Ngày 23.6.2022 – đúng một tuần trước khi tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tuyên thệ nhậm chức, chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố đã quyết định hủy bỏ các cuộc đàm phán chung với Trung Quốc trong khuôn khổ Cơ chế tham vấn song phương về vấn đề Biển Đông[1] (BCM), vốn được hai nước khởi động từ năm 2017 với lý do “trong suốt 3 năm qua, Philippines đã không đạt được mục tiêu phát triển các nguồn tài nguyên dầu khí rất quan trọng” và “nếu tiến thêm một bước nữa, có nguy cơ xảy ra “khủng hoảng hiến pháp”[2]. Tuy nhiên, chính quyền của tân Tổng thống Marcos Jr. đã có các động thái cho thấy họ muốn nối lại đàm phán với Trung Quốc về hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông. Câu hỏi đặt ra hiện nay là triển vọng về việc hợp tác này liệu có khả thi và liệu chính quyền Tổng thống Marcos Jr. có thể đẩy nó đi xa hơn những gì mà chính quyền tiền nhiệm đã thực hiện?
Quá trình hợp tác giữa Philippines và Trung Quốc trong khuôn khổ BCM
Ngay từ khi lên nắm quyền vào tháng 6.2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (nhiệm kỳ 2016 – 2022) đã có sự chuyển hướng đột ngột về chính sách an ninh và đối ngoại theo hướng “xa rời” đồng minh thân cận Mỹ và ngả về phía Trung Quốc theo hướng tiếp cận thân thiện nhằm đổi lại những lợi ích kinh tế từ phía Bắc Kinh. Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Duterte là đến Trung Quốc (tháng 10.2016) và ý tưởng về BCM đã được khởi xướng ngay chính trong chuyến thăm này.
Vài tháng sau đó, vào tháng 01.2017, tại cuộc Tham vấn Bộ Ngoại giao lần thứ 20 (vốn bị đình trệ từ năm 2013 do căng thẳng hai nước liên quan vấn đề Biển Đông), Philippines và Trung Quốc đã thông qua sự tán thành trước đó của các nhà lãnh đạo cấp cao hai nước và nhất trí thành lập BCM nhằm “quản lý hòa bình các tranh chấp và tăng cường quan hệ hữu nghị song phương”. Hai cũng bên nhất trí, hàng năm Bộ Ngoại giao hai nước sẽ luân phiên tổ chức 02 cuộc họp về BCM, mỗi nước tổ chức một lần.
Từ năm 2017 đến năm 2021 đã có 06 cuộc họp trong khuôn khổ BCM được tổ chức, cụ thể:
Cuộc họp BCM lần thứ nhất: Tổ chức ngày 19.5.2017 tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc, đánh dấu việc hai nước gặp mặt trực tiếp để thảo luận về vấn đề Biển Đông sau 04 năm căng thẳng dưới thời chính quyền Tổng thống Benigno Aquino II. Hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và các mối quan tâm song phương về Biển Đông; nhất trí thành lập các nhóm công tác kỹ thuật và cùng nhau làm việc để tránh xung đột, ngăn chặn các vụ bạo lực trên biển và vì lợi ích kinh tế đôi bên cùng có lợi thông qua hợp tác chung.
Cuộc họp BCM lần thứ 2: Tổ chức ngày 13.02.2018 ở Manila trong bối cảnh Trung Quốc bị lên án mạnh mẽ vì hoạt động quân sự hóa Biển Đông còn chính quyền Tổng thống Duterte cũng bị phản đối vì đã “phớt lờ” chiến thắng pháp lý của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông theo phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Tuy nhiên, các áp lực này, hai nước đã nâng cao bản chất chương trình nghị sự BCM lần thứ hai bằng cách thảo luận về cách thức cụ thể “để quản lý và ngăn ngừa các sự cố trên biển, thúc đẩy đối thoại và hợp tác về vấn đề hàng hải và nâng cao lòng tin, sự tin cậy lẫn nhau”[3]. Hai nước đã quyết định triệu tập các nhóm công tác kỹ thuật về ngư nghiệp, dầu khí, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển và thậm chí cả an ninh chính trị; cam kết hợp tác để thúc đẩy “đối xử công bằng và nhân văn đối với tất cả những người gặp nạn ở Biển Đông”.
Các chuyên gia đánh giá, BCM lần thứ hai là một bước đột phá to lớn trong quan hệ Philippines – Trung Quốc khi đã cam kết làm việc cùng nhau thay vì chỉ nói chuyện suông.
