Theo Yu Zeyuan (cây viết chính trị giàu kinh nghiệm của Lianhe Zaobao), mối quan hệ Trung-Nga đang dần đi theo hướng mà Trung Quốc mong muốn. Trên cơ sở hai nước thỏa thuận tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong một số lĩnh vực, Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ việc mở thêm các tuyến đường biển và cảng, cùng với việc Nga khẳng định nguyên tắc “một Trung Quốc”.
Trung Quốc và Nga đã ký kết một bản tuyên bố chung mới trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi giữa tháng 5/2024. So với các tuyên bố chung được ký giữa hai nước trong những năm gần đây, tuyên bố chung lần này nêu bật mối quan hệ sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và Nga, Nga ủng hộ các nhu cầu chiến lược của Trung Quốc, đồng thời hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh và chính trị.
Trao đổi thiện chí và quà tặng
Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Nga trong thời đại mới nêu rõ quan hệ Trung-Nga hiện đang ở mức tốt nhất trong lịch sử. Cả hai nước đều phản đối mọi nỗ lực cản trở sự phát triển bình thường của quan hệ song phương, can thiệp vào công việc nội bộ của của hai nước cũng như các hành vi nhằm hạn chế tiềm năng chính sách kinh tế, công nghệ hoặc đối ngoại của Nga và Trung Quốc.
“Putin chắc chắn nhận thức được rằng sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga sẽ dẫn đến áp lực lớn hơn từ phương Tây, và do đó đáp lại Trung Quốc bằng một món quà chưa từng có nhân chuyến thăm Trung Quốc của ông”.
Tuyên bố chung thể hiện rõ sự sẵn sàng của hai nước trong việc đưa hợp tác trong lĩnh vực lập pháp, thực thi pháp luật và quốc phòng đi vào chiều sâu, cũng như tiếp tục củng cố hợp tác trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và BRICS. Hai nước cùng lên án những hành động tịch thu tài sản và bất động sản nước ngoài – ám chỉ các động thái của phương Tây nhằm chuyển hướng lợi nhuận hoặc tài sản bị tịch thu từ các tài sản bị đóng băng của Nga để giúp đỡ Ukraine – và nhấn mạnh quyết tâm của họ trong việc chung tay bảo vệ tài sản nhà nước nằm trên lãnh thổ của họ.
Tuyên bố cũng liệt kê 25 mục trong kế hoạch phát triển các lĩnh vực hợp tác kinh tế chủ chốt giữa hai bên, bao gồm thương mại song phương, đầu tư, năng lượng chiến lược, năng lượng hạt nhân, “phi đô la hóa”, tình báo tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như hợp tác ba bên giữa Trung Quốc, Nga, Mông Cổ.
Bất chấp những cáo buộc gần đây của Mỹ và châu Âu chống lại Trung Quốc vì cung cấp hàng hóa lưỡng dụng cho Nga, cùng với việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Trung Quốc có liên quan và cảnh báo rằng sự hỗ trợ của Trung Quốc dành cho Nga có thể cản trở mối quan hệ của nước này với phương Tây, Trung Quốc dường như không hề dao động. Trung Quốc không những duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga mà còn nâng mối quan hệ Trung-Nga lên một tầm cao hơn.
Đồng thời, Putin chắc chắn nhận thức được rằng sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga sẽ gây áp lực lớn hơn từ phương Tây, và do đó đã đáp lại Trung Quốc bằng một món quà chưa từng có nhân chuyến thăm Trung Quốc của ông.
Khẳng định cam kết đối với ‘một Trung Quốc‘
Nga nhắc lại trong tuyên bố chung cam kết của mình đối với nguyên tắc “một Trung Quốc” và công nhận rằng Đài Loan là một phần không thể tách rời của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nga phản đối sự độc lập của Đài Loan dưới mọi hình thức và ủng hộ mạnh mẽ các hành động của phía Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình cũng như thống nhất đất nước.
