Từ ngày 01/01/2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% tại một số nước có hiệu lực. Theo đánh giá của các chuyên gia, mức thuế suất doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% sẽ gây ra nhiều mối lo về xu hướng xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư, cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia, cũng như chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nếu chậm chân ứng phó. Do đó, để đáp ứng với nhu cầu thời đại trong môi trường toàn cầu hoá, Việt Nam cần có sự nhìn nhận đúng đắn và những lợi ích và hạn chế của việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu đối với nền kinh tế. Từ đó, bằng phương pháp nghiên cứu định tính, bài viết chú trọng tổng hợp thông tin, đưa ra dự báo về khả năng hiện thực hóa chính sách này trong thực tế, đồng thời cung cấp các giải pháp áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam trong tầm nhìn ngắn hạn và dài hạn.
Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTTC) là một loại thuế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng. Với loại thuế này, đối tượng ảnh hưởng chủ yếu là các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu dù họ có cơ sở thường trú tại quốc gia đó hay không[1]. Đến nay, đã có 142 quốc gia, bao gồm Việt Nam, bày tỏ ủng hộ đối với TTTTC. Nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai TTTTC là tất yếu, tuy nhiên trên thực tế, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh và lợi ích quốc gia của mỗi nước mà có cách tiếp cận khác nhau. Trước yêu cầu thực tế, việc nghiên cứu lợi ích và hạn chế của TTTTC đối với kinh tế Việt Nam là cần thiết để dự đoán về tình hình kinh tế trong tương lai và đưa ra phương án thích ứng phù hợp.
Nguồn gốc, mục đích và cơ chế vận hành của Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTTC)
Nguồn gốc
Năm 1992, để hạn chế tình trạng các quốc gia giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) để thu hút đầu tư, Ủy ban Chuyên gia độc lập về thuế doanh nghiệp của EU đề xuất thuế doanh nghiệp tối thiểu của EU là 30%[2]. Tuy nhiên, đề xuất này không được thực hiện.
Năm 2019, OECD đề xuất mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Tháng 6/2021, Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm 2021 đã thông qua mức thuế tối thiểu là 15% đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu hàng năm trên 750 triệu Euro theo báo cáo từng quốc gia trong ít nhất 2 năm/4 năm liền kề trước thời điểm thực hiện nghĩa vụ TTTTC, trừ một số trường hợp theo quy định và có mức lợi nhuận trên 10% dựa trên nơi tạo ra doanh thu dù họ có cơ sở thường trú tại quốc gia đó hay không[3].
Đến nay đã có 142 quốc gia đồng ý với đề xuất trên của OECD[4]. Trong đó, tính đến ngày 30/5/2023, 11 quốc gia trên toàn cầu đã đưa ra dự thảo luật hoặc thông qua luật cuối cùng đối với việc áp dụng TTTTC[5].
Ở Việt Nam, ngày 14/4/2023, Quyết định 22/QĐ-TCTĐB ra đời nhằm nghiên cứu và đưa ra giải pháp về TTTTC[6].
Mục đích
Trong khi toàn cầu hóa đã tạo ra một thị trường màu mỡ cho việc trao đổi hàng hóa thương mại quốc tế, nó cũng dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia để thu hút đầu tư thông qua chính sách ưu đãi về thuế. Phần lớn các quốc gia tham gia vào cuộc đua giảm thuế là các nước đang phát triển và kém phát triển. Mặc dù lợi ích mang lại cho các quốc gia này vô cùng lớn, nhưng ngược lại, sự cạnh tranh này đã gây ra những tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu.
Thứ nhất, thất thoát nguồn thu thuế toàn cầu. Sự chênh lệch về thuế doanh nghiệp trên toàn thế giới đã khiến các công ty đa quốc gia (MNC) chuyển trụ sở chính hoặc chuyển lợi nhuận để hưởng khoản thuế ưu đãi này. Theo nghiên cứu của Tiến sĩ UC Berkeley, khoảng 40% lợi nhuận (gần 1 nghìn tỷ USD) của MNC bao gồm các MNC lớn nhất thế giới như Amazon, Google, Nike… được chuyển đến các thiên đường thuế (như Bermuda thuế 0%…)[7]. Sự dịch chuyển này ước tính đã làm giảm 10% số tiền thu thuế doanh nghiệp toàn cầu[8]. Trong đó, các quốc gia phát triển như Đức mất khoảng 22 tỷ USD mỗi năm, tương ứng với 29% tổng nguồn thu thuế doanh nghiệp. Tương tự, Pháp mất 22% và Hoa Kỳ mất 16%[9]. Trong khi đó, thuế TNDN đóng vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách nhà nước.
Thứ hai, môi trường cạnh tranh không lành mạnh. MNC nhận được ưu đãi về thuế có lợi thế đáng kể về chi phí so với các doanh nghiệp nội địa. Điều này có thể dẫn đến sự chênh lệch về giá khiến các doanh nghiệp nội địa khó cạnh tranh trên cùng một thị trường. Việc bị áp thuế cao đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp nội địa, gây khó khăn cho việc đầu tư vào tăng trưởng, đổi mới và mở rộng.