Đáng chú ý, ngày 02.3.2018, điện Malacanang công bố, trong khuôn khổ BCM, Philippines và Trung Quốc dự định khai thác chung tại khu vực lô dầu khí SC 57 và SC 72. Trong đó: (1) Hợp đồng Dịch vụ thăm dò lô SC 57 sẽ diễn ra ở ngoài khơi Calamian, Tây Bắcc Palawan được thực hiện bởi liên doanh giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Philippines (PNOC) và Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC); (2) Hợp đồng Dịch vụ thăm dò lô SC 72 sẽ được tiến hành ở khu vực bãi Cỏ Rong được thực hiện bởi liên doanh giữa Công ty Forum Energy Plc của Philippines và đối tác Trung Quốc.
Cuộc họp BCM lần 3: Tổ chức vào ngày 18.10.2018 tại Bắc Kinh, trong đó hai bên đã đưa ra một quyết định mang tính bước ngoặt dù gây tranh cãi là theo đuổi hợp tác thực tế về thăm dò và phát triển chung dầu khí trên biển. Quyết định này cuối cùng đã dẫn đến việc ký kết Biên bản Ghi nhớ (MOU) về Hợp tác Phát triển Dầu khí được công bố trong chuyến thăm Philippines của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 20.11.2018[4]. Mặc dù các nhà quan sát quốc tế và các nhóm đối lập ở Philippines chỉ trích MOU, nhưng cả hai bên đều cam kết, MOU “không ảnh hưởng đến lập trường pháp lý tương ứng của cả hai chính phủ”.
Cuộc họp BCM lần thứ 4: Tổ chức trong hai ngày 02 và 03.4.2019 tại Manila, trong đó hai bên cam kết “hợp tác và tiếp tục tìm cách củng cố lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau”. Mặc dù hai bên thừa nhận sự tồn tại của những khác biệt chính trị về cách đối phó với thực tế cơ bản ở Biển Đông nhưng nhấn mạnh rằng, khác biệt liên quan giữa hai nước “chỉ là một phần” trong quan hệ song phương và không được ảnh hưởng đến hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực khác. Điều quan trọng là hai bên khẳng định lại “cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán của họ bằng các biện pháp hòa bình, không dùng hoặc đe dọa bằng vũ lực, thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị bởi các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp”[5].
Cuộc họp BCM lần thứ 5: Tổ chức ngày 28.10.2019 tại Bắc Kinh, trong đó đã có sự đổi mới cụ thể trong quan hệ song phương khi hai nước quyết định thành lập 02 nhóm công tác: (1) Nhóm Công tác về An ninh Chính trị, Hợp tác Nghề cá; và (2) Nhóm Công tác về Nghiên cứu Khoa học Biển và Bảo vệ Môi trường Biển. Đây được coi là nỗ lực của hai nước trong việc thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và cung cấp các đầu vào quan trọng cho việc kết thúc đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông[6].
Cũng tại cuộc họp này, hai nước đã triệu tập Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Chỉ đạo chung liên Chính phủ Philippines-Trung Quốc về Hợp tác Phát triển Dầu khí theo yêu cầu của MOU, trong đó làm rõ lập trường quốc gia về vấn đề này và trao đổi quan điểm thẳng thắn về cách thức thực hiện MOU phù hợp với các yêu cầu của mỗi nước. Ủy ban đã quyết định tổ chức cuộc họp thứ 2 vào đầu năm 2020 để tiếp tục thảo luận.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các cuộc đàm phán trong khuôn khổ BCM. Đến tận ngày 21.5.2021, hai bên mới tổ chức cuộc họp BCM lần thứ 6 theo hình thức trực tuyến[8]. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hai nước đang vô cùng căng thẳng khi Trung Quốc điều hàng trăm tàu cá dân binh tập trung tại khu vực đá Ba Đầu, quần đảo Trường Sa từ tháng 3.2021, do đó, không có thêm bước tiến triển nào mới ngoài việc nhắc lại lập trường về tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, việc thực hiện DOC, đẩy nhanh đàm phán COC và trao đổi về tiến độ của việc giải quyết và bồi thường cho các ngư dân Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm năm 2019.
Đến ngày 23.6. 2022, trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 124 năm thành lập Bộ Ngoại giao Philippines, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr cho biết, Tổng thống Duterte đã lệnh chấm dứt các cuộc thảo luận về thăm dò dầu khí chung với Trung Quốc vì chính phủ không thể vượt ra ngoài khuôn khổ pháp lý được quy định trong hiến pháp.
