Sau hơn 73 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2023), và 15 năm thiết lập quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã duy trì đà phát triển ổn định và ngày càng sâu rộng trên toàn bộ các lĩnh vực. Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam tháng 12/2023, hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận với kỳ vọng sẽ mở ra những cơ hội mới trong quan hệ hai nước. Liệu hợp tác kinh tế Việt – Trung có những cơ hội nào và Việt Nam cần lưu ý điều gì khi hợp tác với Trung Quốc?
Quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc hiện tại
Với truyền thống quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” cùng phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, mối quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nhà nước đã và đang diễn ra tốt đẹp, đặc biệt sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tháng 12 vừa qua, mối quan hệ giữa hai nước được kỳ vọng sẽ ngày càng sâu sắc.
Trong quan hệ kinh tế nói riêng, Trung Quốc và Việt Nam là đối tác kinh tế tốt của nhau, hợp tác cùng có lợi, hai nước không ngừng hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng… Hợp tác giữa hai quốc gia đã đạt được nhiều thành tựu đang chú ý.
Thứ nhất, hợp tác thương mại song phương duy trì đà tăng trưởng ổn định bất chấp những khó khăn do đại dịch và suy thoái kinh tế. Quy mô xuất nhập khẩu giữa hai nước đã vượt 100 tỷ USD từ năm 2018. Năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 175,6 tỷ USD tăng 5,47% so với năm 2021. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 155,7 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam tăng 6% so với cùng kỳ[1].
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam Trung Quốc giai đoạn 2018-2023. Nguồn: Tổng cục Thống kê[2]
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong 20 năm liền. Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Trung Quốc là thị trường quan trọng của nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lục của Việt Nam như điện thoại, linh kiện máy vi tính, các sản phẩm điện tử, nông sản… Hiện nay, trong số nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, thị trường Trung Quốc chiếm 95% sản lượng sầu riêng, 90% sản lượng sắn, gần 90% sản lượng vải và 80% sản lượng thanh long xuât khẩu của Việt Nam. Những số liệu trên đã cho thấy tầm quan trọng của thị trường này.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN từ năm 2016. Việt Nam từ đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc (tính theo quốc gia) năm 2020 đã vươn lên vị trí thứ 4 năm 2023 (sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc).
Thứ hai, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có những điểm sáng. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam có những dấu hiện tích cực trong những năm gần đây. Trung Quốc đã trở thành quốc gia có nguồn vốn FDI lớn thứ 3 sau Singapore và Nhật Bản. Chỉ riêng 11 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã rót 3,96 tỷ USD vào Việt Nam. Hiện Trung Quốc đứng thứ 6/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 4.161 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 27 tỷ USD[3].
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu, vẫn còn những hạn chế và thách thức giữa hai quốc gia cùng trong mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương.
Một là, mất cân bằng cán cân thương mại. Cán cân thương mại Việt – Trung luôn nghiêng về Trung Quốc và vẫn đang tiếp tục gia tăng. Năm 2022, Việt Nam nhập siêu ở mức kỷ lục 60,1 tỷ USD, tăng 10,18% so với năm 2021[4]. Việc nhập siêu khiến Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng thường xuyên gặp nhiều biến động do các chính sách kiểm soát biên giới của Trung Quốc, dẫn đến việc ách tắc hàng hóa ở biên giới trong một số thời điểm nhất định, làm giảm chất lượng và số lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm nông sản.
Hai là, chất lượng các dự án đầu tư FDI chưa cao. Nhiều dự án đầu tư, nhận thầu của Trung Quốc tại Việt Nam chưa đặt được hiệu quả cao trong việc thi công, thường chậm tiến độ, dẫn đến đội vốn. Ví dụ, dự án Metro Cát Linh – Hà Đông, theo điều khoản ban đầu của hợp đồng, nhà thầu Trung Quốc phải hoàn thành công trình trong vòng 48 tháng kể từ năm 2010, tuy nhiên thực tế đến tháng 11/2021, công trình mới được chấp thuận đủ điều kiện bàn giao và khai thác. Thời gian xây dựng kéo dài khiến dự án đội vốn hơn 100% so với tổng mức đầu tư ban đầu, tương ứng với 9,200 tỷ đồng[5].
Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới
Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam trong hai ngày 12-13/12/2023 vừa qua đã mở ra những kỳ vọng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và hợp tác về kinh tế nói riêng. Đặc biệt trong 36 thỏa thuận được ký kết giữa hai quốc gia, 2/3 số thỏa thuận liên quan đến hợp tác kinh tế – đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng…[6] đã thể hiện tinh thần quyết tâm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới.
Những ý chính trong Tuyên bố Chung mới nhất về hợp tác kinh tế
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt nam từ ngày 12-13/12/2023. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã đạt những thành công to lớn, trong đó, “Tuyên bố chung của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về làm sâu sắc và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện và xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” cùng 36 văn kiện được ký kết trong nhiều ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương đã tạo nên một khuôn khổ quan hệ lâu dài, cũng như làm phong phú các nội dung hợp tác giữa hai quốc gia.
Tuyên bố Chung đã nêu ra một số lĩnh vực hai bên nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác:
(1) Cùng xây dựng “Hai hành lang, một vành đai” cũng như “Vành đai và Con đường”
Hai bên nhất trí tăng cường kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước, thực hiện tốt “Kế hoạch hợp tác kết nối giữa khuôn khổ Hai hành lang, một vành đai với Sáng kiến Vành đai và Con đường giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đẩy mạnh hợp tác về cơ sở hạ tầng như đường bộ, cầu, đường sắt, viễn thông… trong dó có kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.
(2) Đầu tư
Tuyên bố chung nêu rõ: “Hai bên nhất trí triển khai tốt các khu hợp tác kinh tế – thương mại, trọng diểm tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh.
(3) Thương mại:
Hai bên nhất trí áp dụng các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng quy mô thương mại song phương theo hướng cân bằng, bền vững. Phát huy tốt vai trò của Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RECP), Khu vực Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác trên nhiều nền tảng để mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của nước này sang nước kia. Hai nước nhất trí tăng cường hợp tác trên lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, bảo đảm hài hòa về tiêu chuẩn hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước .
Phía Trung Quốc ủng hộ Việt Nam mở Văn phòng xúc tiến thương mại tại Trùng Khánh và Hàng Châu (Trung Quốc) để phát huy vai trò tích cực trong hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước. Đồng thời ủng hộ các doanh nghiệp đường sắt hai nước tăng cường hợp tác gia tăng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.
(4) Tài chính tiền tệ
Hai bên đồng thuận tiếp tục tăng cường giao lưu, hợp tác giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và giữa các cơ quan giám sát, quản lý tài chính của hai nước; ủng hộ hai bên đi sâu vào hợp tác tại Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, cung cấp hỗ trợ về vốn do các dự án theo chiến lược, chính sách và quy trình của Ngân Hàng.
(5) An ninh lương thực và phát triển xanh
Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi kỹ thuật nông nghiệp, chế biến nông sản, nông nghiệp carbon thấp, nông nghiệp số, nông nghiệp xanh, bảo vệ đất và nguồn nước trong đó có tổ chức đối thoại chính sách cấp cao về sử dụng bền vững tài nguyên nước xuyên biên giới, cùng nhau tích cực tham gia và xây dựng quan hệ đối tác hợp tác năng lượng sạch toàn cầu.
Những triển vọng cụ thể
Thứ nhất, hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là một lĩnh vực quan trọng được hai nước ưu tiên khi nằm đầu tiên trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai quốc gia trong Tuyên bố chung. Cơ sở hạ tầng là lĩnh vực cốt lõi trong Sáng kiến thế kỷ “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia phát triển nhất trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu và tốc độ phát triển của đất nước. Việc hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, trong đó có hạ tầng giao thông và hạ tầng sản xuất là nền tảng để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam – Trung Quốc trong các lĩnh vực khác như thương mại và đầu tư. Một Việt Nam với cơ sở hạ tầng chất lượng cao tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa cho xuất nhập khẩu và nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho cả hai nước. Trong đó, hợp tác phát triển đường sắt kết nối giữa hai quốc gia sẽ được hai nước chú trọng. Tuyên bố chung đã nêu rõ hai nước sẽ thúc đẩy kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và nghiên cứu về các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng – Hà Nội, Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng.
