Chủ động tận dụng sự can dự của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan để chống lại Trung Quốc trên nhiều mặt trận là điều mà các nhà hoạch định quân sự Ấn Độ nên suy nghĩ.
Các cuộc tập trận quân sự thường xuyên của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và các cuộc xâm nhập gần Đài Loan, bao gồm cả việc băng qua đường trung tuyến sau chuyến thăm của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tới Đài Bắc năm 2022 đã làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng ở Eo biển Đài Loan. Ngày càng có nhiều sự đồng thuận trong giới hoạch định chính sách của Mỹ và một bộ phận trong cộng đồng học thuật rằng, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang phát triển năng lực quân sự nhằm tham gia vào chiến dịch thống nhất xuyên eo biển bằng vũ lực trước năm 2027, cũng là thời điểm xảy ra Kỷ niệm một trăm năm của PLA.
Để đạt được sự thống nhất bằng vũ lực, các tài liệu văn bản có giá trị khoa học mang tính chính thống của Trung Quốc như: Khoa học về Chiến lược Quân sự, Khoa học về Hoạt động Phối hợp, Khoa học về Chiến dịch, Khoa học về Chiến dịch của Lực lượng pháo binh hai hay Bài giảng về Chỉ huy Chiến dịch Phối hợp và Trụ sở Tác chiến Phối hợp đều gợi ý rằng, Bắc Kinh có thể tiến hành một số chiến dịch riêng lẻ hoặc kết hợp. Chúng có thể bao gồm chiến dịch tấn công hỏa lực chung (JFSC), chiến dịch phong tỏa chung (JBC) và chiến dịch đổ bộ hiệp đồng lên đảo (JILC). JFSC là một hoạt động tấn công bao gồm các cuộc tấn công chính xác tầm xa để đe dọa giới lãnh đạo và người dân của kẻ thù. JBC là một chiến dịch kéo dài nhằm phá hoại điều kiện kinh tế của kẻ thù và khiến kẻ thù phải khuất phục, còn JILC là một chiến dịch đổ bộ tấn công hiệp đồng quy mô lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quân sự tiếp theo.
Giống như mọi quốc gia khác, Ấn Độ sẽ bị ảnh hưởng bất kể Bắc Kinh theo đuổi (những) chiến dịch nào nhằm thống nhất Đài Loan với Trung Quốc đại lục. Thương mại của Ấn Độ qua Biển Đông – chiếm gần 55% tổng thương mại của nước này với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ bị gián đoạn trong trường hợp một cuộc chiến tranh nổ ra tại Eo biển Đài Loan. Hơn nữa, thương mại của Ấn Độ với Đài Loan (đã gia tăng trong vài năm qua), Trung Quốc (đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ), Đông Á và một số nước Đông Nam Á cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một sự kiện như vậy sẽ đóng vai trò là casus belli – một tình huống kích động chiến tranh – đối với Ấn Độ.
Ngoài thương mại, tác động chiến lược của một cuộc xung đột nghiêm trọng xuyên eo biển sẽ cực kỳ nghiêm trọng, với việc New Delhi là thành viên của QUAD và do đó, được yêu cầu đưa ra phản ứng nghiêm túc. Vì rủi ro đối với Ấn Độ là rất cao, nên một kịch bản như vậy cần có một cuộc thảo luận sôi nổi về phản ứng quân sự, ngoại giao và kinh tế của đất nước – điều đã bị thiếu trong diễn ngôn chính sách của Ấn Độ.
Các phản ứng có thể xảy ra của Ấn Độ
Ở mức độ thực tế, có khả năng phản ứng quân sự của Ấn Độ sẽ chỉ giới hạn ở việc hỗ trợ các nước đối tác, bao gồm cả Mỹ, vốn có thể can thiệp để giúp đỡ Đài Loan trong cuộc xung đột xuyên eo biển. Ấn Độ là quốc gia duy nhất đã đụng độ với Lực lượng Lục quân PLA (PLAGF) gần đây tại khu vực Tawang ở Arunachal Pradesh vào tháng 12 năm 2022. PLAGF sẽ đóng vai trò chính trong các hoạt động đổ bộ cùng với Hải quân PLA (PLAN) nếu Trung Quốc chọn phương án sử dụng JILC. Mặc dù các bộ chỉ huy chiến trường và sự kết hợp của các lực lượng vũ trang liên quan đến việc đối phó với Ấn Độ và Đài Loan là khác nhau, nhưng kinh nghiệm và thông tin tình báo của Ấn Độ trong việc giải quyết “các hoạt động hiệp đồng tích hợp” của PLA sẽ có lợi cho các nước đối tác.
Trong trường hợp xảy ra chiến tranh Trung-Mỹ về vấn đề Đài Loan, Ấn Độ có thể cung cấp lãnh thổ của nước này cho Mỹ để tiếp nhiên liệu cho máy bay – giống như đã làm trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991. Không giống như các căn cứ của Mỹ ở Philippines và Tây Thái Bình Dương, những nơi có khả năng trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột, việc tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ là một lựa chọn an toàn hơn nhiều. Hơn nữa, bằng cách cho phép Mỹ tiếp cận các căn cứ trên đảo Andaman và Nicobar, Ấn Độ có thể chặn nguồn cung cấp năng lượng của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca. Tuy nhiên, đây là những bước leo thang, đòi hỏi phải đánh giá lại nghiêm túc cách suy nghĩ truyền thống của Ấn Độ về những vấn đề như vậy. Sẽ luôn có một mối nguy hiểm là quyết định này của Ấn Độ có thể dẫn đến một phản ứng cuối cùng của Trung Quốc trên dãy Himalaya vào thời điểm và địa điểm do Bắc Kinh lựa chọn.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng sự thận trọng sẽ thực sự ngăn cản PLA tiếp tục thay đổi hiện trạng dọc theo dãy Himalaya trong tương lai, điều này có thể thấy rõ từ cuộc đối đầu quân sự đang diễn ra kể từ cuộc đụng độ Galwan năm 2020. Ấn Độ không thể hoàn toàn đứng ngoài bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào đối với Đài Loan ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc leo thang dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC).
