Trong hai ngày 07 và 08/11/2024, tại Budapest, Thủ tướng Hungary Viktor Orban (lãnh đạo châu Âu duy nhất công khai ủng hộ Donald Trump) tiếp đón gần 50 lãnh đạo châu Âu đến dự hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng chính trị Châu Âu lần thứ 5 (CPE). CPE quy tụ 27 thành viên của Liên Âu cùng nhiều nước láng giềng, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ukraina, Anh Quốc hay Gruzia … Hội nghị CPE lần thứ 5 lần này cũng sẽ có sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Mục đích của hội nghị
Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh ông Donald Trump đã thắng cử và chuẩn bị trở lại Nhà Trắng. Mối lo về sự “thờ ơ” của ông Trump đối với các đồng minh là một trong những yếu tố tác động tới hội nghị thượng đỉnh CPE lần thứ 5. Theo đó, CPE đã bàn về chính sách hỗ trợ Ukraina, an ninh và khả năng cạnh tranh của châu Âu. Khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump muốn áp đặt thuế hải quan, đồng thời muốn rút khỏi NATO và ông cũng đã cam kết sẽ chấm dứt chiến tranh Ukraine chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ. Châu Âu đang ít nhiều phụ thuộc vào những bảo đảm an ninh của Mỹ có lẽ sẽ bị chia rẽ về chiến lược sắp tới trong quan hệ với Washington hoặc Châu Âu có thể giảm viện trợ cho Ukraine hay trái lại, việc Donald Trump trở lại Nhà Trắng tạo đà cho châu Âu phối hợp chặt chẽ với nhau hơn .
Nội dung và kết quả của hội nghị
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về các vấn đề toàn cầu, bao gồm Ukraine và Trung Đông. Thủ tướng Hungary Viktor Orban chủ trì cuộc họp và những người tham dự cùng thảo luận tập trung về vấn đề di cư bất hợp pháp và các vấn đề liên quan đến an ninh kinh tế châu Âu. Các quan chức từ các quốc gia thành viên EU và các quốc gia khác cũng thảo luận về quan hệ EU – Mỹ, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Donald Trump .
Các nhà lãnh đạo liên tục nhấn mạnh rằng cần tăng cường nỗ lực phòng thủ của châu Âu. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên từ năm 2017 – 2021, ông Trump đã mạnh mẽ thúc ép các đồng minh NATO ở châu Âu chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, đạt và vượt mức 2% tổng sản phẩm quốc nội, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào sự bảo trợ quân sự của Mỹ. Chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel của 27 quốc gia thành viên cũng đồng ý rằng châu Âu cần trở nên ít phụ thuộc hơn vào Mỹ. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói rằng đã đến lúc nhận ra rằng EU cần cam kết thêm nguồn lực để có thể đối phó với các thách thức lớn. Đó là vấn đề về cạnh tranh và phòng thủ của châu Âu.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đe dọa từ cuộc chiến thương mại với châu Âu đến việc rút khỏi các cam kết NATO và thay đổi cơ bản sự ủng hộ đối với Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Đây là những vấn đề có thể mang lại hệ quả to lớn cho các quốc gia châu Âu. Tuy nhiên, Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof nói, không phải tất cả đều trở thành chính sách chính thức bởi việc hợp tác xuyên Đại Tây Dương có tầm quan trọng tối cao cho cả lợi ích của Mỹ và châu Âu.
Hiện tại, các nhà lãnh đạo châu Âu hy vọng sự khởi đầu mới này sẽ mang lại triển vọng về mối quan hệ suôn sẻ hơn. Ông Rutte, cựu thủ tướng Hà Lan chia sẻ rằng ông Trump hiểu rằng EU và Mỹ phải cùng nhau thỏa thuận để đạt được quan điểm chung. Ông Rutte cũng nhấn mạnh rằng những thách thức từ Nga tại Ukraine ảnh hưởng đến cả hai bờ Đại Tây Dương. Nga đang cung cấp công nghệ mới nhất cho Triều Tiên để đổi lấy sự hỗ trợ của Triều Tiên trong cuộc chiến chống lại Ukraine. Và đây là một mối đe dọa không chỉ đối với phần châu Âu của NATO mà còn đối với chính lãnh thổ Mỹ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nói rằng nếu tái đắc cử, ông sẽ chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ ba, chỉ trong một ngày. Ukraine và nhiều đồng minh châu Âu của họ lo sợ rằng điều này có nghĩa là một nền hòa bình có lợi cho Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng nghĩa với việc nhượng bộ lãnh thổ. Các đồng minh châu Âu trong NATO hy vọng thuyết phục Trump rằng nếu ông giúp đàm phán bất kỳ hiệp định hòa bình nào, thì nó nên được thực hiện từ một vị thế mạnh mẽ, có lợi cho cả Ukraine và Mỹ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, người đã nói chuyện với Trump qua điện thoại tối qua, nói với các phóng viên ở Budapest rằng châu Âu và Mỹ cần nhau để duy trì sức mạnh.