Thứ hai, hợp tác về đầu tư. Trung Quốc nhận định rằng Việt Nam có vị trí đặc biệt quan trọng trong chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và các nước khác, nhất là các sản phẩm điện tử và dệt may. Theo ông Gu Xiaosong, chuyên gia về Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Nhiệt đới Hải Nam, Trung Quốc có một lượng lớn nguyên liệu, linh kiện xuất khẩu sang Việt Nam để chế biến, thành phẩm sau đó được xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu và những nơi khác. Các nhà đầu tư Trung Quốc để ý Việt Nam bởi vị trí địa lý tiếp giáp với nhau và thị trường Việt Nam mở với việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các đối tác rộng lớn như EVFTA, CPTPP, RCEP…. Cùng với đó, Trung Quốc cũng nhận ra Việt Nam đã có những lợi thế so sánh nhất định trong các ngành công nghiệp, phù hợp với xu hướng chuyển giao chuỗi công nghiệp của Trung Quốc, từ đó tạo nên sự chủ động đầu tư sang thị trường Việt Nam để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của sản phẩm.
Thứ ba, hợp tác về thương mại. Trung Quốc với quy mô dân số lớn thứ 2 thế giới với thị trường hơn 1,3 tỷ người, có nhu cầu tiêu dùng rất lớn và Việt Nam với thị trường kinh tế mở với nhiều FTA quan trọng, sẽ tạo điều kiện cho thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng trưởng. Cùng với vị trí địa lý thuận lợi, Trung Quốc và Việt Nam cùng chung các khuôn khổ hợp tác như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN (CAFTA),… tạo điều kiện thuận lợi cho gia tăng hoạt động trao đổi thương mại giữa hai nước. Trong “Báo cáo chuyên đề quốc tế: Làm thế nào Trung Quốc và Việt Nam có thể đại được hợp tác kinh tế và thương mại cùng có lợi trong khuôn khổ RCEP” của Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), nhóm tác giả cũng đã đưa ra nhưng khuyến nghị rằng Trung Quốc nên chủ động mở rộng nhập khẩu các mặt hàng lợi thế của Việt Nam và chủ động tăng cường đầu tư trực tiếp vào Việt Nam để khai thác các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, bổ sung cho nền kinh tế Trung Quốc[7].
Thứ tư, hợp tác về phát triển bền vững. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có những mục tiêu về phát triển bền vững là đạt mức phát thải ròng lần lượt vào năm 2050 và 2060. Trung Quốc là nước sử dụng than lớn nhất thế giới nhưng cũng là nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Trung Quốc đạt 2,7 nghìn tỷ kWh vào năm 2022, chiếm 31,6% tổng lượng điện tiêu thụ của cả nước. Các doanh nghiệp về năng lượng tái tạo của Trung Quốc phát triển mạnh, riêng lĩnh vực điện gió, các nhà sản xuất Trung Quốc đã chiếm gần 60% công suất lắp đặt trên toàn cầu trong năm 2022. Trong số 15 công ty hàng đầu thế giới về điện gió, Trung Quốc có 10 công ty, chiếm hơn 56% thị phần lắp đặt điện gió của toàn thế giới.[8] Việt Nam cũng có những lợi thế lớn để phát triển năng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Việc hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực của mình trong lĩnh vực này, đồng thời, tạo điều kiện để cả hai nước hướng đến hiện thực hóa mục tiêu trung hòa Carbon của mình. Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực phát triển xanh giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của Chủ tịch Tập tới Việt Nam cũng đã thể hiện sự ưu tiên của hai chính phủ đồng thời thể hiện cam kết của hai nước về hợp tác thực chất trong tương lai.
