Năm 2014, Narendra Modi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ và đề xuất chính sách “Hành động Hướng Đông”, thúc đẩy Ấn Độ tham gia tích cực hơn vào khu vực Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, khi mối quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ “lúc ấm lúc lạnh” và chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ tiếp tục được hiện thực hóa, Mỹ cũng xem Ấn Độ là quốc gia trụ cột trong chiến lược này, New Delhi đã dần chấp nhận và tích cực hưởng ứng khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”. Ấn Độ coi ý đồ kiềm chế Trung Quốc mà Mỹ đặt vào chiến lược này là yếu tố chiến lược quan trọng của cả hai bên. Chính phủ Modi đã định hình lại và điều chỉnh chính sách Đông Nam Á của mình dưới khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, chủ yếu thể hiện ở việc Ấn Độ xem xét môi trường chiến lược của mình từ góc độ địa chính trị hàng hải, coi Đông Nam Á là một vòng ngoài quan trọng. Nhấn mạnh sự tương đồng về lợi ích với khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực hàng hải, nâng cao quan hệ chiến lược hàng hải với ASEAN. Lấy “Kinh tế xanh” làm trọng điểm phát triển quan hệ kinh tế Ấn Độ - ASEAN và tập trung vào hợp tác đa phương và song phương trong lĩnh vực quân sự hàng hải với khu vực Đông Nam Á. Khi thủ tướng Modi bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba và sự tin cậy lẫn nhau về mặt chính trị giữa Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đã được cải thiện, người ta dự đoán Ấn Độ sẽ tiếp tục tận dụng sự chú trọng của Mỹ vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để có cách tiếp cận chủ động hơn trong chính sách Đông Nam Á. Tầm quan trọng của khu vực Đông Nam Á trong chiến lược đối ngoại của Ấn Độ sẽ tiếp tục gia tăng. Do các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự tham gia của Ấn Độ vào các vấn đề của khu vực, vậy nên tầm ảnh hưởng của Ấn Độ đối với tình hình khu vực này không thể xem nhẹ.
Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á đã có mối quan hệ kinh tế và văn hóa mật thiết từ lâu đời. Tôn giáo và văn hóa của Ấn Độ có ảnh hưởng sâu sắc đến khu vực này. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, bắt đầu từ chính sách “Hướng Đông” (Look East) của chính phủ Narasimha Rao, Ấn Độ đã đưa khu vực Đông Nam Á trở thành một phần quan trọng trong chiến lược đối ngoại của mình. Năm 2014, sau khi Narendra Modi nhậm chức Thủ tướng mới của Ấn Độ, ông đã đề xuất chính sách “Hành động Hướng Đông” (Act East), nhằm thúc đẩy Ấn Độ tham gia tích cực hơn vào các vấn đề của khu vực Đông Nam Á, đạt được nhiều bước đột phá trong mối quan hệ với ASEAN và các quốc gia Đông Nam Á. Khi quan hệ Trung-Ấn dần có xu hướng “lúc ấm lúc lạnh”, sự ra đời và hiện thực hóa chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ, cũng như sự phụ thuộc của Mỹ vào Ấn Độ trong việc triển khai chiến lược này, Ấn Độ đã chấp nhận và ủng hộ mạnh mẽ khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Họ cho rằng khu vực này đang trở thành trung tâm địa chính trị mới của thế giới, và Ấn Độ sẽ tận dụng làn “gió Đông” này để vươn lên trở thành một cường quốc. Đông Nam Á, là trung tâm trong phạm vi của khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, hiện đang là nơi diễn ra cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc. Trong bối cảnh này, Ấn Độ có những suy tính mới nào đối với khu vực Đông Nam Á? Chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ có những xu hướng mới ra sao? Định hướng tương lai của chính sách này sẽ như thế nào? Đó là những câu hỏi mà bài viết này cố gắng trả lời.