… Trung Quốc đại lục sẽ yêu cầu các quốc gia có quan hệ tốt với họ xác định rõ ràng “một Trung Quốc” là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và hỗ trợ phía Trung Quốc đạt được thống nhất đất nước.
So với tuyên bố chung năm ngoái, Nga đã thay thế tuyên bố của nước này rằng Đài Loan là một phần không thể bị lấy đi của “lãnh thổ Trung Quốc” bằng tuyên bố Đài Loan là một phần không thể bị lấy đi của “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
Mặc dù “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “Trung Quốc” có vẻ không khác nhau lắm nhưng hàm ý chính trị của chúng lại rất khác nhau. Nó cho thấy rằng trong tương lai, Trung Quốc đại lục sẽ yêu cầu các quốc gia có quan hệ tốt với họ xác định rõ ràng “một Trung Quốc” là Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và hỗ trợ phía Trung Quốc đạt được sự thống nhất đất nước.
Với việc một người có tư tưởng ủng hộ độc lập như Lại Thanh Đức trở thành người lãnh đạo hòn đảo Đài Loan, động thái của Đại lục là để nhằm mục đích thu hẹp hơn nữa không gian quốc tế dành cho các quan điểm bất lợi cho chính sách “một Trung Quốc”. Việc thống nhất Trung Quốc là điều kiện đàm phán đối với các nước có thiết lập quan hệ ngoại giao với cường quốc châu Á này.
Trong khi đó, Trung Quốc và Nga cũng đã đồng ý cùng phát triển Đảo Bolshoi Ussuriysky (còn gọi là Đảo Hắc Hạt Tử), nằm ở ngã ba sông biên giới – Ussuri và Amur – và quyền sở hữu được chia sẻ hợp pháp giữa Nga và Trung Quốc. Dự kiến, Trung Quốc và Nga sẽ xây dựng một cảng tại đây để tạo thuận lợi cho thương mại Trung-Nga và mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế của vùng đông bắc Trung Quốc.
Giải quyết ‘sợi xích sắt căng ngang sông’ của Trung Quốc
Điều mà dư luận Trung Quốc để tâm nhất trong tuyên bố chung Trung-Nga là thỏa thuận khởi động đối thoại mang tính xây dựng với Triều Tiên về hoạt động lưu thông của tàu Trung Quốc qua hạ lưu sông Đồ Môn ra biển.
Khoảng cách từ làng Phòng Xuyên (Fangchuan) ở Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm đến cửa sông Đồ Môn chỉ là 15 km. Trong nửa sau của thế kỷ 19, chính quyền nhà Thanh bị ép nhượng cửa sông Đồ Môn cho Nga và Triều Tiên (dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản), khiến tỉnh Cát Lâm trở thành một tỉnh nội địa. Tâm lý công chúng Trung Quốc vẫn luôn đau đáu nỗi uất hận vì điều này.
Theo Hiệp định Biên giới Trung-Xô năm 1991, Trung Quốc có quyền đi vào Biển Nhật Bản từ Cửa sông Đồ Môn. Nhưng trong Chiến tranh Triều Tiên những năm 1950, Nga và Triều Tiên đã xây dựng một cây cầu đường sắt – được đặt tên là cầu Hữu nghị Triều-Nga bắc qua sông Đồ Môn. Cây cầu này có chiều cao thông thủy thấp, nghĩa là các tàu lớn không thể đi qua. Do đó, nó được công chúng Trung Quốc ví như “sợi xích sắt căng ngang sông” (铁索横江/thiết tác hoành giang).
Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Nga và Triều Tiên nâng độ cao của cầu Hữu nghị Triều-Nga, đồng thời đề nghị nạo vét hạ lưu sông Đồ Môn, nhưng cả Nga và Triều Tiên đều bác bỏ những đề xuất này. Hơn thế, hạ lưu sông Đồ Môn có nhiều chướng ngại vật ngầm, khiến quyền lưu thông của Trung Quốc về lâu dài sẽ chỉ có tác dụng trên giấy tờ.