Thứ năm, hợp tác giữa các địa phương. Là quốc gia láng giềng của nhau, hợp tác giữa các địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới có ý nghĩa quan trọng trong giao thương giữa hai nước. Do đó, đây sẽ tiếp tục là một trong những ưu tiên của hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác thực chất, đi vào chiều sâu giữa hai quốc gia. Tháng 11/2023, tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Việt Nam – Trung Quốc lần thứ X (gồm: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh của Việt Nam và Vân Nam của Trung Quốc), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác “Hai hành lang một vành đai” nói chung và hợp tác trong tuyến hành lanh kinh tế 5 tỉnh trong đó nhấn mạnh đến việc hợp tác nang cấp kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, du lịch và đi lại giữa hai nước[9].
Trong 36 văn kiện được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên cũng đã xây dựng các kế hoạch hợp tác giữa các địa phương hai nước bao gồm: “Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng Cộng sản Việt Nam và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung Quốc về làm phong phú hơn nữa nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc” và “Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 – 2026 triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại.”[10]
Thứ sáu, hợp tác phát triển kinh tế số. Giáo sư Lưu Anh của Viện Nghiên cứu kinh tế Trùng Dương, thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá tiềm năng hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam trong các lĩnh vực kỹ thuật số là rất lớn. Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế số lớn nhất thế giới với nhiều thành tựu về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, số hóa các ngành kinh tế, ứng dụng công nghệ vào các ngành kinh tế… Trong khi đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển nền kinh tế số quốc gia, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp được tốc độ số hóa trến thế giới. Thông qua hợp tác với một quốc gia đi đầu như Trung Quốc, Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm và tận dụng năng lực của Trung Quốc để nâng cao sự phát triển trong nền kinh tế số của mình.
Trung Quốc và Việt Nam có thể hợp tác trong các lĩnh vực sau: (1) xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số bao gồm các trung tâm dữ liệu, mạng 5G,… (2) sản xuất thông minh ví dụ như Internet công nghiệp, robot và sản xuất an toàn… (3) phát triển các tiêu chuẩn số, hệ thống số và (4) đào tạo nhân tài số. Ông Hứa Lợi Bình, nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nói rằng Trung Quốc có kinh nghiệm, tài năng, lợi thế công nghệ trong chuyển đổi và nâng cấp công nghiệp, đồng thời Trung Quốc và Việt Nam có thể thực hiện hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực như truyền thông thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT)[11].
Nhân chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Việt Nam, hai nước đã ký kết “Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc” và “ Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế số và dữ liệu số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Quản lý Dữ liệu quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” nhằm cụ thể hóa các kế hoạch hợp tác của hai nước trong tương lai về lĩnh vực kinh tế số.
Thứ bảy, hợp tác về nông nghiệp. Với quy mô nền kinh tế lớn cùng quy mô dân số lớn,nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng. Một điểm đáng chú ý là với lợi thế 2 nước láng giềng gần gũi, trị trường Trung Quốc thuận lợi cho các mặt hàng tươi sống của Việt Nam như rau quả, thủy sản… Hiện tại thị trường Trung Quốc rất quan trọng đối với nông sản Việt, nhiều sản phẩm chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Do đó, việc hợp tác giữa hai nước về thương mại nông sản chắc chắn sẽ được quan tâm để đảm bảo sự ổn định của thị trường hai nước. Ngoài ra, theo Tuyên bố chung vừa qua, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực trồng trọt, chế biến nông sản.