Sự phát triển chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hệ thống quốc tế với cấu trúc lưỡng cực tan rã, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác giữa Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á. Chính phủ Rao đã đề xuất chính sách “Hướng Đông”, mở ra một chương mới trong sự tương tác giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2014, chính phủ Modi đưa ra chính sách “Hành động Hướng Đông”, có những điều chỉnh nhất định so với chính sách “Hướng Đông” ban đầu. Sự phát triển này phản ánh tham vọng của Ấn Độ trở thành một cường quốc. Với mục tiêu đứng vững tại Ấn Độ Dương, tích cực mở rộng không gian ngoại giao khu vực, xây dựng chính sách hợp lý tìm cách vươn lên từ vị thế khu vực đến toàn cầu.
Chính sách “Hướng Đông”: Tái kết nối Ấn Độ và Đông Nam Á
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ấn Độ không còn đặt trọng tâm chiến lược ngoại giao của mình vào khu vực Nam Á nữa. Vì việc duy trì các quốc gia Nam Á trong phạm vi chiến lược để giữ vững vị thế siêu cường, có một môi trường xung quanh ổn định để phát triển đất nước đã trở nên không còn khả thi. Do đó, chính phủ Rao đã chọn kinh tế, thương mại, và giao thương làm trọng tâm mới cho chính sách ngoại giao, phù hợp với các cải cách tự do hóa kinh tế trong nước. Về mặt địa chính trị, họ đã chọn khu vực Đông Nam Á làm trọng tâm chiến lược mới và đề xuất chính sách “Hướng Đông”, tích cực phát triển mối quan hệ với ASEAN và các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Trong giai đoạn đầu của chính sách “Hướng Đông”, Ấn Độ chủ yếu tập trung vào việc tham gia kinh tế làm bước đột phá, kết hợp với sự tham gia đa phương và song phương, nhằm xây dựng lại sự hiện diện của mình tại khu vực Đông Nam Á.
Chính sách “Hướng Đông” xem lĩnh vực kinh tế là điểm đột phá trong việc định hình lại mối quan hệ giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á chủ yếu do các nguyên nhân.
Thứ nhất, do Ấn Độ khi đó cần một thị trường rộng lớn hơn để phát triển kinh tế, đồng thời hòa nhập sâu hơn vào toàn cầu hóa nhằm tiếp tục theo đuổi vị thế của một cường quốc. Trong khi ASEAN đã phát triển kinh tế nhanh chóng trong giai đoạn này và thực sự có thể cung cấp cho Ấn Độ một nền tảng phát triển đầy hứa hẹn.
Thứ hai, Ấn Độ không chỉ là một thị trường lớn với hơn 1 tỷ dân và GDP hơn 800 tỷ USD, mà cấu trúc kinh tế của Ấn Độ và ASEAN cũng có tính bổ sung cho nhau, có thể hỗ trợ cho sự phát triển của ASEAN. Vì vậy, dựa trên tiền đề nhu cầu của cả hai bên là phù hợp, chính sách “Hướng Đông” trong giai đoạn đầu sẽ tập trung vào sự tham gia kinh tế.
Năm 1992, khi Ấn Độ đạt được quy chế quốc gia đối thoại một phần với ASEAN ở các lĩnh vực liên quan chủ yếu là thương mại và đầu tư. Năm 1993, chính phủ của Thủ tướng Rao đã cử các đoàn thương mại đến Thái Lan, Singapore và các quốc gia khác để thiết lập mối quan hệ thương mại song phương. Kể từ đó Ấn Độ và ASEAN cũng đã thành lập các ủy ban thương mại chung như Ủy ban Thương mại Ấn Độ-ASEAN nhằm nâng cao tính cơ chế hóa trong hợp tác thương mại giữa hai bên. Nhờ đó, kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đã tăng trưởng nhanh chóng, từ 3,5 tỷ USD năm 1991 lên 10,1 tỷ USD vào năm 2000.
Trong khi mở rộng sự tham gia kinh tế tại khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ cũng tích cực gia nhập các cơ chế đa phương do ASEAN chủ trì. Năm 1995, Ấn Độ chính thức trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, nâng cấp từ quan hệ đối thoại một phần năm 1992. Năm 1996, Ấn Độ gia nhập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Sau khi thiết lập được nền tảng hợp tác nhất định, Ấn Độ đã mở rộng quan hệ cơ chế với khu vực Đông Nam Á sang cấp độ tiểu vùng. Năm 1997, Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Bangladesh, Bhutan, Thái Lan và Myanmar đã thành lập Sáng kiến Hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật Đa ngành Vịnh Bengal (BIMSTEC). Tháng 11 năm 2000, Ấn Độ khởi xướng Hợp tác Mekong-Ganga (MGC) với hy vọng sử dụng các mối liên hệ về văn hóa và ngôn ngữ Phật giáo để tăng cường sức mạnh mềm của Ấn Độ trong khu vực này.