Trước những tác động tiêu cực của các chính sách ưu đãi thuế hiện nay, TTTTC ra đời với mục đích:
Một là, tăng doanh thu từ thuế, giảm áp lực cho chính phủ. OECD dự kiến việc áp dụng TTTTC sẽ tạo ra thêm khoảng 220 tỷ USD doanh thu thuế trên toàn thế giới, tăng đáng kể so với con số 150 tỷ USD ước tính trước đó[10]. Các quốc gia sẽ tận dụng khoản thu thuế bổ sung này để hỗ trợ các sáng kiến công và đầu tư vào các chương trình xã hội. Ngoài ra, TTTTC được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên các chính phủ trong việc đưa ra các ưu đãi thuế lãng phí và miễn thuế, trong khi vẫn cung cấp một khoản thu nhập nhất định phát sinh từ thực chất.
Hai là, tạo sân chơi bình đẳng ở các quốc gia. Việc áp dụng TTTTC sẽ giải quyết vấn đề chuyển dịch lợi nhuận, xói mòn cơ sở thuế do hành vi trốn thuế của các MNC gây ra. Với mức TTTTC được áp dụng, các MNC phải cạnh tranh trên một sân chơi bình đẳng hơn dựa trên chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ chứ không phải khả năng khai thác lỗ hổng thuế.
Việc áp dụng TTTTC có thể được coi là một bước tiến tích cực trong việc điều chỉnh các quy định thuế và tài chính quốc tế để đảm bảo sự công bằng và ổn định hơn cho tất cả các quốc gia tham gia vào toàn cầu hóa.
Cơ chế vận hành
Thuế suất tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng cho lợi nhuận ở nước ngoài của các MNC. Cụ thể, nếu quốc gia A có trụ sở công ty mẹ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, trong khi công ty con ở quốc gia B chịu mức thuế thực tế dưới 15% thì quốc gia A có quyền thu khoản thuế bổ sung từ công ty con ở quốc gia B.
Tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu đối với nền kinh tế Việt Nam
Lợi ích đối với nền kinh tế Việt Nam
Trong ngắn hạn, ngay khi áp dụng TTTTC 2024, Việt Nam sẽ thu được một khoản thu ngân sách nhà nước đáng kể. Theo dữ liệu được tổng hợp từ Việt Nam Law & Legal Forum: “Bộ Tài chính ước tính việc triển khai TTTTC sẽ tạo thêm 14.600 tỷ đồng (629 triệu USD) cho ngân sách nhà nước trong năm 2024” [11]. Nếu không áp dụng TTTTC, Việt Nam sẽ mất khoản thu này, bởi quốc gia mẹ của các MNC sẽ có quyền thu khoản thuế này thay Việt Nam[12]. Cùng với đó, khi Việt Nam áp dụng TTTTC thì các doanh nghiệp của nước ta có công ty con ở quốc gia khác nơi có số thuế TNDN thực nộp thấp hơn mức tối thiểu thì chính phủ Việt Nam vẫn sẽ được thu thêm thuế TNDN từ những doanh nghiệp này.
Về dài hạn, việc tham gia triển khai TTTTC góp phần tăng cường hội nhập quốc tế, cải cách hệ thống thuế theo hướng phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Biện pháp này sẽ củng cố uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Cùng với đó, việc đi theo xu thế chung trong hệ thống thuế quốc tế cũng sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý về thuế của Việt Nam và thúc đẩy sửa đổi chính sách thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)[13]. Hơn nữa, việc tăng lượng tiền trong ngân sách chính phủ, cho phép Việt Nam giảm bớt gánh nặng thuế đối với người dân. Đồng thời, TTTTC có tiềm năng giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo từ việc tăng nguồn tài chính cho chính phủ, điều này có thể được sử dụng để hỗ trợ các chương trình phát triển xã hội và kinh tế tại các khu vực nghèo hơn. Tuy nhiên, việc giảm khoảng cách giàu nghèo không chỉ phụ thuộc vào việc áp dụng TTTTC mà còn phải có chiến lược quản lý và phân phối nguồn tài chính hiệu quả về lâu dài.
Lợi ích đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam
Trong ngắn hạn, đối với các công ty trong nước và công ty nước ngoài có yếu tố đầu tư nước ngoài đủ điều kiện nộp TTTTC, áp dụng TTTTC có thể tạo ra một môi trường thuế ổn định, dự đoán được và minh bạch trong nghĩa vụ nộp thuế giữa các công ty. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, hiện nay, trên 97% doanh nghiệp nội địa của Việt Nam là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa[14]. TTTTC mang lại sự cạnh tranh tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ. Do các công ty lớn có đội ngũ kế toán viên và luật sư nổi tiếng giúp họ tăng lợi nhuận bằng cách giảm thuế, điều mà các doanh nghiệp nhỏ không có.