Những đề xuất đối với Việt Nam
Phát triển hợp tác kinh tế với Trung Quốc sâu rộng trên mọi lĩnh vực là phương hướng tất yếu để nâng cao giá trị lợi ích kinh tế cho Việt Nam, đồng thời làm tốt đẹp quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung. Để thực hiện điều đó, không thể thiếu đi sự hỗ trợ từ chính phủ hai bên. Theo bà Ye Yan, Ban Thư ký Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh và đầu tư Trung Quốc – ASEAN (CABIS), giải pháp để tăng cường hợp tác song phương kinh tế và đầu tư giữa hai nước là tích cực phát huy vai trò của cơ quan xúc tiến thương mại, thúc đẩy các kênh hợp tác công nghiệp[12]. Tuy nhiên, đi đôi với đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước, Việt Nam cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
Trong lĩnh vực đầu tư
Đối với đầu tư, số lượng cần đi đôi với chất lượng. Cùng với thu hút vốn đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam cũng cần lưu ý kiểm soát hiệu quả và cải thiện chất lượng của dòng vốn này. Một số doanh nghiệp Trung Quốc thường đầu tư vào các lĩnh vực ít mang lại giá trị gia tăng cao, lại dễ gây ô nhiễm môi trường như khai khoáng, hóa chất, dệt may… Do đó, Việt Nam cần phải có chọn lọc trong việc lựa chọn các dự án đầu tư, phù hợp với bối cảnh và định hướng nền kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam cũng cần lưu ý khi nhận đầu tư từ Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhất là các rủi ro về làm gia tăng nợ công, chuyển đổi công nghệ lạc hậu, thiếu minh bạch trong đấu thầu và hiệu quả dự án thấp. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư trong phát triển nền kinh tế, Việt Nam phải có những hành động thực tế, chủ động đốc thúc và thiết lập các biện pháp để tăng tốc độ giải ngân của dự án, không để các dự án chậm tiến độ, đội vốn, làm giảm chất lượng thi công.
Cùng với đó, Trung Quốc thường đưa lao động từ nước họ sang để làm việc trong các dự án đầu tư FDI. Việc kiểm soát tỷ lệ lao động Trung Quốc trong doanh nghiệp là cần thiết, điều này vừa tạo điều kiện cho lao động Việt Nam, giúp khai thác tốt hơn nguồn vốn FDI và đặc biệt là đảm bảo an ninh cho khu vực nhận đầu tư.
Ngoài ra, kể từ cuộc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, khi Mỹ áp đặt mức thuế nhập khẩu cao đối với hàng hóa từ Trung Quốc, các doanh nghiệp Trung Quốc đã gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ. Việt Nam, nước láng giềng với Trung Quốc có mối quan hệ thương mại tốt với Mỹ, nhất là vừa qua, hai bên đã nâng cấp lên quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”, trở thành thị trường tiềm năng được các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm mở rộng cơ hội. Do đó, Việt Nam cũng cần lưu ý đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc, tránh để Việt Nam ở thành điểm đến để các doanh nghiệp Trung Quốc làm bàn đạp, gian lận xuất xứ để xuất khẩu sang Mỹ, làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam và quan hệ hợp tác Việt – Mỹ.
Trong hợp tác thương mại
Trong thương mại, Việt Nam phải nỗ lực nâng cao chất lượng Thương mại với Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam cần chú trọng cải thiện cán cân thương mại Việt-Trung. Để giảm bớt thâm hụt thương mại, Việt Nam cần cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng Việt Nam có ưu thế.
Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính mà đang hướng tới các tiêu chuẩn cao, đặc biệt là trong sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam cần chủ động nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc… từ đó chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đón đầu các quy định để nâng cao hiệu quả xuất khẩu sản phẩm.
Đồng thời, các cơ quan chính phủ cũng cần tích cực đàm phán, tháo gỡ những khó khăn cùng với chính quyền Trung Quốc, hạn chế việc ùn tắc hàng hóa ở cửa khẩu biên giới Việt-Trung. Chẳng hạn đối với các sản phẩm nông nghiệp, Việt Nam cần tăng cường đàm phán với nước bạn để ký kết sớm những quy định chung về kiểm dịch động thực vật, từ đó chuẩn hóa các sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam, hạn chế tình trạng bị từ chối do không đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường.
Áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc ngày càng lớn khi có nhiều nước cũng tập trung khai thác thị trường quan trọng này. Do đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp cần nắm bắt rõ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp để hàng hóa xuất khẩu thuận lợi; trong đó cần quan tâm ưu tiên hàng đầu tới nâng cao chất lượng sản phẩm và chú trọng chuyển đổi xuất khẩu từ hình thức tiểu ngạch sang chính ngạch. Đây là xu thế tất yếu, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa bắt buộc phải thay đổi và thích ứng.
Đối với nhập khẩu, Việt Nam phải tăng cường kiểm soát chất lượng hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm, tránh để hàng hóa chất lượng thấp, thực phẩm không an toàn tràn lan vào thị trường. Đồng thời, hàng hóa Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, bắt mắt và giá rẻ sẽ là đối thủ cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước. Việt Nam cũng cần có những biện pháp cân bằng giữa việc gia tăng thương mại với Trung Quốc và bảo hộ sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa. Hơn nữa, trong bối cảnh Việt Nam đang theo đuổi chiến lược phát triển nền kinh tế chất lượng cao và bền vững, đòi hỏi chất lượng hàng hóa phải càng ngày càng có chất lượng cao, hạn chế phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ nước ngoài. Việc gia tăng kiểm soát chất lượng trong nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất là quan trọng và cần thiết.
Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 phát triển nhanh chóng và xu hướng số hóa các ngành kinh tế ngày càng phổ biển, Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới với Trung Quốc. Trung Quốc là một quốc gia phát triển mạnh về thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, thông qua hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới, Việt Nam có thể học hỏi được những kinh nghiệm đồng thời thúc đẩy hợp tác tài chính số, giúp phát triển các giải pháp thanh toán trực tuyến và nâng cao công nghệ tài chính của Việt Nam.
Phát triển nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự cường
Việt Nam cần xây dựng các kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự cường, hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục triển khai chính sách đa phương hóa, da dạng hóa thị trường, tận dụng các FTA hiện có để thúc đẩy hợp tác kinh tế sâu rộng với các nhiều đối tác khác còn nhiều dư địa để khai thác như EU, Úc, Canada, New Zealand, Chile, Mexico… đặc biệt cần tăng cường hợp tác kinh tế với các nước ASEAN để tạo nên một khu vực liên kết kinh tế vững mạnh. Cùng với đó, Việt Nam cũng có thể tìm kiếm và mở rộng hợp tác với các thị trường mới tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh, Trung và Tây Á để đa dạng thị trường xuất và nhập khẩu, tìm kiếm những cơ hội mới trong hợp tác với các nước này.
Nỗ lực phát triển kinh tế biển
Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển kinh tế biển. Việc phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Việt Nam và Trung Quốc vẫn còn những bất đồng do lịch sử để lại về chủ quyền trên Biển Đông. Một trong những nhiệm vụ để bảo vệ được chủ quyền quốc gia là tăng cường sự hiện diện của người Việt, các dự án Việt trên các vùng biển, đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các hoạt động kinh tế trên biển giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền xuyên suốt, chính đáng và hợp pháp tại khu vực Biển Đông.
Việt Nam cũng có thể thúc đẩy hợp tác kinh tế biển với các quốc gia khác trên thế giới, thông qua việc đặt lợi ích của các bên thông qua giá trị kinh tế ở Biển Đông, các nước khác sẽ quan tâm đến Biển Đông, Việt Nam có thể tuyên truyền về chủ quyền quốc gia và kêu gọi sự ủng hộ từ các đối tác. Đồng thời, sự tham gia của nhiều bên tại Biển Đông sẽ góp phần kiềm chế Trung Quốc trong những hành động xâm lấn, bành trướng tại đây.
Tổng kết, hợp tác kinh tế Việt-Trung đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết, cùng với những vấn đề an ninh chính trị, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc đan xen lợi ích và rủi ro chiến lược. Do đó, trong thời gian tới, trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Việt Nam phải chủ động theo phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh” để đảm bảo lợi ích cho quốc gia[13].