Quan hệ đối tác này từng chịu nhiều áp lực trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump. Chính quyền Trump đã áp thuế lên thép và nhôm của EU vào năm 2018, với lý do các sản phẩm nước ngoài, dù được sản xuất bởi các đồng minh Mỹ nhưng đó vẫn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ. Các nước châu Âu và các đồng minh khác đã trả đũa bằng thuế quan đối với xe mô tô, bourbon, bơ đậu phộng và quần jean của Mỹ, cùng nhiều mặt hàng khác.
Tình hình ở châu Âu càng trở nên phức tạp khi Đức, nền kinh tế lớn gặp khó khăn khi rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi Thủ tướng Olaf Scholz sa thải bộ trưởng tài chính của mình, khiến liên minh cầm quyền sụp đổ. Ông Scholz, người ở lại Berlin thay vì đến dự hội nghị tại Budapest, sẽ lãnh đạo một chính phủ thiểu số .
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo còn cam kết thực hiện đơn giản hóa nhằm giảm gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp. Đến giữa năm 2025, EU có kế hoạch giảm ít nhất 25% nghĩa vụ báo cáo, thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tuyên bố cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để giảm giá năng lượng, vốn khiến các công ty châu Âu phải chịu bất lợi về khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp Mỹ. Cùng với đó, tuyên bố cũng đề cập việc cần thiết lập chính sách công nghiệp toàn diện, với cam kết phân bổ 3% GDP của EU cho nghiên cứu và phát triển vào năm 2030, nhấn mạnh cam kết đổi mới sáng tạo và tiến bộ công nghệ.
Ngoài ra, hội nghị còn nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiến hành các biện pháp hướng tới Liên minh tiết kiệm và đầu tư vào năm 2026, đồng thời ủng hộ thực hiện đầy đủ Liên minh thị trường vốn (CMU). Sáng kiến CMU, được đưa ra vào năm 2015, nhằm tạo thị trường vốn thống nhất và dồi dào hơn trên khắp các quốc gia thành viên EU. Để đảm bảo các biện pháp pháp lý phù hợp các mục tiêu về khả năng cạnh tranh, các nhà lãnh đạo EU nhất trí đưa đánh giá tác động về khả năng cạnh tranh vào các đề xuất sắp tới của EU .
Đánh giá về hội nghị
Châu Âu sẵn sàng làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Mỹ tuy nhiên Liên minh này đã khẳng định họ cần tiếp tục thực hiện các ưu tiên của mình phù hợp với Chương trình Chiến lược, tích cực hướng tới một châu Âu mạnh mẽ và có chủ quyền.
Khả năng cạnh tranh với Mỹ của Châu Âu cũng sụt giảm đáng kể khi trong 20 năm qua, tỷ trọng của EU trong GDP toàn cầu đã giảm một nửa. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh để Châu Âu phải sẵn sàng thực hiện khi mà sự sống còn về mặt cạnh tranh của Liên minh đang bị đe dọa. Cựu giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu, Mario Draghi, đã công bố một báo cáo toàn diện, nhấn mạnh mối lo ngại về việc châu Âu đang tụt lại phía sau Mỹ, với năng suất thấp và nền kinh tế EU suy thoái. Ông cũng cho rằng những khuyến nghị trong báo cáo này rất cấp bách, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế hiện tại. Chúng càng trở nên cấp bách hơn sau cuộc bầu cử ở Mỹ .
Đồng thời, thặng dư thương mại hàng hóa của EU với Mỹ khiến nó trở thành đối tượng dễ chịu sự tấn công của các mức thuế thương mại từ Trump, trong khi Trung Quốc, đối thủ khác mà Trump đang nhắm đến với các mức thuế lên tới 60%, có thể làm tình hình của trong khối trở nên tồi tệ hơn khi các khối lượng lớn hàng xuất khẩu của Trung Quốc được chuyển hướng sang châu Âu, tràn ngập thị trường. Với việc nền kinh tế EU phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, điều này có thể buộc EU phải đáp trả hoặc kích hoạt một cuộc chiến thương mại gây tổn hại, theo chuyên gia Andre Sapir của Viện Bruegel .
Trong bài phát biểu của mình tại cuộc họp báo liên quan đến Tuyên bố Budapest, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, đồng thời cho biết dù có nhiều thành tựu trong nghiên cứu cơ bản, song EU vẫn chưa thể xóa bỏ khoảng cách giữa biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm và mở rộng quy mô .
Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel khẳng định Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn là trụ cột cơ bản và EU cần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu độc lập . Vào đầu năm nay, Ủy ban châu Âu từng đề xuất gói công nghiệp quốc phòng trị giá 1,5 tỷ euro, trong đó vạch ra mục tiêu như hỗ trợ tăng cường năng lực sản xuất của các công ty vũ khí châu Âu, mua chung ít nhất 40% thiết bị quốc phòng và nâng giá trị thương mại quốc phòng nội khối lên ít nhất 35% vào cuối thập kỷ này . Điều này phản ánh cách tiếp cận chiến lược nhằm củng cố năng lực và quyền tự chủ quốc phòng của khối.
Hàm ý với Việt Nam
Trước bối cảnh châu Âu đang tăng cường tự chủ chiến lược và tái định hình mối quan hệ với Mỹ dưới nhiệm kỳ thứ hai của Donald Trump, Việt Nam có thể rút ra một số hàm ý quan trọng cho phát triển kinh tế và đối ngoại.
Thứ nhất, Việt Nam cần đẩy mạnh tự chủ chiến lược, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng và an ninh. Cũng như châu Âu đang hướng đến việc giảm sự phụ thuộc vào Mỹ để tự tăng cường năng lực quốc phòng và nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các biến động quốc tế bằng cách xây dựng tiềm lực trong nước. Điều này bao gồm việc phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu, đẩy mạnh sản xuất nội địa và xây dựng các mối quan hệ hợp tác đa dạng, giúp giảm thiểu rủi ro khi chỉ phụ thuộc vào một vài đối tác lớn.
Thứ hai, Việt Nam cần chuẩn bị cho các kịch bản thương mại phức tạp hơn khi Mỹ có thể áp dụng thuế quan cao hơn đối với hàng nhập khẩu từ EU và Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc dòng chảy hàng hóa có thể chuyển hướng, gây áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam nên có các chiến lược thương mại linh hoạt để vừa bảo vệ sản xuất trong nước vừa duy trì quan hệ tích cực với các đối tác quốc tế. Điều này có thể được thực hiện qua việc rà soát và cập nhật các chính sách thương mại, nhằm bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Thứ ba, Việt Nam có thể tận dụng tình hình này để tăng cường hợp tác với các nước EU. Trong khi EU đang nỗ lực củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế, Việt Nam có thể tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư từ các quốc gia EU. Điều này không chỉ giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững hơn thông qua hợp tác sâu rộng với các đối tác châu Âu.
Thứ tư, Việt Nam cần linh hoạt trong chính sách khí hậu và năng lượng trước tình hình Mỹ có thể rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris lần thứ hai và thay đổi chính sách năng lượng. Các quốc gia châu Âu tiếp tục cam kết mạnh mẽ với các mục tiêu khí hậu, điều này đòi hỏi Việt Nam phải duy trì những cam kết môi trường của mình để giữ vững uy tín quốc tế. Việc đầu tư vào năng lượng sạch và các công nghệ giảm phát thải không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong nước.
Thứ năm, Việt Nam cần tăng cường vai trò trên trường quốc tế và tích cực tham gia các diễn đàn đa phương để đối phó với các thách thức toàn cầu. Châu Âu đang nỗ lực thiết lập các cơ chế hợp tác để giải quyết các vấn đề chung như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Việt Nam có thể học hỏi từ cách tiếp cận này, gia tăng tiếng nói và sự hiện diện tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, hoặc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Điều này không chỉ giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh là một quốc gia tích cực, có trách nhiệm, mà còn mang lại lợi ích thực chất cho an ninh và phát triển quốc gia.
Cuối cùng, trong bối cảnh các nền kinh tế lớn như EU đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam cũng cần khẩn trương cải thiện năng lực cạnh tranh để đảm bảo vị trí của mình trong chuỗi giá trị quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các yêu cầu mới trong thị trường lao động quốc tế. Việc này không chỉ giúp Việt Nam cạnh tranh tốt hơn trong khu vực mà còn tạo đà phát triển bền vững cho nền kinh tế trong dài hạn.
Tóm lại, từ bối cảnh chính trị – kinh tế quốc tế phức tạp như hiện nay, Việt Nam cần có những chiến lược toàn diện và linh hoạt để phát huy tự chủ chiến lược, mở rộng hợp tác quốc tế và cải thiện sức cạnh tranh. Đây là thời điểm để Việt Nam phát triển mạnh mẽ, giữ vững vị thế và duy trì sự ổn định trong môi trường toàn cầu đầy biến động./.
Tác giả: Nguyễn Phương Ngân
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]