Trong năm 2024 vừa qua, các tranh chấp liên quan đến Biển Đông và những cuộc cạnh tranh địa chính trị tiếp tục là chủ đề nóng trong các vấn đề an ninh chính tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong bối cảnh quốc tế đầy phức tạp, các quốc gia trong và ngoài khu vực đã đẩy nhanh các bước chiến lược tại Biển Đông. Các quốc gia có yêu sách khác liên tiếp tiến hành các hành động đơn phương nhằm củng cố lợi ích hiện có. Các nước ngoài khu vực như Mỹ và Nhật Bản tăng cường sự hiện diện quân sự và xây dựng các cơ chế an ninh đa phương nhằm kiềm chế sự phát triển lực lượng hàng hải Trung Quốc. Nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định Biển Đông của các quốc gia ASEAN đã đối mặt với thách thức và gặp nhiều trở ngại, dẫn đến sự gia tăng đáng kể tính bất định trong sự phát triển tình hình Biển Đông. Tuy vậy, Trung Quốc vẫn đang ra sức bảo vệ lợi ích mà họ cho là của mình tại Biển Đông, với nỗ lực ngày càng nâng cao, cho dù hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN vẫn là xu hướng chính trong mối quan hệ giữa hai bên. Mọi âm mưu chiến lược và chính sách phiêu lưu nhằm gây ra sự bất ổn tại khu vực Biển Đông chắc chắn sẽ thất bại.
Nhận định về tình hình Biển Đông năm 2024
Kể từ năm 2016, tình hình Biển Đông nhìn chung có xu hướng ổn định và cải thiện. Tuy nhiên, trong hai năm qua, đặc biệt là năm 2024, xu hướng này đã bị thách thức nghiêm trọng. Mỹ triển khai các hoạt động “quân sự hóa Biển Đông” với quy mô ngày càng lớn. Trong khi đó, Philippines gia tăng các hành động khiêu khích tại các khu vực như bãi Cỏ Mây, bãi Sa Bin, bãi cạn Scarborough và thậm chí mở rộng hoạt động trong lĩnh vực lập pháp. Việt Nam cũng tiến hành các dự án mở rộng, xây dựng tại các đảo, bãi đá trên Biển Đông với quy mô và tốc độ chưa từng có. Những yếu tố bên trong và bên ngoài khu vực này tác động lẫn nhau, liên tục làm gia tăng tình hình căng thẳng tại Biển Đông. Điều đó khiến xu hướng ổn định và cải thiện tình hình Biển Đông trở nên khó duy trì.
Chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng mở rộng từ lĩnh vực chính trị, ngoại giao sang an ninh quân sự. Trong bốn năm qua, dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ đã thúc đẩy các cơ chế an ninh đa phương nhỏ trong khuôn khổ chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, với các đối tác chính bao gồm Nhật Bản, Australia, Canada, và Philippines. Những nỗ lực này nhằm xây dựng một “liên minh” lấy Biển Đông làm mục tiêu chỉ đạo, với ý đồ rõ ràng là kiềm chế Trung Quốc.
Mỹ còn đặt mục tiêu dài hạn là tái xây dựng ưu thế lực lượng và khả năng răn đe chiến lược, với mục tiêu ngắn hạn là xây dựng chiến trường và chuẩn bị thực chiến, đồng thời gia tăng mạnh mẽ sự hiện diện quân sự tiền tuyến ở khu vực Biển Đông. Ngoài các hoạt động trinh sát thường xuyên như do thám gần, các nền tảng tác chiến lớn đi qua Biển Đông, quân đội Mỹ còn tổ chức các cuộc diễn tập đơn phương, song phương và đa phương phù hợp với tình hình trong khu vực. Các hoạt động này bao gồm diễn tập tác chiến đổ bộ, chống đổ bộ lên đảo, tấn công mục tiêu trên biển, chiến tranh mạng, và các hoạt động huấn luyện khác theo đặc điểm địa lý của khu vực, nhằm chuẩn bị cho các đối thủ giả định và các tình huống xung đột tiềm tàng. Mỹ cũng đã triển khai hệ thống tên lửa “Typhoon” tầm trung tại Philippines, củng cố quyền kiểm soát đối với “chuỗi đảo thứ nhất”. Điều này chắc chắn sẽ gây ra phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc và làm gia tăng cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Hành động đơn phương của Philippines và các quốc gia có yêu sách khác ngày càng đa dạng và có xu hướng kéo