Ở cấp độ song phương, trong giai đoạn này, Ấn Độ đã tăng cường mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á thông qua việc tổ chức các cuộc tập trận quân sự chung thường xuyên. Dựa vào ngoại giao quân sự nhằm tăng cường ảnh hưởng chiến lược của mình trong khu vực Đông Nam Á và nâng cao sự hiện diện trong các vấn đề an ninh khu vực. Vào đầu những năm 1990, Ấn Độ đã thực hiện các cuộc tập trận quân sự song phương với Indonesia, và sau đó cũng tổ chức các cuộc tập trận tương tự với Malaysia, Singapore, Thái Lan và các quốc gia khác.
Bước vào thế kỷ 21, chính sách “Hướng Đông” mở ra giai đoạn thứ hai. Năm 2003, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ lúc bấy giờ, Jaswant Singh, đã chỉ ra rằng: “Giai đoạn đầu của chính sách ‘Hướng Đông’ lấy ASEAN làm trọng tâm, chủ yếu chú trọng vào mối quan hệ thương mại và đầu tư. Đặc trưng của giai đoạn mới là mở rộng định nghĩa ‘Hướng Đông’ ra cả Australia và Đông Á, nhưng vẫn lấy ASEAN làm trọng tâm.” Do đó, trong giai đoạn thứ hai, Ấn Độ không chỉ tiếp tục củng cố mối quan hệ với ASEAN mà còn mở rộng tầm nhìn ra khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng lớn hơn thông qua Đông Nam Á.
Một mặt, Ấn Độ tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ với ASEAN. Năm 2002, Ấn Độ chính thức thiết lập cơ chế “10+1” với ASEAN. Năm 2004, Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN lần thứ ba đã công bố “Hiệp định Đối tác vì Hòa bình, Tiến bộ và Thịnh vượng chung”. Sau đó Ấn Độ gia nhập “Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á”. Năm 2005, Ấn Độ tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) lần đầu tiên, đánh dấu sự thay đổi về chất trong bản sắc của Ấn Độ với tư cách là một quốc gia Ấn Độ Dương và có được một vị trí vững chắc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2012, vào dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại Ấn Độ-ASEAN và 10 năm cơ chế “10+1”, hai bên đã cùng công bố “Tuyên bố Tầm nhìn Ấn Độ-ASEAN”, nâng cấp quan hệ đối thoại lên thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đạt được bước tiến quan trọng.
Mặt khác, dựa vào vị trí này, Ấn Độ bắt đầu tích cực phát triển quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Mỹ đều được nâng cao, mở rộng đáng kể không gian chiến lược xung quanh. Đặc biệt là quan hệ với Mỹ đã đạt được bước phát triển lớn trong giai đoạn thứ hai của chính sách “Hướng Đông”.
Chính sách “Hành động Hướng Đông” nhằm gia tăng ảnh hưởng khu vực của Ấn Độ
Vào tháng 5 năm 2014, Narendra Modi lên nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ. Ông tin rằng Ấn Độ đã đạt đến ngưỡng của một cường quốc lãnh đạo toàn cầu và có khả năng đạt được mục tiêu này trong một thời gian hữu hạn. Chính phủ Modi mong muốn Ấn Độ có ảnh hưởng toàn cầu và địa chính trị khu vực rõ rệt hơn. Một trong những chiến lược để đạt được mục tiêu này là biến Ấn Độ trở thành một lực lượng quan trọng hơn trong khu vực. Do đó, vào tháng 11 năm 2014, tại Hội nghị Thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN, chính phủ Modi đã nâng cấp chính sách “Hướng Đông”, đưa ra chính sách “Hành động Hướng Đông” theo hướng hành động cụ thể. Trong chính sách mới nâng cấp này, Ấn Độ cam kết mở rộng không gian hành động của mình hơn nữa, với mục tiêu tăng cường quan hệ với ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mongolia và các quốc đảo Thái Bình Dương… Trong đó ASEAN được đặc biệt nhấn mạnh là “trụ cột” (anchor) của chính sách “Hành Động Hướng Đông”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Modi, chính sách “Hành Động Hướng Đông” đã bắt đầu tiếp cận khu vực Đông Nam Á từ góc nhìn toàn diện hơn. Thông qua việc tham gia vào hợp tác an ninh, kết nối và hội nhập khu vực, Ấn Độ đã can thiệp sâu rộng vào các vấn đề khu vực, chuyển từ các hành động đơn lẻ và phân tán sang một chiến lược khu vực có hệ thống. Trong giai đoạn này, chính sách của Ấn Độ đối với Đông Nam Á đặc biệt chú trọng vào các vấn đề an ninh và đã triển khai các dự án kết nối với Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam.