Trong dài hạn, trước hết, với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đầu tư nước ngoài, qua nghiên cứu, việc Việt Nam thiết lập TTTTC không làm mất đi quyền lợi của các doanh nghiệp này, qua đó giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi về thuế, tạo điều kiện cho sản xuất và mở rộng kinh doanh. Cụ thể hơn, các dự án đầu tư của các doanh nghiệp lớn thường được triển khai trong dài hạn, cho nên xét trong dài hạn đối với doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam, nhiều nhất là Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã đưa ra những đánh giá sơ bộ về tác động có lợi có thể có của TTTTC đối với Tập đoàn Viettel và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Theo đó, đối với Tập đoàn Viettel, mức thuế suất thuế TNDN tại các nước do Viettel đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp đầu tư đều trên 15%, trừ tại Viettel tại Đông Timor mức thuế 10% (được miễn thuế theo từng khu vực, bình quân thuế suất thực tế từ 5-7%). Như vậy, nếu Việt Nam áp dụng mà Đông Timor không áp dụng quy định thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn (QDMTT) thì sẽ có khả năng thu thêm phần thuế TNDN chênh lệch giữa TTTTC so với mức thuế thực tế Viettel phải nộp tại Đông Timor[15].
Còn đối với Tập đoàn PVN, thuế suất thuế TNDN của Tập đoàn PVN tại các nước về cơ bản, các dự án đầu tư ra nước ngoài của PVN tập trung chủ yếu là các dự án trong lĩnh vực dầu khí, chịu mức thuế suất thuế TNDN hoặc loại thuế tương tự thuế TNDN tại các quốc gia khá cao từ 30% đến 60%. Do đó, việc áp dụng TTTTC hiện tại không ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN[16].
Bên cạnh đó, đối với toàn bộ các doanh nghiệp tại Việt Nam có thương mại ra nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp nước ngoài có vệ tinh đặt tại Việt Nam, áp dụng TTTTC giảm rủi ro về trừng phạt thuế quốc gia. Một số quốc gia có thể áp đặt trừng phạt các biện pháp phi thuế quan lên các doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở tại các nước không áp dụng TTTTC để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Do đó, việc Việt Nam áp dụng TTTTC có thể giảm rủi ro này, giúp doanh nghiệp tại Việt Nam không bị ảnh hưởng và mất thời gian, chi phí để giải quyết những lệnh trừng phạt này.
Hạn chế đối với kinh tế Việt Nam
Trong ngắn hạn, việc áp dụng TTTTC tạo ra sức ép cần thay đổi chính sách về thuế một cách nhanh chóng và quá trình này gây nhiều thách thức đối với Việt Nam. Cụ thể, quá trình sửa đổi hay xây dựng một bộ luật về một loại thuế diễn ra tương đối phức tạp bao gồm các bước: (1) Chính phủ giao Bộ Tài chính hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật (2) Bộ Tài chính gửi Bộ Tư pháp trước để tổng hợp vào Đề nghị của Chính phủ bổ sung Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội (3) Trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua[17]. Quá trình sửa đổi cần sự phối hợp tham gia của nhiều bên và yêu cầu một khoảng thời gian nhất định. Áp lực cần sửa đổi nhanh chóng có khả năng sẽ tạo kết quả không tốt.
Trong dài hạn, áp dụng TTTTC làm giảm khả năng thu hút FDI. Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng TTTTC[18]. Trong khi đó, FDI đóng góp một phần quan trọng đối với tổng thể nền kinh tế Việt Nam.
Thu hút FDI chất lượng cao là một trong những mục tiêu của chính phủ bởi những lợi ích mà FDI mang lại. Khu vực FDI đóng góp vào GDP chiếm tỷ trọng không nhỏ. Năm 2010 là 15,15%, năm 2015 là 18,07% và năm 2021 là 20,13%[20]. Trong giai đoạn từ 2011-2022, khu vực FDI tuy chỉ chiếm 3,3% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam nhưng chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn (từ gần 65% – 74%, tăng gần 10% trong cả giai đoạn), tăng trưởng liên tục về lượng và chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tăng trưởng kinh tế.
Pháp luật hiện hành tại Việt Nam dành rất nhiều ưu đãi đối với các doanh nghiệp FDI. Do áp dụng mức thuế suất thấp hơn hoặc chính sách miễn, giảm thuế nên mức thuế suất đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp FDI được ưu đãi thực tế thấp hơn 15%. Nếu áp dụng TTTTC, chính sách ưu đãi thuế TNDN không còn hiệu lực. Nếu FDI giảm do TTTTC, các chỉ số GDP, tỷ trọng xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng sẽ đồng thời giảm theo. Từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp
Trong ngắn hạn, TTTTC áp dụng đối với MNC có doanh thu lớn hơn 750 triệu Euro. Điều này tác động ngay lập tức đến phần lớn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Các doanh nghiệp này sẽ mất đi nguồn vốn để hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) trong ngắn hạn. Theo sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2021 cho biết, khu vực FDI hiện có 18.762 doanh nghiệp, trong đó 16.455 doanh nghiệp có kết quả hoạt động SXKD tương đương 2,8% tổng số doanh nghiệp cả nước[21].