Tác giả: Thi Thi
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Nghiên cứu Chiến lược. Vui lòng không sao chép khi chưa được phép. Mọi trao đổi học thuật và các vấn đề khác, quý độc giả có thể liên hệ với ban biên tập qua địa chỉ mail: [email protected]
Tài liệu tham khảo:
[1] Hải Vân, Thanh Trang (2023), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam, Báo Điện Tử Đài Truyền Hình Việt Nam, https://vtv.vn/kinh-te/trung-quoc-tiep-tuc-la-doi-tac-thuong-mai-so-1-cua-viet-nam-20231214145004971.htm
[2] Đỗ Văn Huân, Quan hệ đầu tư, thương mại, du lịch Việt Nam – Trung Quốc, VNEconomy, https://vneconomy.vn/quan-he-dau-tu-thuong-mai-du-lich-viet-nam-trung-quoc.htm
[3] Trúc Thanh lê (2023), Vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam gia tăng về giá trị, đa dạng về ngành nghề và lĩnh vực, Trang Ngoại Giao Kinh Tế Trực Tuyến – Bộ Ngoại Giao Việt Nam, https://ngkt.mofa.gov.vn/von-dau-tu-tu-trung-quoc-vao-viet-nam-gia-tang-ve-gia-tri-da-dang-ve-nganh-nghe-va-linh-vuc/
[4] Vũ Dung (2022), Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc, Báo Quân đội Nhân dân, https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-day-hop-tac-kinh-te-thuong-mai-viet-nam-trung-quoc-755056
[5] Ánh Tuyết (2021), Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông: “Đội vốn” 9.200 tỷ, chưa hẹn ngày khai thác, VNEconomy, https://vneconomy.vn/du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-doi-von-9-200-ty-chua-hen-ngay-khai-thac.htm
[6] Hương Giang, Trọng Phú, “Việt Nam và Trung Quốc đã có một Tuyên bố chung dài nhất trong lịch sử”, Báo Điện tử VOV, https://vov.vn/chinh-tri/viet-nam-va-trung-quoc-da-co-mot-tuyen-bo-chung-dai-nhat-trong-lich-su-post1065550.vov
[7] 蔡荣, 国际专题报告 | RCEP框架下中越经贸如何合作共赢?, 北大汇丰智库国际组, https://thinktank.phbs.pku.edu.cn/2022/zhuantibaogao_0615/80.html
[8] Thái Bình, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo, Báo điện tử VTV, https://vtv.vn/kinh-te/trung-quoc-dan-dau-the-gioi-ve-nang-luong-tai-tao-20230822105613119.htm
[9] Tùng Linh (2023),
Quan hệ hợp tác Việt Nam – Trung Quốc sẽ có những bước phát triển vững chắc trong thời gian tới, Bộ kế hoạch và Đầu tư, https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2023-11-14/Quan-he-hop-tac-Viet-Nam–Trung-Quoc-se-co-nhung-bl9vrh7.aspx
[10] Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, “Việt Nam và Trung Quốc ký 36 văn bản thỏa thuận hợp tác”, https://abei.gov.vn/hoat-dong-su-kien/viet-nam-va-trung-quoc-ky-36-van-ban-thoa-thuan-hop-tac/108317
[11] Vietnamplus, “Hợp tác kinh tế, thương mại Trung Quốc – Việt Nam đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước”, https://www.vietnamplus.vn/hop-tac-kinh-te-thuong-mai-trung-quoc-viet-nam-dem-lai-loi-ich-cho-nhan-dan-hai-nuoc-post915605.vnp
[12] Huy Dương (2023), ,Xúc tiến thương mại và giao thương Việt Nam – Trung Quốc, Bộ Công Thương Việt Nam, https://moit.gov.vn/tin-tuc/xuc-tien-thuong-mai/xuc-tien-thuong-mai-va-giao-thuong-viet-nam-trung-quoc.html
[13] Bùi Thị Thi (2022), Quan Hệ Kinh Tế Liên Bang Nga – Trung Quốc Giai Đoạn 2012-2021: Thực Trạng, Triển Vọng Và Hàm Ý Chính Sách Cho Việt Nam.