tụt hậu so với các trụ cột thương mại và kết nối. Điều này có nghĩa, hai bên sẽ làm sâu sắc hơn sự hợp tác giữa lực lượng vũ trang của hai nước, quan hệ đối tác công nghiệp quốc phòng và sự hỗ trợ của New Delhi trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang của Dhaka.
Đầu năm 2024, Ấn Độ và Bangladesh đã củng cố mối quan hệ quốc phòng của họ bằng việc ký kết các thỏa thuận mở rộng hợp tác về an ninh hàng hải, kinh tế đại dương và các vấn đề khác. Các thỏa thuận được đưa ra ngay sau khi Sri Lanka khai trương một trung tâm giám sát hải quân được nâng cấp do Ấn Độ tài trợ.
Những sáng kiến này minh họa cho chính sách “Láng giềng Trước tiên” của Ấn Độ nhằm quản lý quan hệ với tám nước láng giềng gần nhất: Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Miến Điện, Nepal, Pakistan và Sri Lanka. Mục tiêu là tăng cường kết nối vật lý, kỹ thuật số và con người với con người, đồng thời thúc đẩy thương mại. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết chính sách này “đã phát triển thành một ưu tiên về thể chế đối với tất cả các lĩnh vực liên quan của chính phủ”.
Có thể thấy, Bangladesh được xem là đối tác tự nhiên của Ấn Độ trong việc sắp xếp lại trật tự kinh tế khu vực Nam Á. Sự chuyển đổi trong mối quan hệ kinh tế Ấn Độ – Bangladesh tạo nền tảng vững chắc không chỉ cho sự hội nhập tiểu vùng của tiểu lục địa phía Đông mà còn cho vùng duyên hải Vịnh Bengal và phía Đông của Ấn Độ Dương.
Bên cạnh đó, Bangladesh không chỉ là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của đất nước sông Hằng. Quan hệ nồng ấm dưới thời của bà Hasina và ông Modi, giúp hai nước thiết lập được mối quan hệ quốc phòng khá toàn diện. Một mặt, Ấn Độ đảm bảo được sự ổn định ở vùng gần xung đột với Trung Quốc, mặt khác, Bangladesh có thể hiện đại hóa và phát triển quân đội của mình.
Trên con đường hướng Đông của mình, New Delhi buộc phải đảm bảo phải duy trì được sự ảnh hưởng của mình ngay tại sân nhà của họ. Thiết lập mối quan hệ đối tác thân thiện, tiến tới là đồng minh thân cận. Hạn chế hết mức có thể sự chi phối của Sáng kiến Vành đai, con đường (BRI) của Bắc Kinh trong khu vực, nếu không Ấn Độ sẽ “thua’’ ngay trên sân nhà của mình. Mặt khác, nếu quan hệ với Bangladesh hậu khủng hoảng trở nên xấu đi thì con đường trên bộ của chính sách Hành động Hướng Đông của New Delhi sẽ trở nên khó khăn hơn trong việc tiếp cận.
Trong suốt hơn một thập kỉ cầm quyền của mình, bà Hasina đã luôn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với giới chính trị Ấn Độ. Ấn Độ cũng đã dùng nhiều cách khác nhau để gây ảnh hưởng đến công việc nội bộ của Bangladesh. Suốt hơn một thập kỉ cầm quyền của hai nhà lãnh đạo, họ đã đặt được những bước tiến quan trọng trong quan hệ song phương. Riêng với Bangladesh, họ đã tranh thủ được nguồn lực từ các chính sách đầu tư của New Delhi để phát triển kinh tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực Quốc phòng của đất nước mình. Với Ấn Độ, bằng các chính sách đầu tư của mình, họ đã dần buộc chặt Bangladesh vào mình, đưa Bangladesh vào tầm ảnh hưởng của New Delhi, giúp cho vị thế của họ tạ khu vực được củng cố và con đường Hướng Đông trên đất liền được thông suốt.
Tuy nhiên, tình hình có chiều hướng bất lợi cho New Delhi, nếu đảng đối lập lên nắm quyền, xu hướng “thân Ấn Độ” có thể bị đảo ngược. Và cán cân quyền lực ở khu vực Nam Á có thể bị thay đổi theo hướng bất lợi cho New Delhi. Nghiêm trọng hơn, chính sách hướng Đông của Ấn Độ gặp phải thách thức vô cùng lớn khi chuỗi liên kết lấy Banglades làm điểm khởi đầu bị ngắt.