Chẳng hạn như, Việt Nam hiện đang hợp tác cùng các doanh nghiệp Nhật Bản thực hiện chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Hai nước cũng đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách thể chế kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục…Với 4.978 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký gần 69 tỷ USD tính đến tháng 12/2022[22]. Nếu áp dụng TTTTC, Việt Nam có thể sẽ mất đi một phần vốn để phát triển các lĩnh vực này.
Một ví dụ khác, thuế suất doanh nghiệp của Tập đoàn Viettel tại các quốc gia mà Viettel có đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp là 15% trở lên, ngoại trừ đối với doanh nghiệp trụ sở tại Đông Timor là 10%. Do đó, nếu Việt Nam áp dụng các quy định tiêu chuẩn về QDMTT bổ sung nhưng Đông Timor không áp dụng thì Viettel sẽ chịu thêm thuế doanh nghiệp đối với phần chênh lệch giữa TTTTC so với mức thuế thực tế Viettel phải nộp tại Đông Timor[23].
Trong dài hạn, việc thực hiện TTTTC có thể tác động đáng kể đến chiến lược đầu tư của các tập đoàn lớn. Các tập đoàn đa quốc gia có thể cần phải đánh giá lại kế hoạch đầu tư của họ tại Việt Nam, từ đó định hướng lại mục tiêu dài hạn. Đại diện Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cho biết TTTTC sẽ làm ảnh hưởng đến việc hoạch định tài chính và chiến lược kinh doanh của các công ty, trực tiếp làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam[24].
Việc áp dụng TTTTC có thể khiến các doanh nghiệp FDI phải cắt giảm vốn đầu tư. Từ đó sẽ gây nên sự thiếu hụt trong hoạt động phát triển, mở rộng sản xuất, hạn chế các nguồn kinh phí cho các hoạt động đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực, đổi mới chuyển giao công nghệ cũng gây nên tác động tiêu cực đối với hoạt động sản xuất của chính doanh nghiệp.
Nhận xét
Đánh giá giữa lợi ích, hạn chế trong ngắn hạn và dài hạn tác động đến nền kinh tế và các doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy, việc áp dụng TTTTC sẽ đem lại những lợi ích đáng kể hơn so với việc từ bỏ chính sách này.
Bởi lẽ, vấn đề giảm thu hút đầu tư nước ngoài là lí do đắn đo lớn nhất làm cho TTTTC giảm bớt tính tích cực của nó, tuy nhiên, theo nhận định, yếu tố về thuế không phải là nguyên nhân làm ảnh hưởng đáng kể đến quyết định lựa chọn môi trường đầu tư của doanh nghiệp. Biểu hiện là, theo số liệu từ báo cáo của Eurocham vào quý 4 năm 2022, cho thấy rằng hầu hết các doanh nghiệp từ châu Âu mong muốn Việt Nam cải thiện thủ tục hành chính (70%), hơn là quan tâm đến thay đổi về thuế (28%).
Dự báo
Trong ngắn hạn (2-3 năm), việc áp dụng TTTTC tại Việt Nam là không khả quan. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này:
Thứ nhất, việc sửa đổi và ban hành một luật mới về thuế mất rất nhiều thời gian.
Như trong phần hạn chế đã đề cập, việc sửa đổi và ban hành về một bộ luật về thuế diễn ra tương đối phức tạp. Bên cạnh đó, từ trước đến nay Việt Nam luôn sử dụng thuế như một công cụ hiệu quả nhất trong việc thu hút FDI. Vì vậy, Việt Nam cần có một khoảng thời gian dài để chuẩn bị kĩ cho những tác động mà TTTTC có thể mang đến và có những văn bản hướng dẫn cụ thể để việc đánh thuế được diễn ra theo đúng nguyên tắc mà không ảnh hưởng tới môi trường đầu tư của các FDI.
Bên cạnh đó, Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu chưa được trình Quốc hội xem xét trong tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vừa qua. Do đó, việc có thể áp dụng luôn TTTTC cầu trong 2-3 năm tới là khó khả thi.
Thứ hai, chưa có nước nào đưa TTTTC vào thực thi chính thức.
Mặc dù Ủy ban châu Âu là tổ chức đầu tiên đề xuất mức TTTTC là 15% đối với các tập đoàn lớn hoạt động tại EU và trước đó EU cam kết sẽ tiến hành cực kỳ nhanh chóng và trở thành một trong những nước đầu tiên áp dụng loại thuế này. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các nước châu Âu mới ở bước thông qua kế hoạch và đưa ra chính sách chứ chưa có việc áp dụng và thực thi chính thức và cụ thể nào.
Ngoài ra, ở châu Á, Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức ban hành các quy tắc TTTTC cũng đã phải trì hoãn lại về quy định UTPR và chính thức có hiệu lực từ năm 2025, muộn hơn 12 tháng so với dự kiến đầu là năm 2024[26] nhằm hoàn thiện và bổ sung các quy tắc để hoàn thiện bộ quy tắc cải cách thuế của mình.
