Trong bài phỏng vấn cho đài truyền hình Nga, chuyên gia nổi tiếng người Trung Quốc Xiang Lanxin – học giả khách mời của Trung tâm Belfer về Khoa học và Các vấn đề quốc tế (Đại học Harvard) đã có những bình luận về “Tam giác Nga-Mỹ-Trung”, những bài học được Bắc Kinh rút ra từ Chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva, sự phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc, mối liên kết kiểu mới Nga-Trung cùng những đánh giá về chính sách kinh tế của Nga giữa lúc bị cấm vận. Chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả của Nghiên cứu Chiến lược toàn văn bài phỏng vấn để có thêm góc nhìn về quan hệ giữa các nước lớn hiện nay.
– Fyodor Lukyanov (hỏi): Tình hình quốc tế đã diễn biến thế nào trong năm qua, trước hết là trong quan hệ tam giác Nga-Mỹ-Trung?
– Xiang Lanxin (đáp): Ở thời điểm hiện tại, tôi không thấy bất kỳ mối liên hệ ba bên nào cả. Đã có thời gian ngắn dưới thời chính quyền D. Trump khi Washington muốn tập hợp ba phía ngồi cạnh lại với nhau, chẳng hạn như trong các cuộc đàm phán về hạt nhân. Lúc đó tôi đã nghĩ dường như có cơ hội cho “đại chiến lược” của H. Kissinger về tam giác [Nga-Mỹ-Trung] quay trở lại; và điều này có lẽ sẽ tốt cho an ninh toàn cầu.
Nhưng giờ đây nó đã hoàn toàn biến mất. Chúng ta có hai cuộc đối đầu song phương. Cả hai đều do Mỹ khởi xướng. Họ nêu tên hai kẻ thù. Đầu tiên là Trung Quốc, bất chấp chiến dịch quân sự của Nga đang triển khai ở Ukraine. Thứ hai là Nga. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang chính thức bước vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Trong đó đã có một trận xung đột “nóng“ giữa Mỹ và Nga, dù chưa trực diện. Ngoài ra, còn có khả năng nổ ra một cuộc đối đầu quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan.
Nói cách khác, chúng ta lại lần nữa tiếp cận với chính sách phân chia theo khối thời Chiến tranh Lạnh. Vì những lý do địa chính trị, Nga và Trung Quốc hiện đang xích lại gần nhau hơn bao giờ hết. Đơn giản điều này đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Nhưng nó không giống như trong Chiến tranh Lạnh, khi Nikita Khrushchev đe doạ chôn vùi chủ nghĩa tư bản để chủ nghĩa cộng sản lên ngôi, lần này chẳng có gì như thế cả. Tất cả chỉ là địa chính trị thuần tuý. Nga và Trung Quốc cần hợp tác với nhau giống như một chính sách liên kết khối mới.
– Ông gọi đó là một khối mới, nhưng các quan chức thường tránh nói rằng đây là một kiểu liên minh.
Đúng vậy, lãnh đạo Trung Quốc không muốn coi sự hợp tác này là một liên minh. Ở Nga, thuật ngữ này được nghe thường xuyên hơn. Trung Quốc không thích khái niệm liên minh. Trong lịch sử chỉ có một lần Trung Quốc liên minh với Liên Xô, và nó đã có kết cục rất tồi tệ. Trung Quốc không có hứng thú với chính trị liên minh. Nhưng quan hệ với Nga hiện nay rất bền chặt. Tôi nghĩ rằng ông Tập Cận Bình sẽ đến thăm Moskva sau khi được bầu lại làm Chủ tịch nước CHND Trung Hoa. Đây là một tín hiệu rất rõ ràng.
– Gần đây, cơ quan thống kê của Mỹ báo cáo rằng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã đạt mức kỷ lục vào năm ngoái. Làm thế nào mà lại như vậy: liên kết kinh tế không bị tách rời giữa lúc cạnh tranh chiến lược đang gay gắt nhất?
Điều này là một sự mỉa mai. Thương mại song phương đạt ngưỡng cao nhất trong khi Mỹ luôn nói về việc tách rời hai nền kinh tế, điều này tự nó đã là một sự phi lý. Các doanh nghiệp Mỹ cho rằng những lời bàn về việc tách biệt này thật điên rồ.
Điều Washington thực sự muốn là sự cô lập đối với lĩnh vực công nghệ cao, làm chậm sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Đây là một ý định rõ ràng. Nhưng trong các lĩnh vực khác, Mỹ lại quá phụ thuộc vào năng lực sản xuất từ Trung Quốc. Trước hết có thể thấy rõ ở các mặt hàng tiêu dùng và họ nhận thức rất rõ điều này. Và nếu họ cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc thì lạm phát ít nhất sẽ tăng gấp đôi. Vì vậy, họ sử dụng lập luận này [cô lập] trên thực tế chỉ riêng cho lĩnh vực công nghệ.