Có thể nói, về cơ bản BCM đem lại một nền tảng để các quan chức Trung Quốc và Philippines ngồi vào bàn đàm phán nhằm chủ yếu giải quyết những khác biệt về Biển Đông và trong một chừng mực nào đó cũng để trao đổi quan điểm về các vấn đề mỗi bên quan tâm. Mặc dù đây không phải là một cơ quan cấp cao, nhưng Trung Quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng BCM là cách thực hợp tác hợp lý và coi đó là cách duy nhất để giải quyết các tranh chấp của mình với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Triển vọng hợp tác khai thác chung giữa Philippines và Trung Quốc
Viện Nghiên cứu ISEAS (Singapore) từng đánh giá rằng, BCM là kết quả của sự thay đổi trong quan hệ giữa Trung Quốc – Philippines dưới thời chính quyền Tổng thống Duterte. Trung Quốc luôn phản đối sự can dự của các cường quốc ngoài khu vực hoặc các bên thứ ba trong các tranh chấp ở Biển Đông và họ coi BCM là hoạt động thiết thực và cách thức khả thi nhất để quản lý các tranh chấp giữa các bên liên quan. Tuy nhiên, việc cơ chế này có được duy trì dưới thời tân Tổng thống Marcos Jr. là điều không thể chắc được.
Những gì mà tân Tổng thống Marcos thể hiện từ khi tranh cử đến nay cho thấy, có vẻ như ông đang muốn duy trì lập trường “mập mờ” về vấn đề Biển Đông. Vào tháng 01.2022, ông Marcos tuyên bố sẽ đi theo đường lối của ông Duterte khi phát biểu rằng “sẽ không để ý đến phán quyết năm 2016 của PCA để không làm giảm cơ hội tìm kiếm những đồng thuận với Bắc Kinh và cần phải loại bỏ nguy cơ chiến tranh ngay từ đầu. Ông giải thích, cái mà Philippines cần làm là một thỏa thuận song phương, tuy nhiên, đến tháng 5.2022, ông thay đổi lập trường khi cam kết “bảo vệ phán quyết của PCA và không chấp nhận các quyền ven biển của Philippines bị vi phạm, dù chỉ một milimet”.
Vài ngày sau khi nhậm chức, ông Marcos Jr đã cố gắng làm rõ lập trường khi đề cập đến chủ nghĩa song phương và đa phương liên quan đến Biển Đông. Chuyên gia Rommel Banlaoi – Ủy ban An ninh ở Manila chỉ ra rằng, ông Marcos muốn thiết lập mối quan hệ thân thiện hơn với Trung Quốc, nhưng sẽ không đánh đổi bằng việc nhượng bộ lãnh thổ.
Những gì diễn ra trong hơn 03 tháng qua kể từ khi nhậm chức cho thấy, chính quyền Tổng thống Marcos đang muốn khởi động lại các cuộc đàm phán với Trung Quốc về hợp tác phát triển dầu khí chung ở Biển Đông, cụ thể:
Ngay trong tháng 7.2022, Tổng thống Marcos cho biết sẽ cố gắng “tìm cách làm việc để giải quyết các xung đột” với Trung Quốc để bình thường hóa quan hệ hai nước sau nhiều năm tranh chấp hàng hải.
Ngày 31.8.2022, trong buổi điều trần trước Quốc hội Philippines về ngân sách năm 2023 của Bộ Ngoại giao giao, Bộ trưởng Enrique Manalo cho biết, Philippines sẵn sàng cho các cuộc đàm phán mới với Trung Quốc về thăm dò dầu khí chung bởi cho đến nay chỉ có Trung Quốc quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, ông Manalo nhấn mạnh, các hoạt động trong tương lai liên quan đến hợp tác dầu khí ở Biển Đông “sẽ được gắn với hiến pháp Philippines và lợi ích quốc gia là ưu tiên hàng đầu”[6]. Ngoài ra, ông Manalo cũng cho biết, Trung Quốc muốn đạt được thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận 50-50 đối với dự án chung giữa hai nước thay vì 60-40 nghiêng về Philippines.
Ngày 05.9.2022, Bộ Ngoại giao Philippines ra thông báo cho biết, các thỏa thuận khai thác khí đốt và dầu mỏ trên Biển Đông cần phải tuân thủ hiến pháp và luật pháp quốc tế của mỗi nước và Manila mong muốn xây dựng trên những quyền lợi mà lãnh đạo tiền nhiệm đạt được theo một khung thỏa thuận mới. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về vấn đề trên diễn ra trong các chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu hồi tháng 7 và tháng 8 vừa qua không tiến triển đến mức đối thoại cấp làm việc.