Có thể thấy, để TTTTC chính thức đi vào thực thi và áp dụng như một bộ quy định chung cần rất nhiều thời gian và sự tính toán rõ ràng. Ngay cả các nước lớn vẫn chưa có quốc gia nào chính thức áp dụng, nên chưa thể thấy rõ những tác động thực tế và chính xác mà TTTTC mang lại. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ là một quốc gia đang phát triển và việc hội nhập khá sâu rộng về kinh tế quốc tế có thể khiến kinh tế đất nước dễ bị tổn thương nếu có bất kỳ biến động gì trên thị trường quốc tế. Vì vậy, Việt Nam trong ngắn hạn chưa khả thi trong việc sử dụng TTTTC. Việt Nam sẽ cần phải có những chính sách, tầm nhìn và lộ trình rõ ràng để tránh tác dụng ngược của loại thuế này mang lại.
Tuy nhiên, về dài hạn, việc áp dụng TTTTC tại Việt Nam là điều tất yếu. Bởi đây là quy luật chung của nhiều nước lớn cũng như của thế giới. Hơn nữa, nếu không áp dụng thì sẽ không tận dụng được lợi ích mà TTTTC mang lại. Trong đó, lợi ích lớn nhất là việc thu được khoản thuế lớn hơn trước cùng với các cơ hội khác được nêu ở trên. Sau khi lên kế hoạch, điều chỉnh chính sách cho hợp lý, có thể Việt Nam sẽ bắt đầu áp dụng vào năm 2026, chậm nhất là 2027, theo sau các nước lớn trên thế giới.
Lộ trình và khuyến nghị chính sách áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Giai đoạn 1 - Trong ngắn hạn (2024-2027)
Chính sách
Trong giai đoạn đầu này, đây là khoảng thời gian TTTTC chưa được áp dụng tại Việt Nam, trong khi các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thụy Sỹ hay Singapore xác nhận sẽ đưa vào áp dụng trong năm 2024 – 2025. Vì thế, để không bị thất thoát thuế sang các quốc gia khác trong giai đoạn này, Việt Nam nên áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung đạt chuẩn (QDMTT), áp dụng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi TTTTC.
Về định nghĩa, QDMTT có thể hiểu đơn giản là một cơ chế nội luật hoá nhằm giúp các nước nhập khẩu vốn giành quyền thu phần thuế bổ sung trước các quốc gia khác.
Về cách tính thuế QDMTT, theo OECD, thuế thu nhập tối thiểu nội địa bổ sung được tính theo công thức:
Thuế nội địa bổ sung đạt chuẩn = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận thặng dư) + bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có). (1) Tỷ lệ thuế bổ sung = Thuế suất tối thiểu – Thuế suất thực tế (2) Lợi nhuận thặng dư = Lợi nhuận doanh nghiệp - Lợi nhuận trung bình ngành (3) Thuế suất tối thiểu là 15%.
Về mục đích áp dụng: giảm thất thoát nguồn thu thuế sang quốc gia khác. Cụ thể, nếu Việt Nam không áp dụng TTTTC trong giai đoạn đầu, tức Chính phủ Việt Nam vẫn chỉ thu thuế ở mức thuế ưu đãi đối với các doanh nghiệp nước ngoài có vốn đầu tư trên 750 triệu Euro. Lúc này, để đảm bảo mức thuế tối thiểu là 15%, thì những doanh nghiệp này phải đóng thêm thuế bổ sung tại quốc gia công ty mẹ. Vì thế, Việt Nam đang bị mất đi một nguồn thu thuế tiềm năng. Tuy nhiên, khi áp dụng thuế QDMTT, Chính phủ Việt Nam sẽ thu lại được khoản thuế này đủ để đạt mức tối thiểu là 15% trong khi doanh nghiệp vẫn đóng tiền thuế như cũ.
Ngoài ra, QDMTT sẽ được xác định bằng 0 (không phải chịu thuế) trong một năm tài chính nếu Công ty thành viên hoặc tập hợp các Công ty thành viên trong năm tài chính liên quan đáp ứng đồng thời các điều kiện sau: a) Doanh thu bình quân theo quy định GloBE tại Việt Nam dưới 10 triệu Euro; b) Thu nhập bình quân theo quy định GloBE tại Việt Nam dưới 1 triệu Euro hoặc lỗ[27].
Hành động
Trong ngắn hạn, khi chính phủ quyết định triển khai QDMTT thông qua việc sửa đổi luật, đồng nghĩa với việc chính phủ phải giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng nhằm giảm thất thoát về thuế và đảm bảo tính công bằng trong hệ thống thuế. Tuy các biện pháp này được quy hoạch trong ngắn hạn, nhưng mang lại hiệu quả trong dài hạn.
Việc sửa đổi chính sách thuế trong ngắn hạn đã gây ra không ít thách thức cho cả Chính phủ lẫn các doanh nghiệp. Để tạo điều kiện hơn cho các doanh nghiệp FDI nhằm giữ chân họ, chính phủ cần tạo ra một môi trường thuế minh bạch và ổn định để các doanh nghiệp có niềm tin, định hướng và xây dựng kế hoạch tài chính dựa trên quy định thuế mà chính phủ đưa ra. Đồng thời, xây dựng và thông qua các luật thuế rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện, trong đó chỉ định rõ quy trình và trách nhiệm của các đơn vị liên quan, giúp giảm bớt sự nhầm lẫn, sai sót và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong công tác thực hiện và tuân thủ chính sách thuế.