Khủng hoảng bangladesh tạo ra các thách thức mới đối với chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ
Đến thời của Thủ tướng Narendra Modi cầm quyền, LEP (Chính sách Hướng Đông 1992) được điều chỉnh thành AEP (Chính sách Hành động Hướng Đông 2014), hợp tác giữa Ấn Độ với Đông Nam Á, Đông Bắc Á và Nam Thái Bình Dương được tăng cường và ngày càng tạo nên diện mạo mới cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đặc biệt gần đây Ấn Độ đã xác định “Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và bao trùm (năm 2018), trong đó nhấn mạnh sự kết hợp chính sách đối ngoại “Ấn Độ trên hết”, Chính sách “Láng giềng trước tiên”, … để kết cấu chặt chẽ các chính sách này làm nền tảng, hợp thành sức mạnh tổng hợp hiện thực hóa tầm nhìn Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong tổng thể chiến lượng nước láng giềng Bangladesh luôn có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Và trong hơn 1 thập kỉ vừa qua Bangladesh cũng cho thấy họ là 1 đồng minh thân cận và trung thành với New Delhi. Nhưng gió đã đổi chiều sau khi Chính phủ “thân Ấn Độ” vừa sụp đổ, để lại một tương lai vô định trong quan hệ hai nước. Khủng hoảng bangladesh tạo ra các thách thức mới đối với chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ:
Đầu tiên, sự gián đoạn trong chính sách “Láng giềng trước tiên”, Thủ tướng Narendra Modi đã mô tả Bangladesh là trụ cột chính của “Chính sách láng giềng là trên hết” của Ấn Độ. Giờ đây, sau khi Hasina rời đi, Bắc Kinh có thể sẽ mở rộng ảnh hưởng của mình ở Bangladesh. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ sẽ nằm giữa một Bangladesh mơ hồ ở phía Đông; một Nepal và Trung Quốc không thân thiện ở phía Bắc; một Pakistan thù địch ở phía Tây và cuối cùng là một Maldives chống Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Bối cảnh địa chính trị này sẽ tác động lớn đến an ninh của Ấn Độ, gây ra sự không liền mạch của tổng thể chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ. Chuỗi thương mại giữa 2 nước và cửa ngõ của vùng Đông Bắc Ấn Độ với phía Tây Ấn Độ và Đông Nam Á trên bộ bị đứt gãy trong thời gian chưa xác định. Khi Chính phủ lâm thời vẫn chưa xác lập được tình trạng ổn định của Bangladesh.
Thứ hai, sau khi bầu cử được tổ chức, mối quan hệ gần gũi giữa Ấn Độ và chính quyền Hasina đã dẫn đến mối quan hệ không mặn mà của New Delhi với các nhóm đối lập Bangladesh, chẳng hạn như đảng Dân tộc Bangladesh hoặc các nhóm Hồi giáo như Jamaat-e-Islami cực đoan – trong khi cả hai đều có quan hệ chặt chẽ với Pakistan và đều có khả năng ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại của Chính phủ mới. Điều đó, có nghĩa là New Delhi có nguy cơ mất đi 1 đồng minh thân cận và có vị trí đặc biệt quan trọng ở sườn phía Đông.
Thứ ba, Ấn Độ sẽ phải đối mặt với những thay đổi về cán cân quyền lực ở khu vực. Mặc dù Chính phủ Hasina vẫn duy trì mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, nhưng tình bạn của bà với Ấn Độ lại bền chặt hơn nhiều. Ấn Độ sẽ nằm giữa một Bangladesh mơ hồ ở phía Đông; một Nepal và Trung Quốc không thân thiện ở phía Bắc; một Pakistan thù địch ở phía Tây và cuối cùng là một Maldives chống Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Bối cảnh địa chính trị này sẽ tác động lớn đến chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ.
