Theo tờ The Economist gần đây, khi lãnh đạo hai nền dân chủ lớn nhất thế giới tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào ngày 11/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trích lời Tổng thống Mỹ Joe Biden với thái độ tán thành: “Dân chủ sẽ được thực thi”. Nhưng khi nói đến cuộc chiến ở Ukraine, mọi thứ lại không rõ ràng. Cả hai người đều lo lắng trước cảnh ngộ khó khăn của thường dân Ukraine. Trong khi Biden chỉ rõ người phải chịu trách nhiệm về những đau khổ của người dân Ukraina, thì Modi có vẻ do dự hơn. Thay vì chỉ trích Nga, ông kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về những điều đáng sợ được báo cáo từ thị trấn Bucha của Ukraine.
Ấn Độ có lẽ là trường hợp đáng chú ý nhất trong số những nước liên tục bỏ phiếu trắng trong chiến dịch của phương Tây nhằm trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin vì đã ra lệnh tấn công Ukraine. Nhưng Ấn Độ không đơn độc. Các đồng minh và đối tác lâu năm của Mỹ ở châu Á, Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh cũng đang bác bỏ cam kết áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga hay chỉ trích nước này.
Ít quốc gia có hành xử kỳ cục như Pakistan – ký một thỏa thuận thương mại với Nga ngay sau khi Liên hợp quốc tiến hành cuộc bỏ phiếu vào ngày 2/3 để lên án cuộc xâm lược và yêu cầu Nga rút quân. Nhiều nước đang kiềm chế việc công khai chỉ trích hoặc trừng phạt Nga, do các ưu đãi thương mại, cam kết ý thức hệ, tham vọng chiến lược hoặc đơn giản là sợ. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ có những lý do về kinh tế để đứng ngoài lề – 45% khí đốt của nước này được mua từ Nga – nhưng nhiều công dân nước này cũng đang gặp nguy hiểm vì chiến tranh. Ngày 13/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thông báo rằng ông đang đàm phán với Nga để đưa hàng chục công dân Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi thành phố Mariupol của Ukraine, nơi đang phải hứng bom đạn của Nga. Một tháng sau, nhiều người vẫn bị mắc kẹt.
Về phần mình, Ấn Độ có nhiều lý do để tránh gây khó chịu cho Nga: Ấn Độ có truyền thống giữ quan điểm trung lập về mọi xung đột toàn cầu, ưu tiên chiến lược đối đầu với Trung Quốc và phụ thuộc vào thiết bị quân sự của Nga. Do vậy, khi được hỏi tại sao Ấn Độ không liên minh với Mỹ để thực hiện mục tiêu dân chủ, các quan chức cấp cao điều hành bộ máy nhà nước và định hình chính sách đối ngoại của nước này đã trả lời với thái độ khinh miệt.
Khó có thể đánh giá khả năng của những quốc gia chống lại việc cô lập Nga trong việc làm suy yếu cơ chế trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, khi được xem là một khối, 40 quốc gia phản đối hoặc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Liên hợp quốc về việc lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine có lẽ sẽ có vai trò quan trọng về mặt địa chính trị hơn là kinh tế. Những nước này chiếm một phần tư tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 20% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Tuy nhiên, các nước này không quá quan trọng đối với nền kinh tế Nga. GDP bình quân đầu người của những nước này bằng khoảng một phần ba GDP bình quân đầu người của thế giới. Điều này cho thấy họ không thể cùng nhau mua nhiều hơn một phần tư hàng hóa xuất khẩu của Nga mà họ đã tiêu thụ và họ không đủ khả năng cung cấp các loại dịch vụ hàng hóa tinh xảo mà Nga từng mua từ phương Tây.