Ngoài ra, chính phủ cần phải đánh giá định kỳ về hiệu quả và tác động của chính sách thuế được sửa đổi, từ đó đưa ra các điều chỉnh phù hợp và đưa ra các hướng giải quyết kịp thời nhằm cải thiện các quy định về thuế nếu cần thiết. Việc này nhằm đảm bảo chính sách thuế được điều chỉnh liên tục để phù hợp với thực tế và mục tiêu của chính phủ trong dài hạn.
Để làm tốt những hoạt động trên, chính phủ cần tạo điều kiện, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan chức năng liên quan[28], bao gồm cả cơ quan thuế, tài chính, hay tư pháp và cả cơ quan thi hành pháp, nhằm tăng cường khả năng thu thập thông tin, phối hợp kiểm soát và truy cứu vi phạm thuế, khắc phục tối đa tình trạng trốn thuế tại Việt Nam.
Giai đoạn 2 - Trong dài hạn (2027 trở đi)
Chính sách, Việt Nam từ giai đoạn này sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Hành động
Mục đích chính của giai đoạn này là Việt Nam cần làm gì để có thể duy trì nguồn đầu tư của các MNC thuộc đối tượng áp dụng TTTTC, thu hút FDI mới.
Thứ nhất, chính sách về cơ chế và thủ tục hành chính. Khi ưu đãi thuế mất đi thì để thu hút đầu tư FDI, Việt Nam phải cắt giảm thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua rà soát tổng thể về thể chế, chính sách liên quan đến đầu tư như Luật đầu tư, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam… và thực hiện Chính phủ Điện tử nhằm cải thiện hiệu suất hành chính.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nên tạo khung pháp lý cho việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ, trao đổi lao động kỹ thuật…; chú trọng một số phương thức đầu tư mới trong thời gian gần đây như đầu tư không sử dụng vốn chủ sở hữu (NEM) và đầu tư nước ngoài ròng (NFI) với các hình thức cụ thể như thuê gia công, thuê ngoài dịch vụ, khoán nông nghiệp, nhượng quyền, cấp phép và quản lý theo hợp đồng. Đồng thời, Việt Nam cần xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát và công khai minh bạch hoạt động SXKD, tình hình tài chính của doanh nghiệp FDI.
Thứ hai, chính sách về tài chính. Khi TTTTC áp dụng mức thu thuế 15% thì những chính sách ưu đãi thuế không còn là công cụ hữu hiệu. Khi đó, để thu hút đầu tư FDI, chính phủ cần xem xét ưu đãi các doanh nghiệp FDI thông qua các loại thuế khác như VAT áp dụng với một số sản phẩm cần khuyến khích sản xuất bao gồm 6 lĩnh vực công nghiệp gồm: dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô, công nghiệp công nghệ cao[29].
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể xem xét thành lập quỹ hỗ trợ được trích từ chênh lệch giữa mức ưu đãi đang áp dụng so với TTTTC để hỗ trợ một phần chi phí của nhà đầu tư vào cơ sở vật chất, sản xuất, nhân lực. Việt Nam cần hỗ trợ chi phí đầu tư cho doanh nghiệp FDI ứng dụng công nghệ và nguyên vật liệu xanh. Từ đó, Việt Nam sẽ đạt được cam kết quốc tế về Net Zero 2050 và đạt yêu cầu chứng chỉ sản xuất xanh mà ngày càng nhiều các quốc gia phát triển yêu cầu.
Thứ ba, chính sách về nguồn nhân lực. Chính phủ nên đầu tư vào các chương trình giáo dục với mục tiêu cung cấp kỹ năng và kiến thức cần thiết cho lực lượng lao động, đặc biệt trong các lĩnh vực về công nghệ, bán dẫn,… Điều này sẽ giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các FDI vì các công ty FDI có thể hưởng lợi từ lực lượng lao động tri thức và có tay nghề, tạo nhiều doanh thu cho chính công ty của mình.
Thứ tư, chính sách về cơ sở hạ tầng. TTTTC có thể làm giảm các khoản đầu tư vào những khu vực pháp lý có mức thuế thấp như Việt Nam vì các lợi thế về thuế sẽ bị giảm đi. Khi đó, các tập đoàn đa quốc gia có thể sẽ đầu tư vào các quốc gia có cơ sở hạ tầng vững chắc. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, viễn thông và năng lượng để tiếp tục thu hút FDI. Việc này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để phát triển cho các doanh nghiệp FDI.