Điều này phản ánh sự lo ngại và phòng ngừa của Ấn Độ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Ấn Độ lo ngại rằng sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc và mối quan hệ gần gũi của Trung Quốc với Đông Nam Á có thể mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc vào Nam Á, xâm nhập vào Ấn Độ Dương, làm gia tăng sự hiện diện và ảnh hưởng chiến lược của Trung Quốc tại tiểu lục địa Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương, từ đó thách thức vị thế cường quốc khu vực của Ấn Độ. Vì vậy, trong giai đoạn này, chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ bao gồm cả ý đồ cạnh tranh với Trung Quốc và làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Ví dụ, Ấn Độ đã công khai bày tỏ quan điểm về tranh chấp ở Biển Đông, thể hiện sự ủng hộ đối với Philippines, và hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực khai thác dầu khí ngoài khơi. Modi đã công khai tuyên bố Ấn Độ cam kết đóng vai trò quan trọng trong các không gian hàng hải bao gồm Ấn Độ Dương và Biển Đông.
So với chính sách “Hướng Đông” trước đây, chính sách “Hành Động Hướng Đông” của chính phủ Modi nhằm mở rộng hơn nữa không gian chiến lược của Ấn Độ. Trong khi vẫn tiếp tục coi ASEAN là trụ cột của chính sách, Modi đã đưa vào những yếu tố cạnh tranh sâu sắc hơn với Trung Quốc ở cấp khu vực. Chính sách này không chỉ duy trì và củng cố mối quan hệ đã thiết lập giữa Ấn Độ và Đông Nam Á, mà còn chủ động và có chọn lọc trong việc tăng cường hợp tác với ASEAN và các quốc gia Đông Nam Á khác. Mục tiêu là đảm bảo Ấn Độ duy trì ảnh hưởng địa chính trị ở Đông Nam Á, giữ vững vị thế cường quốc tại Ấn Độ Dương và từng bước thúc đẩy mục tiêu chiến lược đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc lãnh đạo toàn cầu.
Ấn Độ định hình lại chính sách Đông Nam Á dưới tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Kể từ khi chính quyền Donald Trump của Mỹ sử dụng “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” làm tên gọi mới cho chiến lược châu Á của Washington, họ đã từng bước nỗ lực xây dựng cơ chế “Đối thoại An ninh Bốn bên” (QUAD) giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia trở thành “trung tâm trọng yếu nhất” (principal hubs). Thuật ngữ “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” cũng ngày càng xuất hiện nhiều trong các tuyên bố đối ngoại của Ấn Độ. Dần dần, Ấn Độ đã tích hợp khái niệm này với chính sách “Hành động Hướng Đông” và biến nó thành kim chỉ nam mới nhất cho chính sách Đông Nam Á của mình.