Bề ngoài, Nga có vẻ đơn độc tại Liên hợp quốc. Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguyên tắc nền tảng của tổ chức này – nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng chủ quyền của tất cả các thành viên được ghi trong Hiến chương – đến mức các quốc gia đã tập hợp lại và bày tỏ sự ủng hộ không chỉ nghị quyết đầu tiên mà cả nghị quyết thứ hai lên án Nga vì đe dọa dân thường. Nghị quyết đầu tiên và nghị quyết thứ hai đã được thông qua với sự ủng hộ của số nước tương ứng là 141 và 140/193 quốc gia thành viên. Mới đây, các thành viên của Liên hợp quốc không chỉ dừng lại ở sự hô hào đơn thuần mà đã có hành động cụ thể – loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Đây là quốc gia thứ hai sau Libya và là thành viên đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bị loại khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Nga, nước đã cảnh báo trước cuộc bỏ phiếu rằng ngay cả việc bỏ phiếu trắng cũng bị coi là một hành động thiếu thân thiện, đã tuyên bố rời khỏi hội đồng này ngay sau đó. Đại sứ Ukraine Sergiy Kyslytsya nói: “Anh không thể nộp đơn xin từ chức sau khi bị sa thải”.
Tuy nhiên, tỷ lệ phiếu bầu đã thay đổi đáng kể với 93 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 58 phiếu trắng. Sự ủng hộ của phần lớn các nước trên thế giới dành cho Ukraine là không chắc chắn: Sự thận trọng của các nhà ngoại giao cũng như sự kiên nhẫn của những người bỏ phiếu trắng có thể chuyển hóa thành sự phản đối. Việc bỏ phiếu trắng phần nào cho thấy lo ngại của các nước về việc các lệnh trừng phạt đối với Nga khiến giá thực phẩm và năng lượng tăng lên. Một nhà ngoại giao châu Âu nói: “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Vấn đề nằm ở chỗ các lệnh trừng phạt mới, chứ không phải kẻ gây hấn trong cuộc chiến này, bị chỉ trích. Đó là nguy cơ mà chúng tôi phải liên tục tìm cách ngăn chặn và nó đến từ khắp mọi nơi, bao gồm cả Ấn Độ và Pakistan”.
Có quan điểm cho rằng phương Tây đang bị ám ảnh về một cuộc xung đột ở châu Âu, một vấn đề thực sự không phải là mối lo ngại toàn cầu, đồng thời hạ thấp hoặc phớt lờ các cuộc xung đột và vi phạm nhân quyền ở những nơi khác. Đối với những người chỉ trích, mâu thuẫn nằm ở chỗ họ tự cho mình là đúng trong các vấn đề liên quan đến luật pháp quốc tế. Đây là một điều đáng lo ngại đối với các cường quốc. Richard Gowan thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), cho biết: “Nhiều thứ có thể quy vào chủ nghĩa chống cáo buộc địa chính trị”.
Trong những năm gần đây, sự do dự của các nước giàu trong việc đầu tư chống biến đổi khí hậu, cũng như sự chậm trễ và không đồng đều trong việc phân phối vaccine phòng COVID-19, đã thúc đẩy sự trở lại của Phong trào Không liên kết, tổ chức của các quốc gia tuyên bố trung lập trong Chiến tranh Lạnh. Richard Gowan nói: “Tôi nhận thấy trong vài năm qua, nhiều quốc gia ở Nam bán cầu có xu hướng phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn trong việc chỉ trích phương Tây”. Ông cho rằng những quốc gia này cảm thấy đoàn kết hơn và có nhiều mục tiêu chung hơn trong phần lớn các trường hợp của thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh.
Đặc biệt là ở Trung Đông, việc phương Tây quan tâm đến chủ quyền của Ukraine được xem là hành động tư lợi và đạo đức giả, một phần do cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và việc NATO dẫn đầu cuộc ném bom vào Libya năm 2011 nhằm lật đổ nhà độc tài Muammar Gaddafi. Sự chào đón nồng nhiệt của châu Âu dành cho những người tị nạn Ukraine, so với sự chào đón dành cho những người tị nạn Syria, cũng khiến người ta phải ngạc nhiên.