Kết luận
Bài nghiên cứu đã tập trung giải quyết vấn đề xoay quanh chủ đề “Thuế tối thiểu toàn cầu: Tác động đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam” dựa trên việc đánh giá những tác động trong ngắn hạn, dài hạn; đưa ra những dự đoán khi áp dụng hình thức thuế này để từ đó đưa ra các giải pháp và lộ trình cụ thể cho Việt Nam. Có thể nói, việc đánh TTTTC là tất yếu nhưng cần lưu ý đến việc xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để ổn định đầu tư. Chính phủ Việt Nam cần đánh giá kỹ lưỡng các vấn đề như: bao nhiêu thuế bổ sung sẽ thu thêm được dùng để hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp nào sẽ được hưởng ưu đãi này, cũng như mức hỗ trợ tính toán trên cơ sở chi phí nào và mức bao nhiêu là phù hợp.
Như vậy, TTTTC là một thực tế. Thực tế đó trước mặt có thể tạo ra sự xáo trộn trong các cơ chế chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, bởi vì các doanh nghiệp này trước nay vẫn được hưởng các ưu đãi thế của Việt Nam. Tuy vậy, về lâu dài đây chính là một cơ hội để Việt Nam đổi mới các chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh để phù hợp với sân chơi quốc tế và trở thành một điểm đến hấp dẫn một cách bền vững, mang lại những giá trị lâu dài cho nền kinh tế. Tuy nhiên, bài nghiên cứu vẫn còn tồn tại sự hạn chế, cụ thể là, chưa có quốc gia nào chính thức áp dụng loại thuế này ở thời điểm hiện tại nên sự dự đoán và phân tích có thể sẽ thay đổi trong tương lai./.
Nhóm tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thanh Lam, Bùi Nguyệt Hằng, Phạm Hà Phương
Học viện Ngoại giao
Bản quyền nội dung bài viết thuộc về các tác giả và Nghiên cứu Chiến lược, vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với Ban Biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Ramon Camacho (2021), “G7: Groundbreaking steps to a 15% global minimum tax”, RSM, G7: Groundbreaking steps to a 15% global minimum tax (rsmus.com), truy cập ngày 09/10/2023
[2] Ruding, Onno (1992), Report of the Committee of Independent Experts on company taxation, Văn phòng Xuất bản Chính thức của Cộng đồng Châu Âu, tr.14
[3] OECD (2021), “International community strikes a ground-breaking tax deal for the digital age”, OECD, https://www.oecd.org/tax/international-community-strikes-a-ground-breaking-tax-deal-for-the-digital-age.htm, truy cập ngày 10/10/2023
[4] Lê Hồng Hiệp & Phan Xuân Dũng (2023), “Thuế tối thiểu toàn cầu: Lợi hay hại cho kinh tế Việt Nam?”, Nghiên cứu quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2023/08/15/thue-toi-thieu-toan-cau-loi-hay-hai-cho-kinh-te-viet-nam/, truy cập ngày 11/10/2023
[5] China Tax Alert (2023), “Global minimum tax gains momentum – A recap of key recent developments”, KPMG, https://kpmg.com/cn/en/home/insights/2023/02/china-tax-alert-06.html, truy cập ngày 11/10/2023
[6] Cổng TTĐT Chính phủ – Thông cáo báo chí (2023), “Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngày 14/4/2023”, Báo Chính phủ, https://baochinhphu.vn/chi-dao-dieu-hanh-cua-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-ngay-14-4-2023-1022304150841 41995.htm, truy cập ngày 11/10/2023
[7] UC Berkeley, Thomas Tørsløv, Gabriel Zucman (2020), “Close to 40% of multinational profits are shifted to tax havens each year”, World Economic Forum, https://missingprofits.world/, truy cập ngày 11/10/2023
[8] Ludvig Wier (2020), “Tax havens cost governments $200 billion a year. It’s time to change the way global tax works”, World Economic Forum, https://www.weforum.org/agenda/2020/02/how-do-corporate-tax-havens-work/, truy cập ngày 11/10/2023
[9] UC Berkeley, Thomas Tørsløv, Gabriel Zucman (2020), “Close to 40% of multinational profits are shifted to tax havens each year”, World Economic Forum, https://missingprofits.world/, truy cập ngày 11/10/2023
[10] Hạnh Vũ (2023), “Thuế tối thiểu toàn cầu là gì, vì sao quan trọng?”, Dân trí, https://dantri.com.vn/kinh-doanh/thue-toi-thieu-toan-cau-la-gi-vi-sao-quan-trong-20230405072610528.htm, truy cập ngày 09/10/2023
[11] Dang Ngoc Minh (2023), “Application of global minimum tax in Vietnam: impacts on businesses and solutions”, Viet Nam Law & Legal Forum, https://vietnamlawmagazine.vn/application-of-global-minimum-tax-in-vietnam-impacts-on-businesses-and-solut ions-70319.html, truy cập ngày 10/10/2023.
[12] Lê Hồng Hiệp & Phan Xuân Dũng (2023), “Thuế tối thiểu toàn cầu: Lợi hay hại cho kinh tế Việt Nam?”, Nghiên cứu Quốc tế, https://nghiencuuquocte.org/2023/08/15/thue-toi-thieu-toan-cau-loi-hay-hai-cho-kinh-te-viet-nam/#more-52317, truy cập ngày 07/10/2023.