Lần này, tuyên bố chung Trung-Nga đề xuất tiến hành đối thoại mang tính xây dựng với Triều Tiên để các tàu Trung Quốc lưu thông qua Cửa sông Đồ Môn, điều này có thể tạo cơ sở cho các tàu Trung Quốc đi vào Biển Nhật Bản. Trung Quốc và Nga là hai nước ủng hộ Triều Tiên lớn nhất và có thể không quá khó để thuyết phục Triều Tiên cho phép Trung Quốc đi qua.
Một khi ba bên đồng ý cùng nhau phát triển cảng trên sông Đồ Môn – nghĩa là Nga và Triều Tiên sẽ cung cấp đất trong khi Trung Quốc cung cấp vốn và xây dựng – thì khu vực Đông Bắc Trung Quốc sẽ có một tuyến đường quan trọng dẫn ra biển, có ý nghĩa kinh tế và chiến lược to lớn.
Phát triển Tuyến đường biển phía Bắc
Một món quà khác mà Putin tặng Trung Quốc là đồng ý hợp tác cùng Trung Quốc phát triển chung Tuyến đường biển phía Bắc. Tuyên bố chung đề xuất thành lập Tiểu ban Hợp tác Tuyến đường Bắc Cực Trung-Nga, nhằm xây dựng Tuyến đường biển phía Bắc thành hành lang vận tải quốc tế quan trọng, tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng logistic cho Tuyến đường biển phía Bắc.
Từ góc độ là tuyến vận tải biển toàn cầu, Tuyến đường biển phía Bắc là tuyến đường ngắn nhất nối châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Một khi tuyến đường biển phía Bắc được lưu thông, nó có thể trở thành hành lang kinh tế kết nối Đông Bắc Á, Tây Bắc Âu và Bắc Mỹ.
Đối với Trung Quốc, việc mở Tuyến đường biển phía Bắc không chỉ mang lại con đường ngắn nhất từ Trung Quốc đến châu Âu mà còn là các nguồn tài nguyên dồi dào như dầu mỏ, khí tự nhiên, khoáng sản cũng như tài nguyên ngư nghiệp và lâm nghiệp dọc tuyến đường…
Trong những năm gần đây, cùng với xu hướng nóng lên toàn cầu, vào mùa hè, Tuyến đường Đông Bắc bắt đầu tan băng, trong khi về cơ bản tuyến đường này nằm dọc theo các khu vực ven biển của Nga. Đồng thời, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Công nghệ xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi của cả Trung Quốc và Nga cũng không ngừng được cải tiến, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật duy trì công tác mở Tuyến đường biển phía Bắc.
Đối với Trung Quốc, việc mở Tuyến đường biển phía Bắc sẽ không chỉ cung cấp tuyến đường ngắn nhất từ Trung Quốc đến châu Âu, mà còn là nguồn tài nguyên phong phú như dầu mỏ, khí tự nhiên, khoáng sản, cũng như tài nguyên ngư nghiệp và lâm nghiệp dọc theo tuyến đường – tiềm năng phát triển kinh doanh là rất lớn.
Tất nhiên, dù là phát triển cảng trên sông Đồ Môn hay Tuyến đường biển phía Bắc, những dự án lớn như vậy có thể sẽ không mang lại nhiều thành tựu đột biến trong ngắn hạn, thậm chí còn có thể gặp nhiều trở ngại và biến số. Việc này có thể không tích cực như một số dư luận Trung Quốc tưởng tượng.
Mặc dù vậy, nhưng những món quà Putin mang đến cho Trung Quốc lần này ít nhiều cho thấy mối quan hệ Trung-Nga đang đi theo hướng mà Trung Quốc mong muốn./.
Biên dịch: Nhã Yên
Tác giả: Yu Zeyuan có bằng Tiến sĩ Lịch sử tại Đại học Sư phạm Đông Bắc (Trung Quốc), hiện là cây viết giàu kinh nghiệm của tờ Liên hợp Tảo báo (Singapore).
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]