Mới đây, ngày 24.9.2022, trong buổi trả lời phỏng vấn báo Bloomberg, Tổng thống Marcos Jr xác nhận, Manila muốn nối lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh về hợp tác khai thác dầu khí chung ở Biển Đông và nó phải nằm trong phạm vi luật pháp nước này cho phép.
Về phía Trung Quốc:
Trung Quốc vẫn nhất quán chủ trương “gác tranh chấp cùng khai thác” trong đó có hợp tác chung với Philippines ở Biển Đông. Ngay sau khi chính quyền Tổng thống Duterte tuyên bố hủy tất cả các cuộc đàm phán liên quan BCM, ngay chiều ngày 24.6.2022, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân khẳng định, việc hợp tác khai thác chung dầu khí trên biển giữa Trung Quốc với Philippines là cách thức đúng đắn để xử lý khác biệt trên biển giữa hai nước và đạt được kết quả đôi bên cùng có lợi mà không ảnh hưởng đến lập trường và quan điểm trên biển của mỗi bên. Ông Uông nhấn mạnh, Trung Quốc mong muốn nỗ lực chung với chính phủ mới của Philippines thúc đẩy đàm phán về khai thác chung, sớm thực hiện các bước đi thực chất để thực sự mang lại lợi ích cho hai nước và nhân dân hai nước.
Ngày 05.7.2022, tại cuộc gặp với tân Tổng thống Marcos tại Manila, Ngoại trưởng Vương Nghị phát biểu, “quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã bước sang một trang mới và tin rằng với việc hai bên cùng hợp tác, chắc chắn có thể mở ra một kỷ nguyên hoàng kim cho quan hệ song phương”[9].
Mới đây trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Hoàn Cầu (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc), ông Hoàng Khê Liên – Đại sứ Trung Quốc tại Philippines khẳng định: Vấn đề Biển Đông không thể tránh khỏi giữa Trung Quốc và Philippines nhưng nó không có nghĩa là không thể “cởi nút thắt” bởi hai bên đều nhận ra “đây không phải là bức tranh tổng thế trong quan hệ song phương chứ chưa nói đến việc xác định quan hệ hai nước”. Điều cốt yếu là đi đúng hướng, xử lý đúng đắn những khác biệt, tăng cường hợp tác, thúc đẩy sự phát triển chung dầu khí ngoài khơi.
Mặc dù đối với Philippines, triển vọng hợp tác phát triển dầu khí chung với Trung Quốc ở Biển Đông sẽ giúp đem lại sự đảm bảo cho nước này về mặt an ninh năng lượng nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng quốc tế. Hơn nữa, nguồn khai thác khí đốt của Philippines cũng đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng khi mà mỏ khí đốt Malampaya – cung cấp gần 1/3 nhu cầu điện của cho đảo Luzon (hòn đảo lớn nhất đất nước) sẽ cạn kiệt trong khoảng 01 thập kỉ nữa và Manila lại không thể tự mình đơn phương khai thác dầu khí ở khu vực bãi Cỏ Rong do liên tục bị Trung Quốc gây sức ép.
Những gì diễn ra vừa qua cho thấy, mặc dù chính quyền tân Tổng thống Marcos phát đi tín hiệu về việc nối lại đàm phán với Trung Quốc về hợp tác phát triển dầu khí chung ở Biển Đông nhưng có vẻ triển vọng hợp tác giữa hai nước trong vấn đề này vẫn còn tương đối xa vời do một số nguyên nhân sau: Thứ nhất, hai bên vẫn chưa thống nhất được mức chia sẻ lợi nhuận của liên doanh hợp tác phát triển dầu khí chung. Thứ hai, các ràng buộc về mặt hiến pháp vẫn chưa được giải quyết khi hai lô dầu khí SC 57 và SC 72 mà Philippines muốn hợp tác phát triển chung với Trung Quốc đang vi phạm các quy định của Hiến pháp nước này vì: (1) Lô SC 57 nằm hoàn toàn trong lãnh thổ của Philippines, không có tranh chấp với phía Trung Quốc nên theo quy định của pháp luật Philippines về khai thác dầu khí, lô SC 57 không thể là đối tượng để thực hiện việc khai thác chung. (2) Đối với lô SC 72 (GSEC101), nếu Philippines quyết định tiếp tục hợp tác khai thác chung với Trung Quốc, họ sẽ tự tước bỏ lợi ích của mình mà PCA đã xác định trong vụ kiện Biển Đông và cũng vi phạm Hiến pháp Philippines. Quyền Chánh án Tòa án Tối Cao Philippines Antonio Carpio đã từng tuyên bố rằng, việc khai thác chung tại lô SC 72 là vi hiến.