Vào tháng 6 năm 2018, Thủ tướng Modi đã có bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La, trong đó ông đã trình bày về tầm nhìn của Ấn Độ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông nhấn mạnh rằng Ấn Độ coi “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” là một “khu vực tự nhiên” chứ không phải là một “chiến lược hay một câu lạc bộ giới hạn thành viên.” Modi đặc biệt nhấn mạnh rằng khu vực Đông Nam Á nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. ASEAN đã, đang, và sẽ tiếp tục là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông cũng nhiều lần đề cập từ góc độ lịch sử và thực tiễn về tầm quan trọng của biển đối với Ấn Độ. Đồng thời chỉ ra rằng Hải quân Ấn Độ đang tích cực xây dựng quan hệ đối tác, tiến hành huấn luyện, tập trận và các hoạt động thiện chí nhằm duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ấn Độ đã định hình lại chính sách Đông Nam Á của mình trong khuôn khổ tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tầm nhìn này của Ấn Độ bao gồm sáu yếu tố chính, có thể tóm tắt như sau: tính toàn diện, vai trò trung tâm của ASEAN, trật tự dựa trên luật lệ, quyền sử dụng bình đẳng các vùng biển và không phận, tự do hóa thương mại và kết nối. Sáu yếu tố này thể hiện rõ nét sự cân bằng trong tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ. Sự coi trọng tính toàn diện, vai trò trung tâm của ASEAN và tự do hóa thương mại thể hiện cam kết của Ấn Độ đối với các quốc gia khác trong khu vực rằng Ấn Độ không có ý định biến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” thành một khái niệm chính trị có tính đối đầu. Việc nhấn mạnh trật tự dựa trên luật lệ, quyền sử dụng bình đẳng các vùng biển và không phận, cũng như kết nối, thể hiện sự nhất quán của Ấn Độ với các thành viên khác trong cơ chế “Đối thoại An ninh Bốn bên” về tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Tuân theo các nguyên tắc này, tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ đang dần được cụ thể hóa. Việc này không chỉ làm nổi bật vai trò trung tâm của ASEAN trong nhận thức của Ấn Độ về khu vực, nhấn mạnh tiềm năng hợp tác hàng hải rộng lớn giữa Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á, mà còn tăng cường rõ rệt sự phối hợp chiến lược với các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản và Australia. Nó cho thấy Ấn Độ đang tham gia vào cơ chế “Đối thoại An ninh Tứ giác” với thái độ tích cực hơn, trở thành một trụ cột quan trọng trong liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc do Mỹ xây dựng, với trọng tâm là chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Coi khu vực Đông Nam Á là đối tác hợp tác hàng hải quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Sau những nỗ lực vận hành “hao tâm tốn sức” của chính quyền Trump và Biden, “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã được định hình như một bản sắc khu vực mới chứ không chỉ đơn thuần là một khái niệm về phạm vi địa lý. Sau khi chấp nhận khái niệm về “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, Ấn Độ đã chuyển trọng tâm chiến lược của mình từ việc tập trung vào các mối đe dọa biên giới ở lục địa Nam Á sang không gian biển. Họ cho rằng nhiều thách thức trong tương lai có khả năng xảy ra trên biển và lĩnh vực này cũng là nguồn gốc của nhiều thách thức.
Vào tháng 11 năm 2019, Ấn Độ đã công bố “Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (Indo-Pacific Oceans’ Initiative, IPOI). Sáng kiến này dựa trên tầm nhìn “SAGAR” (Security and Growth for All in the Region – An ninh và Phát triển cho Tất cả trong Khu vực) mà Thủ tướng Modi đã đề xuất vào năm 2015. Theo đó, “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” được mô tả như một cấu trúc bao gồm các vòng cung hình bán nguyệt liên tiếp. Vòng cung trong cùng bao gồm các quốc gia Nam Á chia sẻ Ấn Độ Dương với Ấn Độ. Hai vòng cung ngoài bao gồm: một là các quốc gia vùng Vịnh ở phía tây của Ấn Độ, và hai là các quốc gia Đông Nam Á ở phía đông của Ấn Độ.
Ấn Độ nhận thấy rằng sự cạnh tranh giữa các cường quốc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thể hiện qua sự kết hợp của bốn yếu tố: chính trị, ngoại giao, kinh tế và chiến lược. Vì vậy, “Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” đã tập trung nhấn mạnh các ý tưởng của New Delhi về các lĩnh vực liên quan đến an ninh, phát triển và xây dựng năng lực hàng hải. Ấn Độ cũng tuyên bố ủng hộ việc xây dựng một trật tự Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở, tự do và toàn diện. Cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia có cùng chí hướng để thiết lập quan hệ đối tác mới thông qua hợp tác thiết thực.