dài. Một số quốc gia có yêu sách coi “giai đoạn cửa sổ” trước khi đạt được “Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) và chính sách “chọn phe” của Mỹ ở Biển Đông là “thời cơ” để tối đa hóa lợi ích của mình. Điều này dẫn đến sự gia tăng mạnh mẽ trong việc củng cố và mở rộng lợi ích đã đạt được qua các hành động đơn phương. Philippines đang cố gắng “đảm bảo” cái gọi là “phán quyết của Tòa án Trọng tài Biển Đông” bằng cách thực hiện các biện pháp như củng cố việc chiếm đóng và kiểm soát các đảo, bãi đá không có người ở, đưa ra yêu cầu đối với vùng biển ngoài thềm lục địa và thông qua các đạo luật quốc gia để hiện thực hoá. Philippines cũng đang cố gắng thiết lập sự hiện diện lâu dài tại các bãi đá như Bãi Cỏ Mây, Bãi Cạn Sa Bin, Bãi Sandy Cay (gồm rạn san hô Đá Hoài Ân, Đá Tri Lễ, Đá Cái Vung), Đá Khúc Giác. Theo thống kê không chính thức, trong năm 2024, Philippines đã thực hiện hơn 25 hành động khiêu khích đối với các đảo ở quần đảo Trường Sa, bao gồm cả bãi đá Scarborough và bãi Cỏ Mây. Tổng thống Philippines Marcos đã ký và thực thi các “Đạo luật Vùng Biển” và “Đạo luật Đường biển quần đảo”, đưa cái gọi là “phán quyết của Tòa án Trọng tài Biển Đông” thành một phần của luật quốc gia. Qua đó thể hiện rõ ràng ý định hợp pháp hóa phán quyết và củng cố các hành vi xâm phạm. Trong khi đó, Việt Nam đã mở rộng diện tích bồi đắp tại hơn 10 đảo và bãi đá với tổng diện tích vượt 10 km², đồng thời còn khởi công xây dựng đường băng quân sự và dân dụng dài 3.000 mét, có thể hỗ trợ các loại máy bay chiến đấu và dân sự. Ngoài ra, Malaysia và các quốc gia tranh chấp khác cũng đang đẩy nhanh tiến độ thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển tranh chấp.
Chiến tranh nhận thức và chiến tranh dư luận đang ngày càng trở thành “mặt trận thứ hai” trong cuộc tranh chấp Biển Đông. Từ “sự kiện xyanua” vào đầu năm 2024 đến “xung đột tại bãi đá Scarborough” gần đây, một số bên đã bỏ qua sự thật và tạo ra sự kiện vô lý, lợi dụng mạng xã hội để phát tán thông tin không chính xác về Biển Đông, cũng như sử dụng chiến thuật “xâm phạm kiểu gài bẫy” trong cuộc đấu tranh giữa Philippines và Trung Quốc. Mỹ và các nước phương Tây lợi dụng sự “kể khổ” của Philippines tại hiện trường để gán mác cho Trung Quốc, trong ngoài phối hợp, sử dụng “phán quyết của Tòa án Trọng tài Biển Đông” làm căn cứ để tố Trung Quốc “cưỡng ép”, “sử dụng vũ lực”, “thay đổi hiện trạng”, “vi phạm luật pháp quốc tế”, coi Trung Quốc là “một thế lực bá quyền trong khu vực”.
Nhật Bản đã trở thành đồng minh với Philippines khi các tàu tuần tra chủ lực hiện tại của Cảnh sát biển Philippines đều đến từ Nhật Bản. Vào tháng 5 năm 2024, Nhật Bản lại cam kết cung cấp thêm 5 tàu tuần tra lớn dài 97 mét cho Philippines thông qua các khoản vay. Vào tháng 7, Nhật Bản và Philippines đã ký “Hiệp định Tiếp cận tương hỗ”, loại bỏ trở ngại đối với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cùng vũ khí và thiết bị của họ hiện diện trên lãnh thổ Philippines. Nhật Bản, thông qua những bước đi này, đã hoàn thành việc “đồng bộ hóa hoàn toàn” với chính sách Biển Đông của Mỹ, xây dựng một hệ thống chính sách toàn diện bao gồm các yếu tố như: can thiệp ngoại giao, nâng cao năng lực hành động trên biển, tuần tra và diễn tập chung, cũng như hiện diện quân sự tuyến đầu thường xuyên. Đồng thời, hội nghị thượng đỉnh giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines vào tháng 4 năm 2024 đã đạt được tuyên bố chung, trong đó cơ chế đối thoại ba bên về hàng hải được xác định là nội dung chính, đánh dấu sự ra đời chính thức của một cơ chế an ninh ba bên mới, do Mỹ dẫn đầu, Nhật Bản tham gia, và Philippines cung cấp căn cứ.
Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn có một số hành động trong việc bảo vệ lợi ích ở Biển Đông. Trong năm 2024, Trung Quốc ngăn chặn Philippines xây dựng các công trình cố định trên bãi Cỏ Mây, phá vỡ nỗ lực của Philippines trong việc kiểm soát thực tế các bãi Cỏ Mây, bãi Sa Bin và trở lại kiểm soát bãi cạn Scarborough. Ban hành “Quy định về thủ tục hành chính và thực thi của Cơ quan Cảnh sát biển”, công bố đường cơ sở lãnh hải của bãi cạn Scarborough, cùng hàng loạt các hành động khác đã được triển khai trên trên biển, đối phó dư luận và xây dựng quy phạm pháp luật để ngăn chặn và phản ứng trước những hành động leo thang chưa từng có của Philippines.
Những yếu tố thách thức trong tình hình Biển Đông năm 2025
Việc thay đổi Chính phủ và điều chỉnh lãnh đạo tại một số quốc gia trong và ngoài khu vực, cũng như những thay đổi trong chính sách đối ngoại sẽ khiến tình hình Biển Đông năm 2025 đầy tính bất định. Các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến sự ổn định sẽ gia tăng đáng kể, đặt ra những thách thức nghiêm trọng hơn cho nỗ lực của các quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
Mỹ sẽ không thay đổi chiến lược sử dụng vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc và tạo ra rạn nứt giữa Trung Quốc với các quốc gia có yêu sách liên quan. Nhưng các biện pháp và cách thức thực hiện sẽ được điều chỉnh khi Donald Trump tái đắc cử. Từ việc rút khỏi “Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF)”, lần đầu tiên đưa ra cam kết rõ ràng về “an ninh Biển Đông” cho Philippines. Công khai phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ liên quan đến chủ quyền các đảo và rạn san hô ở Biển Đông (13/7/2020), đẩy mạnh tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam. Có thể dự đoán rằng chính quyền Trump mới sẽ hành xử mạnh mẽ và quyết liệt hơn chính quyền Biden trong vấn đề Biển Đông. Dưới khuôn khổ chiến lược “Người đại diện”, chính quyền Trump sẽ tăng cường cam kết an ninh đối với Philippines và một số quốc gia có yêu sách khác bằng cách nâng cao quy mô và chất lượng viện trợ vũ khí, mở rộng hỗ trợ ngoại giao, nâng cấp các hoạt động quân sự chung và sử dụng các biện pháp mới nhằm gia tăng sức ép với Trung Quốc. Mỹ sẽ khai thác các quốc gia trong khu vực để kiềm chế các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông, làm gia tăng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các quốc gia có yêu sách. Do các hoạt động quân sự của Mỹ gia tăng ở đây và Trung Quốc tăng cường các biện pháp phản ứng bảo vệ lợi ích, nguy cơ xảy ra một số dạng xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông sẽ có bước tiến leo thang.
Mối quan hệ Trung Quốc – Philippines sẽ trở nên căng thẳng, nguy cơ xung đột và các tình huống bất ngờ tiếp tục gia tăng. Chính quyền Marcos đã coi việc khuấy động vấn đề Biển Đông, thổi phồng “mối nguy hiểm” tại đây là công cụ chính để giành được sự tín nhiệm của cử tri, áp chế các gia tộc chính trị và đối thủ cạnh tranh trong nước, cũng như giành được sự ủng hộ của quân đội, cảnh sát và Mỹ. Với việc ban hành “Luật Khu vực biển”, Philippines dự kiến sẽ gia tăng các hành động đơn phương tại các khu vực như Bãi Cỏ Mây, Bãi Sa Bin và Đá Khúc Giác. Tổng thống Marcos, với tham vọng xây dựng hình ảnh một “người mạnh mẽ”, sẽ không dễ dàng từ bỏ tham vọng ở Bãi cạn Scarborough. Philippines có thể tiếp tục sử dụng các chiến thuật như tổ chức ngư dân (tàu thuyền) hoặc các lực lượng dân sự khác, và tận dụng các phương tiện không người lái để thực hiện những hành động quấy rối. Ngoài ra, nhằm hợp pháp hóa cái gọi là “phán quyết trọng tài Biển Đông,” Philippines cũng có khả năng khơi dậy tranh chấp bằng cách thúc đẩy việc phân định thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông hoặc khởi xướng một vụ kiện “trọng tài lần hai.”