Giống như Ấn Độ, Trung Quốc cũng phải đối mặt với thách thức của một cuộc chiến tranh hai mặt trận. Ấn bản năm 2009 của tạp chí Science of Joint Operations nhấn mạnh rằng “Kẻ thù của Trung Quốc sẽ khai thác khó khăn [của nước này]…để phục vụ cho mục đích riêng của họ”. Tương tự, tài liệu năm 2012 của Học viện Khoa học Quân sự cảnh báo về một “phản ứng dây chuyền” (liansuo fanying), trong đó một kẻ xâm lược khác “ở khu vực biên giới cao nguyên của CHND Trung Hoa” có thể khai thác điểm yếu của Trung Quốc để tiến hành một cuộc tấn công chống lại các lợi ích của nước này. Tuy nhiên, chủ động tận dụng sự can dự của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan để thay đổi hiện trạng ở biên giới Himalaya hoặc chống lại Trung Quốc trên nhiều mặt trận là khả năng mà các nhà hoạch định quân sự Ấn Độ nên bắt đầu nghĩ đến.
Trừng phạt không phải là câu trả lời
Bên cạnh các hành động quân sự hạn chế liên quan đến việc gián tiếp hỗ trợ các nước đối tác, Ấn Độ cũng có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế và ngoại giao có chọn lọc. Ví dụ, Ấn Độ có thể là một phần trong nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) lên án hành vi xâm lược của Trung Quốc và yêu cầu chấm dứt ngay lập tức cuộc tấn công của Trung Quốc qua Eo biển Đài Loan. Trong quá khứ, Ấn Độ đã kiềm chế chỉ trích các hành động của Bắc Kinh. Trong chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Bắc năm 2022, Bộ Ngoại giao Ấn Độ (MEA) đã thúc giục hai bên “kiềm chế, tránh các hành động đơn phương làm thay đổi hiện trạng, giảm leo thang căng thẳng và nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực”. Mặc dù hy vọng rằng, cách tiếp cận thận trọng như vậy có thể thay đổi hành vi của Trung Quốc, nhưng nó đã không thực sự dẫn đến bất kỳ chuyển động tích cực nào trên mặt trận Trung Quốc-Ấn Độ.
Về mặt kinh tế, hy vọng Ấn Độ sẽ là một phần của liên minh sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với Trung Quốc là không thực tế. Lý do là, các biện pháp trừng phạt với cán cân thương mại tiêu cực hiện nay giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ gây tổn hại nhiều hơn cho nước này. Hơn nữa, mặc dù xung đột quân sự đang diễn ra, Ấn Độ chưa đưa ra bất kỳ biện pháp trừng phạt thương mại cụ thể nào đối với Bắc Kinh, bất chấp cơ hội sử dụng các hành động thù địch ở biên giới như một lý do để viện dẫn điều khoản an ninh quốc gia trong các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để trừng phạt Trung Quốc. Khi Ấn Độ từ chối áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại lớn đối với các hành vi tấn công quân sự ở dãy Himalaya của Trung Quốc, New Delhi sẽ không thực hiện điều đó nếu có bất kỳ xung đột nào xảy ra đối với Đài Loan.
Mặc dù Ấn Độ sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc định hình chiến trường trong trường hợp xảy ra xung đột xuyên eo biển, nhưng New Delhi có thể đóng vai trò chủ động trong việc tăng cường khả năng của Đài Loan trước khi bắt đầu xung đột. Điều này có thể bao gồm từ chia sẻ thông tin đến bí mật huấn luyện nhân viên lực lượng vũ trang Đài Loan trong các hoạt động cụ thể và thiết lập các cơ chế tham vấn với Đài Bắc, Tokyo và Washington về cách New Delhi có thể góp phần ngăn chặn một cuộc tấn công của Trung Quốc. Ấn Độ cũng cần tăng cường nỗ lực giúp Đài Loan đa dạng hóa khỏi Trung Quốc trong các vấn đề thương mại và kinh tế. Ấn Độ là quốc gia duy nhất có thể cung cấp cho Đài Loan quy mô cần thiết để thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Bắc Kinh.
Không có biện pháp nào ở trên là miễn phí nhưng không làm gì sẽ dẫn đến chi phí của chính nó. New Delhi bắt đầu lập kế hoạch cho điều không thể tránh khỏi càng sớm thì càng có khả năng xử lý hậu quả từ cuộc khủng hoảng đang chực chờ xảy ra ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Biên dịch: Phương Thảo
Về tác giả: Giáo sư Harsh V. Pant là Phó Chủ tịch – Nghiên cứu và Chính sách Đối ngoại tại Tổ chức Nghiên cứu Người quan sát, New Delhi. Ông là Giáo sư về Quan hệ Quốc tế của Viện King’s India tại King’s College London. Ông cũng là Giám đốc (Danh dự) của Trường Các vấn đề xuyên quốc gia Delhi tại Đại học Delhi.