Một số nhà ngoại giao đã sửng sốt khi Đại sứ Iraq tại Liên hợp quốc bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, viện dẫn bối cảnh lịch sử của đất nước ông làm cơ sở cho hành động này. Ngay cả Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) cũng cho rằng việc đứng về phía phương Tây sẽ lợi bất cập hại, cho dù họ không có quan hệ chặt chẽ với Nga. Họ không muốn gây bất lợi cho một đối tác quan trọng đã hợp tác với OPEC để hỗ trợ giá dầu. Hơn nữa, họ nhìn thấy cơ hội để gửi tín hiệu. Họ muốn có thêm sự giúp đỡ của Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề khu vực, chẳng hạn như tình trạng tên lửa và máy bay không người lái được phóng đi từ Yemen và các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn đang gây hỗn loạn ở nhiều nơi, từ Beirut đến Baghdad. Một quan chức Arập nói: “Nếu anh không ở đó vì chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không ở đó vì anh”. Ở Trung Đông, chỉ có Israel và Libya bỏ phiếu ủng hộ việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Việc các quốc gia vùng Vịnh bỏ phiếu trắng là điều gây thất vọng lớn đối với các nhà ngoại giao phương Tây.
Chiến dịch tuyên truyền của Nga tại khu vực gây ra tâm lý bất bình chống lại phương Tây. Các phương tiện truyền thông nhà nước của Nga, chẳng hạn như kênh tiếng Arập của mạng RT hay ấn bản tiếng Thổ Nhĩ Kỳ của Sputnik, có phạm vi hoạt động lớn và Bộ Ngoại giao nước này có một đội ngũ quan chức ngoại giao thành thạo tiếng Arập. Một đại sứ phương Tây tại Jordan cho biết: “Mỗi khi bật tivi, tôi đều thấy hình ảnh một người Nga đang lập luận biện minh cho cuộc chiến”. Mặc dù các kênh lớn phát bằng tiếng Arập và có phóng viên tác nghiệp ở Ukraine không né tránh việc tường thuật lại những sự kiện khủng khiếp trong cuộc chiến tranh, nhưng các bản tin của họ thường xen lẫn những nội dung thân Nga hoặc chống phương Tây. Tháng 3/2022, kênh Sky News Arabia, có trụ sở tại UAE, đã phát tin về cách thức mà các nước phương Tây đang sử dụng để hạ bệ Putin.
Kẻ thù của kẻ thù không đội trời chung
Ngoại trừ những người bạn đồng hành của Nga như Cuba, Nicaragua và Venezuela, các nước Mỹ Latinh đều ủng hộ hai nghị quyết của Liên hợp quốc lên án Nga vì cuộc chiến này. Tuy nhiên, một số quốc gia, bao gồm cả Brazil và Mexico, đã do dự về việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và khu vực Mỹ Latinh không mấy mặn mà với việc tham gia các biện pháp trừng phạt. Việc bắn tín hiệu về ý định tách khỏi phương Tây là một trò chơi cũ ở Mỹ Latinh, nơi một số quốc gia tìm cách đối trọng với quyền lực của Mỹ ở Tây bán cầu bằng cách “trải thảm đỏ cho các đối thủ của Mỹ”, như nhà nghiên cứu Benjamin Gedan của Trung tâm Wilson từng nói. Đầu tháng 2/2022, Tổng thống Argentina Alberto Fernández đã tán thành chiến lược này khi ngồi ăn trưa với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moskva trong khi các lực lượng Nga ồ ạt xâm lược Ukraine. Đề cập đến Quỹ tiền tệ quốc tế, Fernandez nói với Putin: “Tôi cho rằng Argentina phải chấm dứt việc phụ thuộc quá nhiều vào quỹ này và Mỹ, đồng thời phải mở đường cho Nga và các nước khác”.