Sáng kiến này đã thể hiện rõ sự chuyển hướng chiến lược đối ngoại của Ấn Độ, tập trung vào lĩnh vực hàng hải sau khi chấp nhận khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Điều này phản ánh cách Ấn Độ nhìn nhận môi trường chiến lược của mình từ góc độ địa chính trị hàng hải, coi khu vực Đông Nam Á là vòng ngoài quan trọng, và là đối tác chính trong hợp tác kinh tế, an ninh, xây dựng năng lực, cũng như chia sẻ tài nguyên trên biển.
Ấn Độ coi Đông Nam Á là khu vực quan trọng để kiềm chế Trung Quốc
Trong thời kỳ chính sách “Hướng Đông”, khu vực Đông Nam Á từng là địa bàn chiến lược của Ấn Độ để mở rộng tầm nhìn ra Thái Bình Dương rộng lớn hơn. Đây cũng là “vùng đất hy vọng” giúp Ấn Độ thoát khỏi tình trạng cô lập và kết nối ra bên ngoài. Tuy nhiên, sau khi chấp nhận khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và trở thành quốc gia trụ cột của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ, khu vực Đông Nam Á đã trở thành địa bàn cạnh tranh của các cường quốc, nơi Ấn Độ tham gia vào cuộc chơi để thực hiện ước vọng trở thành cường quốc.
Cả chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Mỹ và tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Ấn Độ đều chứa đựng tư tưởng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và kiềm chế Trung Quốc. Chính sự tương đồng ở điểm quan trọng này đã tăng cường sự phối hợp chiến lược giữa Washington và New Delhi tại khu vực Đông Nam Á. Trên phương diện chiến lược và năng lực, khoảng cách giữa Trung Quốc và Ấn Độ về sức mạnh kinh tế và mức độ hiện đại hóa quân sự ngày càng mở rộng. Ấn Độ cho rằng Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng kinh tế và quân sự lớn hơn ở lục địa Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương. Những khu vực này từ lâu đã là “điểm tựa” trong môi trường địa chính trị biển của Ấn Độ và cũng là yếu tố quan trọng giúp chính phủ Thủ tướng Modi thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia lãnh đạo. Vì vậy, Ấn Độ ngày càng cảm thấy cần thiết phải kiềm chế Trung Quốc.
Tuy nhiên, do khoảng cách thực lực khó vượt qua, Ấn Độ khó có thể kiềm chế Trung Quốc một cách hiệu quả nếu chỉ dựa vào sức mạnh của riêng mình. Do đó, câu chuyện mới về khu vực “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” do Mỹ dẫn dắt đã mang lại cho Ấn Độ cơ hội quan trọng để thực hiện mục tiêu này. Thêm vào đó, chính quyền Biden đã tiếp tục duy trì cấu trúc cốt lõi của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” từ thời Trump, giao cho Ấn Độ trọng trách quan trọng. Điều này củng cố vị thế chiến lược của cơ chế “Đối thoại An ninh Bốn bên”, giúp Ấn Độ có thể hợp tác với Mỹ, Nhật Bản, Australia và các quốc gia khác để tạo thành một lực lượng chung kiềm chế Trung Quốc. Lực lượng này có thể phần nào hạn chế được ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.
Trong những năm gần đây, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đông Nam Á không ngừng gia tăng. Mỹ cũng kỳ vọng thông qua chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” có thể đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này. Do đó, trên cơ sở Ấn Độ chấp nhận khái niệm “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và tăng cường phối hợp chiến lược với Mỹ và các đồng minh, chính phủ Modi đã đặc biệt chú trọng đến khu vực Đông Nam Á. Chính sách đối với Đông Nam Á đã được thiết kế tỉ mỉ hơn, và so với chính sách “Hành động Hướng Đông” trước đây, ngày càng lồng ghép nhiều nội dung kiềm chế Trung Quốc hơn, tạo nên chính sách Đông Nam Á của Ấn Độ dưới tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Còn tiếp
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Các tác giả: Vũ Hương Quân hiện đang là trợ lý nghiên cứu tại Viện ASEAN, Đại học Quảng Tây. Dương Lộ là giảng viên tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, Trường Đảng Trung ương Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]