Tuy nhiên, việc một người có chiều hướng “thân Mĩ” như chủ nhân Giải Nobel Hòa bình năm 2006, ông Muhammad Yunus đang là người đứng đầu Chính phủ lâm thời Bangladesh có thể là tín hiệu tích cực cho Ấn Độ:
Đầu tiên, New Delhi sẽ hi vọng về 1 nền ngoại giao có tính “cởi mở” hơn khi một Chính phủ mới có chiều hướng “thân Mĩ” có thể nắm quyền. Việc Washington đang muốn có được sự ủng hộ của Ấn Độ trong cuộc đối đấu chiến lược trên bàn cờ địa chính trị thế giới là điều kiện có thể mặc cả khi mà New Delhi đang thể hiện mình là một nước tiên phong trong phong trào không liên kết. Washington có thể chi phối và mở ra một cơ hội đối thoại cho cả Ấn Độ và Bangladesh.
Tiếp đến, sự bất ổn của các nước láng giềng và khu vực cận Nam Á như Myanmar… trong những năm gần đây có thể giúp cho Ấn Độ đẩy nhanh thực hiện chính sách Hành động Hướng Đông của họ. Những nguồn lực được dàn trải để đầu tư hạ tầng, cơ sở công nghiệp … ở các nước trong khu vực từ nay có thể được tập trung vào các nước ở Đông Nam Á, giúp cho sự hiện diện của New Delhi được nhanh chóng hơn. New Delhi phải học cách thích nghi nhanh chóng và chỉnh sửa lại chính sách đối ngoại của mình, một chính sách Hành động Hướng Đông mới và không có Bangladesh
Mặc dù vậy, Chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ là kết quả của sự tác động tổng hợp của các nhân tố bên trong và bên ngoài ở 4 cấp độ (toàn cầu, khu vực, quốc gia và cá nhân), nhằm phát triển kinh tế, ổn định xã hội, mở rộng ảnh hưởng, phát huy vai trò nước lớn ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mắt xích quan trọng ngay cửa ngõ của chính sách Hành động Hướng Đông đã rơi vào khủng hoảng về mọi mặt và có thể gây ra sự xáo trộn trong cán cân quyền lực của khu vực Nam Á.
Những thách thức rất lớn đang đặt Ấn Độ vào một bài toàn rất khó có lời giải, yêu cầu New Delhi phải đưa ra những hành động chính trị thận trọng và bước đi ngoại giao khôn khéo để cân bằng được lợi ích mà cả 2 nước cần. Và hơn hết, Ấn Độ phải có những chính sách phù hợp để tiếp cận nhằm duy trì được vị thế của mình ngay trên sân nhà.
Hành động tiếp theo của Ấn Độ là gì
Ấn Độ cần phải có những vận động hành lang ngay lập tức trước thềm bầu cử với phe đối lập ở Bangladesh (đảng chính trị có khả năng giành chiến thắng cao nhất), nhằm bảo lưu những thành tựu ngoại giao mà 2 nước đã đạt được hoặc chí ít là có được sự đảm bảo duy trì những kết nối mà 2 nước đã đạt được trong quá khứ. Những điều đó không chỉ mang lại cho New Delhi sự ổn định trong khu vực mà còn giúp cho chính sách tổng thể về ngoại giao, đặc biệt là chính sách vươn ra khỏi khu vực của Ấn Độ được duy trì. Điều đó thúc đẩy New Delhi phải đưa ra những chính sách cụ thể trong thời gian tời một cách hợp lý và có hệ thống.
Đầu tiên, New Delhi cần duy trì được những thỏa thuận đã đạt được, vì Ấn Độ cần chúng để cung cấp hậu cần tốt hơn cho khu vực Đông Bắc nước này. Tình trạng bất ổn cũng đe dọa các dự án cơ sở hạ tầng của Ấn Độ tại Bangladesh và có thể làm gián đoạn các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) tiềm năng giữa hai nước. Ngoài ra, các chính sách quốc phòng giữa hai nước chắc chắn sẽ bị tổn hại do biến cố này, New Delhi cần có những cách tiếp cận mang tính cầu thị hơn và sẵn sàng đưa ra nhiều ưu đãi hơn với Chính phủ mới của Bangladesh.
Thứ hai, Ấn Độ phải đảm bảo được sự hiện diện và mức độ ảnh hưởng của mình tại Bangladesh, nếu không New Delhi sẽ nằm giữa một Bangladesh mơ hồ ở phía Đông; một Nepal và Trung Quốc không thân thiện ở phía Bắc; một Pakistan thù địch ở phía Tây và cuối cùng là một Maldives chống Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Sự sụp đổ của chính sách “Láng giềng trước tiên” sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ.