– Trung Quốc đã học được những bài học gì từ năm vừa qua? Tôi hiểu rằng đã có rất nhiều bất ngờ đối với Bắc Kinh?
Trước hết, Tập Cận Bình không ngờ Putin lại có quyết định như vậy. Đây là điều gây bất ngờ đầu tiên. Ở Mỹ, người ta tin chắc một trăm phần trăm rằng Putin đã thông báo trước với ông trong dịp Thế vận hội mùa Đông. Nhưng theo như tôi biết, đó không phải sự thật.
Điều bất ngờ thứ hai là quân đội Trung Quốc đã đánh giá quá cao khả năng của quân đội Nga. Đáng lẽ ra họ phải hiểu các đồng nghiệp Nga của mình hơn bất kỳ ai khác – giữa hai nước đã tổ chức rất nhiều các cuộc tập trận chung, tương tác, đối thoại ở các cấp độ khác nhau.
Chúng tôi đã quen với việc tin rằng, bất chấp các vấn đề kinh tế, Nga vẫn là cường quốc quân sự thứ hai trên thế giới. Nhưng thành thật mà nói, Trung Quốc mong đợi nhiều hơn từ khả năng quân sự của Nga. Và đây là một bài học cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng.
Điều này có quan hệ gì với vấn đề Đài Loan không? Tất nhiên, ở một mức độ nào đó, nhưng kinh nghiệm [từ chiến dịch của Nga] thì khó chuyển giao trực tiếp. Ukraine có địa hình đồng bằng lục địa, trong khi Đài Loan lại là một hòn đảo, ở đó cần một chiến dịch đổ bộ từ phía biển, do đó sẽ là một chiến dịch có tính chất hoàn toàn khác. Thế nên, tôi nghĩ các nhà phân tích Mỹ đã sai lầm khi nói rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa kế hoạch quân sự của Trung Quốc đối với Đài Loan và chiến dịch quân sự ở Ukraine.
– Một bất ngờ thú vị khác đối với nhiều người là sự ổn định kinh tế của Nga, vậy điều này được nhìn nhận thế nào ở Trung Quốc? Nhân tiện, trong nhiều thập kỷ qua, người Trung Quốc là những người ủng hộ nhiệt tình nhất cho toàn cầu hoá. Vậy ở đó người ta có hiểu rằng toàn cầu hoá theo cách cũ đã kết thúc?
Vâng, các lãnh đạo cấp cao hiểu rõ toàn cầu hoá kiểu cũ sẽ không còn nữa. Ở Trung Quốc người ta đang nghiên cứu rất kỹ lưỡng cách Nga đã thành công trong việc chống chọi với một khối lượng các lệnh trừng phạt kinh tế lớn chưa từng có trong lịch sử. Nga hầu như đơn độc đối đầu. Ở Trung Quốc người ta đánh giá rất cao hoạt động của Ngân hàng Trung ương Nga.
Tôi mạo hiểm cho rằng Nga có Ngân hàng Trung ương tốt nhất trên thế giới. Cộng đồng các ngân hàng Trung Quốc cảm thấy thán phục trước cách xử lý cuộc khủng hoảng đồng rúp của Nga.
Tất nhiên, Nga có lợi thế từ việc bán nguyên liệu thô, nhưng điều này là chưa đủ. Quan trọng hơn, chính sách kinh tế đã đi đúng hướng. Và đây là những điều mà người Trung Quốc đang học hỏi. Chúng tôi đang chuẩn bị cho những lệnh trừng phạt trong tương lai nếu Trung Quốc quyết định làm gì đó với Đài Loan.
– Dù [Trung Quốc] không làm gì Đài Loan, Mỹ chắc chắn sẽ tìm đủ lý do để gây sức ép bằng các lệnh trừng phạt.
Người Mỹ đã tích cực sử dụng các biện pháp trừng phạt [đối với Trung Quốc]. Nhưng Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một quy mô trừng phạt lớn hơn, có lẽ tương tự như đang áp dụng với Nga. Chúng tôi sẽ cần chuẩn bị trước.
– Nếu như Trung Quốc ra quyết định đối với Đài Loan, liệu người châu Âu có tham gia chiến lược của Mỹ?
Tôi không nghĩ châu Âu sẽ phải chịu đau khổ gì lớn hơn cuộc khủng hoảng năng lượng do sự rạn nứt quan hệ với Nga. Rất nhiều tiền của đã được đổ vào [để giải quyết khủng hoảng]. Vì vậy Trung Quốc đang nghiêm túc nghiên cứu những bài học của năm qua.
Biên dịch: Giang Đinh