[13] Phương Nga (2023), “Thuế tối thiểu toàn cầu: Thời cơ cải thiện môi trường thu hút FDI”, Kinh tế & Đô thị, https://kinhtedothi.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-thoi-co-cai-thien-moi-truong-thu-hut-fdi.html, truy cập ngày 07/10/2023.
[14] Vũ Long (2023), “Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể đóng góp nhiều cho công nghiệp hỗ trợ”, Lao Động, https://laodong.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-nho-va-vua-co-the-dong-gop-nhieu-cho-cong-nghiep-ho-tro-1193990.ldo?, truy cập ngày 10/10/2023.
[15] Hải Yến (2023), “Tập trung đề xuất quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và thu nhập chịu thuế tối thiểu khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu”, Quốc hội, https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Li sts/News&ItemID=78152, truy cập ngày 14/10/2023.
[16] Diệp Diệp (2023), “Thuế tối thiểu toàn cầu tác động thế nào đến các “ông lớn” FDI?”, Kinh tế & Đô thị, https://kinhtedothi.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-tac-dong-the-nao-den-cac-ong-lon-fdi.html, truy cập ngày: 13/10/2023.
[17] Hoàng Quyên (2023), “Chính phủ thống nhất các chính sách khi sửa Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TTĐB”, Chính sách pháp luật mới, https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thong-bao-van-ban-moi/email/51741/chinh-phu-thong-nhat-cac-chinh-sach-khi-sua-luat-thue-gtgt-va-luat-thue-ttdb, truy cập ngày 09/10/2023.
[18] Cẩm Tú (2023), “Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, ngân sách nhà nước sẽ thế nào?”, VOV, https://vov.vn/kinh-te/ap-dung-thue-toi-thieu-toan-cau-ngan-sach-nha-nuoc-se-the-nao-post1014670.vov, truy cập ngày 09/10/2023.
[19] Vũ Huyền Trang (2023), “Đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 – 2022 và khuyến nghị chính sách”, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/fm/ddnhnn/nctd/nctd_chitiet?leftWidth=20%25&showFooter=false&showHeader=false&dDocName=SBV573016&rightWidth=0%25¢erWidth=80%25&_afrLoop=33 24642798, truy cập ngày 09/10/2023.
[20] Kiều Oanh (2022), “Vai trò của dòng vốn FDI trong phát triển kinh tế Việt Nam”, Công Thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/vai-tro-cua-dong-von-fdi-trong-phat-trien-kinh-te-viet-nam-101700.htm, truy cập ngày 09/10/2023.
[21] Xuân Thái (2023), “Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam qua báo cáo PCI 2022”, VnEconomy, https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-fdi-tai-viet-nam-qua-bao-cao-pci-2022.htm, truy cập ngày 14/10/2023.
[22] Hải Minh (2023), “Việt Nam kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản chuyển giao công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh”, Báo điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/viet-nam-keu-goi-dn-nhat-ban-chuyen-giao-cong-nghe-de-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-102230215122945371.htm, truy cập ngày 15/10/2023.
[23] Hải Yến (2023), “Tập trung đề xuất quy định về thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn và thu nhập chịu thuế tối thiểu khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu”, Quốc hội, https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Li sts/News&ItemID=78152, truy cập ngày 14/10/2023
[24] T.Văn (2023), “Thuế tối thiểu toàn cầu có làm “vô hiệu” chính sách miễn, giảm thuế của Việt Nam?”, Tạp chí Kinh tế & Dự báo, https://kinhtevadubao.vn/thue-toi-thieu-toan-cau-co-lam-vo-hieu-chinh-sach-mien-giam-thue-cua-viet-nam-25745.html, truy cập ngày 09/10/2023.
[25] DELCO Construction (2023), “Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu có ảnh hưởng đến dòng vốn FDI vào Việt Nam?”, DELCO, https://delco-construction.com/chinh-sach-thue-toi-thieu-va-fdi-vietnam/, truy cập ngày 26/10/2023.
[26] Globaltaxnews (2023), “Korea’s 2023 tax reform proposals include proposed 12-month delay on Undertaxed Profit Rule”, NTD’s Tax Technical Knowledge Services group, https://globaltaxnews.ey.com/news/2023-1351-koreas-2023-tax-reform-proposals-include-proposed-12-month-d elay-on-undertaxed-profit-rule, truy cập ngày 12/10/2023
[27] Lan Phương (2023), “Đề xuất áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu”, Báo điện tử Chính phủ, https://baochinhphu.vn/de-xuat-ap-dung-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-bo-sung-chong-xoi-mon-co-so-thue-toan-cau-102230823151026209.htm, truy cập ngày 10/10/2023.
[28] Trần Thanh Thuỷ (2023), “Hoạt động chuyến giá tại doanh nghiệp FDI”, Tạp chí Công Thương, https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/hoat-dong-chuyen-gia-tai-doanh-nghiep-fdi-105859.htm, truy cập ngày 11/10/2023.
[29] PV/VOV (2015), “60 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được ưu tiên phát triển”, VOV, https://vov.vn/kinh-te/60-san-pham-cong-nghiep-ho-tro-se-duoc-uu-tien-phat-trien-448389.vov, truy cập ngày 13/10/2023