Kể từ khi xâm lược, Nga đã trăn trở tìm cách khuyến khích quan điểm đó. Cuối tháng 3/2022, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định rằng một số quốc gia, chẳng hạn như Argentina, Brazil và Mexico, sẽ không bao giờ chấp nhận để Mỹ nắm quyền kiểm soát toàn cầu. Ngày 5/4, Nga đã thêm Argentina vào danh sách 52 quốc gia thân thiện mà họ sẽ nối lại các chuyến bay thẳng. Tuy nhiên, Argentina, Chủ tịch hiện tại của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, đã bỏ phiếu loại bỏ Nga.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã không che giấu sự ngưỡng mộ của mình đối với Putin. Ông cũng tình cờ có chuyến thăm tới Moskva vào tháng 2 và đã ca ngợi mối quan hệ của hai nước là một “cuộc hôn nhân không thể hoàn hảo hơn”. Mặc dù Brazil cũng lên án hành động của Nga đối với Ukraine, nhưng Bolsonaro cho biết ông không thể cắt đứt quan hệ với Nga vì tầm quan trọng không thể thay thế của phân bón nhập khẩu từ nước này – hơn 20% lượng phân bón nhập khẩu vào Brazil đến từ Nga. Bolsonaro cho biết Brazil sẽ giữ thái độ trung lập đối với cuộc xung đột này, một quan điểm phù hợp với các đối thủ chính trị của ông cũng như công chúng Brazil. Tương tự, Mexico mặc dù lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine nhưng từ lâu đã thực hiện chính sách không can thiệp và có thói quen bỏ qua các sự kiện ngoài biên giới của mình. Việc Tổng thống Andrés Manuel López Obrador tỏ ra ít quan tâm đến dân chủ không gây ảnh hưởng gì. Ông vẫn đang giữ quan hệ với đảng cánh tả và các thành phần trong đó đã thiết lập một nhóm thân Nga sau cuộc tấn công.
Nhưng châu Phi mới là nơi Nga tìm thấy sự đồng cảm rõ ràng nhất. Gần một nửa số quốc gia châu Phi – 25/54 quốc gia – bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia cuộc bỏ phiếu đầu tiên của Liên hợp quốc. Lịch sử chủ nghĩa thực dân khiến một số nước miễn cưỡng ủng hộ những gì được coi là nguyên tắc của phương Tây trong khi những người khác đang nỗ lực tăng cường quan hệ với Nga. Điều đó đúng với Nam Phi, một nền dân chủ lớn khác không tuân theo lời kêu gọi thống nhất của phương Tây. Nước này đã bỏ phiếu trắng trong tất cả các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp quốc.
Ở miền Nam châu Phi, nhiều quốc gia coi Nga là nước kế thừa Liên Xô và đã trang bị cũng như huấn luyện các đội quân du kích chống lại sức mạnh thực dân và chế độ ly khai. Tư tưởng hoài niệm này phần nào giải thích cho việc Nam Phi hướng về Nga dưới thời Tổng thống Jacob Zuma (2009-2018). Cuộc ném bom Libya đã khiến cho mối quan hệ của Nam Phi với phương Tây trở nên căng thẳng. Năm 2015, các nhân vật hàng đầu trong đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) đã cho xuất bản một bài báo về chính sách đối ngoại, trong đó than vãn rằng sự sụp đổ của Liên Xô đã làm nghiêng cán cân lực lượng về phía có lợi cho chủ nghĩa đế quốc, cụ thể là Mỹ và phương Tây.
Vòng tay trên biển
Việc Jacob Zuma rời nhiệm sở – và đang bị xét xử vì tội tham nhũng – không làm giảm sự nhiệt tình của ANC đối với Nga. Tổng thống Cyril Ramaphosa nhất trí với các quan điểm của Điện Kremlin rằng NATO phải chịu trách nhiệm về cuộc xung đột vì đã mở rộng về phía Đông. Ông cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Một trong những lý do của hành động này có lẽ liên quan đến tiền bạc. Mặc dù kim ngạch thương mại giữa các quốc gia không cao, nhưng Nga là thị trường lớn thứ hai đối với táo và lê và lớn thứ tư đối với trái cây có múi của Nam Phi. Cho dù các tàu gắn cờ Nga đang bị các cảng châu Âu và Mỹ quay lưng, nhưng tàu chở hàng Vasiliy Golovnin vẫn cập cảng Cape Town vào ngày 4/4. Nam Phi được cho là đang theo đuổi thỏa thuận mua khí đốt trị giá 2 tỷ USD/năm từ Gazprom, một công ty năng lượng thuộc sở hữu của nhà nước Nga.