Bên cạnh đó, việc xây dựng và cải tạo các đảo, bãi đá của Việt Nam sẽ không dừng lại trong thời gian ngắn. Dự kiến diện tích bồi đắp sẽ tiếp tục mở rộng. Đồng thời việc xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai vũ khí, trang bị quân sự cũng sẽ được đẩy nhanh khi các dự án mở rộng đạt được quy mô nhất định. Ngoài ra, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục các hoạt động đánh bắt tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa và tiến hành khai thác dầu khí tại các khu vực như Bãi Tư Chính.
Quá trình đàm phán “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC) đã bước vào giai đoạn then chốt, những khác biệt giữa các bên liên quan về tính chất, phạm vi địa lý áp dụng và lợi ích của bên thứ ba đã rõ ràng, khiến việc đạt được đồng thuận chung trở nên vô cùng khó khăn. Một số quốc gia yêu sách không chỉ thiếu quyết tâm chính trị để sớm đạt được COC, mà còn coi COC là rào cản cho mục tiêu tối đa hóa lợi ích của họ ở Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia ngoài khu vực khác đang cố gắng thông qua các “Người đại diện” tác động vào việc thiết lập trật tự quy tắc ở Biển Đông. Điều này sẽ khiến đàm phán COC đối mặt với những thách thức từ sự cạnh tranh địa chính trị.
Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc làm thế nào để thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông?
Tranh chấp Biển Đông không phải là toàn bộ mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, và không nên ảnh hưởng đến sự phát triển quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các quốc gia có yêu sách liên quan. Tháng 6 năm 2024, Trung Quốc và Malaysia đã ra tuyên bố chung, trong đó nêu rõ: “Hai bên sẽ sớm khởi động cơ chế đối thoại song phương về các vấn đề biển, nhằm tăng cường hợp tác đối thoại liên quan đến biển”. Tháng 8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam khi đó đã thăm Trung Quốc và đạt được sự đồng thuận mới với lãnh đạo Trung Quốc về việc kiểm soát các khác biệt trên biển. Tháng 11, Trung Quốc và Indonesia đã ra tuyên bố chung, đạt được đồng thuận quan trọng về hợp tác khai thác chung tại các khu vực chồng lấn yêu sách trên biển, đồng thời đồng ý thiết lập Ủy ban chỉ đạo liên chính phủ để thảo luận và thúc đẩy hợp tác liên quan. Hai bên cũng xác nhận sẽ thúc đẩy cơ chế hóa hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển của hai nước.
Xét về mặt tổng thể, mặc dù các yếu tố rủi ro và thách thức vẫn còn phức tạp, nhưng Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp khác vẫn duy trì đồng thuận cơ bản trong việc thông qua đàm phán song phương để kiểm soát bất đồng, thúc đẩy đàm phán “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), thảo luận về hợp tác biển và phát triển chung. Việc định hướng tình hình Biển Đông theo hướng “đối thoại + hợp tác” vẫn còn nhiều cơ hội. Phía Trung Quốc vẫn duy trì bảo vệ các lợi ích mà họ cho là của mình ở Biển Đông. Bắc Kinh cho rằng họ đã nắm chắc quyền chủ động trong việc định hình tình hình Biển Đông trong tay mình. Mọi hành vi xâm phạm biển đảo hay kìm hãm an ninh quân sự nhằm vào Trung Quốc đều sẽ rơi vào vòng xoáy gia tăng chi phí và không đạt được lợi ích mong muốn. Đồng thời vẫn sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp tuần tra thường xuyên, thực thi pháp luật trên biển và đối phó với các hành động khiêu khích của các quốc gia có yêu sách liên quan.
Biên dịch: Nguyễn Phượng
Tác giả: Ngô Sĩ Tồn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu Hải dương Hoa Dương, Chủ tịch Ủy ban Học thuật của Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc.
Bài viết thể hiện quan điểm và góc nhìn lợi ích từ phía một học giả Trung Quốc, hoàn toàn không phán ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]