Thứ ba, Ấn Độ cần sớm tìm con đường để xây dựng mối quan hệ với chế độ mới. Lực lượng quân đội Bangladesh đã thành lập Chính phủ lâm thời, nhưng hiện vẫn chưa rõ hướng đi và sự tác động của Chính phủ mới đối với mối quan hệ giữa Bangladesh và Ấn Độ. Hơn hết, Ấn Độ phải đảm bảo được con đường bộ nối với bờ Tây, bờ Tây với Đông Nam Á được thông suốt, nếu không Bangladesh sẽ là điểm đứt gãy ko thể hàn gắn trong chuỗi Hướng Đông của New Delhi.
Một viễn cảnh vận hành chính sách Hành động Hướng Đông của Ấn Độ mà không có Bangladesh đang dần hiện hữu, nghiêm trọng hơn là sự ảnh hưởng tại khu vực Nam Á của New Delhi đang dần mất đi. Những diễn biến trên thực địa đòi hỏi Ấn Độ dưới thời của Thủ tướng Narendra Modi phải tìm kiếm một khởi đầu với chính quyền mới ở Bangladesh, họ sẽ cần phải thật thận trọng, vì ngay tại thời điểm này và có thể là cả sau cuộc bầu cử chọn chính phủ mới của Bangladesh, cơ hội nối lại mối quan hệ như dưới thời bà Hasina là điều không thể.
Tác giả: Lục Đình Lộc
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể lien hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo
1, KArutik Pathi (2024), Ouster of Bangladesh’s prime minister will test India’s regional power, with Beijing’s on the rise, https://apnews.com/article/india-bangladesh-sheikh-hasina-china-ouste08598a74d25cde8cb71e7549640dfaa2
2, Liu Zongyi (2024), 刘宗义接受上观新闻采访,谈孟加拉国总理哈西娜辞职, https://www.siis.org.cn/sp/15800.jhtml
3, Mujib Mashal, Shayeza Walid and Saif Hasnat (2024), Bangladesh’s Leader Fled Just Ahead of an Angry Crowd, Urged by Family to Go, https://www.nytimes.com/2024/08/06/world/asia/bangladesh-hasina-final-hours.html
4, Mujib Mashal (2024), She Thought Her Grip Was Unbreakable. Bangladeshis Would Prove Otherwise, https://www.nytimes.com/search?query=Bangladesh%E2%80%99s+Leader+Fled+Just+Ahead+of+an+Angry+Crowd%2C+Urged+by+Family+to+Go
5, D.Kim Thoa (2015), Ấn Độ và Bangladesh đổi đất, đổi dân, https://tuoitre.vn/an-do-va-bangladesh-doi-dat-doi-dan-758832.htm?gidzl=z2syPgl-FJxqDxzXhECrFFGzlc2mk3y_xcQyCxAmEpY-OUqpjkLcFRuqissmu3GnuZVYQM5gvxDehVewDW
6, Trần Nam Tiến (2022), Chính sách Nam Á của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Narendra Modi (2014-2019): Tiếp cận từ góc độ an ninh, https://vjol.info.vn/index.php/ssir/article/view/83185/70839
7, Nguyễn Văn Thăng (2021), “Nhận diện tầm nhìn chiến lược của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương hiện nay”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Quan hệ quốc tế ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, ĐHKHXHNV, ĐHQG Hà Nội. NXB.Thế giới.
8, Thế giới và Việt Nam (2021), Ấn Độ-Bangladesh và Ấn Độ-Pakistan: Câu chuyện của hai mối quan hệ, https://baoquocte.vn/an-do-bangladesh-va-an-do-pakistan-cau-chuyen-cua-hai-moi-quan-he-140178.html
9, Thế giới và Việt Nam (2022), Ấn Độ đẩy mạnh ngoại giao láng giềng, https://baoquocte.vn/an-do-day-manh-ngoai-giao-lang-gieng-66912.html
10, Cẩm Bình (2024), Khủng hoảng chính trị ở Bangladesh ảnh hưởng đến Ấn Độ như thế nào?, https://1thegioi.vn/khung-hoang-chinh-tri-o-bangladesh-anh-huong-den-an-do-nhu-the-nao-222499.html
Bình Luận 1