Sự ủng hộ của các khu vực khác ở châu Phi dành cho Nga phản ánh thành công của nước này trong việc lan tỏa ảnh hưởng bằng cách bán vũ khí hoặc cung cấp lính đánh thuê. Việc Nga cho thuê súng đã được thấy ở 5/17 quốc gia châu Phi bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên của Liên hợp quốc: Đó là Cộng hòa Trung Phi, Madagascar, Mali, Mozambique và Sudan. Nhiều nước bỏ phiếu trắng hoặc không có mặt cũng mua vũ khí từ Nga. Theo dữ liệu do Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm thu thập được, những nước này bao gồm Algeria, Angola, Sudan và Uganda. Eritrea nằm trong số năm quốc gia trên thế giới đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Liên hợp quốc ngày 2/3.
Khi xung đột trở nên trầm trọng, phương Tây sẽ phải đối mặt với câu hỏi: Làm thế nào để sử dụng đòn bẩy của mình một cách hiệu quả để thúc đẩy những người đứng ngoài vùng lên? Một số quốc gia có thể làm vậy khi nhìn thấy cơ hội hàn gắn quan hệ với phương Tây. Đó có thể là trường hợp của Pakistan, đặc biệt là khi Imran Khan bị lật đổ trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Thương mại với Nga là vô nghĩa đối với Pakistan và các lực lượng vũ trang của nước này đang tỏ ra khó chịu về việc ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Gần đây, tướng Qamar Bajwa, Tổng tư lệnh quân đội Pakistan, đã tỏ thái độ hữu hảo một cách đáng ngạc nhiên với phương Tây. Trong bài phát biểu vào ngày 2/4, ông đã hối thúc Trung Quốc giải quyết những rắc rối ở biên giới với Ấn Độ và sau đó nói rằng hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine là không thể dung thứ và phải được chấm dứt ngay lập tức. Ông cũng lưu ý rằng cuộc chiến cho thấy một quốc gia nhỏ hơn có thể tự vệ bằng cách thể hiện tinh thần mạnh mẽ và khéo léo sử dụng kỹ thuật đơn giản – ám chỉ cuộc chiến của Pakistan với Ấn Độ, nước láng giềng lớn hơn của họ.
So với Nga, phương Tây có ảnh hưởng lớn hơn đối với Ấn Độ. Nga chỉ chiếm gần 1% thương mại của Ấn Độ. Trong khi đó, thương mại với phương Tây quan trọng hơn nhiều đối với Ấn Độ. Theo đạo luật cho phép trừng phạt các nước thực hiện các giao dịch lớn với Nga, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vào năm 2018 và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2020 vì mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400. Ấn Độ đã mua hệ thống tương tự, nhưng Chính quyền Biden cho đến nay vẫn bỏ qua câu hỏi liệu họ có áp dụng tiêu chuẩn tương tự đối với Ấn Độ hay không. Khi được hỏi về vấn đề này trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Ấn Độ vào ngày 11/4, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Chính quyền Mỹ vẫn chưa quyết định có áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ hay không. Về phía mình, Ấn Độ không những không chỉ trích Nga mà còn tăng cường mua dầu từ nước này.
Chiến lược của Biden rõ ràng nhằm thuyết phục thay vì gây áp lực đối với Ấn Độ, cách tiếp cận cho đến nay dường như chưa mang lại kết quả. Bị thúc ép trong cuộc trao đổi với các nhà báo về lý do tại sao Ấn Độ không thay đổi chiến lược để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar đã cảm ơn các phóng viên với thái độ mỉa mai vì đề xuất của họ và sau đó phản pháo lại: “Hãy tin tôi, chúng tôi nắm rõ những lợi ích của mình và biết cách bảo vệ những lợi ích đó”./.