Sự thận trọng của tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. trong thời gian quan phản ánh thực tế rằng, chính quyền của ông vẫn chưa tìm ra các giải pháp phù hợp cho những tình huống khó xử, nhất là khi nó liên quan đến vấn đề vi hiến. Thời gian tới, Philippines và Trung Quốc sẽ có các cuộc đối thoại tế nhị và đây cũng là cách mà chính quyền mới của Philippines muốn dùng để “trao đổi” các lợi ích kinh tế từ phía Trung Quốc trong khi vẫn phải củng cố lập trường chống lại các hành vi bành trướng và gây áp lực trên biển của Trung Quốc.
Tác động, ảnh hưởng đối với khu vực và Việt Nam
Hợp tác phát triển dầu khí chung của Trung Quốc với Philippines nằm trong chính sách “gác tranh chấp cùng khai thác” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, thực chất các khu vực mà Trung Quốc đề nghị hợp tác khai thác chung đều thuộc vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước khác. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã luôn gây sức ép với các nước có tranh chấp ở Biển Đông để triển khai chính sách này và họ đã thành công bước đầu khi triển khai được BCM với Philippines và thiết lập Cơ chế Đối thoại chung với Malaysia về Biển Đông vào tháng 10.2019[10] (tuy chưa có nhiều tiến triển như BCM của Philippines).
Tuy nhiên, việc các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông chấp nhận “gác tranh chấp cùng khai thác” có tác động không nhỏ tới cục diện an ninh khu vực nói chung cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam nói riêng. Chính việc hợp tác khai thác chung với Trung Quốc như thế này giúp Bắc Kinh đạt được thành công bước đầu trong tham vọng độc chiếm Biển Đông. Dựa trên thành công bước đầu đó, Trung Quốc sẽ dùng sức mạnh để ép các quốc gia còn lại phải thực hiện theo chủ trương này và như vậy nguy cơ các quốc gia tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc tại Biển Đông phải “gác tranh chấp cùng khai thác” các nguồn tài nguyên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa của chính mình với Trung Quốc là rất lớn.
Nói tóm lại, những gì mà Tổng thống Philippines Marcos Jr. thể hiện từ khi nhậm chức tới nay cho thấy, Philippines đang có có bước đi thận trọng trong việc định hình chính sách đối ngoại theo hướng cân bằng với các nước lớn và khu vực, nhất là trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy, Philippines không dễ để vừa có thể giữ được mối quan hệ đồng minh khăng khít lâu đời với Mỹ, vừa có thể kết thân với Trung Quốc bởi Mỹ – Trung đang ngày càng cạnh tranh gay gắt trên mọi mặt trận. Do vậy, triển vọng về hợp tác khai thác dầu khí chung giữa Philippines và Trung Quốc trong thời gian ngắn trước mắt còn khá nhiều gian nan.
Tác giả: Nguyên Long
Tài liệu tham khảo
[1] Philippines gọi là “biển Tây Philippines”.
[2] Phát biểu của cựu Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. vào ngày 23/6/2022 tại lễ kỷ niệm 124 năm ngày thành lập Bộ Ngoại giao Philippines (https://globalnation.inquirer.net/204761/locsin-says-ph-china-oil-and-gas-talks-terminated-completely).
[3] Thông cáo báo chí chung của cuộc họp lần 2 về BCM (https://dfa.gov.ph/dfa-news/dfa-releasesupdate/15562-second-meeting-of-the-philippines-china-bilateral-consultation-mechanism-on-the-south-china-sea)
[4] Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chứng kiến lễ ký kết MOU giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines của ông Tập (https://www.philstar.com/headlines/2018/11/20/1870271/philippines-china-ink-mou-oil-and-gas-development)
[5] Tuyên bố chung vể BCM lần thứ 4 (http://ph.china-embassy.gov.cn/eng/zfgx/zzgx/201904/t20190403_1336129.htm
[6] Tuyên bố chung về BCM lần thứ 5 (https://dfa.gov.ph/dfa-news/dfa-releasesupdate/24872-joint-press-release-fifth-meeting-of-the-philippines-china-bilateral-consultation-mechanism-on-the-south-china-sea)
[7] https://www.fmprc.gov.cn/eng/wjbxw/202105/t20210522_9134173.html
[8] https://www.reuters.com/article/philippines-china-southchinasea-energy-idUSL1N30714N
[9] https://www.gmanetwork.com/news/topstories/nation/837210/china-phl-relationship-turned-a-new-page-with-marcos-as-president-chinese-foreign-minister-wang-yi/story/
[10] https://www.reuters.com/article/us-china-malaysia-idUSKCN1VX0JN